30/10/2013

Cũng trên chuyến xe lam ấy...

Sáu Quang




            Hàng năm, vào dịp Tết Đoan Ngọ ( mùng 5 tháng 5), chúng tôi, những cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, thường rủ nhau lên nhà anh Nguyễn Văn Ba (Ba On) tại Tiên Thủy, Châu Thành, ăn bánh xèo. Chúng tôi đi bằng xe lam, tiếng máy nổ rền rền, không nghe điện thoại được. Trong lúc đang ngồi trên xe, một người bạn điện thoại di động cho tôi, tôi nói rằng tôi đang đi xe, không nghe rõ, hồi sau hãy điện lại. Trong máy, tôi nghe loáng thoáng: “ Ông đang đi loại xe gì mà gọi không nghe được?”. Tôi cúp máy rồi nói với riêng mình: “ Xe lam, chắc bạn chưa biết loại…đồ cổ này đâu…”.
Năm nào cũng vậy, chị Ba On vui mừng, đổ bánh xèo đón khách là các bạn học sinh cũ của anh chị. Chúng tôi ăn bánh xèo trước sân nhà anh chị. Dù tuổi đã gần 60 hoặc có người ngoài 60 nhưng chúng tôi trò chuyện như… trẻ thơ, cười đùa khanh khách và nhắp rượu. Rượu của anh Ba On ngâm với nhiều vị dược thảo, rất ngon. Cái ngộ là năm nào cũng vậy, khi đang ăn bánh xèo, trời đang nóng nực, nhưng xế trưa, thì trời thường bất ngờ đổ mưa. Mưa rất lớn, mưa suốt trên đường về của chuyến xe lam chiều.
Sáng 30/10/2013, các cựu học sinh tụ họp trước cổng trường chuyên Bến Tre (Trường Trung học Kiến Hòa hồi đó) để lên chuyến xe lam, chuyến xe lam cũ mà tụi tôi thường lên Ba On ăn bánh xèo. Đúng bim 10 giờ đã có mặt thầy Trương Thọ Lương, anh Huỳnh Thanh Quang và các bạn nữ sinh cũ: Bạch Phượng, Nguyễn Thị Thẩm, Trần Thị Thanh, Ngọc Anh, Sáng Thanh và Ngọc Châu. Chúng tôi lên xe lam...Riêng chị Kim Anh, nhà chị tại xã Sơn Đông, chị chạy theo chiếc xe lam bằng chiếc Honda, rất cảm động... Chuyến xe lam vào cuối thu, dưới bầu trời nhiều mây thấp này không đi ăn bánh xèo mà đi dự đám tang của má anh Ba On, ôi buồn!
Má anh Ba On là cụ bà Nguyễn Thị Ngoan, 86 tuổi, từ trần lúc 3 giờ 30 ngày 28/10/2013, lễ động quan lúc 10 giờ 30 ngày 31/10/2013, chôn tại đất nhà xã Tiên Thủy….Đến dự đám tang, tôi thì thào với anh Ba On: “ Ba anh đã mất rồi giờ tới bà má. Và rồi, sẽ đến chúng mình…”. Anh Ba On giọng nhỏ nhẹ: “ Nhưng trước mắt, thời gian không xa lắm nữa đâu, tao sẽ…chống gậy, đón tụi bây lên Tiên Thủy chơi!”.

Chuyến xe lam về chốn cũ, âm vang nghe buồn buồn như báo thời gian đang ngắn lại.



28/10/2013

May nhờ rủi chịu
·        Tặng Nguyễn Nguyệt

Không tên

Minh họa: STh.

