24/02/2014

"Ăn ong" miệt vườn


 Huỳnh Nguyên Khang

Khi trời bắt đầu mưa và suốt trong mùa mưa, ong ruồi sống trong những vườn dừa cho mật rất ít. Rồi, ong ruồi lại trỗi dậy, xung động khi trời bắt đầu có gió chướng.


            Nghề bất đắc dĩ
            Anh Nguyễn Văn Vui (Sáu Vui) là bộ đội phục viên. Năm 1985, khi trở lại quê nhà tại xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, Sáu Vui sống với 3 công đất vườn dừa, nuôi vợ con. Đời sống lúc này quá khó khăn nên Sáu Vui lao vào một công việc mới là đi bắt ong ruồi, lấy mật mà người trong nghề gọi là đi “ăn ong”.
Trước đây, hàng ngày, với chiếc xe đạp, Sáu Vui đạp xe đi và về hàng chục cây số đến những vườn dừa xa trong tỉnh như ở cồn Ốc (xã Hưng Phong, Giồng Trôm) để ăn ong. Bây giờ, Sáu Vui đã 55 tuổi rồi, anh trụ lại, chỉ đi ăn ong quanh quẩn nơi những vườn dừa Mỹ Thạnh An…Sáu Vui hề hà: “Tất nhiên rồi, người đi ăn ong phải là dân leo dừa chuyên nghiệp. Ăn cơm dưới đất, làm việc…trên trời mà…”. Tôi gợi chuyện: “Thấy mấy anh đi ăn ong cật lực, vất vả và hiểm nguy quá nhưng thu nhập có khá không?” Sáu Vui căng căng chiếc nài leo dừa nói: “ Thông thường, mỗi ngày đi về, vắt ra hết được chừng một lít mật, còn hôm nào trúng mánh, cỡ hai lít mật. Một lít mật giá trị tương ứng với 5-6 ngày đi làm công nếu tính ra thành tiền – Sáu Vui tiếp lời – Chiếc nài leo dừa này quan trọng lắm nghen. Nài phải do tụi tôi thắt bằng tàu chuối xiêm trong vườn nhà, chừng nửa tháng, thay cái mới”. “Tại sao phải tàu chuối xiêm?”- tôi hỏi. Sáu Vui cho biết trong vườn có nhiều loại chuối nhưng tàu chuối xiêm mới là loại có độ dai nhất. Cái nài, leo dừa để ăn ong, đang leo bỗng dây chuối bứt ra, có nước là…phi thân (té xuống đất). Trông dáng vẻ Sáu Vui huỡn so, anh vừa lắc lắc đùi vừa nói:” Ở ngoài nghề thấy vậy chứ trong nghề như tụi tôi thì những cái phải đối mặt khi leo dừa có nhằm nhè gì. Ví như vừa leo đến ngọn dừa thì gặp rắn, bình tĩnh, rung rung tàu dừa là chúng thoát đi nhưng nếu gặp ong vò vẽ trên đó, thua, mau mau tuột xuống liền. Ong vò vẽ đánh là không kịp biến…”. Quả vậy, người đi ăn ong là những nông dân dày dạn, năng động, mạnh bóng vía.

Sáu Vui tìm ổ ong ruồi

            Hướng theo chiều gió…
            Nắng đã lên nhiều, Sáu Vui soạt chiếc nài leo dừa vào vai, một tay xách chiếc sàng, tay cầm chiếc dao bén ngót. Sáu Vui đưa chiếc dao, rạch nhanh một đường trong gió, nói: “Dao đi “hái” tổ ong bằng thép của ba lô Mỹ ( thép hình chữ X, cặp phía sau lưng ba lô để chịu đựng sức mang). Dao do tôi đi trui ở lò rèn. Dao bằng thép của ba lô Mỹ mỏng tanh, nhẹ nhưng bén ngót, khỏi chỗ chê.
Sáu Vui và tôi luồn sâu vào vườn dừa, hướng tới bờ mương um tùm dừa nước. Sáu Vui đi như chạy. Tôi hỏi Sáu Vui: “Vườn tược rậm rạp, mênh mông như thế này, biết ong đóng tổ ở đâu mà tìm?”. Chỉ tay vào một gốc dừa nước đang trổ bông bên mương vườn, Sáu Vui nói: “Cứ ngồi rình và khi thấy ong bay đến hút mật, lấy phấn hoa ở bông dừa nước, mình phải định hướng ngay”. “Định hướng theo hướng nào, để làm gì?”- tôi thắc mắc. Sáu Vui giải thích: “Con ong rất thính nhạy với gió. Khi ong bay đến bông dừa thường bay ngược gió nhưng đặc biệt là khi ong hút mật, lấy phấn hoa rồi thì chúng luôn luôn bay về theo hướng gió xuôi. Theo hướng đó, tổ ong đóng cách chúng hút mật chừng vài chục mét. Như chiếc xuồng, khi chở nhiều đồ, chèo theo nước xuôi, khỏe hơn nhiều. Con ong cũng nhạy như vậy…” – Sáu Vui cười. Sáu Vui đã bỏ hút thuốc lá nhưng khi đi ăn ong buộc anh phải có gói thuốc. Đến gần một tổ ong ruồi, Sáu Vui bật quẹt, đốt thuốc rồi phà vào tổ dăm ba hơi là đám ong nằm êm như người say rượu. Sáu Vui khẳng định:”Ăn nay, dành mai. Bắt ong ruồi không hủy diệt nền tảng sống của loài ong – anh giải thích – Khi nghe động dậy, ong chúa đã vọt khỏi tổ, bay đi trước tiên rồi. Ong chúa bay đến đâu, đậu ở đâu, đàn ong thợ, ong con sẽ tiếp tục bay theo đến đó rồi “gầy sòng” làm tổ mới. Không lâu sau, Sáu Vui tiếp tục hướng đến tổ ong mới và rồi sẽ…phà khói. Tổ ong ruồi cho mật sung nhất là khi ong đóng, có tàn chừng 15 ngày trở lại.


