31/12/2014

LỮ KHÁCH HÀNH

* Vĩnh biệt Thanh Tuyên
Ta sớm bước đi trên cung đường lữ khách
Hát bằng điệu thức xênh xang hội gió mây ...
Bằng nốt nhạc ngân dài ca từ sâu lắng
Gieo hương gió sống động nhịp bước đường dài
Ta mặc tình ta trên cung đường hạnh ngộ
Mặc thời gian trôi đi những tháng năm qua
Ta cúc cung hoa cỏ và hạt rượu sương
Cho trầm kha tiếng hát nhuộm nắng chiều xa
Ta cạn đời ta long lanh chung rượu nhạt
Từng sớm mai lĩnh xướng tấu khúc trường ca
Tặng riêng ta và những bạn bè quen thuộc
Thầm sẻ chia cung bậc vương vấn quê nhà
Ta đôi khi nhìn lại dặm đường đã qua
Bụi thời gian khuất tất từng dấu chân ta
Khỏa lấp cả tiếng hát trầm buồn khinh mạn
Níu gót Achilles ta lùi bước đường xa
Ta kết đời mình nơi cuối đường đáo tuế
Khi thời khắc thành nốt lặng miền ân huệ
Vẳng tiếng kèn bát nhã hòa điệu ngũ cung
Bồi âm trường khúc ngậm ngùi đời lữ khách


HUỲNH THÔNG
30.12.2014

Minh họa: Huỳnh Thống.

Chúc mừng năm mới


28/12/2014

Bạn Trần Thanh Tuyên đã qua đời


 
Các bạn Huỳnh Thanh Quang, Lê Tấn Lộc, Lý Ngẩu tiễn biệt bạn Tuyên về chốn vĩnh hằng.


            Bạn Trần Thanh Tuyên sinh năm 1954(Giáp Ngọ), là cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, niên khóa 1967-1974, thành viên nhóm văn nghệ Hương Sống, sau thời gian dài đau bệnh, bạn đã qua đời vào trưa ngày 27-12-2014, nhập quan lúc 14 giờ ngày 27-12, động quan lúc 13 giờ 30 ngày 29-12, chôn tại đất nhà, gần Xí nghiệp Thuốc lá Bến Tre.
            Thời còn học sinh, bạn Tuyên là người hoạt động tích cực trong phong trào văn nghệ của Trường Trung học công lập Kiến Hòa, là người thủ vai “Lữ khách” trong hợp xướng Con Đường Cái Quan của cố nhạc sĩ Phạm Duy do nhóm Hương sống của trường thực hiện.

            Trong suốt thời gian tang lễ, nhiều cựu học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa đã đến thắp nhang, tiễn bạn Tuyên ra đi về chốn vĩnh hằng. Chúc linh hồn bạn Trần Thanh Tuyên được siêu thoát.

25/12/2014


      Một mảnh tình lớp ngày và đêm 
       Văn Thơ
·        Thay lời cựu học sinh Trung học Bán công đêm, nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập trường Trung học Bến Tre 1954-2014.

