31/12/2013

Đừng lăng xăng. Hãy ngồi yên để bắt đầu thấy rõ.

Nguyễn Bạch Phượng

Tranh khắc gỗ của Đặng Văn Long.


Khi buổi sáng thức dậy thấy se lạnh. Khi buổi chiều thoảng vài cơn gió chướng. Thế là lòng tôi lại nao nao. Lúc nhỏ, tôi nôn nao nghĩ đến những ngày tết. Ngày nay thì nôn nao nghĩ thời gian qua nhanh quá, mới đó mà đã hết một năm. Một năm tuổi nữa mà mình thì đã ngấp nghé tuổi 60.
Mấy hôm nay, ngồi nhìn nắng, tôi thấy dường như nắng vàng hơn, tôi lại hay hoài niệm về tuổi nhỏ của mình. Nơi có ngôi trường, thầy cô cùng bạn bè. Tôi lại thèm rong ruổi những bước chân trong sân trường. Tôi nhớ từng hành lang của lớp học. Tôi nhớ chỗ đứng của cô Lan mỗi khi tôi bước chân vào cổng trường. Tôi nhớ phòng học dãy D những buổi tối tụi tôi - nhóm Hương Sống đốt đèn cầy cùng nhau hát hò chuẩn bị cho buổi văn nghệ Tết.
Và thế là dòng đời cứ trôi, tôi rời xa ngôi trường cũ và đến một ngôi trường khác xa hơn với đầy ắp mộng mị vào đời. Những ngày đi xa và những lần trở về trên những chuyến phà buổi tối, tôi hay ra đứng ngoài lan can để mặc gió thổi, để thấy lạnh mà lòng ấm, để nhìn dòng sông đêm và đám lục bình hun hút. Sông đêm mình hiền hòa. Người quê mình cũng hiền lành. Và tôi yêu tất cả mọi thứ của quê mình cũng như yêu tất cả mọi thứ của cuộc đời tôi.
Sáng nay, một buổi sáng có chút se lạnh, có thoảng vài cơn gió chướng và có vài sợi nắng vàng hanh. Tôi và Thanh tình cờ đọc trên tờ lịch năm mới một câu của thầy Nhất Hạnh. “Đừng lăng xăng, hãy ngồi yên để bắt đầu thấy rõ”. Hai đứa tâm đắc quá, cười vang. Đúng là tôi đang ngồi yên. Tôi không lăng xăng vì những thù hận, đau khổ, buồn tủi, phiền muộn. Tôi đang ngồi yên để thấy hạnh phúc ở thật gần bên mình, dung dị, bình thường. Tôi thấy tôi hạnh phúc khi được sống, yêu thương và được yêu thương. Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi. Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.  (Bùi Giáng).




“Lữ khách”

Ngọc Anh

Bạn Trần Thanh Tuyên trong trường ca Con đường cái quan.


Chúng tôi vừa đi thăm Trần Thanh Tuyên, lòng cảm thấy bùi ngùi xúc động. Bất chợt hình ảnh lữ khách trong trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy hiện về. Hình ảnh lữ khách khoác áo trên vai đi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau trên sân khấu thật lãng tử, phiêu bạt, có chút gì đó lãng mạn… Ngày ấy, Thanh Tuyên đã hát thật xuất thần cùng nhóm Hương Sống. Tên Thanh Tuyên đã được bạn bè thân thiết nhất là nhóm Hương Sống thay thế bằng “lữ khách” thân thương. Tên lữ khách được nhắc đến thật gần gũi, trân trọng, mang đầy kỷ niệm tuổi học trò. Dù mấy mươi năm mới gặp lại nhưng chị Nguyệt Hạnh vẫn trìu mến hỏi thăm lữ khách dạo nầy thế nào.

Có lẽ lữ khách Thanh Tuyên đã hãnh diện và đã sống trọn vai trò lữ khách của mình trong suốt cuộc đời có chút gì đó kiêu ngạo, ngông ngông, bất cần đời của một người bất đắc chí. Lại một điển hình “hông sướng” của nhóm Hương Sống chăng?

Tôi nghĩ có phải lữ khách đã sống hoàn toàn theo cảm tính của mình khi đã tìm niềm vui, cố tìm sự quên lãng qua rượu chăng. Nếu thế thì thật là buồn. Bạn bè thường khuyên lữ khách nên tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại để chăm sóc gia đình tốt hơn. Bởi lữ khách vô cùng hạnh phúc khi có ba đứa con thật thông minh, học thật giỏi, biết hiếu thảo và nhất là thành đạt. Hơn thế nữa, tất cả mọi người đều công nhận lữ khách đã có phước lớn khi gặp được người bạn đời thật đảm đang, tần tảo lo toan cho gia đình với nỗi vất vả, chật vật, lặn lội thân cò…

Những lúc được bạn bè góp ý, khuyên lơn, lữ khách chỉ nói “lữ khách mà”. Ai cũng biết đó là cái cớ để chống chế và làm theo ý mình. Thế nhưng không ai nỡ giận lâu, giận đó rồi thương đó. Bất cứ cuộc họp mặt bạn bè, đi du lịch hay họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh, ai ai cũng nhớ, nhắc nhở và gọi mời. Bình thường, lữ khách rất ít nói chuyện nhưng khi đã ngà ngà say thì tranh luận ghê lắm và đặc biệt là hát rất say sưa. Nửa hồn thương đau. Nha Trang ngày về. Biệt ly. Phôi pha. Nghìn trùng xa cách. Nếu có ai đó đóng góp ý kiến, lữ khách đáp lại: Mấy người biết gì! Mọi người lại cười.

Bây giờ, nhìn lữ khách với khuôn mặt hốc hác, tay chân khẳng khiu, tôi thật xót xa và bất giác nghĩ nhiều đến lẽ vô thường hay luật nhân quả. Tôi lại nhớ đến tập sách “Lắng nghe tiếng hát sông Hằng” của nữ bác sĩ Quách Huệ Trân. Bác sĩ đã nhắc đến điều giác ngộ lần thứ nhất trong kinh “Bát đại nhân giác” là: Thế gian vô thường, quốc độ mong manh, tứ đại khổ không, năm ấm vô ngã, sanh diệt đổi đời, hư ngụy không chủ. Bác sĩ đã chăm sóc cho các bệnh nhân bị bệnh nan y và đã an ủi bệnh nhân khi bị bệnh tật giày vò, đau khổ. Bác sĩ nói: Sống được một ngày trong cuộc đời nầy thật là rất quý, tương ngộ một ngày thật là hiếm có. Bác sĩ đã quan tâm chăm sóc bệnh nhân  tận tình bằng cái tâm thương yêu chân thật. Bác sĩ đã đem tinh thần của Phật pháp để an ủi, vỗ về giúp cho các bệnh nhân lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và tôi đã rất tâm đắc với vị nữ bác sĩ nầy.


Xin được cầu nguyện cho lữ khách gặp được thuốc quí, thầy hay để sớm phục hồi sức khỏe, để bạn bè lại họp mặt hàn huyên… 

30/12/2013


Ký ức về thầy

Võ Thị Kim Vững

Thầy Bùi Văn Trọng và bạn Võ Thị Kim Vững.