Lấy ong ruồi ở tàu dừa

            “Vậy thì, mình nên tìm bắt con ong chúa đem về gần nhà cho chúng bu lại làm tổ, đi xa chi trong vườn rậm cho cực thân?”- tôi nghĩ. Sáu Vui khoát khoát tay:”Tôi làm rồi nhưng không được đâu. Ong chúa của ong ruồi khác với ong chúa của ong mật ở chỗ nầy. Có lẽ, ong ruồi chỉ thích nghi ngoài thiên nhiên…” Bỗng Sáu Vui ghé vào tai tôi, nói nhỏ: “Ông có biết khi con ong…giao hợp gọi là gì hôn?” Tôi lắc đầu. Sáu Vui nheo mắt:” Dân trong nghề gọi là…xổ nực. Chuyện đó thường xảy ra trong đêm. Khi đó, ong chúa bay lên cao khỏi tổ và làm “chuyện đó” trên không trung”. Lại hỏi : “Anh Sáu có biết ong chúa là ong đực hay ong cái?”. Đáp:” Biết…chết liền. Tôi không phải là nhà khoa học. Chỉ biết có điều, sau khi chúng xổ nực, hiện ra sau đó có con gọi là mũ tướng. Con mũ tướng cũng có khả năng tạo lập ra một tổ ong ruồi mới. Nghĩa là con mũ tướng ở đâu, đám ong thợ, ong con đều bu đến làm tổ, quyền uy y hệt như ong chúa.
Vàng, thau lẫn lộn
         Ong ruồi sống, hút mật, lấy phấn hoa quanh quẩn trong những vườn dừa, nhất là từ bông dừa nước nên mật rất tinh khiết, người ta thường dùng làm thuốc, rất hữu hiệu. Ong mật, con lớn hơn gấp ba ong ruồi, sống tràn lan ngoài đồng, vùng trống, vườn cây tại vùng ven biển. Ong mật, hút mật từ bông tràm, sặc, sậy, tạp nham, kể cả hút nước đường (ong mật nuôi) nên không tinh khiết, đúng chuẩn như ong ruồi. Mật ong mật thường ngọt gắt, có vẻ hăng hăng, không nhẹ nhàng, thanh tao như mật ong ruồi. Ong ruồi thường làm tổ đóng quanh kèo dừa hoặc trên tàu dừa. Ong ruồi đóng tổ ở phần trên sóng tàu dừa ít mật hơn ong đóng tổ phía dưới tàu dừa. Vào mùa khô ráo, gió chướng thổi hanh thông (từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch) là mùa của ong ruồi, thời điểm này ong ruồi cho mật tốt nhất. Qua tháng 3, trời nắng nóng, gió nhiều nên ong rút xuống thấp, sống trên bụi lùm dưới những tán dừa. Rồi mùa mưa đến, ong ruồi càng thu mình.      

Tôi than:” Bây giờ mua mật ong thường bị lầm. Ai cũng nói: ong ruồi, ong ruồi và sẳn sàng trưng ra tàn ong đóng kèo dừa, tàn ong đóng tàu dừa. Cả kèo dừa và một khúc tàu dừa còn xanh tươi…”. Sáu Vui tặc lưỡi: “Lầm chết. Người đi ăn ong ruồi đó là ong ruồi thật nhưng khi về nhà họ pha thêm nước đường với mạch nha rồi bơm vào, cũng ngọt ngay, khó biết lắm! Chỉ điều này là chắc chắn đó là ong ruồi thật: ong ruồi bỏ vào tủ lạnh bao giờ nó cũng sền sệt chứ không đông cứng như các loại mật ong khác”.

Tiếp thị mật ong ruồi.

23/02/2014

“Robinson” ở cồn Ông Lễ

            Sáu Quang

Tác động biến đổi khí hậu không loại trừ quốc gia nào. Rồi đây, hậu quả của nó sẽ còn lớn hơn và nặng nề hơn mà con người khó có thể lường trước được. Vì vây, khôi phục, phát triển và bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống rừng ngập mặn ven biển vùng ĐBSCL đang là trách nhiệm của cả cộng đồng. 

Khu rừng chết ven biển Thạnh Hải (Thạnh Phú)

1. Sau bão Linda tháng 12 năm 1997, một hiện tượng biến động môi trường bất thường bắt đầu xảy ra ở đai rừng ven biển xã Thạnh Hải. Tại đây, nhất là vào mùa gió chướng gần Tết, cát theo dòng triều cứ tràn lấn vào những vạt đước xanh tươi chắn dọc bờ biển. Cát tiến đến đâu thì rừng đước lùi dần đến đó. Theo ông Phạm Văn Trường, Trưởng phòng tổ chức và quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ tỉnh Bến Tre, sau khoảng 10 năm hiện tượng này xảy ra, đã có 128 hecta rừng đước tại đây bị xóa sổ! Để ngăn chặn tình trạng cát lấn – cát tràn, đây là việc vượt khỏi tầm tay của một ban quản lý rừng cấp tỉnh.
Rừng ngập mặn tại ven biển Bến Tre và đồng bằng sông Cửu Long nói chung suy giảm nghiêm trọng chủ yếu là do tác nhân từ con người. Như tại cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre chẳng hạn. Cách đây khoảng 15 năm, quần thể động thực vật ở khu vực cồn Bửng vô cùng phong phú với hàng trăm loài, chiếm ưu thế là cây bần. Khi phong trào nuôi tôm bắt đầu xuất hiện cũng là lúc quần thể sinh vật ở đây dần bị tiêu diệt. Không biết bao nhiêu cây bần đã bị đốn đi nhường chỗ cho các ao tôm, kéo theo đó là sự biến mất của rất nhiều loài động, thực vật khác. Mất đi cây bần, có nghĩa là mất đi nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, mất đi những vi sinh vật trong tự nhiên giúp tôm kháng bệnh. Từ đó, nghề nuôi tôm lâm vào cảnh khốn đốn. Sau một vài vụ nuôi tôm có thu nhập khá cao, những ao, hồ nuôi tôm sau đó bắt đầu bỏ hoang, môi trường sinh thái bị hủy hoại.
Bến Tre được dự báo là khu vực chịu tác động nặng nề nhất trong cả nước do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, rừng ngập mặn đóng vai trò to lớn, giúp con người chống chọi với vấn nạn này.

