30/06/2014

          
Phượng

Truyện ngắn: Nguyễn An Cư
                                     
- Ủa! … Phượng … phải hôn?
Tôi khựng lại, nhìn trân trối vào mặt người khách vừa bước vào sân nhà, mấy giây sau mới dám thốt lên lời chào ngỡ ngàng ấy!
Phượng bằng tuổi tôi. Năm nay đúng ba mươi. Vóc dáng tròn trịa trắng trẻo ngày nào đã mất hẳn! Trông nó xanh xao, cóm róm trong bộ đồ hơi cũ; có lẽ đã mấy lần giặt rồi mà không ủi. Tóc Phượng rũ rượi, lòa xòa phủ xuống hai má hóp. Chỉ có đôi mắt sáng của nó thì không thay đổi lắm nhưng cũng đã kém vẻ tinh anh. Chính đôi mắt ấy giúp tôi nhận ra nó.
Tôi giật chiếc túi xách trên tay Phượng, vội vã kéo nó vào nhà :
- Vào đi! Trời ơi, mất tích đâu mười năm nay vậy?
Tôi ấn Phượng xuống chiếc sa-lông nệm. Tay nó lạnh ngắt.
- Ngồi đấy! Uống nước đã, nói chuyện sau. Thức suốt đêm nay kể cũng không hết đâu!
Bỏ Phượng ngồi lại một mình, tôi chạy đến tủ lạnh lôi ra mấy chai nước ngọt. Cái đồ khui nước ngọt vẫn máng cạnh tủ lạnh như thường ngày mà tôi tìm mãi! Trái cây, nước đá trong tủ như bị ai xốc lung tung! Tôi lúynh quýnh lôi ra các thứ rồi lại đặt vào. Bất ngờ quá! Mười năm rồi còn gì. Vả lại Phượng thay đổi ngoài sự tưởng tượng của tôi! Chắc có gì quan trọng lắm Phượng mới đến tìm tôi…
                         *
 *           *
Hồi đó, tôi và Phượng học chung với nhau suốt cấp hai, cấp ba ở thị xã nầy. Tôi chỉ là một học sinh trung bình còn Phượng vượt trội nhiều mặt. Nó học giỏi lại hoạt bát, tham gia đủ các hoạt động văn nghệ thể thao của nhà trường. Nó nổi hẳn trong đám bạn, bởi nó cũng là hoa khôi của lớp.
Nhìn hai gò má trắng mịn, nổi rõ những mạch máu li ti hồng hồng của nó làm tôi phát mê; không bù với nước da đen thui của tôi chút nào!
Đôi mắt nó mới độc đáo: thật sáng và trong veo. Mỗi lần hát, nó nhìn về ai, miệng hơi cười mỉm một chút, thì kể như người ấy bị nó hút hồn!
Trông nó mặc quần sọt trắng, áo thun trắng, nước da trắng hếu, tóc xõa gọn bờ vai, cầm cái vợt vũ cầu cười cười nói nói với mấy anh học lớp trên, trong lớp ai cũng ghen. Tuy nhiên không ai ghét nó, vì nó rất quan tâm đến bạn bè và nhất là nó có cách làm lành không chê được. Bạn gái nào giận, chỉ cần nó ôm thật chặt, vừa hôn vừa xin lỗi tía lia là hết giận ngay!
Mới lớp 10, tan trường, Phượng đã có mấy anh lớp 11, 12 chờ đón trước cổng. Nay nó ngồi trên ga xe mi mi anh nầy, mai trên yên Honda anh khác. Ai chọc, nó cũng tỉnh bơ. Lễ, tết… cặp nó đầy nhóc quà và thiệp mừng.
Lớp 11, Phượng có bạn trai riêng: anh Hoàng gần nhà nó, đang học năm thứ tư đại học tổng hợp. Mấy bạn trai trong trường ngẩn tò te!
Phượng tươi hẳn lên. Nó đẹp hẳn ra. Đi học đạp xe cạnh nó, nghe nó hát ríu rít mãi. Tuy nhiên Phượng học sút thấy rõ. Nó cũng ít tham gia hoạt động văn nghệ thể thao. Thỉnh thoảng anh Hòang đón nó ở cổng trường. Những ngày lễ, nó cũng hay về thành phố.
Phượng lại rủ thêm nhóm con Cúc, con Liên, con Thủy… Nó giới thiệu cho mỗi đứa một anh sinh viên. Bọn nó chưng diện đúng mốt: quần bò, áo thun, tóc rối…
Phượng tặng tôi mấy cái áo thun hở ngực thật đẹp. Nó lại rủ tôi tham gia nhóm nó nhưng tôi không dám: mẹ tôi khó lắm!
            Phượng rù rì:
- Anh Minh, đại học kỹ thuật đó! Lần trước về gặp mầy ảnh thích lắm. Ảnh nhờ tao giới thiệu mầy.
Tôi lắc đầu nguầy nguậy, trong bụng nghe vui vui. Lần đầu tiên trong đời, một cô gái tỉnh lẻ hơi xấu như tôi, có một người con trai –lại là sinh viên đại học kỹ thuật- chú ý thì còn gì thích bằng!
Phượng hiểu ý, đốc thúc mãi:
-Tuổi trẻ có một thời. Cứ yêu rồi xây dựng gia đình. Dại gì bỏ lỡ cái thời hoa mộng? Miễn đừng để người ta bỏ mình là được.
Giữa năm lớp 11, chúng tôi thấy Phượng khang khác. Có hôm cô giáo gọi, nó chỉ ú ớ, không trả lời được gì cả. Có bữa hết tiết học Phượng vẫn chưa hay!
Rồi nó xanh hẳn. Cả lớp xầm xì…
Vài tháng sau nó tươi trở lại. Anh Hoàng về thường hơn. Phượng cũng đi thành phố thường hơn…
                         *
*           *
Anh Minh mấy lần nghỉ lễ về Bến Tre đã ghé nhà tôi chơi. Tôi cũng bắt đầu trông hè và lễ, tết…
Phượng thường bảo nhỏ tôi và bè bạn:
- “Chuỵên…  ấy” đừng lo! Lỡ… vướng, tốn chút đỉnh là xong ngay.
Tôi lắc đầu:
- “Chuyện ấy” với tôi không đâu Phượng ạ. Tôi sợ lắm!
Hết năm 12 Phượng lấy chồng. Cũng anh Hoàng ngày trước. Anh Hoàng đã đi làm ở công ty du lịch thành phố. Chưa đầy một năm, anh đã sắm được Cub đời mới. Ngày cưới Phượng tụi tôi dự đông đủ. Phượng tươi như hoa, kéo Hoàng đi chụp ảnh hết bàn nầy bàn khác. Ai cũng ao ước cái hạnh phúc của Phượng-Hoàng.
Rồi Phượng về thành phố ở hẳn.
                        *
*                       *
Mười năm…
Trước mặt tôi bây giờ là một con Phượng tàn tạ đến không ngờ!
Tôi trở lên phòng khách, Phượng đang uể oải đảo mắt nhìn ngôi nhà vợ chồng tôi vừa mới xây năm rồi. Nghe tiếng chân, Phượng quay lại hỏi:
- Anh Minh đâu? Vợ chồng mầy bây giờ làm gì?
- Anh Minh đi làm. Tụi tao cùng làm ở sở khoa học công nghệ môi trường tỉnh.
Để phân trần, tôi vuốt vuốt cái bụng vừa mới căng nút áo nói:
- Mới mấy tháng mà coi bộ cậu ta quậy dữ. Hôm nay đành xin nghỉ! Chắc là con trai.
Mắt Phượng sáng lên, miệng cười méo xệch:
-         Sắp có con à?
-         Ừ.
-         Ông bà hạnh phúc quá!
Tôi thấy mắt Phượng dường như có nước. Vội bỏ chai nước ngọt đang khui, tôi nghiêng người ôm lấy Phượng hỏi dồn dập:
-         Còn mầy sao lại ra nông nổi nầy?
Phượng níu lấy tôi khóc thành tiếng:
-         Hoàng bỏ tao hai năm rồi!
Tôi như trên trời rơi xuống. Từ đầu đến giờ, tôi cứ ngỡ là Phượng và Hoàng làm ăn thua lỗ.
- Trời ơi! Sao lại bỏ? Hoàng yêu mầy lắm mà?
- Vâng. Những năm đầu thì yêu. Hoàng bảo tao cho Hoàng một đứa con. Ảnh là con một, không thể chần chờ. Gia đình làm dữ quá…
-         Rồi sao?
- Cuối cùng ảnh lén lút với một cô bạn cùng công ty và bỏ tao. Đã có một con trai rồi!
Tôi càng ngạc nhiên:
- Sao mầy không cho Hoàng một đứa con? Cũng  già rồi.
Tôi nghe tiếng Phượng như mếu:
- Tao bị… viêm đường sinh dục và đã… vô sinh!
Tôi hốt hoảng ôm chặt Phượng dựng dậy:
- Trời ơi! Hết phương chữa trị rồi sao?
- Vâng! Hết phương! Bác sĩ bảo vì trước kia tao nạo phá thai quá nhiều lần và quá bừa bãi…
Tôi ôm siết Phượng vào lòng. Tiếng khóc rấm rứt của nó làm tôi chết lặng. Tôi chợt da diết nhớ quãng đời học sinh thơ mộng ngày nào, chợt nhớ tụi con Cúc, con Liên, con Thủy cũng đã bặt tin mười năm nay. Không hiểu bây giờ tụi nó ở đâu và ra sao?


