25/01/2014

VÀI MẸO VẶT

1. Tẩy vết mủ chuối trên vải:
Lấy một gói thuốc tím (1 gam) cho vào một ly nước nhỏ (vào khoảng 100cc). Quậy cho thuốc tan rồi lấy nó chà đều lên viết bẩn. Sau đó, nhỏ nước chanh lên thuốc tím. Khi thuốc tím mất màu thì vết bẩn biến mất.
Thuốc tím và chanh trị được nhiều vết bẩn. Vết ố vàng do mồ hôi trên áo cũng tẩy được.

2. Tẩy vết mực viết bi trên áo:
Nhỏ cồn 90 độ (loại không màu) lên áo. Vò nhẹ.

3. Tẩy vết máu trên áo:
Nhỏ nước oxy già lên vết bẩn: nước oxy già bị sủi bọt. Khi bọt hạ, ta nhỏ thêm nước oxy già. Tiếp tục nhỏ thêm một lúc thì vết máu biến mất. Lúc này, dù có nhỏ thêm nước oxy già, ta vẫn không thấy bọt.
Trong mọi trường hợp khi vết bẩn biến mất, ta xả lại bằng nước.
Thuốc tím, cồn, nước oxy già đều có bán ở các hiệu thuốc Tây với giá khá mềm.

4. Tẩy bàn tay bị đen sau khi móc bùn:
Sử dụng nước có vị chua như chanh, khế, giấm.
Sau khi tẩy xong, ta nên rửa tay bằng nước lạnh, không sử dụng xà bông ngay.

                                                                                                                           Đoàn Ngọc Diệp

                                                ___________________________


            Tranh của Đặng Văn Long

Núi.

24/01/2014

            Thông báo

            Bộ phận phụ trách du lịch của Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa sẽ tổ chức chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm ( 7,8,9 -2-2014 nhằm mùng 8,9,10 tết Giáp Ngọ) tại resort Đồi Sứ, Hàm Thuận Nam. Người đi du lịch sẽ ăn ở tại resort này, giá trọn gói 2,1 triệu đồng/ người (đang thương lượng để được giảm giá). Vì tổ chức đi chỉ một chuyến xe nên các thầy cô, các bạn cần đăng ký nhanh. Mọi chi tiết xin liên lạc với bạn Kim Liêng qua ĐTDĐ: 0938513222.
                                                                                                                                         HQNT
                                                _____________________


            Tranh của thầy Tam Nhiều

Thiếu nữ và hoa hồng.


       Tranh phong cảnh của thầy Lê Minh Ngữ





            Thầy Lê Minh Ngữ, cựu giáo sư môn hội họa Trường Trung học Kiến Hòa thập niên 50, 60.  Nguyên giáo sư Trường Quốc gia trang trí Mỹ thuật Gia Định, Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật, TP Hồ Chí Minh.

23/01/2014


            Ban liên lạc tặng quà tết cho người nghèo ở phường 8

            Sáng 23-1-2014, tại quán chay Nhường Trà, bạn Lương Văn Tô My, Trưởng ban, đại diện Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa xưa, trao 46 phần quà, mỗi phần trị giá 400.000 đồng cho người nghèo tại phường 8, thành phố Bến Tre. Những người nhận quà tết xúc động cho biết họ rất cám ơn trước sự chia sẻ của Ban liên lạc với người nghèo tại địa phương.

            Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, tết đến, không ít thì nhiều, Ban liên lạc đều có quà tết trao cho người nghèo tại phường 8.
                                                                                                       
                                                                                                                                Lê Thị Thặng
Ban liên lạc tặng quà tết cho bà con người nghèo tại phường 8

Bạn Lương Văn Tô My (bìa trái).

22/01/2014

Bộ phim Vidéo Hai mươi năm đong đầy tình thầy trò

           
            Bộ phim Vidéo Hai mươi năm đong đầy tình thầy trò do Photo Tống Tấn Thuận thực hiện sẽ ra mắt với thầy trò trường ta vào sáng 23-1-2014. Bộ phim dài 1 giờ 30 phút. Phim ghi lại chuỗi hình ảnh hoạt động của Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa trong tổ chức lần họp mặt thứ 20 của thầy trò trường ta. Phim được bắt đầu từ chùa Bạch Vân với đám giỗ của cô Trần Thị Sinh (Cô Ba Sinh) cũng là đám giỗ hội của thầy cô dạy tại Trường Trung học Công lập Kiến Hòa nay đã khuất. Các khâu tổ chức họp mặt như: phát thư mời, in danh bạ cựu giáo viên và học sinh, chuẩn bị làm cuốn Kỷ yếu 20 năm (1994 – 2014), tập dợt văn nghệ…; diễn tiến buổi họp mặt lần thứ 20 và các thầy cô, cựu học sinh về thăm ngôi trường xưa lần cuối trước khi trường dời về phường Phú Tân.
            Thầy cô và các bạn muốn có bộ phim trên để lưu niệm có thể đăng ký tại điểm bán thuốc lá của bạn Nguyễn Bạch Phượng (chợ phường 2, TP Bến Tre – ĐTDĐ: 0919422138) với mỗi bộ phim (2 đĩa) là 60.000 đồng. Dưới đây là một hình ảnh trong bộ phim Hai mươi năm đong đầy tình thầy trò:
                                                                                                           

                                                                                                                                              HQNT

Các cựu nữ sinh trong ban tiếp tân

Cô của tôi ...!


Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh TTHCL Kiến Hòa năm 2014


Bạn Lý Ngẫu đơn ca (không thuộc bài!)


Bạn Lương Văn Tô My, Trưởng Ban liên lạc CGV, HS Trường THCL Kiến Hòa đọc sớ Táo quân


Bán đấu giá tranh của cựu học sinh Đặng Văn Long tặng gây quỹ cho Ban liên lạc.