         
Tôi biết Nguyệt, đọc truyện của Nguyệt và muốn viết tặng Nguyệt câu chuyện này… Nhưng lưu ý, tôi không phải là nhân vật gieo neo “tai bay vạ gió” cho Nguyệt. Tôi không tên… Có thể là một ai đó khó đoán, vậy thôi.
Nguyệt nghĩ sao, có lạ không, khi có người đồng cảm, chia sớt với Nguyệt từ một câu chuyện tình lỡ làng vào cuối thời học trò áo trắng như Nguyệt đã kể? Có gì đâu, câu chuyện tôi sắp kể ra đây cũng chỉ là một phiên khúc khác, dành tặng Nguyệt mà thôi…
Tôi không như Nguyệt hay lên Đà Lạt chơi như lên đồng, như Nguyệt tự sự… Tôi chọn một cung cách tỉnh và chủ động hơn, như mẹ tôi khuyên: “Khi biết hôn nhân trắc trở, hãy chủ động nói ngay lời chia tay, đường ai nấy đi. Tiếc nuối, níu kéo, hàn gắn để làm gì. Nước tràn ly hốt lại được đâu”. Lời mẹ tôi là trải nghiệm tình trường, nên tôi tin, dù đôi khi tôi cũng không muốn tin… Nguyệt biết cho, mẹ tôi được tiếng đẹp người, đẹp nết, công dung ngôn hạnh… nhưng cuộc đời bà không đẹp lắm. Bà nghĩ sai lầm trong đời bà thuở đó là không dám cưỡng chống mệnh lệnh của hai gia đình môn đăng hộ đối… Để rồi bà phải trả quả, và bây giờ tôi phải tránh lối mòn bà đã đi qua…
Quả thật, Nguyệt biết không, khi tôi nói ra lời mẹ khuyên, bạn tình tôi không thể phản ứng khác hơn là im lặng, theo quán tính lãnh cảm vốn có của con người... Nhưng không sao, bởi dù sao nguyên nhân không phải từ bên tôi, mà là bên bạn tình tôi và họ hàng bên họ. Nói ra được lời chia tay, tôi như trút được một nửa nỗi lòng cay đắng, chỉ còn lại một nửa đeo đẵng mãi trong tâm tưởng không nguôi ngoai… Nếu cần hình dung tôi giải tỏa phần nỗi lòng bức bối còn lại như thế nào thì Nguyệt hãy nghĩ theo hướng tích cực nhất, chủ động nhất, mà tôi nghĩ là tùy nghi bản lĩnh của mỗi người.
Như thế này, sau lời chia tay bạn tình, thực chất chỉ vì mượn cớ môn đăng hộ đối và nhiều viễn cảnh bày ra trước mắt… Năm đó, bạn tình tôi ra đi theo chương trình đoàn tụ gia đình ODP, và tung ra lời đồn là sẽ đi cùng với một gia đình thông gia, đã sắp sẵn lễ cưới ở Texas, khi sang bên bển… Trước cú sốc đó, và trong hoàn cảnh gia đình ly tan, khánh kiệt, hai mẹ con tôi không ngại ngần quyết định đăng ký đi kinh tế mới… Khi quyết định, mẹ hỏi tôi: “Liệu hai mẹ con mình có kham nổi cuộc sống mới, ở vùng đất mới đó không… ?”. Tôi vốn tính bộc trực tự tin, trấn an mẹ: “Chỉ có hai mẹ con thì chắc rồi sẽ ổn, đâu vào đó thôi…”. Những ngày sau đó, mẹ và tôi xem như đã dấn bước ly hương, lìa bỏ quê nhà một thời êm đềm thân thương, là nơi “chôn nhau cắt rún”… 
Quả nhiên, buổi ban đầu đến vùng đất mới thật khốn đốn, chật vật, y như cảnh tượng sống động trong truyện Ruồi trâu dành cho lớp trẻ dạo đó… Vậy mà chỉ chừng vài năm sau, Nguyệt biết không, mẹ và tôi rồi cũng vượt qua bao cơ cực, lập được một mảnh vuờn trà, cà phê, một ngôi nhà nho nhỏ trên triền đồi, đúng hướng đông nam, mà tôi cũng liệu chừng đó cũng là hướng nhìn về ngôi nhà cũ, có giàn cổng gỗ hoa hoàng anh, hướng về phương tây bắc…
Hồi ba tôi còn ở nhà, hay lục đục, dữ dằn, thô lỗ với mẹ, đến nỗi phải ly thân và sau đó ly dị, và đi biền biệt làm gì, ở đâu, cả nhà nội tôi cũng không ai biết, xem như ông mất tích… Và điều đó trở thành một dấu hỏi lớn trong lý lịch của mẹ và tôi... Còn nhà ngoại thì cũng không ai vui vẻ gì với gia cảnh của hai mẹ con tôi vì “bỏ thì thương, vương thì tội”… Từ đó, mẹ tôi càng lạnh nhạt với cả họ hàng nội ngoại, chăm chỉ với nghề thêu thùa thiên phú để làm kế sinh nhai nuôi tôi ăn học… Mấy bà bạn hàng xóm dị đoan khuyên nên đổi hướng nhà sẽ yên ổn gia đình hơn, nhưng mẹ tôi không ưng, thật ra là vì tiền đâu mà sửa, mà có sửa thì ba tôi cũng đã đi đâu mất rồi, gia cảnh tan tác rồi, sửa mà chi…
Rồi một ngày kia, viên trưởng thôn chạy đôn chạy đáo đến từng nhà thông báo có phái đoàn ủy lạo đồng bào đi kinh tế mới đến thăm, nhà nhà phải treo cờ nước, dọn dẹp cỏ rác quanh nhà… May thay, ông trưởng đoàn hóa ra là bạn cũ của ba mẹ tôi… Ông đến thẳng nhà với bản danh sách cầm tay, đánh dấu chéo tên mẹ tôi và ghi số 1 bên cạnh… Sau khi ngỡ ngàng chào mừng nhau đầy ngậm ngùi và diễn ra chóng vánh… ông chấp tay sau lưng, đi đi lại lại trên mảnh sân nhà nhỏ bé và cúi đầu nhìn mũi giày tây vấy bùn … Rồi đột ngột, mi mắt ông ửng đỏ, nói chậm rãi với mẹ tôi: “Thôi… Tôi sẽ thu xếp cho hai mẹ con về làm tổ hợp may thêu xuất khẩu ở thành phố… Hôm nào…, một ngày gần đây thôi, tôi sẽ trở lại đón hai mẹ con về, chỗ này sẽ được giữ nguyên làm nơi lui tới nghỉ dưỡng, sinh cơ lập nghiệp lâu dài cũng tốt thôi… ”. Ông cũng vỗ nhẹ vai tôi, nói thật chân tình: “Xưa cậu với ba mẹ con cùng học chung trường, chung lớp… Mẹ con có tiếng thục nữ, công dung ngôn hạnh… Cậu vẫn còn giữ được chiếc khăn tay thêu hoa mẫu đơn của mẹ con đây… Nhưng đó là của ăn cắp, nhặt được của rơi, chứ không phải mẹ con tặng cậu đâu nghen…”. Nói xong ông xoa tay, lấy đúng chiếc khăn tay đã cũ kỹ, vẩy vẩy với nụ cười rất đôn hậu, rồi choàng vai mẹ và tôi để nói lời chia tay…  
Vậy là cuộc sống mẹ con tôi từ đó lại có cơ may quay về chốn thành đô, như một cơn mộng mị chợt trở mình… Thích nghi cuộc sống thị thành không mấy chốc, tay nghề thiết kế mẫu mã hàng thêu xuất khẩu của mẹ tôi ngày càng độc đáo, nổi tiếng nghệ nhân một thời… Tôi hay tán tụng và cổ xúy mẹ tôi rằng: “Từng nét thiết kế hoa văn, họa tiết của mẹ bay bướm thật… Chẳng chút u sầu ngượng ngập như người ta…”. Mẹ tôi cũng tự hào giải thích: “Mẹ phát hiện ra tính tương phản trong thiết kế mẫu thêu thời trang, ai cũng thích chọn mẫu hàng bay bướm nhẹ nhàng, để khuất tất cá tính của mình… Trừ những nguời tâm hồn u ẩn, vốn rất ít trong nhịp sống mới hôm nay… Mà có khi nào họ quan tâm đến thời trang làm gì…”.
Trải qua năm tháng với cảnh sống “một cảnh hai quê”, đi đi về về chăm sóc mẹ và chăm sóc mảnh vườn trà cà phê, có vẻ như càng ngày càng thu nhỏ lại, bởi nơi đó được  qui hoạch hóa, xóa nhòa dấu vết kinh tế mới thời bao cấp…
Nhưng rồi bất hạnh lại lạnh lùng ập đến, mẹ tôi qua đời vì cơn đau tim, vì làm việc quá sức… Từ lâu, tôi luôn khuyên trách, nhưng mẹ vẫn cười trừ... Đêm ấy đã khuya, tôi chuẩn bị đi ngủ, vì cũng quá mệt sau cả tháng trời lên chăm sóc, tu sửa vườn trà và cà phê sau cơn bão tàn phá nặng nề… Tôi đến bên mẹ, thấy bà đang thêu một bức chân dung Phật Quán thế âm bồ tát, do chính tay bà phác thảo khổ lớn 50 x 70 rất lộng lẫy và tự tay thêu với ý định cho tôi treo thờ ở nhà trên trang trại… Tôi nói đùa: “Mẹ có biết mẹ đang làm gì không?”. Mẹ một tay giơ mũi kim khỏi đầu, một tay hạ kính lão trừng mắt ngạc nhiên, chờ tôi tự trả lời, tôi phì cười to tiếng: “Mẹ đang dùng kim chích Phật phải không?”. Mẹ tôi trừng mắt, mắng: “Mô Phật! Mày lỳ lợm quá lắm! Tu tâm dưỡng tánh lại đi con! Tao chẳng hiểu đến bao giờ mới được phúc làm bà… Hỏi sao tao không sùng Phật?”. Giữa đêm đó tôi trở mình thức giấc, thấy đèn vẫn sáng, chạy ra xem… thì thấy bà đã gục đầu trên bức tranh thêu còn dang dở, ngủ giấc thiên thu…
Ôi Trời Phật! Nguyệt biết không? Lại thêm một bước ngoặt nữa của cuộc đời tôi… Có đến 10 năm cùng mẹ sinh cơ lập nghiệp ở vùng kinh tế mới, hơn 20 năm sống với mẹ ở thành phố ồn ào náo nhiệt, mẹ làm nghề thêu thùa, còn tôi nhờ thu nhập làm vườn cần cù mà cảnh sống hai mẹ con rất êm đềm, thanh thản, mặc thời cuộc có thăng trầm hay chuyển biến… Bỗng dưng mẹ tôi qua đời êm ả, bằng một giấc ngủ triền miên, mang theo bao nhiêu là buồn tủi, mộng mị, cô đơn trong suốt cuộc đời mình…
Những ngày hậu sự của mẹ tôi, cơ quan, ban ngành, đoàn thể nghề thêu may xuất khẩu đến phúng viếng, đưa tiễn rất đông… Âu đó cũng là phúc phận đến cuối đời mẹ tôi mới được tận hưởng… Ai cũng cầu chúc vong linh bà được siêu thoát và cầu chúc tôi sẽ được hưởng trọn phúc đức của mẹ hiền, độ lượng… Mộ mẹ tôi được phụng lập ở nghĩa trang thành phố này, vì ly hương đã quá lâu rồi… Và đó cũng là một địa chỉ mà hàng tháng vào ngày rằm là tôi đến thăm, gác bỏ mọi công việc đời thường…
Rồi mọi chuyện buồn cũng nguôi ngoai, cuộc sống vẫn trôi đi, tôi tự tái cơ cấu cuộc đời mình… Căn nhà ở thành phố tôi cho sinh viên ở trọ, giá rẻ, âm thầm ưu ái mấy đứa có gốc gác đồng hương… Và tôi về sống hẳn ở trang trang trại như một chủ nhân đồn điền thời Tây…
Bây giờ, tôi tự mãn về cơ ngơi ở trang trại này lắm, tuy nó vẫn chưa được nâng cấp bề thế như vài trang trại kề cạnh… Nhưng Nguyệt thử hình dung mà xem, tôi đã “vạn sự khởi đầu nan” như thế nào! Ngày chân ướt chân ráo mới đến, con 20 mẹ tuổi 40 da trắng mặt trơn, ốm o gầy mòn… là một nghi ngại lớn trong toàn đoàn 20 hộ, đa số con cái nheo nhóc đùm đề, đói cũng khóc, no cũng khóc, la văng vẳng cả cảnh đồi hoang sơ hùng vĩ… Nguyệt nhìn ra và mô tả vẻ đẹp mọi góc cạnh của tự nhiên thật hấp dẫn, làm nguôi ngoai lòng người như thế nào, thì tôi lại nhận ra chân tướng gai góc, trơ lỳ của nó ghê gớm lắm, chỉ có trải nghiệm mới “biết đá biết vàng”…! Người ta cũng nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức” quả không sai…
Hai mẹ con tôi được phân một nửa quả đồi nhỏ nhất ở vùng này… Lớp đất bazan bạc màu không phủ kín được những hòn đá sót, được tự nhiên bày xếp ngẫu hứng thật lạ kỳ, như thể chỉ muốn nối kết những cội cây rừng hoang dã gần lại, gần lại với nhau, xa lánh loài người… Thật ra ấn tượng ban đầu của cả hai mẹ con khi nhìn thấy cảnh rừng đồi hoang vu thật lãng mạn, hữu tình vì nắng, vì gió, vì mùi hương cỏ mục, đất mùn… Nhưng chỉ ngày hôm sau thôi, căn lều được bàn giao ở tạm là nỗi lo hàng đầu, hai mẹ con phải lo che chắn lại, chống gió lạnh sương hàn, phòng vệ thú hoang, ghê rợn nhất là rắn rít, côn trùng độc hại… Phần lương thực cụ bị mang theo và được cấp phát phải tính toán từng ngày… May mà vùng trũng dưới chân quả đồi có một hồ nước nhỏ tự nhiên, chia nước từ dòng suối chaỵ quanh co, như bao cấp sự sống cho cả khu đồi chập chùng này… Tôi trấn an mẹ: “Hễ có nước là có sự sống…”
Ngày lại ngày, tôi lần lượt giải tỏa mà không cần đền bù những hòn đá sót, to có nhỏ có, và lăn nó về làm bờ dậu quanh căn lều… Rôì hết tháng này sang tháng khác, tôi cuốc đất và cứ cuốc không quản ngại tay chai sần, chờ ngày được giao nhận giống trà, cà phê và chủ yếu là khoai sắn, cây cao lương… Và hết năm này đến năm sau, hai mẹ con lam lũ, cần cù chờ đợi vụ mùa trà và cà phê thu hoạch đầu tiên, sau mùa hoa đêm đêm thơm bát ngát … Hoá ra so với những hộ ngoại vi khu đồi này, mẹ con tôi bám trụ lâu bền nhất, trong khi nhiều hộ khác đã bỏ về, chỉ vì không kham nổi cơ cực, nhọc nhằn mà còn vì đám con cái lửng tửng chẳng chịu làm lụng mà chỉ toàn kêu ca…
Nguyệt biết không, những khi rảnh tay, nhìn cảnh vườn trà, cà phê bén rễ, vươn cao thân, xòe cành tán… tôi rất hài lòng cho thành quả lam lũ cần cù của mình như được bù đắp… Nhưng cũng đúng lúc đó, ký ức và hoài niệm xưa cũ như theo gió bay về, ray rứt, dày vò lòng tôi… Tôi nhớ người bạn tình rũ bỏ tôi mà đi… Tôi nhớ ngày hàng xóm, bạn bè bịn rịn chia tay mẹ con tôi đi, có người khóc, người cười buồn, ai cũng gửi lời chúc bình an… Tôi nhớ ngôi nhà hướng tây bắc, bán lại cho bà hàng xóm với giá trả tới trả lui chỉ được 3 chỉ rưỡi vàng 4 số 9… Tôi nhớ chuyến xe chạy ngang qua ngôi nhà của bạn tình tôi, lúc đó đã được niêm phong, chờ bàn giao cho chủ mới…
Và tôi cũng không quên mang theo những bức ảnh hiếm hoi, có đủ mặt bạn bè năm lớp 12… Tôi ray rứt, tôi đang ở nơi này, còn các bạn ở đâu? Ra sao ? Không ai trả lời… Chỉ có tiếng gió bay qua, có tiếng chim lẻ đàn, tiếng lá cây xào xạc quanh tôi… Và thú thật với Nguyệt, tôi vẫn còn giữ được chiếc kèn harmonica này là kỷ vật duy nhất của bạn tình tôi, bởi tôi không nỡ vứt nó đi vì tôi rất yêu tiếng kèn này, chứ không phải yêu chủ nhân của nó đâu… Nhưng rất tiếc tôi không thổi được bài bản nào ra hồn, mẹ tôi chửi: “Mày cứ thổi te tò te như đưa đám ma vậy…”. Biết tôi tức khí trả lời mẹ sao không? “Ông nội chủ nhân chiếc kèn này giàu lên nhờ làm chủ nhà đòn thì thổi nó kêu vậy là phải rồi !”… Tôi tưởng mẹ tôi đồng tình, nào ngờ bà lại mắng tôi: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời… Mày phải biết nghĩ cho ba cái mớ đời của mày chớ…”. Tôi hoàn hồn về thực tại… Cứ đà thu hoạch có giá như mấy năm rồi, chắc có ngày mình sẽ khá giả thật thôi…
Tôi chợt nhớ ngày ông cậu, bạn của mẹ tôi lên đón về thành phố… Ông thu xếp cho ở một căn nhà phố nhỏ thôi nhưng nở hậu, trong con hẻm rộng, xe hơi ra vào được… Thật ra ông có chức sắc cao trong ngành tiểu thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, là một trong những mặt hàng được quốc tế ưa chuộng nhất trong thời bao cấp, mang lại kim ngạch cao cho nhà nước… Ông hỏi tôi muốn làm việc gì phù hợp thì sẽ thu xếp…. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi lễ phép đáp: “Cậu giúp mẹ cháu như vậy là quí hóa quá… Còn cháu thì thôi, ở vậy với mẹ và với mảnh vuờn trà cà phê trên đó là hạnh phúc lắm rồi…”. Ông nhìn tôi cười hiền từ, hỏi từ tốn: “Cũng phải… Mà sao con không tính chuyện lập gia đình?”. Tôi cười trừ, ngụ ý: “Vì chưa tìm được ý trung nhân môn đăng hộ đối, thưa cậu…”. Và ông cũng thoáng ngượng cười…
Nguyệt biết sao không ? Mẹ tôi có tiết lộ, chẳng qua là vì hồi kháng chiến, ông từng bị thương tật rất hiểm nghèo, may mà còn sống sót, và không thể lấy vợ được nữa… Cho đến khi sống sót trở về, với thương tật như vậy, và với địa vị của mình, ông rất quan tâm đến gia cảnh bạn bè, đồng đội… Mẹ và tôi là một trong những trường hợp rất may mắn được ông đỡ đầu, giúp đỡ…
Mẹ tôi kể, ngày xưa ông là bạn học lớp đồng ấu với ba và mẹ tôi. Nhà ông nghèo ở vùng ven sông Bần, làm nghề đưa đò ngang, đưa khách sang sông… Rồi kháng chiến bùng lên, ông theo du kích vào vùng giải phóng, và bạn bè chỉ biết đến đó thôi… Về phần mình, ông có tâm sự ngay hôm gặp gỡ mẹ tôi: “Tuy ở trong trỏng, nhưng tôi vẫn được biết rất rõ hoàn cảnh của cô… Hôm tôi về tỉnh công tác, tổ chức cơ sở chế tác hàng mỹ nghệ gáo dừa… Tôi tìm đến nhà thì hàng xóm nói cô và cháu đây đã đi lâu rồi... Tôi đã đi ủy lạo mấy vùng KTM rồi, đến hôm nay  mới gặp nhau đây…”. Trong bữa cơm trưa đạm bạc hôm ấy, chỉ có măng le, cá suối, rau rừng… nhưng ông ăn ngon lành và còn khen ngon hơn cả thời kháng chiến… Khi tôi lánh ra vườn hóng gió, thổi harmonica nhè nhẹ, nháy nháy bài Tình xa của Trịnh Công Sơn… để cho đôi bạn già hàn huyên tâm sự dông dài, trước khi ra quyết định cuối cùng…

Nguyệt biết không, những người hay chém gió nói rất chí lý, trong vạn sự rủi chắc có một sự lành và ngược lại… Vấn đề là hãy dấn bước trong khó khăn, đạp bằng trở ngại, rồi may ra may mắn và hạnh phúc sẽ mỉm cười, bằng không thì cứ một cõi đi về cũng chẳng sao… Tuy tôi và Nguyệt phải trả giá đắt và cay cú cho cuộc đời mình ở ngưỡng cửa hôn nhân… Nhưng rồi đâu cũng vào đấy thôi… Có may có rủi, hay may nhờ rủi chịu cũng phải thôi !                   