Hoa Lộc Vừng - ảnh: Nguyễn Thị Thẩm.

                                                                                                                      2002
                                                                                                                      N.A.C

                                              

22/06/2014

THẦY và BẠN

Vương Đức Bình

Mùa hè qua mau...


Tôi ít có bạn học thân thiết để mà nhớ mặt nhớ tên và cũng ít gần gũi thầy cô của mình. Đơn giản là vì hồi tôi còn nhỏ ba mẹ cứ phải đổi chỗ ở hoài. Ba mẹ kiếm sống vất vả, lúc thì ở một cái huyện tít mù xứ muỗi Cà Mau, bước ra khỏi nhà mấy bước là đụng rừng sậy rừng đước mịt mùng, khi thì ăn nhờ ở đậu nhà ông bác ở Sài Gòn, ở một con đường nghe cái tên cũng tức cười – đường Da Bà Bầu - cơm cháo không mấy no lại quay đầu về Sóc Trăng sống với ông bà nội, suốt ngày nhong nhong ngoài ruộng với mấy con cua đồng và với mấy đứa nhỏ mốc cời người dân tộc Khmer. Cái kiếp trôi sông lạc chợ như vậy dù không đến nỗi phải bỏ học nhưng thậm chí có lớp mới vào học hơn tháng, chưa kịp thân với bạn nào đã phải lặng lẽ xách bị đệm đi xứ khác. Chẳng những không nhớ bạn cũ mà ngay cả thầy cô cũ hồi tôi còn nhỏ bây giờ cũng chỉ nhớ được thầy Mô khai tâm tôi hồi lớp năm và lớp tư, còn thì kí ức của tôi tệ đến nỗi vô phương nhớ được các thầy cô khác đã dạy tôi hồi tiểu học, đệ thất và đệ lục.

