18/06/2013

Âm vang chuyến xe lam chiều...


           
            Sáu Quang



Cuối cùng, chúng tôi – những cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa –mướn một chiếc xe lam (lambro 550) đi Tiên Thủy và Tiên Long (Châu Thành), lộ trình đi trên 20 cây số. Xe chở cả thảy 10 bạn cùng đồ ăn, thức uống; số bạn còn lại cỡi Honda đời mới, chạy rà rà theo sau xe lam, có người nói vui là…hộ tống. Khởi hành tại phường 3, TP Bến Tre, máy xe nổ phum phum, đều ran, lướt nhanh trên đường phố. Nhiều người qua đường ngó nhìn xem và chắc đang đặt câu hỏi trong đầu: “tiết kiệm”, mà cũng khó đoán ra vì các anh chị em ngồi trong xe lam ăn mặc khá đẹp. Tôi buột miệng: “Cứ coi mình như…nghiên cứu sinh”. Có người rất khá giả đang ngồi trên xe lam, miệng cười cười, một chị nói: “Đi xe lam rất nhớ hồi còn là học sinh ở Trường Kiến Hòa. Xe lam chạy ra bến phà Rạch Miễu sơn màu trắng, chạy tuyến Sóc Sải (Tiên Thủy bây giờ) sơn màu xanh dương nhạt. Hồi đó, cuối tuần là phải đi xe lam về quê (Hàm Long) để sang thứ Hai lại xuống tỉnh cũng bằng xe lam. Chuyến đi chiều cuối tuần hối hả lắm, phập phồng vì sợ hết xe, má trông…”. Quả vậy, thời học trò, tôi có rất nhiều bạn dọc theo tuyến tỉnh lộ về Hàm Long. Ngồi trên xe lam, nghe tiếng máy nổ phum phum, đều ran, ai mà không bồi hồi với âm thanh buồn ngủ đó. Có những chuyến đi chở biết bao nhiêu vui buồn với âm thanh quen thuộc đó, nhất là những buổi chiều sau khi dò kết quả thi Tú Tài ở Mỹ Tho hay Sài Gòn.
            Chiếc xe lam leo dốc cầu An Hiệp, xe đến giữa cầu thì máy xe róng riết, lịch khịch, chị em định nhảy xuống, phụ đẩy xe lên, nhưng anh Sáu Lượm, tài xế xe liền cất tiếng: “ Cứ ngồi yên, không…khựng đâu, coi vậy chứ xe sẽ qua cầu khỏe re”. Thật vậy, xe qua cầu dễ dàng, nhiều tiếng thở phào mừng cho chuyến đi suôn sẻ, khỏi phải đẩy tới đẩy lui. Mà phải mừng thôi vì có người đã trên 30 năm rồi mới ngồi lại trên xe lam, đâu biết máy móc của nó bây giờ ra sao!?
            Xe đến trung tâm xã Tiên Thủy thì rẽ phải, ra vườn nhà của thầy Trương Thọ  Lương ngoài xã Tiên Long, cách Tiên Thủy chừng 7 cây số. Con đường nông thôn dẫn vào Tiên Long lúc đầu rộng chừng 2 mét rồi hẹp dần 1,6 mét, 1,4 mét, trong khi đó chiều ngang của chiếc xe lam là 1,5 mét. Tôi nói vui:” Đi xe tốc hành hay đời mới cỡ nào, xe cũng không thể cho cùng lúc 10 người vô đây được…”. Sáu Lượm tiếp lời” “Hồi đó chiếc xe lam tôi cũng chở 10 người, mỗi băng 5 người, nhưng thấy còn rộng, còn bây giờ cũng 10, nhưng…” Một cô bạn chỉ qua một anh bạn: “Như anh bạn này, một đã thành hai…hi,hi”.
            Chốc chốc, khi chiếc xe lam chạy gần đến một cầu bê tông, Sáu Lượm nói to: “Khum đầu xuống, khum đầu xuống…” rồi xe qua cầu khỏe re. Đến một cầu gần nhà vườn nhà thầy Lượng, Sáu Lượm gằn giọng: “ Cái cầu này khó nghen. Chiều ngang cầu chỉ 1,5 mét. Sáu Lượm tiếp lời: “Cứ ngồi yên”. Xe qua cầu vừa triếng. Sáu Lượm cũng thở phào: “Tay mơ, mới vào nghề thì…”ăn” không nổi cái cây cầu này đâu”.

