01/12/2016


Thầy Lê Ngọc Sện, cựu giáo viên Trường Trung học công lập Kiến Hòa, hỗ trợ tiền thuốc cho bạn Lý Ngẫu 1.000.000 đồng. Xin chân thành cám ơn thầy.

Bạn Lý Ngẫu, cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, nay đã bị bệnh rồi!

20/11/2016

                        Đôi dòng cùng các bạn


            Từ nhiều năm qua, bạn Lý Ngẫu (niên khóa 1967-1974, cựu Trưởng khối Văn Nghệ Trường Trung học công lập Kiến Hòa) bị nhiễm bệnh gan siêu vi C. Bạn đã tự thân đi chữa trị tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong lần tái khám hồi tháng 10-2016, bác sĩ cho biết bệnh tình của anh đã trở nặng, phải điều trị kịp thời. Theo đó bác sĩ hướng dẫn bạn Lý Ngẫu phải uống thuốc liên tục trong 3 tháng. Toa thuốc: hiệu LEVIR do Ấn Độ sản xuất, một hộp 28 viên, mỗi ngày uống 1 viên, uống liên tục trong 3 tháng. Được biết, giá gốc thuốc LEVIR hiện nay là 483.000 đồng/viên, tức 1 hộp thuốc (28 viên) gần 15 triệu đồng; trong khi đó, gia đình của bạn Lý Ngẫu quá khó khăn.

            Với lòng hảo tâm của các bạn, tùy nhiều hay ít, xin các bạn đóng góp tiền mua thuốc để giúp bạn Lý Ngẫu vượt qua căn bệnh ngặt nghèo.Tiền giúp đỡ bạn Lý Ngẫu xin gởi đến: Huỳnh Thanh Quang, số 314C Hoàng Lam, phường 5, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre- ĐT: 0919354286 hoặc gởi qua tài khoản ATM của Huỳnh Thanh Quang – ATM: Huynh Thanh Quang 711A 12000418 VietinBank, chi nhánh Bến Tre (đề là tiền thuốc gởi Lý Ngẫu). 

29/10/2016

         Những thắc mắc về xây cơ
              Lê Ngọc Sện
         Thời gian dạy học và hoạt động với học sinh Trung học Kiến Hòa, tôi không nghe các em nói gì về việc xây cơ, trong khi nó lại rất phổ biến tại quê tôi; mà ở thời Trung học nhiều học sinh đều biết hoặc có tham gia.
              Năm 1968, khi kết thúc năm học lớp Đệ Nhất chuẩn bị thi Tú Tài II, lớp chúng tôi tổ chức liên hoan chia tay tại nhà một người bạn ở ngoại ô tỉnh lỵ Tân An (Long An). Lúc chờ Ban ẩm thực nấu nướng, một số bạn nam và nữ tập trung cạnh mương vườn gần khu mộ của gia đình bạn để xây cơ. Có đứa biết tôi từng trải qua việc cầu cơ nên kêu gọi tôi tham gia. Tôi đã thẳng thừng từ chối, tôi “ớn” xây cơ quá rồi!   
*             *
*
Dụng cụ xây cơ