21/01/2014

ĐIẾC KHÔNG SỢ SÚNG

Thầy Đoàn Ngọc Diệp

Hồi nhỏ, tôi sống ở nông thôn và học các lớp thuộc bậc tiểu học (cấp 1) ở trường làng. Đối với trẻ con ở nông thôn, việc bắt cá, tát mương là việc rất bình thường. Mỗi khi xuống mương, từ bước chân của tôi có những bọt khí bay lên. Tôi cho rằng các bọt khí đó là không khí và không thắc mắc tại sao có chúng.
Học xong lớp nhứt (nay là lớp 5), tôi học ở Trường Trung học Công lập Kiến Hòa. Lên lớp Đệ Tứ (nay là lớp 9), thầy dạy Lý Hóa nói rằng: khí mê tan được bốc lên từ đáy các ao hồ do sự phân hủy của lá cây. Tôi thích thú điều này và muốn hứng lấy khí metan để làm thí nghiệm cho thỏa chí tò mò. Tôi nghiên cứu kỹ bài học và thấy có thể làm được một thí nghiệm với khí metan.
Lợi dụng ngày nghỉ cuối tuần, tôi về quê và bắt tay làm thí nghiệm. Để hứng khí metan, tôi dùng một lọ thủy tinh chừng 1 lít, một cái phễu to. Lọ được chứa đầy nước và quay miệng xuống dưới mặt nước, cái phễu được đặt vào miệng lọ. Tôi đạp xuống bùn ngay dưới cái phễu. Khí metan bốc lên và theo phễu vào lọ. Sau khi được một lọ khí, tôi làm bước 2 của thí nghiệm.
Lọ được úp vào một chậu nước. Tôi lấy một cộng bông súng nhỏ và đặt một đầu vào trong lọ, đầu kia ở ngoài không khí. Tôi ấn lọ xuống: khí metan theo cọng bông súng thoát ra ngoài và được đốt cháy. Nó cháy với ngọn lửa màu xanh nhạt rất khó thấy. Vì vậy, tôi làm lại thí nghiệm: ban ngày hứng khí metan và đốt lúc trời tối.

Ngày nay, ngồi nhớ lại việc cũ, tôi thấy tôi đã phạm một sai lầm về việc đốt khí metan có thể xảy ra sự cố nguy hiểm do lọ thủy tinh dễ bể. Vì vậy, các cháu học sinh nếu muốn làm thí nghiệm thì phải sử dụng lọ bằng nhựa dẻo.






            Đã phát hành Hồ Chung Thủy – tập 2

            Hồ Chung Thủy – tập 2, Kỷ yếu 20 năm hoạt động của Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa đã phát hành vào sáng 19-1-2014. Kỷ yếu dày 140 trang, in bốn màu, giá bán ủng hộ 95.000 đồng. Các bạn muốn mua Kỷ yếu này xin liên hệ với bạn Nguyễn Bạch Phượng ( bán thuốc lá tại chợ phường 2, TP Bến Tre – ĐTDĐ: 0919422138).

            Chúng tôi chân thành cám ơn Nhà xuất bản Hội Nhà văn, chính quyền Bến Tre, chính quyền địa phương, cơ sở sản xuất kẹo dừa – mứt dừa Hương Lan, công ty Thorakao… và nhiều ân nhân đã hỗ trợ chúng tôi hoàn thành ấn phẩm nói trên.


18/01/2014

           Tác giả Nguyễn Siên

            Thầy Nguyễn Siên, cựu giáo sư môn hội họa Trường Trung học Kiến Hòa cuối thập niên 50. Nguyên giáo sư Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Trên Kỷ yếu 20 năm hoạt động của Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa (1994-2014), Hồ Chung Thủy- tập 2 đăng tranh Hoa xuân của thầy Nguyễn Siên ở trang bìa 1, tranh Mùa hè trang trong. Kỷ yếu phát hành vào sáng 19-1-2014. Dưới đây là tranh Hoa xuân và Mùa hè của thầy. Chúng em trân trọng cám ơn thầy.
           



Mùa hè
            
Hoa xuân.




TAY

Thầy Đoàn Ngọc Diệp

Hồi nhỏ, tôi sống ở nông thôn. Trong nhà lúc nào cũng có một lọ giấm nên tôi biết được giấm có vị chua và được sử dụng trong gia đình trong việc chế biến thức ăn. Tôi không nghĩ vì sao giấm cho vị chua.
Tôi lên thị xã học trung học. Năm học lớp Đệ Tứ (nay là lớp 9), thầy PĐĐ dạy môn Lý – Hóa. Trong bài axit axetic, thầy nói rằng: axit axetic có trong giấm, vị chua của giấm là vị của axit axetic. Sang bài “Sự lên men giấm”, tôi được biết cơ sở khoa học của việc biến rượu etilic thành axit axetic.
Lớn lên, tôi học Đại học Sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, tôi dạy môn Lý – Hóa. Lúc này, tôi tiếp xúc với nhiều người và được biết một điều rất lý thú liên quan đến chuyên môn. Đó là các cụ già nói rằng phụ nữ đang hành kinh múc giấm sẽ làm hư giấm. Bạn tôi nhờ tôi giải thích việc này. Tôi không giải thích nổi. Tôi cũng không kiểm tra việc này bằng thử nghiệm được vì tôi không chuyển đổi giới tính. Kể từ lúc này, tôi tìm hiểu vì sao giấm bị hư. Tôi biết được 4 lý do:
1. Tôi nuôi giấm. Từ sau 3 hoặc 4 tuần, tôi múc giấm ra chai để dùng dần và cho giấm ăn với dung dịch gồm: nước, rượu, và nước dừa xiêm. Kết quả: giấm phát triển bình thường. Sau đó, vì bận việc nên tôi không cho giấm ăn. Sau 3 tháng, giấm bị hư và không còn vị chua. Vậy giấm bị hư vì bị đói lâu ngày.
2. Nhiều người quá kỹ. Họ sợ bụi rơi vào lọ giấm nên đậy kỹ đến nổi không khí không vào được lọ giấm, làm cho giấm bị hư vì thiếu oxy.
3. Nhiều người muốn giấm thật chua nên cho giấm ăn với lượng rượu khá nhiều, làm cho giấm bị hư.
4. Một yếu tố nữa thật bất ngờ là lọ giấm được đặt ở nơi có nhiệt độ không thích hợp.


