25/11/2014

         Xin chút bóng mát ngày xưa

           Kim May

Nhớ về ngày lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường, xin gửi chút tâm tình của một người học trò cũ của ngôi trường thân yêu

        Hôm qua tôi đã về tìm EM. Em của tôi là những kỷ niệm thân thương về ngôi trường yêu dấu - nơi mà tôi đã " mài đũng quần trên ghế " suốt 7 năm ròng trung học - đã bị chôn vùi gần nửa thế kỷ .Ngày hôm qua là ngày làm lễ kỷ niệm " 60 năm thành lập trường ".



Cây me Tây và cây phượng ở trường xưa



Từ hôm trước, khi được một người bạn cho hay ngày họp mặt, tôi đã nghe lòng  bâng khuâng, chộn rộn. Cảm giác như ngày xưa thời học trò sau 3 tháng nghỉ hè, sắp đến ngày khai giảng thì chợt náo nức, rộn ràng nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè, nhớ thầy cô. Bữa đó tôi liền tù tì gọi cho  bốn tên cùng lớp  còn sót lại thời xưa. Một đứa bận đám giỗ, đứa bận đi lễ nhà thờ, hai đứa còn lại thì tíu tít như con nít ( hihi ) :
   - Ê tụi ơi...hỏng biết có thầy X. , thầy Y. , cô z. đi hôn dzậy ? ( Hihi...)
   -Ê  tụi ơi ...tao phải đi " tút " lại cái nhan sắc " thị Nở " của tao mới được !( hihi..)
  - Ê tụi ơi, ngày mai tụi mình mặc đồ ..gì  , ta ? ( Hihi...!!)
- ....
  Thấy chưa ...Chưa gì mà mấy đứa tụi tôi bỗng trở thành con nít- thoắt cái tự nhiên trở thành nữ sinh trung học - mà hình như còn là nữ sinh trung học đệ nhất cấp nữa chứ, hehe .

           Và khi gặp nhau thì cây liên lạc bỗng đâm nhánh tùm lum tà la. Tôi lại gặp thêm một số bạn bè học chung hồi lớp Nhất ở trường làng nữa- ( hic hic thiệt vui không ngờ ! )


 - Tính theo lớp thì mấy tụi phải kêu tao bằng chị, hehe..
Tụi nó đồng loạt hiếp đáp lại:
  - Chị ..chị lị sứt quai hí hí
Rồi thì dẫn nhau rễn rễn quanh trường để TÌM BẠN cùng lớp và TÌM THẦY CÔ ...
   Thiệt là thương khi gặp ai cũng mỉm cười thân ái làm tôi nghe lâng lâng vui sướng - hệt như tâm trạng hưng phấn trong ngày tựu trường ngày nào !
  Có người  tình nguyện chụp hình cho cả bọn, có người xin vô chụp hình chung ,..ai nấy đều đương nhiên xem như thân thiết tự bao giờ! ( Thiệt là tuyệt vời dễ thương!!!).
   Tôi vui quá thành ngu ngơ nên có khi có người chào tên tôi thì tôi ngớ ngẩn hỏi " Ủa ...sao nhớ tên mình hả ? " mà không nhớ là mình đang mang cái bảng tên chần dần trước ngực khiến " đối phương " không khỏi cười tủm tỉm ...hihi  ( cũng dễ thương quá chớ !!!)
     Có người nhắc lại hồi đệ thất - út của anh chị lớn - được anh chị nhất là các anh chị sắp xa trường đệ nhất, đệ nhị cưng lắm, chỉ vì ngoan ngoãn, dễ bị dụ làm chim xanh đưa thư dùm cho " mấy ổng bả " .
    Có khi bồ câu đưa thư vô tình bị lộ làm cả khổ chủ và cả chim xanh cũng bị quay nướng giòn tan cả giờ trên phòng giám thị, hehe...


     Rồi kỷ niệm giờ ra chơi đứng trong rào( lén giám thị ) mà lại tranh nhau  ơi ới  ( hihi ) gọi mua "nước đá đủ thứ " bán ngoài rào. Món giải khát nầy có lẽ chỉ có ( và chỉ được ghiền ) ở thời của tụi tôi thôi hay sao, bây giờ tôi không thấy bán nữa .

     Rồi kỷ niệm cúp cua đi chơi mới ra khỏi cổng gặp ngay ông thầy mà mình định trốn môn học, Thầy lại  cười: “Tưởng thầy bệnh nên đi thăm thầy hả mấy cô nương ?". Thiệt là quê chết người rồi phải lẽo đẽo theo thầy trở vô lớp !
     Buổi chiều, chúng tôi theo thầy cô đi thăm miếu Tiên sư ở cạnh trường. Một vài Thầy Cô lão thành thắp nhang còn bọn chúng tôi chỉ vào xá ba xá mà thôi. Chúng tôi nhìn câu đối 
 :
            “ Dạy trẻ khô buồng phổi,
              Thờ thầy lụn nén hương”

X X
  X
      Khi chia tay, bỗng có tiếng hát:
Ngày đó có Em đi nhẹ vào đời 
và mang theo trăng sao ...đến với lời thơ nuối ..
...................

