26/05/2014

Đã trên 40 năm rồi nhưng một bạn học cũ vẫn còn giữ giấy khen này:

(Dù năm tháng qua mau...)

19/05/2014

Thành phố Bến Tre biểu dương học sinh giỏi

            Lê Thị Thặng

Các học sinh giỏi vòng tỉnh của TP Bến Tre

Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn trao giấy khen cho các học sinh giỏi cấp quốc gia.


            Ngày 17/5, tại hội trường UBND tỉnh, UBND TP Bến Tre tổ chức lễ biểu dương học sinh giỏi năm học 2013-2014 và tổng kết 5 năm khen thưởng học sinh giỏi TP Bến Tre. Tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre, Chủ tịch UBND TP Bến Tre Cao Thành Hiếu…đến dự.
            Năm nay, các trường THCS trên địa bàn thành phố Bến Tre đạt 115 giải học sinh giỏi cấp tỉnh(kể cả thi máy tính cầm tay cấp khu vực, Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh…) và 47 giải từ các học sinh của các trường THPT của thành phố gồm: học sinh giỏi cấp quốc gia, máy tính cầm tay cấp quốc gia(tại Sóc Trăng), Olympic 30/4 cấp khu vực(Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM), Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia…).
            Ông Cao Thành Hiếu nhắn nhủ với các học sinh giỏi có mặt tại buổi lễ:”Trên bước đường TP Bến Tre tiến lên đô thị loại II, công việc xã hội bề bộn nhưng để vun bồi tài năng cho các học sinh trên địa bàn TP Bến Tre, từ năm 2010, UBND TP Bến Tre đã thành lập hội đồng biểu dương, khen thưởng hàng năm cho các học sinh giỏi và hôm nay cũng là dịp tổng kết 5 năm khen thưởng học sinh giỏi tại TP Bến Tre. Chúng tôi rất vui mừng khi biết, từ sự xúc tác của những đợt biểu dương học sinh giỏi, các em học sinh đã cố gắng học tập, hằng năm, số học sinh giỏi liên tục được nâng lên, đáp ứng được lòng mong muốn của TP Bến Tre, của các trường và của các bậc phụ huynh học sinh đã hết lòng chăm lo cho con em ăn học. Đặc biệt, chúng tôi khen ngợi Trường THCS Phú Hưng. Những năm gần đây, số học sinh giỏi tại trường này năm sau tăng hơn năm trước. Đây là một ngôi trường THCS thuộc ngoại ô TP Bến Tre…”.
            Buổi giao lưu của các học sinh giỏi với các học sinh, nhất là học sinh lớp 8 THCS tại lễ biểu dương diễn ra sinh động, thu hút. Các học sinh đã nêu lên những câu hỏi về tư tâm, nguyện vọng, cách học tập để đạt được thành tích tốt như các đàn anh, đàn chị. Dù thời gian buổi giao lưu không cho phép kéo dài nhưng các học sinh giỏi cũng đã trả lời thấu đáo các câu hỏi của các em.
            Em Trần Ngọc Hiền, học sinh giỏi(lớp9, TrườngTHCS TP Bến Tre), thay mặt cho các học sinh giỏi được biểu dương nói lời cám ơn trước những thành tích mà các em đạt được. Em Hiền xúc động nói trước hết chúng em xin cám ơn cha mẹ-người thầy đầu tiên, kế đến là các thầy cô-người thầy thứ hai và các lãnh đạo, nhà tài trợ tại địa phương. Tất cả luôn quan tâm, chung sức lo cho các em. Được những thành tích hôm nay là nhờ vào sự chung lo ấy…
            Tỉnh Bến Tre mà tiểu biểu là Trường THPT Chuyên Bến Tre đóng trên địa bàn TP Bến Tre, từ nhiều năm qua, luôn đạt vị trí tốp đầu tại khu vực ĐBSCL trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia.


15/05/2014

            Thăm thầy Văn Ngọc Khôi

            Sáu Quang

…tối đêm nay, tiếng cười vui, những câu chuyện rôm rả của các học trò cũ sẽ là niềm an ủi, vỗ về cho giấc ngủ đơn độc của thầy. Thương thầy lắm nhưng biết làm sao!...

            Một trưa trong trung tuần tháng 5/2014, anh Lương Văn Tô My, Trưởng Ban liên lạc cựu giáo và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, chị Kim Liêng, Ủy viên tài chánh Ban liên lạc và thầy Trương Thành Nghĩa từ Sài Gòn về Bến Tre rồi kết hợp với các cựu học sinh tại tỉnh nhà đi thăm thầy Văn Ngọc Khôi. Lần đi thăm này là thay lời tạ lỗi trước thầy Khôi khi trước đây nửa tháng, thân phụ của thầy đã qua đời ở tuổi 97 (thân mẫu của thầy qua đời lúc 93 tuổi).
            Ngôi nhà và mảnh vườn cây ăn trái của thầy Khôi nằm sâu trong xã Tân Thạch (huyện Châu Thành, Bến Tre) thuộc ấp Tân Quới Nội. Đến Tân Quới Nội sẽ gặp chùa Đức Huệ, từ ngôi chùa này, xe hai bánh chạy một đoạn hơi xa sẽ gặp chiếc cầu nông thôn bắc cao, thêm một đoạn nữa sẽ đến nhà thầy Khôi. Biết chúng tôi đến, nên thầy ra đứng bên con đường vườn đón chúng tôi. Thầy đội chiếc nón lá, đứng bên đường vẫy tay, trông thầy già hơn trước đây khá nhiều. Tuy nhiên, thầy vẫn lanh lẹ khi nhận ra các cựu học sinh, thầy nhớ tên từng em, rất cảm động.
            Trong sân nhà thầy có nhiều bóng mát, trước sân có cây mít treo trên thân cây chừng trăm trái, phía sau nhà thầy nuôi chừng chục chú gà nòi- đây cũng là niềm vui tuổi già của thầy. Được biết, từ nhiều năm qua, nơi ngôi nhà và mảnh vườn này, thầy sống đơn độc, còn cô và con của thầy thì sống trên Sài Gòn, lâu lâu về thăm thầy.
            Chị Bạch Phượng xẻ dưa hấu mời thầy và các bạn. Tôi thấy thầy Trương Thành Nghĩa rất vui vẻ khi gặp thầy Khôi nhưng thầy Nghĩa không nói gì nhiều vì có lẻ nay sức khỏe đã yếu. Thầy Khôi gọi thầy Nghĩa bằng anh, rất chân tình, trân trọng.
            Chúng tôi chỉ có bốn người đàn ông (tôi, Tô My, Bảy Vị, thầy Khôi; thầy Nghĩa xem như không bàn) nhưng thầy Khôi vẫn khui chai rượu Tây, nhắp với trái cây hái trong vườn nhà. Hốp nửa ly, khà khà, thầy Khôi hồi tưởng: “Tôi nay 74 tuổi. Trước đây, tôi dạy học tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa từ năm 1970 đến 1975 mới…đứt phim. Sau đó, tôi về dạy tại xã Tân Thạch – thầy thở dài, tiếp lời – Khi cất lên ngôi nhà nho nhỏ ở đây phải xin chính quyền địa phương…đốn 3 cây dừa…Thầy chỉ tay qua ngôi nhà tường sát bên nói: phải quần quật, chắt chiu 18 năm trời mới xây lên được ngôi nhà đó. Lúc đó, vừa đi dạy học vừa phải bỏ mối bánh bột linh trên đường đi dạy học, bán cà rem nên phải qua lại phà Rạch Miễu lúc rất sớm để sau đó kịp vô lớp dạy. Bỗng thầy bùi ngùi: Bánh bột linh luôn dễ bể. Những chiếc bể, “sứt đầu, gãy tay” đó đương nhiên người bán trả lại cho thầy, thầy dùng nó cho bữa trưa, ngon lành!
            Hiện tại, sống một mình, thầy tự lo nấu nướng và quấn quýt bên một con chó (con chó ấy vừa mất rồi). Thích món gì, thầy đạp xe đi mua, thầy nói: “ Cái đó coi vậy cũng hay lắm nghen bởi vì mỗi sáng tôi đi xe đạp đến ngả tư huyện mua tờ báo, bó rau, mớ thịt cá…, đi về tám cây số, coi như đã đi thể dục đều đều, khỏe trân...
            Tôi hỏi thầy trong cuộc sống đơn độc ở tuổi già của thầy ngoài lo nhất là vấn đề sức khỏe, cái gì thầy còn lo kế tiếp. Thầy nói sợ cô đơn, nhưng rồi thầy xua tay: “Mà thầy đâu thấy có cô đơn khi thỉnh thoảng các học trò cũ, bạn đồng nghiệp cũ vẫn đến với thầy”.

            Chia tay chừng dăm phút là tụi tôi đã biến hết khỏi nhà thầy Văn Ngọc Khôi. Tôi đi sau cùng nên thấy thầy nhẹ tay khép cánh cửa cổng rồi thầy chầm chậm bước trở lại vào nhà và tôi nghĩ, tối đêm nay, tiếng cười vui, những câu chuyện rôm rả của các bạn học trò cũ sẽ là niềm an ủi, vỗ về cho giấc ngủ đơn độc của thầy. Thương thầy lắm nhưng biết làm sao!...

Thầy Văn Ngọc Khôi (giữa), thầy Trương Thành Nghĩa (bìa trái)

Anh Lương Văn Tô My chia tay thầy về Sài Gòn.

12/05/2014


            “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…”
            Lê Thị Thặng

            Một cựu giáo viên Trường Trung học công lập Kiến Hòa (nay gần 80 tuổi) nhận định: “Cũng nơi mái trường này, dù dưới chế độ nào, hoàn cảnh nào, trường vẫn luôn tạo nguồn nhân tài giỏi, xuất sắc cho tỉnh nhà và cả nước nói chung”.

Chủ tịch UBND TP Bến Tre Cao Thành Hiếu trao giấy khen cho em Huỳnh Vĩnh Lộc, lớp 11 Lý, học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2013-2014


Ngày 10/5/2014, Trường THPT Chuyên Bến Tre tổ chức lễ tuyên dương học sinh giỏi năm học 2013-2014. Đến dự có tiến sĩ Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục, Đào tạo Bến Tre, Chủ tịch UBND TP Bến Tre Cao Thành Hiếu…Đặc biệt, năm nay, có sự tham dự của trên 200 phụ huynh học sinh lớp 9 trên toàn tỉnh. Các bậc phụ huynh này đến dự với lòng mong muốn con em của mình sẽ thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Bến Tre năm học 2014-2015.
            Tiến sĩ Bùi Văn Năm, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bến Tre, nhấn mạnh: Việt Nam là một nước có truyền thống trọng nhân tài rất sớm. Ngay sau khi đánh đuổi phong kiến phương Bắc giành độc lập, năm 1076, nhà Lý cho xây dựng Quốc Tử Giám ở Thăng Long để đào tạo nhân tài.
            Năm 1442, để trân trọng và khích lệ nhân tài, vua Lê sai hiền sĩ Thân Nhân Trung soạn Văn bia và cho khắc tên 82 tiến sĩ vào bia đá. Văn bia có đoạn ghi: “hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng thánh đế minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trống nguyên khí làm việc đầu tiên…”
            Tại Bến Tre, nhân dân của vùng đất này có truyền thống hiếu học, có nhiều nhân tài nổi tiếng như Phan Thanh Giản (1769-1867), người làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, vị tiến sĩ đầu tiên tại Nam kỳ lúc ông 30 tuổi; Trương Vĩnh Ký (1837-1898), người làng Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, nhà ngôn ngữ học thông thạo 27 thứ tiếng, đã biên soạn sách ngữ pháp tiếng Việt đấu tiên…Trong hai cuộc kháng chiến, Bến Tre còn sinh ra nhiều vị tướng tài ba, lỗi lạc như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định…
            Để tạo nguồn nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có những chủ trương, chính sách giáo dục đúng đắn và kịp thời vừa phát triển giáo dục đại trà vừa giáo dục mũi nhọn là đào tạo học sinh giỏi. UBND tỉnh thành lập trường Chuyên Bến Tre rất sớm (từ năm 1990), rồi thành lập giải thưởng Trương Vĩnh Ký, Hội Khuyến học để cấp học bổng, để kịp thời tuyên dương học sinh giỏi. Năm 2011, tỉnh đầu tư xây dựng Trường THPT Chuyên Bến Tre khang trang và hiện đại để đào tạo nhân tài cho tương lai…
            24 năm qua, Trường THPT Chuyên Bến Tre đã tạo nguồn nhân tài như sau: 1.463 học sinh giỏi cấp tỉnh, 489 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, trên 3.900 học sinh tốt nghiệp đại học. Nhiều học sinh có học vị thạc sĩ, tiến sĩ và đang du học nước ngoài như em Nguyễn Tiến Dũng (khóa 2000-2003) đạt giải nhất quốc gia môn Toán, đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Buffalo; em Nguyễn Ái Vân (khóa 1999-2002), nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Canada; em Phan Thành Hội, học sinh giỏi cấp quốc gia môn Hóa và em Nguyễn Văn Bằng, học sinh giỏi cấp quốc gia môn Toán đang du học ở Pháp; em Lê Thiện Anh, giải nhất cấp quốc gia môn sử…Với Trường THPT Chuyên Bến Tre, hàng năm, các em học sinh giỏi tham dự nhiều kỳ thi học sinh giỏi rất cam go. Trong năm học 2013-2014, các học sinh giỏi của trường đã dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, thi học sinh giỏi máy tính Casio, thi học sinh giỏi Olympic 30/4 các tỉnh phía Nam, thi học sinh Nghiên cứu khoa học, thi hùng biện tiếng Anh, thi học sinh giỏi Toán và tiếng Anh trên internet do Bộ Giáo dục, Đào tạo tổ chức…Các em đã đem lại thành tích và vinh dự tốt đẹp cho nhà trường, cho gia đình và cho tỉnh Bến Tre. Cụ thể, năm học 2013 -2014, các em đã được các giải như sau: 122 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 22 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, 42 giải học sinh giỏi Olympic 30/4, 7 giải Học sinh Nghiên cứu khoa học cấp tỉnh,1 giải Học sinh Nghiên cứu Khoa học cấp quốc gia, 56 giải học sinh giỏi máy tính Casio cấp tỉnh, 14 giải học sinh giỏi máy tính Casio cấp quốc gia, 78 giải học sinh giỏi tiếng Anh trên Internet(OEI) cấp tỉnh, (chưa có kết quả cấp quốc gia), 40 giải học sinh giỏi Toán trên Internet(OMI) cấp tỉnh, (chưa có kết quả cấp quốc gia). Từ thành tích trên, Trường THPT Chuyên Bến Tre vẫn giữ được vị trí tốp đầu trong khu vực ĐBSCL.
            Được biết, em Huỳnh Vĩnh Lộc, lớp 11 Lý, Trường THPT Chuyên Bến Tre, học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2013-2014 là con của anh Huỳnh Thanh Quang, cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, hiện là biên tập viên hoiquannhuongtra.blogspot.com

Các học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2013-2014

                                                            
Các học sinh giỏi máy tính Casio cấp quốc gia năm học 2013-2014.

Hoa phượng thắm

                Huỳnh Thị Kim Cúc

                Gió đưa hoa phượng tình cờ
               điểm lên tóc đỏ một thời đón đưa.
              Biết là thắm mãi tình xưa….



                         Những ngày xuân tươi mát đã xa, tiết trời dần chuyển sang những cơn mưa đầu mùa.  Có hôm trời ui ui oi nồng không mưa không nắng dễ làm  người ta thấy buồn vu vơ- một nỗi buồn không tên. Tình cờ khi đi thăm bạn ở Sơn Hòa, tôi thấy dọc đường có nhiều cây phượng trơ cành (có ít lá non) trổ đầy bông hoa màu đỏ thắm và tượng hình những trái xanh dài buông thả, làm tươi đẹp  rực rỡ một mé trời. Vào buổi chiều tan trường, những áo trắng học trò đi xe  đạp về dưới  hàng cây phượng đỏ trông đẹp làm sao, tưởng chừng  như con  đường  là của riêng học trò vậy. À, vậy là sắp bãi trường rồi. Trong tôi, kỷ niệm về những mùa hè tươi đẹp của thời đi học trước chợt hiện về.
 
            Hồi đó, trong sân trường có nhiều cây phượng to, tán lá mở rộng như chiếc dù che mưa che nắng cho học sinh nô đùa. Trên tán lá xanh um là màu đỏ  rực rỡ của hoa phượng. Phải chăng nhờ sự tinh khiết của nắng, của gió và cái  nóng của mùa hè mà hoa phượng đỏ màu như thế. Còn tia nắng vàng xuyên qua tán lá tạo bóng hoa phượng xuống mặt sân. Từ bao giờ mà hoa phượng trở  thành biểu hiện của mùa hè, của học trò và vì thế nó còn có tên là Hoa học trò và được ưa chuộng trồng trong sân trường. Khi nghe tiếng ve sầu kêu ra rả trên cành  phượng đỏ thắm thì biết là sắp tới mùa nghỉ hè, tới mùa thi- mùa của lo âu và lưu luyến, mùa chia tay…
Khi những cây phượng trong sân trường nở đầy bông thì các bạn nam tìm cách bẻ nhiều cánh phượng to để các bạn nữ ép vào tập, vào sách cho đến khô, rồi dán vào bìa giấy cứng để làm tấm thiệp. Tấm  thiệp có hình con bướm bay  đi gởi lời tạm biệt hay hình hoa mai năm cánh nói lên nhiều điều may mắn, còn hình hoa phượng có vẽ thêm cành lá tượng trưng cho tuổi học trò,…Vào những  ngày cuối năm học, những tấm thiệp tự làm đó ấp ủ bao tình cảm yêu thương được trao cho nhau làm kỷ niệm trong ba tháng hè xa cách.

Lúc đó nhiều bài thơ, bài hát nói về mùa hè của học trò đã làm thổn thức biết bao con tim bé nhỏ và được thuộc nằm lòng. Chợt nhớ và hát lại thì thầm  những câu hát ngày xưa của nhạc sĩ Thanh Sơn: <Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
                     Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
                             Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
         Phút gần gủi nhau mất rồi
                 Tạ từ là hết người ơi….> tưởng chừng như mùa hè ngày ấy đang quay về. Những ca từ đó đã làm đau nhói biết bao con tim của học trò khi tạm biệt Thầy Cô, bạn bè và mái trường thân yêu để về quê nghỉ hè. Còn thầy Phạm Phụng Thạch  cũng dâng tràn cảm xúc với  học trò và ngôi trường kỷ niệm vào mùa hè sau cùng trước khi đi nơi khác:
                 <Thôi bỏ đó ngôi trường hoa phượng đỏ
                Hành lang dài cho thương nhớ mênh mông….
                   ….Thôi bỏ đó từng giờ chơi, giờ học
                 Tiếng trống ban mai áo trắng ngập ngừng….                    
                ….Thôi bỏ đó ngôi trường chừ nắng hạ
                       Lá phượng bay và bàn ghế im lìm….
                   ….Rồi ngày mai các em còn có nhớ
                      Hay quên đi như bụi phấn ngày xưa….
                    ….Thôi bỏ đó học trò dăm đứa nhỏ
                      Vài đứa thương và vạn đứa vô tình….
                    ….Rồi ngày mai có ai về trường ấy
                    Nhắn dùm cho màu bướm cũ hoa xưa
                         Có một lần có một người để lại
                         Cả cuộc đời khi cất bước ra đi.

Cùng với những tấm thiệp tự làm và những bài thơ, bài hát được yêu  thích thì các quyển lưu bút được tích cực chuyền tay nhau để viết và lưu lại cho nhau nhiều kỳ niệm đẹp của ngày xanh. Từng dòng chữ được nắn nót cho tròn vẹn yêu thương, từng ý tứ sao đậm đà tình bạn và lời tạm biệt sao thấy nao lòng: <. …Ngày mai có thể gặp nhau thật đó, giây phút xao động nầy cũng khó nói thêm điều gì nữa….> và <….Lòng thấy nao nao làm sao ấy như sợ mất cái gì đó mà không bao giờ tìm lại được nữa , đó là tuổi học trò hoa mộng của tụi mình đó bạn….hè 1975>.

Ngày ấy, khi nghe tiếng ve sầu kêu ra rả trên những cành hoa phượng đỏ thắm và ngoài đường không thấy bóng dáng áo trắng đi học về…biết  là học sinh đang nghỉ hè. Ba tháng tròn là quá đủ để học trò tận hưởng những ngày hè vui chơi thỏa thích. Có bạn thì lo phụ giúp gia đình, có bạn về vui với ông bà cha mẹ, có bạn đi làm thêm kiếm tiền mua sách vở…Tuy mỗi bạn có hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng chung quyết tâm là học thật tốt để trở thành người có ích sau nầy. Nghỉ hè rồi bạn nào cũng nhớ trường, nhớ Thầy Cô, nhớ bạn bè da diết.
Về quê rồi không ngủ được bạn ơi
 Nhìn ra cửa chơi vơi nỗi nhớ.
Có hôm tôi và bạn H.ghé thăm, ngôi trường vắng vẻ, sân trường thì đầy lá khô và xác  phượng, cây si cũng không buồn thả rễ, phòng học thì cửa đóng im lìm, bạn bè thì  ở quê xa còn Thầy Cô thì ở nơi nào, tôi thấy mình như đang lạc lỏng. Ngôi trường quá lớn nhưng tôi vẫn muốn ôm gọn trong vòng tay bé nhỏ của  mình. Rồi vì xa học trò, hàng cây phượng bơ vơ giữa  sân trường cùng  mưa  nắng, không tiếng nói cười đùa giỡn, không tiếng trống trường nên phượng  buồn rồi thả những cánh mỏng đỏ son xuống sân trường và nhờ bạn gió đưa đi.
Thời gian nầy bạn bè rất ít gặp nhau nên nhớ nhau nhiều và luôn háo hức mong cho mau tới ngày nhập học. Bấy giờ, những cây phượng trong trường đã ra đầy lá xanh non như hân hoan chào đón học trò bước vào năm học mới. Chúng tôi lên lớp và có phòng học mới, hân hạnh được học với Thầy Cô mới, tươi vui mỉm cười chào bạn mới và nói tía lia với bạn cũ về bao chuyện trong những ngày hè xa vắng. Không khí của lớp học thì ồn ào như vỡ chợ: tiếng nói cười, tiếng gọi nhau ơi ới, tiếng đùa giỡn…ơi sao mà vui quá.
Chín tháng cho niên học mới là thời gian quá đủ cho bạn bè cũ mới cùng nhau vun đắp tình cảm. Không thể nhớ hết những kỷ niệm của ngày ấy. Những hờn giận vu vơ vặt vảnh, ganh ghét tị hiềm hay nhiều chuyện như trẻ con. Đã học lớp 11 rồi mà còn méc với Thầy khi bạn cột vạt áo dài với của bạn khác, hoặc có bạn thì đỏ mặt tía tai sau khi lên bảng bị cả lớp cười rần rần vì tờ giấy ghi linh tinh bị dán ở sau lưng áo. Lúc đó, Thầy Cô chỉ mỉm cười và lắc đầu:< Các em đang  trở thành người lớn mà trẻ con quá, thôi bỏ lỗi cho bạn đi >. Còn nữa, ngày  đó học sinh đi học một buổi, buổi còn lại ai có muốn đi học đánh máy chữ, nữ công gia chánh, công nghệ…thì học, đặc biệt là không đi học thêm mà chỉ tự học hay học nhóm ở nhà bạn.

Theo tháng năm rồi cũng tới ngày chúng tôi rời xa ngôi trường và Thầy Cô yêu quí, còn bạn bè thì chia xa biết có còn gặp nhau nữa không.Vào những buổi học cuối cùng, không  khí của  lớp học sao mà trầm buồn khó tả - một hiện tượng hiếm thấy. Và rồi ngôi trường cũng vắng bóng lứa học trò chúng  tôi dù hàng  phượng vĩ còn khoe sắc đỏ thắm tươi, tiếng nói cười to nhỏ ngày nào lại thay bằng nỗi buồn tê tái, kỷ niệm ở chỗ ngồi học, nơi bảng đen (lúc đứng làm bài), bụi phấn trên tóc của Thầy Cô…càng làm ta lưu luyến. Xin giả từ con đường bên bờ hồ Chung Thủy có hàng me tây bóng ngả xuống làn nước trong xanh thơ mộng và cổng trường trung học uy nghiêm, kính yêu. Còn những tháng ngày gần gũi đẹp nên thơ nữa  khi xa rồi có hững hờ hay không và bóng hình của ai kia sao nghe thương nhớ đong đầy. Chuỗi ngày dài miệt mài học tập và rèn luyện để mong đậu vào đại học nhưng sao lòng không muốn rời xa những gì thuộc về thời đi học mến yêu, ôi thật là mâu thuẩn!
Lần giở lại từng trang lưu bút của ngày xanh: <…. Ghi lại nơi đây lời tạm biệt.Tạm biệt vì mong được gặp nhau ở giảng đường đại học, cố gắng lên bạn nhé.> hay<….Vì tương lai, chúng  mình hãy để vấn vương sầu muộn khi chia tay qua một bên mà cố gắng học tập tốt. Hẹn gặp lại nhau và mãi là bạn bè của nhau nhé.> Còn thầy chủ  nhiệm Trần Quang Mân luôn dặn dò:< Thầy đã khuyên bảo nhiều rồi và các em cũng rất tiến bộ nhưng thầy vẫn muốn dặn thêm: các em hãy cố gắng vươn lên để thực hiện được ước mơ và hãy là người có ích cho xã hội. Hè 1976 >. Và còn nhiều nữa những lời động viên, nhắc nhở đầy yêu thương của Thầy Cô, bạn bè ngày ấy như vẫn còn nguyên cảm xúc ban đầu cho dù thời gian đã đi xa.

Bao năm xa ngôi trường cũ là ngần ấy năm nhớ về những mùa hè kỷ niệm. Có mùa hè đi qua vội vã, cũng có mùa hè gợi nhiều nhớ nhung mênh mang.  Phải chăng màu hoa phượng đỏ thắm tươi tinh khiết minh chứng cho những mối tình lãng mạn luôn là ký ức đẹp của tuổi học trò và làm cho nỗi nhớ về nhau càng thêm da diết.
Và mỗi độ hè sang, các cựu học sinh nếu có nhớ thương về người xưa,  trường cũ xin hãy một lần hát lại thì thầm và chầm chậm những câu hát của ngày xưa đi học, và lắng nghe tiếng lòng mình thổn thức:<Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn                                             
                     Chín mươi ngày qua chứa chan tình  thương….
                    …. Màu hoa phượng thắm như máu con tim
   Những lần hè sang kỷ niệm
             Người xưa biết đâu mà tìm.


                                                                     (Tháng 5 năm 2014)

Cầu thang dãy B

Ngày hè -ảnh: PLHH.

04/05/2014


KÝ ỨC THỜI ÁO TRẮNG

Lời phê chân tình!

Nguyễn Thành Nhơn

Xưa tôi không là học sinh xuất sắc được ghi tên trong bảng Danh dự của nhà trường hàng năm; không có thành tích gì đáng kể, gây ấn tượng đối với thầy cô qua các thời kỳ. Giờ không phải là một người thành đạt trong công việc, trong cuộc sống bộn bề, lo toan này !
Một chiều bất chợt nhận được tập “Kỷ yếu 20 năm họp mặt (Hồ Chung Thủy - tập 2)” do người anh trao. Qua từng trang sách, những ký ức một thời áo trắng cứ đua nhau hiện về, với biết bao nỗi niềm của đứa học trò sau 47 năm vắng bóng thầy cô cũ, bạn bè xưa; rời xa mái trường Trung học công lập Kiến Hòa thân yêu !
Vội vã vào tủ sách gia đình, tìm lấy cặp hồ sơ học sinh mà từ sau ngày giải phóng 30/4/1975 đến nay tôi vẫn cất giữ cẩn thận bên mình, xem như là báu vật của một thời áo trắng sân trường!
Nhà nghèo, đông anh em nên việc phấn đấu rồi được vào trường công lập qui mô và chất lượng nhất tỉnh thời đó, có nề nếp hơn, đỡ tốn học phí hơn như anh em chúng tôi cũng là niềm vui sướng, vinh dự lớn lao đối với bản thân và gia đình rồi.
Buổi sáng, buổi học của nam sinh và ngược lại. Học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa ở 2 cấp học đông lắm. Hai anh em chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp không có ba ga để đến trường. Vất vả nhưng phấn chấn vô cùng. Anh tôi đang học lớp 11 còn tôi đã vào lớp đệ thất của trường.
Vào trung học, tôi ngán nhất là môn lịch sử. Học trễ, lớn tuổi hơn bạn bè, nhưng sức học cũng xoàng, có lúc đặng lúc không. Nên học kỳ I đã bị cô Lữ Thị Đoàn – giáo sư dạy môn Sử- Địa phê một chữ “Kém” khô khan, to tướng vào thành tích biểu! Lời phê này gồm cả mặt học lực và hạnh kiểm của học sinh. (Vì trong trang lời phê của thành tích biểu có ghi rõ yêu cầu như thế)
Lần đầu tiếp xúc nội dung lời phê ấy, tôi cảm thấy giận cô Đoàn vì bản thân mình không có lỗi gì về hành vi, đạo đức đến nỗi phải nhận lấy đánh giá chung “xấu” như thế. Nhưng sau đó được cô Giám thị (Trần Thị Ất) giải thích, lòng thấy an tâm hơn. Biết đây là lời phê chân thật để học trò phấn đấu, nên bắt đầu từ đó trong học tập tôi có tập trung hơn. Sang học kỳ II được cô đánh giá là “Khá, tiến bộ, đáng khen!”.
Mọi ấm ức vỡ òa, theo dòng thời gian dần quên lãng. Nhưng trong công việc quản lý mình đang làm, luôn dặn lòng, nhắc nhỡ đồng nghiệp giáo viên: Học sinh là thế hệ trẻ, tương lai của đất nước, cần có sự chăm chút thật chân tình, cần có lời nhận xét xác đáng để các em có kỹ năng sống và làm việc hiệu quả, hữu ích cho đất nước hơn!
Thành kính tri ân các bậc tiên sư đã tận tình dạy dỗ, dìu dắt chúng em trưởng thành về nhân cách, tri thức.

(Nguyễn Thành Nhơn, lớp đệ thất 7, niên khóa 1969-1970,
Trường Trung học công lập Kiến Hòa).

 Hiện là giáo viên trường THCS Châu Bình- Giồng Trôm- Bến Tre.
 Quê quán: xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

                                                                                                     (Châu Bình, ngày 21/4/2014).




01/05/2014


            Trở về mái trường xưa
Sáu Quang

Ngày 1/5/2014, các cựu học sinh Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu khóa 1986 – 1989 tổ chức buổi họp mặt sau 25 năm rời mái trường.




Nơi ngôi trường xưa bên hồ Chung thủy mà nay là Trường THPT Chuyên Bến Tre, các cựu học sinh vui mừng được đón tiếp các thầy cô từng giảng dạy mình, các bạn bè cùng khóa 1986 - 1989 và thầy Trương Thọ Lương, giáo viên môn Vật lý khóa này, hiện là Hiệu phó Trường THPT Chuyên Bến Tre….
Nơi sân trường, một cựu học sinh bồi hồi nhớ lại:“Đã 25 năm trôi qua, kể từ ngày các học sinh khóa 1986 – 1989 Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu rời xa trường xưa, với biết bao kỷ niệm ngọt ngào của tuổi học trò,  chúng tôi luôn nhớ về trường – nơi có đội ngũ thầy cô giảng dạy nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, hết lòng vì học sinh thân yêu và các bạn bè thương mến. Hôm nay đây, chúng ta gặp nhau, nhìn lại để nhớ, nhìn lại để yêu với những nụ cười rạng ngời xen lẫn những giọt nước mắt yêu thương.
            Kỷ niệm ngày nào vẫn nguyên vẹn và ngọt ngào cho dù thời gian đã làm bạc đi màu áo trắng. Bờ Hồ vẫn còn đây, vẫn chung thủy đợi chờ người xưa trở lại…Bao năm xa cách, tưởng rằng đã quên, nhưng ngày hội ngộ hôm nay, những kỷ niệm hiện về như mới ngày hôm qua. Ngắm lại ngôi trường yêu dấu, cảm giác vừa lạ, vừa quen. Trường giờ đã thay đổi nhiều hơn trước, khang trang hơn, tiện nghi và chất lượng hơn…Chúng ta hãy sum vầy với thầy cô, với bạn bè, để chúc phúc cho các thầy cô thân yêu, cho từng bạn bè trong ngày hội ngộ. Tất cả chúng ta đều chung một tấm lòng tri ân các thầy cô đã tận tình dìu dắt chúng ta qua từng nấc thang, nuôi dưỡng ước mơ, xây đắp niềm tin và nghị lực vượt qua khó khăn để vững bước vào đời”.
            Nhiều hình ảnh gây xúc động trong phần giao lưu của các cựu học sinh, ví như trường hợp của em Thùy Linh. Em Thùy Linh do hoàn cảnh khó khăn nên lúc học lớp 12 đã nghỉ giữa chừng. Thầy Trương Thọ Lương đã đến tận nhà em tại xã Bình Phú (TP Bến Tre) kiên trì vận động em và gia đình cố gắng cho em tiếp tục đến trường. Sau đó, em Thùy Linh đã trở lại trường, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, cố gắng học tập, tốt nghiệp THPT. Khi lên đại học, em Thùy Linh vừa làm kiếm sống, vừa lo học và giờ đây em là bác sĩ của bệnh viện y hoc cổ truyền Trần Văn An (Bến Tre). Em Nguyễn Thị Pha Giang, nhà ở xã Mỹ Thạnh An, khuyết tật mất một chân nên em đến trường rất vất vả vì phải qua đò ngang trên sông Bến Tre. Cuộc sống và những ngày đến trường của em có nhiều mặc cảm. Nhưng tới khi trưởng thành, em Pha Giang gặp em Võ Trung Tính, học hơn em hai lớp cũng tại trường và hai người đi đến hôn nhân, đến nay đã có hai con. Em Tính tâm sự: “Vợ em chỉ có một chân nên sinh ra một đứa con là em phải “trực chiến” xuyên suốt hơn ba năm liền. Nhưng ở đời mình mất cái này thì được cái kia. Từ sự thủy chung ấy, em luôn gặp may mắn trong cuộc sống, làm ăn gặp nhiều thuận lợi để lo cho mẹ con… Thầy Nguyễn Văn Trai, người thầy của Pha Giang trước đây, bùi ngùi nghe Pha Giang và Trung Tính kể lại câu chuyện của hai đứa vượt khó sau 20 năm…

Thầy Trương Thọ Lương và em Thùy Linh

Thầy Nguyễn Văn Trai và vợ chồng Trung Tính, Pha Giang


            Trong dịp hội ngộ này, các cựu học sinh đã đóng góp tặng 7,5 triệu đồng cho quỹ khuyến học và thắp sáng ước mơ của Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu và 15 suất học bổng, mỗi suất 500.000 đồng cho các học sinh có nhiều khó khăn của Trường THPT Chuyên Bến Tre, tặng quà lưu niệm cho các thầy cô và cựu học sinh; phát hành quyển Kỷ yếu họp mặt 25 năm Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu khóa 1986-1989 đến các thầy cô và cựu học sinh. Kỷ yếu là món quà thấm thía tình cảm, chất chứa quãng thời gian vấn vương mà thầy – trò xa cách. Kỷ yếu hồn nhiên và trong sáng.


Các cựu giáo viên
Các cựu học sinh.