Để kết thúc bài viết này, tôi mong rằng các cô gái trẻ nên kiểm tra bằng thực nghiệm lời nói của các cụ già.

Minh họa: S Thống.

17/01/2014

Phim VIDEO

            
20 năm đong đầy tình thầy trò ( thời lượng 1 giờ)

Nhóm làm phim

            - 10 giờ đến 11 giờ, ngày 31-12-2013, địa điểm quay: chùa Bạch Vân (phường 6):
             +10 phút:
            Toàn cảnh chùa Bạch Vân – kéo vào cận ảnh: bàn thờ Phật, chuông, mỏ, nhang, đèn. Hình ảnh các thầy- trò dự đám giỗ cô Ba Sinh, các thầy- trò thắp nhang rồi ngồi bàn trong đám giỗ.
            Âm thanh (thu): Tiếng chuông, trống chùa.
            Lời bình: Hàng năm, vào những ngày sắp bước qua năm mới, Ban Liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa tổ chức lễ giỗ cô Ba Sinh tại chùa Bạch Vân. Sinh thời, cô Trần Thị sinh (Ba Sinh) đã lớn lên, qui y và làm giám thị tại Trường Trung học Công Lập Kiến Hòa từ ngôi chùa này. Đây cũng là dịp lễ hội của các thầy- cô dạy Trường Trung học Công lập Kiến Hòa nay đã mất.
            Từ Cộng hòa liên bang Đức, thầy Trần Kim Quế, nguyên hiệu trưởng Trường Trung học Công lập Kiến Hòa có thư gởi cho Đặc san Hồ Chung Thủy số xuân Giáp Ngọ 2014 với nội dung như sau: Qua thơ báo tin của các em trong Ban Liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, được biết ngày giỗ cô Ba Sinh cũng là ngày giỗ hội các thầy cô diễn ra vào ngày 29 tháng 11 âm lịch ở chùa Bạch Vân. Năm nay, danh sách thầy cô quá vãng lại dài ra, có thêm cô Lê Thị Lư, thầy Nguyễn Văn Tòng, cô Phạm Thị Hạnh và mới đây thầy Bùi Văn Trọng. Khi nhắc đến, tôi nghe lòng mình như chững lại vì sự mất mát lớn lao này. Tôi xin chia sẻ niềm tiếc thương quý thầy cô cùng các anh chị và các em.
            Nhang khói và tiếng trống chùa.
            Chuẩn bị họp mặt, 13 giờ đến 15 giờ, ngày 31-12-2013, địa điểm: Quán chay Nhường Trà (phường 8).
Đám giỗ cô Trần Thị Sinh (Ba Sinh)

Mộ cô Ba Sinh

             +10 phút:
            Toàn cảnh quán chay Nhường Trà, không khí chuẩn bị của các cựu học sinh tổ chức họp mặt, làm báo xuân, in thiệp mời (quay tại nhà Hoàng Hà và nhà in Trần Tiến), tập dợt văn nghệ - bản nhạc Sinh nhật (ca tập thể) của Phan Văn Nghĩa.
            Âm thanh (thu): Tiếng đàn và hợp ca bản nhạc Sinh Nhật.
            Lời bình: Để chuẩn bị cho cuộc họp mặt lần thứ 20, năm 2014, của Ban Liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, từ tháng 12 năm 2013, các bạn học sinh dưới mái trường xưa, đã ngồi lại với nhau tính chuyện in thiệp mời, làm báo xuân, các tiết mục văn nghệ, ẩm thực, chương trình diễn tiến của buổi họp mặt. Với tinh thần tự nguyện, vô tư, trong sáng, Ban Liên lạc đã phân ra các công việc để các bạn góp sức thực hiện. Các bạn đã nhiệt tình và rất hăng hái trong việc chuẩn bị cho cuộc họp mặt được tươm tất, thấm đậm tình thầy trò.
            Lễ họp mặt chính từ 9 giờ -12 giờ, ngày 19-1-2014, địa điểm: Quán chay Nhường Trà.
            + 30 phút
            Âm thanh (thu, phát): Bắt đầu từ bản hợp ca “ Xuân đến rồi, xuân vẫn huy hoàng…”, kéo dài hết bản nhạc. Các cảnh quay: Tiếp tân thầy – trò đến dự họp mặt, tự nguyện đóng góp, bán báo xuân, các tiết mục văn nghệ. Đặc biệt là các gương mặt thầy- trò, phát biểu…
            Lời bình (sau khi chấm dứt bản nhạc xuân): Thời gian sinh phần còn lại của Thầy trò trường ta giờ đây xem ra không còn dài nữa...
Nhiều Thầy Cô đã ngoại thất, bát tuần và không ít nhiều đang bệnh tật vì tuổi cao sức yếu. Chỉ trong năm qua, một vài Thầy Cô đã quá vãng, để lại nhiều nỗi buồn riêng chung... Một số bạn hữu trong ngoài sáu mươi cũng mất dần “tứ thân phụ mẫu”; kể cả có bạn bất ngờ lặng lẽ giã biệt bằng hữu vì bệnh tật, tai ương...
Và ngay cả ngôi trường cũ thân thuộc bên bờ hồ Chung Thủy rồi cũng sẽ được dời đến ngôi trường mới sắp khánh thành ở phường Phú Tân... Thầy trò trường ta rồi đây hàng năm về họp mặt chỉ còn lại điểm hẹn ở hội quán chay Nhường Trà và soi chung bóng kỷ niệm trường xưa bên hồ Chung Thủy mà thôi...
            Dù sao, 20 năm tồn tại và hoạt động của Ban liên lạc Thầy trò trường ta cũng đã góp phần nối kết 20 năm xa cách, để rồi mỗi Thầy, mỗi trò đều tìm được nhiều mối quan hệ quãng giao nơi đồng nghiệp, bằng hữu, đằm thắm nghĩa tình “đồng môn” suốt 20 năm qua...
Nhưng thời gian miên viễn vẫn trôi đi, tuổi tác Thầy trò trường ta ngày càng chồng chất, đang bước chậm dần trên quãng thời gian còn lại của mỗi đời người... Biết làm sao được!...
            Thôi thì, trên dặm đường còn lại, xin cầu chúc Thầy trò trường ta luôn an nhiên hạnh ngộ, chia sẻ buồn vui, và đong đầy tình nghĩa như đã từng trải 20 năm qua...
            - Phỏng vấn ngắn: Thầy Phan Thế Chánh, cô Lễ, bạn Tô My ( Hoàng Hà hỏi).
           