Ngày đó có ta mê mãi tìm lời 
tìm trong cơn rách rưới cơn mơ nào lẻ loi ...!
................
Trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi ! 
  


Nghĩ thương sao mấy đứa khùng khùng bọn tôi, bài hát nào tụi tôi cũng có thể hiểu theo cách riêng của mình và coi như là tác giả sáng tác riêng cho mình trong ...mọi tình huống, mọi thời điểm, mọi tâm trạng ...! ( Hihi )


   Hic hic ...
   Tạm biệt mấy tụi ,,,
   Tạm biệt ...EM của tụi ( và tôi )!



Cây sộp cạnh dãy B.

24/11/2014

            60 năm dưới mái trường xưa – một ngày vui nồng ấm

            Sáu Quang

            Nơi miếu Tiên sư cạnh Trường THPT Chuyên Bến Tre vẫn còn đó câu đối:
            “ Dạy trẻ khô buồng phổi,
              Thờ thầy lụn nén hương”






            Sau bản hợp ca sôi động Nối vòng tay lớn và Ai em ta về, lúc 9 giờ ngày chủ nhật 23-11-2014, ngày họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Trung học Bến Tre qua các thời kỳ(1954-2014) chính thức khai mạc. Ngôi trường bên cạnh hồ Trúc Giang(TP Bến Tre) này lần lượt mang tên: Trường Trung học Bến Tre, Trung học Kiến Hòa, Trung học công lập Kiến Hòa, Trung học công lập tổng hợp Kiến Hòa, Bán công đêm, Trung học Lạc Long Quân, Phổ thông trung học Bến Tre,  Phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu và Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre. Buổi sáng, hơn 100 thầy, cô, các cựu học sinh qua các thời kỳ và ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đến dự. Buổi chiều, bạn Nguyễn Thành Phong, cựu học sinh Trường Phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu(Bến Tre), hiện là Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, bạn Cao Thành Hiếu, cựu học sinh Trường Phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu, hiện là Chủ tịch UBND TP Bến Tre đến dự. Đặc biệt còn có sự hiện diện của thầy Bùi Thanh Kiên và 5 thầy là cựu học sinh khóa đầu tiên (1954- 1955) Trường Trung học Bến Tre.

Các cựu giáo viên qua các thời kỳ

            Thầy Bùi Thanh Kiên phát biểu đầu tiên: “Tinh thần tôn sư trọng đạo đã hằn sâu trong huyết quản của các thế hệ cựu học sinh dưới mái trường này, đây là dịp để các cựu học sinh tề tựu về đây tôn vinh thầy, cô, chia sẻ vui buồn với bạn học cũ, tất cả cùng rưng rưng khi ngắm nhìn mái trường xưa…” và thầy Kiên nhắc lại lời giáo huấn của thầy Nguyễn Văn Trinh, vị hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung học Bến Tre:
“Ra cửa dạy trò văn hóa mới,
            Vào nhà khuyên trẻ lễ nghi xưa”.
            Với ý tưởng mục tiêu giáo dục này, năm 1972, anh(thầy) Nguyễn Đăng Phu lập lại câu đối trước cổng trường:
            “Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức,
             Hoằng khai khoa học tác tân dân”
            (tạm dịch: Ôm ấp chứa đựng và nuôi nấng phát triển đạo làm người để làm tỏ rạng đức sáng của thánh hiền. Đào sâu và mở rộng khoa học để đổi mới cuộc sống người dân).
            Sau đó, các khối của các trường và các thầy, cô đã từng dạy học cho các khối lần lượt chụp hình lưu niệm để làm kỷ yếu 60 năm thành lập trường.
            Để thể hiện tinh thần Tôn Sư, Trọng Đạo, lúc 11 giờ 30, các thầy, cô và các cựu học sinh đi viếng miếu Tiên sư(thờ thầy, cô tiền vãng). Tại đây, phòng bày biện đơn sơ với một bảng gỗ khắc tên thầy, cô quá cố, hai bên có câu đối:
            “Dạy trẻ khô buồng phổi
             Thờ thầy lụn nén hương”.
            Buổi chiều, tại Trường THPT Chuyên Bến Tre, thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh, bạn Lương Văn Tô My, Trưởng ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa nói lý do buổi lễ và ôn lại truyền thống, sinh hoạt của ban liên lạc các cựu giáo viên và cựu học sinh qua các thời kỳ, thầy Trần Tấn Minh, Quyền Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bến Tre chào mừng và cảm tạ các thầy, cô, quan khách và các cựu học sinh về dự họp mặt đông đủ.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Nguyễn Thành Phong (trái) và cựu giáo viên Nguyễn Văn Tốt

Ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre(bìa trái) với các cựu giáo viên

            Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu với lòng trân trọng đối với công đức của các thầy, cô. Từ công đức đó, các thầy, cô đã dạy dỗ cho nhiều thế hệ học sinh thành tài rồi đem trí lực của mình phục vụ cho quê hương, đất nước, xứng danh là nơi vun đắp cho “hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước, Bến Tre sẽ tiếp tục vun đắp nhân tài ở mái trường này…
            Còn trước đó vào buổi sáng, Ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh: “Gần đây, có nhiều nguồn tin cho rằng khi Trường THPT Chuyên Bến Tre dời về cơ sở mới ở phường Phú Tân, tỉnh sẽ giao nơi đây cho ngành không liên quan đến văn hóa – giáo dục. Xin khẳng định là điều này không có, mà sẽ giao cho Trường THCS thành phố Bến Tre để mở rộng, phát triển sự nghiệp giáo dục tại TP Bến Tre”. Sau lời phát biểu của ông Tam, nhiều tiếng vỗ tay vang lên.
            Trước khi kết thúc ngày họp mặt kỷ niệm 60 ngày thành lập Trường Trung học Bến Tre. Ông Nguyễn Thành Phong và các thầy, cô, các cựu học sinh viếng ngôi trường mới của Trường THPT Chuyên tại phường Phú Tân. Ngôi trường Chuyên mới của tỉnh Bến Tre đạt đủ tiêu chuẩn, khang trang, hiện đại vào bậc nhất khu vực ĐBSCL.
            Một ngày vui, nồng ấm của các thầy, cô và các cựu học sinh đã khép lại với lòng xao xuyến…từ bài ca Lưu bút ngày xanh của nhạc sĩ Thanh Sơn do cựu học sinh Lý Ngẩu trình bày sau lời phát biểu đậm tình cảm của ông(bạn) Nguyễn Thành Phong.

Bạn Lý Ngẩu đơn ca Lưu bút ngày xanh.


            Các thầy Hiệu trưởng Trường Trung học Bến Tre, Trung học công lập Kiến Hòa, Trung học Kiến Hòa bán công đêm và Trung học Lạc Long Quân(trước 1975):
-          Thầy Nguyễn Văn Trinh
-          Thầy Phùng Văn Tài
-          Thầy Nguyễn Đình Phú
-          Thầy Bùi Văn Mạnh
-          Thầy Huỳnh Phú Hiệp
-          Thầy Trần Kim Quế
-          Thầy Huỳnh Thành Công(Bán công đêm)

-          Thầy Phan Thế Chánh.

22/11/2014

        Chuẩn bị cho ngày họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập trường



            Từ chiều ngày 21-11-2014, ban tổ chức ngày họp mặt các cựu giáo viên và  cựu học sinh tại Trường Trung học Bến Tre (cạnh hồ Trúc Giang) qua các thời kỳ (1954-2014) đã chuẩn bị xong băng, pa nô chào đón, rạp, sân khấu… để phục vụ cho khoảng 1.000 người đến dự.
            Ngày mai, chủ nhật 23-11, khi quý thầy cô và các bạn đến dự, ban tổ chức sẽ hướng dẫn người đến dự ghi bảng tên, trường đã theo học để phân ra các khối trong sinh hoạt ngày họp mặt. Được biết, bạn Nguyễn Thành Phong, cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu-Bến Tre, hiện là Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và ông Trần Ngọc Tam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre sẽ đến dự, sinh hoạt với các thầy, cô và các bạn. Đây là dịp để quý thầy, cô và các bạn cựu học sinh gắn kết nhau, hầu sẽ giúp nhau, san sẻ cho nhau giữa cuộc sống hôm nay…Mời quý thầy, cô và các bạn đến dự đông đủ.


                                                                                                                               Sáu Quang.





21/11/2014

Về thăm thầy cũ…

            Huỳnh Thanh Quang

            Hơn mười năm sống đơn độc, thầy Phan Thế Chánh tự nấu nướng, sinh hoạt một mình trong ngôi nhà khá rộng bên đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, TP Bến Tre. Tuổi đời của thầy càng già, đời sống sinh hoạt của thầy càng lặng lẽ nhưng nền nếp, vén khéo. Đây là hình ảnh của một người thầy trong nhiều thầy, cô mà chúng tôi đã đến thăm.