              Năm 1966, gia đình tôi phải tản cư từ vùng quê đầy bom đạn (gần cầu Bến Lức) lên mua đất cất nhà ở ngoại ô huyện lỵ Thủ Thừa (Long An). Nhà rộng 3 căn với 3 dãy (nhà trên, nhà dưới và nhà để che cho 1 chiếc ghe + 1 chiếc tàu nhỏ), phía trước là đường lộ đá, phía sau là kênh Thủ Thừa (con kênh lớn, thẳng, nối sông Vàm Cỏ Đông với sông Vàm Cỏ Tây).
              Tía tôi làm chủ một che đường (lò sản xuất đường tán) cách nhà ở 3 cây số, nên má, anh-chị-em của tôi thường ra đó để trông coi công việc, phụ lo cơm nước…
              Hàng ngày tôi dùng chiếc xe mô-by-lết cũ của tía tôi để đi hơn 10km xuống Tân An học lớp Đệ Tam ở Trường Trung học Tân An (Trường Trung học Thủ Thừa lúc đó mới mở tới lớp Đệ Tứ; Thầy Huỳnh Phú Hiệp từ Trung học Kiến Hòa về làm Hiệu trưởng).
              Gần nhà có một đứa cháu trai kêu tôi bằng cậu (ai cũng gọi nói là “Thằng Năm”), nó nghỉ học từ lớp Đệ lục, ở nhà làm thuê. Cùng một tuổi, cùng một trang lứa nên cậu cháu chúng tôi chơi với nhau rất thân. Nhà rộng, có một mình tôi ở nhà trên để học hành cho dễ, tối ngủ một mình trên bộ ván gỏ lớn nên nó hay sang ngủ cùng tôi.
              Một hôm Thằng Năm đi ra chòm Mả Đông ven kênh Thủ Thừa, cách nhà 1.200m (đây là khu mả lâu đời bị sóng đánh xói lở hoặc phù sa phủ lấp, nước ròng cạn nhìn thấy rải rác một số hòm, quách bị xô giạt…), nó cưa cắt một miếng ván hòm đem về đẻo gọt lại thành hình trái tim dầy gần một phân, nhỏ hơn lòng bàn tay. Nó nói: Cậu cất giùm miếng cơ nầy đi để xây cơ chơi, mấy đứa con gái lối xóm cứ rủ rê hoài hè!
              Tôi bỏ miếng cơ vào hộp đựng phấn viết bảng, để chung với các ngăn tập sách trong cái tủ gỗ ở đầu bộ ván.
              Rồi cậu cháu nghiên cứu để lập ra một bảng chữ cái dùng cho việc xây cơ. Thật ra tôi không dạn dĩ lắm mấy vụ như thế nầy; nhưng vì xu hướng với thằng cháu mà cũng làm liều theo cho vui!
1. Tổ chức xây cơ
              Buổi tối học bài xong, hơn 21 giờ đêm, tôi cùng thằng Năm, một đứa cháu trai tên Để (nhỏ hơn tôi 1 tuổi, học Đệ Tứ Trường Trung học Thủ Thừa), 2 chị con của Bác tôi ở nhà chung vách, em gái tôi và cô H. hàng xóm bạn với em gái tôi quây quần tại một hiên nhà vắng vẻ tổ chức xây cơ.
              Các cô đã chuẩn bị đầy đủ. Trải tờ giấy ra, đặt miếng cơ vào đúng chỗ (thăng, giáng) rồi đốt nhang, đốt đèn dầu nhỏ, đĩa đồ cúng (trái cây, bánh hay nãi chuối hoặc có gì cúng nấy)…
              Một người (đang đặt ngón tay trên miếng cơ hoặc ngồi ngoài) tự động thành tâm khẩn vái:
              - “Ai người khuất mặt khuất mày đi ngang đây ghé lại, cho tôi hỏi thăm chút chuyện!”.
              - Hoặc: “Hồn thiêng ai đó phảng phất phiêu du, xin nhập vào cơ cho chúng tôi hỏi chuyện” v.v…
              Hai người đặt ngón tay trỏ lên đầu (bên trên mũi nhọn) và đuôi miếng cơ (trên chỗ khuyết hình trái tim), tập trung cao độ… ít phút sau cơ sẽ nhúc nhích nhẹ, lúc đó bắt đầu hỏi và cơ sẽ chạy từ từ trên mặt tờ giấy đến từng mẫu tự, mình ráp lại thành chữ, câu…
              Nếu cơ không hề lay động thì láp giáp khẩn vái hoài; hoặc phải thay người đặt tay xây cơ (vì người đó “nặng bóng vía”!).
              Thằng cháu Để đặt tay vào cơ thì cơ không bao giờ chuyển động. Bác Bảy của tôi bị bệnh sơ gan mà chết, nhưng chị R. con của Bác nghi ngờ bị người ta thư làm bụng to nên tích cực tham gia xây cơ để hỏi cho ra lẻ! Mỗi lần chị đặt tay vào cơ, khấn vái được gặp vong linh tía của mình, thấy cơ nhúc nhích, chị hỏi ngay: “Tía hả tía?” thì y như rằng lần nào miếng cơ cũng chạy tuốt ra ngoài tờ giấy!
              Tôi và cô H. có vẻ “hạp” nên cùng để tay xây cơ lần nào cũng nhanh và suông sẻ; vì vậy bị ép tham gia xây cơ hoài (chưa kể hai đứa cũng bị “cáp đôi” nữa!).
 2. Câu hỏi và sự kiện đáng nhớ
              Chúng tôi còn trẻ nên các câu hỏi với cơ nói chung chỉ loanh quanh về:
              - Gia đạo: gia đình có ổn không? Công việc làm ăn sẽ ra sao?
              - Tình duyên: Có bồ chưa - mấy người? Vợ (hay chồng) là ai?
              - Tương lai, hậu vận như thế nào ? v.v...
              a. Có một lần chúng tôi hỏi tương lai của cô H. sẽ ra sao thì cơ cho biết : “Cô H. sẽ chết vì bị chìm đò ở cầu Chẹt Sậy”! Thời điểm đó là cuối năm 1966, chúng tôi ở Thủ Thừa không hề biết cầu Chẹt Sậy là gì, ở đâu, không biết cơ nói vậy là sao nên nghe qua rồi bỏ…
              Thật tình trong thâm tâm tôi (người đặt tay xây cơ hôm đó) thỉnh thoảng vẫn trở lại suy nghĩ “Vì sao - Chẹt Sậy ?!”... Tại sao cơ “phán” như vậy ?!; và không ngờ đây lại chính là điểm đầu của hành trình dẫn dắt tôi đến đất Kiến Hòa (sẽ trình bày lại trong phần III- DUYÊN NỢ KIẾN HÒA).
              Năm 1970 về dạy học ở Kiến Hòa, tôi mới biết cầu Chẹt Sậy. Nó vừa bị đánh sập và chính ba của cô H. thắng thầu đưa đò (bằng chiếc phà nhỏ có ghe máy ủi phía sau) qua kênh Chẹt Sậy. Ba và em trai cô thay nhau cầm lái, còn cô H. thu tiền khách và xe.