       Thầy không dạy tôi một buổi nào, nhưng những kỷ niệm về thầy, tôi có một "kho tàng".
        Lần đầu, thầy về tham dự cuộc họp mặt lần thứ 12 của nhóm tại CLB Lan Anh. Thầy hỏi tôi qua điện thoại:
-  KV hả? Thầy Trọng đây! Bùi Văn Trọng chứ không phải Trọng cô Lan nhen!
-  Dạ! 
- Năm nay họp mặt ở đâu KV?
-  Dạ ở…
-  Rồi tiền bạc đóng góp ra sao?
-  Dạ tuỳ hỉ hà thầy! 
- Vậy là xách…mỏ tới ăn…hén?
- Dạ…
        Tôi ngạc nhiên về cách nói "hơi lạ", nhưng tôi biết là thầy dễ gần và hơi tếu, nên khi bất thần thầy hỏi:
- Đi họp ăn bận ra sao đây?
Tôi quýnh quá nên trả lời:
- Dạ…đồ ai nấy bận!
         Vậy đó, rồi thầy trò thường xuyên gặp nhau, toàn chuyện vui, vì thầy có cách nói "thật không ai biết mà giỡn không ai hay”. Thầy châm biếm nhưng không làm người khác giận, đó là cách chỉ có thầy Trọng Bùi làm được mà thôi.

         Ai " quan trọng hoá vấn đề", gặp thầy là chào thua. Lần về nhà Kỳ Trân ăn giỗ, đoàn có 21 người mà trên tay tôi chỉ có 10 trái chuối nướng, tôi chia hai người một trái, trái cuối cùng còn lại dành cho thầy, cô Lan và tôi. Tôi biết thầy vui nên tôi cứ mân mê trái chuối chưa chịu đưa cho thầy, thầy mới hỏi:
- Đâu, chuối nướng là sao đâu? Tôi mở từng lớp lá ra từ từ " câu giờ", miệng chóp chép ra chiều tiếc rẻ, thầy "sùng bố" phán:
- Mầy phun nước miếng vô kìa, ai mà dám ăn?
Một trận cười như vỡ chợ do thầy ban tặng!

        Thầy có thể cho bạn bè mượn một số tiền lớn để mua nhà (không hoàn lại), thầy dành hết phần lương hưu của mình cho học sinh nghèo, cho từng bà bán vé số gặp trên đường, thầy từng dừng lại thật lâu bên bà bán khô cá lẹp ở Trà Vinh và mua cho bằng hết số khô đó. Nhưng thầy không chịu mất một đồng cho việc phi lý. Ngày ra Phú Quốc, nhà hàng ăn sáng theo chương trình chỉ cho uống cà phê đen, ai muốn uống cà phê sữa phải trả thêm 10 ngàn/ly (hộp sữa khi ấy chỉ có 8 ngàn một hộp) .
Ai cũng hậm hực trả thêm tiền. Sáng hôm sau, chưa ai kịp kêu cà phê thì thầy gọi phục vụ lại "nhờ" khui dùm hộp sữa thầy mới mua ở chợ, ai nấy đều ngạc nhiên và cùng bảo:
- Chỉ có thầy mới nghĩ ra, thiệt hay!

            Qua Campuchia, sáng đó hướng dẫn viên nói:
- Chiều nay, vào Hoàng cung không được mặc quần short!
Thầy lo lắng vì không đem theo quần dài, vậy mà chiều đó thầy hiên ngang vào trước, hỏi ra thì mới ngỡ ngàng vì "ông thầy kéo cái fermeture cho cái quần nó dài xuống. Vậy rồi vào đến Hoàng cung, thầy ngồi bệt xuống đất, tay cầm nón run run như "cái bang thứ thiệt" . Có thầy ở đâu là cười quên thôi ở đó!

         Những ngày thầy nằm viện trong nỗi lo lắng của cô Trinh và các con cháu. Vừa khoẻ lại đôi chút, thầy muốn về Việt Nam. Gặp lại thầy, nhìn nước da thầy sạm đen và ốm đi nhiều, ai cũng xót xa nhưng không dám biểu lộ ra, mà chính thầy cũng không muốn mọi người lo lắng cho mình. Tôi đang đem thức ăn chay đến cho thầy (hôm đó thầy cô Phu đãi tiệc Trung Thu ), thầy mới hỏi nhỏ tôi là tôi xuống Bến Tre bằng xe gì. Biết tôi không đi Honda, thầy thất vọng ra mặt.
- Dạ chi vậy, thầy? Bộ thầy tính đi thăm ai ở đây hả thầy?
- Tưởng em có Honda chở thầy đi kiếm … cháo lòng ăn!
Tôi cười rú lên và làm ra vẻ" bái sư phụ".

        Những chuyện vui về thầy kể hoài không hết. Thầy không thích check mail nhưng đều đều mỗi ngày tôi được thầy gởi cho đọc tin tức thời sự hoặc những truyện ngắn thật hay, nhất là của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Cắc cớ thế nào mà  thầy lại gởi cho tôi truyện "Chỉ là một nắm tro" trước khi thầy mất không lâu.
        Hôm đám tang cô Phạm Thị Hạnh, hoa tang của mọi người đều "vô cùng thương tiếc", chỉ có mình thầy "Vĩnh biệt cô Hạnh".
Tưởng thầy vĩnh biệt thì thôi đi, ai dè thầy lại "đi theo" cô Hạnh. Tin tức về thầy, mọi người cập nhật liên tục, nghe thầy hôn mê, ai cũng cầu xin điều kỳ diệu xảy ra. Ai cũng mong thầy khoẻ trở lại để về dự cuộc họp mặt lần thứ 20 này. Năm ngoái, có thầy, có cô Hạnh, có cô Lư, vậy là cả ba thầy cô của trường cùng ra đi. Bỏ lại tất cả! Giờ đây, tôi chợt nhận ra truyện "Chỉ là một nắm tro" của thầy, thầy ơi!
         Thầy tôi đã thực hiện một cuộc hành trình thật "đẹp", thầy thực hiện mọi ước muốn của những người cần đến mình. Thầy hiểu những người gần bên mình và tìm ra điều tốt nhất nơi họ. Đôi khi, có người ngộ nhận về thầy. Đối với tôi, tôi không tin điều tiếng không tốt về thầy.


         Dẫu biết rằng, rồi đây kẻ trước, người sau sẽ cùng gặp nhau tại "một ga trung tâm", nhưng với cô Trinh, với các con cháu và bè bạn cùng học trò của thầy thì chưa đành lòng mất thầy, thầy ơi !
Mấy hôm nay, Lan - con gái đầu của thầy - có gởi thư cho tôi, nói một câu làm tôi não lòng:
- Mẹ như chưa chịu tin là ba mất. Mẹ hay nói chuyện với ba như là ba còn đó. Tụi Lan tìm mọi cách cho mẹ vơi buồn. Nhưng đối với mẹ, một trăm đứa tụi Lan không bằng một ba của mẹ!


       Thẩy tôi không còn, nhưng âm vang bài hát "Còn gặp nhau" cứ mãi theo đuổi tôi, có lẽ là suốt cuộc đời, vì tôi còn nợ thầy lời hứa là sẽ đem bài hát đó vào mỗi buổi họp mặt, nhưng tôi chưa thể thực hiện. Bài hát đó có mấy câu thật thấm thía như sau:
" Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
  Cuộc đời như nước chảy hoa trôi
  Lợi danh như bóng mây chìm nổi
  Chỉ có tình thương để lại đời".