            Vẫn trên chiếc xe đạp lúc hừng đông…
Thầy Phan Thế Chánh năm nay 81 tuổi nhưng ngày nào cũng như ngày nào, ngoại từ những hôm mưa lớn, thầy dậy lúc 4 giờ sáng rồi đạp xe đi tập thể dục và uống ly cà phê sữa ở một góc đường. Uống xong, thầy đạp xe thong dong nhà lúc 6 giờ sáng…Thầy Chánh nhớ lại: “Cuối năm 1973, tôi được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Trung học công lập Kiến Hòa thay thầy Trần Kim Quế. Đến năm 1974, Trường Trung học công lập Kiến Hòa đổi tên thành Trường Trung học Tổng hợp Lạc Long Quân, tôi vẫn làm hiệu trưởng ở đó…Thầy cựu hiệu trưởng Trần Kim Quế điềm đạm, kỷ cương, thầy- trò rất yêu quý thầy Quế”.
            Đã quá nhiều năm rồi nhưng khi tôi vô tình ném viên đá nhọn vào thầy Chánh, tức nhắc lại tôi là học trò cũ của cô Quyên(vợ thầy), thì bỗng dưng tôi thấy đôi mắt thầy rướm buồn, thầy nói: “Hồi đám tang cô, có đông đủ thầy cô và học sinh đến tiễn cô đi. Với thầy, thầy còn có rất nhiều kỷ niệm mang đầy ấn tượng khác nữa đó là tình đồng nghiệp, những tấm lòng của các em học sinh dành cho thầy, cô. Thầy nghe nói, các em bây giờ đã lớn lắm rồi, có em đầu bạc trắng nhưng không phân biệt địa vị xã hội, giàu nghèo vẫn thường gặp gỡ nhau chia sẻ buồn vui cuộc sống, quấn quýt nhau như thuở còn chung dưới mái trường. Điều này quý lắm…”. Dáng thầy nhỏ nhắn, nói năng từ từ.

Thầy Trần Kim Quế, cựu Hiệu trưởng Trường Trung học công lập Kiến Hòa

            Miệt mài từng con chữ
Thầy Bùi Thanh Kiên học khóa đầu tiênTrường Trung học Kiến Hòa hồi năm 1954 - 1955, lúc thầy còn đi guốc giông. Thầy Kiên nay đã 75 tuổi, ngụ trong một com hẻm của đường Lê Văn Phan, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.
Thấy tôi đến thăm, thầy nhận ra liền, kêu rõ tên. Thầy Kiên bây giờ hơi mập hơn xưa. Trong bất chợt, tôi nhận ra ngay trong tâm trí mình hình ảnh về thầy Kiên cách đây trên 40 năm. Lúc đó, thầy dạy môn Việt văn tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa, thầy chạy chiếc mobylette màu xanh dương, dáng người không mập không ốm nhưng bước đi năng động, rụp rụp, thỉnh thoảng đôi mắt thầy rất nghiêm khi giảng bài…
Từ nhiều năm qua và hiện nay thầy miệt mài cho quyển Từ điển Tiếng Việt Nam bộ do thầy biên soạn, sắp in ấn. Thầy nói bản thảo quyển từ điển này gồm 4 tập, dày 1.900 trang với khá đầy đủ thuật ngữ Nam bộ. Nay biên soạn, gút lại chắc cũng còn 1.500 trang. Tôi hình dung ra được và hiểu: Đây là một công trình đồ sộ, thầy đã tâm huyết, dồn hết sức lực, có thể nói là cả cuộc đời của thầy cho quyển từ điển này. Lại càng vui hơn khi tôi được biết để vun bồi cho “công trình” này còn có sự hỗ trợ nhiệt thành của bạn Lương Văn Tô My và các bạn của Hội quán Nhường Trà, cơ quan Phát hành sách…Tất cả đều mong mỏi quyển từ điển “một đời người” của thầy Bùi Thanh Kiên sớm ra mắt bạn đọc.
Tôi hỏi thầy Kiên: “Về đêm, thầy có ngủ được nhiều không?”. Thầy nói: “Rị mọ với quyển từ điển suốt ngày, có hôm đến 12 giờ khuya chưa ngủ. Chừng vô ngủ, cứ nằm thao thức, trằn trọc cho tới sáng…”. Nhưng tôi thấy ánh mắt thầy sáng trưng khi thầy tiếp lời: “Cố gắng sống sao cho có ích. Gần cuối cuộc đời nhưng thầy vẫn làm việc, tìm việc mà làm với mong mỏi để lại đời sau những điều bổ ích. Và hiện tại, đó cũng là niềm vui của tuổi già”.