Phần lớn kí ức của tôi trong quãng đời học tập là từ lớp đệ ngũ trở đi vì từ đó việc học tập của tôi mới đi dần vào ổn định. Ba mất sớm, khi tôi mới 12 tuổi, thế là mẹ dẫn cả bầy con về quê ngoại Bến Tre! Nhưng trước đó phải lên Sài Gòn ăn nhờ ở chực hết nhà của bác rồi nhà của cậu đâu gần cả năm, lơ ngơ láo ngáo chẳng học hành gì! Khi tôi được nhận vào lớp đệ ngũ Trường Trung Học Công Lập Kiến Hòa thì đã gần hết đệ nhất lục cá nguyệt, không biết mẹ năn nỉ thầy hiệu trưởng làm sao để thầy cho tôi được vô học nữa! Hậu quả là lớp có 52 học trò thì hầu như tháng nào tôi cũng hạng 50 hoặc 51. Không biết đứa nào xui rủi học dở hơn tôi hạng 52 thì tôi… không nhớ! E hèm… vậy cũng tốt, có đứa hạng bét dở hơn thì tôi cũng đỡ quê! Trừ các môn âm nhạc, vẽ, còn thì chỉ có môn Việt văn của thầy Nguyễn Văn Cò và môn Pháp văn của thầy Nguyễn Duy Oanh là tôi ấm ớ được chút đỉnh, còn mấy môn khác tới giờ học là tôi sợ bị kêu trả bài đến xanh mặt! Đặc biệt tới giờ môn toán của cô Uyển là trái tim của tôi nó rớt tọt xuống dưới chân, mỗi khi bị cô gọi lên bảng là trái tim đập phình phịch giữa hai cái chân ốm nhách run rẩy đi muốn té! Vậy đó, nhưng tôi cũng lên được lớp đệ tứ sau khi bị thi lại mấy môn. Hồi đó thi rớt bằng trung học đệ nhất cấp thì vô quân trường Quang Trung là cái chắc. Mẹ lo sợ lắm nên mùa hè năm đó mẹ mua cho tôi mấy cuốn sách giúp trí nhớ mỏng dính để tôi tự ôn, tự lấy lại căn bản! Dù vậy tôi làm gì có thời giờ để học cho chu đáo như mấy đứa khác. Mẹ phải đi làm, mấy đứa em còn nhỏ lắm nên tôi phải lo tất tần tật chuyện giặt giũ, gánh nước, kiếm củi và nấu cơm. Ngày nào cũng xách cái rổ xúc nhảy xuống con kinh trước nhà để chao tép và nếu tệ lắm thì mỗi ngày phải ráng kiếm cho được một tô hến mới có cái gì mặn mặn dằn bụng đi học. Làm gì có thời giờ học bài. Ôi trời, cái khó làm ló cái khôn! Vậy là tôi nghĩ ra cách học: Trước hết phải đọc thuộc lòng đề bài, nhớ hết các giả thiết và yêu cầu chứng minh (Để thuộc lòng đề toán thì chỉ cần ít phút thôi!) Nhờ nhớ như vậy tôi không cần phải cầm cuốn sách hay cây viết nữa. Rồi tôi phải tập tiếp một khả năng nữa: ngồi giặt quần áo cho mấy đứa em cũng suy nghĩ về bài toán, đang ở dưới mương chao cá lòng tong cũng suy nghĩ về lời giải bài toán, đang đi ngoài đường cũng suy nghĩ về bài toán, thậm chí đang ngủ cũng suy nghĩ về bài toán. Đó là một khả năng hoàn toàn có thể luyện tập được (Nhưng xin bạn nào đang đọc lời trần tình của tôi đây đừng bắt chước cái kiểu đó trong lúc lái xe nghen, tôi không chịu trách nhiệm đâu!). Khả năng đang ngủ mà vẫn suy nghĩ là một khả năng hoàn toàn có thật. Minh chứng là sau này, khi đã làm thầy giáo dạy toán rồi (sic), nhiều đêm tôi vẫn sực tỉnh giấc giữa cơn mơ thấy mình đang giải mấy bài toán khó đã ra cho sinh viên mà chưa kịp viết vào giáo án hoặc không có đủ thời giờ ban ngày để giải ra cụ thể. Cũng nhờ khả năng đó mà lên lớp 12 tôi thoát nạn khi bị thầy Lê Văn Trinh kiểm tra bài tập: trong lúc có một đứa đang giải toán trên bảng – hình như là Nguyễn An Cư - thì thầy đi kiểm tra mấy đứa chuẩn bị bài ra sao. Tới bàn tôi thầy biểu mở tập ra cho thầy coi. Có trời đất chứng giám! Cuốn tập của tôi trống trơn không có lấy một dòng bài giải. Có lẽ thầy giận lắm nên hỏi một câu cụt lủn: Sao hả !!? Tôi gải đầu lắp bắp: Em có giải rồi. Thầy hỏi một câu còn cụt hơn: Đâu ? Tôi đáp rụt rè: Em chưa ghi vô tập. Tôi chắc là thầy nghĩ cái tên này vụng chèo… mà cũng vụng chống đây. Tôi còn nhớ thầy cười… một nụ cười khó hiểu: Giỏi hen, vậy lên bảng giải cho tui coi! Trời đất, tôi bước lên bảng trong trạng thái của một cơn mê sảng… Trong cơn mê đó tôi đã giải tròn trịa bài toán. Sau đó thầy chỉ cười độ lượng và hừ một tiếng xóa tội cho tôi!

Nhưng mà khả năng đó cũng không làm tôi “vượt lên chính mình” được. Phải có hai người quan trọng mà trời đất sắp xếp để giúp tôi lấy lại lòng tự tin, giúp cho tôi thấy rằng tôi không phải là đứa chuyên ở gần hạng bét, và rằng tôi… cũng có chút giá trị nào đó trong cuộc đời!

Người thứ nhất là thầy Trần Thanh Sao, thầy dạy tôi môn vật lí hồi lớp đệ tứ. Tôi thích cách dạy của thầy lắm: khoan thai, mạch lạc và hấp dẫn. Nhưng như đã nói trên, tôi là đứa học trò không hồi nào thuộc bài (hiểu theo nghĩa đọc vanh vách cái gì được chép vô tập). Bởi vậy mỗi lần ấp úng lên trả bài là tôi có nguy cơ nhận cây gậy dưỡng già hoặc con ngỗng về nấu cà ri! Lần đầu tiên thầy gọi tên lên trả bài, tôi ngắc ngứ đứng trồng cây trên bảng, tự nhiên quên đâu hết trơn bài học. Thầy hỏi hiền từ: Em chưa học bài hả? Tôi đáp lí nhí: Dạ, em hiểu bài nhưng không đọc lại được. Thầy đưa cho tôi cục phấn và nói: Em hiểu làm sao, cứ nói lại coi. Tôi lấy lại bình tĩnh, và tôi bỗng dưng “thông minh đột xuất”! Cầm lấy viên phấn tôi trình bày lại như mình hiểu về điện trở, cường độ dòng điện và điện thế cũng như các công thức liên quan. Thiệt tình là khi trình bày xong tôi đã đứng ngây người chờ “kêu án”. Dè đâu thầy cười hiền từ nói gọn: Tốt! Tôi được điểm tuyệt đối. Nếu tính theo thang điểm 10 thì đó là điểm 10 đầu tiên trong cuộc đời học trò của tôi. Dù sau này tôi còn được nhiều điểm 10 khác, kể cả sau này khi tôi học ở Trường Đại Học Bách Khoa, mỗi lần nhớ lại cái điểm 10 đó tôi còn muốn khóc. Trước điểm 10 đó hình như tôi chỉ làm cho các thầy cô bực bội vì… ngu. Điểm 10 đó và sự ôn tồn của thầy đã mở tung cánh cửa tâm trí cho tôi. Nếu thầy Mô là người đã khai tâm cho tôi thì thầy Trần Thanh Sao mới là người mở trí cho tôi. Gần đây đọc một bài trong tạp chí Scientific American nghiên cứu về vai trò cốt yếu của người thầy dạy khoa học trong thời đại công nghệ thông tin – thời đại mà tri thức tràn ngập không gian thông tin, chỉ cần gõ một dòng từ khóa vào Google và một cái nhấp chuột là có gần đủ các tri thức cần biết - người ta xác định rằng điều quan trọng nhất của người thầy ấy là truyền được cảm hứng và lòng yêu khoa học cho học sinh chứ không phải bản thân cái khối lượng kiến thức cần phải nhồi nhét. Tôi mang ơn và may mắn biết bao có được một người thầy đức độ và “đi trước thời đại” như thế trong cuộc đời.