25/10/2013

Truyện ngắn
Lên Đà Lạt chơi
·        Tặng Trúc Thông
Nguyên Nguyệt



Tình cờ gặp lại Cường ở bến xe đi Đà Lạt, tôi nhận ra ngay. Cũng vẫn bộ dạng ăn mặc tươm tất, đi đứng nhẹ nhàng, vẻ mặt trắng trẻo thông minh, mang kính cận, đặc biệt có nụ cười mím chi và có nốt ruồi duyên trên khóe môi, nhưng cả vẻ mặt như đang già đi cùng tuổi tác, vì tóc Cường đã hoa râm… Cường cũng nhận ra tôi, tà tà bước đến chào: “Lâu quá mới gặp ! Nguyệt vẫn đẹp như xưa…!” Tôi hơi ngượng, vì độ tuổi U 50 mà được khen đẹp, có vẻ bị tán tỉnh quá… Tôi cười cười, nói lãng: “Cường cũng đi Đà Lạt chơi à?”. Bước đến gần hơn, Cường thân mật nắm nhẹ tay tôi, tán tiếp : “Biết Nguyệt lên Đà Lạt một mình… nên xin tháp tùng đây! Để tôi vào lấy vé cho Nguyệt cùng đi chung chuyến cho vui ”. Nói là làm, cái tính điệu nghệ của Cường vẫn như ngày nào…        
Cường đổi được cặp vé hàng đầu, ngang chỗ tài xế, nhờ hai vợ chồng có đứa con nhỏ bị sốt đột ngột nên trả lại vé. Cường nói đùa: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ có khác ! Đi Đà Lạt mà được ngồi chỗ này là hay nhất…”. Anh tài xế trẻ liếc nhìn thân thiện, cũng đùa: “Hay không bằng hên chú ơi!”. Cường đùa lại: “Mà chú chỉ thích hên dài dài, không chịu hên một lần rồi thôi!”. Tôi vỗ vai Cường, quở: “Mắc dịch! Để cánh trẻ tự do làm ăn kiếm sống, đừng xúi bậy…”
Ngồi yên chỗ, tôi nói với Cường là quyết định lên Đà Lạt chơi rất bất chợt, ngay cả vợ chồng đứa em cũng chưng hửng, chưa kịp hỏi tôi đã dặn: “Có ai hỏi hay điện thoại thì nói chừng hai tuần chị về…”. Thằng em bỏ nhỏ với vợ nó: “Bả đi lên đồng chắc rồi !”. Tôi nghe nó nói vậy nhiều lần nên không buồn cười mà lại thấy thương vì nó hiểu tâm trạng, tâm lý và cả tâm thần của bà chị già cô đơn của nó… Cường nhìn tôi thân mật hơn, cười trừ. Tôi thoáng nghĩ cả lộ trình dài cả hơn nửa ngày đường có bạn thân quen cũng dễ chịu hơn nhiều, so với bao nhiêu chuyến đi một mình đã qua.
Xe đã lăn bánh ra khỏi thành phố, Cường gợi chuyện ngay, cho biết dạo này đã nghỉ dạy ở Gò Vấp, thường lên Đà Lạt giúp ông chú trông coi trang trại trồng hoa ở Suối Vàng… Tôi thật ngạc nhiên nên lỡ lời: “Vậy là Nguyệt bể kế hoạch nữa rồi…”. Cường cười chọc quê: “U 50 hết bể rồi bà ! Nói vậy chớ, ở trển có nhà nghỉ đàng hoàng. Ông chú đang cải tạo cảnh quang thành khu du lịch trang trại hoa, giống như ở Vancouver là cảnh quê thứ hai của chú vậy. Hấp dẫn lắm”. Tôi nghe Cường mô tả tỉ mĩ càng thêm bồn chồn, chỉ mong được đến ngay một vùng thắng cảnh của Đà Lạt đã hút hồn tôi từ dạo ấy…
 Tôi liếc chừng anh tài xế và chiếc kính chiếu hậu để dè chừng liệu lời tâm sự: “Từ ngày dang dở việc học và hôn nhân… Nguyệt lên Đà Lạt như một cõi đi về vậy. Gần đây đi lại càng dễ dàng, hễ thích là đi như lên đồng, mấy đứa em nó quở cũng phải”. Tôi chợt thấy hơi cay cay mắt. Cường giả tảng: “Hồi trước nghe ai rủ đi Đà Lạt chơi như bị điện giật vậy. Bây giờ đi lại thoải mái quá, ai cũng mất cảm giác bị chích điện rồi…”. Tôi cười trừ. Cường đùa như hát: “Nhưng với Nguyệt thì tôi đoán biết vì sao và vì sao… Mimosa hay đến chốn Đà Lạt rồi ! Mà hỏi thiệt, sao trông Nguyệt có vẻ buồn như ma soeur vậy ?”. Từng phải trả lời nhiều lần cho câu hỏi giống vậy, tôi nói đùa: “Là ni cô phải cạo tóc, ăn chay… Nguyệt không thích vậy…”. Hình như anh tài xế nghe hóng chuyện, lỡ tay bóp còi xe mấy tiếng lãng ồm… Tôi nói dè dặt hơn: “Ai cũng có phúc phận riêng… Nhìn mấy đứa bạn có con cháu đông vui, Nguyệt cũng vui lây. Nhưng thời gian trôi đi có trở lại bao giờ? Níu kéo có được đâu ?”.
Ngại Cường chưa hiểu rõ chuyện, tôi phải kể thêm vài tình tiết có giảm nhẹ: “Chuyện Nhật và Nguyệt một thời đằm thắm bao nhiêu thì khi đổ vỡ gay cấn bấy nhiêu… Năm đó gia đình Nhật được xuất cảnh theo diện ODP, điều kiện bắt buộc là Nhật không được lập gia đình… Vậy là đám cưới đã chuẩn từ lâu bị hủy bỏ … Từ dạo đó, Nguyệt lên Đà Lạt ở với bà dì có lập ngôi chùa ở Đại Ninh, bà khuyên qui y, nhưng Nguyệt từ chối... Hồi nãy Cường sánh tôi giống ma soeur là không đúng đâu...”. Cường nói đỡ: “Dạo đó gia đình tôi về Gò Vấp rồi…”. Tôi kể tiếp: “Nhưng dì của Nguyệt không thọ, mất sớm, được lập mộ ở vườn chùa. Nguyệt về lại nhà từ đó, ở vậy mở tiệm may cho đến nay và hay lên Đà Lạt chơi như bây giờ. Những người thân còn lại của Nhật lâu lâu cũng có ghé thăm, tặng quà gọi là… Nhưng dù sao họ cũng chỉ là người dưng khác họ mà thôi”. Cường im lặng, có vẻ chờ đợi lắng nghe. Tôi do dự, giải thích thêm cái thú đi lên Đà Lạt chơi cho Cường hiểu không phải vì mãi lưu luyến nhiều kỷ niệm không phai, vì vết thương lòng khó vá cho lành… mà vì cảnh đẹp thiên nhiên ở đó dễ khiến lòng người nguôi ngoai nỗi buồn theo năm tháng…
Tôi lan man tâm sự với Cường về mấy năm trường sống ở chùa… Đêm đêm trùm mền trên chiếc giường tu khổ hạnh, thấy cái lạnh ngoài trời không bằng cái lạnh trong lòng. Tỉnh giấc, chưa thấy được ánh dương xuyên thấu trời mù sương còn dầy đặc, đã nghe tiếng mõ kinh nhật tụng ban mai, ngoài vườn vang vang tiếng chim chóc gọi đàn… Khi nắng đã lên rồi, bước ra bờ suối cạnh chùa, còn thấy vết chân nai đêm qua về đây uống nước và dậm lên lá vàng khô, dưới ánh trăng vàng, bên những gốc thông nghiêng… Rồi chiều lên chiều lên… Gió đưa hương rừng về ngào ngạt mùi hoa thơm cỏ lạ. Mấy cô ni xách gùi đi hái rau rừng cười đùa yểu điệu như thục nữ nhà lành… Và rồi tôi ngập ngừng tóm lại: “Cuộc đời đó thật là… vẫn đẹp làm sao !”. Cường chau mày, gỡ cặp kính cận loạn thị cỡ 3 độ rưỡi, lấy vạt áo chùi chùi nhè nhẹ…   
Cường chợt đổi dòng tâm sự : “Nguyệt nhớ Hoa vợ của Cường không ? Học sau bọn mình 2 lớp… Bây giờ ăn chay trường rồi…”. Tôi quở: “Cường làm sao mà Hoa lại ăn chay?”. Cường xoa cằm, tỏ vẻ bản lĩnh đàn ông: “Ăn chay mà ngủ mặn thì có sao đâu ?”. Tôi đỏ mặt, đập vai Cường quở tiếp: “Bởi vậy, đáng tội hiếm muộn, tôi nghe nói vậy có phải không?”. Cường cười trừ: “Bởi vậy, tôi giã từ nghề giáo, lên ở với ông chú trên này, vậy mà vui !”…    
Tôi thoáng nhớ gia đình Cường là viên chức hành chính tỉnh, rất khá giả. Trước khi chuyển về Gò Vấp, ba má Cường bán lại cả khu vườn nhà đất cho gia đình của Dung cũng là bạn bè chúng tôi. Tôi kể: “Mới tuần rồi, gặp Dung cho biết mới làm xong thủ tục thừa kế; gia đình Dung một nửa, vợ chồng anh Dũng một nửa…”. Cường ngạc nhiên hỏi: “Ôi trời đất ! Vợ chồng thầy cô mất rồi sao?”. Tôi trách: “Vậy là Cường quên cả đường đi lối về rồi. Nguyệt hay đến nhà Dung chơi, anh Dũng ôm cây đàn ấy mà hát bài tình ca bất hủ “Cây đàn bỏ quên” và còn nói đùa là để tặng cho một thằng em lạc đàn. Sao vậy Cường?”. Cường lúng túng phân trần: “Tuy quan hệ hai nhà dạo đó rất thân, nhưng ba má Dung rất gia giáo, nghiêm khắc, khiến mẹ Cường cảnh cáo cả hai đứa phải giữ tình cảm chừng mực thôi. Sự thật của chuyện cây đàn bỏ quên chính là vì… từ hôm sau đó, Cường không dám đến để mang về”. Tôi bật cười: “Ông nói như Phạm Duy sáng tác ! Dung lại kể tôi biết nhiều lý do khác kinh khủng hơn nhiều”. Cường hỏi giật: “Sao ? Dung kể gì ?”. Tôi kể lại từ chuyện Dung bắt gặp tập nhật ký của Hạnh bỏ quên tại lớp; chuyện Cường chở Ánh đi thả diều ở Bình Nguyên; chuyện Ngọc và Cường đi uống cà phê, nghe nhạc Trịnh ở quán bờ sông, xéo xéo nhà Thờ… Cường khoát tay chém gió: “Thôi tạm đủ cả lớp mình rồi, còn lớp dưới mình nữa chi… Và người dừng chân Cường cuối cùng là Hoa! Phải không?”.
Cường trở mình vươn vai hít thở sâu như một vận động viên, hơn là cốt cách của một nghệ sĩ tài hoa, rồi hạ giọng kể lể: “Nguyệt biết không, những sự kiện và vấn đề Dung nói là thật, có thật. Nhưng về phần Cường, đó là những cơ hội tình cảm khó chối từ, một khi mình không bị cơ hội từ chối… Này, Nguyệt có thể cho Cường gửi lời lại với Dung rằng vì Dung không tự tin mình là người hoàn hảo nhất trong ánh mắt nhìn đầu tiên của Cường; là người khả ái nhất trong số bạn yêu quanh Cường, và vì đôi khi Dung không dám tin đêm đêm Cường thao thức vì Dung như thế nào”. Tôi lại bật cười: “Sao lời Cường nói giống y như chụp cắt lớp scaner các ca từ quen quen quá vậy?”. Anh chàng tài xế lại bóp còi, lên tiếng rao: “Kính mời bà con cô bác xuống nghỉ xả hơi, giải lao ăn hủ tíu Định Quán, cho nhà xe châm thêm xăng, đổ thêm nước bình!”
Tôi hỏi Cường nên vào ăn không kẽo đói, Cường lắc đầu nói: “Không biết hủ tíu Định Quán tỉnh mình bây giờ thế nào, chớ bây giờ hủ tíu ở đây không còn ngon như xưa đâu, bị chê là hủ tíu định cư rồi”. Tôi và Cường cùng lãng bước, sánh vai đi dạo bên vệ đường. Cường đưa mắt nhìn quanh nói: “Ở đây còn cách chân dốc Madagoui khoảng hai chục cây số, là ranh tỉnh Lâm Đồng – Đồng Nai. Chỗ cây xăng này mới mở, xưa kia nó là một khóm rừng thông cổ thụ đẹp lắm. Chổ kia kìa, có mấy tảng đá tròn khổng lồ chất chồng tự nhiên, cheo leo cả mấy trăm ngàn năm rồi mà không rớt… Tôi và Hoa từng leo lên đó chụp ảnh kỷ niệm chuyến lên Đà Lạt chơi lần đầu ở đó. Hôm nào tôi gửi qua email cho Nguyệt xem”. Tôi đồng tình: “Đúng rồi, có lần lâu rồi, xe bị pan, tôi cũng có leo lên ngồi một mình ở chổm đá đó, tiếc là không có ai chụp cho một bô hình kỷ niệm những ngày lặng lẽ nơi chốn núi đồi này”.
Tôi níu tay Cường chỉ về hướng cô gái bán đậu hũ chiên… Tôi đứng sát cạnh cô gái trạc tuổi tôi vào năm mười sáu trăng tròn, mặc chiếc áo len cổ lọ màu đất bazan đã cũ, má cô hồng ửng không cần son phấn, có đôi mắt bồ câu rất ngây thơ, nhưng ám buồn vì nét cầu khẩn, chờ khách mua hàng. Cường hiểu ý, móc máy ảnh kỷ thuật số bỏ túi chụp lia lịa, rồi mua hết chỗ đậu hũ còn lại và hứa sẽ phóng to ảnh lộng kiếng đàng hoàng để tặng, khiến cô gái má càng hồng và đôi môi chúm chím cười như cố khoe chiếc răng khễnh rất duyên…
Xe lại bon bon trên cung đường đèo, men theo vách núi cheo leo bên tả, bên hữu là vực sâu, nhấp nhô những đỉnh tre trúc chập chùng, nối dài đến những dãy núi phủ rừng xanh thẩm phía xa xa. Anh tài xế trẻ góp lời giải thích: “Đèo này là đèo Ông cố. Hồi xưa có cái nhà nguyện của ổng ở trên đỉnh núi vừa chạy qua, bây giờ không còn nữa. Ông cố của em tự hào khi di cư vào đây được rửa tội ở đó, ba em kể vậy, không biết có đúng không, xưa quá là xưa rồi mà…”. Cường đùa: “Coi chừng sụp ổ voi kìa!”. Cả ba cùng cười, tôi mời anh tài xế cùng ăn đậu hũ chấm muối tiêu. Anh ta vừa nhai vừa nói: “Đậu hũ bây giờ hết ngon như hồi thời bao cấp. Dạo đó em còn bé, cứ nghe ba mẹ hứa ẳm đi xuống chợ Sài Gòn chơi là nhắc phải cho ăn đậu hũ ở vùng này. Hình như hồi trước đậu phộng được trồng sạch, làm sạch hơn bây giờ nên ăn vô thấy béo ngậy, ăn hoài không chán, càng ăn càng ghiền…”. Cường bỏ nhỏ: “Và cũng tại đói bụng nữa đó, chú em ơi!”…
Anh tài lại bóp còi, rà thắng vì phía trước có mấy con bò nhai cỏ bên vệ đường, lỡ nó phóng qua nguy hiểm… Anh ta phân trần: “Chút nữa đến đèo Chuối quanh co cả chục cây số, cái giống bò này ham đi gặm lá tre ở vùng đó lắm”. Cường gật gù lưu ý tôi: “Qua khỏi đèo Chuối, Nguyệt sẽ thấy cảnh rừng tre thưa dần và chỉ còn toàn rừng thông hai lá mà thôi. Hết tre trúc thì đến thông… Nhịp điệu cảnh quang trên đường lên Đà Lạt chơi là vậy. Càng lên độ cao 1000 mét coi như mất biệt cái xứ dừa và tre tràn đầy ở miền châu thổ của xứ mình rồi…” 
Tôi nhìn đồng hồ, bây giờ là 13 giờ, đoán chắc phải 3 tiếng nữa sẽ đến đèo Prenn. Cường không nói gì nữa, dựa ngữa lưng ghế, mắt lim dim mơ màng. Tôi cũng vậy, thấy mỏi mông lưng và cặp đùi xoài tượng, cho nên không bao giờ dám mặc váy ngắn khi đi đường xa dù là tiện và mát mẻ. Mắt tôi lại cay cay vì biết tuổi già đang hạnh hoẹ, chán thật. Chả bù lúc trước còn sung, đi lên Đà Lạt chơi trong tâm trạng thần kinh lên đồng mà lên xe xuống xe ào ào, thậm chí không cần đi vệ sinh, vì ngại mấy tay đàn ông hay soi mói, tưởng tượng… Rồi tôi cũng thiếp đi, có cảm tưởng rất êm ái, vì không biết mình đang ngã vào vai Cường hay là vai Nhật ngày nào, cũng không biết chừng…        
Lại có tiếng còi xe… Tôi và Cường cùng nhổm dậy, thì ra là đã đến chân đèo Prenn, cả đàn bò đi lang bang phía trước mũi xe, đang muốn vào thành phố ăn cỏ chăng! Tôi nói chữa thẹn: “Cảm ơn cái vai của Cường nghen!”. Cường đùa: “Hồi Hoa còn ăn mặn, lên xe cũng ngủ y như Nguyệt. Bây giờ ăn Hoa chay, tôi cho bà mượn vai không cần bo đâu…”. Tôi đỏ mặt, quở: “Đồ quỷ Satan, cám dỗ bọn trẻ không được quay ra tán tỉnh bà già hả?”. Anh tài xế chen lời: “Cô chú không nhớ em, chớ em nhớ cô chú đi xe em bốn lần hay năm lần rồi... Hôm nay mới biết cô chú đáng là hàng sư phụ…”. Tôi giật mình, nhìn trân trân chàng tài xế trẻ ăn nói rặt giọng Đà Lạt rất dễ thương, rồi nói nhanh: “Ôi chết tổ rồi! Thôi em đừng có tải chuyện nghe lóm mà ráng tải cô chú từ từ qua cung đèo Prenn để ngắm cảnh Prenn chiều nghen!”…
Thiên nhiên đã tạo tác cho cửa ngỏ vào thành phố Đà Lạt một cung đèo thật hoành tráng mê ly! Chả bù dân Đà lạt sành du lịch đi đó đi đây hay ghẹo hỏi tôi: “Về miền Tây, vào đến cái cửa tỉnh của cô nghe nói có cái ngã ba Tháp giống cái “ngã ba ống quần” phải không?”. Thiệt hết biết trả lời sao về sự bất công của tạo hóa và ngôn lời của con người !         
Chiều nay, cung đèo Prenn thật đẹp lạ lùng! Sương chiều trắng như mây bông, đang nườm nượp kéo về, tranh nhau phủ lên từng mảng rừng thông ơi là thông chập chùng, không còn thấy đâu bóng dáng rừng tre nữa rồi...
Cường nhìn cảnh Prenn qua vai tôi, nói từ tốn: “Tôi có làm hàng chục bài thơ về Đà Lạt và cung đường này, có phổ thành nhạc… mà chưa được dịp hát cho ai nghe bao giờ, Nguyệt có muốn nghe không ?”
Rồi Cường hát khẽ, giọng trầm ấm nồng nàn: “… Chào hoa tường vi… Em xước lòng ta vết nhỏ… Chào những nụ hồng bỗng nở quanh ta… Chào núi đồi cao buông lòng ta rất thấp… Chào mặt hồ phẳng lặng sau em… Chào cung đèo Prenn… Nâng giấc ngàn thông mấy thuở… Chào mái đồi Cù… Ngơ ngẩn yêu đương… Chào bóng hồ Xuân Hương nhặt sao lấp lánh… Chào giáo đường thinh lặng trong em…”.
Ôi trời ơi ! Tôi xám lạnh cả hồn… vì lời nhạc thơ tuyệt vời, không chỉ xoáy vào tim tôi mà còn cứa từng nhát, từng nhát nhè nhẹ, nằng nặng và dữ dội vào chỗ nỗi lòng sâu kín nhất của Dung, Hạnh, Ánh, Ngọc… và cả Hoa nữa, cả bọn sẽ chết mê chết mệt mất thôi. Tôi trân mắt nhìn Cường ra lệnh: “Hôm nào, Cường phải hát bài này cho cả bọn bồ cũ cùng nghe ở nhà Nguyệt, nghe chưa…”. Cuờng gật đầu: “Hân hạnh được phục vụ quý khán giả của đời tôi… Bài này có tên là Dáng thông nghiêng… Ai lên xứ hoa đào mà chưa nghe được bài này, chắc có lẽ là chưa biết đi lên Đà Lạt chơi sướng hay mệt mỏi thế nào đâu !”      



