22/06/2013

            
Thư của Phan Văn Nghĩa gởi cho một người bạn

Thư của Phan Văn Nghĩa gởi bạn mang tên TH... năm 1973.


4 Nguyễn huỳnh Đức. Đêm café 03.06.73
                                                04.06.73.
...
Nghĩa bây giờ thật ấm cúng. Sự có mặt của một số bạn bè trong ngôi nhà nầy: nơi Nghĩa đã sống một thời gian qua. Ngôi nhà um tùm và âm u như cổ miếu; có mái nửa ngói nửa lá và hủng hết; có trời nắng nguyên một mặt trời rọi vào; những đêm sáng, trăng rọi đến tận chỗ nằm và mùa mưa nước ngập thênh thang, buồn rầu ngập đầy tâm tưởng.
Nghĩa đã sống và lớn lên, thở hơi thở, mở to con mắt tại đó. Không thể nào quên, quên nổi. Biết suy nghĩ cũng từ đó và yêu thương cũng từ đó. Những bài nhạc hoặc thơ chào đời ở 4 Nguyễn huỳnh Đức vương mang ít nhiều kỷ niệm. Ta buồn làm sao em vui viết khi trời mưa nhà lênh láng nước, ngồi phổ thơ ra nhạc ở trong mùng. Ta nhớ người khi hoa mai nở nhân một sáng mùa xuân cây mai nhỏ trong sân do người bạn trồng nở một bông duy nhất (duy nhất từ đó đến giờ). Nguyện làm cây thánh giá ở một đêm thức khuya với bè bạn…
Đời sống xa gia đình, khổ sở về phần vật chất, nhưng lại no đủ về tinh thần. Những người bạn đến rồi đi biệt tích hoặc ở lại với mình dài lâu, chia xẻ, an ủi thật nhiều.
Năm nay về Sài Gòn gần gia đình để việc học được chu đáo hơn. Trong đời sống mới, khác. Nghĩa cố gắng để làm được một cái gì đó để khỏi phụ sự tin cậy của một số người: má, anh chị, bạn bè v…v…
Năm tới, tất cả tụi mình đều ráng đậu hết để cho vừa vặn chân tình của những người trên.
Buổi nào đó Nghĩa về nữa mong rằng niềm vui vẫn còn đầy ắp. Ước gì chúng mình hưởng trọn suốt đời những bon jour, bon soir, bone nuit. Hạnh phúc biết mấy. Hạnh phúc hình như gần gũi và không màng đến dư luận. Sao mình không nói bằng con tim thiết tha của chính mình. Phải chà đạp dư luận và đôi khi phải lắng nghe dư luận. Thật buồn cười cho cả hai khi không thích mà phải làm. Buồn cười trong đau đau... Nghĩa mong được đối xử thật tình hơn và nhờ vậy mà mình có thể có vài tiến bộ, thăng hoa.
Nghĩa thèm một lúc nào, cả hai cười với nhau thật trọn vẹn. Lúc đó Nghĩa đàn hát những bài tình ca nồng nàn nhất. Lúc đó kéo nhau đi trong một buổi có trăng ngang qua bờ hồ để nhìn bóng mình hòa nhập cùng bóng lá. Nghĩa mơ mộng xa vời quá phải không?...
Sao vẫn còn một chức vị khi Nghĩa nghĩ rằng cả hai còn đậm đà trong tuổi thiếu niên thiếu nữ.
Chúc mừng những đêm ngon ngày ngon đang đến và sắp xảy đến trong đời của(*)./.

                                                                                            Ngh.


(*): Người cung cấp thư xin không nêu tên.

19/06/2013

            
Khi xa rời phố xưa
           

Nhóm BT: Bút tích dưới đây gồm nhiều bài thơ mà bạn Phan Văn Nghĩa đã gởi cho người bạn mang tên TH… ở Trường Trung học công lập Kiến Hòa vào năm 1973, lúc bạn học lớp 11 B2. Thi hài của bạn Nghĩa đã hỏa táng nhưng sẽ đọng mãi trong lòng của một thời áo trắng.






18/06/2013

Âm vang chuyến xe lam chiều...