Saigon, 25/12/2013

27/12/2013

Đôi lời sau 20 năm hội ngộ...


          BBT Hồ Chung Thủy


            Thời gian sinh phần còn lại của Thầy trò trường ta giờ đây xem ra không còn dài nữa...
Nhiều Thầy Cô đã ngoại thất, bát tuần và không ít nhiều đang bệnh tật vì tuổi cao sức yếu. Chỉ trong năm qua, một vài Thầy Cô đã quá vãng, để lại nhiều nỗi buồn riêng chung... Một số bạn hữu trong ngoài sáu mươi cũng mất dần “tứ thân phụ mẫu”; kể cả có bạn bất ngờ lặng lẽ giã biệt bằng hữu vì bệnh tật, tai ương...
Và ngay cả ngôi trường cũ thân thuộc bên bờ hồ Chung Thủy rồi cũng sẽ được dời đến ngôi trường mới sắp khánh thành ở phường Phú Tân... Thầy trò trường ta rồi đây hàng năm về họp mặt chỉ còn lại điểm hẹn ở hội quán chay Nhường Trà và soi chung bóng kỷ niệm trường xưa bên hồ Chung Thủy mà thôi...
            Dù sao, 20 năm tồn tại và hoạt động của Ban liên lạc Thầy trò trường ta cũng đã góp phần nối kết 20 năm xa cách, để rồi mỗi Thầy, mỗi trò đều tìm được nhiều mối quan hệ quãng giao nơi đồng nghiệp, bằng hữu, đằm thắm nghĩa tình “đồng môn” suốt 20 năm qua...
Nhưng thời gian miên viễn vẫn trôi đi, tuổi tác Thầy trò trường ta ngày càng chồng chất, đang bước chậm dần trên quãng thời gian còn lại của mỗi đời người... Biết làm sao được!...
            Thôi thì, trên dặm đường còn lại, xin cầu chúc Thầy trò trường ta luôn an nhiên hạnh ngộ, chia sẻ buồn vui, và đong đầy tình nghĩa như đã từng trải 20 năm qua...
            Vấn đề là mong sao Ban liên lạc... vẫn còn đủ nghị lực, thiện chí, thiện tâm để gánh vác vai trò kết nối nghĩa tình “tôn sư trọng đạo” trong khung thời gian, không gian, tuổi tác ngày càng hạn hẹp, và đã hé lộ ngưỡng cảnh cuối đời của một thế hệ Thầy trò trường ta !...

            Sau cùng, trước thềm năm mới, kính chúc Thầy trò trường ta thêm một tuổi đời Giáp Ngọ, thân tâm an hạnh và vạn sự như ý !

26/12/2013

Thư cho bạn

Kim Ngân
Cali , tháng 12 năm 2013. Bạn thân,...
Nhận thư các bạn cùng lời khen nhiệt tình khiến tôi cảm động và sung sướng lắm, vì bạn cũng đồng quan điểm với tôi. Có điều bạn nói…bạn bận quá không có thì giờ để liên lạc với Thầy Cô và khâm phục tôi làm được điều đó.
Bây giờ mình đem chuyện này ra phân tích nhen.
Thời giờ với ai cũng quý báu vì nó qua đi thì không trở lại. Bạn với tôi cùng sống trên quả địa cầu, cũng có hai mươi bốn giờ như nhau, nhưng chia thời gian làm việc thì... có khác.
Bạn vì sinh kế phải đi làm, tôi cũng vậy. Bạn lại khác tôi ở chỗ không có ở chung với má chồng như tôi. Chồng tôi là con một, chúng tôi rước bà sang 22 năm về trước. Bà bị mù một mắt, mắt kia bị đục thủy tinh thể (chataract). Cả nhà phải xúm nhau năn nỉ để bà đi giải phẫu con mắt đó vì sợ không may bà mù luôn thì sao? Cũng may, cuộc giải phẫu tốt đẹp, bà nhìn thấy được một thời gian. Bây giờ đã sang tuổi 89, bà chỉ thấy lờ mờ. Trong nhà, phải mở đèn cho bà thấy đường mà đi. Ngày ngày tôi lo ăn uống cho bà ba lần. Bà còn tự mình đi lại được, và tự hâm thức ăn, có khi tôi hâm sẵn mang đến cho Bà. Nói chung, chuyện lo cho má chồng là bổn phận dâu con, tôi không có gì phàn nàn vì má chồng rất tốt với tôi, tôi xem bà như mẹ ruột.
Bạn hay tâm sự với tôi việc làm ăn của bạn .. lên như diều, với những thành quả thu thập được... Bạn còn khoe chuyện đi du lịch nước ngoài, thăm đủ nơi, đủ chỗ…Tôi cũng đồng ý, vì còn sức khỏe thì cũng nên đi, lỡ mai mốt lại buồn, vì không còn sức để đi được.
Nếu bạn nói bận việc, hoặc xa xôi nên không đến thăm Thầy Cô được, thì tại sao bạn không phone cho Thầy Cô,? Dù chỉ một lời thăm hỏi...? Tôi dám chắc là bạn sẽ thấy vui khi được nghe tiếng Thầy Cô reo vui khi nghe tiếng bạn.
Tại sao bạn phải chờ đến ngày Lễ Thầy Cô mới mời Thầy Cô lên để tặng hoa…Tôi nghĩ, giây phút đó Thầy Cô cũng vui, nhưng sao không làm được ngay bây giờ, mà phải đợi mỗi năm một lần để làm chuyện đó? Bạn còn nhớ câu chuyện: "Mai ăn khỏi trả tiền" không? Việc gì làm được hôm nay thì chớ nên để ngày mai! Thầy Cô giờ đã già, tuổi hạc đã cao, không chờ lâu được đâu. Bạn nên làm chút gì cho Thầy Cô vui. Có những Thầy Cô không phải là Thầy dạy học tôi, nhưng cơ duyên đã cho tôi gặp Thầy Cô và mối liên lạc ngày thêm tốt đẹp. Khi tôi email hoặc phone, hay đến thăm thì thật là quý. Cho dù Thầy Cô không nhớ bạn, nhưng bạn nhớ Thầy Cô là đủ rồi.
Tôi phải cám ơn Minh Tâm, chị Nguyệt Thorakao và vợ chồng Ngọc Hà. Nhờ các bạn ấy đến mà tôi mới có dịp lên thăm Thầy Cô Nguyễn Đăng Phu và Thầy Cô Trọng Bùi, để rồi bây giờ trong tâm tưởng tôi vẫn còn nụ cười hiền hòa của Quý Thầy Cô cùng ánh mắt reo vui khi thấy chúng tôi tới thăm.

Một số Thầy Cô cũng có email, bạn nên email thăm Thầy Cô đi nha. Còn nếu bạn may mắn ở cùng thành phố với Thầy Cô thì một ngày đẹp trời nào đó, bạn hãy đến thăm Thầy Cô đi. Bạn sẽ không tưởng tượng nỗi vui mừng của Thầy Cô đâu! Tin tôi đi và hãy làm điều gì bạn có thể làm được hôm nay cho Thầy Cô. Bạn còn chần chờ gì nữa mà không nhấc phone lên gọi thăm Thầy Cô của chúng mình?