Tại nhà tôi, 24.10.2013

24/10/2013

            
            Truyện ngắn

Bữa tiệc trên sân thượng
Huỳnh Trúc Thông



Bữa tiệc hôm nay của đám bạn gần tuổi đáo tuế rồi mà vẫn gọi nhau mày tao. Oánh là chủ nhà hàng bề thế nhứt tỉnh cũng đồng thời là chủ tiệc. Bàng làm thầy giáo không chịu đợi hưu, xin ăn theo diện chính sách 132, tức là lãnh truớc được một cục tiền hưu bổng sao sao đó… Và tôi, Thái Dương thâm niên công tác ở bưu điện tỉnh, có lò kẹo dừa do bà vợ lo liệu, nên hễ tan sở là tôi rảnh, đi la cà, ngại về nhà… Và bữa tiệc hôm nay còn bạn nào tới nữa thì Oánh giữ bí mật, không chịu báo trước.
Nhà hàng này trước đây là quán bán hủ tíu, bánh bao, xíu mại, giò chá quẩy, bánh tiêu… Sau khi ông nội rồi ba má lần lượt qua đời vào cuối thời bao cấp, Oánh chính thức được hưởng thừa kế quán này có hơn 20 chục năm nay. Oánh cải tạo nó thành nhà hàng có tiếng ngon rẻ, là điểm hẹn của dân làm ăn sành điệu và đặc biệt là của cánh bạn bè cùng trường, cùng lớp đến câu độ rượu, tán dóc, cãi cọ cho đã rồi về…  Oánh rất thiệt tình tuyên bố: “Bạn bè, đến đây gặp nhau là vui rồi, đừng lo chuyện ủng hộ, lấy chỗ khách khứa dư sức bù cái lỗ, đừng có ngại”. Tôi có trách nó: “Nói vậy chớ sao không ngại mậy?” Quả thật, lâu lâu không thấy bạn bè nào lui tới, Oánh níu tôi hỏi thăm hết đứa này đứa nọ làm sao, nó làm sao… Thật ra tôi cũng xứng làm ăngten của bạn bè, bởi làm phối kiểm thư ở bưu điện nên biết rành mọi địa chỉ của ai, làm gì, ở đâu, hồi nào… Hồi trước, nhiều lần tôi phát hiện thư tình vụng trộm của bạn bè, “buôn nem bán chả” tá lả, gửi qua gửi lại ghê gớm lắm! Bây giờ có email, chát chiếc… nên xem như tôi hết thời, định chạy chọt kiếm một suất 132 như Bàng nhưng không xong ! Thôi kệ, dù sao cũng nối nghiệp ba tôi gần ba chục năm, còn 2 năm nữa cũng về hưu, sá gì…
Tâm lý của Oánh chí cốt với bạn bè là do tính thiệt thà, vợ chồng nó bị hiếm muộn, nuôi cháu làm con và hay bao đồng mọi chuyện, nếu liệu bề được là được. Tất nhiên cũng có trường hợp bạn nợ rồi biệt tăm, nó vẫn cười trừ: “Kệ... Tội nghiệp…”. Nhưng với khách khứa giang hồ vào ăn nhậu mà chém gió là coi chừng nó. Tên nó đúng ra là Oanh nhưng hồi làm khai sinh, ông lục sự lỡ tay bỏ dấu sắc thành Võ Văn Oánh, cho nên ai bẹo gan nó là “oánh” liền, hồi đi học cũng vậy, bây giờ cũng vậy. Đến luợt làm khai sinh cho em nó, cũng ông lục sự mắt mũi kèm nhèm đó lại viết Võ Thị Yến thành Võ Thị Yên, cho nên cô em Oánh gần đây được yên bề gia thất, có chồng người Mỹ, lâu lâu dắt hai đứa con trai sinh đôi về chơi, cả xóm con nít sang ghẹo la Ô kê! Ô kê ì xèo!
Còn Phạm Văn Bàng chắc cũng bị sai chính tả, vì nó hợp với cái tên Văn Bằng hơn? Bởi nó làm thầy giáo dạy Anh văn cấp II rưỡi, nhờ có bằng đại học tại chức, được kê lên dạy cấp III. Mấy năm trước, nó còn đâm hồ sơ thi cao học tại chức nhưng bị rớt, và có lẽ đó mới là lý do nó xin hưu non… Vốn có tính bốc đồng, Bàng chỉ thích làm gia sư cho hầu hết bạn bè nào cần dạy kèm cho con đi học hay đi thi, bởi chẳng qua là nó ham muốn được tự do la cà, đi dạy kèm, dịch hợp đồng giấy tờ, hồ sơ công chứng kiếm tiền lai rai, lâu lâu có bài dịch đăng tạp chí khoa học này nọ mới ghê… cộng với huê lợi 2 mẫu vuờn nhà bên vợ, cho nên nó sống rất tà tà, phây phây như Ănglê…     
Tôi và Bàng chạy xe tới quán, Oánh vội bước ra hấp háy mắt, bật mí: “Chút nữa có vợ chồng thằng Mỹ con Pháp tới…”. Tôi ngạc nhiên: “Ủa? Tụi nó về hồi nào?”. Thằng Bàng nói tỉnh queo: “Mày là ăngten của đám bạn già mà chả biết cóc khô gì ráo. Tao điện thách vợ chồng nó mua vé máy bay bay về chơi. Vậy mà hôm kia hôm kìa khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất, con Pháp nó điện về cho tao liền… ”. Tôi chống chế: “Vậy mà cách đây một tuần vợ chồng nó có chat hỏi tao muốn đi Pháp chơi không tụi nó lo…”. Thằng Oánh vén môi cười, lộ bộ răng hô xiên xẹo ám khói thuốc vàng khè: “Tụi mày cà giựt cà thọt quá! Tao báo chuyện bà cô con Pháp bán đuợc căn nhà rồi nên vợ chồng nó bay về liền để giải quyết hậu sự đó...”.
Đúng lúc chiếc xe taxi đổ xịch, cặp vợ chồng Việt kiều bước xuống, ăn mặc giống y như bà con tỉnh lẻ. Tôi thoáng nhớ, cặp đôi này thiệt hoàn hảo. Hồi đi học có tiếng con nhà khá giả học giỏi mà bình dân, bạn bè đều dễ chịu. Chả bù tôi, Oánh và Bàng con nhà bình dân, học hành tàng tàng, ngồi chung bàn, cọp dê toán lý hóa nhanh như chớp, hay bày trò chọc gái, bị chửi hắc ám… Nhưng nói chung, cả đám bạn cùng lớp vẫn giữ liên lạc luôn, từ lúc con Pháp lấy thằng Mỹ rồi đi Pháp định cư nhờ có gốc dân làng Tây và cho đến nay, vợ chồng nó cũng giữ liên lạc với bạn bè y vậy.
Oánh bước nhanh ra cặp kè hai vợ chồng Việt kiều vào quán. Mấy bàn nhậu hóng chuyện, liếc nhìn đoán già đoán non… Oánh nháy mắt ra hiệu: “Lên sân thượng cho nó mát”. Biết gu Việt kiều thèm món quê nhà, Oánh giới thiệu thật khí thế các món bánh xèo thịt vịt nấm mối; cá trê nướng chấm nước mắm ớt xoài; cơm nước dừa lá dứa ăn với cá lòng tong kho tộ và canh chua cá bông lau nấu khế măng chua; còn món tráng miệng là chè bà ba hột lựu nước cốt dừa….
Mỹ và Pháp đứng sát cạnh nhau, chống nạnh nhìn bao quát cảnh sân thượng. Cặp vợ chồng này cũng là dân kinh doanh nhà hàng Việt ở bển, đánh giá kiểu bày trí này đúng là chỉ để nhậu, đãi tiệc dễ bị thụ động… Cuối sân cũng có thiết kế sàn nhảy đầm, có dàn nhạc hát với nhau theo mốt bây giờ. Dọc bờ tường lan can là những chậu nguyệt quới uốn nắn cẩn thận, có hoa thơm ngát. Nhìn xuống xa xa thấy toàn cảnh một dòng sông soi bóng dừa, đang nhuộm ánh trăng đêm thượng huyền… Pháp nói khẽ: “Về bển, em anh vẽ tặng bản thiết kế kiểu cọ hơn cho Oánh”…
Khi đặt chai Remy Martin XO xuống bàn để làm quà vừa tặng vừa uống, Mỹ nhìn các món ăn hấp dẫn, xoa tay cười híp mắt: “Đã thiệt! Tri kỷ đãi bạn có khác. Đúng ra phải uống rượu đế, nhưng chơi hàng Mỹ xách tay về cho nó sang”. Pháp cười giọng đầm nói: “Mấy ông nhậu, tui phá mồi ráng chịu nghen!”. Oánh huơ tay hô hào: “Thoải mái! Muốn ăn cây gì, con gì, cái gì cứ la lên, có ngay, như ta đây chấp cả nhà hàng Tây đui-cà-then!”. Pháp cười ngặt nghẽo: “Biết ông Mỹ ghẹo cặp mắt kiếng cận của tui sao không? Đồ đui-cà-thích đó !”. Tôi đế vô: “Chà! Chắc bà bị thằng Mỹ phát hiện sớm nên thành cặp đôi hoàn hảo phải không?”. Pháp đập lưng tôi trả đũa: “Ông còn làm nghề bưu điện nữa không ? Này, con Cúc Hương ở bển hễ gặp tui là nó ca cái tên ông như vầy… Thái Dương ơi thương sao thật là thương!“ Tôi sượng cứng ngắc và giựt mình: “Ừ, chút nữa phải hỏi thăm Cúc Hương…”. Biết tôi sập bẫy của Pháp, Oánh bèn nâng ly rượu mời: “Thôi vô đi… Một hai ba! Chúc mừng tụi tao hội ngộ tụi mày! Khà khà…”
Sau một vòng cụng ly, cả đám bạn già vừa ăn vừa tám chuyện bạn bè bên này bên kia; bàn từ chuyện đồ hàng đồ hiệu, cho đến những vụ xì căn đan quốc tế, bên Tây bên Tàu; bàn cả chuyện nghệ thuật, văn thơ, nhạc nhẽo đông tây kim cổ… Càng già chuyện, càng cười cợt, càng ngấm thêm gió đêm sân thượng đượm hương nguyệt quới nồng nàn, và đám bạn già càng thân thiết hơn… Chợt Bàng nhổm người, gài chuyện đột ngột, làm đổi dòng cuộc chuyện trò: “Lần này hai đế quốc quyết định hồi cố hương chưa? Có mấy đứa mang tiền về cất biệt thự hoành tráng, ở đã lắm… Không ở thì cho Tây du lịch thuê, cũng bộn tiền…”.
Nguyễn Hoàn Mỹ vốn có tính “cẩn tắc vô ái náy”, từ năm học tú tài, đã nói thạo cả hai sinh ngữ Anh – Pháp, nhờ ba mẹ đều là giáo sư dạy trường tư, kèm cặp từ chuyện học hành cho đến lối sống Mỹ văn minh thực dụng… Còn Hoàng Thị Pháp, có tên tây Anna France Emile, tên thánh là Maria, ở villa nhà nội là dân làng Tây cựu trào, biết nói tiếng Pháp từ nhỏ. Cặp Mỹ - Pháp này là hiện tượng hy hữu, được thầy cô và bạn bè ở trường rất hay dòm ngó, từ chuyện học hành và mối tình của hai đứa có hai cái tên sặc mùi đế quốc, lại còn được cả hai nhà có học thức đính ước từ lúc chúng nó mới đủ lông đủ cánh…
Vỗ bóp bờ vai tròn lẵng của vợ, Mỹ trả lời Bàng, giọng nhát gừng: “Tùy bà đầm này thôi!”. Cả bàn như chờ Pháp lên tiếng: “ Muốn về ở luôn lắm, nhưng phải mấy năm nữa, vì thằng con trai mới báo con bồ gốc Algérie của nó có bầu rồi!”. Oánh cao hứng phán: “Ở Tây có khác…”. Bàng buột miệng nói: “May mày không có con, bầu bì kiểu đó chắc mày oánh nó hả…”. Tôi can: “Thôi chúc mừng ông nội bà nội, cạn ly đi!”. Pháp cười trừ: “Mấy ông có giỏi mà giữ lễ giáo cho bọn trẻ bây giờ. Tây Ta gì cũng qua thế kỷ 21 hết rồi!”. Mỹ tình thiệt tiếp lời vợ: “Tao sang Mỹ thăm mấy đứa em, con cái tụi nó tự do luyến ái, ông bà cha mẹ khỏi thắc mắc, nó có mang cháu về thì vui vẻ mà chăm sóc dùm, kẻo tụi nó thất nghiệp, là toi ngay…”. Tôi giải huề: “Chuyện ở bển là vậy, bên này bây giờ cũng bắt đầu nhiều chuyện vậy rồi… Nhà nào còn giữ được cái lề giấy rách thì cứ giữ, tốt thôi...  Mà Pháp này, cho hỏi nhỏ… Cúc Hương dạo này thế nào?”. Pháp cười nhẹ: “Mới ly dị thằng chồng nghệ sĩ gàn rồi, nó tệ hơn ông nhiều... Con gái Cúc Hương cũng vừa có chồng Pháp chính cống, theo chồng đi đây đi đó làm phim khoa học, đang săn lùng đời sống tình dục côn trùng ở rừng Amazon… Cúc Hương than đang buồn tình, có nói muốn về thăm ông, nhưng ngại cái nghề của ông không rãnh và cũng sợ cái lò kẹo của bả nữa…”. Cả bàn cùng cười, Pháp bồi thêm một cú nữa: “Đừng cười, ở bển, lúc rảnh, tui với ổng không biết chơi kiểu gì, ngồi biên được cả đống mẩu câu nói láy để giải sầu! Hôm nào gửi về cho mà coi!”…
Tôi ngước mặt nhìn trăng đêm thượng huyền, chợt nhớ vợ tôi có lúc cũng mơ màng: “Phải chi thằng con nhà mình với con gái Cúc Hương…” Tôi nạt ngang: “Bậy bạ. Bà đừng tư duy kiểu lò kẹo… Nồi đồng cối đá làm sao mà giao hợp được ? Mai mốt thằng Dũng có nói ưng ai ở đâu, làm cái gì, muốn cái gì thì cưới liền cho nó tự lập mà sống, bởi là thời này chớ phải thời Cochinchine đâu mà!”. Vợ tôi chống chế: “Vậy là hết hy vọng thằng Thái Dũng ở nhà tây, lấy vợ đầm rồi. Phen này chỉ còn hy vọng thằng Thái Duy… Nó quyết chí năm nay thi đậu đại học điểm cao, tìm học bổng đi Tây…”. Tôi làm thinh nửa muốn nói: Ai mà không hy vọng vậy… Chỉ có điều nói trước bước không tới đâu… Tỷ như chuyện tình tôi với Cúc Hương một thời lãng mạn quá nên… không thành! Lâu lâu bạn bè hỏi vặn vẹo tại sao, tại sao… Thú thiệt tôi cũng không biết trả lời sao… Nhưng Cúc Hương có cách trả lời rất ấn tượng: Vì ba má Hương không bằng lòng… Ôi trời đất ơi! Theo thói quen tập khí công, tôi hít một hơi dài dồn xuống huyệt đan điền… Phải chi Cúc Hương có mặt ở buổi tiệc này!       
Bàng lại bẻ chuyện: “Pháp gặp bà cô chưa?”. Pháp nói: “Gặp rồi mới té chuyện cô bị ông bồ “già nhân ngãi, non vợ chồng” đứng ra bán nhà xong xuôi, chỉ giao lại một nửa số vàng rồi vọt luôn… Mà toàn vàng móp méo mới chết tổ !”. Oánh đập bàn: “Trời đất ơi! Cả mấy tháng ròng, ông Bảy George đi đi về về ghé quán này hoài, có nói lo giúp bà cô bán nhà. Tưởng ổng đàng hoàng, tui đâu dám hỏi han gì. Khi ổng khoe xong xuôi rồi nên lật đật báo tin cho vợ chồng Pháp tiện thể về chơi…”.
Không khí bàn tiệc chùng xuống, mỗi người đăm chiêu mỗi cách. Pháp nói: “Có khuyên cô gặp Oánh giúp chuyện bán ngôi nhà, nhưng tay bợm già kia cao tay ấn quá cô đành chịu thua… Hiện thời, cô đổ bệnh Alzheimer nặng hơn, nói năng mê sảng lung tung… Khi tiếng tây lúc tiếng ta, chẳng nghe ra được câu nào…”.
Bàng đứng lên, chống nạnh, thở dài: “Để tui nhờ gánh văn phòng luật sư tỉnh may ra có gỡ được không…”. Mỹ nhìn vào lòng ly rượu nói: “Giao dịch xong hết rồi… Ông Bảy George có nói bóng gió bên mua là đại gia đàng ngoài kia, không gỡ được đâu!”. Tôi góp ý: “Hay là dùng quyền khiếu nại về thừa kế có được không?”. Pháp thở dài: “Lúc gia đình đi, Pháp có làm giấy tờ cam đoan cho bà toàn bộ ngôi nhà, không ai tranh chấp... Bây giờ đành chịu thôi”.
Rồi Pháp kể tiếp: “Vợ chồng tôi về là để lo cái vòng chung kết cho bà chứ không phải vì tiền bạc đâu… Số là hồi trẻ bà vào chủng viện nữ tu tập, sắp thành ma soeur thì yêu ông thầy bảy sắp thụ phong linh mục nên cả hai đều bị buộc ra khỏi dòng… Nói nhỏ mà nghe, thầy bảy chính ông Bảy George đó! Famille nhà ổng họ George; còn nhà tôi họ Émile, hai nhà rất đố kỵ nhau từ chuyện đó… Ra khỏi dòng, quỉ Satan cám dỗ ổng sống đời trăng hoa, đỏ đen, hút sách, nợ nần tứ tung và rồi trượt dài lên cuộc đời cô tôi... Về phần cô, gọi đúng tên cô là Emile Hoàng Thu Cúc, khi về lại gia đình ở với ba má tôi, cô tĩnh tâm hơn, thề ở vậy và nhận làm maman của tôi. Và chính maman là người chọn Mỹ cho tôi, xin Cha bề trên rửa tội cho Mỹ với tên thánh Giuse, vì tôi là Maria…  Maman có đức tin rằng phải ràng buộc hai đứa trước Thiên Chúa như vậy mới được ơn phúc lành lâu bền… Mấy ông ngoại đạo nên không hiểu vợ chồng tôi giữ đức tin đó như thế nào đâu… Năm ngoái, biết mình sắp lú lẫn, maman bảo phải bán nhà vì bây giờ tôi cũng mồ côi ba mẹ rồi. Tôi còn có thằng em ruột, làm kỹ sư địa ốc ở bển, không chịu lấy vợ, ham thám hiểm leo núi, bị rớt xuống vực ở Thụy Sĩ hồi năm kia… Cho nên maman nói tiền bán nhà nhiều lắm, sẽ cho hết vợ chồng tôi chứ biết cho ai… Cũng vì vậy, vợ chồng tôi có tính sẽ về đây, cất lại một ngôi nhà khác để dưỡng già, như đã nói với mấy ông, chớ làm sao mà dám rửa tiền đem qua bển được… Thôi thì bây giờ nhờ mấy ông giúp tôi tìm người chăm sóc maman đến ngày cuối đời được không? Vấn đề là tìm được người có tình có tâm, chớ tiền bạc không thành vấn đề…”. Oánh trù trừ gật đầu: “Để tui hỏi mấy bà bổn đạo độc thân quanh đây, có ai ưng làm không…”.  
Bàng xúc động hỏi khẽ: “Lỡ không tìm được ai thì Pháp tính sao?”. Pháp làm thinh, thẫn thờ tháo đôi kính cận gọng titan màu đen dày cỡ 8 độ, rồi cúi đầu, bật khóc và cũng không thể giấu được nữa đôi dòng nước mắt tuôn trào, long lanh ánh trăng thượng huyền…
Mỹ mím môi, nhướng cao đôi mày, vói tay lấy chai rượu, rót chia đều các ly đã cạn, nhưng rượu vẫn còn, phải một hai tua nữa mới hết…
Tôi ngẫm nghĩ, bữa tiệc trên sân thượng đêm nay giống như một cuộc họp thượng đỉnh, dưới ánh trăng thượng huyền, cuối cùng chưa ra được thông cáo chung, chỉ được vài cam kết bỏ ngỏ cho mẫu số chung về hoàn cảnh và thân phận của mỗi đứa bạn già.
                                                                                   

           Tại nhà 20.10.2013                                                  

19/10/2013

Truyện ngắn
Chuyện đời của Còn

Là chuyện hư cấu thôi mà…
Có gì sơ sót bỏ qua đi mà !

Minh họa của  STh.