           
            Sáu Quang



Cuối cùng, chúng tôi – những cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa –mướn một chiếc xe lam (lambro 550) đi Tiên Thủy và Tiên Long (Châu Thành), lộ trình đi trên 20 cây số. Xe chở cả thảy 10 bạn cùng đồ ăn, thức uống; số bạn còn lại cỡi Honda đời mới, chạy rà rà theo sau xe lam, có người nói vui là…hộ tống. Khởi hành tại phường 3, TP Bến Tre, máy xe nổ phum phum, đều ran, lướt nhanh trên đường phố. Nhiều người qua đường ngó nhìn xem và chắc đang đặt câu hỏi trong đầu: “tiết kiệm”, mà cũng khó đoán ra vì các anh chị em ngồi trong xe lam ăn mặc khá đẹp. Tôi buột miệng: “Cứ coi mình như…nghiên cứu sinh”. Có người rất khá giả đang ngồi trên xe lam, miệng cười cười, một chị nói: “Đi xe lam rất nhớ hồi còn là học sinh ở Trường Kiến Hòa. Xe lam chạy ra bến phà Rạch Miễu sơn màu trắng, chạy tuyến Sóc Sải (Tiên Thủy bây giờ) sơn màu xanh dương nhạt. Hồi đó, cuối tuần là phải đi xe lam về quê (Hàm Long) để sang thứ Hai lại xuống tỉnh cũng bằng xe lam. Chuyến đi chiều cuối tuần hối hả lắm, phập phồng vì sợ hết xe, má trông…”. Quả vậy, thời học trò, tôi có rất nhiều bạn dọc theo tuyến tỉnh lộ về Hàm Long. Ngồi trên xe lam, nghe tiếng máy nổ phum phum, đều ran, ai mà không bồi hồi với âm thanh buồn ngủ đó. Có những chuyến đi chở biết bao nhiêu vui buồn với âm thanh quen thuộc đó, nhất là những buổi chiều sau khi dò kết quả thi Tú Tài ở Mỹ Tho hay Sài Gòn.
            Chiếc xe lam leo dốc cầu An Hiệp, xe đến giữa cầu thì máy xe róng riết, lịch khịch, chị em định nhảy xuống, phụ đẩy xe lên, nhưng anh Sáu Lượm, tài xế xe liền cất tiếng: “ Cứ ngồi yên, không…khựng đâu, coi vậy chứ xe sẽ qua cầu khỏe re”. Thật vậy, xe qua cầu dễ dàng, nhiều tiếng thở phào mừng cho chuyến đi suôn sẻ, khỏi phải đẩy tới đẩy lui. Mà phải mừng thôi vì có người đã trên 30 năm rồi mới ngồi lại trên xe lam, đâu biết máy móc của nó bây giờ ra sao!?
            Xe đến trung tâm xã Tiên Thủy thì rẽ phải, ra vườn nhà của thầy Trương Thọ  Lương ngoài xã Tiên Long, cách Tiên Thủy chừng 7 cây số. Con đường nông thôn dẫn vào Tiên Long lúc đầu rộng chừng 2 mét rồi hẹp dần 1,6 mét, 1,4 mét, trong khi đó chiều ngang của chiếc xe lam là 1,5 mét. Tôi nói vui:” Đi xe tốc hành hay đời mới cỡ nào, xe cũng không thể cho cùng lúc 10 người vô đây được…”. Sáu Lượm tiếp lời” “Hồi đó chiếc xe lam tôi cũng chở 10 người, mỗi băng 5 người, nhưng thấy còn rộng, còn bây giờ cũng 10, nhưng…” Một cô bạn chỉ qua một anh bạn: “Như anh bạn này, một đã thành hai…hi,hi”.
            Chốc chốc, khi chiếc xe lam chạy gần đến một cầu bê tông, Sáu Lượm nói to: “Khum đầu xuống, khum đầu xuống…” rồi xe qua cầu khỏe re. Đến một cầu gần nhà vườn nhà thầy Lượng, Sáu Lượm gằn giọng: “ Cái cầu này khó nghen. Chiều ngang cầu chỉ 1,5 mét. Sáu Lượm tiếp lời: “Cứ ngồi yên”. Xe qua cầu vừa triếng. Sáu Lượm cũng thở phào: “Tay mơ, mới vào nghề thì…”ăn” không nổi cái cây cầu này đâu”.

Đường vào nhà vườn thầy Lương (Tiên Long)