THƯƠNG NHỚ Ơ HỜ, THƯƠNG NHỚ AI


TỐ NGUYÊN

Từ lâu lắm không biết bắt đầu từ lúc nào chữ NGƯỜI có một âm hưởng thật sâu kín mênh mông đối với tâm hồn của mình. Mỗi lần nghe nói hay đọc sách, các chữ tình người, kiếp người, phận người, làm người, nên người, thành người, tính người...có sức cảm ứng đạo giao rất êm đềm nơi tâm hồn mình. Gặp những chữ nầy như gặp lại bạn tri kỷ, bạn tâm giao, và tâm hồn mình như được thể nhập vào một cảnh giới đầy rung cảm chân thành. Nhiều lần chỉ một câu nói, một cái nhìn, một ánh mắt, một nụ cười, một nét buồn, một niềm vui, một bài thơ, một hình ảnh, một câu chuyện nhỏ …, cũng đủ làm mình cảm xúc đến rưng rưng, vì nó là tia chớp, dù chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng đủ cho mình thấy rõ ràng cảnh giới chân thật tuyệt vời của tâm hồn người sâu kín mênh mông. Chữ người không những nói lên rất nhiều về chiều kích sâu thẳm bất tận của tâm hồn mình, mà mình thấy nó còn hiển hiện bàng bạc khắp nơi với muôn vàn sắc thái trong thế giới sống của người.

Nhớ có lần đi thăm thầy Nguyễn Văn Ba ở Làng Đại học Thủ Đức, nghe thầy giảng về hai chữ "người ta”, mình hầu như được ngộ nhập vào dòng sống muôn đời của truyền thống văn hóa Việt.

Hai chữ NGƯỜI TA vừa bao trùm cả nhân loại (NGƯỜI) vừa đề cao cá thể (TA). NGƯỜI với TA tuy hai mà một. TA với NGƯỜI tuy một mà hai. NGƯỜI không TA là NGƯỜI xa lạ.TA không NGƯỜI là TA khép kín, ích kỷ, đơn côi, không thật. Người giác ngộ được Chân Tính Người (hay Phật Tính theo cách nói của Đạo Phật) sẽ nhìn thấy Chân Tính đó hiện diện rõ ràng nơi tất cả mọi người. Đó chính là cảnh giới bất nhị hay nhất chân viên dung nơi chân tâm chính đẳng chính giác vô thượng bồ đề mà các bậc Đại Giác của nhân loại đã đạt được.

Bài thơ “Vịnh Tam Tài” của Trần Cao Vân thật tuyệt vời về tầm kích vũ trụ của NGƯỜI TA.

TRỜI ĐẤT sinh TA có ý không?
Chưa sinh TRỜI ĐẤT có TA trong
TA cùng TRỜI ĐẤT ba ngôi sánh
TRỜI ĐẤT in TA một chữ đồng
ĐẤT nứt TA ra TRỜI chuyển động
TA thay TRỜI mở ĐẤT mênh mông
TRỜI che ĐẤT chở TA thong thả
TRỜI ĐẤT TA đây đủ hóa công.

Bài thơ dùng chữ TA để xác định tầm kích vũ trụ của chữ NGƯỜI.

Năng lực thiêng liêng nào đã điều khiển nhịp nhàng, hài hòa như vậy? Trong cảnh giới sống nào mà có sự chuyển hóa hai thành một, một lại là hai uyển chuyển viên dung như vậy? Xin thưa đó là năng lực của THƯƠNG YÊU, đó là cảnh giới của THƯƠNG YÊU. Chữ NHÂN () của Đức Khổng Tử chính là sức sống viên dung của TÌNH THƯƠNG YÊU đó. Khổng Tử đã định nghĩa TÌNH THƯƠNG YÊU chính là con người (nhân () giả nhân ()dã. Hay là lòng thương người làm nên con người (nhân ( ) giả ái nhân () . Hay nói khác đi, không thương người thì không làm người được, không thành người được, không là ngườiđược. Đức Khổng Tử đã kết tinh thật nghĩa “NGƯỜI với TA tuy HAI mà MỘT, TA với NGƯỜI tuy MỘT mà HAI” của hai chữ NGƯỜI TA trong năng lực THƯƠNG YÊU của chữ NHÂN ().Chữ  là hình ảnh nhất chân viên dung của hai chữ NGƯỜI TA. Chữ  gồm chữ nhân là người và chữ nhị là hai.

Hệ luận của hai chữ NGƯỜI TA nhất chân viên dung trong đời sống của người Việt là “nhất thị đồng nhân”, nhìn tất cả mọi người đều là người giống với mình. Thương người là thương mình. Ghét người là tự ghét mình. Giúp người là giúp mình. Hại người là hại mình…Người với Ta tuy hai mà một. Ta với Người tuy một mà hai. Tình người tuôn chảy làm đầy nghĩa sống, làm đẹp cuộc đời là khởi từ hai chữ NGƯỜI TA đó.

Sách Lễ ký khai triển hai chữ NGƯỜI TA thành định nghĩa như sau:

Phù nhân giả, kỳ thiên địa chi đức,
âm dương chi giao,
quỉ thần chi hội,
ngũ hành chi tú khí :”
(Lễ Ký, quyển 7, Nhạc Ký, chương 19)

Nghĩa là:
Người là Đức của trời đất,
là năng lực điều hòa kết hợp âm dương,
là tụ điểm của quỉ thần,
là tinh hoa của ngũ hành.

Hai chữ NGƯỜI TA là hạt giống thiêng của Đạo Sống Việt. Từ hạt giống thiêng nầy, người Việt, dọc dài theo dòng sử mệnh, đã vun tưới thành cây thần mộc bất tử. Cây thần mộc đó chính là cây Văn hóa, cây Văn minh Việt.

Làm thế nào mà hai chữ NGƯỜI TA là tình yêu thương thiêng liêng, là Đức của trời đất, là năng lực hài hòa âm dương, là sức qui tụ của quỉ thần, là tinh hoa của ngũ hành đó, không là mộng tưởng điên đảo, mà là sức mạnh hiện thực nhiệm mầu, thâm nhập vào thân tâm và cuộc đời của người Việt để trở thành hồn sống, nguồn sống, đạo sống, nghĩa sống, sức sống, hướng sống, niềm an vui sống, vinh quang sống, để thành tựu viên mãn Đạo sống của kiếp người được. Làm sao mà hai chữ NGƯỜI TA hiện hành thành cách xử thếtiếp vật của người Việt. Làm sao mà hai chữ NGƯỜI TA hiển hiện thành Văn Hóa, hiển phát thành Văn Minh được?
1.    NGƯỜI TA VĂN HIẾN:

Trước hết tổ tiên mình vẽ lên hai tiếng NGƯỜI TA thành chữ (văn). Văn là hình ảnh, là biểu tượng của NGƯỜI TA, gồm đủ cả đầu, mình tay chân, đẹp và đầy đủ hơn chữ (nhân) và chữ  (nhân)  của Hán ngữ. Chữ  là hình ảnh, là biểu tượng sống động của NGƯỜI đã hiển hiện trọn vẹn Chân Tính của Người, hiển hiện trọn vẹn Đạo Sống làm NGƯỜI, là đã thành tựu Đạo Người. Cũng chính vì thế mà Đức Khổng tử đã lấy tên thụy cho mình là VĂN. Cũng vì thế mà người xưa đã gọi Đức Phật là VĂN PHẬT. Nếu hai chữ NGƯỜI TA là hạt giống NGƯỜI, thì VĂN là cây sum suê với lá tươi xanh, hoa thơm đẹp, trái ngọt ngon.