Huỳnh Trúc Thông

Còn đây! Có bạn nào từng học ở trường bán công đêm còn nhớ cái biệt danh này không: “Thằng Còn có cái mặt tròn…?” Chắc là không! Mấy chục năm rồi, ai là Còn? Còn là ai? Ai rảnh hơi đâu mà nhớ! Mà cũng phải, chính Còn cũng không nhớ nổi một bạn nào có cái mặt vuông vuông hay tròn tròn như Còn… thì làm sao mà dám trách các bạn?  Tính ra Còn chỉ học lớp 8 đêm năm đó chưa đầy một tuần, chép bài chưa được mấy trang tập… thì đột ngột tía của Còn bị tai nạn, chết thảm trên cầu Vồng, lúc trời mưa giông tháng bảy tầm tã. Từ ngày định mệnh đó, Còn phải bỏ trường bỏ lớp, chưa kịp làm quen với bạn nào, trừ cái biệt danh của Còn, mà thầy dạy Toán khi điểm danh hôm đó đã ban tặng cho Còn… May ra có bạn nào còn nhớ chăng?
Nói nào ngay, bây giờ Còn đang ở tít tận miệt vườn U Minh, không còn ai là người thân, chỉ có hàng xóm hay qua lại đánh cờ tướng hay mua hàng vặt, vì Còn có tật chân trái, bán tạp hóa, có vựa mắm, muối, cá khô… Họ nghĩ như vậy là Còn khấm khá hơn họ nhiều. Nhưng cũng có nguời lại chán cảnh Còn vừa đi vừa nhảy cò cò, ưng làm thinh, ưa mặc xà lỏn, áo thun ba lỗ lủng thủng bèo nhèo, tỷ như cuộc đời bất hạnh, côi cút của Còn vậy!
Cách đây vài tháng, ông Lái đi bổ hàng về bỏ mối cho Còn có khoe gom được mớ báo xuân Tết năm rồi, hỏi Còn có thích đọc thì cho mượn. Chà chà! Còn thấy trong đống báo xuân quăn góc, sứt bìa đó có lẫn một tập đặc san Hồ Chung Thủy của các bạn, hình như có mấy chữ ký kỷ niệm của vài thầy cô có dạy Còn mấy buổi ở lớp bán công đêm… Còn nghĩ chắc là bạn nào đó vô tình bỏ quên chứ nỡ đâu đánh mất một tờ báo in ấn kỷ niệm đẹp như vậy ! Mà không hiểu sao nó lại lưu lạc về tận đây, sa vào tay Còn, kể cũng lạ, tỷ như một câu hát mùi mà Còn hay ưa âm ư: “Em ơi trái đất vẫn tròn…”!
Đọc đi đọc lại tờ Hồ Chung Thủy hoài, Còn càng nhớ ray rứt cái cơ may vào học lớp bán công đêm năm đó sao quá chóng vánh, mà nó cũng là một dấu chấm hết thời áo trắng học trò của Còn. Nghĩ đi nghĩ lại, Còn quyết thuật lại câu chuyện đời mình, gửi cho các bạn theo địa chỉ của tờ báo, để trút bầu tâm sự chồng chất mấy chục năm qua, và cũng để giải thích vớt vát vì sao Còn bỏ học mà không nói ra thì ai biết ! Hình như người xưa có nói “văn dĩ tải đạo”, nhưng với Còn vì dốt “đạo”, cho nên Còn chỉ dám cả gan cầm viết để “tải” câu chuyện để đời của Còn mà thôi…
Nói nào ngay, từ ngày về chôn chân ở chốn quê nghèo này, Còn hay nghe ra-dô văng vẳng của hàng xóm vì tiếc tiền tốn pin. Cho nên Còn ham đọc này nọ qua giấy báo gói đồ, lâu lâu vớ được quyển sách nào là đọc miết, rồi thừ người nghĩ ngợi lung tung… Thói quen tưởng tượng chuyện nọ chuyện kia, hay nảy ra vài câu thơ thẩn, vài câu hát chế mới thiệt là cái thú vui tao nhã của Còn. Nhưng rồi thì cả mớ sáng tác đó cũng chỉ giữ lại trong đầu, chưa bao giờ Còn dám viết ra giấy trắng mực đen. Lần này quyết viết câu chuyện đời Còn và gửi cho các bạn thiệt là táo bạo, đường đột vô chừng…
Còn nhớ lại khi được vào học lớp 8 bán công đêm năm ấy, chưa đầy tuần thì cảnh ngộ mồ côi tía ập đến! Chiều hôm đó, tía Còn thuê chiếc xe lôi gắn máy chạy đi giao mắm cho bạn hàng ở chợ huyện. Lúc lên dốc cầu Vồng, trời đổ mưa tầm tã, xe chết máy, tuột dốc. Tía Còn nhảy xuống, lạng quạng trì kéo thì một chiếc xe Honda 67 lao tới, tông tía văng vào thành cầu vỡ mặt chết tại chỗ. Mấy người khách ngồi chờ đò dọc dưới chân cầu chứng kiến kể lại: Tía Còn văng ra. Chiếc xe lôi tuột dốc, ngã ngữa, mắm văng tung tóe… Thằng cha xe Honda cũng ngã nhưng không sao, nó quýnh quáng dựng dậy rồ ga chạy vọt mất tiêu. Rồi mỗi người giúp một tay làm phước, vì họ đều biết tía Còn hay đi giao mắm qua lại cầu Vồng này… Năm đó, tía Còn 31 tuổi ta nên “bước qua” không lọt, bạn hàng chợ ai cũng góp lời đồn thổi dị đoan như vậy, khiến má Còn nhỏ hơn ba một tuổi, càng bị ám thêm nỗi sợ chết khiếp… 
Hồi còn khỏe, tía Còn có nói với má như trăng trối: “Sống tha phương, chết phải về vườn mới phát phước đức cho con cháu!”. Bởi vậy cho nên má Còn quyết định gom hết vốn liếng cuối cùng, dắt díu Còn và con Nữa, bao chuyến xe tang đưa tía về chôn ở đất vườn quê ngoại ở miệt U Minh Thượng; vì dạo đó bà con hai bên nội ngoại ở U Minh Thượng, Hạ cũng chẳng còn ai, không chết già, chết yểu thì cũng lưu lạc tứ xứ rồi. Từ đó, cả ba mẹ con lại tảo tần với nghề bắt cá trời cho, làm vựa mắm, phơi tôm khô, cá khô để chờ lái buôn hàng chợ lâu lâu về đổi chác lấy gạo, sữa và đồ hàng cần dùng…
Độ một  năm sau, tai họa liên tiếp lại ập đến ! Con Nữa chết năm lên 2 vì sốt rét ác tính ! Má Còn sau đó cũng qua đời vì bệnh thương hàn, không kịp chạy chữa… Và thân phận côi cút của Còn sau đó cũng không tránh khỏi tai ương ! Chưa qua khỏi giỗ đầu của má, Còn mắc bịnh quai bị, sinh biến chứng teo tinh hoàn, teo cơ chân trái, phải đi cà nhót cà nhảy bằng chân phải… Lúc Còn mắc bệnh quai bị, ông Thầy chùa trong làng chuyên trị khoán bùa có phán: “Bệnh hết. Tật còn. Hoặc đi tu, hoặc ở vậy cho nó lành”. Chòm xóm vì cám cảnh tai ương của Còn cũng khuyên nên đi tu vì cũng giống như ở vậy thôi. Nhà bà hàng xóm thân với má Còn lại khuyên cách khác, mà Còn thấy ưng hơn: Đó là thỉnh ông Thầy chùa về đất vườn nhà lập chùa chữa bệnh làm phước. Từ đó, Còn ở căn nhà lá ven lộ đất, bán hàng xén, nối nghiệp làm vựa mắm, bán khô như ba như má Còn ngày nào. Kế khu mộ tía má và con Nữa ở phía sau vuờn, Còn cho ông Thầy chùa dựng căn nhà chữa bệnh bốc thuốc… Hóa ra bị tật nguyền, ở vậy với ông Thầy từ đó, vậy mà Còn được yên ổn hơn chục năm trời…
Hễ đến ngày giỗ ba, giỗ mẹ, giỗ em, đứng tần ngần bên bàn thờ thắp mấy nén hương cúng cơm, Còn vẫn cứ nhớ lơ mơ căn nhà thuê ở xóm chợ, nhớ mái trường bán công đêm bên bờ hồ, nhớ cái ngã ba cửa ngỏ vào tỉnh có tên “ngã ba ống quần”… Và nhớ cả cái xứ dừa, vì nơi chốn ấy, gia đình Còn tưởng đã được gặp thời lên hương, nhưng không ngờ chẳng mấy chốc lại “tan đàn xẻ nghé”, còn lại mỗi mình Còn mồ côi mồ cút như bây giờ…
Thú thật với các bạn, Còn rất mặc cảm bị thất học và rất thất vọng với nghịch cảnh tật nguyền, cực nhọc cả đời mình. Tình thiệt mà kể, tía má Còn từng được thừa hưởng của ông nội 3 chiếc ghe bầu buôn mắm từ Cà Mau đi khắp miền Tây, sau đó vì làm ăn thua lỗ và cũng vì loạn lạc phải bán dần từng chiếc, theo xe đò đi buôn, chuyến được chuyến không… Hễ chỗ nào làm ăn được thì nấn ná lâu lâu, có khi chỉ vài tháng cụt vốn lại về quê nội ở Cà Mau, xoay xở bà con họ hàng đã từng đa mang ơn ông nội Còn… Chuyện học hành của Còn vì vậy mà không có được một tờ học bạ cho đàng hoàng. Hôm đó tức giận vì đi xin cho Còn vào học trường tư nhưng bị từ chối, tía Còn chạy về nhà, dí cái bàn tính Tàu vào mặt Còn la lớn: “Học cho biết chữ, biết tính nhẫm đủ buôn mắm là được rồi”. Má Còn cãi: “Con hơn cha nhà có phúc, sao tía nó nói lạ vậy?”... Chuyện tía hay say rượu, má hay cãi vặt là chuyện thường ngày, nhưng mấy lời qua tiếng lại đó vẫn da diết Còn, còn hoài hoài đến bây giờ…
Dạo mới đến làm ăn ở Bến Tre, má Còn cũng vừa sinh thêm đứa em gái. Khi nó mới lọt lòng, má Còn rất ưng vì mặt nó cũng tròn quây, cứ cười chúm chím mà không khóc, nên tía má đặt cho nó tên Nữa. Tía Còn cũng dị đoan, cho dù đã có hơi men, cũng dịu giọng: “Mình ơi mình!” suốt ngày đêm! Từ đó, tía má Còn rất vui vẻ, hạnh phúc lắm, quyết bám chợ Bến Tre, nối đường dây buôn mắm từ Cà Mau, hứa nuôi hai anh em Còn ăn học thành tài.
Một hôm thật tình cờ, có cô giáo mặc áo dài tím hoa cà tha thướt, ghé sạp má Còn mua mắm. Chắc là cô cám cảnh con Nữa mới tròn 3 tháng, lúc nào cũng đòi bú, kể cả lúc má loay hoay cân đong đo đếm bên mấy thùng mắm nồng nặc mùi là mùi… Cô giáo chớp mắt cười nhìn Còn đang đứng xớ rớ, cô hỏi má: “Chắc nó là anh. Vậy chị có mấy đứa cả thảy ?” Má Còn lính quính: “Thưa cô, có hai đứa đã muốn ngất ngư rồi cô ơi!”. Cô giáo cười ra tiếng, hỏi tiếp: “Nó học lớp mấy?”. Má Còn như bắt được một cơ hội bằng vàng, cất vú không cho con Nữa bú nữa, nói không kịp thở: “Thưa cô, nó đang học lớp 8, mới về ở đây, tía nó đi xin vào học trường tư mà chưa được, vì cảnh làm ăn buôn bán nay đây mai đó, nó phải chuyển trường mấy năm nay, học bạ không có điểm điếc gì nên…”. Cô giáo ngắt lời: “Thôi được để tôi xin cho nó vào học trường bán công đêm mới mở… Ban ngày, nó giúp trông em cho chị đỡ cực”. Rồi cô vừa trả tiền cho má, vừa dặn Còn: “ Chiều nay chừng 5 giờ con đến văn phòng trường ở bờ hồ gặp cô, mang theo tập vở vào học luôn”. Còn điếng cả hồn! Má Còn cũng vậy, cầm tiền cô đưa chưa kịp thối thì cô đã bước đi rồi, tà áo dài tím hoa cà lung lay và mùi nước hoa của cô như át cả mùi sạp mắm của má Còn…
Chiều hôm đó, buổi học chiều chưa tan, Còn đang đứng lúp ló trước cổng trường thì đột nhiên ông gác cổng bước ra dắt vào văn phòng. Còn thấy ngay ông Tổng giám thị ngồi thẳng lưng nơi chiếc bàn to tướng bày biện sổ sách ngăn nắp, có biển hiệu khắc tên ông… Thấy Còn run lập cập, ông tháo cặp kính, dụi mắt rồi cười hiền lành nói: “Lại đây thầy hỏi. Đưa học bạ cũ cho thầy xem…”. Còn thấy thầy đọc lướt qua rồi ghi chép tên họ Còn vào mảnh giấy vào lớp đưa cho Còn. Rồi thầy đứng lên, đeo lại cặp kính, căn dặn: ”5 giờ tan trường buổi chiều xong thì 6 giờ con vào lớp 8 học ở trên lầu dãy A kia kìa. Thôi, con ráng học hành tấn tới cho ba má sau này nhờ nghe chưa!...”. Còn càng xúc động hơn, chực khóc vì không ngờ việc học của Còn lại được cơ duyên kỳ diệu đến vậy. Khi khoanh tay cảm ơn và chào thầy, nước mắt Còn cứ lưng tròng, giấc mộng học hành ấp ủ bấy lâu như bừng mở ra trước mặt Còn…
Trong khoảng thời gian chờ vào lớp, Còn ra bờ hồ, ngồi xuống bên gốc cây me tây có tán dài vươn ra che lòng hồ mát rười rượi. Nhìn sang hướng nhà thủy tạ in bóng u trầm giữa hồ nước xanh rêu, Còn thấy lòng đầy trắc ẩn, cứ nao nao vì lời thầy Tổng giám thị như vẫn còn văng vẳng bên tai: “Phải ráng học, học thiệt giỏi mới là thành tài…”! Còn chợt nhớ và thấy lạ, cô giáo hồi sáng hẹn 5 giờ chiều nay mà sao không thấy cô ở văn phòng? Sang tuần sau, Còn mới biết cô dạy tiểu học, vợ ông chủ hiệu buôn vải lớn nhứt tỉnh, quê cô cũng ở Cà Mau nhưng theo nhà chồng ở đây. Vào ngày đưa tang tía Còn về quê, cô giúp má Còn lo liệu mọi bề, khó nhứt là bao được chuyến xe đưa tang về tận U Minh dạo đó. Vậy mà cô vẫn lo xong xuôi và còn dúi cho má Còn một số tiền khá lớn làm vốn… Má con Còn khóc lóc không dứt vì tang gia bối rối đã đành, và cũng khóc vì mang ơn tấm thịnh tình của cô giáo là người giàu tình nghĩa đồng hương mà không biết đến bao giờ trả nổi !
Buổi học đầu tiên ở lớp đêm thật đáng nhớ. Các bạn không cùng trang lứa, vào học vì hoàn cảnh gia đình bận bịu làm ăn ban ngày, vì tránh mặc cảm học trường tư, hay một số ít học hành bị trắc trở giống như Còn. Có lẽ biết vậy nên giờ học Tóan đầu tiên thầy điểm danh rất vui, đặt thêm biệt danh cho mỗi đứa, như để tạo không khí hòa đồng thân thiện, thu hẹp khoảng cách đứa cao, đứa lùn, đứa mập, đứa ốm và cả mấy đứa có vẻ nhà giàu hay quá nghèo. Đó cũng là lý do vì sao từ buổi học ấy Còn có biệt danh “mặt tròn”.
Quả thật là dòng họ nhà nội Còn ai cũng có cái đầu tròn, mặt tròn quây rất ngộ. Ba Còn lúc say rượu hay giải thích kiểu tiếu lâm với bạn nhậu là do lai người Tiều thích ăn bánh bao… Lâu lâu tự sờ cằm, sờ má, sờ trán… mặt Còn vẫn còn tròn quây. Chỉ trừ mấy lúc bị bệnh, đường bán kính khuôn mặt có ngắn lại nhưng mặt Còn đã tròn nó vẫn cứ tròn. Bao năm gian khổ qua đi, dạo này đời sống khấm khá hơn, vì dân nhập cư về đây lập nghiệp ngày càng nhiều, nên khuôn mặt Còn có tròn hơn và căng hơn nhưng chắc chắn là đang già đi trước ngưỡng tuổi lục tuần.
Nhắc cảnh sống hiện nay của Còn khấm khá là so với những năm độ tuổi 15, 25, 35… Như Còn đã kể, những năm chưa kề 20 tuổi đã mồ côi tía, rồi mồ côi má và mất cả em gái… Đến những năm ngoài 20, Còn lâm cảnh tật nguyền, ăn uống qua ngày, bữa mặn bữa chay với ông thầy lập chùa trên đất vườn nhà…  
Rồi vào năm Còn ngoài 40 tuổi, bỗng nhiên có một ông xưng là cậu họ, vai anh má Còn, mà trông cũng giống má lắm, làm cán bộ y tế ở tận Tây Nguyên, không biết làm sao mà cậu đã lần tìm được Còn. Cậu đi xe công bảng số xanh, có tài xế riêng, mang về tặng Còn chiếc xe lăn inox hàng viện trợ, cho Còn mượn vốn mở mang tiệm tạp hóa bề thế như bây giờ. Cậu còn giúp Còn lên huyện xuống xã lập sổ đỏ vườn đất và mướn công thợ về trồng cây trái thu huê lợi. Nhờ vậy mà từ đó Còn trở nên khấm khá hơn xưa một trời một vực. Không biết vì Còn hay vì uy tín của Cậu mà xe cộ đi qua đi lại hay ghé quán Còn uống đặc sản nước dừa có mùi lá dứa như một điểm hẹn. Còn hỏi tại sao thì họ nói đùa rất ác khẩu: “Tại thích thấy chú nhảy cò cò với cái mặt tròn quây!”. Chỉ có một lần ông tài xế chiếc xe du lịch Toyota màu đen láng bóng may ra đã nói thật: “Vùng này đang qui hoạch, đường này sẽ mở rộng, lô đất vuờn nhà ông đang lên giá bạc tỷ đó…”  
Lâu lâu, cậu dẫn mợ và đứa con gái một về thăm, chỉ vẻ làm chuyện này chuyện nọ, căn dặn Còn phải làm sao để cuộc sống ổn định và khấm khá hơn… Mợ cũng làm y tá, trẻ hơn cậu một con giáp, nói chuyện khéo bao nhiêu, thì đứa “con gái rượu” có vai chị nhưng nhỏ hơn Còn gần ba con giáp, sắp tốt nghiệp đại học mà ăn nói theo kiểu tấu hài hay gọi là “chảnh”: “Hai ba mẫu đất vuờn của Hai Còn ở xứ khỉ ho cò gáy này thì có là gì so với cái bằng đại học của con đâu mẹ!”. Nghe câu nói đó, Còn méo cả mặt. Nhớ lại ngày dọn chùa đi nơi khác để Còn làm sổ đỏ, ông thầy chùa đã rất già yếu, quở một câu xanh rờn mà bây giờ Còn mới hiểu : “Mặt có méo mới khéo biết chuyện”!
Quả nhiên, cách đây mấy tháng, cậu họ về chỉ một mình và nói là muốn ở hẳn với Còn, vì cậu bị đau khớp, ở Tây Nguyên lạnh quá, đau không chịu nổi. Lập tức, Còn bốc điện thoại gọi cho bà Mợ và bà Chị nhưng không ai bắt máy. Khi gặng hỏi cậu tại sao vậy, Còn chỉ thấy mặt cậu méo mó chảy xệ, lầm lỳ chẳng nói chẳng rằng… Mặt Còn cũng co rúm lại, méo xẹo, sổ toẹt: “Số tiền cậu giúp cháu vẫn còn nguyên cả bút tích giao nhận đây nè. Tính luôn trợt giá vàng tất cả là 10 cây. Đây! Cậu nhận lại cho cháu được yên ổn cái thân mồ côi, tàn tật này. Bây giờ, cậu mới nếm mùi đau khổ. Còn cháu thì khổ cả đời rồi, không muốn đau thêm nữa đâu! ”. Đêm hôm đó, Còn không ngủ được, đến sáng thiếp đi một chút thì nghe có tiếng xe hơi đóng cửa sầm sập trước nhà, chở cậu đi về hướng huyện lên tỉnh. Còn thở phào nhẹ nhõm, như trút đi được mối quan hệ họ hàng rắc rối cuối cùng.
Đêm đêm, chui vào mùng trốn muỗi, viết câu chuyện đời mình, viết đi viết lại mất ngủ cả tháng trời, hút hơn 2 cây thuốc Bastos, cả ký cà phê ! May mà Còn không uống được rượu, bằng không cũng mất mấy can rượu thuốc, mấy ký mắm cá sặc nấu lẩu nữa là khác!
Mà thôi, Còn xin thú thiệt: “Sở dĩ Còn trút cả tâm sự đời mình cho các bạn là bởi nghĩ rằng ai cũng có phúc có phận cả. Nhưng cái phúc của Còn thì quá mỏng manh, còn cái phận lại rất hẩm hiu, phải kể ra để biết mà phòng! Cả chốn quê này ai cũng biết ít nhiều những mẩu chuyện nọ xọ chuyện kia của Còn, nhưng họ hay bàn tán đủ kiểu, người này thương cảm, nguời kia thương hại, nguời nọ thương tình… Nhưng với các bạn, tuy là bạn phương xa, suýt chút nữa cùng là bạn đồng môn thân thiết của Còn, thì việc cùng nhau chia sớt chuyện đời tư chút đỉnh chắc cũng đỡ tủi, đỡ hổ hơn nhiều ? Phải không?“.
Chắc có bạn sẽ gặng hỏi: “Sao Còn không một lần thu xếp về thăm trường cũ, thăm mái nhà xưa, hay những người quen dạo đó… Mà lại…”.
Còn xin trả lời ngay: “Tại mặc cảm và tự ti! May ra đến gần cuối đời, trải nghiệm bao đắng cay, đau khổ, mới có thể rũ bỏ được nó. Và bằng chứng cho sự rũ bỏ được nó, đó chính là câu chuyện đời của Còn được viết ra đây để gửi cho các bạn chia sớt, may ra giúp Còn chùi sạch lớp bụi mờ dĩ vãng trên khuôn mặt tròn quây, từ nay không còn sợ méo mó nữa!”
Cuối cùng, Còn muốn báo các bạn tin mới nhận hôm kia:  Bệnh viện ung bướu vừa gửi về kết quả xét nghiệm báo rằng: “Khối u ác tính đã đến giai đoạn cuối, không can thiệp được nữa”. Ông hàng xóm hay qua lại đánh cờ tướng bữa ăn bữa thua với Còn khuyên: “Nghe nói xóm trên có người đi xạ trị tốn cả chục cây, thọ thêm được mấy năm”. Còn căng cái mặt tròn quây, cười hề hề: “Tiếc chi 10 cây? Chỉ tiếc cái mảnh vườn nhà này rồi thì không biết phải làm sao đây?

Tại tư gia, 19.10.2013

               

15/10/2013

Đọc bờlốc Hội quán Nhường Trà

·                    Nhân đọc bài Chợ Ngã Năm… của Phan Lữ Hoàng Hà
ST 14.10.2013


 
Nơi sân trường xưa.
Gần một năm rồi, trang bờlốc này vẫn còn đó những bài viết “lưa thưa tơ liễu buông mành”. Chắc tại khai trương bờlốc này cận ngày Cá tháng Tư hay sao ấy ! Hay tại Ban biên tập không có lời “thanh minh thanh nga” cho Thầy Cô và đồng bạn xa gần được rõ “vì sao và vì sao” có bờlốc này…
Mà thôi, những bài viết “từ hình dung, từ tâm tưởng” trong thời gian qua tàm tạm cho thấy bờlốc này cũng có bóng dáng Nhà trường, có ký sự chân quê, có lời “gợi mở tấc lòng” với kỷ niệm xưa và nay…! Như vậy kể ra cũng chỉ là “khởi đầu nan”, nhưng giá mà có thêm nhiều bài viết mới, giọng điệu mới và phong thái mới… thì bờlốc này cũng đáng là một địa chỉ nhân rộng tình Thầy trò, nghĩa đồng bạn có chung một mái trường xưa...
Thật ra cũng có thư xa gần gửi về thăm hỏi trang bờlốc này nhưng chưa ai hẹn sẽ viết cái gì, kể cái gì hay đăng cái gì. Âu cũng là tâm trạng “dễ đọc – ngại viết” ấy mà thôi.
Thôi thì, vì tâm sự “Thương lắm trường ơi” *, nhân đây xin Thầy Cô và đồng bạn xa gần viết bài cho bờlốc này, được xem như một trạm “Dừng chân đứng lại nhìn Trường cũ – Một mảnh tình riêng ta với ta”**… ! Rồi thì cứ mỗi độ xuân về họp mặt, những bài viết đầy tâm tưởng và giàu hình dung của bờlốc này sẽ được in ở đặc san xuân Hồ chung thủy của Ban liên lạc Thầy trò vốn có chung một mái trường mà xưa nay vẫn còn đó bên Hồ chung thủy Bến Tre.
Khi viết những dòng tâm tưởng trên đây, cứ mãi hình dung rằng rồi đây bờlốc này chắc sẽ có phần nào “khởi sắc”; không đến nỗi buồn như chợ chiều Ngã Năm năm xưa…    


* Tựa bài thơ của Cô TGT Nguyễn Thị Lan

** Phỏng thơ Bà Huyện Thanh Quan

Sắp tròn 20 tuổi

Trần Thân Ái



Vậy là còn 2 tháng nữa là Ban Liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa (BLL) ngày trước sẽ kỷ niệm 20 năm (1994-2014) mà từ Hán Việt gọi là “nhị thập chu niên”. Nghe nói BBL đang chuẩn bị bàn tính về cuộc họp mặt lần nầy thật ý nghĩa và đáng nhớ. Là người đồng hành với BLL 2 thập niên qua, xin có đôi lời chia sớt:
            Trong lần họp mặt thứ 19 năm rồi, BBL làm được tờ đặc san có tên Hồ Chung Thủy (ĐSHCT) rất ấn tượng và bài vở rất hài hòa. Lần này tròn 20 năm, từ gần cuối tháng 10, BLL tích cực kính mời thầy trò viết bài cho ĐSHCT đã qua “thôi nôi” và lên 2 tuổi. Theo kinh nghiệm, thời gian thu nhận và biên tập từ 20/10 đến đầu tháng giêng 2014 là vừa; bằng không sẽ lập lại tình cảnh cập rập in ấn như năm rồi, rất sốt ruột. Điều tế nhị hơn là chuyện chi phí in ấn, e rằng BLL phải tiếp tục vận động mạnh thường quân hay sẽ “bán” theo giá bìa thay vì tặng như năm rồi để “hoàn lại vốn”? Hy vọng BLL sẽ bàn tính số lượng ĐSHCT như một món quà xuân và là một kỷ vật của lần họp mặt thứ 20 của toàn thể Thầy trò trường ta…
            Thầy trò trường ta nay đã già và yếu cả rồi! Nên chăng BLL thu xếp làm sao có nhiều cơ hội giao lưu, chia sớt tâm tình, vấn an sức khỏe vì thời gian và tuổi tác không chỉ có trong cuộc họp hàng năm mà cả những ngày trong năm…Nên chăng BLL có thêm một vấn đề cụ thể để mở rộng sự hiện diện và tham gia của các thế hệ Thầy trò từ thập niên 70 về sau; để lần họp mặt thứ 21 trở đi sẽ đông vui và thắm thiết tình nghĩa hơn; thậm chí sẽ hình thành một BLL mới năng động, sáng tạo hơn, sẽ thay thế cho BLL cũ đã già và yếu cả rồi…
            Đôi lời đến đây xin dừng lại, để kính mời những ý kiến chân tình cùng chia sớt với BLL trường ta…


            LT: Bài vở, ảnh gởi cho Đặc san Hồ Chung Thủy: phanluhoangha@gmail.com

09/10/2013


                        Đi rập cua
            Sáu Quang

Phía trước chiếc xuồng nhỏ đi rập cua của anh Tám là vùng đất cuối sông thuộc huyện biển Thạnh Phú với mạng sông rạch, vàm, khém cắt chẻ như bàn cờ. Ở đó, dưới những sông rạch chằng chịt là nguồn thủy sản vô cùng dồi dào phong phú do thiên nhiên ban tặng cho con người. Dù trải qua bao thăng trầm nhưng con cua hiện nay vẫn có giá.