            Thăm trường xưa lần cuối:13 giờ -15 giờ ngày 19-1-2014, địa điểm  Trường THPT Chuyên Bến Tre.
            + Im lặng – nhạc nhẹ
            Các cảnh quay: Toàn cảnh Hồ Chung Thủy, cổng Trường THPT Chuyên Bến Tre, đoàn cựu giáo viên và học sinh vào thăm trường xưa. Đặc biệt: quay sân trường với cây xộp, me Tây, phượng, các dãy lớp, các học sinh ngồi học tại một phòng học…
            Lời bình: Vấn đề là mong sao Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa vẫn còn đủ nghị lực, thiện chí, thiện tâm để gánh vác vai trò kết nối nghĩa tình “tôn sư trọng đạo” trong khung thời gian, không gian, tuổi tác ngày càng hạn hẹp, và đã hé lộ ngưỡng cảnh cuối đời của một thế hệ Thầy trò trường ta !...
            Sau cùng, trước thềm năm mới, kính chúc Thầy trò trường ta thêm một tuổi đời Giáp Ngọ, thân tâm an hạnh và vạn sự như ý. Hết.

Các bạn dùng bữa cơm chay tại đám giỗ cô Ba Sinh

Thầy Lê Ngọc Sện chuẩn bị viết thiệp mời họp mặt lần thứ 20.

­­­­­­­­­­­­­_________

            LT: Các thầy cô và các bạn muốn có bộ phim Video này để lưu niệm, xin đăng ký tại bạn Nguyễn Bạch Phượng ( bán thuốc lá-chợ Bến Tre) với mỗi bộ phim là 50.000 đồng (sau ngày 22-1-2014 sẽ có).
Chiến tranh!

Hồ Trúc Giang thời chiến

Bùng binh tỉnh lỵ Bến Tre hồi đó





            …Và hòa bình


            Bạn Nguyễn Hải là cựu học sinh Trường Phổ thông Trung học Mỏ Cày (Bến Tre). Thời gian qua bạn đã đạt nhiều giải thưởng tại các Liên hoan nhiếp ảnh nghệ thuật tại tỉnh Bến Tre, khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cả nước và quốc tế. Dưới đây là một tác phẩm nhiếp ảnh của bạn Nguyễn Hải về thành phố Bến Tre hôm nay:





15/01/2014


            Tấm lòng gởi về trường xưa

Tranh của bạn Đặng Văn Long tặng Ban liên lạc.


            Bạn Đặng Văn Long là cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, hiện là giảng viên Trường Đại học Mỹ Thuật thành phố Hồ Chí Minh. Nhân họp mặt lần thứ 20 (1994-2014) của Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, bạn gởi tặng đến trường xưa một bức tranh do anh vẽ tại quê nhà ( khổ 80 cm x 1,2 m) để Ban liên lạc bán đấu giá gây quỹ hoạt động. Bạn Đặng Văn Long nói nhiều bạn đã góp sức hết sức trong sáng cho hoạt động của Ban liên lạc thì anh cũng xin đóng góp một phần nhỏ cùng với các bạn. Anh Lương Văn Tô My, Trưởng Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa và các bạn học sinh dưới mái trường xưa thật cảm động khi nhận tác phẩm hội họa do bạn Đặng Văn Long vẽ tặng.

                                                                                                                                  Lê Thị Thặng

12/01/2014

ĐIẾU VĂN 

Tiễn biệt bạn Phạm Thị Hạnh
Nguyễn Thị Lan


Hạnh ơi,

Bạn vừa về, mừng – chưa hội ngộ
Lại ra đi thoáng chốc, bất ngờ
Nhớ quê, nhớ bạn, quay về
Sao không chầm chậm chờ ngày gặp nhau! 

Hạnh ơi, vừa qua, em Kỳ Trân đã tố chức một cuộc du ngoạn ngắn ngày đưa thầy cô đi dã ngoại, trong thâm tâm thoáng niềm ước vọng: giá Hạnh kịp về cùng dự chuyến đi. Bên mé biển, nơi nhà mát, trên bàn ăn bè bạn quây quần cùng vui chuyện phiếm, mình vẫn nghe thương vắng một người, nhưng rồi tự nhủ lòng: “Hạnh về có thời gian dưỡng sức, rồi khi ổn khỏe lại, chúng ta lại cùng nhau có một chuyến đi vui, nhưng than ôi niềm vui đã trở thành niềm đau tiễn biệt hôm nay. 

Mới mấy ngày trước đây, gặp Tomy bạn bè ai cũng hỏi: Cô Hạnh về chưa? Cô có khỏe không? My vui trả lời: Dạ, cô về rồi, Cô em khỏe. Nghe tin ai cũng mừng và chắc ai cũng nghĩ đến ngày gặp lại Hạnh.