              Một dịp hè tôi đi Mỹ Lồng xuống nhà đứa cháu của Bác Tư chủ nhà ở trọ, tôi gặp lại cô H. Thấy cô tất bật trong mỗi chuyến đò nên tôi không nói chuyện gì được nhiều; nghĩ lại chuyện xưa, tôi hỏi: “H. vẫn bơi lội giỏi chứ”, cô H. cười hiền “Anh khỏi lo”!
              Khi cây cầu nối nhịp lại, cô H. trở về quê Thủ Thừa, có chồng, làm vườn trồng mía ven kênh Bo-Bo ; vẫn mạnh khỏe (tôi cũng vái trời đừng vì lý do gì nữa mà cô H. phải trở lại Chẹt Sậy ! Hôm rồi về quê, tôi nghe nói vào cuối tháng 9/2016 cô H. đã may mắn trúng giải độc đắc vé số BTr 1,5 tỉ đồng nữa!).
              b. Có lần chúng tôi hỏi cơ: “Tại sao người ta cúng kiến bằng chuối xiêm, chuối cao mà không bao giờ cúng bằng chuối già?”  
                  Cơ trả lời : Tại “Kỳ lắm” !
              c. Muốn thử thời vận, kiếm tiền làm giàu, một tối xây cơ chúng tôi xin cơ cho biết kết quả kỳ xổ số kiến thiết vào chiều thứ ba tới.
              Cơ lần lượt chỉ ra từ số đầu (85), lô 3 con (006,...), đến số độc đắc (chúng tôi có ghi nhưng bây giờ không nhớ được. Tin theo cơ, cả bọn đi mua số đề, lựa mua vé số, có bao nhiêu tiền đều tập trung mua... Tôi còn xin mẹ ứng thêm tiền ăn học trước một tuần, hy vọng trúng đậm.
              Kết quả thật ngỡ ngàng ! Không có con số 85 nào cả (mà là 12), chỉ duy nhất là số gần giống là 106 (thay vì 006!). Ức quá, khi xây cơ lại (không biết có phải hồn cũ nhập vào nữa không nữa ?!), chúng tôi giận dỗi hỏi tại sao lại cho số trật lất hết vậy, làm chúng tôi tốn tiền quá mạng !?
              Cơ trả lời tỉnh ro: “Tại vì tham quá !” 
              d. Mẹ và chị hai tôi thường rầy khi chúng tôi hay xây cơ: “Tụi bây xây cơ hoài coi chừng sẽ bị khùng điên đó!”.
              Đem thắc mắc hỏi cơ: “Người ta nói nếu xây cơ hoài thì bị điên - tại sao vậy?”. Cơ trả lời: “Vì quấy quá!”. 
              e. Một vài trường hợp hỏi khó quá (hoặc cơ không hiểu ?), cơ lại trả lời:  “Thiên cơ bất khả lậu !”. 
 3. Cơ đòi lại « nhà » 
              Hè 1967, tôi tập trung lo học thi Tú Tài I. Một đêm trăng thanh gió mát, bọn hàng xóm lại rủ rê xây cơ. Sau khi khấn vái cho hồn nhập vào cơ, đến 5 phút sau miếng cơ mới nhúc nhích nhưng hỏi gì cũng không dịch chuyển để trả lời. Các cô xúm lại năn nỉ: “Có gì cứ nói cho chúng tôi biết đi mà!”, một hồi cơ mới chạy đến các mẫu tự thành chữ: “Hãy trả lại nhà cho tôi !”  
              - Hỏi: Nhà gì? Nhà nào?
              - Cơ: Nhà mà hôm trước lấy làm miếng cơ đó! (Thằng Năm đã đục đẻo nắp hàng. Nó biết chỗ !).
              - Hỏi: Chúng tôi phải trả lại như thế nào?
              - Cơ: Ra phía sau nhà cô H., moi dưới sàn nước cũng có một nắp hàng trôi giạt, cắt lấy một miếng tương tự rồi đem ra trám vào chỗ cũ bằng xi măng !
              Chúng tôi nghĩ chắc cơ “nói chuyện tào lao” nên bỏ qua. Tôi vẫn đi học nhóm, thằng cháu Năm đi làm thuê, mọi người sinh hoạt bình thường...
              Vài hôm sau, nửa đêm đang ngủ, tôi và thằng Năm nghe trong tủ sách ở hộp phấn viết bảng đựng miếng cơ có tiếng sột soạt như con chuột đang quào hay nhai cắn gì ở trong đó, chỉ cách đầu bộ ván gỏ chúng tôi ngủ hơn 1 mét nên nghe rất rõ. Chúng tôi bật đèn pin rọi vào nhưng không thấy gì khác thường. Chừng 5 lần tái diễn như vậy thì tới sáng! Cậu cháu tôi chột dạ, có nghĩ đến chuyện “bị quấy phá gì đây...” nhưng ai cũng có công chuyện hàng ngày nên “thây kệ”, bỏ qua.
              Tối đêm kế tiếp vẫn có tiếng khua trong hộp. Tôi nói thằng cháu đem dẹp kỹ ở nhà sau cho yên! 24 giờ, cậu-cháu yên tâm lên ngủ, một hồi thì nghe dưới bộ ván gỏ đang nằm có tiếng cào như mèo quào từng chập. Tôi nghĩ nhà không có chó, bộ ván cao 8 tấc thì con mèo nào quào vào mặt dưới bộ ván như vậy được ?!
              Nghe tiếng quào nữa, tôi khều thằng cháu, nó dở mùng để tôi pha đèn pin rọi mặt dưới bộ ván. Phía dưới trống không, chẳng có gì lạ !? Đến lần thứ ba, vừa dở mùng ló đầu ra khỏi bộ ván thì cháu tôi ọe mửa lênh láng.
               Nghe chúng tôi lục đục hoài và tiếng nôn mửa của thằng cháu, chị Hai tôi ngủ ở nhà dưới chạy lên hỏi han sự tình. Thằng Năm lo sợ nên kể lại mọi chuyện... Chị Hai vừa quét dọn vừa khấn vái (thằng cháu tôi lở dại, xin tha thứ tội “phá” nhà, và hứa sẽ đem trả đàng hoàng !).
              Hôm sau, thằng cháu tôi đợi lúc nước ròng cạn, ra sau nhà cô H. cào bùn cạnh sàn nước thì quả đúng có một nắp hàng đã lạn, gần hư mục để lộ ra một khoản nhỏ. Nó cũng lấy cưa và dao cắt một miếng, sau đó quây máy tàu của nhà tôi chở chị Hai tôi, đem miếng ván hàng, miếng cơ cũ, đồ cúng và xi măng ra nghĩa địa cũ. Nó nhờ chị Hai tôi cúng vái, còn nó trám trét xi măng “trả lại nhà”cho  người ta !
              Từ đó, chúng tôi cạch vụ cây cơ, không dám nhắc tới nữa !
 4. Đôi điều đọng lại