            Đếm bước thời gian rơi
Thầy Văn Ngọc Khôi, cựu giáo viên dạy môn Triết tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa nay 74 tuổi. Ngôi nhà và mảnh vườn cây ăn trái của thầy Khôi nằm sâu trong xã Tân Thạch (Châu Thành), thuộc ấp Tân Quới Nội. Biết các cựu học sinh đến thăm, thầy ra đứng bên con đường vườn đón chúng tôi. Thầy đội chiếc nón lá, đứng bên đường vẫy tay, trông thầy già hơn trước đây khá nhiều. Tuy nhiên, thầy vẫn lanh lẹ khi nhận ra các cựu học sinh, thầy nhớ tên từng em, rất cảm động.
Từ nhiều năm qua, nơi ngôi nhà và mảnh vườn này, thầy sống đơn độc, còn cô và con của thầy thì sống trên Sài Gòn, lâu lâu về thăm thầy.    Ở nhà, thầy tự lo nấu nướng và quấn quýt bên một con chó (con chó ấy vừa mất cắp rồi). Thích món gì, thầy đạp xe đi mua, thầy nói: “Cái đó coi vậy cũng hay lắm nghen bởi vì mỗi sáng tôi đi xe đạp đến ngả tư huyện mua tờ báo, bó rau, mớ thịt cá…, đi về tám cây số, coi như đã đi thể dục đều đều, khỏe trân...”.
            Tôi hỏi thầy trong cuộc sống đơn độc ở tuổi già của thầy ngoài lo nhất là vấn đề sức khỏe, cái gì thầy còn lo nữa. Thầy nói sợ cô đơn, nhưng rồi thầy xua tay: “Mà thầy đâu thấy có cô đơn khi thỉnh thoảng các học trò cũ, bạn đồng nghiệp cũ vẫn đến với thầy”.
            … Trong các thầy, cô dạy học dưới mái trường xưa, nay nhiều thầy, cô đã khuất bóng. Ngày 22-10 vừa qua, các cựu học sinh đi đám cúng giáp năm ngày cô Phạm Thị Hạnh mất . Càng cảm động là hôm đó có sự hiện diện của thầy Nguyễn Đăng Phu. Thầy Phu nay tuổi ngoài 75, bị bệnh và lưu lại trên đất Hoa Kỳ hơn năm, mới trở lại quê nhà Bến Tre. Trong phòng khách nhà cô Hạnh, thầy Phu ngồi trên một chiếc ghế gỗ của bộ salong cũ, im lặng, hướng nhìn ảnh cô Hạnh trên bàn thờ. Bên cạnh là các thầy cô và các học trò cũ nay tuổi ngoài 50, có người đã qua đáo tuế. Gương mặt nào cũng già dặn theo thời gian…
            Nơi chính diện ngôi nhà, dưới bàn thờ cô Hạnh, các thân nhân trong gia đình cô trong đó có anh Lương Văn Tô My, em nuôi trước đây của cô, hiện là Trưởng Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, chít khăn tang, quỳ lạy trong tiếng cầu kinh trầm buồn.
            Cô Phạm Thị Hạnh là người chị thứ hai trong gia đình ngụ tại phường 1, thành phố Bến Tre. Lúc thiếu thời, cô là nữ sinh Trường Trung học Gia Long(Sài Gòn). Sau đó, cô về dạy học môn Văn ở Trường Trung học công lập Kiến Hòa. Cô là người có tấm lòng độ lượng, thương người.
            Anh Phạm Duy Bình, người em thứ ba của cô Hạnh nói: “Khi chị hai(cô) mất, gốc bạch mai trước sân nhà do chị chăm sóc đúng 30 tuổi. Giờ đây, cây bạch mai lúc nào cũng phảng phất hình bóng của chị hai. Trong tiếng ong vo ve bay về hút mật bông bạch mai, nghe như có tiếng, có bước chân nhè nhẹ của chi hai Hạnh đâu đó…”.

            Ngày chủ nhật 23-11-2014, có cuộc hội ngộ đông đủ thầy cô và học sinh đã từng dạy và học tại ngôi trường bên bờ hồ Trúc Giang, ngôi trường đã cho ra đời nhiều thế hệ học sinh ưu tú phục vụ quê hương, đất nước, xứng danh là nơi vun đắp cho “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Các cựu học sinh tại vườn nhà thầy Văn Ngọc Khôi( thầy Khôi đứng thứ 6 và thầy Trương Thành Nghĩa đứng thứ 7).

17/11/2014

                       
Thư mời họp

Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Trung học công lập Bến Tre qua các thời kỳ(1954-2014)



Được cho phép của UBND tỉnh Bến Tre, Ban tổ chức họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh Trường Trung học công lập Bến Tre qua các thời kỳ(1954-2014) sẽ tổ chức cuộc họp mặt nói trên vào ngày Chủ Nhật 23-11-2014, thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ, tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre, số 21 Lê Quí Đôn, phường 2, thành phố Bến Tre. Ban tổ chức xin được thỉnh mời các cựu giáo viên và cựu học sinh các trường: Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre, Trường Phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu, Trường Trung học Lạc Long Quân, Trường Trung học công lập Kiến Hòa và Trường Trung học Kiến Hòa, bán công đêm đến dự.
Đây là dịp để các cựu giáo viên và cựu học sinh cùng dưới mái trường xưa(cạnh Bờ Hồ) gắn kết nhau, ôn lại kỷ niệm cũng như sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống hôm nay.


                                                                        Ban tổ chức trân trọng kính mời.