Hạnh ơi, chắc chắn Hạnh cũng biết vậy mà sao không đợi chờ nhau – niềm vui của Hạnh là người thân, là học trò, là bè bạn chúng ta sao Hạnh vội ra đi không một lời giã biệt. Để bây giờ, ở đây, bên linh cữu Hạnh, học trò cũ của Hạnh đây, bạn bè thân của Hạnh đây đau lòng tiếc thương vô hạn, giọt lệ khôn cầm. 

Hạnh ơi, từ đây đến trường ta xưa không mấy chốc, trong dự định đến ngày họp mặt cuối năm, chúng ta mong được tổ chức về trường cũ để cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa: con đường quanh bờ hồ, hàng cây soi bóng nước, cổng trường uy nghi, các hành lang, dãy lớp, khung sân bóng rợp cùng lớp lớp học trò cũ của chúng ta, để sau này dù có “sao dời vật đổi”, hình bóng cũ đã khắc ghi vào tâm khảm không bao giờ phai mờ. 

Một quãng đường rất ngắn với một khoảng thời gian không dài, sao Hạnh không gắng sức để bề gì chúng ta cũng được một lần cuối bên nhau. Vậy cũng không được sao Hạnh, bạn vội vàng lặng lẽ ra đi, mai này trong ngày tương ngộ cuối năm, Hạnh đã bỏ lại một khoảng trống không lấy gì bù đắp nổi, Hạnh ơi! Học trò sẽ nhắc về cô, bạn bè sẽ nhớ về Hạnh nhiều lắm, nhớ vóc dáng cô giáo tiểu thư hiền hậu, dịu dàng lúc nào cũng nhỏ nhẹ lời nói, đôn hậu nụ cười với học trò và bằng hữu. 

Trong khoảng thời gian dài bạn sống xa quê hương, đến thời gian bạn ốm đau yếu sức, mỗi lần Hạnh quay về gặp lại, dù hình thể có hao gầy mệt mỏi, Hạnh vẫn là người bạn thân tình của chúng tôi. Hạnh vẫn là một cô giáo đầy tình yêu thương đối với học trò, hình ảnh em Lương Văn Tomy là một biểu hiện cho cho tình yêu thương đó, Hạnh là “cô giáo như mẹ hiền”. 

Giờ thì Hạnh đã ra đi, một bước phân ly, ngàn thu cách biệt, từ nay thôi không còn nữa trông mong những chuyến đi về. Thôi phải đành nói lời tiễn biệt, bởi chúng ta đều biết rằng nhân sinh hữu mạng trong vòng định nghiệp con người không thể quyết định số phận mình. Pháp phật có nêu: 

“Cốt nhục ân tình tương ái
Nan kỳ bạch thủ đoàn viên”

Tình cốt nhục, nghĩa tương thân sum vầy trong một thuở khó trông mong đoàn tụ đến bạc đầu dẫu thương nhau mấy cũng đến ngày chia cắt cách biệt đôi phương vạn cổ sầu. 

Thôi thì thôi, Hạnh ơi, 72 năm tuổi đời, bạn đã tròn đạo nhân sinh; với gia đình bạn đã trọn tình; với học trò với bè bạn, Hạnh đã tròn nghĩa. Nghiệp trần đã mãn, nợ thế không còn bạn ra đi theo định luật phù sinh “Sống gởi thác về” xin hãy nhẹ nhàng cất bước, phủi tay quên hết muộn phiền. 

Dư ảnh đã mờ khuất nẻo hư vô, nhưng tâm linh chắc vẫn còn đây, hồn thiêng xin chứng giám: vòng hoa tưởng niệm bạn hiền, hương khói tỏa ấm tình thân hữu. 


Học trò và bạn bè xin tiễn biệt!

Cây bạch mai trước sân nhà cô Phạm Thị Hạnh.

Thư của thầy Trần Kim Quế gởi nhóm Hương Sống

       
Nhóm Hương Sống.

Wachenheim 10 – 2008,   
Các em nhóm Hương Sống thân mến,

Kim Ngân có nói thầy biết các em sẽ có buổi họp mặt bạn cũ ở nhà cô Mai, thầy nghe thầy rất vui. Thầy viết thơ ngắn nầy thăm các em và mong các em họp mặt nhau thật vui.

Bên thầy trời đang lạnh, nhưng hình dung trong trí các em họp mặt vui, giỡn, ca hát với nhau như thuở ngày nào còn học trò, mà thầy cảm thấy đôi chút ấm lòng. Mong các em luôn giữ những tiếng hát hồn nhiên, dễ thương của ngày xưa, dù cuộc sống có nhiều lo toan.

Thầy còn nghe trong trí tiếng hát của Huỳnh Thống, giọng ngâm của Ngọc Anh, và tiếng hát của các em, mà đôi lần thầy có dịp trở về Bến Tre đã nghe các em ngâm và hát.

Các em cố gắng có dịp thực hiện một dĩa nhạc trong đó có những bài hát ngày xưa các em đã hát, để làm một kỷ niệm của nhóm.

Thầy thăm hết tất cả các em. Thầy gởi lời mến thăm cô Mai và các Thầy Cô có mặt với các em.


 Thầy Trần Kim Quế

11/01/2014

Xí quách chân kinh

Trương Thành Nghĩa

Xí quách là gì? Hà, hà! Đơn giản: xí quách là trư cốt, là xương heo đọc theo âm Quảng Đông.