Khi đặt tên, người Việt gói ghém hoài bảo thành tựu lớn nhất của cuộc đời mình vào trong tên đó. Do đó, tên đối với người Việt rất thiêng liêng vì tên là tụ điểm qui hướng cho toàn thể cuộc đời. Ngay từ thời lập quốc, tổ tiên của người Việt đã gói ghém hoài bão thiêng liêng của mình vào trong hai chữ tên nước VĂN LANG. Chữ VĂN từ đó đã trở thành linh hồn, nguồn năng lực thiêng liêng trong vận hành của sử mệnh dân tộc Việt. Định nghĩa của chữ VĂN rất phong phú. Người Việt mình thường quen thuộc với hai định nghĩa "Văn dĩ tải Đạo, Văn là để chở Đạo, và "Đạo chi sở hiển viết Văn”, Văn là sự hiển hiện ngời sáng của Đạo.

Có một chữ thiêng nữa thường đi đôi với Đạo là Đức. Người xưa định nghĩa Đức là Đắc. Đắc tức là được. Được gì? Được Đạo. Nghĩa là Đạo mầu đã được hiển hiện nơi thân, tâm và cuộc đời của người đắc Đạo. Vì thế mà người Việt tôn kính gọi những người hiện thân của Đạo sống là Đức, như Đức Khổng Tử, Đức Phật, Đức Chúa Trời, Đức Trần Hưng Đạo...Theo đó mà chữ Văn và chữ Đức hầu như đồng nghĩa. Văn và Đức đều là sự hiển hiện của Đạo.

Đặt tên nước là VĂN LANG, tổ tiên đã thể nghiệm được Đạo mầu của hai chữ NGƯỜI TA, đã lấy Văn làm nền tảng, đã lấy Đạo Đức làm sức mạnh để xây dựng đất nước. Sứ mệnh của lịch sử Việt là chuyên chở, là làm sáng tỏ Đạo Sống, Đức Sống nhiệm mầu từchữ  (Văn) biểu tượng NGƯỜI thiêng liêng đó.

Nơi kinh đô có Văn miếu thờ VĂN. Nói Văn Miếu là để thờ Khổng Tử thì chỉ đúng có một phần nhỏ, vì chính tên thụy của Đức Khổng Tử là Văn. Suốt đời, Ngài sống và truyền bá Văn, tức Đạo làm người. Trong đời Ngài cũng nhiều lần ca ngợi văn hóa phương nam. Chính Ngài là hiện thân của Văn Đạo đó. Văn Đạo tức Đạo Người. Văn là biểu tượng thành người cao quí nhất. Về hình thức thì Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử, nhưng thật ra Văn Miếu là để thờ Người.

Nơi làng xã có Văn từ, Văn chỉ, là nơi thờ người, là tụ điểm qui hướng của những giá trị làm người. Tình người, nghĩa sống nhờ đó được dưỡng nuôi và trở thành thân thiết linh thiêng.

Văn Thân là vẽ lên mình để nhắc nhở rằng phải dùng thân sống của mình để làm hiển Đạo, phải sống như thếnào để thân của mình trở thành hiện thân của Đạo. Văn thân là thánh hóa, là Văn hóa thân mình (chứ không phải kiểu nói đầy ngộ nhận là để khi xuống nước khỏi bị thuồng luồng ăn thịt).

Khi đặt tên người con trai, chữ Văn cũng được đặt vào giữa để nhắc nhở Đạo sống thiêng liêng đó. Ví dụ như tên Nguyễn Văn X, trong đó Nguyễn là họ tộc, X là tên của cá nhân. Văn là Đạo sống, là hồn thiêng sông núi, được đặt vào giữa để nhắc nhở, nhờ đó mà Văn trở thành hồn sống, nghĩa sống, và là thủy chung của kiếp người.

Văn Hiến là Kinh Điển thiêng của Đạo sống Nhiệm Mầu hòa hợp mọi khía cạnh của cuộc đời, hướng dẫn và làm bừng nở toàn thể cuộc đời từ chân tính sâu kín u linh bát ngát mênh mông của Tính Người. Ngôn ngữ của Văn Hiến là Linh Ngữ nằm trong những sách thiêng của nền giáo dục xưa, như Lĩnh Nam Chích Quái, Việt Điện U Linh Tập...Linh Ngữ bàng bạc trong đời sống, trong tục ngữ, trong ca dao, trong chuyện cũ tích xưa, trong hoành phi, câu đối, trong lễ khí, tượng thờ, trong phong tục tập quán, trong gương sống, trong các lễ hội, trong lịch tiết, trong tên đất, tên người, trong lời ru, tiếng hát, điệu hò...Người xưa còn thấy cả Linh Ngữ của Hồn Văn Hiến trong tiếng gà gáy, chim kêu, trong lời chúc Tết, trong chuông chùa, trong tiếng sấm báo mưa đầu mùa, trong gió mát trăng thanh, trong muôn ngàn vì sao lấp lánh, trong gió sớm mây chiều, trong nắng sáng mưa đêm, trong cả niềm vui, nỗi buồn, trong nỗi nhớ, niềm thương, trong mơ ước, nguyện cầu. Linh Ngữ làm đầy không gian sống, thời gian sống, làm đầy mọi liên hệ, mọi khía cạnh, mọi sắc thái của cuộc đời với TÌNH NGƯỜI, với NGHĨA SỐNG thiêng liêng.

2. NGƯỜI TA VUÔNG TRÒN:
Còn một biểu tượng thiêng liêng nữa có tầm kích vũ trụ của hai chữ NGƯỜI TA là hình ảnh vuông tròn. NGƯỜI TA là ĐỨC của trời đất (kỳ thiên địa chi đức) nên vuông tròn là hình ảnh của NGƯỜI TA sống trong trời đất.

Trời tròn đất vuông (thiên viên địa phương). Vòng tròn bao bọc hình vuông bên trong là hình ảnh của người được đất chở trời che, viên dung tự tại. Trời tròn bao che còn có nghĩa là Tình, đất vuông chuyên chở còn có nghĩa là Lý (địa lý).

Ca dao Việt có câu “Trăm năm tính cuộc vuông tròn”. Trăm năm là đời người. Tính là cân nhắc, lo liệu. Cuộc là dòng lưu chuyển của đời người. Vuông là LÝ. Tròn là TÌNH. Trăm năm tính cuộc vuông tròn có nghĩa là trong dòng lưu chuyển của đời người, hãy cố sống như thế nào cho trọn LÝ vẹn TÌNH, hữu thủy hữu chung. Nếu Văn là cái sáng đẹp hiển hiện của mẫu người trọn vẹn thì Tình tròn bao phủ Lý vuông là sự hiện hành thủy chung, viên dung, nhịp nhàng, hài hòa của mẫu người đó. Đó là mẫu sống hạnh phúc an vui. Nếu Lý đoạt Tình thì điên đảo phiền não phát sinh, hạnh phúc an vui sẽ không còn nữa.