            Đường quá hẹp rồi không còn vừa cho chiếc xe lam chạy nên chúng tôi thả bộ vô vườn của thầy Lương. Chúng tôi vào vườn chôm chôm, sầu riêng và đến thăm khu mộ bên ngoại của thầy Lương (Nguyễn Gia Chi Mộ). Bạn Phan Huỳnh mải mê bẻ rau bù ngót mọc hoang ngoài khu mộ.Tôi nói với bạn Phan Huỳnh: “Làm chi cho cực, cứ ra chợ Ngã Năm, chỉ 500 đồng là đã có một bó rau bù ngót bự chảng’’ . Bạn Phan Huỳnh cứ chăm chú vào đám bù ngót xanh tươi, còn đọng lại trên lá những giọt nước mưa: “ Cái này xanh, sạch bảo đảm trăm phần trăm. Rau bù ngót nấu canh với tép đập dẹp…hết sẩy…”.
            Các bạn thưởng thức những trái chôm chôm, những múi sầu riêng do người nhà thầy Lương vừa hái xuống đãi khách. Mùi trái cây thơm tho, ngon ngọt càng tăng thêm hương vị miền quê khi chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện bên dòng sông và trời đã tạnh ráo sau cơm mưa hồi hôm. Những đóa hoa Huỳnh Anh nở vàng rực rỡ trong nắng sáng trên đường dẫn vào nhà vườn của thầy Trương Thọ Lương. Không gian êm đềm bỗng bị phá tan từ một mẩu chuyện tiếu lâm của ai đó trong đoàn. Mọi người cười ồ lên còn các chị thì có người đỏ mặt. “Là sao, là sao…”- có người “chậm tiêu” nên cứ hỏi.

Anh Ba Tiên tại vườn của thầy Lương

 
Bạn Phan Huỳnh với bó bù ngót trên tay
           
Thầy Trương Thọ Lương tại sân vườn nhà thầy




           Tiếng máy xe lam nổ phum phum, đều ran rồi hướng sang xã Tiên Thủy. Những chiếc bánh xèo nóng hổi đã dọn sẵn ở nhà của bạn Nguyễn Văn Ba (Ba On). Tôi xuống dàn bếp ngắm nghía. Đó là những chiếc bành xèo vừa đổ xong với nhân thịt và tép phong phú, bốc mùi thơm làm thực khách bỗng thấy đói bụng. Vợ anh Ba dọn lên thêm mấy đĩa rau sống. Cải bẹ xanh và lá cách xanh rờn do chị Ba hái trong vườn hồi sáng  sớm. Và cả nghệ thuật…làm nước mắm của chị Ba. Đã như “truyền thống”, hàng năm, cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ hoặc xê xích trước sau mấy ngày, nhóm cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa lại lên thăm gia đình anh chị Ba rồi dùng bánh xèo, có năm, nhân bánh xèo với rất nhiều núm mối, nhưng năm nay thì vắng hoe. Nhưng năm nào cũng vậy, gần ngày hạ chí nên trời nóng nực, bên ngoài nắng chang chang và chừng khoảng 11 giờ trưa là trời bắt đầu đổ mưa. Một bạn giọng bùi ngùi nhưng vui vui: “Không biết năm sau, mình còn…lên nổi nữa không để mấy chị phục vụ”. Lại có tiếng cười: he, he….





            Những người bạn cũ ngồi ăn bánh xèo, chung vui ly rượu mít do bạn Nguyển Văn Ba ngâm, có bạn tuổi đã ngoài 60, kiêng cử rượu vài năm rồi. Âm vang từ chuyến xe lam chiều, cái bánh xèo nồng nàn hương vị quê ta… tất cả tựa bóng câu qua khung cửa.



 Về lối cũ.

08/06/2013


            Cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu hội ngộ sau 30 năm ra trường

            Ngày 8/6/2013, tại sân trường THPT Chuyên Bến Tre, đã diễn ra buổi hội ngộ của các cựu học sinh niên khóa 1980 -1983 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu sau 30 năm ra trường. Nhiều cựu giáo viên, các thầy cô cũ và trên 200 cựu học sinh đã về dự. Đặc biệt, trong lần họp mặt này, ban tổ chức đã mời đại diện Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa cùng đến dự.
Cổng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu với những chữ ký lưu niệm của các thầy cô

            Buổi hội ngộ diễn ra với nhiều tiết mục văn nghệ, dòng hồi tưởng của giáo viên, lời phát biểu của đại diện Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường THCL Kiến Hòa, giới thiệu từng gương mặt các học sinh của các lớp trong niên khóa 1980 – 1983, đấu giá hình ảnh cổng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu để gây quỹ học bổng, tương trợ các cựu học sinh và học sinh hiện học tại hai Trường THPT Chuyên Bến Tre và Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
            Cô Nguyễn Thị Tuyết (dạy Văn) đã rưng rưng nước mắt khi ôn lại kỷ niệm xưa, lúc các học sinh niên khóa 1980 -1983 còn chung dưới mái trường, cô nói: “ Dù ở hoàn cảnh nào, địa vị xã hội ra sao, các em vẫn giữ được tình cảm học trò ngày xưa, tôn sư trọng đạo và là những công dân hữu dụng của đất nước”.