            2 . Anh chàng “Robinson” Lê Văn Nhánh (Tám Nhánh) hiện đang trấn giữ rừng ở cồn Ông Lễ (xã An Điền), nơi vùng đất heo hút nhất của huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nằm sát bên bờ biển Đông. Công việc nhọc nhằn, đơn độc của người giữ rừng không phải là mối bận tâm của anh chàng “Robinson” này. Vấn đề là làm thế nào để tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, vượt lên mọi thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ  trong khi “Robinson” này chỉ còn một chân.
            Anh Nhánh mời chúng tôi vào ngôi nhà lá, ngôi nhà mà anh được phép cất tạm trong đất rừng để làm chốt giữ rừng ngay sát khém Bần. Giọng anh thật hồn hậu :”Tôi: Lê Văn Nhánh, sinh năm 1955, trước năm 1980 là lính của Tiểu đoàn Hậu cần, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Năm 1980, lúc trên chiến trường K, tôi đạp mìn, phải cưa mất chân phải và trở thành thương binh loại 3/4 ...”.
            Khi xuất ngũ, anh Lê Văn Nhánh trở lại quê nhà ở vàm Biện Lễ, xã An Thạnh, Thạnh Phú sống cảnh nghèo rớt mồng tơi với đàn con nheo nhóc bốn đứa. Anh thở dài: “Sống giữa vùng sâu, bốn bề sông nước nhưng tôi chỉ còn lại…một chân, đó là mặt hạn chế lớn ở tôi trong cuộc mưu sinh để nuôi bản thân và vợ con!”. Thời gian này, trên bờ làm ruộng không sống nổi nên anh chuyển qua sống nghề hạ bạc trên sông nước như đi rập cua, hứng cua, chài lưới bắt cá…; đi vá lưới mướn, vào rừng kiếm củi…Giọng anh thương binh se lại: “Cái vất vả của nghề bạc là chuyện đương nhiên. Có điều, đi mò cua bắt ốc giữa sông nước mênh mông mà mình chỉ có… một chân thì làm sao bằng người ta. Thú thật, nhiều lúc một mình chèo xuồng trên con sông vắng nào đó, nhớ đến cuộc sống của gia đình sao quá trời khó khăn và rồi khi tôi nhìn xuống chân mình, những lúc đó ở tôi vẫn mơn man trong ý định thà chết đi cho rồi còn hơn…Song khi nghĩ đến đàn con, tôi lại lấy hết bình sinh, tiếp tục chèo chống con xuồng và cố đưa nó vượt qua mọi sóng gió…”
 Nhờ vào tính chịu thương chịu khó và nhất là cái thần… nặng bóng vía ở Tám Nhánh nên năm 1987, anh được nhận vào làm ở Tổ bảo vệ và gia cố Đập đá hàn tại Vàm Rỗng. Sau đó, anh được chuyển sang Đội giữ rừng tại Nông trường do Tỉnh đội Bến Tre quản lý. Năm 1997, anh là lính giữ rừng của Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre cho đến nay.

Anh thương binh Lê Văn Nhánh


3. Cơn bão Linda tàn phá nặng nề đất và rừng ven biển Thạnh Phú. Sau bão thế kỷ, Tám Nhánh đến nhận công tác ở cồn Ông Lễ với nhiệm vụ trồng rừng, giữ rừng. Những cây dương (phi lao) ngày ấy do anh trồng nay đã cao ngất nghỉu, trở thành khoảng rừng dương phòng hộ rộng 4,8 ha. Tám Nhánh cho biết: “Hiện tôi là Tiểu khu trưởng Tiểu khu 13. Tiểu khu 13 có trên 60 ha rừng bần, 4,8 ha rừng dương. Tổ giữ rừng gồm 3 người trong đó có tôi. Ba anh em chúng tôi chia nhau mỗi người canh giữ một khu vực rừng. Ngoài trồng rừng dương, hàng ngày Tám Nhánh và người con trai của anh đi nhặt trái đước trôi tấp vào bờ mang về trồng nơi bãi bồi. Cây đước gặp đất phù sa, đâm rễ phát triển nhanh và bãi bồi cồn Ông Lễ trước đây bị sóng biển xói mòn, nay lấn dần ra.
            Tám Nhánh chỉ tay qua phía bên kia khém Bần: “Rừng đã hồi sinh”. Những thãm rừng bần phát triển xanh thẳm như vậy, từ đây (An Điền) đã kéo dài đến cửa sông Hàm Luông, bao lấy bờ biển hai xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, dài xa hơn 25 km. Còn bên trong rừng bần là rừng dương, đước, mắm…, tất cả tạo thành một lá chắn xanh vững vàng bên bờ biển Đông.
            Đêm trên cồn Ông Lễ, gió từ ngoài biển phần phật kéo vào rồi như muốn hất tung ngôi nhà lá giữ rừng của Tám Nhánh lên không trung. Trong nhà, bên ánh đèn dầu liên hồi nhảy múa, chúng tôi hỏi Tám Nhánh về tiền thù lao cho người giữ rừng. Tám Nhánh trầm ngâm chút: “50.000 đồng/ha/năm. Tổ gồm 3 anh em chúng tôi giữ 66 ha, chia ra mỗi người được khoảng 1,1 triệu đồng/năm. Mùa nắng ở đây rất hiếm nước ngọt. Để cải thiện cuộc sống, tôi nuôi đàn gà, trồng ít hoa màu ngắn ngày trên đất trống của rừng vào mùa mưa; có nước (thủy triều lớn, ròng), tôi tranh thủ đi hứng cua, rập cua. Đạm bạc lắm thôi. Tuy nhiên, tôi cũng tạm sống được vì hiện các con tôi đã trưởng thành, hàng tháng tôi có thêm tiền thương binh …”.
            Tám Nhánh vội mang vào chiếc chân giả, tay vớ lấy chiếc đèn pin và tấm vải ny long che mưa. Anh đi tuần tra rừng trong đêm theo mật định riêng của tổ giữ rừng. Khuya khuya anh mới về.