11/11/2014

                                Bụi phấn rơi rơi…

          Huỳnh Thị Kim Cúc


 Em xa trường còn nhớ?
                                                                                       Bụi phấn trắng ngày xưa…

                        Một năm sau ngày giải phóng, tôi thi vào trường sư phạm vì yêu quí thầy cô giáo của mình và yêu thích nghề dạy học. Hơn nữa học sư phạm còn nhận được học bổng (22 đồng/ tháng), có thể trang trải tiền ăn học và sách vở. Ngày đó sinh viên không phải đóng tiền trường, tiền ở nội trú như bây giờ. Ba tôi cho rằng nghề giáo là nghề thanh tao. Còn mẹ lại nói: đi chi nghề đó, vừa hít bụi phấn vừa làm thêm nghề nữa mới đủ sống, vất vả lắm con ơi.
                         Sau nầy khi vào lớp dạy, ngoài học trò ra tôi còn gắn bó với bảng đen và phấn trắng, âu cũng là cái duyên với nghề dạy học. Bây giờ thì có loại phấn viết bảng không bụi hợp vệ sinh hơn, phòng học thì khang trang hơn nhưng sao tôi vẫn nhớ hoài bầu không khí thân thuộc và nồng ấm của lớp học nơi Trường Trung học công lập Kiến Hòa ngày xưa.

                          Nhờ có viên phấn trắng, thầy cô viết lên bảng những kiến thức mới, những điều hay lẽ phải, sửa bài cho học trò thấy điều sai mà tránh…nhằm trang bị tri thức cho học trò hầu có đủ bản lĩnh khi bước vào đời.Vào giờ học, học trò nào được thầy cô gọi lên bảng thì ít nhiều cũng hồi hộp, lo âu. Nhưng khi cầm viên phấn viết lên bảng những suy tính của mình thì viên phấn lại thể hiện sự hiểu biết của trò cho mọi người cùng biết.
                                              Mỗi khi trong tay trò
                                                  Được vo vê từng chút
                                                     Phấn trải lòng giúp bạn
                                                        Đạt điểm tốt bài hay.
                        Nhưng kỷ niệm nầy đây đã phụ tấm lòng của viên phấn mất rồi. Nhớ giờ học anh văn lớp 12, cô Nguyễn Thị Nga cho viết dictation, tôi lên bảng cùng viết bài với bạn. Càng hồi hộp thì mồ hôi tay càng rịn ra, quện với bụi phấn  rít tay, làm tôi run tay khi viết. Bù lại, bài của tôi được cô sửa khá chính xác. Còn lần nọ, vào giờ toán của thầy Trần Tấn Trung, tôi lên bảng giải bài bị bí, lại quên lấy bông lau bảng chậm mồ hôi trên trán, bạn bè cùng cười. Thấy vậy, thầy cho tôi về chỗ ngồi. Hú hồn, tôi sợ nhất là cảnh bị đứng cạnh bảng để xem bạn giải bài, quê lắm.
                       ….Và còn nhiều nữa những kỷ niệm vui buồn về phấn trắng- bảng đen ngày đó. Nhưng các bạn ơi, hãy lắng nghe lời tự tình của phấn trắng ngày xưa nhé:
                         << Tôi là viên phấn trắng, còn gọi là đá phấn được tạo nên bởi bột đá. Khi được viết lên bảng, thân thể tôi bị mòn dần và in hiện rõ từng câu chữ cho thầy cô giảng dạy và học trò ghi bài. Sau cùng tôi bị xóa đi và trở thành hạt bụi li ti bay bay, một số rơi xuống bục giảng. Tôi vui mừng vì từng câu chữ ấy dần thấm sâu vào tâm trí của học trò. Và tuy là vật vô tri vô giác nhưng tôi cũng có ước mơ cháy bỏng là được gắn bó với thầy cô yêu quí và các bạn học trò mãi mãi. Tôi và anh bảng đen to đùng có mối tình thâm sâu  không thể nào tách rời.
                                                  Phấn xa bảng phấn không tròn nghĩa
                                                      Vắng phấn rồi bảng bị lãng quên.
                              Có hôm đang giảng bài, thầy hỏi trò C. về bài của hôm qua, trò trả lời không được làm thầy giận quá nên ném viên phấn (tôi) đang cầm trên tay ra cửa lớp. Tôi lăn nhoài nhiều vòng, thân thể bị xứt mẻ vài chỗ và đau ê ẩm. Thầy la rầy các học trò rồi ra nhặt tôi lên và tiếp tục giảng bài. Tôi mừng rơn vì được tiếp tục viết lên bảng những điều hay lẽ phải để giúp cho học trò dần dần mở toang kho tàng tri thức .
                               Còn các bạn phấn khác mặc áo đỏ, xanh, vàng thì luôn làm nổi bật tựa đề hay những vấn đề quan trọng mà thầy cô cần cho học trò biết. Tôi hãnh diện  về màu trắng tinh khôi của mình nổi bật trên nền bảng đen bên các bạn phấn màu tươi đẹp, đem lại bài học bổ ích cho học trò.
                               Hằng ngày tôi đi học cùng học trò, vui đùa cùng các bạn phấn màu, được điểm danh sỉ số lớp học ghi trên góc bảng. Ngoài ra, tôi và bảng đen cùng góp phần là linh hồn của lớp học nữa. Hôm nào mà lớp trưởng quên mang tôi vào lớp thì y như rằng bạn ấy phải qua lớp khác xin phấn thôi. Không có tôi thì lớp học kém sinh động và học trò vẽ hình, ghi bài khó lắm đó.Tan trường, tôi về nhà ở phòng giám thị, được đặt lên kệ theo tên của lớp học. Ở đây tôi còn trò chuyện với các bạn phấn ở lớp khác nữa.
                               Tuy chứa đầy hạt bụi li ti, ai hít vào cũng có hại cho sức khỏe nhưng tôi rất tự hào vì đã góp phần mình làm cho tình nghĩa thầy-trò ngày thêm khắn khít. Khi bụi phấn tôi rơi rơi, tôi chỉ biết bám trên mái tóc, trên vai áo của thầy cô và âm thầm khắc ghi công ơn của thầy cô giáo vào lòng học trò một cách chân tình và sâu lắng. Khác với các loại hạt bụi khác, bụi phấn luôn mang ý nghĩa đậm đà và sâu sắc về lòng tôn sư trọng đạo. Hễ nhắc đến bụi phấn thì ai cũng nhớ ngay đến thầy cô giáo của mình- những người đã không tiếc công sức để nuôi dưỡng tâm hồn cho học trò mà chẳng mong được đền đáp.
                                                   Bụi phấn tôi rơi rơi
                                                      Vương lên tóc cô thầy
                                                         Điểm thêm màu muối trắng
                                                           Trò ơn bao nghĩa dầy.
                            Hè về, ngôi trường vắng vẻ, tôi nằm im trên kệ suốt ba tháng ròng. Thỉnh thoảng nghe có bước chân của cô giám thị, lòng tôi vui hớn hở nhưng cô cũng vội vàng đóng cửa ra về. Rồi vì vắng tôi, anh bảng to bị bụi bám nhện giăng buồn tẻ trong chiếc áo đen xấu xí của mình và mong cho mau tới ngày gặp nhau ở lớp học thân quen.
                            Vào những ngày sau cùng của năm học cuối, tôi buồn vì sắp chia xa các bạn học trò thân yêu. Bọn phấn chúng tôi tiễn biệt các bạn bằng những dòng chữ to đẹp chứa đựng bao tình cảm thiết tha, nào là: Liên hoan cuối năm, kỷ niệm ngày ra trường của năm học cuối…
                                                  Mai xa trường, còn nhớ?
                                                  Đời  phấn trắng ngày xưa
                                                 Cùng các trò chăm học
                                                Nay xa rồi, còn đâu.