Đời Hùng Vương thứ sáu, Lang Liệu được vua cha truyền ngôi cho là vì đã biết lo liệu đất nước theo mẫu vuông tròn đó. Lang Liệu diễn đạt ý nguyện, hay lý tưởng trị nước của mình qua biểu tượng vuông tròn của bánh dầy bánh chưng. Thần nhân giải thích cho Lang Liệu biết rằng, Tròn là Trời, Vuông là Đất, nếp là tinh hoa của Trời Đất. Do đó ta thấy, ăn bánh dầy bánh chưng tròn vuông là hấp thụ tinh hoa của trời đất để nuôi dưỡng Đạo sống của con người. Lang Liệu được cha truyền ngôi vua cho là vì đã biết noi theo dòng sử mệnh truyền thống trị nước thiêng liêng đó.

Từ móng chân rùa của Thần Kim Qui, Thần Nỏ đã được làm nên. Thần Nỏ có Năng Lực vô cùng nên có tên là LINH QUANG THẦN NỎ. Mai rùa có cấu trúc VUÔNG TRÒN, mà VUÔNG TRÒN là biểu tượng thiêng liêng của VĂN HIẾN VIỆT. Móng là NỀN MÓNG, căn bản quyết định sự bền chắc của mọi cấu trúc xây dựng. LINH là Hiệu Lực Mầu Nhiệm bất khả tư nghì. Quang là Ánh Sáng. Nơi nào có Ánh Sáng thì nơi đó bóng tối với mọi hình thức sẽ không còn nữa. THẦN là Năng Lực Vô Biên. Tất cả những Ánh Sáng và Năng Lực đó đều phát xuất từ biểu tượng VUÔNG TRÒN.

Tròn bao bọc Vuông còn là Tình Lý tương sinh. Đó là biểu tượng của thái bình thịnh trị, là phước lộc, no ấm an vui. Nếu Lý đoạt Tình, tức Lý Vuông nhốt Tình Tròn, thì đó Tình Lý tương khắc, là điềm họa tai, điên đảo, phiền não, điêu linh.

Người xưa còn gọi đồng tiền là văn tiền. Đồng tiền có hình tròn với lỗ vuông nhỏ ở giữa. Đó là nhắc nhở phải thận trọng với cách sử dụng tiền. Phải biết trọng nghĩa khinh tài, tức khi sử dụng tiền phải biết coi nghĩa tình là nặng mà tiền tài là nhẹ; đừng vì tiền tài mà gây khổ đau, làm mất nghĩa tình.

  1. NGƯỜI TA NON NƯỚC :

Trong dòng sống biến chuyển hổ tương giao tiếp đổi trao không ngừng, Tình Lý còn được diễn tả bằng hình ảnh gợi cảm sâu xa của núi và nước. Bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà hàm chứa sức sống thiêng liêng của hồn dân tộc.

Nước non nặng một lời thề...
Nhớ lời nguyện nước thề non...
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đà biết hay chưa?
Nước đi ra biển lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi lời thề.

Ngày xưa, tranh sơn thủy được đặt trang nghiêm trên bàn thờ ông bà tổ tiên với câu đối hai bên như:
Phước Như Đông Hải
ThọTỉ Nam Sơn

Nước non, sơn hải, sơn thủy, giang sơn, sơn hà...đã thề nguyền, kết đôi, gắn bó, vận hành giao tiếp, tĩnh động, sinh tử, nhịp nhàng, hài hòa, sinh sinh, hóa hóa, cảm ứng đạo giao, muôn đời như thế đó. Đọc Kinh Dịch, Thoán truyện, quẻ HÀM:

Thiên Địa CẢM nhi vạn vật hóa sinh.
Thánh Nhân CẢM nhân tâm nhi thiên hạ hòa bình.
Quan kỳ sở CẢM nhi Thiên Địa Vạn Vật chi Tình khả kiến hỹ.

Nghĩa là:

NhờTrời Đất cảm nhau nên sự sống của vạn vật sinh sinh hóa hóa không ngừng.
NhờThánh nhân cảm hóa khiến tâm người hòa hợp với Đạo Sống nên an cư lạc nghiệp âu ca mới có được khắp nơi.
Ngắm nhìn cảnh giới, hiện tượng cảm ứng đạo giao có thểbiết được cái Tình của Trời Đất Vạn Vật.

Người Việt thờ phượng nước non nơi bàn thờ Tổ Tiên, chiêm ngưỡng vận hành sinh hóa cảm ứng đạo giao muôn đời của Thiên Địa Vạn Vật để nuôi dưỡng TÌNH NGƯỜI. Như vậy là trên bàn thờ có đủ cả NGƯỜI, THIÊN ĐỊA VẠN VẬT cảm thông giao tiếp hài hòa. Nhờ mỗi ngày, lúc thắp đèn dâng hương tưởng niệm ông bà tổ tiên, con cháu có dịp chiêm ngưỡng sơn thủy trên bàn thờ mà Tình Người được dưỡng nuôi và Đạo Sống được hiển hiện nơi cuộc đời.

Đọc sách Luận Ngữ thấy có lời dạy của Đức Khổng Tử:“Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn”(V.21). Nghĩa là người Trí thích nước, người Nhân thích núi. Trí là Lý trí. Nhân là Tình người. Do đó Trí hay Lý và Nước có liên hệ siêu hình nơi chiều sâu thẳm nơi tâm hồn của con người. Tình và Núi cũng cưu mang ý nghĩa siêu hình gắn bó như thế. Tranh sơn thủy còn là biểu tượng của Đạo sống Tình Lý tương tham thiêng liêng đó.

Huyền Sử Việt kể rằng, 50 con theo mẹ lên núi và 50 con theo cha xuống biển. Trong số 50 con theo cha xuống biển đó, có một người trở lại, về núi Tản Viên cư ngụ, và trở thành Tản Viên Sơn Thần. Núi là biểu tượng của Tình Người. Chữ Tiên gồm chữ nhân và chữ sơn, tức người sống trên núi, hay người sống với Tình. Do đó, cả tiên và núi đều là biểu tượng của Tình. Còn Rồng thì sống với Nước, tức sống với Lý. Do đó, cả Rồng và Nước đều là biểu tượng của Lý.