Chuyên gia môi trường đến thăm rừng ngập mặn tại xã An Điền

Mưa bắt đầu nặng hạt trên những vạt bần, hàng dương. Xa xa có tiếng sấm chốp rền trời. Rừng đêm bây giờ mới thật lạnh lẽo. Lạnh lẽo vậy mà với chiếc chân giả, có đêm Tám Nhánh lội bộ hàng mấy cây số để canh giữ rừng…
            Năm 1997, khi chàng “Robinson” này đến khém Bần trồng rừng, cả khu vực rộng ở đây còn rất hoang sơ, gần như không có bóng người. Theo năm tháng, rừng kia lớn lên, rừng ngày càng nở rộng thêm ra. Qua vận động của Tám Nhánh, với ý thức về tầm quan trọng của rừng, những người dân đến sau đó họ cũng lần lượt là những “chiến sĩ giữ rừng” như anh. Tám Nhánh ngoài làm Tiểu khu trưởng Tiểu khu 13, anh còn là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản 22 của xã An Điền. Điều thật đáng trân trọng đối với anh là thời gian qua anh đã vận động, xốc tay vào việc xây nên một lớp học tình thương cho các em cháu ở cồn Ông Lễ-nơi mà người dân phải sống trên một địa bàn thật heo hút và hết sức trắc trở-lớp học này lúc “sung nhất” lên đến 16 em. Tám Nhánh nhớ lại, thì thầm: “Chưa có điện thì mình xài…đèn dầu, chẳng sao cả. Chớ còn như để các cháu mù chữ…!”
            Lúc tiễn tôi về thành phố Bến Tre, những người giữ rừng chốc chốc lại ca bài:“Cuộc đời vẫn đẹp sao…, tình yêu vẫn đẹp sao…, dù cho thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích…”. Họ cùng ca, rất lạc quan, nhưng hát với cây đàn ghi ta đã bị đứt hai dây vậy mà cũng chưa mua được dây đàn mới để thay. Còn trống nhạc? Tám Nhánh chơi bằng…thau nhựa. Tám Nhánh cười gượng: “Cây nhà lá vườn thôi…Lính giữ rừng chúng tôi còn phải chịu cảnh thiếu thốn đủ thứ các anh à…”

Rừng đước trong khu bảo tồn phát triển tươi tốt.



 Trước những năm 1995, rừng phòng hộ ven biển Thạnh Phú bị tàn phá gần như khánh kiệt. Người ta phá rừng để làm vuông tôm và để sống. Xác định được tầm quan trọng của rừng, Bến Tre đã xây dựng các dự án bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như: Dự án rừng phòng hộ ven biển với diện tích 5.351 hecta tại huyện Ba Tri, Bình Đại và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú với diện tích 2.584 hecta. Khu Bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú nằm cuối nguồn hệ thống sông Cửu Long, giáp cửa sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Theo năm tháng được gìn giữ, phát triển Khu Bảo tồn này hiện được đánh giá rất phong phú và đa dạng sinh học nhất tại ĐBSCL.  