Đường vào nhà vườn thầy Lương (Tiên Long)

            Đường quá hẹp rồi không còn vừa cho chiếc xe lam chạy nên chúng tôi thả bộ vô vườn của thầy Lương. Chúng tôi vào vườn chôm chôm, sầu riêng và đến thăm khu mộ bên ngoại của thầy Lương (Nguyễn Gia Chi Mộ). Bạn Phan Huỳnh mải mê bẻ rau bù ngót mọc hoang ngoài khu mộ.Tôi nói với bạn Phan Huỳnh: “Làm chi cho cực, cứ ra chợ Ngã Năm, chỉ 500 đồng là đã có một bó rau bù ngót bự chảng’’ . Bạn Phan Huỳnh cứ chăm chú vào đám bù ngót xanh tươi, còn đọng lại trên lá những giọt nước mưa: “ Cái này xanh, sạch bảo đảm trăm phần trăm. Rau bù ngót nấu canh với tép đập dẹp…hết sẩy…”.
            Các bạn thưởng thức những trái chôm chôm, những múi sầu riêng do người nhà thầy Lương vừa hái xuống đãi khách. Mùi trái cây thơm tho, ngon ngọt càng tăng thêm hương vị miền quê khi chúng tôi vừa ăn vừa trò chuyện bên dòng sông và trời đã tạnh ráo sau cơm mưa hồi hôm. Những đóa hoa Huỳnh Anh nở vàng rực rỡ trong nắng sáng trên đường dẫn vào nhà vườn của thầy Trương Thọ Lương. Không gian êm đềm bỗng bị phá tan từ một mẩu chuyện tiếu lâm của ai đó trong đoàn. Mọi người cười ồ lên còn các chị thì có người đỏ mặt. “Là sao, là sao…”- có người “chậm tiêu” nên cứ hỏi.

Anh Ba Tiên tại vườn của thầy Lương

 
Bạn Phan Huỳnh với bó bù ngót trên tay
           
Thầy Trương Thọ Lương tại sân vườn nhà thầy




           Tiếng máy xe lam nổ phum phum, đều ran rồi hướng sang xã Tiên Thủy. Những chiếc bánh xèo nóng hổi đã dọn sẵn ở nhà của bạn Nguyễn Văn Ba (Ba On). Tôi xuống dàn bếp ngắm nghía. Đó là những chiếc bành xèo vừa đổ xong với nhân thịt và tép phong phú, bốc mùi thơm làm thực khách bỗng thấy đói bụng. Vợ anh Ba dọn lên thêm mấy đĩa rau sống. Cải bẹ xanh và lá cách xanh rờn do chị Ba hái trong vườn hồi sáng  sớm. Và cả nghệ thuật…làm nước mắm của chị Ba. Đã như “truyền thống”, hàng năm, cứ vào dịp Tết Đoan Ngọ hoặc xê xích trước sau mấy ngày, nhóm cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa lại lên thăm gia đình anh chị Ba rồi dùng bánh xèo, có năm, nhân bánh xèo với rất nhiều núm mối, nhưng năm nay thì vắng hoe. Nhưng năm nào cũng vậy, gần ngày hạ chí nên trời nóng nực, bên ngoài nắng chang chang và chừng khoảng 11 giờ trưa là trời bắt đầu đổ mưa. Một bạn giọng bùi ngùi nhưng vui vui: “Không biết năm sau, mình còn…lên nổi nữa không để mấy chị phục vụ”. Lại có tiếng cười: he, he….





            Những người bạn cũ ngồi ăn bánh xèo, chung vui ly rượu mít do bạn Nguyển Văn Ba ngâm, có bạn tuổi đã ngoài 60, kiêng cử rượu vài năm rồi. Âm vang từ chuyến xe lam chiều, cái bánh xèo nồng nàn hương vị quê ta… tất cả tựa bóng câu qua khung cửa.



 Về lối cũ.

No comments:

Post a Comment