Xây cơ

              Vậy đó, tôi nghiệm lại việc xây cơ của chúng tôi có nhiều điều không thể hiểu nổi :
              a. Cái gì đã nhập vào miếng cơ để nó chuyển động?
              Ngón tay của chúng tôi (người xây cơ) không chạm hoặc chỉ vừa chạm nhẹ vào gỗ mà sao nó có thể chạy đến từng mẫu tự để chúng tôi ráp lại đọc ra chữ Việt?
              - Tại sao có người để tay vào, cơ lại không bao giờ chạy ?
              - Trong khi chị R. con của Bác tôi hễ để tay vào cơ là miếng cơ chạy tọt ra ngoài tờ giấy nằm yên, không quay vào?
              b. Hỏi trên Trời dưới Đất, cơ đều có thể trả lời (đôi khi “hồn nhập” nói mình chỉ 5-7 tuổi !?). Hầu hết “cơ nói” đều trật lất; nhưng tại sao có những việc mà người xây cơ và những người xung quanh không biết trong khi đó cơ lại biết hoặc chỉ bảo chúng tôi ?
              - Ví dụ: Nói việc sau này cô H. sẽ bị chìm đò ở Chẹt Sậy. Lúc đó (1966) cầu Chẹt Sậy chưa sập ! Về sau cô H. có xuống Kiến Hòa phụ đưa đỏ ở Chẹt Sậy - nhưng giờ vẫn sống khỏe !
              - Miếng ván hàng ở sau nhà cô H. dưới bùn sâu đâu có ai thấy (sao cơ biết ?), và còn bày cách thức cho chúng tôi phải trả lại ván cơ nữa...(đòi dữ tợn nhưng trả quá đơn giản ?!) v.v...
              Chuyện đã qua rồi nhưng thắc mắc thì vẫn còn nguyên!

                                                                                                                        (Bến Tre 2016).

12/09/2016

Kỷ niệm trường xưa
Lê Ngọc Sện

Tuổi già đã sầm sập đến rồi! Nhớ ngày nào đến đây ở tuổi hoa niên phơi phới mà giờ sắp sửa “Thất thập cổ lai hy”!
            Xưa mình thấy các cụ ông ở tuổi 70 râu dài, tóc búi, phong cách đỉnh đạc…khiến mình rất nể trọng. Giờ thì ta ra sao? Đến tuổi 70 thì như thế nào? Chưa gì mà đã thấy chân dùng-gối mỏi, suy nghĩ nhiều mà làm thì chẳng bao nhiêu; lại có lúc nhớ nhớ - quên quên rất đáng ngại.
            Hồi tưởng lại giai đoạn đầu bước chân vào nghề dạy học, 5 năm với biết bao kỷ niệm, rồi mảnh đất – tình người đã níu giữ chân tôi đến suốt cuộc đời…khiến tôi không khỏi bồi hồi xúc động.
            Xin cho tôi được trải lòng qua những trang tạp văn nhắc lại những kỷ niệm với Trung học Kiến Hòa, trong đó có lúc nói nhiều về mình, khi thì về một Anh – Bạn, hay một sự kiện hoặc chỉ một chi tiết (nhưng quan trọng) có liên hệ Kiến Hòa…
            Chắc cũng không thể nào nói hết được tình nghĩa của các Anh – Chị - Bạn đồng nghiệp, của các em Học sinh; và cả quê hương thân thương này.
            Chuyện họp mặt cựu học sinh
            Hôm 21-11-2015 tôi đi đám cưới của một học sinh cũ ở Mỹ Thạnh An (là học sinh giỏi môn Địa lý của trường THPT Nguyễn Đình Chiểu-2004), khi ra về thì bị một anh kéo lại nói chuyện:
-          Thầy về hả? Thầy bà con với nhà này ra sao?
-          Cô dâu là đệ tử ruột trước đây của tôi nên tôi đến chúc mừng!
-    Thầy có nghe nói cựu học sinh Trung học Kiến Hòa năm nay họp mặt ở Sài Gòn chớ không họp ở Nhường Trà chưa?
-                     -   Tôi chưa nghe. Cũng đâu nhất thiết tổ chức cố định một nơi hoài, chỉ có điều trên Sài Gòn thì hơi xa, nếu có ai lo được xe lớn để cùng đi thì sẽ thuận tiện…
-                     -   Trước đây họp mặt ở Sài Gòn em cũng có dự rồi, nhưng lần này chắc không đi. Càng đi họp thì đôi khi càng thấy buồn!
                                  -    Tại sao vậy?
           -    Tội nhất là các chị lớn tuổi, lụm cụm đến họp mặt, thường ngồi thui thủi, ít được đoái hoài, ra về rồi buồn…
           -     Không hẵn như em nghĩ. Ban tổ chức Thầy – Cô cũ ít người nên đâu có thể “một kè một” được.
Bản thân tôi nè, khi đến dự họp mặt tôi thường rề rà ngồi chung với các
cựu học sinh; hoặc phụ đón tiếp nữa. Tôi còn nhớ, như các anh chị cựu học sinh lớn tuổi từ huyện Mỏ Cày đến, chị Lý Mai (thành phố` Bến Tre) hay chị Cưu (74 tuổi- ở Giồng Trôm)…chuyện trò thâm tình như chị- em vậy, chớ đâu phải bỏ mặc.
-                      -    Một số người lại vây lấy Thầy- Cô, rồi Thầy- Cô chỉ quanh quẩn với các bạn ấy thôi Thầy ơi.
-                      -    Nói vậy là em đã có ý trách móc. Em thử đặt mình vào Ban tổ chức để rồi thấy mình có thể làm được những gì!?
Tôi cũng hiểu tâm trạng của em – người cựu học sinh dự họp mặt cựu học sinh. Nếu em sẵn lòng thì hãy nghe chuyện của tôi để chúng ta đồng cảm:

*    *
              *
            Tôi cũng là một cựu học sinh trường Trung học Tân An (Long An). Hàng năm các cựu học sinh trường Trung học Tân An đều có tổ chức họp mặt. Riêng tôi do ở xa, nhà lại rất  neo đơn…nên không biết và không tìm hiểu về việc họp mặt đó. Sau khi nghỉ hưu mấy năm, đến năm 2013 một bạn thân đột nhiên gọi điện mời họp. Rất vui mừng và nôn nao, mình chạy xe về Long An.
            Buổi họp mặt được tổ chức tại nhà hàng Biển Đông (thành phố Tân An – Long An). Lần đầu tiên sau 45 năm ra trường, bạn học chung lớp chỉ thấy có 2 người (một người gọi điện thoại mời, còn một anh đứng cầm mi-cờ-rô làm MC. suốt buổi). Các thầy cũ ngồi chung một bàn, các cô ngồi ở bàn khác, nhìn kỹ vẫn không nhớ mặt và tên quá 5 người (em xin lỗi quý Thầy- Cô).
            Tôi chuẩn bị một phong bao lì- xì rồi tiến đến bàn gặp Thầy dạy Giáo dục Công dân N.V.P : “Em xin kính chào quý Thầy. Em kính gặp Thầy Giáo dục Công dân”. Tôi tiếp:
-   Thầy khỏe không Thầy? Thầy về Sài Gòn hay ở Long An?
Thầy nói:
-    Tôi ở với con-cháu tại thành phố Tân An. Dạo này yếu lắm – 76 tuổi rồi.
Tôi chúc mừng năm mới, kính trao bao lì-xì và chúc sức khỏe Thầy.
-     Em là Lê Ngọc Sện. Thầy nhớ em không?
Thầy ậm ờ, cám ơn.
-    Thầy có nhớ hồi em học lớp Đệ Thất (1960-1961), em ghiền đọc truyện, phải tốn nhiều tiền để thuê mướn sách vì vậy cuối tuần hết tiền nên em đến nhà Công vụ, thập thò chờ gặp Thầy mượn tiền để đi xe lam về quê, đó Thầy.
Chắc Thầy không nhớ dù tôi mượn đến 2 lần (đã trả Thầy đàng hoàng) và tôi nghĩ cũng không đứa nào khác dám mượn tiền của ông Thầy đâu. Kỷ niệm đến vậy mà Thầy không nhớ thì có hụt hẩng không?
Đi quanh quẩn, mình học Trung học Tân An đến 8 năm mà sao không
nghe ai kêu mình cả. Thấy một anh có vẻ quen quen, mình hỏi đại:
-          Bạn là Th.  phải không?
-          Không phải, trật rồi! Coi chừng tôi phạt ông đó!
Tôi vội lãng đi…(sau mới biết đó là bạn K. trong Ban tổ chức).
Đầu năm 2014, lần thứ hai tôi đi họp mặt cựu học sinh Trung học Tân An, gặp được 4 bạn nam và 2 bạn nữ cùng lớp ngày xưa. Tôi vui mừng tiến đến gặp cô:
-                     -     Thưa Cô. Thầy – Cô vẫn khỏe? Từ lúc ra trường đến nay em mới gặp lại Cô…
-          Khỏe - cám ơn. Em là cựu học sinh khóa nào?
-          Em là Lê Ngọc Sện, lớp 12A2 (1967-1968). Cô có nhớ không?
Cô suy nghĩ rồi À – À…
           -    Năm đầu tiên cô về dạy môn Vạn Vật lớp Đệ Nhất, khối lớp Ban A. Ở kỳ thi Đệ nhất lục cá nguyệt, Cô chấm bài chung các lớp Cô dạy, em là học sinh có bài thi đạt điểm cao nhất; đã được Cô nêu tên tuyên dương đó Cô.
-          Vậy hả!? (chắc Cô cũng không nhớ).
Một vài bạn khác kéo đến, Cô phải tiếp chuyện…Rốt cuộc Thầy- Trò đâu có hàn huyên được gì.
Thế đó, năm đầu tiên Cô đứng lớp, đã tuyên dương mình…; mà mình ở Trung học Tân An chỉ duy nhất, không trùng tên với một ai…vậy rồi Thầy- Cô không nhớ được, có buồn không!?
Bạn bè lèo tèo như vậy. Thầy-Cô không ai nhớ được mình…mà không nhớ thì làm sao chuyện trò rôm rả cho được.
Giật mình, tôi nghĩ lại mình cũng thế thôi, buồn làm gì. Thời gian, tuổi tác, công việc…bây giờ mình có nhớ được bao nhiêu cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa?