19/02/2014

                                                
             Ánh đèn khuya
Hồi ký: Nguyễn An Cư



            Những năm ấy, tôi học thi tú tài nên thường phải thức đến một hai giờ sáng(*). Đó cũng là chuyện bình thường của học sinh thời trước giải phóng trong những năm thi cử quyết liệt. Nghe nói có bạn còn thức khuya hơn. Cả tú tài 1 (**) và tú tài 2 (***) đều thi mười môn, với một chồng sách cao nghệu! Cái tỉ lệ tốt nghịêp khắc nghiệt chỉ trên dưới ba mươi phần trăm, ai học lơ mơ, thi rớt là cái chắc! Nhất là con trai thời đó, hễ thi rớt tú tài là phải đi lính cho chế độ cũ và cầm chắc cái chết trước mắt nên chúng tôi phải học “quyết tử” như thế! Do đó, ba lần vượt vũ môn: tú tài 1, tú tài 2, thi tuyển vào ngành nghề của những chàng trai là nỗi lo lớn cho cả gia đình!
            Tôi ở thôn quê, khác hẳn thị thành. Mới chín mười giờ tối, bốn bề đã vắng lặng rồi. Thức đến một hai giờ khuya là khuya lắm!
            Nhiều đêm mệt mỏi, nhìn quanh quẩn trong nhà, mọi người đều ngủ cả. Tiếng thở của những người thân vang lên đều đều giữa khuya tĩnh mịch, tôi không làm sao cưỡng nổi cơn buồn ngủ của mình và cũng đành xếp tập đi ngủ!
            Cha mẹ tôi lấy làm lo lắm. Nhắc nhở, động viên mãi cũng không xong!
            Rồi một đêm, tôi thấy cha tôi chong đèn dầu ghi ghi chép chép ở phòng bên đến khuya.
Một đêm, hai đêm rồi liên tiếp những đêm sau…
            Cha tôi là một nhà nho cuối mùa, biết chút đỉnh tiếng Pháp. Tính tình ông trầm lặng, kín đáo nên tôi cũng không biết cha định làm gì. Dần dần, tôi theo dõi mới biết cha học lại Pháp văn.
            Từ đó, mỗi đêm cha tôi thức khuya hơn. Nỗi thắc mắc của tôi cũng lớn dần: “Không hiểu cha đã già rồi còn học lại Pháp văn để thi cử gì cho mệt vậy?”.
            Đêm nầy qua đêm khác, tôi vẫn tiếp tục thức khuya để học bài. Mỗi lần buồn ngủ, tôi lại nhìn sang phòng bên. Hễ thấy phòng bên ánh đèn còn thắp sáng là tôi phải cố gắng học nữa. Tôi không dám ngủ sớm, lý do duy nhất là sợ cha tôi rầy!
            Một đêm mưa, gà đã gáy vang khắp xóm. Tôi liếc sang phòng cha tôi, ngọn đèn vẫn sáng choang; một bóng người ngồi gục đầu trên hai tay chống xuống bàn một cách khổ sở. Tôi rất đỗi ngạc nhiên: không phải cha mà là mẹ tôi!
            Tôi bước sang, gạn hỏi, mẹ tôi mới trả lời:
- Hôm nay cha con làm việc nhiều, mệt quá phải đi ngủ sớm! Cha bảo mẹ phải thức thay để có bạn cùng con. Mẹ không quen, nãy giờ đã ngủ gục!
Tôi chợt hiểu tất cả. Tôi thương cha quá! Tôi cũng thương mẹ quá! Cha tôi nào có ý định thi cử gì nữa đâu. Cha chỉ thức cho có bạn cùng tôi, để tôi được vui mà thức khuya hơn. Chỉ đơn giản thế thôi mà thâm thúy và cảm động vô cùng!
Mẹ tôi còn nói: cha con định xem lại Pháp văn để kèm thêm cho con. Tội nghiệp, người bỏ quá lâu nên nghiên cứu mãi vẫn chưa dạy được.
Tôi nhủ thầm: “Ôi! Cha đã thức khuya vì tôi và học lại cũng vì tôi. Mẹ đã ngủ gục một cách khốn khổ cũng vì tôi! Cả gia đình đã lo lắng, dành mọi ưu tiên cho tôi mà từ lâu tôi nào có hay! Thảo nào, quần áo của tôi, mẹ cũng giặt lấy. Thảo nào, công việc lặt vặt trong nhà các em trai tôi đều đảm đương tất cả. Còn chị tôi và các em gái thì luôn để dành những thức ăn ngon và bổ dưỡng cho tôi…”
Từ đấy, tôi quyết tâm học tập. Đêm đêm, hai ngọn đèn dầu đua nhau thắp sáng. Bên nầy là tôi, hết lép nhép học bài thì cọc cạch làm toán trên bảng. Bên kia, đêm thì cha, đêm thì mẹ hoặc các em tôi giả bộ làm một chuyện gì như gấp lắm cho kịp sáng hôm sau. Hễ thấy tôi buồn ngủ, mẹ hoặc các em gái đánh thức tôi bằng những tách cà phê thơm ngạt ngào. Tôi thấy ấm lòng và không còn cô đơn giữa những đêm dài vắng vẻ…
Năm ấy, tôi đỗ tú tài 1 rồi năm sau đỗ tú tài 2 khá cao trong sự hân hoan của cả gia đình!   
Hơn hai mươi năm qua, cha mẹ tôi đều qua đời cả. Anh chị em tôi đều lập gia đình tứ tán. Tất cả đều đạt được ước vọng khiêm nhường của cha mẹ tôi ngày trước: có nghề nghiệp ổn định đủ để nuôi thân và góp phần cho xã hội.
Tuy rằng, bây giờ anh chị em tôi vẫn thương yêu và đùm bọc lẫn nhau như ngày nào; nhưng mỗi lần nhớ về tuổi thơ, tôi vẫn nuối tiếc về một mái ấm gia đình xa xưa, còn đủ cha mẹ, có đủ anh chị em, biết thương yêu, chăm sóc cho nhau từng chút!
Giờ vì yêu cầu công tác, thỉnh thoảng tôi phải học thêm lên. Tuổi cao, công việc bề bộn, trí nhớ kém dần, việc học thêm thật là khó khăn. Đôi lúc tôi muốn bỏ cuộc! Nhưng, mỗi lần nhìn ánh đèn dầu leo lét trên bàn thờ cha mẹ, tôi lại nhớ ánh đèn khuya của hai mươi năm về trước rồi cố gắng vươn lên.
Đêm nay, tách cà phê sao quá đắng mà khói lại cay cay…
                                                                                                        7/11/1998
PC: (*) : Trước giải phóng, ở miền Nam thời gian được tính sớm hơn bây giờ một tiếng đồng hồ. Một giờ sáng tức chỉ mới 12 giờ khuya bây giờ. Công sở vào làm việc lúc 8 giờ, tức 7 giờ bây giờ.

       (**) : Hết lớp 11    (***) : hết lớp 12.

16/02/2014

Bạch Mai cổ thụ tại Bến Tre là cây di sản Việt Nam

Bông Bạch Mai
           
            Lê Thị Thặng
            Ngày 13/2, UBND TP Bến Tre long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Bạch Mai cổ thụ tại đình Phú Tự (xã Phú Hưng, TP Bến Tre) là cây di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vinh danh.PGS – TS Phùng Chí Sỹ, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Đạt, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Bến Tre, Trưởng ban Kiểm tra, ông Trương Duy Hải, Ủy viên BTV Tỉnh ủy Bến Tre, Bí thư TP Bến Tre, ông Trần Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre …và đông đảo nhân dân, các văn nghệ sĩ đến dự.