Hồi đầu mới du nhập Việt Nam, xí quách chỉ là xương heo, nhưng sau xương bò, xương gà, xương gì gì nữa cũng được kêu tuốt là xí quách. Xương heo để nấu nước lèo hủ tiếu; phở thì dùng xương bò.   
Chiều chiều, các bợm nhậu thường ghé quán hủ tiếu gọi một tô xí quách lai rai. Chừng mà chủ quán kêu hết xí quách rồi thì coi như đời tàn, chẳng còn gì vui hết, lại phải về sớm với bà vợ lắm điều. Mà nhiều khi còn bị vợ hỏi xóc hông: “Ông chơi với bạn bè ra sao mà người ta không cho vô bàn nhậu, phải về sớm vậy nè, hả?”. Xương còn cứng thì dáng người thẳng thớm, tướng đi hùng dũng. Xương loãng rồi tướng đi lòm ròm, đầu gối lủng củng còn gì là uy phong. Ngoài ra, xương sống mà nhất là tủy sống là nơi sản sinh ra cội nguồn sự sống. Lớn tuổi rồi, bộ máy sinh học đã mệt mỏi theo năm tháng, phần cần dùng lúc nào cũng nhiều hơn năng lực sản xuất. Không biết cách điều tiết thì nhiều khi phải ăn vào vốn, là nguy cơ đi gặp ông bà sớm. Vậy là hết xí quách rồi.

Xí quách có hành

Giờ bàn qua hủ tiếu. Hủ tiếu là món ăn gốc Tàu. Gọi người Hoa là dân Tàu hoàn toàn không có ý khi dễ. Nguyên xưa người Hoa “phản Thanh phục Minh”, trốn chạy nhà Thanh di cư xuống Đông Nam Á bằng tàu biển nên dân Việt gọi họ là dân Tàu. Người Việt là anh Hai rồi thì người Hoa là Ba Tàu thôi chứ biết sao. Hủ tiếu có ba loại là hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu Tàu. Không biết ba loại này khác nhau ra sao, ai biết chỉ giùm. Có dịp ở Phnom Pênh, tui hỏi ngừơi Miên, họ gọi đó là món đọc nghe như Ku Tíu. Vậy có thể đoán món đó từ người Tàu ở Nam Vang có trước rồi mới truyền sang Miền Nam. Ngoài Bắc ảnh hưởng của Tàu nhiều hơn nhưng không có món này. Sợi hủ tiếu xưa gốc bằng bột gạo, sau này để sợi thêm dai, họ cho nhiều bột năng. Muốn ăn hủ tiếu gạo, phải về Miền Tây mà trong miệt vườn mới có. Hủ tiếu nước thì có nhiều quán ăn được nhưng như tui là fan của hủ tiếu khô thì hơi khó tìm quán nấu ngon. Trước kia, kêu tô khô, chỉ cần trộn đều là vừa ăn, đi kèm là chén nước lèo có thịt bằm và hành lá nổi đầy mặt chén. Còn giờ bắt buộc phải xịt thêm nước tương (nước tương lại không rõ nguồn gốc), còn chén nước lèo trong veo, nhiều khi hơi mặn, phải bỏ, tiếc hùi hụi.
            Có món ngon rồi, lại phải biết cách ăn mới thú. Tui có sưu tầm được cái kêu là “triết lý gặm xương” xin chép lại đây chia sẻ với mọi người:
Cái thú thứ nhất về khẩu vị trong việc gặm xương là hưởng được những bất ngờ. Dĩ nhiên cục xương phải là loại xương có thịt như giò heo, đuôi bò, hoặc xí quách. Xương như xương nấu nước lèo phở thì chẳng còn gì để gặm; xương ở nhà hầm thì được vì còn dính nhiều thứ. Xương nước lèo phở phải là loại xương trắng, đã bị cạo bỏ tất cả những gì bám bên ngoài, và thụt bỏ tuỷ bên trong. Nước lèo của tiệm phở trong veo như nước mưa, mùi thơm nức. Để chuẩn bị nấu nước lèo, thấy họ nạo xương ống sạch trơn bên ngoài, rồi cưa ra thọc bỏ tuỷ bên trong; nếu còn dính tí gì thì nước đục, không thơm. Xương như vậy thì chẳng còn gì để gặm. Xương còn dính thịt cho ta cái bất ngờ là lúc đang gặm tí thịt còn lắt léo trong góc kẹt của cục xương thì bỗng sựt một cái, ta cắn được một miếng gân hoặc một miếng sụn giòn. Đang gặm tí da tí mỡ của giò heo thì lại đớp được một mẩu thịt nạc. Khoái hơn nữa là gặm cái sụn giòn tan nằm cuối xương ống chân gà, nhất là loại gà công nghiệp. Những khi ăn đám ăn tiệc, ta buộc lòng phải bỏ mấy cái xương gà loại này vì muốn bảo toàn danh dự, tuy lòng tiếc hùi hụi. Hưởng được những bất ngờ đó khoan khoái như “tha hương ngộ cố tri” hoặc “nắng hạn gặp mưa rào”. Lòng ta phơi phới. Ta nhai nhai một tí, rồi tợp một tợp hoặc tu một tu.

Cái thú thứ hai là hưởng được nhiều thứ cùng một lúc. Tuỳ theo bò, gà hay heo, những thứ bám vào xương có thể kể ra nhiều: thịt nạc, thịt mỡ, gầu, nạm, da, sụn, gân, tuỷ. Tóm lại, cục xương=A.

Xí quách xương.