Ngày nhập trường niên khóa sáu tám sáu chín, tôi chia tay các bạn học Trung học tư thục Tân Dân, sát cạnh nhà thờ, chuyển sang học lớp bán công ban đêm mới khai giảng của trường Trung học công lập duy nhất ở tỉnh lỵ, nhìn ra cảnh hồ Chung thủy thơ mộng, mơ màng. Lâu nay ở trường này nam học sáng, nữ học chiều, bây giờ cả nam nữ cùng học chung lớp đêm. Rồi từ dạo đó, ngôi trường này đêm đêm đèn vẫn sáng với các lớp học bán công, học phí chừng nửa trường tư và có thuyên giảm vì lý do gia cảnh.
Tôi cả nghĩ học sinh bán công đêm thường có ”mẫu số chung” là do gia cảnh mới tản cư về tỉnh lỵ, vì hoàn cảnh học hành trắc trở, hay bị “lỡ vận” kỳ thi vào lớp đệ thất đầu cấp “trung học đệ nhứt cấp” mà phải học tư thục. Song, cũng có riêng một “ẩn số” là vào học bán công đêm để giành cơ may chuyển vào trường công ban ngày, với điều kiện qui định phải có điểm hạnh kiểm tốt và học lực giỏi, mà ngôn từ bây giờ gọi là “tốp mười” hay “top teen”.
Theo giờ Sài Gòn hồi đó, tính trước một giờ so với giờ hiện nay, thì giờ học ban đêm bắt đầu sau khi các lớp nữ sinh công lập tan trường ban chiều, lúc năm giờ, và giờ học đêm kết thúc lúc chín giờ, để cho thầy trò ở ngoại ô còn kịp về nhà trước giờ giới nghiêm, từ mười hai giờ khuya, đến rạng năm giờ sáng. Nhớ lại giờ giấc đi học đêm, mới đầu không quen, đồng hồ sinh học bị lộn xộn, nhưng rồi cũng quen dần dần với thời khắc giờ âm ! Bị đám bạn bè cùng xóm học ban ngày chọc tức là gà vô chuồng thì tôi cũng vào lớp, tôi bèn trả đũa cay cú là khi mèo ị sáng thì đi hốt thôi ! Lời qua tiếng lại kiểu đó không tránh khỏi hiềm khích, rồi ẩu đả “thượng cẳng chưn, hạ cẳng tay”, nên cả đám hay bị phạt cấm túc ở phòng giám thị nhà trường hoài thôi… Nhưng đây chỉ là mẩu giai thoại học trò “cá biệt” theo cách gọi bây giờ, còn lại cũng có lắm giai thoại “thương trộm, nhớ thầm”, hay “tình tay đôi, tay ba” của học trò lớp ngày và lớp đêm sẽ được kể sau đây!
Chiều chiều đạp xe đi học với tâm trạng thư thả yên bình bao nhiêu thì khi đêm đêm trên đường về tôi càng âu lo thắc thỏm bấy nhiêu ! Bởi có hôm nghe tiếng đạn pháo vẳng vọng, tiếng trực thăng vần vũ, hay ánh hỏa châu rơi xa xa trên bầu trời ! Nhưng điều lắng đọng và phát tiết về tri thức và tâm thức trong tôi từ dạo đó có lẽ là những bài học được hàm thụ qua từng buổi học đêm đêm, thấm đượm tình ân sư và nghĩa bằng hữu…
Nhịp sinh hoạt đều đặn của ngôi trường về đêm như tạo thêm đường nét sinh cảnh mới cho hồ Chung thủy bớt vẻ u huyền vì có tiếng trống trường, có tiếng vui đùa trong giờ ra chơi và nhất là có bóng dáng học trò thư thái vô tư, cho dù thanh danh học trò công lập, học ban ngày vẫn còn đó là một tâm trạng so đo đối với học trò ban đêm…
Nhưng mặc cảm tự ty đó không tồn hoài mà được khỏa lấp ngay, khi chương trình học vấn và mọi sinh hoạt học đường của cả lớp ngày và đêm đều giống nhau như anh em sinh đôi, chung một trường, cùng thầy cô, chỉ có khác nhau “song cảnh” học ngày hay đêm, thể hiện qua mảnh phù hiệu thêu trên ngực áo thôi !
Giờ đây ! Nhớ lại những ngày học bán công đêm, tôi không quên những kết quả học tập đã thu đạt, đủ để làm hành trang vào đời cũng như các bạn học lớp ngày. Nhưng trong tâm thế từng trải cảnh học đêm, chúng tôi luôn nhớ những kỷ niệm học trò thú vị mà chắc rằng nếu không kể ra không ai biết, trừ phi là nhân vật chính trong những mẩu chuyện như thế này !

Minh họa: S. Thống.