Bạch Mai cổ thụ tại sân đình Phú Tự




            Theo các bậc cao niên sống gần đình Phú Tự, Bạch Mai cổ thụ có tuổi thọ trên 300 tuổi, lúc trồng, địa phận tỉnh Bến Tre còn hoang vu nhưng Bạch Mai được trồng trên gò đất cao. Cội mai nguyên thủy đã lụn, sau đó tại cội mai nhảy ra 9 thân, phát triển tươi tốt đến nay. Chiều cao của thân mai lớn nhất hiện khoảng 10 mét. Bạch mai còn gọi là Bạch Khê hay Mai Khê. Đây là loài mai có lá giống cây mù u nhưng nhỏ hơn, thân sù sì, bông trắng tinh giống như loài sứ trắng, bông nở vào dịp Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng, âm lịch), bông có 4 cánh dày, nhụy vàng, mùi thơm ngào ngạt. Đặc biệt, theo dân gian, giống mai này đem trồng nơi khác rất khó sống. Theo quan sát của chúng tôi, giống Bạch Mai tại đình Phú Tự đem về trồng sống có cây Bạch Mai trước sân nhà của cô Phạm Thị Hạnh (phường 1, TP Bến Tre). Theo người nhà của cô Hạnh cho biết Bạch Mai đem về trồng vào năm 1983, thân cây cao 10 cm và chỉ với 3 lá nhỏ và Bạch Mai phát triển đến bây giờ…Bạch Mai cổ thụ tại đình Phú Tự là nơi thành kính của nhân dân trong vùng, nơi có đặt Văn bia Bạch Mai Bi Ký (Người đi mở đất phương Nam)của Bạch Mai Thi Hội thuộc Hội Văn học, Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu – Bến  Tre, là nơi diễn ra Ngày Thơ Việt Nam tại tỉnh nhà và các cuộc giao lưu, thi thơ của văn nghệ sĩ.

Cây bạch mai trước sân nhà cô Phạm Thị Hạnh.


Hiện nay, trên đất Nam bộ chỉ còn 3 cây Bạch Mai có tuổi cao nhất đó là Bạch Mai cổ thụ tại đình Phú Tự (Bến Tre), cây Bạch Mai tại chùa Viên Giác (Chợ Lớn – TPHCM), cây Bạch Mai tại lăng Mạc Cửu (Hà Tiên, Kiên Giang). Tổng số cây di sản tại Việt Nam tính đến nay là 514 cây.

10/02/2014

            
                   Lối xưa xe ngựa

Sáu Quang

Những người đã thấy, đã nghe tiếng gót chân ngựa lốc thốc và đã đi trên xe ngựa nay tuổi ngoài 80. Tiếng ngựa thồ nơi ngoại ô xa vắng, nay chỉ còn trong ký ức một thời đã qua.

            Vang bóng một thời
 Ông Bùi Văn Quế, nay 85 tuổi, ngụ tại phường 4, thành phố Bến Tre, nhớ lại: “Khoảng năm 1935, hình ảnh gieo nặng vào ký ức tuổi thơ tôi là gần khu nhà lồng chợ Bến Tre do Pháp xây dựng có bến Tắm Ngựa. Muốn đến bến Tắm Ngựa, các xe ngựa thồ chở hàng nông thủy sản, xe thổ mộ chở khách lốc thốc đến ngã ba chùa Viên Minh rồi rẽ vào đường Pagode (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 2, TP Bến Tre hiện nay), xuống hướng mé sông Bến Tre. Những chiếc xe ngựa này từ các quận tựu về làng An Hội (tỉnh lỵ Bến Tre), đây là chỗ dành cho các chú ngựa tắm mát, ăn cỏ, xả hơi rồi quay về chốn cũ. Nhưng xe ngựa chỉ di chuyển đường dài từ các quận liền đất với tỉnh lỵ Bến Tre như Sóc Sãi (Hàm Long), Giồng Trôm, Ba Tri vì không cách trở bởi qua phà. Ít thấy có xe ngựa…qua phà vì lúc này phà là phà kéo, phà đẩy, rất thô sơ, lâu lắc”.
Theo hướng này, phía bên phải là chợ cá, bên trái là bến Lở. Dọc bờ sông  đoạn này, có một nghề mà nay không còn thấy nữa, đó là nghề nhuộm đồ. Thời này, hầu hết dân lao động mặc vải ta, để duy trì cho vải được mặc lâu và mới, người ta đem nhuộm lại với các màu tối như màu nâu, màu đen, màu xanh dương.
Ông Bùi Văn Quế tiếp lời: “Trước năm 1935, xe ngựa có đều khắp tại các quận trên đất cù lao Bến Tre nhưng xuất hiện đầu tiên, theo ba tôi kể, đó là xe ngựa Giồng Luông (nay là xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú), nơi có ngôi nhà cổ Huỳnh Phủ của cụ Hương Liêm. Ngôi nhà cổ này ngót thế kỷ đã chứng kiến sáng sáng, trưa trưa xe ngựa hí hoáy lướt qua trên con đường cát giồng phía trước. Những chiếc xe ngựa chở khách bộ hiền, chở hàng nông thủy sản từ làng này qua làng kia hay lên chợ quận”.
Ở vùng ven tỉnh lỵ Bến Tre có chợ Giữa, nơi tề tựu xe ngựa chở khách nhiều nhất tại thành. Theo năm tháng, những con ngựa kia già cỗi rồi người ta xẻ thịt bán. Bến Tắm Ngựa ngày nào cũng không còn. Còn chăng trong ký ức là hình ảnh mỗi dịp xuân về, tết đến, xe ngựa lốc thốc với tòng teng phía sau xe là vài giỏ bông vạn thọ hay vài con vịt treo lủng lẳng, trút đầu xuống đường làng, cất tiếng kêu cạp, cạp. Đánh hơi có xe ngựa sắp về, đám trẻ túa ra hai bên đường đón má. Vừa xuống xe ngựa, má liền cho các con…mấy ổ bánh mì lò than buộc bên ngoài lá chuối khô và dây lác. Bà má nói nhanh: “Chia nhau ăn…”. Và mấy trẻ nhảy lên tưng tửng, reo vang: ” Má dìa, má dìa (vìa)…”.