Người quan trọng thứ hai là thằng bạn tên Việt. Việt nó học giỏi toán thì khỏi phải nói rồi mà nó còn giỏi nhiều môn khác nữa. Tôi thích nó và hay tới nhà nó chơi trước tiên không phải tại vì nó giỏi. Tôi thích nó trước tiên vì… nó không có Ba giống như tôi. Tại sao nó không có Ba thì tôi không biết, và cũng không nên biết. Thời kì chiến tranh đó đừng hỏi vì sao người đàn ông không thấy có mặt ở nhà! Cái câu hỏi đó khó trả lời hoặc là một câu hỏi nguy hiểm! Má nó là một người phụ nữ mộc mạc, rất hiền, có một sạp bán guốc ngoài chợ. Má nó và mẹ tôi quen nhau, thỉnh thoảng mẹ cũng sai tôi đem mấy đôi guốc mòn sứt quai của bà tới nhờ má nó đóng lại bộ quai mới, cũng là một lí do để tôi đến nhà nó. Lí do khác là nó chẳng bao giờ “chộ” tôi vì những kiến thức tôi bị thiếu sót, mất căn bản, và nếu tôi vẫn còn u ơ thì nó thân ái nhắc lại một cách nhẹ nhàng, giải thích tận tường như thể nó là thầy của tôi vậy. Cứ thế, cho đến lớp 12 thì tôi cũng được “ngang ngửa” với nó rồi. Nói rằng tôi thân với nó thì cũng không thân. Việt là đứa con ngoan, chăm chỉ hạt bột, trừ đến trường tôi không thấy nó đi chơi, còn tôi là đứa đôi khi lêu lổng – thậm chí “cúp cua” và có lần còn bị cấm túc. Khi đi đâu chơi hầu như tôi quên nó mà đi với bạn khác. Giả sử tôi có rủ rê nó – ví dụ đi uống cà phê nghe Ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn ở quán Giao Châu (không phải tôi đã đến hồi dư dả gì đâu, chỉ là nhịn ăn sáng để uống cà phê tối mà thôi) - chắc nó cũng không đi đâu! Dù vậy, nó quan trọng đối với tôi, cả trong học tập lẫn trong tình bạn. Còn tôi có quan trọng đối với nó không thì tôi không biết. Biết làm sao được khi bạn có một người bạn luôn luôn trầm tĩnh, kín đáo, chẳng khi nào nói với bạn chuyện gì trừ chuyện học!
          Thời cuộc gây ra biết bao nhiêu ngả rẽ trong cuộc đời. Những nhánh sông rồi mải miết chảy về phía trước, chẳng bao giờ gặp lại. Tôi với nó cũng vậy. Tính ra đã gần 40 năm rồi bặt tin nhau. Có một lần họp mặt ở quán Nhường Trà, thấy tôi ngồi chông ngốc một mình, và chắc cái bản mặt của tôi giống cái đám un hay sao đó nên một bạn trong ban tổ chức đến hỏi: Sao ngồi cô đơn vậy? Không gặp bạn cũ nào à? – Đúng rồi có khi người ta cô đơn kinh khủng giữa một đám đông những người quen biết. Nhà thơ Lamartine đã viết “Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!”. Lamartine viết câu đó vì mất người tình Envy. Còn tôi, tôi không mất một người tình, chỉ là thiếu một người bạn mà hồn tôi cũng trống vắng vô cùng.