Tản Viên Sơn Thần là một biểu tượng hết sức đặc biệt. Lý Trí là một trong những khả năng của con người, chứ không phải thuộc bản thể của con người. Lý Trí tự thân không có giá trị gì. Giá trị của Lý Trí là ở cứu cánh mà nó phục vụ. Trước khi trở về Núi Mẹ, Ngài là một trong những người con theo cha xuống biển, tức Ngài thuộc về LÝ. Với sự trở về núi Tản Viên phục vụ Tình Người, Ngài trở thành biểu tượng thiêng liêng của Tình Lý Tương Tham, Tình Lý Viên Dung. Tản là tán che, Viên là vòng tròn. Núi Tản Viên còn gọi là núi Ba Vì. Ba Vì là Ba Vị, tức ba ngôi vị của Tam Tài. Ngài là thành tựu viên mãn ngôi vị làm người trong Tam Tài, như bài thơ của Trần Cao Vân đã cảm tác: “TRỜI ĐẤT TA đây đủ hóa công”. Đức của Ngài đầy ắp cả Trời Đất. Ngài thành Thần bất tử. Thần, theo Kinh Dịch và sách Trung Dung, là năng lực mầu nhiệm vô biên. Tản Viên Sơn Thần trở thành Linh Khí, thành Hồn Thiêng Sông Núi. Cao Biền muốn yểm diệt Hồn Thiêng Sông Núi đó mà không được, nên phải than rằng:

Linh Khí Nam Phương chưa thể đo lường được, Vượng Khí đâu khá diệt được, Uy Linh Hiển Ứng là như thế”.

Sơn Tinh là tinh hoa của núi, tức tinh hoa của Tình Người. Thủy Tinh là tinh hoa của nước, tinh hoa của Lý Trí. Cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh là cuộc chiến giữa Tình và Lý. Trong cuộc chiến để tranh thắng đó, Thủy Tinh dùng sức mạnh của mình làm nước dâng cao để tràn ngập núi, tức dùng sức mạnh của Lý Trí để trấn áp, để nhận chìm Tình Người. Thủy Tinh đã thất bại, vì núi lúc nào cũng vươn cao hơn nước. Lý không thể nào khống chế được Tình.

4. NGƯỜI TA TÌNH THÂM:

Tất cả những ý nghĩa thậm thâm vi diệu của hai chữ NGƯỜI TA trong Đạo Sống Việt được kết tinh trong Kinh Lễ với câu “Tình thâm nhi Văn Minh” (LễKý quyển 7, Nhạc Ký, chương 19).  Câu nầy có nghĩa là: Chỉ khi nào sống hết chiều sâu thẳm của Tình Người (Tình thâm) thì tinh anh cao quý nhất của Người (VĂN) mới (nhi) hiển hiện ngời sáng (Minh) được.

Từ thời lập quốc, Tổ tiên của người Việt đã lấy việc xây dựng Người làm nền móng để xây dựng nước. Và vun tưới Tình Người là căn bản để xây dựng Người, vì Tình Người là gốc rễ của Người. Người Việt nhìn Cây như biểu tượng của Văn Minh. Gốc rễ có mạnh, có sâu thì lá mới xanh, bông mới tươi đẹp, trái mới thơm ngọt được.

Người Việt làm thế nào để phát triển Tình thâm?

Từ nền tảng NGƯỜI TA bao trùm cả Trời Đất, Âm Dương, Quỹ Thần, Ngũ Hành, Người Việt đã dùng TÌNH THÂM để xây dựng VĂN MINH, dùng liên hệ giữa          Người với Người vừa để mở rộng Tình Người vừa để Nghĩa Sống được sâu dầy hơn. TÌNH được sâu hơn nhờ gắn bó với NGHĨA với ÂN. Nói đến Tình Nghĩa, Ân Tình không người Việt nào mà không thấy cảm xúc sâu xa. Có người còn đưa TÌNH THÂM của ÂN NGHĨA vào cảnh giới thiêng liêng để tôn thờ, như Đạo Tứ Ân.

ÂN là lòng ấp ủ, cưu mang, thương nhớ những người đã giúp mình và những gì mình nhận được với lòng thiết tha mong được cơ hội đáp đền.
Khi Tình Thương trở thành hành vi giúp đỡ, phụng sự, phục vụ Người thật sự thì gọi là NGHĨA. Nhớ ƠN, thi ƠN,đền ƠN, vì NGHĨA, hành NGHĨA, đáp NGHĨA, là Sống với chiều sâu của TÌNH NGƯỜI nên gọi là TÌNH THÂM.

ĐỨC HIẾU đứng hàng đầu trong Đạo Sống của người Việt. Người Việt có câu hát “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình”. Trong thế giới nầy không có Tình Thương nào lớn hơn Tình Thương của Mẹ. Tình Mẹ là nguồn thương của tất cả mọi người. Hiếu hướng lòng Thương của con cháu về Nguồn Thương của Ông Bà Cha Mẹ để nuôi dưỡng THÂM TÌNH.

Thiên hữu tứ thời Xuân tại thủ.
Nhân sinh bách hạnh Hiếu vi tiên.

Mùa Xuân bừng nở với sức sống nhiệm mầu. Cây cối đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua sắc. Lòng Hiếu Thảo làm bừng nở Đạo Đức, Tình Người với Nghĩa Sống thiêng liêng. Đức HIẾU là Nguyên Động Lực của TÌNH THÂM.

Trong cách nói chuyện với nhau người Việt không dùng đại từ. Các chữ I, đại từ ngôi thứ nhất, you, ngôi thứ hai, he, she, ngôi thứ ba trong tiếng Anh không có trong tiếng Việt. Mỗi tiếng Anh I, you, he, she, tùy đồng văn mà được dịch thành nhiều tiếng Việt khác nhau, như ông, bà, ngoại, nội, cha, mẹ, anh, chị, em, cháu, cậu, mợ, cô, dì, bác, chú, thiếm, người, ngài, thầy, mầy, tao, mi, tớ, hắn…, có người kể ra được khoảng 40 chữ khác nhau. Như “ngoại có thương cháu không, mẹ sẽ đến thăm con ngày mai, em thương anh nhiều lắm”...trong cách nói chuyện như thế, người Việt dùng thẳng vai trò của mình trong liên hệ gia đình thân thuộc, không dùng đại từ để xưng hô. Không biết cách xưng hô, người Việt cảm thấy rất khó mà nói chuyện với nhau đàng hoàng, trang nhã, lịch sự được. Học lễ phép, học cách xưng hô đúng hoàn cảnh là những bước đầu tiên của quá trình học làm người của trẻ con Việt.

Các bậc thánh hiền trong khắp các nền văn hóa trên thế giới đều nhận ra tương quan “tứ hải giai huynh đệ” nhưng hầu như chỉ là lý tưởng thôi, không có tiếng nước nào đưa lý tưởng nầy vào hiện thực qua cách nói chuyện với nhau như tiếng Việt.

Nhiều người cho rằng như vậy là rắc rối. Rắc rối chỉ là chuyện chưa quen thôi, khi quen rồi thì sẽ rất dễ dàng. Cách xưng hô nói chuyện của người Việt làm phong phú và sâu đậm Tình Người, xóa tan xung đột và thân thương hóa liên hệ giữa người với người, biến xã hội, nhân loại thành đại gia đình. Trong cách nói chuyện của người Việt không có ai là người khác xa lạ nữa, không có cảnh “địa ngục là người khác” (l'enfer, c'est les autres) hay “người là chó sói của người” (homo homoni lupus) như các nhà văn nổi tiếng của Tây Phương nhận xét về liên hệ giữa người với người trong xã hội của họ.

*********
Có thức dậy mới chiêm bao là không thật.
Đọc “Ngũ Đăng Hội Nguyên” thấy có chuyện Lữ Nham Động Tân Chân Nhân sau khi gặp Thiền sư Hoàng Long giác ngộ được cảnh giới của Chân Tâm, thốt lên bài thơ trong đó có hai câu nầy:

Tự tòng nhất kiến Hoàng Long hậu
Thủy giác tòng tiền thác dụng tâm.”