Xe ngựa từ Mỏ Cày đi Bến Tre trước năm 1930

Một chút để nhớ…
Nhiều năm qua, xe ngựa được đưa vào các tour phục vụ khách du lịch. Tại Bến Tre, có điểm du lịch Cồn Phụng và Quới Sơn ( Châu Thành) đưa khách tham quan bằng phương tiện của một thời này.Thường thì các điểm du lịch sinh thái trên đưa khách đi thuyền trên sông Tiền êm đềm rồi khách lên Cồn Phụng hay cồn Thới Sơn (Tiền Giang) uống mật ong, nghe đờn ca tài tử, sau đó, khách xuống xuồng chèo đi trên các con rạch nước đậm màu phù sa, dừa nước xanh um như che kín lối ra. Tiếp theo là đi xe ngựa. Có lẽ du khách thích đi xe ngựa chỉ vì…thấy lạ, muốn cuộc sống tuôn trào bớt trôi nhanh.
Tại bãi xe ngựa đưa du khách đến Quới Sơn, cứ bốn người lên một xe ngựa không mui. Ngựa lốc thốc, người lắc lư chừng 2 km là đến điểm du lịch vườn Mười Hải. Trước khi rời xe ngựa, tôi hỏi anh giữ dây cương: “Chạy một chuyến, anh được hưởng bao nhiêu tiền?”. Gạt dòng mô hôi trên trán: “25.000 đồng. Ngày chạy ba, bốn chuyến”.
Tại điểm du lịch Cồn Phụng, đi xe ngựa là thời điểm sắp chấm dứt tour, diễn ra chỉ khoảng 15 phút. Tôi hỏi anh nắm cương ngựa cho tour du lịch Cồn Phụng: “Chỗ bãi xe ngựa anh đang làm có chừng bao nhiêu chiếc?”. Đáp: “Trên 30…” Lại hỏi: “Mỗi chuyến anh được hưởng bao nhiêu tiền?”. Đáp: “ 25.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày, xoay vòng, chạy 4-5 chuyến…”. Thật ra, ngựa bây giờ không còn nhiều nhưng nhờ các điểm du lịch trên, nó giúp ngựa có con đường sống. Ngoài ra, người ta không thể nuôi ngựa để đơn thuần dùng sức kéo hay để bán thịt. So với bò, ngựa nuôi lâu lớn hơn; vả lại, theo truyền thống dân gian, người ta ít dùng thịt ngựa, thịt trâu.

Xe ngựa đưa khách từ Tân Thạch đến Quới Sơn ( Châu Thành).

 Tôi chia vui với người nắm dây cương: “Vậy là anh ngon hơn nhiều so với mấy chị chèo xuồng bên cồn Thới Sơn. Họ chèo xuất mồ hôi hột nhưng mỗi ngày chỉ được sắp cho chèo một chuyến, chở 4 người, ăn 15.000 đồng”. Anh từ tốn: “Cũng nhờ cầu Rạch Miễu. Bến phà cũ tất bậc không còn, nơi đây đang giúp cho các con ngựa…cựa quậy ”. Thấy tôi băn khoăn trước mức thu nhập của người nắm dây cương và người chèo xuồng, cô Tha Anh, hướng dẫn viên du lịch, giọng nhẹ nhàng: “Họ vẫn vui sống và chèo vì nhờ có tiền “bo”. Du khách thường thì hào hiệp, đâu nỡ…”.

Bây giờ, xe buýt tỏa khắp trên ba dãi cù lao Bến Tre, đến tận các làng xã xa xôi ven biển. Xe buýt chạy ào ào trên đường phố, làng quê. Chính xe buýt đã ghi lại trang cổ tích cho…xe ngựa.

08/02/2014

Quán chay Nhường Trà tiếp tục phục vụ khách



            Sau thời gian tạm nghỉ, ngày 8-2-2014 nhằm mùng 9 tháng Giêng, năm Giáp Ngọ, quán chay Nhường Trà ( số 538 C, Nguyễn Đình Chiểu, phường 8, thành phố Bến Tre) đã mở cửa lại phục vụ khách thập phương. Phương châm phục vụ khách nơi đây vẫn là: Khang trang, vệ sinh, thực dưỡng, giá bình dân. Kính mời.
                                                                                                           
HQNT
                                                                                                           
                                                                                               


07/02/2014

Ngư dân đem vui cho Tết

        Phan Lữ Hoàng Hà
          
            Bây giờ trên bàn đãi khách những ngày Tết ngoài món tôm khô củ kiệu, khô cá kèo ăn với dưa hành, tôm kho Tàu…người ta vẫn được thưởng thức món mắm còng. Nhưng đây là mắm còng “cải biên”, nhấm nháp cho đỡ nhớ quê mà thôi…

            Chân phương mà chất lượng
            Nơi ven biển Bến Tre quê tôi, diễn tả sự sinh động của mùa nước chảy, ngư dân dùng một từ nghe hết sức ngắn gọn: “chạy”. “Chạy’ có nghĩa là nước lớn, nước ròng ra vào sông liên tục, cá tép theo đó cũng…chạy theo rồi vô miệng đáy. Những đợt “chạy” này diễn ra ở những con nước lớn 15-17 và 29 đến mùng 2 âm lịch từ tháng 9 đến ra giêng. Trong năm, con nước 30 Tết là thời điểm tôm cá “chạy” sung nhất. Nhưng muốn làm tôm khô hảo hạng đón Tết, chờ con nước 30 là muộn rồi. Bởi vậy, người ta tập trung làm tôm khô sau con nước 15 tháng 12 âm lịch.