eTf

10/06/2014

Hoa khôi ngày ấy
          Truyện ngắn: Nguyễn An Cư

             Sau bữa tiệc hội ngộ, đám bạn bè chúng tôi bỗng nổi hứng kỳ cục! Chúng rủ nhau đạp xe ngót hai mươi cây số về Long Thạnh thăm cô bạn gái đang dạy ở đấy. Có lẽ cũng tại thằng Minh nhắc về cô ấy trước nhất. Mà nếu nó không nhắc, khi họp mặt đông đảo bè bạn cũ như thế này, chắc chắn rằng trong tâm trí chúng tôi đứa nào cũng nghĩ về cô bạn gái đã một thời làm chúng tôi điên đảo!
            Cậy có chút rượu vào người, thằng Minh bưng ly rượu bạo mồm bạo miệng tuyên bố:
- Bây giờ tao nhậu hết ngon rồi tụi bây ơi! Tao nhớ hoa khôi lớp mình hồi xưa quá…
Cả bọn cười hố hố:
- Ngon! Cái thằng nầy ngon! Không sợ thằng Vinh nó đập bể mặt à?
Minh nhừa nhựa:
-  Tao cóc sợ thằng nào hết! Nhớ thì nói nhớ chứ tao có làm gì con Thúy Hằng đâu mà thằng Vinh đập tao? Vả lại nghe nói thằng Vinh với con Thúy Hằng dường như chia tay rồi! Tụi bây đừng có giả bộ. Lớp mình thằng nào mà không thương trộm nhớ thầm con Thúy Hằng. Làm như chỉ mình tao vậy! Có phải vậy không? Đứa nào có ngon thì đi với tao xuống Long Thạnh thăm nó.
Chỉ có thế là cả bọn kêu chủ quán tính tiền rồi cùng đạp xe về Long Thạnh!
Thằng Minh nói đúng. Hồi đó học chung lớp 12, bọn chúng tôi đứa nào không mơ ước được Thúy Hằng đáp lại tình yêu. Thúy Hằng không những là hoa khôi của lớp mà còn của cả Trường cấp 3 Nguyễn Đình Chiểu nữa. Đứa thì chăm chút đưa đón con Thúy Hằng, đứa tặng quà cáp, đứa gởi thơ tình… Thằng nào được con Thúy Hằng nhờ vả một chuyện nhỏ cũng sướng như điên và chắc chắn đêm đó sẽ nằm tưởng tượng lung tung! Như thế không phải là đã mơ trộm nhớ thầm Thúy Hằng như thằng Minh đã nói hay sao?
Lúc đầu đám con trai trong lớp kình địch, nguýt háy với nhau dữ dội. Nếu không phải là mái trường cách mạng sau giải phóng thì thằng Quang đã đánh lộn với thằng Minh rồi! Về sau, khi biết con Thúy Hằng đã yêu thằng Vinh học trên một lớp, cả bọn con trai trong lớp ngẩn ngơ buồn. Chúng tôi không còn ganh nhau nữa. Ai nấy xem chuyện mất Thúy Hằng là nỗi nhức nhối chung! Cũng từ đó, cả bọn xem Thúy Hằng như là đóa hoa đẹp, cả lớp cùng chiêm ngưỡng. Thế thôi!
Thằng Minh oang oang cái họng:
-  Tụi bây biết tao nhớ Thúy Hằng nhất là điểm nào hôn? Đôi môi của nó lúc nào cũng đỏ tươi như mời mọc. Hồi đó, được hôn Thuý Hằng một cái thì trượt tốt nghiệp cấp ba tao cũng bằng lòng.
Thằng Quang nạt thằng Minh tới tắp:
-  Cái mặt mày lúc nào cũng hồ đồ như Trư Bát Giới. Gặp đàn bà con gái là muốn cắn muốn xé! Cũng cái tính đó mà ba mươi mấy tuổi đời chưa có cuộc tình vắt vai. Cô nào dám yêu mầy chứ?
Thằng Minh lại cười hô hố:
-  Kệ tao. Tao biết mầy chỉ thích được ngắm em cười, được nghe em thỏ thẻ để về mơ mộng… làm thơ. Nhà thơ mà! Nói như tao là động chạm đến thần tượng của mầy.Yêu trăng yêu gió như mầy mà cũng yêu! Không nghe nhà thơ Xuân Diệu - ông tổ của mầy - nói sao: “Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích”, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”!
Có tiếng thằng Thanh chen vào:
- Đúng! Tao cũng không thích yêu vớ vẩn. Tao cũng muốn được hôn lên đôi má hồng của Thúy Hằng, được vuốt mái tóc thề đen nhánh của nó, muốn được cắn… cắn cái gì hén?
 Cả bọn chúng tôi cười khoái trá:
-         Cắn cái… xuân hồng!
Có tiếng đứa nào phía sau hét toáng lên:
-   Đúng là tụi bây nham nhở quá! Tao lại khác. Tao ao ước được dạo phố và xem phim với Thúy Hằng. Như thế có phải thơ mộng và tình tứ hơn không? Vóc dáng tha thướt và giọng nói ngọt lịm của Thúy Hằng mà đi dạo phố và xem phim với mình thì… nhớ đời!
Các bạn tôi lại cười vang nhạo báng:
- Ai vậy ta? Lại thêm một… nhà thơ nữa! Không ngờ nhà thơ bây giờ như lá mùa thu! Tiếc rằng không phải những chiếc lá hiếm hoi quí giá còn sót lại trên cành mà là những chiếc lá úa vô dụng rụng đầy đường. Thảo nào thơ rẻ hơn bèo cũng phải! Mà mục đích cuối cùng của tình yêu đối với tụi bây là cái gì?
Cả bọn chúng tôi im lặng. Dường như tất cả đang cùng trôi về thời dĩ vãng. Mỗi đứa chúng tôi nhớ và thích hoa khôi của lớp mình một nét riêng như vậy đó. Nếu gộp lại những nét đẹp mà mỗi đứa bạn chúng tôi phát hiện thì Thúy Hằng đúng là một hoa khôi toàn bích. Bây giờ chúng tôi đã lớn, có phải như thời học sinh rụt rè nhút nhát đâu; nhất là nhiều đứa đã qua mười mấy năm trong quân ngũ, lại thêm có rượu vào thì còn ngại ngùng gì những chuyện bình thường ấy mà không dám nói. Riêng tôi, đã mấy lần đi dạo phố, uống cà phê, nghe nhạc riêng với Thúy Hằng. Đúng là… nhớ đời! Tôi nhớ Thúy Hằng nhất ở đôi mắt. Trong sáng và đẹp làm sao ấy! Thúy Hằng không những cười bằng miệng mà còn cười bằng mắt. Mỗi lần Thúy Hằng nhìn tôi cười, lòng tôi chao đảo chơi vơi; đêm về khao khát một vòng tay âu yếm và tiếng thủ thỉ của Hằng. Đến nỗi, khi công tác xa nhà, tôi nhớ Thúy Hằng nhiều hơn nhớ… gia đình!
Cứ thế, câu chuyện về Thúy Hằng, về trường xưa bạn cũ rơm rả suốt quãng đường dài. Thằng Minh nghêu ngao hát mãi bài Hành khúc ngày và đêm: “Bồi hồi đêm xuất kích chợt nghe tiếng pháo ran. Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ. Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào…”
                                    *
                        *                       *