Một lần nọ, tôi tình cờ nhặt được trong hộc bàn một lá thơ tình, chữ viết nắn nót vụng về trên nửa mảnh giấy học trò. Đọc qua tôi đoán chắc là của cô bạn buổi chiều bỏ quên, mà người gửi là anh bạn học buổi sáng, chắc cũng ngồi cùng chỗ nơi chiếc bàn khập khiểng ở cuối lớp này. Mà đây cũng là chỗ tôi ưa ngồi, để lâu lâu lén nhìn qua cửa sổ, nhìn sang dãy lớp bên kia có một ánh mắt bồ câu đã hút hồn tôi từ ngày nhập học !
Bài thơ đó đến nay tôi vẫn còn nhớ, bởi những ngày tháng sau đó chính tôi đã làm bùng lên một mối tình học trò tay ba, cùng cấp lớp học ngày và đêm, và ngồi cùng chỗ trên chiếc bàn khập khiểng này!
                    Mai này ! Anh mong Mai sẽ nhớ…
                   Lời ngỏ này là chân tình Anh
                   Vì Anh mong một mùa Mai nở
                   Cho xuân yêu sẽ đến cùng Anh
Chà chà ! Sau mấy ngày liền nhờ bạn học lớp ngày dò la tông tích, tôi biết đúng là có chàng tên Anh gửi thơ tán tỉnh nàng tên Mai. Tôi bèn thử dỡ “độc chiêu”, tán tỉnh táo bạo theo cách của tôi là đón chờ Mai tan trường và đường đột bước đến trả lại lá thơ, nói là vô tình nhặt được trong hộc bàn…! Khuôn mặt trái xoan của Mai trắng xinh chợt đỏ bừng, ánh mắt có chuôi long lanh nhìn tôi trân trân như kịp hiểu ra cớ sự, đôi môi hồng mỏng có nốt ruồi duyên khẻ nói cảm ơn, và rất bối rối khi đưa bàn tay phải thanh mảnh nhận vội rồi quày quả bước đi với dáng điệu thiếu tự nhiên… Tôi chợt bâng khuâng với câu hát tiếng Pháp rất nhạy cảm: “Qu’est sera… sera…”, tức là “Rồi mai sẽ ra sao…” ! Và rồi tôi khẽ huýt sáo mãi câu hát tình tứ này khi bước vào lớp học đêm hôm đó !
Cả đêm hôm đó, tôi thật khó ngủ, vì tự hỏi không hiểu Mai sẽ đáp trả thế nào khi biết lá thư bị đánh tráo bằng lá thơ của tôi, người họ Văn và mang tên Thơ !
                   Thơ này là Thơ gửi riêng Mai
                   Vì yêu xuân và rất mến Mai
                   Anh chỉ ngỏ lời qua thơ vắn
                   Nhưng với Thơ là cả tình dài
Tôi chợt trăn trở mơ màng so sánh ánh mắt có chuôi và đôi mắt bồ câu, đôi môi trái tim và nốt ruồi duyên trên khóe môi hồng mỏng, và một dáng điệu thanh tân rất thị thành so với vẻ chân quê dịu dàng… cho đến khi bừng tỉnh giấc, vì tiếng gà gáy sáng trong xóm vắng ngoại ô, sau một đêm dài mộng mỵ nhưng thật bình yên!
Từ những buổi học đêm sau đó, tôi luôn bước vào lớp học sớm nhất, để mong nhận được lá thơ hồi âm ! Quả nhiên ! Đến một hôm, còn hơn cả sự mong chờ, tôi nhận được lá thơ của Mai, với tuồng chữ chân phương tròn trịa trên mảnh giấy hồng nhạt, có mùi hương hoàng lan… Tôi lẩm nhẩm đọc hoài đến thuộc lòng và suy gẫm mãi phải hồi âm thế nào đây !
                   Không nỡ bỏ quên ! Mà không nhận !
                   Và rồi không ngỡ lại được Thơ
                   Thơ cũng vắn với lời thơ thẩn
                   Mai đợi tình dài trong ý Thơ
Kể từ hôm đó, bùng lên một mối tình tay ba kín đáo, khi tôi lặng lẽ đứng nhìn Anh chiều chiều đón đưa Mai chậm bước theo cung đường quanh bờ hồ rồi rẽ lối về hướng ngã ba Tháp…
Đến một buổi chiều tan trường cuối niên khóa, Mai lặng lẽ ngồi một mình bên cội me tây rủ bóng mát trên mặt hồ Chung thủy, như dự cảm một cuộc chia tay thầm lặng… Quả nhiên, vài hôm sau, Anh giáp mặt tôi lúc tan trường đêm, buồn bả nói: “Mai theo gia đình chuyển về Sài Gòn rồi…”. Tôi khẽ gật đầu và chìa lá thơ cuối cùng của Mai với mỗi dòng ngắn gọn, không phải thơ: “Tạm biệt Anh và Thơ nhé! Mai về học trường Trưng Vương rồi !”