Thầy Lê Ngọc Sện dự họp mặt cựu học sinh Trung học Tân An

Đầu năm 2015. Vào ngày họp mặt cựu học sinh Trung học Tân An, lớp mình chỉ có 4 đứa bạn nam: một đứa phải làm MC. chung, 3 đứa còn lại gọi điện lôi kéo mình về nhà một bạn ở huyện cho “vui hơn”. Mình từng là cán bộ của lớp, biết tính sao; cuối cùng ngả về phía lớp cũ, đi theo 3 bạn nam “họp mặt” riêng. Nghĩ lại cũng có lỗi với Ban tổ chức, với Thầy-Cô và các cựu học sinh khác.
*   *
   *
           -    Em thấy đó, để tổ chức được cuộc gặp mặt các cựu học sinh với các Thầy-Cô cũ, đâu có đơn giản.
Muốn quy tụ được đông đảo cựu học sinh và các Thầy-Cô giáo cũ cùng sinh hoạt, thực hiện đầy đủ theo mục đích yêu cầu của cuộc họp mặt thì đâu có dễ dàng gì. Nếu ai cũng rụt rè, miễn cưỡng thì làm sao gắn kết với nhau.
Hãy thông cảm và mở lòng ra. Phải lăn xả vào cùng chung tay tổ chức và quây quần vui vẻ thì tự khắc sẽ vui lên. Dù sao cũng còn mối dây liên hệ là “cựu” với nhau cả mà…
-                      -   À xin lỗi em tên gì? Nói chuyện với nhau rất nhiều và khá lâu mà tôi không nhớ em là ai?!
-                      -   Em không có học với Thầy nên Thầy không biết, bà xã của Thầy biết nhiều về em vì em ở cùng xóm với chị ấy (ngay đầu đường NHĐ.). Em tốt nghiệp năm 1973 sau chị 3 năm. Nói em “T.Tr” là chị biết.
-       Thôi! Hãy phấn khởi hơn, tích cực lên nghe! Xin chào!

Thầy Lê Ngọc Sện chuẩn bị cho một lần họp mặt cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa.


                                                                                                                         Bến Tre 2016.

09/09/2016

Tiễn đưa linh cữu cụ bà về chốn yên nghỉ vĩnh hằng

Chị Nguyễn Thị Bạch Phượng bên linh cữu mẹ. Chị mất mẹ năm 61 tuổi! Ảnh: Lưu Huỳnh Thống


Anh Lân, chồng chị Phượng tiếp các cựu học sinh đến viếng và tiễn đưa cụ bà.

Thầy Trương Thọ Lương (bìa phải), cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa.

08/09/2016

Kính viếng thân mẫu chị Bạch Phượng

            Cụ bà Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1932, ngụ số 46, đường Tán Kế, phường 3, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre, là thân mẫu của chị Nguyễn Thị Bạch Phượng, cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa niên khóa năm 1967-1974, hiện là Thủ Quỹ Ban Liên lạc cựu giáo viên và cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, đã từ trần lúc 6 giờ ngày 7-9-2016, nhằm ngày 7 tháng 8 năm Bính Thân.
            Lễ động quan lúc 12 giờ ngày 9-9-2016, nhằm 12 giờ ngày 9 tháng 8 năm Bính Thân. An táng tại đất nhà thuộc ấp Gia Khánh, xã Hưng Khánh Trung, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre).
            Trong thời gian tang lễ, nhiều người thân trong gia đình, dòng họ, bà con xóm giềng, các cựu giáo viên, cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa đã đến dâng hương, cúng viếng. Chị Nguyễn Thị Bạch Phượng chân thành cám ơn tấm lòng của những người thân, thầy-cô, bạn hữu đã đến cúng viếng; xin niệm tình tha thứ nếu tang gia có điều chi sơ sót.

                                                                                                                         Ban Liên lạc.


30/05/2016

            
Ngày vui họp mặt cựu học sinh niên khóa 1968-1975

            Một số hình ảnh do anh Nguyễn Lâm Tươi thực hiện:








            Họp mặt cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa niên khóa 1968-1975

            Sáu Quang



            Ngày 29-5-2016, tại nhà hàng Champagne phường 1, thành phố Bến Tre, đã diễn ra cuộc họp mặt lần thứ 12 của các cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa niên khóa 1968-1975. Trên 130 thầy, cô và các cựu học sinh trong và ngoài tỉnh đến dự. Những học sinh thơ ngây, trong trắng ngày nào nay tuổi đời trên dưới 60, có nhiều bạn đầu tóc bạc nhiều, giọng nói chầm chậm.
            Sau phút tưởng niệm các thầy, cô đã khuất, Ban đại diện cựu học sinh niên khóa 1968-1975 giới thiệu thầy Lê Quang Hớn, cựu Tổng Giám thị, Trường Trung học công lập Kiến Hòa nói cảm tưởng. Thầy Lê Quang Hớn xúc động nói: “ Có 2 việc mà tôi nhớ suốt đời đó là khi tôi học tập cải tạo trở về, có một cựu nữ học sinh nhìn tôi, đoán ra tôi là thầy Lê Quang Hớn. Bên vỉa hè, mặc chiếc áo sờn vai, tôi dối lòng nói là không phải tôi, rồi quay đi. Song, em đó đã “đoán “ chính xác tôi là người thầy xưa, tình cảm lưu luyến đó như viên đá nhọn ném vào tim tôi. Và việc thứ hai là các cựu học sinh xuất thân từ Trường Trung học công lập Kiến Hòa nay phần đông đều thành đạt trong cuộc sống.
            Có 10 câu hỏi ngẩu nhiên dành cho các cựu học sinh trả lời trong cuộc họp mặt. Nội dung chính là ôn lại những sự kiện, tình tiết đáng nhớ đã diễn ra trong niên khóa 1986-1975 ví như hai câu đối khắc trước cổng trường: “Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức. Hoằng khai khoa học tác tân dân” là do ai viết? Trả lời: Thầy Nguyễn Đăng Phu. Niên khóa 1968-1969, Trường Trung học công lập Kiến Hòa có mấy lớp đệ thất? Trả lời: 10 lớp rồi sau đó bổ sung thêm hai lớp, học ở bên trường tiểu học nữ tỉnh lỵ…
            Ban đại diện cựu học sinh niên khóa 1968-1975 đã trao quà lưu niệm cho các thầy, cô dự cuộc họp mặt lần thứ 12.
            Đặc biệt, để chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới (lần thứ 13) của niên khóa 1968-1975 tại nhà hàng Champagne vào ngày Chủ nhật 28-5-2017, Ban đại diện đề nghị các cựu học sinh của niên khóa liên hệ, đăng ký tham dự cuộc họp theo địa chỉ như sau:

            Hồ Trung Trực – ĐT: 0913.965.108; Mai Hoàng Phong – ĐT: 0917.125.649; Lê Hữu Trí – ĐT: 0913.665.925; Nguyễn Văn Hiểu – ĐT: 0909.71.72.57

Các thầy, cô tưởng niệm các thầy, cô đã khuất

Trao quà lưu niệm cho các thầy, cô

Anh Hồ Trung Trực, Trưởng ban đại diện cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa niên khóa 1968-1975 (giữa) chuẩn bị cho buổi họp mặt

Anh Huỳnh Văn Hùng (đứng, giữa), Tổng thư ký Ban đại diện học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa niên khóa 1974-1975.

Tất cả 6 ảnh do anh Diệp Hoàng, niên khóa 1967-1974 thực hiện.


17/04/2016


Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và chú giải”
- Bộ sách nhiều công phu và ý nghĩa
          Ánh Nguyệt
          Đây là công trình biên khảo (trọn bộ 2 tập)  của tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên; nội dung ghi chép và chú giải đầy đủ nhất từ trước tới nay về phương ngữ vùng sông nước Nam bộ được tác giả dày công nghiên cứu trên nhiều tài liệu, tập hợp và lĩnh hội từ kiến thức thực tế (gần giống như một quyển từ điển). Bộ sách quý giá trên đã được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn-Chi nhánh Miền Tây Nam Bộ cùng tác giả phối hợp tổ chức ra mắt, giới thiệu ngày 10-4-2016 tại Trường THCS TP.Bến Tre. Bộ sách sẽ góp phần giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn về ngôn từ, văn hóa của người Nam bộ từ thời rất xa xưa đến nay.

Một cựu học sinh THCL Kiến Hòa tặng hoa cho tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên

          Đôi nét về tác giả
          Nhà văn Bùi Thanh Kiên sinh ngày 31-12-1941, là người con của quê hương Phú Hưng - TP.Bến Tre, hiện là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre. Trước năm 1975, ông từng là giáo viên giảng dạy môn Văn của Trường Trung học công lập Kiến Hòa (Nay là Trường THCS TP.Bến Tre), sau ngày giải phóng đất nước, ông là giáo viên của Trường THPT Cheguevara - Mỏ Cày (nay là huyện Mỏ Cày Nam). Từ quá trình học tập, nghiên cứu, ông được công nhận các học vị: Cử nhân Văn khoa tự do, Cử nhân giáo khoa triết học Đông Phương.
Ông không chỉ tham gia giảng dạy tại trường học mà còn nghiên cứu, sáng tác thơ văn. Một số tác phẩm nổi bật của ông đã được xuất bản có thể kể đến như: Đồi mai vùi kiếm (truyện thơ lục bát), Tập thơ đủ thể loại (Đường luật, Thơ mới, Lục bát và có cả Văn tế Đường Phú), các bài khảo luận nhỏ (như:nói lái, trò chơi dân gian)…
Nét đặc sắc của bộ sách “Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và Chú giải”
Có thể nói, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ cực kỳ phong phú về từ vựng, ngữ nghĩa. Theo nhận định của Nhà thơ Thạch Trung - Nguyễn Văn Ẩn “Là đứa con tinh thần được đặc biệt chăm chút, nưng niu, bộ “Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và Chú giải” của Nam Chi Bùi Thanh Kiên có những nét đặc trưng cần thiết để góp phần bổ sung cho những công trình cùng loại của các Nhà biên khảo bậc thầy mở đường khai lối mà ông đã rất mực kính ngưỡng và nuôi chí kế thừa. Đây là một công trình tuy còn khiên tốn về quy mô nhưng khá phong phú, độc đáo về nội dung chất lượng. Tôi tin tưởng rằng công trình này sẽ được đông đảo bạn bè hân hoan tiếp nhận, bởi ai trong chúng ta cũng đều có cùng một tình cảm đậm đà và thiêng liêng với tiếng mẹ đẻ”.
Gửi gắm với độc giả, tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên chia sẻ: “Khi biên soạn quyển sách, chúng tôi chỉ có mục đích trình bày mà không biện giải bất cứ vấn đề gì và cũng không nhắm vào những mục tiêu cao xa như xác định chánh tả hoặc chuẩn hóa mảng từ ngũ đã có sẵn. Đối tượng mà chúng tôi muốn phục vụ là tất cả những ai muốn tìm hiểu về chữ dùng và cách nói của lớp người ra đi mở cõi và đã cùng những cư dân bổn địa hòa hợp với nhau tạo thành một xã hội mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng cực Nam Tổ quốc. Quyển sách này được soạn ra để phục vụ tuyệt đại đa số độc giả nên được trình bày giản dị, từ dùng dễ hiểu”.

Nội dung và cách lựa từ có: chữ Hán thông dụng phát âm theo cách riêng của các nhà Nho Nam bộ thời xưa, các từ thường dùng cộng với các từ Việt hóa, các từ thuần Việt, các từ phổ thông, mảng từ do hoàn cảnh địa lý mang lại, mảng từ về cây cỏ. chim chóc phổ biến trong đời thường, tiếng lóng do óc khôi hài tạo ra…. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành (lần 1: 1 ngàn quyển). Bộ sách  gồm 2 quyển, mỗi quyển có khổ 16-24 cm, bìa cứng, dày gần 800 trang (500 ngàn đồng/bộ), sách sẽ được giới thiệu rộng rãi hoặc đọc giả liên hệ trực tiếp với tác giả tại Quán chay Nhường Trà, số 538C Nguyễn Đình Chiểu, phường 8, TP.Bến Tre. Điện thoại: 075.2210.442. 