Chuẩn bị đi rập cua

             Một chuyến đi rập…
            Chạy vội ra bờ sông Băng Cung, tôi gọi réo xuống dòng sông: “ Ơ…anh Tám, anh cho tôi theo anh một chuyến…”. Nhận ra tôi là người bà con bên vợ của anh nên anh trở tay chèo, đưa mũi chiếc xuồng nhỏ quay lại vào bờ. Ngồi trên chiếc xuồng 7 lá chuẩn bị đi rập cua, anh Tám ngước nhìn lên bầu trời chiều với nhiều cụm mây đen ve vãng, giọng anh lừng khừng trước tôi: “Chú em có biết lội sông hôn? Mùa này đi trên sông nước nguy hiểm lắm!..” Tôi liền đáp: “Tàm tạm, nhưng mà anh Tám hãy yên tâm đi, có gì thì còn…cái thùng nhựa của anh Tám nữa chi.” Anh Tám cười gượng: “Hừ. Mà đi khuya lắm mới về hà…”
            Chiếc xuồng nhỏ chở chúng tôi chèo về hướng rạch Cừ, nơi giáp ranh giữa xã An Thạnh và An Điền. Xa xa phía trước, dòng Băng Cung càng nở rộng và chẻ ra thêm  rất nhiều nhánh trước khi đổ vào sông lớn Hàm Luông,  rẽ qua Eo Lói đổ vào sông lớn Cổ Chiên. Đó là mạng sông rạch chằng chịt thuộc vùng ven biển Thạnh Phú (Bến Tre) với nhiều địa danh nghe lạ lẵm nhưng đầy ấn tượng: rạch Bà Hương, rạch Ngát, Láng Cháy, Heo què, Rều, Giồng Bãi, Vàm Rỗng…
Xuồng chúng tôi khi chèo gần đến rạch Cừ thì bỗng xuất hiện nhiều cơn gió mạnh kéo đến, gió làm nổi sóng trên sông, mây đen làm trời tối sầm nhanh chóng. Chiếc xuồng đi rập cua chồng chành, lắc lư dữ dội. Với kinh nghiệm mấy mươi năm sống nghề sông nước, anh Tám đoán chắc là giông sẽ ập đến hoặc  cũng có thể là gió lốc, con trốt sẽ đánh vật con sông này ngay trước buổi hoàng hôn. Nhanh như con thoi, anh mộp người xuống, căng lực vào tay chèo, đưa ngay chiếc xuồng vào trốn bên một vạt rừng bần ven sông. Quả vậy, không phải giông, mà đó là một cơn lốc…chết người bất thần kéo qua nơi cuối sông Băng Cung, cách chỗ chiếc xuồng chúng tôi đang ẩn trốn… thần gió không xa. Chỉ tay về hướng con lốc xoáy vừa cuốn qua, anh Tám thều thào: “ Nếu đang thả rập cua ở đó, lớ ngớ chắc là bà Thủy kêu...”
            Rồi như màn ảo thuật của ông Trời, sau lốc xoáy chừng mười phút, không gian trên sông nước lại quang đãng với ráng chiều rựng đỏ phía chân trời. Trên xuồng, anh Tám lần lượt móc mồi chình vào các chiếc rập cua và chuẩn bị thả rập xuống lòng sông. “ Ô kìa… gì vậy ta?”- tôi thốt lên khi thấy một đoàn xuồng mấy chục chiếc nối đuôi nhau, dài thườn thượt đang tiến gần về phía xuồng chúng tôi. Kéo đoàn xuồng kia là một ghe máy khá lớn. Tôi thấy ngộ nhưng với anh Tám thì không lạ gì, anh nói: “Thì họ cũng đi rập cua như mình. Cái khác là mình đánh “du kích” còn họ thì đi hành quân xa - anh giải thích- Du kích là trong ngày, canh theo con nước để thả rập bắt cua, thả xong lại về. Còn đi rập cua theo đoàn như họ là hành quân xa vì họ đi ba bốn bữa hoặc có khi cả tuần lễ mới về.  Khi đi, họ phải chuẩn bị đủ thứ để có thể sống và thao tác nghề  dài hơi trên một chiếc xuồng 7 lá chật hẹp như chiếc của mình đang đi. Họ đi xa hàng chục cây số tính từ điểm xuất phát. Thay vì phải chèo bằng tay, để tiết kiệm sức, họ cùng chịu tiền dầu mỡ nhờ một chiếc ghe máy kéo theo hết cả đoàn xuồng đi rập cua. Chiếc ghe máy kia lại một công hai việc: vừa đi rập cua ngoài ven biển, vừa có người hùn vô tiền dầu…Gần đây, xăng dầu lên quá mạng, dân đi rập cua xa và cả những chủ ghe máy đều than như bọng…”
            Dụng cụ rập cua? Đây cũng là một cách sáng tạo của ngư dân vùng ven biển ĐBSCL. Rập cua được làm bằng hai thanh tre buộc xéo nhau thành hình chữ X. Dưới hai thanh tre đã uốn cong là khoảng lưới hình vuông, cạnh khoảng 45 cm và để cái rập cua có đủ sức nặng khi thả chìm xuống đáy sông, người ta buộc thêm hai cục gạch cân bằng ở phía trên cái rập. Chính giữa hai gọng tre là chỗ để móc mồi. Ngư dân ngồi trên xuồng điều khiển (kéo lên, thả xuống) chiếc rập dưới nước nhờ vào một sợi dây buộc chắc vào cái rập. Dấu hiệu của một rập cua vừa được thả xuống đáy sông là một chiếc phao nhỏ nổi lều bều trên mặt nước. Cách bắt cua từ chiếc rập? Thông thường các chú cua túa ra đi tìm mồi, ăn mồi vào lúc con nước vừa đổ lớn và lúc nước vừa giựt ròng bởi vậy, để mai phục chúng, dân ngư chọn lúc nước đứng là thời điểm thả những chiếc rập cua xuống đáy sông. Khi ấy, thật đơn giản, cua ham mồi, vào rập ăn mồi, thì bất thần ngư dân ở trên xuồng giựt mạnh chiếc rập lên. Khi giựt rập lên, cua…giựt mình rơi xuống lưới. Rơi xuống lưới rồi nếu cua vùng vẫy thì càng rối vào lưới …
            “Tại sao rập cua phải là mồi chình?”- tôi hỏi anh Tám. Anh Tám tạc lưỡi: “Nghĩ cũng ngộ, con chình cũng giống như lươn, nhưng mà câu cua bằng mồi lươn thì đố ai câu được. Chúng chẳng bao giờ ăn…mồi lươn. Phải chăng chính mùi tanh của máu con chình là điều quyến rũ chúng(?)”. Đêm đó, anh Tám thả 20 chiếc rập cua, đến khuya, anh lần lượt kéo rập lên bắt gần 4 kg cua trong đó có 2 chú cua gạch điều cân ngoài 1 kg. Cua gạch điều đang có giá gần 200.000 đồng/kg. Như vậy, qua một đêm đi rập, giá chót anh Tám cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng. Anh Tám khẽ khàng: “ Đến Tết Trung thu cua gạch điều có khi ngoài 200.000 đồng/kg…”

Đi rập cua

            “Bệnh viện cua”giữa biển
            Ông Nguyễn Văn Hoanh ở Cống Đá, xã An Thạnh, người đã sống với nghề rập cua gần nửa thế kỷ qua tâm sự: “Nghề hạ bạc này thuộc nghề truyền thống, cha truyền con nối, thường tập trung thành một xóm giữa những vùng dân cư sống bằng nhiều nghề khác nhau. Đầu tư cho một xuồng đi rập cua chẳng gì lớn lao: một chiếc xuồng 7 lá mua khoảng 500.000 đồng, 30 cái rập cua tự tạo, chỉ tốn tiền mua lưới; cộng tất cả khoảng 700.000 đồng là có thể…làm nghề. Tuy vậy, do cua biển luôn có giá nên dù làm nghề rập cua trên sông vẫn có thu nhập cao hơn làm ruộng - ông Hai Hoanh tiếp lời - Còn những ai khá hơn thì họ sắm ghe tàu lớn đi rập cua ngoài cửa biển. Đi rập cua ngoài ven biển, nếu may gặp những “bệnh viện cua”ở ngoài đó coi như trúng mánh...” . “Bệnh viện cua” giữa biển?”- tôi thắc mắc hỏi vặn ông Hai Hoanh. Ông Hai cười: “Anh em sống nghề nói vậy cho hình tượng chớ thật ra đó là những hầm cua, tức nơi dưới đáy biển tự nhiên có chỗ có rất nhiều cua tựu lại rồi chúng giành ăn, “giành cái” với nhau, cắn nhau sứt tay gãy gọng nên khi đi rập cua trúng chỗ đó, vui lắm, cứ kéo lên là gặp…cua què (gãy càng). Nhưng nói đó là “bệnh viện cua” xem ra cũng có lý. Phải chăng ở đó là nơi có điều kiện thiên nhiên lý tưởng để cua tề tựu lại sinh sống, dưỡng sức sau cuộc chiến đấu với tình địch nào đó trong thế giới của loài cua(?)”
              Vài năm gần đây, cua con sinh sản trong thiên nhiên xuất hiện nhiều vô số kể ngoài cửa sông Hàm Luông, cửa sông Cổ Chiên rồi cua con theo thủy triều tiến quân vào các sông rạch trong đất liền. Vậy là ngư dân đi rập cua có thêm công việc mới: rập cua con, là cua giống bán cho người nuôi cua. Đi rập bắt cua gạch, cua xô (gọi chung là cua lớn)  từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch còn đi rập bắt cua con là từ sau tháng 11 cho đến ra Giêng. Rập cua lớn, ngư dân dùng mồi chình, rập cua con ngư dân dùng mồi ruốc sống. Một chiếc rập cua con khi kéo lên, cơ man nào là cua, loại cua còn nhỏ cỡ đầu đũa hay cỡ ngón tay út. Cứ đếm từng con mà bán. Con nhỏ cỡ đầu đũa thì 1.000 đồng/con, cỡ ngón tay út 1.500 đồng/con, còn lớn hơn nữa là 2.000 đồng/con…Anh Tư Nghĩa, người đi rập cua sống ở xã Mỹ Hưng, sau một chuyến đi rập, anh xách một thùng thiếc cua con đem bán cho một chủ vuông nuôi cua. Cua nhỏ bò lích nhích, không sao đếm xuễ nên chủ vuông đề nghị mua mão cho anh tất cả là 500.000 đồng. Chẳng do dự chi, anh trao hết cho chủ vuông cua chiếc thùng thiếc và khi vừa nhận tiền xong, anh Tư trở ngay lại với dòng sông để tiếp tục đi rập cua…nhí.
            Đa dạng hóa trong nuôi thủy sản?
            Nuôi tôm sú có lợi nhuận cao nhưng phải đầu tư lớn và lắm rủi ro, không ít người đang lao đao. Hiện nay, khi nuôi tôm vẫn là chuyện bấp bênh nên người dân vùng ven biển trở lại với nuôi cua. Nuôi cua tuy lợi nhuận không cao như nuôi tôm nhưng lợi thế là không phải đầu tư lớn, ngay cả người dân nghèo, có ít đất vẫn tận dụng được để nuôi cua với một ao nhỏ thả nuôi chừng trăm con cua. Vậy là sau bốn, năm tháng, ngày cứ lai rai xách ra chợ xã bán một, hai kg cua cũng dư tiền chợ búa. Đó là chưa kể nuôi cua vỗ béo, nuôi cua tạo gạch với thời gian ngắn nhưng vẫn cho lợi nhuận khá…

          Cua con đang sinh sản nhiều trong thiên nhiên là tín hiệu lành đối với môi trường sống quanh ta và cũng từ nguồn cua giống dồi dào này, hy vọng nghề nuôi cua sẽ được vực dậy để lấp vào khoảng trống ủ rủ của nhiều vùng tôm. Có thể lắm chứ…/