Nhiều chục năm sau, mẩu chuyện tình bán công đêm xa xưa ấy được đồng cảm, khi tôi được tặng một bài thơ tình hay hay, cũng gợi lên cung bậc, tiết tấu và giai điệu đủ để phổ thành bài nhạc mang dấu ấn một mảnh tình học trò vào thời đêm đêm tôi đi học bán công đêm ! 

19/12/2014

TRỞ LẠI TRƯỜNG XƯA
Mục tử Lữ Văn Châu
          Lớp 12 A 5, niên khóa 1972-1973.
Nhớ lại tuổi thơ lòng cảm thấy vui buồn lẫn lộn. Học vỡ lòng với thầy khai khiếu Trần Văn Lễ, lấy nhà làm trường, dạy không nhận học phí. Các con thầy giúp cha dạy, ôn bài cho các học trò nhiều lứa tuổi. Ngôi trường đầu tiên là như vậy. Rồi lớn lên với trường làng là ngôi đình thần trong ấp. Học hết lớp ba là chuyển sang trường huyện với lớp nhì, lớp nhất. Thi xong tiểu học là từ giã trường xưa ở tuổi 14.
            Năm năm chăn trâu, cày ruộng ở quê nhà. May duyên tôi vào Thánh Thất làm công quả học đạo. Sau ba tháng lên Hội Thánh học Lễ Nhạc và bắt đầu học bình dân vào ban đêm. Tiếp là vào trường Bồ Đề. Khi học xong phần Tú tài phần I tôi được vào Trường Trung học công lập Kiến Hòa. Năm ấy, thầy Nguyễn Đăng Phu là giáo sư hướng dẫn. Tiếp theo là ghi danh vào Trường Đại học Văn khoa, Đại học Luật khoa. Sau đó tôi đậu vào Viện Đại học cộng đồng Tiền Giang, khoa Sư phạm ngành Việt văn. Học xong ra dạy 30 năm 4 tháng thì về hưu, vào lại Thánh đường hành đạo. Trong năm tháng dạy học, tôi tiếp tục học Đại học rồi Cao học, qua 11 năm nữa. Như vậy đời học trò, học sinh rồi sinh viên, nghiên cứu sinh kéo khá dài.
            Hôm nay ngày 23/11/2014, trường tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập. Tôi đến dự gặp lại thầy cô bạn học dưới mái trường xưa thật êm đềm cảm động. Buổi họp có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Phong và Thường vụ Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam đến dự và phát biểu ý kiến. Tôi lắng nghe và nhớ lại trước đây tôi có duyên nghe các viên chức, nhà văn phát biểu. Tôi suy nghĩ nhiều về lẽ đời, lẽ đạo! Tôi học tập, tiếp nhận trên mọi lãnh vực.
            Mấy bài phát biểu của thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh, Bùi Thanh Kiên kể lại nhiều kỷ niệm đẹp lúc dạy và học dưới mái trường xưa! Các em học sinh của các thế hệ đã có cảm tưởng với ý nghĩa khá phong phú. Riêng tôi chỉ có học và chấm thi dưới mái trường xưa nầy. Có năm tôi làm thơ ký Hội đồng chấm thi TNPT với nhiệm vụ giữ gìn bài thi suốt tuần lễ ăn chay nằm đất! Nhiều lần làm công tác chấm thi tuyển sinh, dạy học sinh giỏi vòng toàn quốc môn Văn cũng tại ngôi trường nầy!
            Nay về họp mặt hầu hết thầy cô buổi đầu đã qua đời, lớp học sinh khóa đầu chỉ còn lại có 8 vị về dự. Lớp kế thừa hầu hết đã già yếu hoặc đã qua đời.
            Thời gian 60 năm có bao nhiêu biến đổi nhưng tình cảm thầy trò dưới mái trường xưa không thay đổi trong tôi! Sắp đến tuổi thất thập cổ lai hi vẫn thấy mình là học sinh như thuở nào. Tôi rất tâm đắc với câu liễn: “Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức – Hoằng khai khoa học tác tân dân” của thầy Nguyễn Đăng Phu sáng tác. Lúc còn học tôi nhớ hai câu thơ đã ăn sâu trong lòng: “Văn hóa điểm tô nòi giống Việt - Lễ nghi rèn luyện trẻ nhà Nam
            Nghe mấy thầy kể về ý nghĩ của lớp thầy khai sáng: Ra ngõ dạy trò văn hóa mới - Về nhà nhắc trẻ lễ nghi xưa! Tôi hiểu hơn về phẩm hạnh của quý thầy. Tôi luôn nhớ ơn quý thầy cô đã thương yêu dìu dắt trong quá trình học tập. Tôi rất biết ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện để thầy trò gặp nhau, đây là sự kiện tốt đẹp đối với tình thầy nghĩa bạn. Việc làm lễ ở đền thờ đã giúp tôi hồi tưởng về quý thầy cô đã quá vãng! Đạo thầy trò được khơi dậy. Tôn sư trọng đạo được dạy rành ở Giáo khoa thư!
            Tôi thành tâm cầu siêu độ cho quý thầy cô đã qui vị và cầu an vui cho thầy cô còn tại tiền!
Trường xưa nay đã xa rồi,
Bóng hình xưa đã một thời yêu thân.
Thời gian trải nghiệm tinh thần,
Nhớ thầy, nhớ bạn bâng khuâng đáy lòng.