10/01/2014

Ban liên lạc cựu Giáo viên – Học sinh THCL Kiến Hòa
Trân trọng kính mời :

Thầy cô và bạn hữu
Đến dự Họp mặt kỷ niệm 20 năm hoạt động của Ban liên lạc 1994-2014
Tại Hội quán Nhường Trà 538 C Nguyễn Đình Chiểu, Phường 8, TP Bến Tre
Thời gian từ 8 giờ đến 15 giờ
Ngày 19.1.2014

Chương trình
Phần I: Lễ kỷ niệm và Tiệc Tất niên [8 giờ đến 12 giờ]
Phần II: Về thăm trường cũ lần cuối [13 giờ đến 15 giờ]

Ban liên lạc rất mong được đón tiếp


Đi chợ tết
                   (Nhớ mẹ yêu xưa)

            Nguyễn An Cư

Ngày xưa lên bốn lên ba
Nôn nao chờ tết được quà đầu xuân
Theo mẹ đi chợ cuối năm
Mặc quần áo mới để dành từ lâu…

Cải rau mẹ gánh thúng sau
Con ngồi thúng trước soi cao đèn dầu
Đường khuya sao rụng xuống cầu
Thiu thiu buồn ngủ gục đầu ngã nghiêng
Cay xè đôi mắt khói đen
Nhấp nhô theo nhịp thúng êm mơ màng…

Đêm nay chợ tết rộn ràng
Bồi hồi tỉnh giấc mơ vàng ngày xưa.
Mẹ già theo ánh sao trưa
Tiếng chân thậm thịch đường xưa nặng lòng!
Đường quê giờ đá trải bằng
Lao xao nỗi nhớ bước chân gập ghềnh
Chợ quê giờ điện sáng choang

Mắt cay cay nhuốm khói đèn dầu xưa!

Bạn Nguyễn An Cư, cựu học sinh TTHCL Kiến Hòa, niên khóa 63 - 71.

06/01/2014

Trường ta

Hoàng Hạc Bay Nguyễn Nhân Lực

Ai về qua bến nước xưa
Cây xanh lả ngọn sớm trưa câu hò
Trúc Giang thị xã ngàn hoa
Bên hồ Chung Thủy trường ta đứng nhìn
Kiến Hòa trung học xinh xinh
Công lập chào đón tuyển sinh bước vào
Qua bao thế hệ trước sau
Trường ta chấp cánh… biết bao tự hào
Học sinh nam nữ thấp cao
Kẻ đi người ở không sao quên trường
Trường ơi, ta nhớ ta thương
Nhớ thầy, nhớ lớp vấn vương một thời
Dù cho vật đổi sao dời

Trường ta vẫn mãi một trời ngát hương!

Nấu bánh tét tại sân nhà thầy Nguyễn Đăng Phu.

Nhớ thương trường cũ
 Huỳnh Thị Kim Cúc

Phong cảnh - thầy Lê Minh Ngữ.


Những ngày cuối năm, trời se lạnh. Tôi xem blog Hội quán Nhường Trà,  có thông báo tổ chức về thăm trường cũ lần cuối, sao thấy nặng lòng. Buồn thương, tiếc nhớ vu vơ. Còn dịp nào nữa để cùng bạn bè về thăm trường cũ, nơi thầy cô đã khó nhọc chăm lo dạy dỗ nhiều thế hệ học sinh nên người?
Ngôi trường cũ vẫn còn đây hàng ngày soi bóng bên bờ hồ Chung Thủy. Cây si nầy, gốc phượng kia đã có biết bao học sinh chụp hình lưu niệm. Cột cờ quen thuộc là nơi chúng tôi dự chào cờ mỗi sáng thứ hai ở sân trường rộng rãi, thoáng mát. Từng dãy lầu quen thuộc của cả thời trung học đệ nhứt cấp và đệ nhị cấp, dáng vẻ vẫn y như trước, được tàn cây phượng, cây si che nắng. Chỉ riêng dãy lầu hồi chúng tôi học lớp 6 bên Trường Nữ Tỉnh lỵ là không còn.
Thời đó, dãy lầu D có biệt danh là dãy lầu sâu. Tới mùa, sâu ở trên cây phượng đu đưa qua hành lang vào tận bàn học. Tôi còn nhớ giờ học Sử của thầy Nguyễn Đông Âu bỗng có tiếng á, một lát lại có tiếng ối. Tiếng la đủ kiểu của lớp học con gái khi nhìn thấy sâu trên vở, bàn, dép, áo. Lớp học nhốn nháo, cười giỡn nên thầy cho nghỉ để làm vệ sinh sâu.
Giờ Văn, thầy Trần Quang Mân bước lên cầu thang rất khó nhọc. Bữa nọ, khi đi lên cầu thang, thầy bị ngã ở cuối dãy D nên không ai nghe tiếng bước chân quen thuộc của thầy. Thế là thầy bắt gặp cả lớp đùa giỡn mất trật tự. Thầy không rầy, chỉ cười và nói: Các em giỡn đủ chưa, giờ ta học nha. Cả lớp yên lặng. Thương thầy nên ai cũng cố gắng học.
Về thăm trường cũ lần cuối. Tôi mong rằng đây chỉ là danh xưng về thời gian thôi chứ trong lòng mỗi thầy, trò Trường Trung học Kiến Hòa xưa vẫn còn nhiều lần nữa về thăm trường. Khi tìm hiểu, tôi được biết trường cũ sẽ được sáp nhập với Trường THCS Thành phố Bến Tre, nên cũng an lòng. Dù sao cũng còn  nơi chốn để về thăm.
Mỗi lần đi qua cổng trường cũ đối diện hồ Chung Thủy, tôi luôn có hoài niệm song hành. Cả khi cổng trường ngày trước chưa có câu Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức. Hoằng khai khoa học tác tân dân và mấy cây me tây to nghiêng góc đổ bóng dưới mặt hồ. Nhớ năm lớp 11, có tiết học trống, năm bạn nữ chúng tôi ra bờ hồ ngồi trên thân cây nghiêng đó vừa ăn vặt, vừa đùa giỡn, suýt té xuống hồ.
Những chiều tan học, những tà áo trắng thơ ngây lượn quanh hồ rồi rẽ vào các ngã đường trong thị xã trông như đàn thiên nga vỗ cánh bay mất hút trên bầu trời xa thẳm. Tiếc rằng ngày ấy không chụp ảnh lưu lại nhưng tâm trí mỗi cựu học sinh đều khắc ghi mãi mãi.
Dù sau nầy trường cũ có đổi thay nhưng mỗi chúng ta vẫn khắc ghi bao kỷ niệm buồn vui và sẽ đeo mang cho đến hết đời mình. Sự bình dị trong sinh hoạt, ăn mặc, lời nói vô tư, trong sáng, biết tôn trọng thầy cô (dù thầy cô còn rất trẻ), nghịch ngợm, hờn giận vu vơ…
Về thăm trường cũ lần nữa. Theo thời gian, trường cũ sẽ ngày càng cũ thêm. Thầy cô lớn tuổi, già yếu; học trò nay cũng không còn trẻ nữa. Dù vậy, trong hoài niệm, mỗi người luôn có thời đi học hồn nhiên, hoa mộng, thời đi dạy học sâu lắng.
Chiều nay trở lại trường mình,

Nghe xôn xao những ân tình ngày xưa.