Các cựu giáo viên về dự
Đại diện Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường THCL Kiến Hòa về dự

            Ban tổ chức đã trao cho thầy Trương Thọ Lương, Hiệu Phó Trường THPT Chuyên Bến Tre 15 suất học bổng, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, 15 suất học bổng, mỗi suất 500.000 đồng do các cựu học sinh trong niên khóa đóng góp.
            Anh Lương Văn Tô My, Trưởng ban liên lạc cựu giáo viên và học sinhTHCL Kiến Hòa, làm không khí buổi hội ngộ “sung” lên khi anh cất tiếng hát bản nhạc “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sau đó, anh phát biểu: “ Nơi đây ( Trường THCL Kiến Hòa rồi THPT Nguyễn Đình Chiểu, THPT Chuyên Bến Tre) là nơi đã vun bồi nhân tài cho nhiều thế hệ, chúng ta – những cựu học sinh dưới mái trường này – hãnh diện về sự thành đạt hôm nay và luôn luôn cám ơn các thầy cô đã dạy dỗ chúng ta nên người”.
            Tiết mục đấu giá bức hình cổng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (bên hồ Trúc Giang) diễn ra sôi nổi, hào hứng nhưng chứa chan nhiều tình cảm: Cuối cùng, anh Huỳnh Kỳ Trân – Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh THCL Kiến Hòa – Tổng Giám đốc Công ty Thorakao – “kêu” giá 20 triệu đồng. Anh Nguyễn Hoàng Chiến, cựu học sinh lớp 12B4, niên khóa 1980 - 1983, hiện công tác Chi cục Thi Hành Án, Q 11, TP HCM định “kêu” lên thêm nhưng anh Kỳ Trân nói: “dừng lại” và anh xin tặng luôn cho quỹ 20 triệu đồng. Như vậy, tổng đấu giá từ bức hình trên, quỹ của các cựu học sinh niên khóa 1980 - 1983 thu được 40 triệu đồng.


                                                                                                                                   PLHH.

Thầy Trương Thọ Lương (thứ hai, bìa phải) nhận học bổng cho học sinh

Anh Huỳnh Kỳ Trân (giữa) và anh Nguyễn Hoàng Chiến

Tặng quà lưu niệm cho các giáo viên.

06/06/2013

            Mùa xuân cỏ đến

            Nhóm BT: Bài thơ này Phan Văn Nghĩa đề ngày 2/11/1973, tức lúc bạn 17 tuổi.

            Phan Văn Nghĩa
           
            Sao thương mãi một bóng mây lơ lửng
            Sao mang theo tiếng chim hót hôm nào
            Ơi bóng mây ở một lần mưa bão
            Ơi tiếng chim đã khàn đục làu khàu

            Mai trời nắng hong dùm tôi quần áo
            Mai vườn tôi thêm cỏ chỉ mọc lên
            Và ngày mốt mùa xuân xưa có đến
            Hôn nhẹ dùm mảnh ngói đã quên tên

            Tôi có quyền chiêm bao vài đêm nữa
            Rằng mùa đông không thể nở miên trường
            Rằng mùa hạ sẽ thôi còn nóng nực
           Chiều dìu người quanh quẩn nhặt bông hường.


Một cõi đi về

        
Huỳnh Thanh Quang

Xin mượn tựa một bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để viết lên những ngày lặng lẽ của hương hồn bạn Phan Văn Nghĩa sau khi thi hài của bạn đã hỏa táng. Trên đời này, một cõi đi và về rồi hư vô như cố nhạc sĩ đã khắc họa.