Minh họa: Thạnh Trị

Xong lớp mười hai năm ấy, mặt trận Tây Bắc bùng nổ. Chúng tôi chia tay nhau mỗi người một ngả. Tốp bạn chúng tôi, khoảng mười mấy đứa tình nguyện vào bộ đội ra chiến trường phía Bắc. Số còn lại, vào các ngành nghề, trong đó có tôi. Thúy Hằng thi vào trung học sư phạm tại tỉnh nhà và ra trường đăng ký xung kích về dạy một xã vùng sâu của huyện Long Thạnh. Lúc đó phong trào tình nguyện của Đoàn Thanh niên Cộng sản mạnh lắm. Thanh niên mà ngại khó, lánh nặng tìm nhẹ sẽ bị liệt vào hạng không có tinh thần trách nhiệm, “khó sống” lắm!
Mười mấy năm qua, bạn bè đi bộ đội giải ngũ gần hết. Lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp hội ngộ đông đảo như thế này. Đó cũng là đề xuất của thằng Long, cựu lớp trưởng. Đứa bộ đội, đứa giáo viên, đứa nhà báo, đứa làm vườn, đứa xe ôm, mỗi người một cảnh. Có điều buổi họp mặt hôm ấy không có một bóng hồng xưa nào. Đám con gái cùng lớp vốn ít ỏi, đứa bận bịu chồng con, đứa ở xa không dự được. Cả bọn con trai chúng tôi như thiêu thiếu một cái gì! Khi thằng Minh bảo cuộc tình Thúy Hằng với Vinh không suôn sẻ, ai cũng thầm xót xa. Chính vì vậy, khi nghe thằng Minh đề nghị về Long Thạnh thăm Thúy Hằng thì không ai chối từ. Không hiểu còn có người bạn nào khác hay không chớ riêng tôi, bỗng dậy lên một hy vọng mong manh của chàng Từ Hải, muốn được mở lòng bảo bọc nàng Kiều!
                                    *
*                       *

Thằng Minh đập phành phạch vào tấm vách lá nhà tập thể Trường Tiểu học Long Phú hỏi:

-         Cô giáo ơi, cho tôi hỏi thăm cô Thúy Hằng.
Một cô giáo có nước da bánh mật chạy ra trả lời:
- Cô Thúy Hằng dạy bên trường trung học cơ sở mà.
Thằng Minh cãi lại:
- Không phải! Tôi muốn hỏi thăm cô Thúy Hằng dạy trường tiểu học ấy.
Cô giáo cười:
- Anh lạc hậu lắm rồi! Đúng là trước kia cô Thúy Hằng dạy tiểu học. Cô ấy đã tốt nghiệp đại học và chuyển lên trung học cơ sở rồi. Không những vậy, mấy năm nay cô còn được đề bạt làm phó hiệu trưởng!
Thằng Minh ngạc nhiên kêu lên:
- Vậy à?
-  Đúng vậy! Cô ấy phấn đấu rất tốt và nổi tiếng lắm! Nhiều năm liền là giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh đó.
Minh càng ngạc nhiên hơn:
-         Vậy lận à?
Thấy Minh còn đang ngơ ngác, chưa chịu đi, cô giáo kể lể tiếp như là muốn trút đi nỗi uất ức chất chứa từ lâu:
- Đúng vậy. Chỉ tội, người giỏi giang, tốt bụng như vậy mà cậu Vinh lại bỏ rơi! Cậu ta coi mủ mỉ mà bạc tình!
Minh há hốc:
-         Bỏ thật sự rồi à? Sao lại bỏ?
Cả bọn chúng tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác!
Được khơi dậy bản tính thường tình của một số phụ nữ, cô giáo có nước da bánh mật kể lể đủ thứ chuyện:
-  Lúc đầu cậu Vinh bảo cô Hằng nghỉ việc về thành phố sống với cậu ấy. Cậu ta là kỹ sư mà! Cô Hằng một mực không chịu bỏ nghề. Cổ nói, về bỏ mấy đứa học trò bơ vơ tội lắm. Những năm đầu cậu Vinh còn lui tới thăm nom. Về sau thưa dần và khi thấy cô Hằng…  xuống sắc thì bỏ luôn!
Chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Thúy Hằng hồi đi học sung sướng sang trọng như một tiểu thư đài các. Vì thế Thúy Hằng giống như một loài dây leo mong manh lúc nào cũng phải bám víu vào những cành cây vững chải là gia đình và bè bạn. Không ngờ bây giờ cuộc đời Thúy Hằng lại gian truân mà cũng lại bản lĩnh đến như thế. Có ai ngờ cô gái yếu đuối như Thúy Hằng xưa kia, bây giờ lại có thể làm lãnh đạo gánh vác công việc cả trường? Tình yêu nghề nghiệp hay sự vấp ngã trong tình cảm riêng tư đã xốc nàng đứng dậy, đã thay đổi được bản chất yếu đuối của Thúy Hằng? Thôi, vì lý do gì, tôi cũng mừng cho Thúy Hằng tiến bộ.
Theo lời cô giáo chỉ, chúng tôi lại sang nhà tập thể Trường Trung học cơ sở Long Phú ngồi chờ Thúy Hằng và nghe các cô giáo ở đây tíu tít kể về người lãnh đạo của họ một cách thán phục. Mắt chúng tôi lúc nào cũng đau đáu ngóng ra dòng sông mênh mông nước đang êm ả chảy thật thơ mộng vắt qua cánh đồng bát ngát trước cửa trường trông đợi Thúy Hằng về.
Một cô giáo trấn an chúng tôi:
- Chị Hằng sắp về thôi. Chị chèo ghe sang ủy ban có chút việc trường.
- Trời ơi! Cô ấy biết chèo ghe à? Một người bạn tôi hỏi.
Cô giáo trẻ, quê thành phố, có tên như một nghệ sĩ – Vân Hạ – nhìn chúng tôi cười bảo:
-  Dạ, không riêng gì chị Hằng. Ở vùng sông nước này, ai về đây ít tháng cũng đều biết bơi và biết chèo ghe hết. Chị Hằng về trước chúng em. Chị kể lại rằng hồi trước ở đây vắng vẻ lắm, rất ít đò ghe qua lại; trường còn ở bên kia sông, mỗi ngày đi dạy chị Hằng phải ôm thùng nhựa bơi qua sông.
Cả bọn chúng tôi mở mắt thô lố. Chúng tôi không ngờ cô giáo mà phải vất vả như vậy? Tôi  những tưởng cảnh lặn lội vất vả ấy chỉ có trong giới bộ đội bạn bè chúng tôi!
Thảo nào trông cô nào cô nấy nước da cũng có màu bánh mật!
Tôi đảo mắt nhìn căn nhà tập thể trường. Cũng ộp ẹp, phên tre mái lá đơn sơ. Cũng nền đất lở lói như  những lán trại của các bạn tôi lúc đóng ở rừng mà tôi đã có dịp đến thăm. Cũng mấy cái giường gỗ tạp. Cũng mấy cây đinh trần trụi để mắc áo, không tủ không rương. Có điều tất cả sạch sẽ, ngăn nắp hơn chúng tôi!
 Điều đập vào mắt chúng tôi mạnh nhất là trên mỗi cái bàn viết xiêu vẹo đóng tạm bợ bằng mấy mảnh bàn học sinh cũ đều có một cái đèn dầu; ống khói đèn nào cũng trùm cái chụp giấy cháy vàng!
Thoáng thấy có mấy chiếc áo trẻ con đang phơi ngoài sân. Tôi thắc mắc hỏi Vân Hạ:
- Ở đây mấy cô đã có gia đình?
Vân Hạ cười buồn:
-  Làm gì có anh! Chúng em đều độc thân. Tất cả cô giáo dạy ở đây đều từ thành phố và thị xã về. Bà con, thanh niên nông dân thấy chúng em thì ngại không bước tới. Có lẽ họ sợ chúng em cao sang không gánh vác nổi công việc đồng áng, không thích ứng với vùng đồng chua nước mặn như thế nầy. Ngược lại, thú thật chúng em cũng… hơi ngán!
Vân Hạ vừa dứt lời, một tốp thanh niên mặt mày đỏ gay ngã nghiêng ngã ngửa bước vào nhừa nhựa:
- Các cô giáo đâu rồi? Nấu nước các anh uống coi. Nhanh lên!
Khi thấy chúng tôi đông đảo, một số lại mặc đồ bộ đội, các thanh niên nầy tản lờ bỏ đi. Có người nói:
- Về tụi bây ơi! Bữa nay các em bận tiếp người yêu rồi, không tiếp mình đâu!
Vân Hạ than:
-  Thanh niên ở đây như vậy đó. Làm thì giỏi nhưng hầu hết đều rượu chè be bét như thế! Tối tối họ nhậu say đập cửa hoài. Khiếp lắm. Chúng em sợ lấy chồng như vậy lắm!
Tôi nhìn ra sào quần áo và hỏi lại:
- Không ai có gia đình sao lại có quần áo trẻ em?
Vân Hạ đáp:
- Dạ, của mấy em học sinh nhà bên kia sông ở trọ cùng chúng em. Thấy chúng đi về quá cực khổ, chúng em bảo chúng trọ lại đây và cơm nước cho chúng nó luôn.
Thằng Minh nói:
- Làm cô giáo cũng cực quá hén. Đàn ông chúng tôi xin chịu! Đúng là “cô giáo như mẹ hiền”. Người ta nói không sai.
Vân Hạ cười:
- Cũng muốn làm mẹ hiền lắm nhưng không được!
Thằng Minh chạy ra lu nước rửa mặt. Vừa hớp nước vào miệng, nó phun phèo phèo, chạy trở vô la  oai oái:
- Nước ở đây sao mặn đắng thế nầy?
Vân Hạ cười ngặt nghẽo:
- Nước nôi ở đây như vậy đó. Vùng biển mà anh! Bây giờ đã đỡ nhiều rồi. Những năm tám mươi, chưa ngăn mặn, quanh năm nước mặn đắng, ruộng rẫy bị sâu rầy mất trắng, bà con và chúng em còn khổ hơn. Sống giữa ruộng đồng, sông nước mênh mông mà phải ăn độn cao lương và thiếu nước sử dụng! Trường lớp, bàn ghế, giáo viên… thiếu trầm trọng; phòng nào cũng học ba ca, học sinh phải ngồi dưới đất. Chúng em có người phải dạy hai lớp, tối còn phải dạy bổ túc văn hóa. Thân gái cũng phải băng rừng lội rạch trong đêm. Chúng em những tưởng mình phải bỏ việc, không ngờ bám trụ được đến bây giờ! Cực khổ còn chịu đựng được, chỉ có một điều đáng sợ…
Vân Hạ bỏ lửng câu nói giữa chừng, mắt cô hơi buồn. Tuy nhiên chúng tôi đều hiểu; bởi tâm sự nầy nhiều người đã hiểu. Vâng! Chỉ có một điều đáng sợ là… thời con gái sẽ đi qua, không được làm mẹ hiền như Vân Hạ đã nói!
Bạn tôi có người dường như hối hận nên bảo:
- Lúc chiến đấu cực khổ ở biên giới phía Bắc, tao chỉ nghĩ thầy cô giáo là những người quần là áo lượt, chân dép chân giày và ưa đèo bòng, đòi hỏi! Vì vậy thú thật nhiều lúc tao không khoái giáo viên. Không ngờ…
Có bóng dáng một chiếc thuyền con cập bến. Vân Hạ nói:
-         Chị Thúy Hằng về.
Chúng tôi đổ xô ra bến ghe. Quang là người chạy ra trước tiên. Nó đưa tay vẫy và lớn tiếng gọi, giọng cố kéo dài ra: “Chào… hoa… khôi!”.
Bỗng Quang im bặt. Nó luống cuống đưa tay kéo Thúy Hằng lên bờ. Thúy Hằng xúc động ngã vào vòng tay Quang im lặng thật lâu và hai hàng nước mắt chảy dài. Chúng tôi cũng xúc động đứng nhìn, không ai tỏ vẻ khó chịu hay ghen tức với Quang. Chúng tôi biết tình cảm ấy Thúy Hằng không phải dành riêng cho Quang mà cho cả bọn tôi. Có trải qua mười mấy năm cực khổ, cận kề cái chết mới thấy được tình cảm lớn lao ấy. Có lẽ Thúy Hằng quá xúc động, không ngờ bọn tôi lại lặn lội về thăm. Như sực nhớ ra mọi người đang nhìn mình, Thúy Hằng đẩy nhẹ Quang ra, đưa tay quẹt nước mắt, miệng lắp bắp:
-  Không ngờ…, không ngờ  lại gặp các anh ở đây!
Chúng tôi ngắm Thúy Hằng trân trối. Nàng ốm và đen quá! Mái tóc bồng bềnh đen mướt ngày nào tôi thầm ao ước được một lần vuốt nhẹ nay đã vàng cháy. Đôi má hồng hào và đôi mắt đen láy mà đám bạn tôi từng ao ước được một lần kề môi hôn giờ đã trũng sâu!...
Như đọc được suy nghĩ của chúng tôi, Thúy Hằng mỉm cười bảo:
- Em thay đổi nhiều quá phải không? Hay nói đúng hơn, hoa khôi của các anh ngày nào đâu còn nữa! Gần hai mươi năm tất tả rồi còn gì!
Thúy Hằng nói thêm:
- Nhưng các anh đừng thấy thế rồi thương hại nha! Chúng em ở đây cũng có nhiều niềm vui lắm: học sinh, đồng bào…
Tôi tự hỏi: “Có thật như vậy không?”.
Nhìn dung nhan tiều tụy của Thúy Hằng chúng tôi ai nấy cũng chạnh lòng. Phải rồi! Công việc chồng chất ấy, dòng sông mặn chát kia, cánh đồng nắng gió nghiệt ngã nầy, chiếc đèn dầu với cái chụp giấy cháy vàng ấy… đã cướp đi thời con gái của các cô giáo vùng sâu!