Tất cả chỉ còn là ký ức *

Hoa xuân - thầy Nguyễn Siên.



Thưa Cô,
Thế là Cô đã đi xa, thực sự đi xa. Mặc dù chúng em đã biết trước chuyến đi ấy không sớm thì muộn cũng sẽ đến, nhưng vẫn là bất ngờ đối với chúng em.
Thưa Cô,
          Thế là sau gần 40 năm và sau rất nhiều cuộc chia ly, hôm nay là cuộc chia ly thật sự.
          Giờ tất cả chỉ còn là ký ức. Quyển sách Giảng văn của Thẩm Thệ Hà đã từng gắn bó với chúng em, trong đó bài Hoa súng của Đinh Gia Trinh đã cho chúng em sáng tỏ thêm một cách suy nghĩ mới, một cách nhìn nhận mới trong quan niệm của người đời về hoa sen, hoa súng mà trong đầu óc của những đứa học trò đệ nhất cấp chưa hề biết đến.
          Giờ chỉ còn là ký ức về quyển truyện “Những người áo trắng” của Nhật Tiến mà chúng em đã lùng sục khắp các nhà sách ở Kiến Hòa, Mỹ Tho để chia nhau trong tổ, đọc say sưa và làm bài thuyết trình trước lớp, có cả “lưu diễn” sang các lớp khác. Với chúng em, đó là cả một tâm trạng hồi hộp nhưng trong nhiệt huyết bừng bừng của lòng say mê bộ môn Cô đã trao cho, một luồng sinh khí mới trong phương pháp dạy và học môn Việt văn hình như chưa từng gặp ở một lớp nào khác; và thất bại hay thành công là điều chúng em không hề nghĩ tới, chỉ thấy có dịp quen thêm rất nhiều bạn mới, vui đến nao lòng!
          Giờ chỉ còn là ký ức những buổi đi viếng cồn Đạo Dừa. Trong cảnh thiên nhiên tươi đẹp và thanh khiết đó, đặc trưng của cả miền Tây Nam Bộ, lớp chúng em đã học được rất nhiều điều về tình yêu quê hương, đất nước mà đến giờ nầy vẫn còn nguyên cảm giác cùng thêm nỗi day dứt của hiện tại.
          Giờ chỉ còn là ký ức về Người Cô - Giáo sư hướng dẫn của chúng em, đã mất nhiều tâm trí lo cho cả lớp, từ những đứa chăm ngoan đến những đứa vụng về, yếu kém. Nỗi buồn vui của Cô đã lan tỏa đến từng học sinh, nên chúng em tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn. Tờ Đặc san Xuân của lớp được viết tay, đem đến nhà in Nam Hiệp nhờ đóng lại chỉ dày hơn 1cm nhưng là cả một sự nâng niu thích thú của cả lớp; lại có thêm một số bài của lớp được đăng trong nguyệt san Bừng Sống của Trường Trung học Kiến Hòa.

          Thưa Cô,
          Chúng em giờ mỗi đứa một phương và cũng có đứa làm nghề dạy học. Thời gian qua đi, các em nhỏ vẫn tiếp tục đến trường, thầy cô vẫn tiếp tục dạy dỗ, nhưng dòng sông đã trôi qua không giống như ngày xưa nữa; chúng em tìm đâu được quyển Giảng văn của Thẩm Thệ Hà cùng phương pháp dạy văn của ngày xưa! Nhớ về quá khứ, chúng em càng tiếc nuối, thương cho các em nhỏ ngày nay và cũng là hình ảnh chúng em ngày xưa, nhớ đến Cô và quý Thầy Cô dưới mái Trường Trung học Công lập Kiến Hòa.


          Thưa Cô,
          Cô đã ra đi thanh thản, không như lo sợ của chúng em là Cô phải chịu đựng những đau đớn của căn bệnh triền miên. Tìm lại quyển tập ngày xưa, trong giờ gặp lớp hướng dẫn, lớp trưởng đã tỉ mỉ ghi lại câu nói của Cô: “Cô chấp nhận những buồn phiền của cuộc đời mà không than van”.  Lúc Cô nói, buồn phiền đó là buồn phiền của lớp Tứ 7 gây cho Cô. Nhưng thời gian sau đó,  Cô phải nhận buồn phiền của thời thế đến với Cô; và Cô vẫn an nhiên tự tại, sống vui với gia đình, với đồng nghiệp, với xóm giềng và với những học trò của Cô. Hình ảnh thánh thiện của Cô sẽ luôn ghi khắc sâu trong cuộc đời học sinh của chúng em mà không phải ai cũng có được. Và trong thế giới vĩnh hằng nơi Cô đến, chúng em biết rằng Cô mãi mãi yên vui cùng với những hình ảnh tốt đẹp nơi trần thế, trong đó có lớp Tứ 7 của chúng em.

          Vĩnh biệt Cô!

-------------------------

* Bài điếu văn do đại diện lớp Tứ 7 đọc tại lễ an táng Cô Phạm Thị Hạnh.