Mục tử Lữ Văn Châu.



17/12/2014

Trường tôi

           Đẹp – Duyên
            Lớp 12 B1, khóa 65-72.

            Trời đã sang đông nhưng những tia nắng ấm áp và không khí mát mẻ của mùa thu như vẫn còn vương lại. Sáng nay, trường tôi tưng bừng, nhộn nhịp đón chào kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường 1954-2014.
            Cổng trường tôi như vui mừng, chờ đón, đứng đợi cố nhân về. Chúng tôi tay bắt, mặt mừng, nói cười vui vẻ. Những gương mặt của tuổi thơ trăng tròn giờ đây mái tóc đã điểm sương nhưng vẫn thấy lòng mình như trẻ lại. Trường tôi trước đây là Trường Trung học công lập Kiến Hòa, nằm trên mảnh đất hình chữ nhật. Cổng trường quay về hướng Tây Bắc, đối diện góc Đông Nam của hồ Chung Thủy, nơi mà ngày xưa chúng tôi thường rủ nhau ngồi trên băng đá dưới gốc me tây trong những giờ nghỉ học. Đây là một vị trí đẹp nhất tại tỉnh lỵ Kiến Hòa(Bến Tre) ngày đó. Trường tôi không có “cây xanh lá vây quanh” nhưng được bao bọc bởi bốn bức tường kiến cố. Trường có 4 dãy lớp A, B,C, D. Suốt những năm theo học tại đây, tôi được ngồi học ở ba dãy lầu A, B, D. Không biết khóa trước và sau tôi như thế nào nhưng tôi còn nhớ năm tôi vào đệ thất có đến 5.500 thí sinh mà chỉ lấy có 500. Vì vậy khi thi vào trường công lập là vinh dự lắm. Ngôi trường thân yêu này đã ôm ấp tôi suốt 7 năm trung học từ 1965-1972. Tôi yêu trường tôi như yêu người thân. Sau này các con tôi cũng may mắn là học sinh của trường nhưng chúng chỉ học có 3 năm cuối cấp. Các thầy cô tôi nay đã lớn tuổi cả rồi. Cô Lễ dạy Pháp văn nay tóc bạc như bà tiên. Mặc dù lớn tuổi nhưng cô vẫn còn minh mẩn, đôi mắt tinh anh. Cô là hình ảnh người phụ nữ đoan trang, đạo đức. Thuở ấy tôi thường bị cô nhắc nhở về chiếc áo dài mỏng, mình đã mặc áo cánh rồi mà cô còn bảo phải mặc áo cánh tay dài nữa chứ! Thầy Ngọc Diệp dạy toán tôi năm đệ tứ, năm nay thầy già hơn, dáng gầy gầy, bước đi chậm chạp vẫn với vẻ mặt và nụ cười hiền từ như ngày nào. 

