13/04/2013


Tình nghĩa thầy trò
 Nguyễn Thị Cúc (1967-1974)

Tuổi học trò.


N
gày tôi vào lớp vỡ lòng, mẹ tôi dẫn tôi đến lớp học là mái đình ấp Phước Hựu (thuộc xã Tam Phước, huyện Châu Thành ngày nay). Lớp học đủ cấp cỡ: vỡ lòng, lớp hai, lớp ba. Khi rời trường làng Thạnh Hựu, tôi chỉ biết viết vài vần, chữ cái gì đó. Việc đi lại ở vùng quê sau năm 1960 rất khó khăn! Cha mẹ tôi quyết định tìm nhà trọ cho ba chị em tôi ở học tại tỉnh lỵ.
Ngày đầu tiên xuống tỉnh, sau khoảng 8km ngồi xe đạp, cha tôi chở tôi đến trường. Cha tôi đã liên lạc trước và tôi được vào lớp ba. Cha tôi ngồi ngoài lớp suốt buổi, chờ đưa tôi về nhà trọ cho quen đường. Cô giáo Biếc thấy cha tôi nhà quê luôn “khúm núm dạ thưa” trước cô giáo khác và các phụ huynh ở tỉnh nên cô cũng thương tôi và tôi cố gắng để được đứng hàng thứ ba trong lớp hàng tháng. Cứ mỗi buổi tan lớp, cô bảo tôi ghé nhà cô. Cái hương vị viên “xá xị” sủi bọt tan trong nước cô thường cho tôi uống ngày ấy sao mà ngon đến lạ thường! Việc học của tôi cứ thế suôn sẻ. Có năm, tôi lãnh được hai phần thưởng. Cô Huệ, cô Bá là những giáo viên lớp nhì, lớp nhất của tôi.
Chuyển sang trung học, tôi được biết nhiều thầy cô hơn. Tình cảm thầy trò cũng đậm đà hơn trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, cắm trại... Rồi những năm trung học đệ nhị cấp đến cũng rất nhanh. Thầy trò càng quí nhau hơn ở những năm cuối cấp chuẩn bị thi tú tài phổ thông. Thầy Liêm, thầy Quế, thầy Thanh ráo riết ôn luyện cho chúng tôi. Thầy Thanh tìm những bài toán trên báo đưa chúng tôi tập giải. Khi có kết quả thi, lớp chúng tôi đậu nhiều và điểm khá cao, thầy trò mừng vui hớn hở!
Rồi mỗi đứa một nơi, đứa vào đại học, đứa có gia đình riêng. Xa cách mấy mươi năm vì cuộc sống, vì gia đình riêng, thầy trò tìm về gặp lại nhau. Vui ghê lắm! Xúc động bồi hồi lắm! Kể cả những thầy mà mình không học ngày nào cũng gần gũi làm sao!
Mấy mươi năm, thầy trò gặp lại. Những mái đầu đều bạc như nhau! Cái quí nhất ở đây không phải là những buổi tiệc họp mặt ăn uống mà đằng sau đó là những công việc “vì đàn em thân yêu”.
Cô Ngọc Mai là người đứng ra cùng một số thầy cô lập “Hội Bảo Trợ trẻ em không cha mẹ”. Những khoản tiền nầy có từ đâu? Từ những người thầy cô đã về hưu mà người nào cũng mang ít nhiều bệnh tật.
Thầy Bùi Văn Trọng đã hơn 70 tuổi, nghe em sinh viên nhà nghèo mới đậu vào Trường Y khoa nhận trợ cấp để em học đến khi ra trường. Nghe một em học sinh cấp 3 nghèo có nguy cơ bỏ học, thầy bảo cứ giúp em ấy đi. “Mỗi tháng thầy cắt tóc một lần tốn 20 dollars. Thầy sẽ giảm đi, hai tháng cắt một lần, dành 20 dollars cho 1 học sinh nghèo.”
Thầy Trương Thành Nghĩa đã 70 tuổi, cũng nhận nuôi 1 sinh viên cho đến khi ra trường. Còn biết bao nhiêu những tấm lòng. Cô Lan, thầy cô Phu, thầy Tam Nhiều...đều là những thầy cô giáo già về hưu, không phải là những doanh nhân thành đạt cần quảng cáo giới thiệu tên tuổi, thương hiệu.
Cái nghĩa thầy trò, lòng tôn sư trọng đạo thời chúng tôi là như thế! 

No comments:

Post a Comment