                             Sau nầy đời con cháu của tôi là phấn không bụi, viết lông để viết lên bảng trắng (ngày trước chỉ có khái niệm về bảng đen thôi), bảng tương tác… nên ít ai còn nhớ đến viên phấn ngày xưa. Phấn già, trầm tư nhớ lại thời vàng son tươi đẹp của mình luôn quấn quít bên thầy cô và các bạn học trò. Thoáng buồn, phấn làm thơ:
                                                  Tôi -viên phấn ngày xưa
                                                  Bên thầy cô trò, bảng
                                                  Vui hạnh phúc từng ngày
                                                  Nay xa rồi xa mãi…         
                               Xin cảm ơn vì trong hoài niệm, vẫn còn nhiều người yêu quí và luôn nhắc đến tên tôi với nhiều thiện cảm: phấn trắng ngày xưa. >>
                               
                               Dù thời gian có thêm bao năm đi nữa, trong ký ức của học trò những hạt bụi phấn ngày xưa luôn ở mãi trên mái tóc, trên vai áo của thầy cô như là biểu hiện sâu sắc và trân trọng về nghề dạy học, về tình nghĩa khắn khít của thầy-trò nơi mái trường xưa.
                              Nhớ lắm từng thầy cô của mình, tôi hát lại bài hát ngày nào như để tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo đã dầy công dạy dỗ cho bao thế hệ học sinh nên người:
                                        Khi thầy viết bảng
                                          Bụi phấn rơi rơi
                                            Có hạt bụi nào
                                              Rơi trên bục giảng
                                                Có hạt bụi nào
                                                  Vương trên tóc thầy....
                                           ....Mai sau lớn, nên người
                                             Làm sao, có thể nào quên ?
                                          Ngày xưa thầy dạy dỗ
                                        Khi em tuổi còn thơ…
                                                                                    

                                                                                                                  (Tháng 11năm 2014).


09/11/2014

            
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Trường Trung học công lập Bến Tre qua các thời kỳ(1954-2014)

            (Thay thư mời họp)



            Được cho phép của UBND tỉnh Bến Tre, Ban tổ chức họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh Trường Trung học công lập Bến Tre qua các thời kỳ(1954-2014) sẽ tổ chức cuộc họp mặt nói trên vào ngày Chủ Nhật 23-11-2014, thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ, tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre, số 21 Lê Quí Đôn, phường 2, thành phố Bến Tre. Ban tổ chức xin được thỉnh mời các cựu giáo viên và cựu học sinh các trường: Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre, Trường Phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu, Trường Trung học Lạc Long Quân, Trường Trung học công lập Kiến Hòa và Trường Trung học Kiến Hòa, bán công đêm đến dự.
            Ngày 9-11, tại buổi họp đầu tiên, anh Lương Văn Tô My, Trưởng Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, được bầu làm trưởng ban tổ chức cuộc họp mặt.
Đây là dịp để các cựu giáo viên và cựu học sinh cùng dưới mái trường xưa(cạnh Bờ Hồ) gắn kết nhau, ôn lại kỷ niệm cũng như sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho nhau trong cuộc sống hôm nay.


                                                                Ban tổ chức trân trọng kính mời.

Anh Lương Văn Tô My phân công thành phần trong ban tổ chức

Các thành viên ban tổ chức.

06/11/2014


Thầy xưa

            Kim Huân



                Đọc xong bài <Thầy Bùi Thanh Kiên miệt mài từng con chữ, nét thêu> trên blog HQNT,  tôi vui mừng vì vừa gặp lại hình ảnh thầy giáo cũ ngày xưa. Những kỷ niệm về người thầy khả kính ấy đang chen nhau quay về.
               Còn nhớ ngày còn đi học, tôi hay tới nhà thầy Kiên (qua khỏi BV NĐCbây giờ, ở ngay đầu hẻm bên phải) tìm gặp bạn Bùi Thị Tiếp để trao đổi bài vở. Bạn Tiếp là em gái của thầy. Tôi được biết và làm quen với thầy là vậy đó. Biết tôi có ý thích văn chương nên mỗi lần gặp, thầy hay kể những câu chuyện nhỏ hay đề tài nào đó bên lề cuộc       sống và giảng giải cho tôi và bạn Tiếp hiểu tường tận.
              ….Nhiều năm trôi qua giữa cuộc sống bộn bề lo toan, tôi không được gặp thầy. Tình cờ hôm dự lễ cưới con của bạn Phan văn Lá, tôi gặp lại thầy. Thầy mỉm cười và nhìn bằng ánh mắt ngạc nhiên như cố nhớ, rồi thầy gọi đúng tên, tôi cảm động vô cùng. Vẫn là dáng dấp và phong thái của thầy ngày xưa đây, chỉ khác là trên tay thầy không có điếu thuốc lá mà thôi. Cảm ơn thầy cho em còn được hạnh phúc là học trò nhỏ <không học> của ngày nào. Gọi là không học vì tôi không được học với thầy giờ văn nào cả trong suốt thời gian học trung học. Thầy dạy ban văn chương còn tôi học ban tự nhiên.
               Thầy hiền hòa, hay cười và cách nói chuyện rất cuốn hút người nghe.
               Biết thầy hay nói lái nhưng bọn nữ chúng tôi chưa nghe bao giờ, có lẽ thầy e ngại. Và những kỷ niệm không thể nào quên bên thầy và thầy Nguyễn văn Tòng trong những ngày sinh hoạt với nhóm thơ văn Đồng Vọng của trường THCL KH như vẫn còn ở quanh đây (dù thầy Tòng đã đi về cõi xa).
              Khi nhìn bút hiệu trong quyển <Hồ Chung Thủy-kỷ yếu 20 năm họp mặt>, tôi nhận ra ngay là của thầy. Hơn 40 năm rồi mà thầy vẫn dùng bút hiệu của ngày xưa. Cảm ơn thầy đã cho em còn có được cảm xúc thân thuộc và nồng ấm của ngày xưa về ngôi trường, về thầy cô, về bạn bè và tất cả. Dù cho bây giờ chỉ là nhìn lại bút hiệu quen quen của thầy như là được nhìn lại báu vật của ngày xưa vậy đó.
              Cảm ơn thầy đã cố gắng giữ gìn và chăm chút sức khỏe của mình thật tốt (thầy không hút thuốc lá nữa dù trước đây thầy rất ghiền nó), để chúng em được trò chuyện với thầy và trong lòng luôn có hình ảnh về người thầy khả kính
                 Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe, an vui và đạt được những điều thầy luôn mong ước.
                                                                                   
                                                                                   

                                                                                                                    (Tháng 10 năm 2014).