Tac giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên ký tặng sách cho ban đọc - ảnh: Ánh Nguyệt.

14/04/2016


            Tư liệu quí “Phương ngữ Nam bộ…” của tác giả Bùi Thanh Kiên đến với người đọc

            Tâm Phúc


            Ngày 10-4, bộ sách “Phương ngữ Nam bộ…” của tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên (gồm hai tập, với hơn 1.600 trang), vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn - Chi nhánh miền Tây Nam bộ, phối hợp với Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh trường Trung học công lập Kiến Hòa (Bến Tre) giới thiệu và phát hành. 
            Đây là kết quả của công trình góp nhặt, biên soạn trong nhiều năm của tác giả, với mong muốn làm phong phú thêm “kho tàng” ngôn ngữ của vùng đất Nam bộ. Bộ sách bổ sung thêm vốn từ mang tính vùng miền, có sự pha trộn giữa ngôn ngữ đặc trưng của địa phương với từ hán Việt, phiên âm Pháp ngữ, Hoa ngữ… là tư liệu quí dành cho giới nghiên cứu về văn hóa chọn tham khảo.
Mặc dù với lời đề tựa khiêm tốn của tác giả: “Phương ngữ Nam Bộ - ghi chép và chú giải”, song bộ sách  này được người đọc ví như một tập từ điển, đa dạng về vốn từ địa phương, khắc họa tính cách của người Nam bộ. Đọc từng tập sách, bạn sẽ thích thú khi khám phá hàng loạt từ ngữ như: Bành ki nái, chừ bự, “hạ cờ tây”, hủ hèm, nổ banh nhà lồng, poọc ba ga, vét tông, xí lắc léo…
Tác giả Bùi Thanh Kiên (SN 1941), quê xã Phú Hưng, TP.Bến Tre, từng là cựu giáo viên trường Trung học công lập Kiến Hòa. Ông có bằng cử nhân văn khoa, cử nhân triết học. Với các bút danh: Hải Chu, Huyền Hạc, Nam Chi, ông đã xuất bản truyện thơ lục bát: “Đồi mai vùi kiếm”, tập thơ đủ thể loại, cùng nhiều bài khảo luận về nói lái, trò chơi dân gian…

Hiện bộ sách “Phương ngữ Nam bộ…” của ông đang được phát hành tại Quán chay Nhường Trà, số 538C Nguyễn Đình Chiểu, phường 8, TP.Bến Tre (ĐT: 075.2210.442).

12/04/2016

            
            Ra mắt công trình biên khảo Phương ngữ Nam bộ
Sáu Quang

Đây là công trình biên khảo có giá trị rất lớn trong tiến trình phát triển văn hóa- ngôn ngữ vùng Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Sáng 10-4, tại Trường PTCS thành phố Bến Tre (trước đây là Trường THCL Kiến Hòa), Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Chi nhánh miền Tây Nam Bộ phối hợp Ban Liên lạc cựu giáo viên và cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa tổ chức buổi ra mắt công trình biên khảo Phương Ngữ Nam Bộ - ghi chép và chú giải- của Nam Chi Bùi Thanh Kiên do Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản, quý IV, năm 2015. Ông Phan Văn Mãi, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, ông Cao Thành Hiếu, Chủ tịch UBND thành phố Bến Tre…và trên 100 cựu giáo viên và cựu học sinh tỉnh nhà đến dự.
Bộ sách gồm hai quyển, khổ 16x24 cm, bìa cứng, dày 1.604 trang. Quyển một ghi chép và chú giải từ mẫu tự A đến K, quyển hai ghi chép và chú giải từ mẫu tự L đến Y. 
Trân trọng tác phẩm và tác giả, ông Thạch Trung (Nguyễn Văn Ẩn), người bạn đồng niên của tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên viết: “Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ cực kỳ phong phú về phương diện từ vựng. Đây không những là niềm tự hào mang tính chủ quan của dân tộc Việt chúng ta mà còn là nhận  định chung của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ nước ngoài.
Hòa trong niềm vui chung đó của toàn dân tộc, Nam Chi Bùi Thanh Kiên quyết định cho ra đời bộ sách “Phương ngữ Nam bộ - Ghi chép và chú giải”- một công trình mà ông đã dốc cả tâm huyết trong suốt một đời người để thực hiện. Là đứa con tinh thần được đặc biệt chăm chút, nưng niu, bộ sách “Phương ngữ Nam bộ” có những nét đặc trưng cần thiết để góp phần bổ sung cho những công trình cùng loại của các nhà biên khảo bậc thầy mở đường khai lối mà ông đã rất mực kính ngưỡng và nuôi chí kế thừa”.
Tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên sinh năm 1941 (xã Phú Hưng, TP Bến Tre), hội viên Hội văn học-nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu-Bến Tre, trước 1975 là giáo viên dạy học tại Trường THCL Kiến Hòa và sau đó là giáo viên của Trường THPT Che-Guevara, huyện Mỏ Cày.
 Sách có bán tại Quán chay Nhường Trà, số 538C Nguyễn Đình Chiểu, phường 8, thành phố Bến Tre, ĐT: 075.2210.442. Giá trọn bộ 2 quyển 500.000 đồng.

Thầy Bùi Thanh Kiên và nhà văn Vũ Hồng, Trưởng Chi nhánh nhà xuất bản Hội nhà văn miền Tây Nam bộ.


Quang cảnh ngày ra mắt sách Phương ngữ Nam bộ.
              
Mua sách, ủng hộ thầy.