31/03/2013



Vài cảm nghĩ về dưỡng sinh
Tố Nguyên

Mỗi năm đến hè...
S
inh là sự sống. Theo cái nhìn của văn hóa truyền thống muôn đời của người Việt chúng ta, sự sống là cái đức lớn của trời đất (Thiên địa chi đại đức viết sinh). Sự sống bao trùm cả trời đất. Ngày nay, khoa học khám phá ra rằng từ nguyên tử đến vũ trụ đều đầy ắp sự sống. Cả cái gọi là chân không cũng chứa nguồn năng lực sống vô tận. Cái phần gọi là vật chất hữu hình từ plasma, vi trần, nguyên tử đến các tinh cầu, các thiên hà… chỉ chiếm khoảng 4 phần trăm của tất cả những gì làm nên vũ trụ mà thôi. Sự hiểu biết của khoa học về 4 phần trăm của vũ trụ nầy vẫn còn mù mịt. Cứ một sự hiểu biết tìm được thì nhiều điều không hiểu biết lại hiện ra. Từ năng lực của cảnh giới “trường không nhất phiến - tức zero point field” đến cảnh giới tự giác viên dung của vũ trụ (Self-aware universe, Conscious universe…) đều thấy sự giới hạn của khoa học hiện ra rõ ràng hơn bao giờ hết. Rồi cái gọi là tiểu vũ trụ của con người với tâm cảnh vô biên (Limitless Mind) thì khoa học phải thú nhận là chưa đi được một bước nào vững chắc cả. Nếu có đi được bước chập chững nào thì cũng chỉ nương nhờ vào nền minh triết trong các kinh điển xưa của những bậc giác ngộ mà thôi.
Về phương diện y học, Tây phương đang lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng trong khắp mọi lãnh vực mà chưa tìm ra được cách giải quyết thỏa đáng nào. Từ sức khỏe đến bệnh tật, từ vai trò của bệnh viện đến liên hệ mọi mặt giữa bác sĩ và bệnh, từ nguyên nhân của bệnh tật đến cách chữa trị, từ hiệu lực của thuốc men đến sự thao túng của các đại công ty dược phẩm, bảo hiểm, đâu đâu cũng thấy sự khủng hoảng trầm trọng. Y học Tây phương cho rằng tình trạng sức khỏe hay bệnh tật nơi thân thể con người là hoàn toàn thuộc phạm vi hữu hình của sinh học và hóa học. Đó là một tiền đề sai lầm gây tai hại không thể đo lường cho tình trạng sức khỏe và bệnh tật của con người ngày nay. Ngày nay, phần lớn bệnh tật thuộc thân thể con người, ngoài việc ăn uống, môi trường sống thuộc vật chất, hầu hết đều do phần vô hình thuộc đời sống tâm linh, tinh thần và tâm lý - vô hình gây ra. Sự đói khổ về tình người, về sự khắc khoải của tâm tư, về sự suy đồi của đạo đức, về sự căng thẳng của cuộc sống, về sự bất an của tâm hồn, về thói quen xấu, về sự nhàm chán của cuộc đời, về sự trống rỗng của nghĩa sống… ở các nước thừa mứa về vật chất đôi khi còn thê thảm hơn là sự đói khổ thuộc vật chất ở các nước nghèo. Và chính sự đói khổ thuộc tinh thần nầy là căn do của hầu hết những bệnh tật ngày nay.
Do đó, dưỡng sinh không phải chỉ là dưỡng thân thể để được khỏe mạnh và tránh bệnh tật mà thôi, mà căn bản là còn trưởng dưỡng niềm vui sống. Không bệnh tật không có nghĩa là sống mạnh. Sống còn không có nghĩa là sống tròn. Vậy dưỡng sinh thật sự là trưởng dưỡng niềm vui sống để cuộc sống được mạnh, được tròn, được an lành. Cuộc sống đầy căng thẳng, hỗn loạn, điên đảo, phiền não, lo sợ, bất an, mù mịt về nghĩa sống, về cứu cánh của cuộc đời, một đời sống thiếu đạo đức, thiếu tình người sẽ gây ra không biết bao nhiêu bệnh tật cho cả thân thể lẫn tâm hồn.
Không gì làm hao mòn, làm tàn hại cuộc đời bằng nỗ lực thoả mãn những ham muốn thuộc cảm xúc của giác quan, những ham muốn mà Đạo Phật gọi là lục tặc (tặc là kẻ tàn hại) thuộc lục căn, lục thức, lục trần. Không biết niềm vui sống thật sự là gì, lấy cảm giác chốc lát, phù du, làm niềm vui thì tâm hồn càng ngày càng bất an, cuộc đời càng ngày càng trống vắng.
Những bậc giác ngộ, những bậc hiền thánh, từ cổ chí kim trong mọi nền văn hóa, từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam, đều dạy rằng, niềm vui sống thật sự không có từ bên ngoài, không phải do cái bên ngoài mang đến. Khi tâm vui thì ngoại cảnh thành vui. Khi tâm buồn thì ngoại cảnh đều buồn, đúng như thi hào Nguyễn Du đã từng nói, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Giải thoát, giác ngộ, niết bàn, thiên đàng… là niềm vui sống chân thật nầy. Niềm vui sống chân thật nầy là vĩnh cửu và luôn luôn sẵn có nơi tâm của tất cả mọi người. Khi niềm vui nầy hiển hiện ngời sáng nơi tâm hồn thì những niềm vui giả tạo bên ngoài trở thành mờ nhạt, không còn sức mê hoặc, hấp dẫn nữa. Khi được sống với niềm vui thiêng liêng nầy thì sẽ biết rõ đâu là thật (chân), đâu là không thật (vọng), đâu là vĩnh cửu, đâu là vô thường, cái gì thật sự là mình, cái gì không phải là mình, cái gì là hiểu biết, cái gì là vô minh, cái gì là khổ, cái gì là an vui, cái gì là sáng, cái gì là tối…, nhờ thế mà không còn phung phí cuộc đời chạy theo những ảo ảnh phù du, vọng huyễn, vô thường của cuộc đời nữa. Vô minh là không biết đến nguồn sống an vui chân thật nơi chân tâm nầy. Bỏ cảnh giới “Thường Lạc Ngã Tịnh” của chân tâm để chạy theo bóng trần hư ảo, vô thường ở sự vật bên ngoài thì chẳng khác nào như tìm thoả mãn cơn đói nơi bánh vẽ mà thôi.
Do đó, dưỡng sinh không chỉ hạn hẹp vào phạm vi thể chất mà thôi. Trong cuốn sách “Dịch học với dưỡng sinh” của Lưu Tùng Lâm và Đặng Thủ Nhiêu, Nhà xuất bản Hà Nội, tác giả luôn luôn nhấn mạnh:
Phép dưỡng sinh phải lấy dưỡng tâm làm chính (trang 150).
Đa luyện công bất như đạo lí thanh. Đạo lí thanh bất như đạo đức chân.
(Luyện công nhiều không bằng hiểu rõ về đạo lí, hiểu rõ về đạo lí không bằng sống thật đời đạo đức) (trang 186).
Dưỡng đức là căn bản của dưỡng sinh (trang 130).
Chỉ có phẩm đức cao thượng mới có thể đưa việc dưỡng sinh vào chính đạo (tr.194).
Thái thượng dưỡng thần, kỳ thứ dưỡng hình. (Cao nhất là dưỡng thần. Kế đến là dưỡng thân thể) (tr.194).
Tôn Tư Mạc nói: “Bách hạnh có đủ rồi, thì không uống thuốc mà cũng đủ để kéo dài tuổi thọ. Đức hạnh không tốt thì dù dùng đủ ngọc dịch, kim đan cũng không đủ để thêm tuổi thọ” (tr.202).
An vui là hai chữ tuyệt vời của tiếng Việt. An là căn bản của vui. Phải có an rồi mới có vui được. Tâm hồn cũng như cuộc sống lúc nào cũng lo sợ bất an thì không thể nào có niềm vui sống được. An vui là hoa trái của cuộc đời. Và tình thương yêu là nguồn sống nuôi dưỡng để cuộc đời có được những hoa trái an vui đó. May mắn thay cho xã hội nào còn có được những người thật sự sống, thật sự dưỡng nuôi và chia sẻ tình thương yêu. Sự đầy vơi, thăng trầm của cuộc sống tùy theo sự đầy vơi, thăng trầm của tình người mà thôi.
Khám phá nổi tiếng của bác sĩ Dean Ornish là hầu hết bệnh tim mạch là do cuộc sống khô héo tình thương yêu gây ra. Hiệu lực từ cách trị bệnh tim mạch của bác sĩ là khơi lại nguồn thương nuôi dưỡng cuộc đời. Hay gây hấn, nóng giận, ganh ghét, thù hận, bất an, lo lắng, tham lam, ích kỉ, đua tranh, thiếu chân thành, không đạo đức… là dấu hiệu của sự khô héo tình người. Hầu hết những bệnh thời đại như tim mạch, tiểu đường, thấp khớp, những bệnh thuộc hệ thống tiêu hóa… đều từ đó mà ra.
Mùa hoa phượng nở.

Trong quyển sách “Không gian thời gian và y học”, Bác sĩ Larry Dossey có kể đến một cuộc thí nghiệm tại Trường Đại học Tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Thí nghiệm nầy nhằm nghiên cứu sự tác hại của chất béo và cholesterol đối với sự tắc nghẽn động mạch và những biến chứng khác của bệnh tim. Họ nuôi một số thỏ với thức ăn có nhiều chất cholesterol trong một thời gian, rồi mổ chúng ra để xem hậu quả của chất nầy ra sao. Họ khám phá ra rằng, trong lúc hầu hết thỏ đều bị bệnh trầm trọng thì có vài con thỏ ít bị tác hại hơn những con thỏ khác. Khoảng 60% ít hơn. Họ không biết tại sao lại có sự khác biệt nầy, vì tất cả điều kiện sống và thức ăn đều giống nhau. Sau khi dò xét cẩn thận, họ biết rằng, người cho thỏ ăn, vì thương những con thỏ nầy nên thường bồng bế, nâng niu, và nói chuyện ngọt ngào với chúng mỗi khi cho chúng ăn. Nghi rằng chính tình thương nầy là yếu tố đã làm nên sự khác biệt đó, người ta làm những thí nghiệm khác với hai nhóm thỏ riêng biệt. Đối với nhóm thứ nhất, người nuôi chỉ cho ăn thôi, không được biểu lộ bất cứ cử chỉ thương yêu nào. Và với nhóm thứ hai, khi cho ăn, mỗi con thỏ đều phải được bồng bế, nâng niu và nói chuyên ngọt ngào. Hai lần thí nghiệm như thế đều xác định rằng chính tình thương đã làm tác dụng của chất cholesterol đối với động mạch giảm 60% đối với nhóm thỏ thứ hai.
Sau đó, không biết bao nhiêu thí nghiệm được thực hiện trong nhiều lãnh vực khác nhau. Kết quả cho thấy rằng, tình thương yêu làm cho cây trồng lớn mạnh hơn, ít bị sâu tàn phá hơn và cho nhiều hoa trái tươi đẹp hơn, ngon ngọt hơn. Trẻ con lớn lên trong những gia đình thiếu tình thương thì khó mà phát triển trọn vẹn được.
Ngài Luther Burbank, nhà khoa học với tâm thánh, vào đầu thế kỷ XX, đã cống hiến rất nhiều phát minh cho ngành sinh vật học. Ngài học Đạo với bậc Đại giác chân sư Yogananda Paramahamsa rất chí thành và tâm đắc. Trong quyển sách “Tự truyện của một vị chân sư ”(Autobiography of a Yogi), Chương 38, có kể về một phát minh có tầm kích khai mở về đời sống tâm linh hết sức sâu xa:
“Trong lúc tiến hành một công trình thực nghiệm để làm biến đổi một loại xương rồng có gai thành không gai, tôi thường nói với cây xương rồng bằng một tấm lòng đầy cảm xúc thương yêu: “Con không có gì phải sợ. Con không cần phải tự vệ với những gai nhọn của mình”. Dần dần, loại cây xương rồng hữu dụng nầy biến thành một loại khác, không còn gai nữa”. Ngài Yogananda Paramahamsa xin loại xương rồng không còn gai nầy đem về đạo trường của mình trồng thành cả một khu vườn lớn để nêu gương sống cho những đệ tử của ngài cũng như cho những người có cơ hội đến đạo trường của ngài.
Thử hỏi bao nhiêu tài nguyên của trái đất cũng như của con người đã được dùng để tạo nên những loài gai góc đó.
Một ngày nọ, Tổng thống Abraham Lincoln mặc đại lễ phục, ngồi xe tứ mã, với không biết bao nhiêu người hộ tống, đưa ông đến nơi buổi lễ đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ. Trên đường đi, ông chợt nghe tiếng kêu cứu của một con heo con đang phấn đấu để tự cứu dưới một rãnh nước nơi công viên mà ông đi qua. Ông ra lệnh cho xe ngừng lại, và tự ông xuống mương ôm con heo lên. Quần áo lem luốc hết. Nhiều người phàn nàn tại sao ông phải làm như vậy vì có thể gây trở ngại cho thời gian khai mạc buổi lễ. Con heo có giá trị gì đâu mà phải cứu. Hơn nữa, ông có thể ra lệnh cho người khác làm còn hiệu quả hơn nhiều. Ông Lincoln trả lời: “Các người nghĩ là ta cứu con heo phải không? Không phải vậy đâu. Thật ra là ta đã cứu lương tâm của ta đó. Đối với lương tâm của mỗi người thì chỉ có tự cứu chứ không ai cứu cho mình được”. Sống như vậy là thật sự dưỡng sinh một cách cao quí nhất. Làm việc từ thiện đúng nghĩa là làm theo tiếng gọi của lương tâm, là trưởng dưỡng tình người. Khi lương tâm và tình người ngời sáng thì bóng tối sẽ biến mất giống như khi mặt trời lên thì bóng tối của đêm đen sẽ không còn nữa vậy.
Nhiều bậc chân tu sống nơi rừng sâu núi thẳm lẫn lộn với đủ loại dã thú độc dữ. Các ngài được an toàn chỉ nhờ vào tình thương yêu vô lượng vô biên nơi tâm thanh tịnh vô nhiễm của các ngài mà thôi.
Vậy dưỡng sinh là dưỡng cái toàn sinh của nghĩa sống, là dưỡng niềm an vui thiêng liêng. Một nụ cười bao dung, một lòng tri ân sâu xa đối với lòng tốt của người, bỏ qua lầm lỗi của người khác, không ghét hay phê bình chỉ trích người, thương yêu kính trọng tất cả, không bỏ qua cơ hội làm việc thiện theo khả năng của mình, sống với đại ngã vô biên, bỏ qua cái hẹp hòi của vọng ngã… Đó là những cách dưỡng sinh tạo nên niềm vui sống. Niềm vui sống nầy sẽ soi sáng đường về cảnh giới nhất chân viên dung, thường lạc ngã tịnh của bản diệu giác tâm, của đại viên cảnh trí, của tình thương yêu ngời sáng thập phương, trong đó sẽ không có bóng tối đau khổ của cái gọi là sinh lão bệnh tử vọng huyễn của cuộc đời. Không biết có ai tin đủ để sống như vậy không? 

It dòng thơ thẩn


Nhóm BT: Thầy Trần Quang Mân đã từ trần cách đây nhiều năm. Đây là bài thơ thầy viết vào năm 1972, lúc quê hương còn tràn đầy bom đạn.

TRẦN QUANG MÂN

Lúc em bảo tôi làm thơ,
Làm thơ ngay trong lớp
Giao cho các em để đăng báo lớp
Nói về ngày hè, về phượng, về chia ly
Tôi biết viết gì
Khi mùa hè vẫn đến, mùa hè vẫn đi
Hoạ chăng là những dòng thơ thẩn!

Các em bây giờ tuổi đời mới lớn
Sức vóc to dần và đôi mắt biết mộng mơ
Ba bốn năm xưa hẳn khác bây giờ
Mới bước chân vào trung học, mắt nai tơ ái ngại
Cho hay cuộc đời không hẳn hoài vụng dại
Bước chân ta mặc khải bước thời gian
Rồi mai đây cũng khôn lớn đàng hoàng
Cũng vi vút, cũng chứa chan bao nhựa sống.

Là thơ đấy, thơ là nguồn hy vọng
Các em thơ ca tụng tuổi học trò
Tuổi son vàng đầy ắp vị thơm tho
(Mau đấy nhé, vội vàng lên đấy nhé!)
Dòng chữ này tôi chỉ muốn ghi nhè nhẹ
Viết cho các em chứ nào phải cho tôi.
Rồi năm ba năm sau cũng cùng một khung trời
Nếu các em khác bảo tôi làm thơ thì cũng làm như vậy!

1972.

Xanh ngát lục bình.




PHỐ QUEN CÓ NGƯỜI CON GÁI

Hoa phượng.



Nhóm BT: Bài thơ nầy trích từ tập Đồng Vọng, nhóm thơ văn của Trường THCL Kiến Hòa trước năm 1975.

Trần Minh Tiên

Ai nhẹ hái đoá hoa hồng mới nở
Và cài lên mái tóc mượt nhung tơ
Bàn tay nhỏ nâng niu từng phiến lá
Em ngồi yên như khép nép đợi chờ.

Môi khẽ hát đôi lời ca hạnh ngộ
Giọng êm đềm, lòng mơ ước xa xôi
Đôi vai nhỏ run theo từng cơn gió
Chợt giật mình vì tim lỡ yêu rồi.

Em ở lại với giàn hoa thiên lý
Với con đường bụi đỏ lấm gót chân
Với ve sầu và với hàng phượng vĩ
Ai đi rồi để nhớ lại ngàn năm!

29/03/2013


Mừng đáo tuế bạn Lý Ngẩu
            Phan Lữ Hoàng Hà

            Tôi thường đi dự đám cưới, đám hỏi, tiệc tất niên, tiệc sinh nhật, đám mừng 12 tuổi của con các bạn… nhưng đây là lần đầu tiên tôi được đề cử đứng ra tổ chức mừng đáo tuế cho một người bạn học cùng cấp. Đó là trường hợp bạn Lý Ngẩu. Lý Ngẩu sinh năm Quý Tỵ, 1953, nguyên Trưởng khối Văn nghệ Trường THCL Kiến Hòa niên học 1972-1973.

            Trước tết Quý Tỵ năm 2013, anh M.Ch, một người bạn cũ nói với tôi:” Bạn Lý Ngẩu đi học, khai sinh năm 1955 nhưng tuổi thật ngoài đời là sinh 1953. Năm nay, Quý Tỵ, vậy là bạn đúng 60 tuổi trong, 61 tuổi ngoài. Chúng ta cùng hùn tiền với nhau làm một buổi tiệc nhỏ mừng đáo tuế bạn Lý Ngẩu. Tất nhiên, dù tiệc nho nhỏ nhưng phải có men nồng, tiếng đàn, lời ca…”. Tôi khá ngạc nhiên: ”Biết bạn Lý Ngẩu năm sinh 1953 nhưng ngày, tháng sinh thì tôi không biết, để hỏi lại xem sao?”. Anh M.Ch nói biết đúng năm là được rồi, là có ý nghĩa rồi, do vậy mình nên tổ chức vào đầu xuân để còn vương vấn ngày tết. Anh M. Ch khều tôi nói nhỏ: “Mình sẽ nói số người dự, chừng một bàn, 10 người trở lại thôi. Tiền mình cứ giao trước cho bạn Ngẩu nấu cơm. Có một chuyện mình nên giấu với bạn Ngẩu là mình sẽ có thêm một lẳng hoa và một tầng bánh sinh nhật mừng đáo tuế bạn. Lẳng hoa và bánh, sáng hôm đó bất ngờ mình mang đến, chưng dọn đàng hoàng – anh M.Ch nhấn mạnh – Mầy đọc diễn văn nghen…”. Tôi cười, hứa sẽ thực hiện nhưng trong lòng thấy băn khoăn quá ví như đặt bánh, đặt hoa ở đâu, số bạn sẽ mời rồi tập trung đi đứng ra sao vì nhà bạn Lý Ngẩu ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cách TP Bến Tre khoảng 8 cây số.
            Nhưng rồi mọi việc tôi cũng chuẩn bị xong xuôi, tức là trước 11 giờ, anh em sẽ có mặt đầy đủ tại nhà bạn Lý Ngẩu. Số bạn mà tôi thay mặt anh Lý Ngẩu sẽ mời như sau: Anh M.Ch, Hai Lê, Minh Tiên, Thọ Lương, Cao Thành Văn, Khoa Chiến, Kim Ba, Hồ Trường, Huỳnh Thanh Quang (tác giả bài viết này) và đặc biệt là anh Trần Đông Phong (Sáu Phong) – người rất thương bạn Lý Ngẩu.
            Một chút về anh Sáu Phong: Trước năm 1975, anh là người được tổ chức cách mạng phân công, rất quan tâm đến các nhóm hoạt động văn nghệ nói chung ở Trường THCL Kiến Hòa như nhóm Đồng Vọng, Hương Sống, Tổ Ong, Du Ca…Sau ngày giải phóng, khi anh phụ trách Thương nghiệp thị xã Bến Tre, thấy bạn Trần Huê Sơn, Trần Minh Tiên là những cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa, rất năng nổ, hoạt bát nên anh gọi về làm chung tại thương nghiệp thị xã Bến Tre. Rồi sau đó, anh làm Bí thư Thị xã uỷ Bến Tre, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Bến Tre. Khi ra Trung ương, anh Sáu làm Phó trưởng ban Dân vận. Một thời gian rất dài, anh hiểu rõ về hoạt động của các học sinh Trường THCL Kiến Hòa.
            Bây giờ, anh Sáu Phong đã về hưu, nhà của anh ở tuốt dưới xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm. Để chở anh lên nhà bạn Lý Ngẩu, anh em nói rằng mình nên mời anh đi taxi cho an toàn, mặt khác cũng để giữ sức khỏe cho anh. Điều này, anh gạt ngang, nói: “Anh sẽ lên dự buổi đáo tuế của Lý Ngẩu – thằng em, nhưng anh sẽ đi bằng Honda ôm. Các em đừng lo…”.
            Chúng tôi “cử” anh Khoa Chiến đi Honda, rước anh Sáu Phong và  dặn anh Khoa Chiến nhớ mang theo cây đàn ghi ta thùng, lên nhà Lý Ngẩu, đờn ca chơi.
            Anh Khoa Chiến đi Honda chở anh Sáu Phong lên đến TP Bến Tre thì anh Sáu kêu Khoa Chiến ngừng xe lại để anh mua một bộ dây đàn, anh nói: “Lên nhà Lý Ngẩu thuộc vùng nông thôn, lỡ đứt dây đàn, biết mua ở đâu. Thôi mình thủ cho chắc ăn…”.
Bạn Huỳnh Thanh Quang nói đôi lời nhân ngày đáo tuế bạn Lý Ngẩu - ảnh: Khoa Chiến.
Bạn Lý Ngẩu dâng bánh cho mẹ

            Đúng 11 giờ ngày mùng 8, tết Quý Tỵ, bạn Huỳnh Thanh Quang nói đôi lời mở đầu tiệc mừng đáo tuế Lý Ngẩu:“Thưa bác gái, vợ bạn Lý Ngẩu, anh Sáu và các bạn có mặt tại đây. Hôm nay, anh em bạn cùng nhau làm tiệc mừng bạn Lý Ngẩu 60 tuổi, người xưa gọi là đám đáo tuế. Trước lẳng hoa là bánh sinh nhật. Sau khi thắp nến trên bánh, bạn Lý Ngẩu sẽ cắt bánh dâng lên cho mẹ, cám ơn công đức dưỡng dục sinh thành của mẹ. Và rồi anh tặng cho mẹ một đóa hoa hồng…Riêng tôi, tôi đã có trên 40 năm gần gũi, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống với Lý Ngẩu”.
            Dâng bánh cho mẹ xong. Im lặng một hồi, bạn Lý Ngẩu đáp từ: “Tôi và gia đình tôi hết sức bất ngờ, xúc động trước những gì diễn ra trong sáng hôm nay. Điều này sẽ làm tôi nhớ suốt đời…”.
            Lát sau, nơi phía sau nhà, mẹ, vợ, con, cháu bạn Lý Ngẩu xúm xít dùng bữa thấy ấm cúng làm sao. Ngoài sân vườn nhà Lý Ngẩu, gió xuân lao rao vẫn thổi về, không gian như còn đượm chút gì vương vấn. Bà mẹ Lý Ngẩu có lẽ đang suy tư. Chắc là bà  đang hồi tưởng quãng đời mà bà và cha Lý Ngẩu đã nuôi nấng cho con đến Trường THCL Kiến Hòa. Hồi đó, đường sá đi lại khó khăn nên bạn Lý Ngẩu thường ở trọ với những bạn học tại tỉnh lỵ Kiến Hòa (TP Bến Tre hiện nay). Ở Trường THCL Kiến Hòa, Lý Ngẩu vừa học vừa làm “văn nghệ”.
            Nơi nhà trên, các “bạn già” của Lý Ngẩu cũng đã bắt mâm, chuyện trò râm ran, khà khà sau vài ly rượu. Vẫn với giọng ngọt ngào, thiết tha, mở đầu bạn Lý Ngẩu vừa đàn vừa hát bài Những ngày xưa thân ái rồi bạn Minh Tiên trầm ấm với bản Một ngày như mọi ngày; rồi réo rắc hơn: Nỗi buồn hoa phượng, trầm lắng hơn: Đường xưa lối cũ…Buổi tiệc rất vui, kéo dài đến gần 1 giờ trưa…
Bạn Lý Ngẩu đờn
Bạn Trần Minh Tiên hát và anh Sáu Phong.

            Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng xe taxi đưa anh Sáu Phong về nhà ở Bình Hòa nhưng anh nhất quyết từ chối. Sau khi tặng cho Lý Ngẩu món quà, anh nói: Anh về bằng xe Honda ôm, không làm phiền em nào hết, mấy em cứ ngồi lại chơi, về sau!
            Còn ngồi lại ở bàn là những mái tóc hoa râm, có người đầu bạc trắng. Bất chợt tôi giật mình, tôi nghĩ và hiểu quỹ thời gian của cuộc sống nơi chúng tôi không còn nhiều. Thời gian tựa như ngựa phi qua khung cửa…

Không đề


HUỲNH NGỌC DIÊU

Hỏi bạn bè mái tóc bạc nhiều chưa
Xin chầm chậm chờ ngày ta gặp lại
Ta sẽ cười vui như một thời trẻ dại
Chút hồn nhiên như thuở mới vào đời!

Lũ chúng mình như hoa bèo phiêu dạt
Vẫn mơ về con bến nước ngày xưa
Dẫu cuộc đời sớm nắng với chiều mưa
Những kỷ niệm như vẫn còn nguyên mới.

Bóng dừa - minh họa S.Thống.

ĐÃ LÂU LẮM


Kim Ngân

Đã lâu lắm bọn mình không gặp gỡ
Còn nhớ không ngày tháng cũ chợt về
Ngày hôm đó nhớ lại thấy vui ghê
Bọn chúng mình ồn ào không thể tả.
Bên này nhắc, nhớ tao không, Ngân hả?
Ngọc Dung đây, còn nữa Hữu Lộc nè!
Kìa ai đó, hình như Trang e lệ,
Và thoáng nhìn, có phải Nguyệt Hồng không?
Tụi tao đây: Nhì, Lâm, Vân, Hương, Hạnh
Nhớ hay không, đừng nói quên sao đành
Hoà, Sâm, Hoa, Hiền, Nhân, Ngọc và Thành
Nếu không nhớ, chắc có người giận dỗi
Ngọc Hà, Thư, Tự, Trân, thương quá đỗi
Thêm Duyên, Nga, Đào, Yến, Thuỷ, Thảo, Hoàng
Nói sao hết nỗi vui mừng hả bạn?
Đến với nhau là cả một chân tình.
Dũng, Lương, Luông, Yên, Vi, Vân, Đại, Kỉnh
Nhớ không ra vì không phải phe ta
Nhưng các bạn đừng trách kẻ phương xa
Ấy, lại quên Tomy và thầy Khải
Mình lại gặp bà chị thân thương mãi
Chị Vững tôi, nụ cười vẫn trên môi.
Chị Mai ơi, chị Ba tuy xa rồi
Em sẽ nhớ, nhớ ơi là nhớ quá!
Bạn thân hỡi, ở đây chỉ mình tôi
Chỉ mình thôi, với nỗi nhớ đong đầy
Mong một ngày mình lại tay nắm tay
Chúng mình sẽ cùng nhau vui họp mặt.


Thầy Nguyễn Văn Tòng từ trần

            Thầy Nguyễn Văn Tòng, sinh năm 1941, cựu giáo viên Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, cố vấn nhóm thơ văn Đồng Vọng của trường, ngụ thành phố Vĩnh Long, đã từ trần lúc 16 giờ, ngày 26-3-2013, nhằm ngày 15, tháng 2, năm Quý Tỵ, hưởng thọ 73 tuổi.
Lễ nhập quan lúc 24 giờ, ngày 26-3-2013.
Lễ động quan lúc 7 giờ, ngày 28-3-2013, nhằm ngày 17, tháng 2, năm Quý Tỵ.
Hỏa táng tại Sa Đéc, Đồng Tháp.
Trong suốt thời gian diễn ra tang lễ, nhiều cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa đã đến tiễn biệt thầy.
Đám tang thầy Tòng - ảnh: Cô Thẩm.

Các cựu giáo viên và học sinh Trường THCL Kiến Hòa dự lễ  tang thầy Tòng
Thầy Văn Ngọc Khôi và thầy Đỗ Quang Triêm thắp nhang tiễn biệt thầy Tòng
Thầy, trò đến chia buồn với gia đình thầy Nguyễn Văn Tòng.

28/03/2013

Tiếp sức học sinh giỏi của đội tuyển thi cấp quốc gia


Cuối năm 2012, Ban Liên lạc cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa kết hợp với Hội Phụ huynh học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre trao 62 suất học bổng cho học sinh giỏi thuộc các đội sắp thi cấp quốc gia của Trường THPT Chuyên Bến Tre, mỗi suất 500.000 đồng, tổng cộng 31 triệu đồng. Tiến sĩ Bùi Văn Năm, Hiệu trưởng, Nhà giáo ưu tú Trương Thọ Lương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bến Tre dự lễ phát học bổng.
Thầy Trương Thọ Lương cho biết: Từ năm 2006 đến cuối năm 2012, Ban Liên lạc cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa đã hỗ trợ cho Trường THPT Chuyên Bến Tre 74 triệu đồng (học bổng) và 750 quyển tập.
Các em học sinh giỏi của Trường THPT Chuyên Bến Tre thật xúc động trước món quà tiếp sức này. Các em đã lắng nghe thầy Nguyễn Đăng Phu (cựu giáo viên), thầy Lương Văn Tô My (cựu học sinh Trường Trung học Công Lập Kiến Hòa) nói về mối quan tâm của các thầy cô đối với các em học sinh và những việc các em cần chuẩn bị, sắp xếp trước khi bước vào cuộc thi vào tháng 1-2013.
Thầy Nguyễn Đăng Phu.
                                                                                                                                    Tin, ảnh: PLHH

27/03/2013

Ấm áp tình học trò


              Sáu Quang
Thầy Lương Xuân Tiến và thầy Trương Thọ Lương nhận danh hiệu  Nhà giáo ưu tú  - ảnh: PLHH

Cuối cùng, tôi, Minh Tiên, Thọ Lương, Lý Ngẩu, Cao Thành Văn, Thành Khâu hùn tiền mướn chiếc xe du lịch đi Bình Dương, dự đám cưới đứa con trai của Lê Tấn Lộc. Trên xe còn dư một chỗ ngồi. Trước đó, tôi định rủ Trần Thanh Tuyên cùng đi cho vui, nhưng một anh bạn đã dè chừng: “Nó đang bệnh. Lên đó gặp nhiều bạn, nó sẽ chơi… hết ga, rủi bứt gân máu, ông chịu nghen…”. Nghe vậy, tôi lơ luôn, không rủ Tuyên.
Xe phom phom trên đường cao tốc hướng về Sài Gòn. Trên xe, chúng tôi nhắc đủ thứ chuyện hồi còn đi học dưới mái Trường Trung học Kiến Hòa. Anh tài xế vui vẻ: “Mình đi chơi mà, 10 giờ là đến nơi. Mấy anh muốn hút thuốc cứ kêu em dừng xe lại bên đường”.

Xe vừa qua cầu Bến Lức, trong xe có tiếng cất lên: “Xả hơi đi bác tài”. Khi qua khỏi trạm thu phí Chợ Đệm, xe liền tắp vào lề đường bên phải. Tài xế vọt miệng: “Tranh thủ…”tè” đi mấy anh ơi”. Có hai, ba đứa “tè”. “Tè” xong lại ngồi bên xe nhởn nhơ hút thuốc. Tôi nói với anh bạn đi cùng: “Lâu lâu, mình bỏ ra một ngày đi ngắm cảnh vậy mà. Đường sá, nhà cửa bây giờ thay đổi quá, lớn quá”. “Ừ”. Vừa nghe tiếng ừ xong, tiếp sau tiếng ừ là tiếng xe mô tô. Tôi ngẩng lên, đó là cảnh sát giao thông. Anh cảnh sát giao thông giọng rắn rỏi: “Tài xế đâu?” “ Dạ, em đây, thưa sếp”- tài xế run run. Anh cảnh sát giao thông sau khi lấy hết giấy tờ xe, vừa chỉ tay về một hướng vừa nói với tài xế: “Anh có thấy bảng cấm xe đậu không?”. Như muốn quay sang chúng tôi, anh cảnh sát nói trong gió: “Đi đường xa, tôi rất thông cảm mấy ổng “mắc tè” chứ. Nhưng “tè” rồi thì đi nhanh, chớ đâu có được ngồi…ngắm cảnh ở chỗ này!” Tôi đứng lên, gãi đầu: “Xin lỗi sếp. Chúng tôi là thầy giáo, lâu lâu mới lên họp ở thành phố một lần. Đường sá thênh thang quá…” Có lẽ nhờ vậy nên cảnh sát chỉ phạt nhẹ anh tài xế thôi.

Xe chạy tiếp, một bạn nói: “Vậy là mỗi thằng phải hùn thêm chút xíu nữa cho đỡ anh tài xế nghe” . “Ừ”.
Lên đến đám cưới, tôi đã thấy có Phan Văn Nghĩa - một bạn học lớp 11 B2 với tôi. Trông Nghĩa hơi hốc hác, tôi liền hỏi: “ Bộ mầy bệnh à ?”. Phủi phủi tay áo, Nghĩa nói: “Suốt đêm qua, gần tới sáng, tao phải phụ…nhậu với thằng Lộc”. Nói là nói vậy nhưng tôi biết tôi vừa vô tình ném viên đá nhọn vào Nghĩa vì bà xã của Nghĩa bệnh tim, mất cách đây không lâu! Hiện Nghĩa sống chỉ một mình ở thành phố Biên Hoà. Có việc thì chạy lên chạy xuống hủ hỉ với Lê Tấn Lộc.
Tuổi học trò, ảnh chụp trước năm 1975.


Lát sau đã có mặt Lương Văn Tô My, Lưu Huỳnh Thống, Huỳnh Phương Nghĩa, Phan Nhựt Linh…Chúng tôi cùng kéo đến quây quần với những người bạn học trò năm xưa, tâm sự lúc cũng gần hạ màn. Lộc níu kéo: “Bây giờ mời các bạn “go” lại nhà tôi. Cùng chung xe, ngồi chật chật cho vui”.
Về đến nhà Lộc, khi khệnh khạng, Lộc nói không ra hơi: “Gởi về cho Trần Thanh Tuyên nửa chai rượu tây…” rồi mất hình.

Chừng hai tháng sau, chúng tôi đụng phải chuyện buồn. Minh Tiên điện thoại cho tôi nói rằng cụ thân sinh của cô Nguyễn Thị Thẩm vừa qua đời. Ngày mai, 8 giờ, đi đám tang nhé…
Tôi và Lý Ngẩu đến quán chay Nhường Trà lúc đúng 8 giờ. Trước đó, Lương Văn Tô My, Lưu Huỳnh Thống, Huỳnh Phương Nghĩa từ TP. HCM đã vọt xuống rồi, ngồi chờ bạn bè. Tại đám tang ba của Thẩm, Thẩm bùi ngùi: “Bạn bè như vầy là ấm áp lắm rồi…” Tôi nói khẽ với Tô My: “Tụi mình đâu có làm được việc gì lớn lao. Bây giờ già rồi, hễ nhà bạn bè có đám cưới, đám tang thì mình nên cố gắng đến chia vui, chia buồn. Quỹ thời gian không còn nhiều…” Lời đáp khẽ hơn: “Ừ!”

Bất giác, tôi nhớ đến  một đoạn thư thăm hỏi cựu học sinh của thầy hiệu trưởng Trần Kim Quế từ nước Đức gởi về: “Thầy cũng rất vui, qua em Lý Ngẩu, em Lá…, biết các em, ngoài tình cảm với trường xưa, thầy cũ, còn có tình bạn bè đồng lớp, đồng trường thật thân thiết, gắn bó. Thỉnh thoảng, các em họp mặt vui chơi, đùa giỡn như thuở còn đi học, không phân biệt địa vị xã hội, lớn nhỏ, giàu nghèo hiện tại. Thật quý biết bao những tình cảm như vậy…”.

Thuở nhỏ, anh Lương Văn Tô My ở trong cô nhi viện, cuộc sống thật khó khăn, lăn lóc nhưng anh cố gắng học hành và giờ đã thành tài. Anh được thầy, cô, anh chị em tín nhiệm bầu anh làm Trưởng Ban liên lạc cựu học sinhTrung học Kiến Hòa từ nhiều năm qua. Hiện anh là giảng viên Trường Đại học Y Dược TP HCM. Anh ở TP HCM nhưng về Bến Tre như con thoi.

Cách đây vài năm, anh Lương Văn Tô My đã lập quán chay Nhường Trà ở phường 8, TP Bến Tre. Ở đó, trên khoảng đất rộng, một quán chay gồm điểm tâm và ăn trưa thật khang trang, vệ sinh, thực dưỡng nhưng chỉ lấy tiền phải chăng. Bên trong, Nhường Trà có mấy phòng nghỉ dành cho thầy cô, phòng hát karaoke dành cho thầy cô, bạn bè giải trí. Những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán, họp mặt cựu giáo viên, cựu học sinh Trung học Kiến hòa cũng được tổ chức tại đây. Có thể thấy đây là nơi anh đi tìm hạnh phúc chứ không phải kinh doanh. Và như thế, anh đi đi về về để chia sẻ với thầy cô và học trò cũ tại quê nhà. Thấy anh đi xe tốc hành mà tôi ngán luôn…Giọng anh Tô My chầm chậm: “Từ tháng 10 năm 2012, mỗi tháng 2 ngày, mỗi ngày Ban liên lạc Cựu GV và HS Trường Trung học Kiến Hòa hỗ trợ bếp ăn từ thiện Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre 600 suất ăn miễn phí; các thầy cô và các bạn cựu học sinh phụ nấu ăn cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân. Thầy Trương Thọ Lương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bến Tre, cho biết: Từ năm 2006 đến cuối năm 2012, Ban Liên lạc cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa đã hỗ trợ cho Trường THPT Chuyên Bến Tre 74 triệu đồng (học bổng) và 750 quyển tập. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi lần họp mặt Cựu GV và HS Trường Trung học Kiến Hòa tại hội quán Nhường Trà, Ban liên lạc đều tặng 50 phần quà cho những gia đình khó khăn tại Phường 8, TP Bến Tre”.
Sân trường - ảnh: T.Q

Thầy Nguyễn Đăng Phu nay đã ngoài 70 tuổi. Hằng năm, vào dịp Trung thu, các học trò cũ vẫn thường đến thăm nhà thầy ở xã Phú An Hòa nhưng trong số đó không có tôi. Tôi không đến với  một lý do đơn giản là tôi “nhậu” nhưng thầy và cả cô đều ăn chay, khi tiếp khách chỉ đãi thực phẩm chay, tuyệt đối không có rượu. Tôi chưa một lần đến nhà thầy để dùng tiệc trà nhưng thầy rất thương tôi và tôi luôn quí trọng thầy…
Cuối năm 2012

Về đây em


 L.H

Về đây em, về thăm ngôi trường cũ
Của một thời hoa bướm tuổi hoa niên
Về đây thăm hồ Chung Thuỷ dịu hiền
Để tìm lại những ngày xưa đã mất.
Em về đây, kìa khung trời thân mật
Áo trắng trong, những ngây dại ngày nào
Mắt sáng ngời theo dõi áng mây cao
Rồi thoáng chốc trở về trong thực tại.
Lớp học im nghe lời thầy giảng dạy
Giọng thơ buồn, ôi sao quá ngô nghê!
Buổi thuyết trình đơn giản sao say mê
Còn đâu nữa, nhoà tan theo bụi phấn.
Nghe đâu đây tiếng guốc rền hiên vắng
Tiếng nói cười của một thuở xôn xao
Mộng trắng trong tà áo trắng thuở nào
Giờ đâu nhỉ, còn chăng là tóc trắng!
Thầy trò ta mái đầu giờ đã bạc
Cũng như trường giờ đã trải nắng mưa
Nhớ gì chăng, ôi một thuở đợi chờ
Ai về đó, thăm qua người năm cũ!
Những gốc si ngồi… buồn như liễu rũ
Giữa trưa hè trong tiếng gọi râm ran
Tiếng ve kêu xen tiếng trống rộn ràng
Thôi phút chốc tìm về trong quá vãng.
Thực tại buồn như dòng đời ly tán
Tìm nơi đâu giọng hát thuở còn thơ
Trường xưa ơi, giờ đã phủ bụi mờ
Nghe trong gió hồn ai hay tiếng nấc!
Vườn xuân - ảnh: HTQ.

26/03/2013

Một chuyến du lịch vườn

 Phóng sự: Huỳnh Thanh Quang

Chủ nhật hạ tuần tháng 3, năm 2013 là một ngày vui. Chúng tôi đi tour du lịch sinh thái cồn Phụng trong ngày. Buổi “hành quân” dã ngoại này càng vui hơn, cảm động hơn khi có mặt thầy Văn Ngọc Khôi, bạn Lê Nguyệt Hạnh từ Hoa Kỳ về.

            Trước khi đến chân cầu Rạch Miễu, phía Bến Tre – điểm đón khách đi tour cồn Phụng của Công ty Du lịch Bến Tre, chúng tôi gồm 25 bạn, là cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, xúm xít nhau, chụp tấm ảnh lưu niệm trước cổng trường cũ, sát bên bờ hồ (Hồ Chung thủy). Tuổi đời của những người bạn này hầu hết gần 60. Đã gần 60 nhưng các bạn chuyện trò râm ran, đùa giỡn như hồi còn nhỏ. Bạn Nguyễn Văn Ba (Ba On), trên tay với điếu thuốc lá con mèo, nhịp nhịp, ra vẻ sành điệu lắm, nhớ lại:” Hồi đó, vừa thoát ra được cái cổng trường nghiêm nghị này, là tao…lặn mất tiêu liền”.
Các bạn chụp hình lưu niệm trước khi đi du lịch

            9 giờ, chúng tôi xuống thuyền máy tại bến An Khánh. Cô Trân, hướng dẫn viên du lịch, mở đầu: “Bây giờ gia đình chúng ta đến cồn Thới Sơn, đi bộ trong vườn rồi thưởng thức mật ong – cô Trân nhấn mạnh – Mật ong lấy trên cồn nhá. Ở Thới Sơn bà con nuôi ong lấy mật rất nhiều. Bảo đảm mật tinh khiết…”.
            Chiếc xuồng máy lướt ra dòng sông Tiền đậm màu phù sa, gió trên sông mát ruợi rồi quay mũi về hướng cầu Rạch Miễu trước khi tấp vào cồn Thới Sơn. Khi lên xuồng máy, tôi cứ đứng xớ rớ bên cạnh thầy Văn Ngọc Khôi, tư thế sẵn sàng…đỡ thầy. Tôi hỏi thầy: “Thầy nay bảy mươi mấy rồi?” Đáp: “Bảy lăm”.
Thầy Văn Ngọc Khôi

Thầy trò uống mật ong
            Ở đây chỉ 20 phút. Sau màn thưởng thức mật ong, uống rượu thuốc, ăn bánh kẹo, thuyền chúng tôi chạy một hồi lâu trên sông Tiền, ngang qua cồn Phụng, đến tham quan lò sản xuất kẹo dừa Quê Dừa – một đặc sản truyền thống của Bến Tre.Tại lò sản xuất kẹo dừa, tôi thấy rất đông du khách nước ngoài tìm hiểu về cách sản xuất kẹo dừa từ lột dừa, đập dừa, cạy dừa đến xay cơm dừa, lấy nước cốt dừa, hòa với đường cát và mạch nha rồi quấy thành kẹo. Các công đoạn từ A đến Z lần lượt hiện ra trước mắt du khách. Họ dùng một viên kẹo ngọt lịm, béo ngậy rồi gật đầu, trầm trồ.
            Bãi xe ngựa chở du khách gần đó. Cứ bốn bạn lên một chiếc xe ngựa, ngựa lốc thốc hướng về xã Quới Sơn chừng 2 km, chúng tôi có mặt tại điểm du lịch Mười Hải để nghe đờn ca tài tử. Trước khi rời xe ngựa, tôi hỏi anh giữ dây cương: “Chạy một chuyến như vậy, anh được hưởng bao nhiêu tiền?” Gạt dòng mô hôi trên trán: “25.000 đồng. Ngày chạy ba, bốn chuyến”.
Đi xe ngựa
            Không gian, sân vườn nơi đón khách của Mười Hải càng xôm tụ khi ban nhạc đờn ca tài tử tại đây sắp phục vụ khách. Các cô ca những giai điệu cổ nhạc về đất nước – con người Bến Tre rất nhịp nhàng, trong trẻo, sâu lắng. Song, chỉ vài bài mở đầu thôi, bạn Lý Ngẩu xung phong lên ca bản: Trên mảnh đất Hùng Vương hôm nay rồi bạn Ngọc Anh xung phong tiếp với một đoạn ca cổ trích từ tuồng Nửa đời hương phấn, rất tự nhiên, cảm động. Có người “bo” tiền bằng những nụ hoa. Bạn Lý Ngẩu và Ngọc Anh tặng lại hết cho ban nhạc.
            Tôi nói với cô Trân: “Chuẩn bị…xô ghe”. Thầy Văn Ngọc Khôi khoát khoát tay: “ Không phải. Chuẩn bị…nhổ sào”, rồi chúng tôi cùng hướng ra con rạch trong vui vẻ, sảng khoái.
            Xuồng chèo đã chờ sẵn. Mỗi xuồng chở bốn khách ngược rạch Cầu Chùa, hướng ra sông Tiền, xa gần 2 km. Thấy du khách nhiều quá, tôi hỏi cô Nga, người đang chèo xuồng chở chúng tôi: “ Cô à, ở  Quới Sơn này, có bao nhiêu chiếc xuồng chở du khách?”. Đáp: “ Trên 60… - rồi cô Nga tiếp lời – Chúng tôi là những người dân sống ở đây, khi du lịch sông nước nở rộ, chị em tham gia đưa du khách đi xuồng. Thấy háo hức, xôn xao như vậy nhưng thu nhập của chị em hẻo lắm, anh ơi! “. Tôi hỏi: “Xôm tụ như vầy, hẻo là sao?” Cô Nga cho biết vì số người chèo xuồng quá đông, phải xoay vòng, mỗi ngày chỉ đưa khách được một chuyến, thứ Bảy, Chủ Nhật mới hy vọng 2 chuyến/ngày. Trong khi đó mỗi chuyến chỉ được hưởng 13.000 đồng!
Đi xuồng chèo
            Trên thuyền máy quay lại cồn Phụng, tôi hỏi cô Trân: “ Chèo xuất mồ hôi hột như vậy mà mỗi ngày chỉ được 13.000 đồng sao sống nổi?!” Giọng cô Trân nhẹ nhàng: “Họ vẫn vui sống và chèo vì nhờ có tiền “bo”. Du khách thường thì hào hiệp, đâu nỡ…”. Ra thế, nhưng dẫu sao giữ dây cương xe ngựa vẫn đỡ hơn chèo xuồng. “Lúa thóc đến đâu, bồ cầu đến đó. Coi vậy chứ cũng nhờ công việc này mà người địa phương có thêm thu nhập”, cô Trân nói.
            Khu du lịch cồn Phụng rộng hơn 30.000 m2 được thiết theo lối kiến trúc mở, hòa mình với thiên nhiên sông nước, gồm có nhiều nhà hàng biệt lập, thoáng mát như nhà hàng Dừa dành riêng cho du khách nước ngoài, Nguyệt Quới cho khách trong nước, hai nhà hàng Hoa Súng, cặp sát bờ sông, rất êm đềm mát mẻ dành cho khách nước ngoài và trong nước…
            Nhưng chúng tôi dùng buổi trưa và kết thúc tour tại nhà hàng An Khánh, gần bên chân cầu Rạch Miễu. Hay có chuyến du lịch “bỏ túi” của các cựu học sinh, thầy Hạnh liền xách xe chạy qua để cùng tiếp khách. Trên bàn ăn, hơi buồn ngủ, giờ có thêm thầy Đỗ Quang Hạnh ngồi kế bên thầy Văn Ngọc Khôi nên thấy sung hơn, bớt buồn ngủ. Bạn Lê Nguyệt Hạnh xúc động: “ Hồi nhỏ em học lớp 10 A 2. Em ra đi hồi năm 1975. Năm 2001 mới về quê lần đầu. Nghe nói, Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, hàng năm họp một lần. Trường cũ đã họp 19 lần rồi nhưng đâu có lần nào có mặt em. Hôm nay, em rất cảm động khi được gặp lại và đi chơi với các bạn cùng dưới mái trường xưa”.
Bạn Lê Nguyệt Hạnh trò chuyện với các cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa.

            Có tiếng xì xầm: “ Ờ… nhớ ra rồi. Hồi còn  ở nhóm Hương Sống của Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, Nguyệt Hạnh thường ca bài Ngậm ngùi của cố nhạc sĩ Phạm Duy…”.

Đôi lời liên lạc với ban liên lạc

Trần Thân Ái

Ngôi trường mà chúng ta từng học, tọa lạc bên quần thể sinh cảnh hồ Chung Thủy thơ mộng kia, vốn hiện hữu từ giữa thế kỷ trước, đến nay đã ngoài 60 năm.
Không giống như một vài ngôi trường cố cựu nổi danh đến nay vẫn còn giữ nguyên tên gọi; tùy từng thời từng lúc, trường chúng ta thay đổi nhiều tên gọi khác nhau.
Tuy nhiên, có một điều không hề đổi thay, đó là vị thế của một ngôi trường công lập luôn giàu thành tích giáo dục trong mọi thời.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre dự  lễ khai giảng năm học 2011-2012 tại Trường THPT Chuyên Bến Tre - ảnh: PLHH.

Chúng ta từng là một trong các thế hệ học tập từ thập niên 1960, 1970 của ngôi trường thân yêu đó; hầu hết đều biết chuyên tâm học hành là con đường tương lai tươi sáng, cũng như đôi khi biết soi rọi bóng hình mình trên mặt hồ Chung Thủy lãng mạn kia.
Từ đó, kể từ thập niên 1980, hàng hàng lớp lớp bằng hữu, đồng môn, đồng liêu từ ngôi trường chúng ta đã trưởng thành, lần lượt vượt vũ môn, khắc phục hoàn cảnh, thân phận bằng chính nghị lực, học vấn mà thành đạt trên mọi nẻo đường; tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa; giống như mấy chòm cây trạng nguyên ửng đỏ dưới tán rừng dừa quê ta.
Đến giữa thập niên 1990, một số thầy cô chúng ta dù còn hay không còn duyên nghiệp với bục giảng, với nhà trường nhưng hàng năm vẫn họp mặt để thăm chúc nhau.
Từ đó, có một vài học trò cũ bèn liên lạc với  thầy cô để xin bắc một nhịp cầu tri ân, tri ngộ, tri giao sau hàng chục năm dài cách biệt.
Như vậy, đến nay chỉ còn một năm nữa thôi là tròn ngưỡng hai mươi năm hiện hữu của Ban liên lạc Cựu Giáo viên và Cựu Học sinh của trường chúng ta gồm khoảng mươi người xốc vác đứng mũi chịu sào; với hơn chín mươi tên tuổi thầy cô từng giảng dạy ở trường chúng ta và có gần sáu trăm địa chỉ liên lạc bạn bè của các lớp, các niên khoá, mọi lúc mọi nơi.
Ban liên lạc của trường ta, vì thế, ngày cũng ngày càng già nua theo tuổi tác và cũng đuối tầm vì đa mang những phần việc chung, theo thông lệ, lẽ thường tình… như duy trì mọi thông tin liên lạc đến từng thầy, từng trò; hay viếng thăm nhau khi hữu sự, hoặc giúp đỡ nhau khi ngặt nghèo.
Đáng kể là làm sao vẫn duy trì được nguồn học bổng hàng năm cho các con, các cháu học sinh nghèo, giỏi, chăm, ngoan… hiện học dưới mái trường chung của chúng ta, hay đang còn miệt mài nơi giảng đường đại học.
Chính vì thế, nên chăng từ nay, chúng ta hãy thu xếp lại các chức vụ trưởng phó ban bệ… để mở rộng tầm Ban liên lạc theo hướng hoạt động thiết thực của từng tiểu ban như: cố vấn, tài trợ, văn nghệ, báo chí, sinh hoạt, du lịch, ẩm thực.
Các tiểu ban nêu trên không theo nhiệm kỳ mà hoạt động tự nguyện, sẽ có thầy cô làm cố vấn, có lớp bạn trẻ nối tiếp lớp bạn già… sẽ đảm nhiệm phần việc chuyên trách theo năng lực, sở trường, theo kế hoạch dự trù hàng năm; hễ cứ đến hẹn là lại làm.
Nguồn kinh phí chi cho mọi hoạt động sẽ gồm quỹ đóng góp tự nguyện qua kỳ họp mặt cuối năm, giao cho một thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý điều phối; các thành viên trong tiểu ban tài trợ sẽ lo phần vận động, còn lại từ các mạnh thường quân chí công vô tư, với tinh thần công khai và minh bạch tài chính…
Nói chung, từ nay Ban liên lạc sẽ liên lạc với thầy cô và các thế hệ bạn hữu của trường ta qua vai vế của những liên lạc viên có năng lực, uy tín và tích cực trong vai trò của chính mình.
Kể từ năm nay trở đi, danh sách các tiểu ban liên lạc là thành viên cũ hay mới sẽ được công bố hàng năm trong kỳ họp mặt cuối năm. Tất nhiên, trong năm, nếu có thay đổi nhân sự cũng sẽ được thông báo kịp thời qua kênh liên lạc của Ban liên lạc.
Đôi lời liên lạc với Ban liên lạc là như vậy, xem như đã chuyển tải ý tình liên lạc đến Ban liên lạc, hay xem đó như là vài câu chuyện đã thưa rồi!
Mong sao thầy trò truờng ta vừa xua đi lời đồn tận thế, từ nay, từ thềm xuân con Rắn quí, hai không mười ba, hễ cứ đến độ xuân về, sau Rằm tháng Chạp, lại cùng tiếp tục tề tựu, quây quần họp mặt nơi hội quán Nhường Trà - Nhà Trường.
Vậy thì, thầy trò trường ta từ nay hãy cố mà giữ mãi lề thói, đúng như chân ngôn minh triết của cao nhân tiền bối xưa kia: Trọng thầy mới được làm thầy!

Hình dung những cuộc họp mặt ngần ấy thời gian



Tôi viết những dòng này từ hình dung từ tâm tưởng…
Ngày tháng năm không đúng chỉ vì… không đúng;
Nhưng rất đúng với những gì tôi đã hình dung…

1. Tân Cảng
Đó là nơi thầy trò trường ta họp mặt đầu tiên, vào độ giáp Tết 1994. Có hơn trăm khuôn mặt đã luống tuổi - thầy cô đều đã trong ngoài 60; còn các lớp bạn học cũ cũng độ chừng trong ngoài 40, 50…  Ấn tượng của khuôn viên nhà hàng Tân Cảng hôm đó chính là những tán dừa giông giống Bến Tre; cũng soi bóng bên bờ sông Sài Gòn lộng gió; từa tựa như dòng Trúc Giang ngan ngát hương phù sa, lượn lờ những đám lục bình hoa tim tím, trôi từ ngưỡng cổng Nhà Thờ đến chân cầu Cái Cối, lấp lánh nắng chiều… Ngày tao ngộ, trùng phùng hôm đó thật tưng bừng, lâm ly, sướt mướt… Thầy trò phải cố nhớ, cố nhận ra nhau từ miền ký ức nhạt nhòa đã hơn 20 năm biền biệt…  Rồi thì thầy trò trường ta cũng nhận ra nhau. Và cuộc hàn huyên tâm sự cứ như vậy mà râm ran, bức xúc, lan truyền cho đến lúc tiệc tàn. Khi chia tay, với những túi quà xuân đầy ý nghĩa, thầy trò vẫn còn mãi luyến lưu, tha thiết hẹn ngày họp mặt sang năm…  Đêm ấy, tôi hình dung trên quãng đường đêm trở về Bến Tre, có lẽ đã có thầy, có bạn bắt đầu phác thảo những trang nhật ký mới…Và không biết chuyến phà Rạch Miễu đêm ấy có làm thẳm sâu thêm kỷ niệm một đêm hội ngộ, tao phùng? Hình như có hơn ba, bốn lần họp mặt ở Tân Cảng như thế…
2. Phong Lan
Tết năm ấy, cuộc họp mặt tất niên của thầy trò trường ta chuyển về nhà hàng Phong Lan, gần trường đua ngựa Phú Thọ ngày xưa…  Không khí kỷ niệm thầy trò vẫn đầy đặn vuông tròn, nhưng thiếu hẳn cảnh sông nước, bóng dừa, gió mát hây hây. Dạo đó sắp tàn thế kỷ, có vẻ như thầy trò ta ai cũng mong đong thêm kỷ niệm mà không muốn vơi chút nào. Có lẽ vậy, ai cũng muốn có một chuyến đi về trường xưa cho thoả lòng thương nhớ. Trong năm ấy, chuyến đi về trường đã được thu xếp mãn nguyện… Rồi những kỷ niệm mới lại trỗi lên, bồn chồn chờ đón thầy bạn ở nước ngoài hẹn ngày họp mặt cuối năm. Từ đó, thầy trò ta luôn vun đắp và hàn gắn những quan hệ, kỷ niệm vui buồn, để giữ mãi những ngày tất niên đón xuân về đông vui, rộn ràng. Hình như có khoảng hai lần họp mặt ở Phong Lan với những ấn tượng như thế.
3. Thorakao
Rồi những cuộc mặt mấy năm sau đó bắt đầu diễn ra trên sân nhà Thorakao - một trong vài địa chỉ của người tài trợ họp mặt hàng năm cho Ban Liên lạc thầy trò ta. Giữa  chốn đô thành náo nhiệt, đã sang thiên niên kỷ mới, cuộc tao ngộ thầy trò trường ta không khỏi chạnh lòng, bùi ngùi vì cuộc truy đuổi của thời gian và tuổi tác. Những thầy cô còn có cơ duyên với nghề nghiệp và trường lớp cũng đã đến lúc bắt đầu về hưu… Từ đó, những cuộc họp mặt tất niên càng hứa hẹn đợi chờ những chuyến đi đây đi đó để làm đầy thêm kỷ niệm nghĩa tình thầy trò trường  ta. Và những chuyến đi như thế đã bắt đầu xuất phát từ sân nhà Thorakao : Về Bến Tre, đi Bình Châu, đến Hàm Tân. Và rất nhiều chuyến đi thăm viếng khi hữu sự. Hình như có khoảng 3 lần họp mặt ở Thorakao như thế.  Nhưng từ đó, Thorakao cũng là một điểm hẹn đi đâu đó của thầy trò ta…
4. Lan Anh
Khí thế họp mặt đông đảo gần 300 nguời qua hai lần ở nhà hàng Lan Anh cũng là lúc thầy trò ta bắt đầu nhón bước vào mấy năm đầu thế kỷ XXI! Năm đó, thầy hiệu trưởng Trần Kim Quế trở về sau nhiều năm xa quê nhà và may mắn vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo. Chuyến đi Hồ Tràm, lửa trại Hàm Tân trong năm đó vui thật là vui. Bởi hình ảnh ngôi trường xưa như được tái hiện qua sự hiện diện của “Ông Hiệu trưởng”, qua diễn từ sâu lắng của cô Lan - Tổng  giám thị. Từ đó, thầy trò trường ta đã giữ được một kỷ niệm không phai và luôn mong đợi thêm một chuyến về nữa của thầy Hiệu trưởng thân yêu của đám học trò lóc nhóc ngày nào. Cho đến nay, ai tiễn thầy ở phi trường hôm đó, chắc vẫn còn giữ được làn hơi ấm nồng không phai của cái bắt tay, chạm má của tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò.

5. Đại Thế Giới
Hai lần họp mặt liên tiếp ở Nhà Văn hóa Quận 5, thực ra là khu Đại Thế Giới năm xưa, đã làm trỗi lên cung bậc của những chuyến đi chơi xa, những cuộc hẹn của từng nhóm bạn ham vui.  Chuyến đi Đà Lạt năm đó quả thật là đông vui. Làm rơi rớt tung tóe kỷ niệm chụp hình ở thung lũng vàng, nhậu thịt nhím cheo ở Suối Vàng, ngó cảnh trời đất ơi ở đỉnh Langbiang… Có điều là cái đêm sinh hoạt hôm đó bị bể dĩa, không chỉ vì một nhóm cốt cán chui lên quán nhạc “Giang khùng” để hát “Phượng yêu”, “Dáng thông nghiêng”, “Những đồi hoa sim”... Thật ra, phải nhắc nhớ đó là một chuyến đi hoành tráng của thầy trò trường ta. Ai mà không khỏi nhủ thầm về một chuyến đi vui như vậy, hiếm có trong mấy năm đầu thế kỷ XXI…
6. Nhường Trà
Trải qua hai cuộc họp mặt tất niên trong khuôn viên nhà hàng nhỏ hẹp ở Quận 10 không mấy ấn tượng, thầy trò trường ta bắt đầu một chuỗi hội ngộ mới ở quán chay Nhường Trà (đường Nguyễn Đình Chiểu - TP. Bến Tre) là cơ ngơi của một tấm lòng sâu nặng với thầy bạn trường ta. Qua mấy năm họp mặt ở Nhường Trà vừa rồi, mong rằng nơi đó đã trở thành hội quán lâu dài của thầy trò trường ta. Nhường Trà chỉ cách ngôi trường xưa bên hồ Chung Thủy một cung đường ngắn ngủi: đi bộ qua ngã tư Quốc Tế rồi qua khỏi cầu Cá Lóc một đỗi là tới nơi…  Từ Nhường Trà hay nói láy là Nhà Trường cũng hàm ý từ đó thầy trò ta đã qua thời “10 năm tình lận đận” với  những cuộc họp xa: từ trưa phải đi, đến nửa đêm phải về… Và khi về đến nhà, phải lên giường với giấc ngủ muộn màng, đọng đầy kỷ niệm rất đông vui, ngọt ngào…
S. THỐNG