Nghĩa là:

Từ khi gặp được Thiền Sư Hoàng Long về sau
Mới biết từ trước tới giờ đã dùng tâm của mình một cách sai lầm.

Có giác ngộ được Chân Tâm mới biết óc suy lý là không thật.

Đọc “Kim Cương Kinh Ngũ Thập Gia Tập Chú” thấy bài thơ có hai câu nầy:

Nhất triêu đạp trước gia hương lộ
Thủy giác đồ trung nhật nguyệt trường.”

Nghĩa là:

Một buổi sáng bước chân trên đường quê nhà
Mới biết tháng ngày dài đã lưu lạc tha phương.

VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG Việt là CHÂN CẢNH chứ không phải là MỘNG CẢNH.
VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG Việt hiển phát từ CHÂN TÂM chứ không phải từ óc suy lý.
Có sống với niềm vui nơi Chân Cảnh Gia Hương của VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG Việt mới biết niềm vui nơi vọng cảnh của lục trần là Tha Hương, là không thật.

Năm 1917, Pháp chánh thức hủy bỏ nền giáo dục dùng chữ Nho ngàn năm của dân tộc Việt. Từ đó về sau Linh Ngữ của Văn Hóa Việt chìm dần vào quên lãng. Từ khi chữ Quốc ngữ được chính thức dùng cho nền giáo dục mới của Việt Nam đến giờ, Linh Ngữ gần như bị xóa hẳn.

Một ngày nọ cách đây vài năm, có một sinh viên Hàn Quốc đến thăm bạn là con của một gia đình nhà giáo ở Bến Tre. Sinh viên nầy muốn đi tham quan vài nơi trong tỉnh. Nhà giáo gợi ý là đi thăm những ngôi đền, chùa cổ. Lúc trở về, nhà giáo hỏi, mấy con đi chơi có vui không. Đứa con trả lời: Vui lắm, nhưng con thấy xấu hổ quá, ba ơi! Sao vậy con?- nhà giáo ngạc nhiên hỏi. Người con trả lời: “Vào đền chùa, anh ấy đọc làu làu những câu đối, câu liễng viết bằng chữ Nho và giải nghĩa cho con nghe thật rõ ràng. Con thì chẳng biết gì hết!”
Hàn Quốc và Nhật Bản có chữ riêng của nước họ. Nhưng muốn tốt nghiệp trung học, học sinh phải thông thạo ít nhất 800 chữ Nho để đọc sách cổ. Ngày xưa, chữ Nho là chữ của sách thiêng chung cho cả Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bổn, Việt Nam. Học chữ Nho sẽ đọc được sách thiêng rực rỡ nhiều ngàn năm của những nước nầy. Học chữ Việt mới, người Việt mình chỉ còn đọc lèo tèo sách mới tập tững viết trong vòng chưa tới 100 năm nay, hoàn toàn mù mịt, không những về Văn hóa vĩ đại của những nước láng giềng, mà còn bơ vơ với cả Văn hóa ngàn năm của chính nước mình.

Sách Liệt Tử, chương Mục Vương thứ 3, có kể chuyện một người sinh ra ở nước Yên, lớn lên và sinh sống ở nước Sở, lúc già trở về nơi sinh quán của mình. Khi qua nước Tấn, bạn cùng đường chỉ vào thành của nước Tấn và nói: Đây là thành của nước Yên. Nỗi buồn nhớ dâng lên làm sắc mặt của anh dàu dàu. Lúc gặp nơi thờ Thần Xã, họ chỉ và nói, đó là nơi thờThần Xã của làng anh. Anh ấy than thở ngậm ngùi. Một lúc sau, họ chỉ vào một ngôi nhà và nói, đó là nơi song thân của anh sống ngày xưa. Anh ấy nước mắt lưng tròng. Khi họ chỉ vào một cái gò và nói, đó là mồ mả của ông bà và cha mẹ của anh. Anh ấy bật khóc thê lương, không kềm chế được. Thấy thế, những người đi chung bèn cười vang và nói, chúng tôi nói đùa với anh vậy thôi. Ở đây vẫn còn là địa phận của nước Tấn, chưa tới nước Yên đâu. Nghe thế anh ấy cảm thấy hết sức thẹn thùng. Khi đến nước Yên thật, nhìn thấy thành, nơi thờ thần xã, nhà cửa, mồ mả của ông bà cha mẹ thật, tâm hồn của anh đã trở nên nguội lạnh hẳn rồi, không còn cảm xúc như trước nữa.

Ô hô ! Ai tai !
TÌNH NGƯỜI giờ đã khép kín, nguội lạnh rồi !

Vì đâu nên nỗi !

Hãy nhìn. Có thấy không?
Chữ Văn trong tiếng Việt mới không còn hình ảnh thiêng liêng của NGƯỜI nữa.
Chữ Văn Minh của tiếng Việt mới đã mất rồi nghĩa TÌNH THÂM.
Đồng tiền mới không còn thấy được hình ảnh VUÔNG TRÒN.
Bàn thờ Tổ Tiên mới giờ cũng quên rồi hồn thiêng NON NƯỚC...

NGƯỜI ƠI !

Những NGƯỜI muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?
(Vũ Đình Liên)

Nhớ có lần đến một ngôi chùa Việt Nam trên một vùng núi đồi ở Tiểu Bang California, mình được một Ni Cô tặng cho bức hình của Đức Quan Thế Âm cỡi Rồng. Linh Ảnh Quán Thế Âm Cỡi Rồng thật sống động và linh diệu tuyệt vời. Hồn Thiêng Sông Núi Tiên Rồng là đây rồi. Mình như bất chợt thể nhập vào cảnh giới u linh của Huyền Sử Tiên Rồng. Hồn thiêng sông núi dường như vẫn còn hiển linh phảng phất đâu đây.
Quán Thế Âm là Hiện Thân của Tình Thương Yêu Thiêng Liêng, là Mẹ Tiên ngàn đời của Hồn Sử Việt. Mẹ đã trở về với Ngọc Tịnh Bình và nhành Dương Liểu trên tay. Giếng Ngọc Mỵ Châu đã chuyển hóa thành Ngọc Tịnh Bình. Lòng ăn năn sám hối của hồn Trọng Thủy đã biến nước giếng thành Cam lồ cải tử hoàn sanh. Rồng, hiện thân của Lý, giờ bao trùm cả Khoa học Kỹ thuật. Cha LÝ đang chở Mẹ TÌNH bay khắp quê hương rảy nước Cam lồ làm bừng nở TÌNH NGƯỜI, NGHĨA SỐNG chăng? Linh Ảnh sáng ngời hiển hiện ước mơ hàm dưỡng ngàn năm. Linh Ảnh dự báo mùa Xuân ấm áp trở về mà củ Thủy Tiên đợi chờ đang nằm mơ trong lòng đất lạnh.

HÀM DƯỠNG NHÂN LUÂN MINH TUẤN ĐỨC
HOẰNG KHAI KHOA HỌC TÁC TÂN DÂN

Chợt thấy lòng mình cảm xúc rưng rưng, thương nhớ vô bờ.

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai.....”
                                                            ( Quang Dũng).