Các bạn tôi trò chuyện với Thúy Hằng có vẻ gượng gạo, không tự nhiên lắm. Ai cũng ngại ngùng, không dám nhìn thẳng vào mắt Thúy Hằng!  
Mặt trời đã ngã xuống cánh đồng. Chiều quê thật bình lặng yên ả. Có lẽ mấy chục năm nay ở đây cũng bình lặng yên ả, ít người biết đến như thế này? Chúng tôi uể oải đứng lên từ giã các cô giáo. Thỉnh thoảng tôi ngoáy lại nhìn, vẫn thấy Thúy Hằng đứng dõi mắt trông theo chúng tôi đến khi mất hút…
Dòng sông quê chợt không còn thơ mộng như lúc chúng tôi mới đến. Nước sông vẫn êm đềm nhưng bỗng như cuồn cuộn chảy cắt lòng tôi!
Đường về, chúng tôi lầm lũi đạp xe và rất ít trò chuyện với nhau, nhất là không còn nghe ai nhắc đến hai tiếng “hoa khôi”!

                                                                                                                                 NAC.

02/06/2014

Đến hẹn lại lên


            Sáu Quang

            Vẫn với âm thanh rền rền của chiếc xe lam cũ kỷ ngày nào…Mùa này, đường về Tiên Thủy – Hàm Long rất đẹp với hoa phượng đỏ nở rực dọc hai bên đường.

                                

            Cũng trên chiếc xe lam(lambro 550) như hàng năm, sáng 1/6(mùng 4 tháng 5 âm lịch), tụi tôi gồm bảy đứa lên nhà bạn Nguyễn Văn Ba(Ba On) tại xã Tiên Thủy ăn bánh xèo. Riêng bạn Trần Minh Tiên do còn bệnh nên nhờ đứa con trai chở lên nhà Ba On bằng xe nhà. Trên xe còn có thêm bạn Diệp Hồng – vợ của bạn Tiên – để tiện việc săn sóc. Mùa này(dịp tết Đoan Ngọ) đường từ thành phố Bến Tre lên đến Tiên Thủy rất đẹp với cây xanh, bóng mát và nhất là hoa phượng đỏ nở rực dọc hai bên đường.
            Trong âm thanh phom phom, đều đều và đằng sau là làn khói trắng cuồn cuộn của chiếc xe lam, bất chợt bạn Thẩm nhớ đến quãng thời gian hơn bốn mười năm về trước: “Hồi đó lên nhà bạn Trần Thị Thanh(nhà của bạn Thanh xã Tiên Thủy, quận Hàm Long) chơi, dọc hai bên đường là đồng ruộng, vườn tược chớ nhà của không san sát như bây giờ”. Thỉnh thoảng bạn Thẩm lấy máy chụp hình ra khi thấy những cành hoa phượng treo giăng giăng trước mắt nhưng rồi không kịp chụp.

Hoa Phượng - ảnh: Nguyễn Thị Thẩm

            Sau đúng một năm gặp lại Ba On ở khung cảnh này, tay bắt, mặt mừng xong là tôi hỏi:”Anh Ba có biết chủ nhân của những gốc phượng ven đường từ sân bay cũ đến Tiên Thủy?” Ba On cười: “Tao đây…”Thì ra, khi Ba On còn làm Phó Chủ tịch huyện Châu Thành, có đợt nhận cây xanh về trồng tại địa phương, anh thường chọn…cây phượng và cây bò cạp(bông vàng, nhiều chùm). Ba On thêm lời:”Vì tao rất…yêu hoa phượng”. Đúng rồi, Ba On rất yêu hoa phượng vì hoa phượng là hiện thân của tuổi học, của mái trường trung học công lập Kiến Hòa mà trước đó bạn theo học nhiều năm.
            Vẫn trái cây mời bạn bè là bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng và món bánh xèo với nước chấm rất ngon do chính tay chị Ba làm và đọt lá cách, đọt điều xanh non do Ba On bẻ ngoài vườn nhà, chúng tôi bắt đầu…cụng ly. Bạn Tiên ngồi kế bên tôi chỉ ăn ít miếng, không hớp miếng rượu còn bạn Lý Ngẩu thì có hớp nhưng hớp…rượu nho, nhạt phèo. Bạn Lý Ngẩu là tay cự phách, trước đây chừng năm năm, mình anh cõng nửa lít rượu đế như chơi. Lại có tiếng hào hứng:”Vô, vô…Quỹ thời gian của tụi mình bây giờ không còn dài nữa, mỗi năm “đến hẹn lại lên” như vầy là vui lắm rồi. Vô, vô đi…Chúc mừng”.
            Vợ chồng bạn Trần Minh Tiên ngồi vừa…nóng đít đã xin kiếu vợ chồng Ba On, bạn bè về trước.

            Hệt như hàng năm, vào dịp tết Đoan Ngọ, lúc ngồi ăn bánh xèo tại nhà Ba On trời nắng chang chang nhưng khi sắp chia tay về lại Bến Tre thì trời bất chợt đổ mưa và người ngồi nán lại như tôi thì sau đó đi về bằng…xe buýt. Đi xe buýt tuy đợi xe hơi lâu nhưng đủ thời gian tâm tình chuyện trên trời dưới đất với Ba On.


Bạn Trần Minh Tiên

Nhà Ba On.