Anh Lương Văn Tô My (trái) gởi tiền cúng tuần thất cho bạn Nghĩa
Anh Kháng (giữa) tiếp các bạn
Bạn Phan Văn Nghĩa mất ngày 30 và hỏa táng lúc 9 giờ ngày 31-5-2013. Mọi việc diễn ra bất ngờ, nhanh quá!
Sáng ngày 4-6-2013, từ thành phố Bến Tre, nhóm cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, học từ khóa năm 1967 đến năm 1974, gồm: Trần Minh Tiên, Huỳnh Thanh Quang, Trần Thị Thanh, Ngọc Anh, Nguyễn Thị Bạch Phượng, Nguyễn Thị Thẩm đến tịnh thất Thanh Minh (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức (TP HCM) viếng hương hồn bạn Phan Văn Nghĩa, người bạn học cùng cấp cùng trường. Trên Thủ Đức cũng có các bạn đã hợp đồng chờ sẵn: Anh Lương Văn Tô My, Trưởng ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, Lưu Huỳnh Thống, Võ Đình Phúc, Nguyễn Phước Linh, Huỳnh Phương Nghĩa, Đặng Thị Kim Liêng. Anh Phan Văn Kháng, người anh ruột thứ Ba của bạn Nghĩa tiếp và hướng dẫn chúng tôi vào thắp nhang, viếng hài cốt bạn Nghĩa. Nơi tịnh thất Thanh Minh cũng có hài cốt của vợ bạn Nghĩa mất cách đây trên 3 năm. Hai vợ chồng không có con. Từ khi vợ bạn Nghĩa mất, bạn Nghĩa sống và làm việc trong những ngày buồn u ẩn, đi đi về về chỉ một mình tại ngôi nhà ở thành phố Biên Hòa. Bạn Nghĩa sống đơn độc, nhiều hoài niệm cho đến đêm 30-5-2013!
Trước lúc các bạn thắp nhang viếng bạn Nghĩa, trong không gian cảm động, anh Lương Văn Tô My thay mặt các bạn gởi đến gia đình tiền cúng tuần thất cho bạn Nghĩa do các bạn đóng góp. Anh Ba Phan Văn Kháng do dự và nói rằng bạn Nghĩa đâu còn vợ và cũng đâu có con. Bà mẹ của bạn Nghĩa nay đã 90 tuổi, chưa hay biết bạn Nghĩa đã qua đời vì điều này anh Kháng cố giấu, mới chiều qua, anh chỉ thông báo cho người mẹ biết là hiện Nghĩa bệnh nặng, đang nhập viện.
Anh Phan Văn Kháng bùi ngùi: “Khi mất, Nghĩa còn để lại rất nhiều tiền trong ngăn tủ, một xấp dày cộm. Đó là những tờ giấy bạc loại 1000 đồng và 2000 đồng, đếm hết chừng một trăm mấy chục ngàn đồng. Ngoài ra những khoản khác không biết Nghĩa để hay gởi nơi nào. Mà chắc không có đâu…!?”.
Từng người bạn đến thắp nhang trước bàn thờ Phật rồi viếng hài cốt bạn Phan Văn Nghĩa. Cảnh tượng thanh tịnh, xa vắng, rất buồn!
Chúng tôi tựu lại ăn cơm trưa rồi mới về Bến Tre.
Trong bàn ăn, Lê Tấn Lộc, một người bạn thân thiết, gần gũi với Phan Văn Nghĩa nhắc đến lần cuối cùng bạn Nghĩa đến nhà Lộc chơi cùng ngồi uống vài ly rượu.
Im lặng.
Bạn Trần Thị Thanh đọc lại bốn câu thơ của bạn Nghĩa làm anh Phan Văn Kháng rưng rưng:
“Anh về dập tàn lửa mộng
Anh múc nước dập tắt lửa mơ
Vì em vẫn đời đời cao vọng
Vì em vẫn đời đời tiểu thơ”
Bạn Phan Văn Nghĩa là một học sinh tài hoa, năm 15, 16 tuổi bạn đã làm thơ, sáng tác nhạc. Hồi còn đi học, nhà của bạn Nghĩa đối diện với quán Ngy (viết tắt: Người yêu) – Con bê vàng ngơ ngác – nơi có dàn hát băng hiệu Akai của Nhật rất sớm tại Bến Tre (phường 1 hiện nay). Dàn hát băng Akai lúc này là tối tân lắm. Còn nhà bạn Nghĩa ở là một ngôi nhà lá nhưng hơi rộng, ẩm thấp với hàng dâm bụt trước nhà cùng bông lồng đèn treo trước gió. Về đêm, nơi nhà bạn Nghĩa ở chìm trong tiếng nhạc du dương từ quán Ngy cho nên có lần Nghĩa nói với tôi: “ Hồi đó, tối lắm tao mới học bài. Học xong, có hứng thì làm thơ, viết nhạc”.

Bất chợt, bạn Trần Minh Tiên nói khẽ với tôi: “Hồi nhỏ thằng Nghĩa ở cùng xóm với tao. Thân hình nó cao to, đi đứng năng động, tài hoa nhưng cuộc sống ở nó trông cực khổ từ nhỏ đến lúc qua đời. Đời mỗi ai mỗi phận…”./.
Các cựu học sinh viếng hương hồn bạn Nghĩa
Anh Kháng bên hài cốt của bạn Nghĩa
Bạn Nguyễn Thị Thẩm viếng hài cốt bạn Nghĩa
Sau khi viếng hương hồn bạn Nghĩa, các cựu học sinh chụp hình lưu niệm.