10/04/2013


            Hoài niệm lá chuối
Phan Lữ Hoàng Hà

Từ nào giờ, chuối lá luôn áo trên mình hình thức bình dân, không kiêu sa, màu mè như chuối cau, chuối sứ, chuối già…Tuy nhiên, với chuối lá…



Ông bà ngoại tôi sống nghề nông. Trước năm 1970, sau nhà ông bà luôn có nuôi hai con heo, khoảng 6 tháng mới bán một lần, bán rồi lại tiếp tục nuôi thêm hai con khác.
            Đêm đêm, bà ngoại tôi thường ngồi xắt chuối cây trên bộ ván. Bên đóng  chuối cây vừa xắt, bà ngồi lựa từng lõm chuối trong một khoanh chuối, bỏ ra ngoài rồi đổ chuối cây vào cối quết. Bà tôi hay lắm, một mình bà vừa cầm chiếc chày vừa vùa chuối vào để quết bằng chân. Chuối quết xong, bỏ vào khạp ngâm nước, mỗi ngày bà vớt ra một ít, pha với cám, cho heo ăn. Nhưng ngộ nghĩnh hơn là…chiếc mùng cho heo ngủ. Bà tôi lấy nhiều tàu chuối khô, kết lại thành một chùm lớn, treo ở giữa chuồng để tối heo chui vào đó ngủ. Bà tôi nói, tàu chuối làm mùng cho heo ngủ phải là tàu chuối xiêm vì chuối xiêm mới dai, lá lâu bị rách nát. Chiếc mùng thiên nhiên này che cho heo được ấm vào mùa lạnh và bớt bị muỗi cắn trong đêm. Bây giờ, nuôi heo thời công nghiệp thì không còn thấy người ta cho heo ăn trộn với xác chuối cây và những chiếc mùng đó nữa.
            Ở chuồng gà vịt bên cạnh chuồng heo, trong các ổ để gà, vịt ấp, bà tôi lót bằng lá chuối khô chớ không lót bằng rơm rạ vì lá chuối khô ít có mạt (con mạt, cắn rất ngứa).
            Thời này, hầu hết bà nội trợ đi chợ đều xách giỏ, những bà mẹ quê ra chợ thì thúng gánh. Họ mua con cá, miếng thịt, mớ rau…đều được gói bằng lá chuối  tươi hoặc lá chuối khô, có sợi dây lát buộc tréo qua. Thực phẩm vừa mua, được gói bằng lá chuối nhưng coi vẫn lịch sự vì ai nấy đều xách giỏ khi đi chợ.

Bà mẹ quê bán bắp nấu

            Từ nào giờ, chuối lá luôn áo trên mình hình thức bình dân, không kiêu sa , màu mè như chuối cau, chuối sứ, chuối già…Má tôi nói: “ Phụ nữ mới sinh con rất cần nhiều sữa cho con bú. Buổi cơm sau sinh nở có thêm trái chuối thì mau lợi sữa. Tuy nhiên, phải dùng chuối lá hoặc chuối xiêm, nó hiền, chứ như ăn chuối sứ, chuối già... các loại chuối đó sẽ làm cho sản phụ ớn lạnh, ói liền”.
            Thời bao cấp, món điểm tâm của hầu hết dân lao động tại thị xã Bến Tre là gói xôi trên tay và kèm theo là ly xây chừng (cà phê đen). Lúc khoảng 8 giờ sáng, lúc người lao động rời quán lao vào cuộc mưu sinh, lá chuối từ những gói xôi lót lòng, vương vãi khắp sàn nền của các quán cà phê. Ăn xôi gói bằng lá chuối, độ ấm của xôi được giữ lâu, rất thú vị. Tương tự vậy, đổ bánh xèo, lót dưới những chiếc bánh xèo phải là lá chuối tươi chớ bằng miếng bao ny long cắt ra thì coi khô cứng, rất vô duyên. Một thời gian rất dài ở thời kỳ này, lá chuối thật tiện dụng, bán rất chạy, các bà mẹ quê gánh nông sản ra chợ nông thôn thị xã Bến Tre đều có kèm theo vài xấp lá chuối từ vườn nhà, mót mái thêm.
            Thời kỳ đổi mới kinh tế, túi xốp, bao ny long bắt đầu tràn ngập như bão tố; người đi chợ cũng lần lượt rời bỏ chiếc giỏ xách kềnh càng kia. Các nhân viên làm việc ở cơ quan, sau giờ tan tầm, túa ra thì đâm thẳng vào các chợ, mỗi thứ thực phẩm cần mua được người bán cho vào một túi xốp hay túi ny long. Vọt nhanh…
            Để hướng khách hàng tiêu dùng thân thiện với môi trường thiên nhiên, Siêu thị Co.op Mart Bến Tre là đơn vị tiên phong ở tỉnh chủ động ngày bán hàng bằng bao giấy thay cho túi xốp, bao ny long. Tuy nhiên, đây chỉ là ngọn nến leo lét, cháy lên một hai ngày rồi thôi; sự tiện dụng và thói quen của người tiêu dùng vẫn bị cuốn hút vào dòng chảy của bao bì thời hiện đại.
            Bà Ba, người có mấy mươi năm bỏ lá chuối cho các mối tại chợ phường 3, TP Bến Tre, nhớ lại: “Hai mươi năm trước, lá chuối bán chạy như…tôm tươi nhưng giờ đây đã rụng dần, rụng dần…Nhưng hiện giờ bà Ba vẫn sống được với “dịch vụ” bỏ lá chuối, bà nói: “Các mối bán lá chuối tại chợ Bến Tre hiện nay gom lại chỉ còn một hai người, ví như tôi, muốn mua lá chuối, ra đường Hùng Vương dưới chân cầu Bến Tre 1, hỏi bà Ba bán lá chuối là có liền…”. Vậy nên, ngày tết, giỗ chạp, người nào muốn gói bánh tét, bánh ít thì đều chạy ra mé sông bên chợ phường 2 tìm bà Ba.
            Bãi rác TP Bến Tre ở Phú Hưng rồi đây sẽ khó mở rộng thêm nữa. Và tôi chợt băn khoăn khi nghĩ đến núi bao túi xốp, ny long kia phải trên một thế kỷ mới phân hủy.

Lá chuối vẫn sống mãi với thời gian.

No comments:

Post a Comment