31/05/2013


          Tin buồn:
                    Bạn Phan Văn Nghĩa từ trần!

        Bạn Phan Văn Nghĩa, sinh năm 1956, học Trường Trung học công lập Kiến Hòa từ năm 1967 đến 1974, trưởng nhóm Du ca Cỏ may, ngụ thành phố Biên Hòa đã từ trần ngày 30-5-2013 nhằm 21-4 (âm lịch) năm Quý Tỵ 2013. Thi thể của bạn Phan Văn Nghĩa được hỏa táng lúc 9 giờ ngày 31-5-2013.
        Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường THCL Kiến Hòa xin chia buồn cùng tang quyến.


        LT: Buổi viếng hương hồn bạn Phan Văn Nghĩa trên đường Kha Vạn Cân (TP HCM) sẽ được tổ chức trong ít ngày tới, chúng tôi sẽ thông báo ngày, giờ, địa điểm sau.

26/05/2013


 Phóng sự

Vui buồn trên ngọn cây dừa

Huỳnh Nguyên Khang

            “Cuộc chiến” dừa khô nghe cứ nóng hổi, giá dừa dù có thăng trầm lên xuống nhưng hiện nay dừa vẫn tiếp tục xuất sang Trung Quốc, nông dân có phần phấn khởi. Nhưng bên cạnh câu chuyện trái dừa lên giá, có ai thấm thía sự cực nhọc và lắm rủi ro của những người bẻ dừa, giựt dừa tại vùng sâu.


Thợ leo dừa

 

            Một lần… “ phi thân”
Ngồi ở khu vườn của anh Tư Ri tại ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, ( Châu Thành, Bến Tre), thỉnh thoảng anh Lương Nhân Huỳnh đứng lên, phóng xa ánh mắt đến những ngọn dừa cao phía trước. Đêm qua trời mưa quá lớn nên sáng nay công việc bẻ dừa của anh đành phải chờ cho tới khi nắng lên mới có thể bắt đầu.
            Nắng đã lên nhiều, anh bắt đầu cởi áo, vào việc. Nhìn tấm thân trần của người đàn ông gần 50 tuổi này, tôi khá ngạc nhiên khi thấy bộ ngực của anh như bị…lép hết một bên. Biết tôi thắc mắc, anh xoa xoa một bên ngực, kể: “Leo dừa hay bị trượt, mỗi lần trợt, tôi chỉ còn cách phải lấy một phần bên ngực chịu vào thân cây dừa. Lắm khi lát cả da ngực…”. Anh lắc đầu: “30 năm sống nghề leo dừa, tôi ngán nhất là lúc sau mưa hoặc gặp những cây dừa bám đầy rong xanh trên đó. Rớt xuống đất như chơi!...”.
Nói rồi, anh giắt chiếc câu lim giựt dừa vào bên hông mình và tròng chiếc nài leo dừa vào đôi chân, thoăn thoắt lao nhanh vào công việc của một người thợ bẻ dừa chuyên nghiệp. Anh Huỳnh đang leo lên gần tới ngọn một cây dừa cao khoảng 18 mét. Anh tiến sát tới những tàu dừa  xòe ra ngay trên đầu anh…
            Từ dưới đất, anh Ri ngóng nhìn lên cây dừa anh Huỳnh sắp bẻ trái, nói : “Ông Huỳnh lên đó, làm một lúc đến ba việc chứ chẳng phải chỉ bẻ dừa không thôi” . “ Hai việc kia nữa là gì?”- tôi hỏi. Ri tiếp lời: “Lục chuột và dọn dừa – hai yêu cầu thêm mà các chủ vườn dừa luôn cần khi mướn người bẻ dừa”.
            Lục chuột? Khi anh Huỳnh vừa áp sát vào ngọn dừa, nơi lũ chuột dừa thường là ổ, anh tranh thủ tóm ngay chúng để nó không còn cắn phá, gây hại trái dừa. Còn như khi bị phát hiện, lũ chuột chạy tuôn xuống đất, người dưới đất sẽ rượt chuột mà đập, đó là nhiệm vụ hôm nay của anh Ri. Tư Ri tặc lưỡi: “Nhưng để đập cho dính chuột, không dễ đâu nghe ông bạn – Tư Ri huơ huơ chiếc chà mo nang trên tay mình, giọng chắc nịch – Huơ trúng chuột, nhưng phải huơ hướng ngược lên từ dưới đất lên trời thì nó mới…bất tỉnh. Ngược lại, chúng dông mất tiêu…”
            Tôi thích thú với kinh nghiệm tóm của Ri. Nếu bạn là người trồng dừa, bạn sẽ la trời trước nạn chuột đục khoéc trái dừa . Ở hầu hết vườn dừa xưa nay, dừa chưa đến lứa để bẻ, giựt, chuột cắn phá, trái rụng đầy vườn, thấy mà xót xa.
            Dọn dừa? Sau khi bẻ dừa xong, người thợ bẻ dừa còn giúp chủ vườn dừa thêm khâu dọn sạch trên các ngọn dừa như tước bỏ những tàu lá dừa khô, mo nang để chủ làm chất đốt; cắt gọn nhen dừa để bẹ dừa dễ bung ra cho bông, kết trái. Không làm việc đó, cây dừa chậm cho trái, vườn dừa trở nên thâm u, không gian thiếu đi sự thoáng đạt.
            Anh Huỳnh vừa tuột xuống một cây dừa. Anh gạt dòng mồ hôi trên trán rồi đưa cho tôi xem một mớ chuột dừa anh đã bắt,  nói: “Con nào mở mắt, tức khi bắt nó vẫn còn sống, chủ vườn sẽ thưởng cho người lục chuột 7.000 đồng/con. Chuột mẹ và chuột con, tổng cộng ở cây dừa này là…7 trự”. Như vậy ngoài tiền công bẻ dừa, chỉ riêng cây dừa có chuột trú ngụ này anh Huỳnh được chủ cho thêm gần 50.000 đồng. Tôi hỏi anh Huỳnh: “Chuột bắt được chủ lấy hết hay đó thuộc phần của người lục chuột?”. Anh Huỳnh cười: “Giao hết cho chủ chớ. Tuy nhiên, xin lại ít con để chiều lai rai với vài xị đế là  chuyện nhỏ thôi. Chuyện lớn là chuột sẽ không còn cắn phá gây hại vườn dừa …”.


            Nghề lắm rủi ro
            Chiều. Lúc ngồi lai rai với mấy con chuột dừa quay chảo, anh Huỳnh thổ lộ: “ Trong nghề leo dừa, “phi thân” có nghĩa là bị té từ trên cây dừa rơi xuống đất. Tôi đã bị một lần rồi…”. Anh Huỳnh đưa chân lên cho tôi xem cái cổ chân của anh bị tật từ lần té dừa đó. Giọng anh còn bàng hoàng: “Khi leo dừa, tôi vốn là người rất kỹ vậy mà vẫn thua! Rất may, cây dừa mà tôi bị té nó cao chỉ 8 mét…”. Anh Huỳnh kể tiếp về lần…”phi thân” đó: “Khi tôi leo đến gần các quài dừa tôi sắp bẻ, để chắc ăn, tay tôi không bám lấy bẹ dừa thứ ba mà tôi cố rướn người lên, vớ lấy đến bẹ dừa thứ tư. Khi tay tôi đã vớ vào bẹ dừa thứ tư, tôi liền thoát người lên ngọn dừa thì mới biết bẹ dừa đó đã bị đuôn ăn, bẹ dừa đã rất yếu! Tất cả đã không kịp rồi!....”
            Lúc từ trên cây dừa rơi xuống đất, cái nhạy nhất ở anh Huỳnh là anh vẫn còn đủ bình tĩnh để nắm lấy chiếc tàu lá dừa để cùng tàu lá dừa rơi xuống đất. Anh Huỳnh thở phào: “Tàu lá dừa đó chính là…chiếc dù nhỏ, đở lắm nghen. Còn khi rơi xuống, chỉ trơ trọi thân mình, nó chẳng khác chi... bịch muối! Nhờ vậy mà lần đó tôi chỉ bị…gãy cổ chân”.
            Người thợ bẻ dừa còn phải đối mặt với biết bao trắc trở khi leo lên đến ngọn dừa, vì từ dưới đất nhìn lên đâu có thấy được gì trên ngọn. Khi vừa áp đến ngọn dừa, nào là ong bần, ong lá, các loại kiến đã phục sẵn trên đó. Rối rắn lục gió, rết, tắc kè…nó le lưỡi khè khè, sẵn sàng tấn công khi nhận biết có hơi người. Một con ong đốt vào đầu người bẻ dừa, nếu người bẻ dừa yếu bóng vía, không bình tĩnh, lì đòn, mọi bất trắc khi ở trên cao đều có thể xảy ra với họ. Ông Hai Biếu, một nông dân chuyên bẻ dừa trước đây tại xã An Hiệp, bị bể xương chậu, nay đã từ giã nghề leo dừa cũng từ một trong những bất trắc đó. Ngược lại, ông Đạo Son, người bẻ dừa vang danh ở xã Sơn Hòa, khi “tác chiến”, ông…nhét bông gòn vào hai lỗ tai để tránh kiến. Mấy chục năm theo nghề bẻ dừa, ông vẫn khỏe re. Dù vậy, nhưng do leo dừa bằng nài, lại leo liên tục  từ năm này sang năm khác nên hiện nay nơi hai cổ chân của ông  phù to, thấy thương…
            Giựt dừa thời di động
            Người thợ leo dừa, bẻ dừa bây giờ không còn nhiều do nghề này quá cực nhọc và nhiều rủi ro. Thế nên,  hiện nay, giựt dừa là nghề trở nên thịnh hành hơn. Anh Huỳnh tỏ ra phấn khởi: “Giá dừa khô đã cất lên, hiện nay ngoài 60.000 đồng/chục, giúp cho người giựt dừa càng “có giá”. Người thợ đi giựt dừa ăn công bây giờ cũng le lắm, chạy xe máy và có cả điện thoại di động để…lên lịch bẻ dừa cho từng địa bàn có vườn dừa đang chờ. Cứ alô một tiếng, các “chuyên gia” giựt dừa sẽ …lên lịch cho…”.
            Để tiện việc di chuyển và nhất là sợ Cảnh sát giao thông phạt, dụng cụ giựt dừa bây giờ rất gọn gàng, hiện đại. Nếu như trước đây, giựt dừa bằng sào, những cây sào bằng cây tầm vông tháp lại rất kềnh càng, thì hiện nay là ống tiếp. Những đoạn ống tiếp sắt mạ, mỏng, dài 3 mét, kính 3,4 cm, 4,2 cm rồi ráp lại với nhau tùy theo chiều cao của cây dừa được mướn giựt (thường cao trên dưới 15 mét). Giựt dừa xong ở một khu vườn, người giựt dừa tháo các ống tiếp ra, bó thành một bó. Thế là sau đó họ vác bó ống tiếp đó sang khu vườn khác tiếp tục “tác chiến”, mọi thao tác thấy gọn hơ.
            Nhưng giựt dừa không tính tiền công cao như người bẻ dừa. Bẻ dừa, cứ leo lên một cây dừa, dù bẻ chỉ một hai trái dừa/cây, chủ vườn vẫn phải trả tiền công tối thiểu 5.000 đồng/ cây. Một người bẻ dừa giỏi, ngày có thể leo đến 100 cây dừa. Riêng giựt dừa, chủ vườn sẽ được tính theo số trái dừa đã giựt xuống. Cứ một trăm dừa (120 trái), giá hiện nay là 30.000 đồng. Một người giựt dừa giỏi, vào mùa dừa không treo (từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch năm sau), mỗi ngày có thể giựt một thiên dừa (1.200 trái), tức có thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày… Anh Lương Nhân Huỳnh nói với tôi, cũng nhờ kiên trì với những trái dừa khô giựt xuống không khéo có khi rơi trúng đầu, nhưng anh đã cố nuôi cho đứa con gái của anh học vô đại học.
Diện tích vườn dừa tại Bến Tre hiện trên 52.000 ha, với tổng sản lượng hàng năm trên 400 triệu trái. Giả sử số trái dừa khổng lồ kia nằm yên trên lưng trời thì liệu những nhà xuất khẩu dừa khô, các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ trái dừa có…hái ra được nhiều ngoại tệ.

Sản xuất chỉ xơ dừa.

24/05/2013

Quán cơm chay của ông tiến sĩ




 Phan Lữ Hoàng Hà

          Bỏ ra nhiều tỉ đồng mở quán cơm chay khang trang, bán thức ăn rất rẻ. Bán cơm không để làm giàu mà làm việc nghĩa.

            Trên miếng đất mặt tiền rộng 2.000 m2 tại 538 C Nguyển Đình Chiểu, phường 8, thành phố Bến Tre, Tiến sĩ Lương Văn Tô My (Bến Tre) mở quán cơm chay lấy tên Nhường Trà. Ở ngôi nhà xây hình bát giác, nơi đón khách vào dùng các món chay, phía trên cao giữa nhà anh treo một khung kính hình chữ nhật, rất trân trọng với bốn chữ vàng: Tôn sư trọng đạo. Điều đặc biệt là quán cơm chay này bán giá rất mềm: Điểm tâm với cơm Dương Châu, bánh ướt, hủ tiếu; cơm trưa...

Anh Lương Văn Tô My phục vụ khách đến quán chay Nhường Trà

            Từ một đêm kinh hoàng
            Tấm lòng nhân hậu của ông tiến sĩ bán cơm được hun đúc từ chuyện đau thương đã ập đến gia đình ông năm 1967. Ông kể: “Khoảng 11 giờ đêm, khi cả nhà đang ngủ, một trái cà nông 155 li từ căn cứ Bình Đức của Mỹ (Tiền Giang) bắn trúng nhà tôi. Cha, mẹ, người anh thứ ba của tôi và hai người thân trong gia đình chết ngay trên giường ngủ. Tôi và bốn đứa em nhỏ may mắn thoát chết. Lúc đó tôi 12 tuổi, đứa em út mới hai tuổi!...”
            Ngay sau đêm tang tóc đó, ông My cùng bốn người em đến tá túc nhà người cô, ông tiếp tục theo học lớp 7. Có điều, gia đình người cô quá khó khăn, mấy anh em được cưu mang vài tháng thì phải vào sống tại cô nhi viện Bạch Vân (ấp Bình Nguyên, nay là phường 6, TP Bến Tre).
            Suốt thời gian theo học trung học, ban đêm ông My làm thợ nhồi bột làm bánh mì. Từ 4 giờ sáng đến lúc vào lớp, ông đi bán bánh mì ở chợ. Chiều về, phụ bán nước giải khát cho học sinh tại căng tin của trường để được ăn cơm miễn phí.
            Sau khi thi đậu tú tài hai, ông lên Sài Gòn học lấy chứng chỉ dự bị đại học. Thời gian này, để có tiền đi học, hằng tuần ông về Bến Tre lấy kẹo dừa lên bỏ mối ở Chợ Lớn. Có lúc ông đi bán rượu lẻ cho lính Mỹ tại các snack bar ở sài Gòn, lúc lại đi dạy thêm tại trường cai nghiện ma túy Duy Tân.
            Về chuyện bán rượu lẻ cho lính Mỹ, ông giải thích: “Tại các snack bar, khi lính Mỹ say khướt rồi, mình cứ xáp vào đứng kế bên, rót ly rượu nào thì họ sẽ trả ly đó. Bấy giờ, các bà chủ snack bar rất kiêu căng nhưng ngộ thay lại thương cảm hoàn cảnh khó khăn của sinh viên. Các bà ấy cho tụi này cứ tự nhiên vào quán…bán rượu kiếm tiền đi học”. Ông thi đậu vào Đại học Y Dược TP.HCM khóa đầu tiên sau giải phóng và khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại làm giảng viên của trường, được đi Nhật làm nghiên cứu sinh và lấy bằng tiến sĩ khoa chẩn đoán hình ảnh răng, hàm, mặt tại Nhật Bản.
            Tìm hạnh phúc chứ không để làm giàu
            Ông My tâm sự: “Tôi xem quán chay này là nơi để các thầy cô, bạn bè, học sinh tại tỉnh nhà gặp gỡ, tâm tình, giúp đỡ, hướng dẫn nhau trên các nẻo đường rồi thưởng thức các mon chay vừa rẻ vừa nhiều dinh dưỡng để có sức khỏe tiếp tục cho sự học, cho cuộc mưu sinh khó khăn, vất vả phía trước. Với tôi, để duy trì sức sống lâu dài cho quán, tôi chỉ mong huề vốn hoặc có lời chút đỉnh là được rồi”.
            Hiện nay, từ TP.HCM mỗi tuần ông về quán một lần. Như mọi người phục vụ khác tại đây, ông dọn bàn, mang từng phần cơm cho khách, cho các thầy cô, các bạn học sinh. Với ông, bài học khi mở quán chay này là biết tiết kiệm được đồng tiền từ công việc từ tâm bao giờ cũng khó. Nhưng đó là niềm hạnh phúc mà ông đang có.

Anh Lương Văn Tô My (giữa, áo trắng) tại buổi phát học bổng cho học sinh Trường THPT Chuyên Bến Tre.

                                                                                                                  

           
Thăm thầy Phan Thế Chánh
Huỳnh Thanh Quang

Mười năm sống đơn độc, thầy Phan Thế Chánh tự nấu nướng, sinh hoạt một mình trong ngôi nhà khá rộng bên đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre. Tuổi đời của thầy càng già, đời sống sinh hoạt của thầy càng lặng lẽ nhưng nền nếp, vén khéo.



Thầy Phan Thế Chánh năm nay 79 tuổi. Ngày nào cũng như ngày nào, ngoại trừ những hôm mưa lớn, thầy đều dậy lúc 4 giờ sáng rồi đạp xe đi thể dục. Lộ trình của thầy đi tập thể dục là thầy đạp xe khá nhanh ra ngoại ô thành phố Bến Tre. Đạp vài vòng cho thanh thản, đến lúc khoảng 5 giờ sáng, thầy dừng lại ở một quán cà phê bên đường cạnh chùa Pháp Tam (phường Phú Khương). Thầy ngồi vào đúng chiếc ghế, cái bàn mà hàng ngày thầy ngồi, ngó ra ngoài đường, kêu ly cà phê, thường là cà phê sữa. Thi thoảng có những người thầy cũ đến cùng bàn, ngồi uống cà phê và trò chuyện với thầy. Câu chuyện có dài gì cho mấy nhưng đến  lúc gần 6 giờ thì thầy sẽ từ giã ra về. Từ quán, thầy đạp xe đạp cũng khá nhanh trở về nhà ở phường 6. Sau đó, thầy lo công việc ở nhà và chuẩn bị hai bữa cơm cho thầy. Thầy nói: “ Thầy có 3,5 công đất vườn, kể cả nền nhà. Vườn dừa ở thị thành không có trái trăn gì nhiều, giá dừa lại lên xuống thất thường nên đời sống của thầy cũng chắt chiu lắm…”. Tôi hỏi thầy: “Ngoài ra thầy có thêm nguồn hỗ trợ nào?”. Thầy Chánh cho biết thầy có hai người con, mỗi người con hỗ trợ thêm cho thầy. Đó là người con gái lớn của thầy, chị Phan Thị Phương Khanh, hiện dạy môn Vật Lý, Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, đã có gia đình và ở riêng. Kế đến là người con trai, anh Phan Thế Cường, làm việc ở ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thầy nói, thầy sống chỉ một mình, đâu có mua sắm gì nhiều.
Thầy Phan Thế Chánh nhớ lại:” Từ năm 1961 đến năm 1963, thầy dạy học tại Trường Trung học Tống Phước Hiệp, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1963 thầy bắt đầu về Trường Trung học Công lập Kiến Hòa dạy môn Vạn Vật. Cuối năm 1973, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Trung học Công lập thay thầy Trần Kim Quế. Đến năm 1974, Trường Trung học Công lập Kiến Hòa đổi tên là Trường Trung học Tổng hợp Lạc Long Quân, thầy vẫn làm hiệu trưởng ở đó”.
Một trong những sự cố buồn nhất của cuộc đời thầy Phan Thế Chánh là cô Nguyễn Thị Kiêm Quyên, vợ thầy từ trần năm cô 69 tuổi. Cũng giống với thầy Chánh, cô Kiêm Quyên dạy môn Vạn Vật, ban A, Trường Trung học Công lập Kiến Hòa. Nhiều bác sĩ sau nầy, khi lên Sài Gòn học lấy chứng chỉ dự bị SPCN (để thi vào Đại học Y Khoa Sài Gòn), được kết quả khả quan là cũng nhờ vào kiến thức học môn Vạn Vật từ thầy Chánh và cô Quyên. Tôi học môn Vạn Vật do cô Quyên dạy năm lớp 11, lớp 12 nhưng không dám mạo muội thi vào y khoa vì xét thấy mình không đủ khả năng. Phải thi đậu Tú Tài 2 hạng ưu, hạng bình trở lên mới hy vọng.
Đã quá nhiều năm rồi nhưng khi tôi vô tình ném viên đá nhọn vào thầy Chánh, tức nhắc lại tôi là học trò của cô Quyên, thì bỗng dưng tôi thấy đôi mắt thầy rướm buồn, thầy nói: “Hồi đám tang cô, có đông đủ thầy cô và các học sinh đến tiễn cô đi. Với thầy, thầy còn có rất nhiều kỷ niệm mang đầy ấn tượng khác nữa đó là tình đồng nghiệp, những tấm lòng của các em học sinh dành cho thầy, cô. Thầy nghe nói, các em bây giờ đã lớn lắm rồi, có em đầu bạc trắng nhưng không phân biệt địa vị xã hội, giàu nghèo vẫn thường gặp gỡ nhau để chia sẻ buồn vui của cuộc sống, quấn quýt nhau như thuở còn chung dưới mái trường. Điều này quý lắm. Thầy gởi lời thăm tất cả các em”.
Buổi chiều hôm tôi đến thăm thầy Chánh cũng gặp lúc thầy Nguyễn Văn Thọ đang hàn huyên với thầy Chánh. Thầy Thọ nói:” Năm 1974 tôi về dạy học ở Trường Trung học Tổng hợp Lạc Long Quân nhưng tôi vẫn gọi thầy Phan Thế Chánh là thầy vì trước đó tôi là học trò của thầy Chánh”.
Buổi chiều ấm cúng này rồi sẽ tan dần như ánh nắng hoàng hôn ngoài sân vườn nhà thầy Chánh. Tôi biết, sau khi thầy Thọ từ giã thầy Chánh ra về, lại một đêm nữa như mười năm đã qua, thầy tôi – thầy hiệu trưởng Phan Thế Chánh – sống trong lặng lẽ và với một nghị lực phi thường.

16/05/2013

Rạo rực ếch đầu mùa

Phan Lữ Hoàng Hà

            Tôi và anh Lý Ngẩu (Tư Ri), cùng là cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa, đã chơi với nhau trên 40 năm qua, rất nhiều kỷ niệm. Đây là một trong những hồi ức êm đềm mà tôi khó quên:


            Săn triệt để…
            Lúc trời chập choạng tối, cơn mưa đầu mùa đầu giữa tháng 3 âm lịch trói chân tôi ở lại nhà anh Tư Ri (xã An Hiệp, Châu Thành, Bến Tre). Ri háo hức: “Đêm nay tụi mình đi soi ếch, thế nào cũng có…mồi bén nhậu chơi”. Nói vậy nhưng coi bộ vó ở anh chẳng gấp gáp gì, anh nói: “Để đám trẻ tụi nó “ra quân” càn lướt trước, còn mình, hãy chờ cho đến khi nước ngập đồng thì mới xuất chiêu…”. “Chờ tới khi nước ngập đồng, người ta bắt ếch, nhái ráo trọi, còn gì!?”- tôi thúc anh. Anh cười: “Cái chính là mình đi bắt…ếch bắt cặp, mà ếch bắt cặp, “chịu đèn” là chỉ khi nước đã ngập lênh láng trên đồng…”.
9 giờ đêm, ngoài đồng xuất hiện rất nhiều ánh đèn bình soi rọi tứ phía rồi có khi căng thành hàng ngang, hàng dọc. Cánh đồng đêm đen thủi đen thui, mưa rơi, gió lạnh, vậy mà bỗng dưng thấy ấm áp vô cùng. Đi ngược lại phía chúng tôi là một thanh niên cao to, cũng đang đi soi ếch, nhưng trên vai vác theo lỉnh kỉnh nhiều thứ như nào là miệng chài (lưới), cây chĩa, chiếc nôm…Tư Ri giải thích: “Nôm để chụp ếch ở gần (sẵn tiện bắt luôn cá), cây chĩa để chĩa  ếch ở hơi cách xa tầm tay còn lưới là để dùng khi ếch phóng xuống mương, xuống vũng hoặc phóng ra những vị trí nước ngập cao mà ta không thể dùng nôm được. Lưới quăng ra một cái, chúng khó bề thoát khỏi. Tóm lại, hồi xưa người ta đi soi ếch chỉ với chiếc đèn khí đá và cây chĩa; còn bây giờ, biến hóa đủ thứ, dù chỉ đi soi ếch nhưng người ta vẫn thủ đủ…đồ nghề. Bắt triệt để mà…”.


            Nghề không phải của “tay mơ”
Khi mưa vừa ngập trắng đồng, tiếng ếch, nhái cùng lúc cất lên nghe thật rạo rực. Có điều, “tay mơ” như  tôi thì không thể nào phân biệt được đâu là tiếng kêu của nhái nhớt (bù tọt), nhái cơm và ếch. Hòa trong dàn hợp xướng giữa đồng, nhái kiếm “người tình” kêu khác, ếch kiếm “người tình” kêu khác; ếch đực tiếng kêu nghe thanh, ếch cái tiếng kêu trầm ấm. Để tóm được chúng, người đi soi phải có kinh nghiệm và cao “tay nghề”. Ví như trong đêm, đôi mắt có màu đỏ thì thường là mắt của ếch. Vậy nên, khi ánh đèn của người đi soi vừa quét qua, phát hiện phía có đôi mắt đỏ, ánh đèn sẽ dừng lại ngay nơi hai chấm đỏ đó rồi họ mới lần bước tới. Con nào “chịu đèn”, nó sẽ nằm mộp người xuống để chờ người soi…thộp đầu bỏ vào giỏ. Còn ngược lại, con nào không “chịu đèn”, khi ánh đèn vừa quét đến, tức thì nó sẽ phóng nhanh, mất dạng.
            Trong lúc ngồi rình ếch bắt cặp bên một đám lác giáp mí vườn, Ri nói vui: “Ếch là ếch, nhái là nhái chớ không phải khi ếch còn nhỏ là nhái, còn nhái khi lớn xồ là trở thành ếch, nghe bạn. Nhái cơm dù khi lớn nó rất giống ếch, tuy nhiên, làn da giữa nhái cơm và ếch vẫn khác nhau. Nhái cơm da bóng lưỡng, màu nhợt. Ếch da sùi sì, màu đen hoặc vàng đậm hơn nhiều so với nhái. Tiếng tỏ tình để bắt cặp của ếch và nhái cũng khác nhau. Tiếng của ếch khi cất lên nghe khản đục, háo hức. Tiếng của nhái kêu tuy thúc giục nhưng nghe…nhão nhẹt, kéo dài hơn”.
            Ri khều tôi: “Có nghe gì hôn?”. “Có: hai tiếng cục, cục…”-tôi nói nhỏ. Ri đưa nhanh ánh đèn về hướng có tiếng kêu cục, cục. Hai đôi mắt màu đỏ, một cặp ở trên,  một cặp ở dưới hiện ra rồi rất nhanh sau đó, chỉ còn lại một đôi mắt. Kế đến, đôi mắt ấy cũng mất luôn trong đêm đen. Ri nhanh chân, sấn tới. Thì ra, hai con ếch to đùng đang bắt cặp, con đực trên, con cái dưới, chúng đeo dính khắn với nhau. Ri tóm gọn, và ngộ nghĩnh thay, khi anh bỏ cặp ếch vào giỏ rồi vậy mà hai chú ếch kia vẫn còn đê mê, không hề chịu rời nhau.. Ri mô tả: “Khi trời đổ mưa, nước ngập nhiều trên đồng, lúc bây giờ ếch đực với ếch cái mới tìm nhau qua “tiếng rao dạo”, “chào hàng” để rồi bắt cặp. Có điều, trời mưa lớn, mưa ngập đồng cho đến mấy nhưng mưa vào ban ngày thì ếch vẫn không bắt cặp để sinh sản. Khi bắt cặp để sinh sản, khác với loài cóc, ếch không bao giờ bắt cặp ở dưới mương hay ở vũng như cóc, mà phải lên đồng và kỳ lạ thay, có lẽ là để lo xa cho đàn con (nòng nọc), chỉ khi nước mưa đã ngập đồng, ếch cái mới chịu cho buông trứng thành một lớp màng màng trên mặt nước (?) – Tư Ri tặc lưỡi – Chắc ông Trời biểu vậy mà. Nếu ếch đẻ  dưới sông, rạch, vũng, chắc chắn trứng ếch sẽ bị cá xơi tái sạch sẽ”.

Món quà thiên nhiên
            Sáng lại, dưới bầu trời thấp, mặt đất ướt sũng nước mưa, các bà vợ của những người đi bắt ếch hồi hôm, lần lượt đem ếch, nhái ra bán tại các chợ nông thôn. Đón đầu, rất nhiều trẻ nhà quê đã vội hái lá cách lúc trời chưa sáng để bán kèm theo với món thịt ếch. Những bó lá cách đầu mùa mưa lá to, xanh rờn…   
            Ở miền Tây Nam bộ, người ta ví von: “Ếch tháng ba, gà tháng bảy” để nói thời điểm ngon đáo để của thịt ếch. Ếch đầu mùa mập, con nào cũng có “mồng tơi” (lớp mỡ màu cam bám ngoài bộ đồ lòng), còn ếch cái thì có trứng non nên thịt ếch ăn ngon ngọt, dẻ dặt. Ếch làm được nhiều món ăn, món nào xem ra cũng hấp dẫn như ếch nướng, xé thịt trộn với rau răm, ếch chiên bơ, ếch nấu ca ri…; còn món truyền thống và đúng bài bản nhất vẫn là ếch xáo với lá cách, nước cốt dừa, ếch kho sả để ăn cơm. Đặc biệt, để thịt ếch ăn giòn, khi làm ếch, người ta chỉ…“ làm lông” (chế nước sôi vào làn da ếch rồi cạo sạch). Còn với nhái cơm, thịt, xương nhái cơm đầu mùa ăn…giòn rụm. Nhái cơm bẳm, xào lá cách, xúc bánh tráng, càng ăn càng bắt ghiền…Đó là thứ đặc sản chứa đựng cả bầu trời thiên nhiên hiền hòa, thanh khiết mà con người được ban tặng từ những đám mưa đầu mùa.

Ếch đồng đầu mùa.

08/05/2013


Phóng sự
Ký ức xe lam

            Huỳnh Thanh Quang

            Những bến xe dành riêng cho xe lam như trước đây hiện không còn nữa mà xe lam đang luẩn khuất ở các bến cũ. Ở đó, ngày xuất hiện càng nhiều dòng xe tốc hành đời mới, đưa đón khách như con thoi… Tại bến xe chợ xã Tiên Thủy, số điện thoại di động của người chạy xe lam được vẽ bên một góc tường để gọi là…tiếp thị dịch vụ xe lam. Hình ảnh của xe lam bây giờ thật lặng lẽ, tứ tán.
Thời vang bóng
Trước năm 1975 và chừng 15 năm sau đó, xe lam là phương tiện đi lại quen thuộc với mọi người. Tại tỉnh lỵ Kiến Hòa ( Bến Tre), trước năm 1960 cũng đã có xe lam từ tỉnh lỵ chạy sang cầu bắc Rạch Miễu và ngược lại; từ quận Hàm Long (nay là xã Tiên Thủy) đến tỉnh lỵ và từ chợ Mỏ Cày đến cầu bắc Hàm Luông và ngược lại. Xe lam từ tỉnh lỵ Bến Tre đi bến bắc Rạch Miễu sơn màu trắng, từ tỉnh lỵ đi Hàm Long sơn màu xanh da trời. Tại các chợ xã có đường bộ nối với các huyện lộ, tỉnh lộ, xe lam tuy không nhiều vẫn có mặt vài chiếc, tài xế là người lao động tại địa phương. Tiếng máy nổ của xe lam nghe thật ấn tượng. Nó nổ phum phum, đều đặn và nơi ống bô thoát ra những lọn khói trắng như người hút thuốc lá nhả khói ra hình chữ o. Xe lam có hai băng ghế đặt đối diện ở phía sau, mỗi băng nghế dành cho 5 khách và để tranh thủ rước thêm khách, tài xế chen thêm hai ghế súp ở giữa, ghế súp này thường là cái thùng đạn đại liên đựng đồ phụ tùng xe, người ngồi ghế súp phải ngó mặt ra phía sau xe cho bớt…ngộp. Lại nhớ đến một kỷ niệm: Thuở còn học sinh, dù đã học lớp 11-12 nhưng khi có dịp đi xe lam cùng với bạn học nữ, chúng tôi không hề dám ngồi sát bên trên cùng một  băng ghế với cô bạn ấy, mà phải tìm một vị trí ngồi đối diện, nơi gần nhất với cô ấy thôi. Ấy vậy mà còn…mắc cỡ…Tóm lại, với lộ trình chừng 20 km trở lại, xe lam tỏ ra thật đắc dụng trong đưa đón khách bộ hành, kể cả khách mang theo chiếc vali to hay có kèm theo chiếc xe đạp. Với những khách trên, bác tài sẽ thảy hành lý lên mui xe, lấy thêm tiền ba-ga (hành lý).
            Bác Tư Phước, ngụ phường 7, TP Bến Tre, người đã đến với chiếc xe lam từ năm 1957, nay đã rời nghề, nhớ lại: “Xe Lambretta, Lambro người ta quen gọi là xe lam. Trước năm 1957, những chiếc xe lam do nước Ý sản xuất đã được nhập vào miền Nam Việt Nam. Đợt đầu là xe lam trần (không có đóng thùng và mui như sau này), kế đến là xe lam với đầu cabin nhỏ và sau được cải tiến thành đầu cabin lớn như ta thấy hiện nay. Máy xe lam (Lambro) từ 175 đến 200 phân khối, trọng tải chừng 1 tấn trở lại; nếu máy xe còn tốt, xe chở khách chạy chừng 10 km tốn khoảng 1 lít xăng. Tại tỉnh lỵ Kiến Hòa và sau đó là thị xã Bến Tre, thời “sung” nhất, chỉ riêng bến xe này đã có trên 60 chiếc xe lam đưa đón khách…”.
            Xe lam thời bao cấp
            Nhưng vào thời bao cấp từ 1975 đến khoảng năm 1990, nghề chạy xe lam thật vất vả, thu nhập của tài xế xe lam chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Bác Tư Phước kể: “Máy móc xe ngày càng bị tiêu hao, xuống cấp nhưng thời đó không có phụ tùng xe để thay thế. Để duy trì chạy qua ngày, hầu hết anh em tài xế đều tự chế từ máy móc đến chiếc vỏ xe. Thế nhưng, với vỏ xe chẳng hạn, vỏ xe đắp lại, xe chạy được chừng 3 tháng là đã mòn nhẵn! Mỗi ngày một xe lam được cấp phiếu mua 2 lít xăng theo giá chính thức, tức trong ngày chỉ đủ chạy một rờ tua  từ thị xã Bến Tre sang cầu bắc Rạch Miễu và trở về. Để có đủ nhiên liệu chạy, tài xế xe lam pha thêm chừng nửa phần dầu vào xăng, thành ra xe chạy nhả khói đen mù mịt. Mỗi lần muốn khởi động máy xe lam, các bác tài phải hì hục…bơm xăng mồi”.
            Thời đó, xe lam đậu dài dài ở bến nhưng khi khách đến xe đâu có chạy liền. Tất cả thật rề rà. Vì như đã nói, đem 2 lít xăng mua theo giá chính thức rồi bán lại cho người khác, có lẽ còn khỏe hơn so với chạy một rờ tua chở khách theo giá qui định. Nhiều tài xế xe lam lớn tuổi, không còn đủ sức khỏe, lần lượt rời nghề cũng từ dạo ấy. Và xe lam thật sự lùi dần vào quá khứ khi tuyến đường từ thị xã Bến Tre sang Tân Thạch (cầu bắc Rạch Miễu) bắt đầu có xe buýt dập dìu như con thoi.

Xe lam thời bao cấp

            Mai một nhưng vẫn sống
            Tại Bến xe khách số 1 trên đường Trần Quốc Tuấn, phường 4, TP Bến Tre (sau hồ bơi Hoàng Lam), xen lẫn trong dòng xe khách, xe buýt, xe tốc hành đời mới, mỗi sáng, vẫn còn một hai chiếc xe lam đậu ở đó. Những chiếc xe lam ấy trông lặng lẽ, khép nép. Tôi tìm một bác tài lái xe lam để hỏi chuyện về hiện tại của xe lam. Thì ra, người tài xế xe lam mà tôi muốn gặp đang thư thả ngồi uống cà phê ở bên kia đường. Anh là Nguyễn Phi Hùng, 59 tuổi, ngụ phường 6, TP Bến Tre, người có trên 20 năm thăng trầm với chiếc xe lam. Anh Hùng giới thiệu với tôi, những người đang ngồi cùng anh, có người tuổi ngoài 60, cũng là những người có duyên nợ với xe lam. Giới thiệu xong, anh Hùng tiếp lời: “Cứ vài buổi sáng thì tôi chạy chiếc Lambro 550 của tôi ra đây một lần, để cho có mặt, để cho người ta biết là hiện vẫn còn xe lam. Nhiều khi cả tuần tôi mới có một chuyến chạy cho khách. Thế nên, thu nhập của tài xế xe lam bây giờ như chờ…sung rụng. Song, tuổi tôi đã gần 60 rồi, giải nghệ biết làm nghề gì khác!”
            Theo anh Hùng, phụ tùng máy móc xe lam bây giờ thứ gì cũng có, chiếc xe lam của anh cũng được sơn phết, tân trang trông khá lịch sự, nhưng ngặt nỗi là giờ đây rất ít người chịu đi xe lam. Quá ế, anh em chạy xe lam bây giờ lãnh luôn chở hàng hóa. Nhưng chở hàng hóa, thì làm sao xe lam cạnh tranh nổi với xe ba bánh Trung Quốc, xe tut-tut (Thái Lan) xe Vinaxuki (Việt Nam)… vì các loại xe này có sức kéo và tải trọng hơn hẳn xe lam. Tuy nhiên, anh Hùng cho biết xe lam vẫn còn một cửa sống là để chở những… đám ma nghèo ở ngoại ô, chở các tăng ni ở chùa đi cúng, chở các thầy tụng đi cúng kéo cửa mả, chở người đi quét mộ ở nông thôn mỗi độ xuân về, tết đến...; xe lam lại lấy giá phải chăng. ” Có khi nào xe lam chở…đám cưới - những đám cưới nhà nghèo?”- tôi hỏi. Anh Hùng nhún vai: “ Hồi trước năm 1990 thì còn lai rai, chứ bây giờ mà đàng trai đến đàng gái bằng… xe lam chắc là đàng gái sẽ…”dội”. Hiện nay, xe thuê đời mới từ 12 chỗ ngồi trở lên lềnh khênh. Đi cho nó sang chút mà…”.
            Với Bác Tư Phước, anh Phi Hùng và nhiều anh em tài xế xe lam khác nữa, chiếc xe lam đã là một phần của cuộc đời họ với biết bao kỷ niệm vui buồn, thăng trầm cùng năm tháng với nó. Chiếc xe lam của bác Tư Phước đã góp sức nuôi bảy người con của bác ăn học, lớn khôn thành người. Và với các tài xe lam, đây là những người đã chứng kiến với hồi ức sống động và xác thực nhất về bước phát triển giao thông đường bộ trên đất cù lao Bến Tre. Bác Tư Phước thì thầm: “Trước giải phóng, con đường tỉnh từ ngã Ba Tháp-Bến Tre qua Tân Thạch-cầu bắc Rạch Miễu …hẹp té với hai bên đường vườn tược xác xơ vì chất độc khai quang, rồi còn phải chờ phà. Bây giờ đường kia đã thành quốc lộ, thoắt cái là, đã đến cầu dây văng Rạch Miễu bắc qua sông Tiền. Xe cứ phom phom mà chạy…”.

Anh tài xế xe lam thong thả ngồi võng, chờ mối chạy.

02/05/2013


 Phóng sự

                          Lẳng lặng ba khía
            Huỳnh Nguyên Khang

            Nơi vùng nước lợ ven biển ĐBSCL, thiên nhiên thương tình ban tặng thêm cho nông dân nghèo con ba khía. Đi bắt ba khía thu nhập khỏe hơn nhiều so làm thợ hồ.

            Nhận diện ba khía
            Cũng giống như loài còng, ba khía có tám chân, hai càng, là con vật bò ngang, thánh địa của loài ba khía là vùng nước lợ ven biển ĐBSCL. Ba khía càng gần biển, độ mặn cao, hình dáng càng rắn chắc, đen sạm và toàn thân gần như có…mọc lông. Ba khía ở vùng nước lợ màu xám đen ngả chút màu đỏ, trên thân không có lông, bò đi ăn mồi bên bờ sông rạch, kênh mương rất năng động, láo lỉnh. Đây là loài ba khía đúng “bổn” nhất. Cũng trên vùng nước lợ, con tương cận với ba khía là con nha. Nhưng con nha trông mảnh mai và thịt nha ít chắc dẻ hơn.

Ba khía

            Ba khía không có ngày hội như còng (dịp tết Đoan Ngọ, mùng 5 tháng 5, âm lịch) nhưng ba khía xuất hiện nhiều và kéo dài suốt năm khi trời bắt đầu sa mưa. Người ta đi bắt ba khía có hai hình thức: tập thể và từng nhóm trên những bờ mương, bãi bồi. Đi tập thể, hàng chục người hùn tiền với nhau, quá giang một đoàn xuồng, thường là xuồng đi rập, đi xa, dài ngày, có khi ra gần đến cửa biển. Những chị đi bắt ba khía đem theo nồi nấu cơm, mì gói, rau cải…, cái nóp để ngủ qua đêm như thời kháng chiến. Trên đầu, các chị đội nón lá,  trùm khăn kín chỉ chừa đôi mắt, như hiệp sĩ bịt mặt. Về đêm, quấn ngang vầng trán của các chị là bóng đèn bình soi ba khía cỡ 6 vol hay 12 vol. Lẳng lặng. Họ ẩn hiện như những bóng ma trong đêm…Khi bắt được ba khía, các chị bỏ ba khía vào chiếc thùng thiếc có lá trăm bầu hay dừa nước trong đó để ba khía khó bò thoát ra. Khi ba khía vật vờ, sắp chết, các chị đổ ba khía vào chiếc thùng có pha nước muối (hột). Độ mặn để giữ ba khía không hư thối là bỏ vài hột cơm nguội vào nước muối, hễ cơm nguội nổi lên mặt nước là đủ độ mặn.
            Đi bắt từng nhóm. Cách bắt này thường là gia đình, những người cùng xóm. Tối tối, họ rủ nhau đi men theo bờ mương, sông rạch bắt ba khía vừa ra  hang đi kiếm mồi. Anh Hùng Giờ, nông dân xã An Điền (Thạnh Phú, Bến Tre) vỗ đùi: “ Coi vậy chứ bắt ba khía không dễ nghen. Thường phải đi bắt vào ban đêm…”. Tôi thắc mắc: “ Bắt ba khía ban ngày khỏe hơn, dễ hơn chứ?”. Anh Hùng Giờ cười: “ Ban ngày ba khía nó chạy vù vù, không dễ bắt đâu. Chỉ có thể ngoéo ở hang mà như vậy cực lắm, nhưng cũng không bắt được nhiều ba khía”. Lại hỏi: “Còn ban đêm thì sao?” Anh Hùng Giờ cho biết về đêm, ba khía  mới siêng đi ăn mồi và ngộ nghĩnh là khi ánh đèn bình pha đến trúng chúng, chúng choáng váng, nằm rạp sát đất. Người đi bắt ba khía đeo sẵn bao tay. Ba khía nằm mọp xuống là thộp đầu chúng bỏ vào thùng dễ dàng. Một người siêng đi vài giờ đồng hồ, nếu trúng, có thể bắt hai kí lô. Một kí lô ba khía đang thu mua tại đây là 50.000 đồng. Được 100.000 đồng mà chỉ trong đêm, công việc này khỏe hơn nhiều so với thợ hồ phải đứng dưới nắng thiêu đốt. Quả là, thiên nhiên thương tình ban tặng thêm cho bà con nông dân nghèo con ba khía.

Thu mua ba khía



            Ba khía thời thượng

            Từ lâu, mắm ba khía là món ăn bình dân nhưng rất khoái khẩu đối với nhiều người. Một bà mẹ quê nói về cách làm mắm ba khía truyền thống: “ Ba khía rửa sạch, để ráo nước rồi đổ vào ngâm nước muối ( độ mặn là bỏ hột cơm nguội vào nước muối, hột cơm nguội nổi lên là được) vài giờ. Kế đến, vớt ba khía ra để riêng một chỗ. Lấy phần nước muối vừa ngâm ba khía thêm chút đường, nấu sôi. Trong khi đó, bỏ ba khía vào khạp, trộn thêm với tỏi, ớt…rồi đổ nước muối đã nấu sôi (để nguội) vào khạp, để yên, không động đậy gì, chừng 10 ngày là ăn được. Thơm lừng…Mắm ba khía xé ra, trộn thêm với khế, rau quế hoặc rau răm, ăn bắt ghiền, cơm no bụng hồi nào không hay.
            Trên thực tế, dù ba khía nhỏ con hơn so cua biển nhưng lợi thế của ba khía là giá rẻ hơn 1/3 – 1/4, thịt lại ngon ngọt, chắc dẻ hơn cua biển. Bởi vậy, trong buổi ăn của nông dân vùng nước lợ hay nơi ven biển vẫn thường xuất hiện món ba khía nấu canh với rau tạp tàng, ba khía nấu chua với lá me non…Còn trên bàn nhậu nơi quán xá, khi các loại thủy sản xuất hiện nhiều, người ta tìm đến của hiếm đó là món ba khía rang me. Ba khía rang me, uống bia rất bắt.
            Ba khía lên ngôi chỉ cách đây vài năm. Một chiều, thấy bà con kéo đến bán ba khía cho một ghe thu mua đậu trên sông Cổ Chiên (đoạn Thạnh Phú), tôi hỏi nhỏ anh chủ ghe: “Mua ba khía chở lên Sài Gòn à? Sao không làm mắm rồi chở đi cho tiện?” Một hồi lâu sau, khi người bán ba khía không còn, anh chủ ghe mới thì thào: “Chở sang Campuchia, giao mối cho bên đó”. Quá ngạc nhiên, tôi nói:” Campuchia nổi tiếng mắm bù hóc. Mắm ba khía họ không ưa đâu”. Anh chủ ghe cười cười: “Mình mua ba khía con lớn, còn tươi mà – rồi anh chỉ cho tôi xem đống nước đá, tiếp lời – Ướp nó vào đó rồi chở qua…”. Lại hỏi: “Mua ba khía sống để làm gì. Họ nấu…canh chua à?”. Vì tôi và anh chủ ghe là người bà con với nhau nên anh bật mí: “Ba khía âm thầm đến những nhà hàng, các chủ dịch vụ nấu ăn đãi tiệc để người ta làm món súp cua. Súp cua mà nấu hoặc trộn thêm với thịt con ba khía ngon hết sẩy, trong khi đầu vào giá thấp hơn nhiều so với cua biển. Nhiều nhà hàng trong nước cũng vậy, thực khách đến đó là ăn…súp ba khía. Thịt ba khía và thịt cua biển rỉa nhỏ ra nấu súp, cũng màu lấm thấm đỏ, khó ai nhận ra. Vấn đề là thịt ba khía rất ngon nhưng nó lại xuất hiện quá…”bình dân”.
            Ra vậy, con ba khía tiếp tục rời bỏ quê nhà, có khi còn ào ạt xuất dương.

Quá giang đi bắt ba khía tập thể ( ảnh: HNK).