Đóng đáy trên sông Băng Cung

            Bà Năm My (chợ Bến Vinh, An Thạnh, Thạnh Phú) cho biết: “ Làm tôm khô thật đơn giản, ai làm cầu kỳ nghĩa là đã có một chút mánh trong làm tôm khô. Những con tôm khô đó sẽ mặn, ăn bỡ rệt, có điều là khi bán sẽ cân nặng kí lô hơn là theo cách chân phương”.
            Quan sát bà Năm My làm tôm khô đón xuân, làm quà cho con cháu, tôi thấy bà làm gọn hơ: Tép đất mua về từ hàng đáy, bà rửa sạch, nấu nước cho sôi rồi bỏ tép đất vào nồi. Khi nồi tép sôi ùn ụt, bà bỏ ít muối trước khi nhắc xuống. Sau đó, đem phơi tép trên những chiếc sàng hoặc tấm điệm. Phơi chừng hai, ba nắng thì bà cho tôm khô vào bao, đập cho tơi vỏ ra rồi để trên chiếc sàng, sàng khô cho sạch sẽ. Những chú tôm khô này bóng mượt, có màu gạch tôm, ăn rất dai, ngon ngọt. Cứ mười kí lô gam tép tươi sẽ cho ra một kí lô gam tôm khô. Ví như giá 1 kí lô gam tép tươi hiện 70.000 đồng, vậy là 700.000 đồng/ một kí lô tôm khô. Rõ ràng, dân khá khá mới thưởng thức nổi món đặc sản này…
            Những ngày Tết cổ truyền ở quê tôi, món khô cá kèo vẫn là món mồi “bén” nhất. Làm khô cá kèo, nếu làm sớm quá so ngày Tết sẽ không ngon vì để lâu phải ướp nhiều muối, mặn lè. Thế nên, ngư dân ráng chờ đến lúc cá kèo “chạy” vào con nước 29, 30 Tết mới bắt cá kèo làm khô. Cá kèo bắt lên, rửa sạch, bỏ hết vào thùng thiếc, cho chúng cùng…uống nước tương (xì dầu), thêm vào đó là gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt. Uống xong, chúng…ngoắc ngoải, đờ ra, thế là người ta lấy sợi dây kẽm, lụi đầu chúng vào nhau như những dây đạn đại liên rồi đem phơi nắng. Phơi chừng hai nắng là đã có món khô cá kèo độc đáo để nhấm nháp vui xuân. Ăn tôm khô với củ kiệu, nhưng khô cá kèo ăn cặp với dưa hành thì đúng bài bản hơn.

Đặt lọp bắt tôm càng ven sông

            Mắm còng “cải biên”
            Đãi khách hôm ấy xen kẽ lại thấy có món mắm còng. Tôi hỏi ông bạn ngồi kế bên: “Mắm còng vào dịp Tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5 âm lịch mới thấy nhưng sao Tết Nguyên đán mà vẫn có?”. Giọng ông bạn khẽ khàng: “Mắm còng “cải biên” – rồi ông tiếp luôn - “Bây giờ, còng lột quanh năm. Muốn lột, người ta ngâm còng vào dấm Tây hoặc nước vôi, nước tro…”. Tôi ăn thử món mắm còng “cải biên”, vẫn thoang thoảng mùi mắm còng nhưng chắc chắn không phải còng lột tự nhiên. Trót ly rượu, tôi miên man : “Ở vùng sông nước ĐBSCL, hàng năm, khi mùa mưa trở lại và đúng dịp Tết Đoan Ngọ, còng kéo nhau về bên các mương, rạch để lột vỏ, đông như ngày hội. Những bà mẹ quê chỉ làm động tác nhẹ nhàng: xắn ống quần, rồi xách thùng thiếc ra đó mà hốt chúng về. Còng lột vỏ, nhất là còng lửa, còng quều đem rửa sạch, sau đó xếp chúng thành từng lớp trong keo, hủ, rồi rưới rượu trắng vào cho thấm tất cả, kế đến giằng thêm chút muối rồi để yên không động đậy chừng tuần lễ. Đến ngày thứ 7, chắt nước rượu ấy ra, thay vào đó là phần nước đường đã nấu chín, cùng với thính (đậu nành rang vàng hoặc gạo rang rồi đâm nhuyễn) rắc đều làm cho mắm còng thơm lừng, trở nên món mắm độc nhất vô nhị. Khi ăn, mắm còng được trộn thêm với khóm, tỏi, ớt, ăn cặp với rau sống, chuối chát, bún, ngon đáo để. Mắm còng lột tự nhiên ăn mềm nhũn, thịt còng liền lạc, nước mắm quánh lại. Còn mắm còng “cải biên”, ăn cũng mềm nhưng thịt còng bời rời, sường sượng. Dẫu vậy, mắm còng xuất hiện trong ngày Tết Nguyên đán làm cho những món đặc sản vùng sông nước thêm phong phú, giúp người ta đỡ nhớ quê ”.
            Tôm kho tàu là màn sau cùng khi ăn cơm. Những chú tôm càng xanh lớn gần cườm tay, búng rong róc khi được bắt lên từ tát mương vườn hôm 28 Tết, được chủ nhà kho với nước dừa xiêm, ăn chấm với đậu rồng. Nhưng ấn tượng hơn hết là lúc chúng tôi thưởng thức các món ăn đặc sản quê hương, trong làn gió chướng của mùa xuân mát rỡ, những cánh mai vàng rơi lả tả trước sân nhà chủ nhân. Dáng mai thật yêu kiều, thướt tha./. 


Tát mương bắt tôm càng.
                   

04/02/2014

            Nấu bánh tét tết Giáp Ngọ


            Trưa 28 tết Giáp Ngọ, các cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa tựu lại tại quán chay Nhường Trà gói và nấu bánh tét đến lúc chiều tà để làm quà biếu cho một số thầy cô, các cựu học sinh đã góp nhiều công sức cho lần họp mặt thứ 20 của trường ta. Không gian và thời gian đều tất bật. Và thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh đã có mặt kịp thời tại quán chay Nhường Trà vớt lên đòn bánh tét vừa nấu chín. Chiều tối 28 tết, một số bạn và thầy cô trở lại Sài Gòn, hẹn lần gói bánh tét năm sau.


Bạn Lương Văn Tô My

Thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh.