27/03/2013

Ấm áp tình học trò


              Sáu Quang
Thầy Lương Xuân Tiến và thầy Trương Thọ Lương nhận danh hiệu  Nhà giáo ưu tú  - ảnh: PLHH

Cuối cùng, tôi, Minh Tiên, Thọ Lương, Lý Ngẩu, Cao Thành Văn, Thành Khâu hùn tiền mướn chiếc xe du lịch đi Bình Dương, dự đám cưới đứa con trai của Lê Tấn Lộc. Trên xe còn dư một chỗ ngồi. Trước đó, tôi định rủ Trần Thanh Tuyên cùng đi cho vui, nhưng một anh bạn đã dè chừng: “Nó đang bệnh. Lên đó gặp nhiều bạn, nó sẽ chơi… hết ga, rủi bứt gân máu, ông chịu nghen…”. Nghe vậy, tôi lơ luôn, không rủ Tuyên.
Xe phom phom trên đường cao tốc hướng về Sài Gòn. Trên xe, chúng tôi nhắc đủ thứ chuyện hồi còn đi học dưới mái Trường Trung học Kiến Hòa. Anh tài xế vui vẻ: “Mình đi chơi mà, 10 giờ là đến nơi. Mấy anh muốn hút thuốc cứ kêu em dừng xe lại bên đường”.

Xe vừa qua cầu Bến Lức, trong xe có tiếng cất lên: “Xả hơi đi bác tài”. Khi qua khỏi trạm thu phí Chợ Đệm, xe liền tắp vào lề đường bên phải. Tài xế vọt miệng: “Tranh thủ…”tè” đi mấy anh ơi”. Có hai, ba đứa “tè”. “Tè” xong lại ngồi bên xe nhởn nhơ hút thuốc. Tôi nói với anh bạn đi cùng: “Lâu lâu, mình bỏ ra một ngày đi ngắm cảnh vậy mà. Đường sá, nhà cửa bây giờ thay đổi quá, lớn quá”. “Ừ”. Vừa nghe tiếng ừ xong, tiếp sau tiếng ừ là tiếng xe mô tô. Tôi ngẩng lên, đó là cảnh sát giao thông. Anh cảnh sát giao thông giọng rắn rỏi: “Tài xế đâu?” “ Dạ, em đây, thưa sếp”- tài xế run run. Anh cảnh sát giao thông sau khi lấy hết giấy tờ xe, vừa chỉ tay về một hướng vừa nói với tài xế: “Anh có thấy bảng cấm xe đậu không?”. Như muốn quay sang chúng tôi, anh cảnh sát nói trong gió: “Đi đường xa, tôi rất thông cảm mấy ổng “mắc tè” chứ. Nhưng “tè” rồi thì đi nhanh, chớ đâu có được ngồi…ngắm cảnh ở chỗ này!” Tôi đứng lên, gãi đầu: “Xin lỗi sếp. Chúng tôi là thầy giáo, lâu lâu mới lên họp ở thành phố một lần. Đường sá thênh thang quá…” Có lẽ nhờ vậy nên cảnh sát chỉ phạt nhẹ anh tài xế thôi.

Xe chạy tiếp, một bạn nói: “Vậy là mỗi thằng phải hùn thêm chút xíu nữa cho đỡ anh tài xế nghe” . “Ừ”.
Lên đến đám cưới, tôi đã thấy có Phan Văn Nghĩa - một bạn học lớp 11 B2 với tôi. Trông Nghĩa hơi hốc hác, tôi liền hỏi: “ Bộ mầy bệnh à ?”. Phủi phủi tay áo, Nghĩa nói: “Suốt đêm qua, gần tới sáng, tao phải phụ…nhậu với thằng Lộc”. Nói là nói vậy nhưng tôi biết tôi vừa vô tình ném viên đá nhọn vào Nghĩa vì bà xã của Nghĩa bệnh tim, mất cách đây không lâu! Hiện Nghĩa sống chỉ một mình ở thành phố Biên Hoà. Có việc thì chạy lên chạy xuống hủ hỉ với Lê Tấn Lộc.
Tuổi học trò, ảnh chụp trước năm 1975.


Lát sau đã có mặt Lương Văn Tô My, Lưu Huỳnh Thống, Huỳnh Phương Nghĩa, Phan Nhựt Linh…Chúng tôi cùng kéo đến quây quần với những người bạn học trò năm xưa, tâm sự lúc cũng gần hạ màn. Lộc níu kéo: “Bây giờ mời các bạn “go” lại nhà tôi. Cùng chung xe, ngồi chật chật cho vui”.
Về đến nhà Lộc, khi khệnh khạng, Lộc nói không ra hơi: “Gởi về cho Trần Thanh Tuyên nửa chai rượu tây…” rồi mất hình.

Chừng hai tháng sau, chúng tôi đụng phải chuyện buồn. Minh Tiên điện thoại cho tôi nói rằng cụ thân sinh của cô Nguyễn Thị Thẩm vừa qua đời. Ngày mai, 8 giờ, đi đám tang nhé…
Tôi và Lý Ngẩu đến quán chay Nhường Trà lúc đúng 8 giờ. Trước đó, Lương Văn Tô My, Lưu Huỳnh Thống, Huỳnh Phương Nghĩa từ TP. HCM đã vọt xuống rồi, ngồi chờ bạn bè. Tại đám tang ba của Thẩm, Thẩm bùi ngùi: “Bạn bè như vầy là ấm áp lắm rồi…” Tôi nói khẽ với Tô My: “Tụi mình đâu có làm được việc gì lớn lao. Bây giờ già rồi, hễ nhà bạn bè có đám cưới, đám tang thì mình nên cố gắng đến chia vui, chia buồn. Quỹ thời gian không còn nhiều…” Lời đáp khẽ hơn: “Ừ!”

Bất giác, tôi nhớ đến  một đoạn thư thăm hỏi cựu học sinh của thầy hiệu trưởng Trần Kim Quế từ nước Đức gởi về: “Thầy cũng rất vui, qua em Lý Ngẩu, em Lá…, biết các em, ngoài tình cảm với trường xưa, thầy cũ, còn có tình bạn bè đồng lớp, đồng trường thật thân thiết, gắn bó. Thỉnh thoảng, các em họp mặt vui chơi, đùa giỡn như thuở còn đi học, không phân biệt địa vị xã hội, lớn nhỏ, giàu nghèo hiện tại. Thật quý biết bao những tình cảm như vậy…”.

Thuở nhỏ, anh Lương Văn Tô My ở trong cô nhi viện, cuộc sống thật khó khăn, lăn lóc nhưng anh cố gắng học hành và giờ đã thành tài. Anh được thầy, cô, anh chị em tín nhiệm bầu anh làm Trưởng Ban liên lạc cựu học sinhTrung học Kiến Hòa từ nhiều năm qua. Hiện anh là giảng viên Trường Đại học Y Dược TP HCM. Anh ở TP HCM nhưng về Bến Tre như con thoi.

Cách đây vài năm, anh Lương Văn Tô My đã lập quán chay Nhường Trà ở phường 8, TP Bến Tre. Ở đó, trên khoảng đất rộng, một quán chay gồm điểm tâm và ăn trưa thật khang trang, vệ sinh, thực dưỡng nhưng chỉ lấy tiền phải chăng. Bên trong, Nhường Trà có mấy phòng nghỉ dành cho thầy cô, phòng hát karaoke dành cho thầy cô, bạn bè giải trí. Những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên đán, họp mặt cựu giáo viên, cựu học sinh Trung học Kiến hòa cũng được tổ chức tại đây. Có thể thấy đây là nơi anh đi tìm hạnh phúc chứ không phải kinh doanh. Và như thế, anh đi đi về về để chia sẻ với thầy cô và học trò cũ tại quê nhà. Thấy anh đi xe tốc hành mà tôi ngán luôn…Giọng anh Tô My chầm chậm: “Từ tháng 10 năm 2012, mỗi tháng 2 ngày, mỗi ngày Ban liên lạc Cựu GV và HS Trường Trung học Kiến Hòa hỗ trợ bếp ăn từ thiện Bệnh viện Y học cổ truyền Bến Tre 600 suất ăn miễn phí; các thầy cô và các bạn cựu học sinh phụ nấu ăn cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân. Thầy Trương Thọ Lương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bến Tre, cho biết: Từ năm 2006 đến cuối năm 2012, Ban Liên lạc cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa đã hỗ trợ cho Trường THPT Chuyên Bến Tre 74 triệu đồng (học bổng) và 750 quyển tập. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi lần họp mặt Cựu GV và HS Trường Trung học Kiến Hòa tại hội quán Nhường Trà, Ban liên lạc đều tặng 50 phần quà cho những gia đình khó khăn tại Phường 8, TP Bến Tre”.
Sân trường - ảnh: T.Q

Thầy Nguyễn Đăng Phu nay đã ngoài 70 tuổi. Hằng năm, vào dịp Trung thu, các học trò cũ vẫn thường đến thăm nhà thầy ở xã Phú An Hòa nhưng trong số đó không có tôi. Tôi không đến với  một lý do đơn giản là tôi “nhậu” nhưng thầy và cả cô đều ăn chay, khi tiếp khách chỉ đãi thực phẩm chay, tuyệt đối không có rượu. Tôi chưa một lần đến nhà thầy để dùng tiệc trà nhưng thầy rất thương tôi và tôi luôn quí trọng thầy…
Cuối năm 2012

No comments:

Post a Comment