Họp mặt kỷ niệm  60 năm thành lập trường.

           Thầy Kiên dạy văn tôi năm lớp đệ tam, nghe thầy kể là học sinh khóa đầu với bộ đồng phục bà ba trắng, mang đôi guốc vông. Ôi, hình ảnh đẹp, thánh thiện làm sao! Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những giờ học văn của thầy Kim Khánh. Năm nay, trông thầy vẫn còn trẻ trung lắm. Thầy giảng bài thật hay, nói năng lưu loát nhất là khi học những dòng thơ mới. Thầy Nguyễn Đăng Phu dạy triết tôi năm đệ nhất với dáng người nhỏ nhắn, gương mặt hiền từ, phúc hậu lúc nào cũng tươi cười. Thầy giảng bài lưu loát, thu hút học sinh. Hồi đó thầy dạy chúng tôi nhiều chiêu lắm nào là ăn gạo lứt, muối mè, rồi nhịn đói,…vậy mà cũng thu hút được nhiều đệ tử lắm. Năm nay, tóc thầy Phu đã bạc nhiều nhưng trên gương mặt vẫn còn nét thanh xuân…Thầy là một trong những người được học trò yêu mến nhất. Còn nhớ, hồi đó có năm, thầy làm chủ nhiệm cả 2 lớp cùng phòng là B1 và Ạ, vì vậy thầy tổ chức một buổi cắm trại cho chúng tôi tại vườn nhà chị Vững. Lớp B1 của tôi nằm trên lầu cuối dãy B. Buổi sáng là lớp 12A5. Sau đó cứ mỗi chiều đến lớp là tôi nhận được mảnh giấy nhỏ trong hộc tủ và những vần thơ viết trên bàn học của anh chàng 12 A5 ngồi cùng chỗ với tôi. Những câu đối thì nhiều lắm, tôi chỉ ghi lại bấy nhiêu thôi:
           - Người ơi gặp gỡ bất ngờ
              Trăm năm phải có duyên gì với nhau-12 A5
            - Lữ khách đi chung một chuyến tàu
              Tàu cập bến mỗi người đi mỗi ngã-12 B1.

            Chẳng có thế thôi đâu. Cứ mỗi chiều tan học thì 12 Ạ lại đón tôi trước cổng trường. Chúng tôi đi bên nhau trên đường mé sông tỉnh lỵ lộng gió. Tà áo tôi bay bay, quyện lấy bước chân ai reo vui trên con đường xa ngút mắt. Vậy mà bên tai tôi vẫn nghe tiếng nuối tiếc “con đường sao ngắn quá!”. Thế rồi chiến tranh, rồi hòa bình, đến bây giờ chúng tôi vẫn không gặp lại nhau. Bây giờ, chẳng biết người còn hay mất. Riêng tôi, bây giờ đã có một gia đình hạnh phúc…

11/12/2014

            Từ ngày chia tay bên hồ
·                                Thông Quan

Trời đã về chiều, Quân vẫn nài tôi nán lại nhậu tiếp, vì mấy khi được bạn bè lạc bước đến chơi ở miệt giồng heo hút này. Nói vậy cũng phải, tuy biết rõ cảnh nhà của nhau, nhưng lâu nay hai đứa chưa lui tới nhà chơi lần nào. Hôm nay, tiện thể trên đường đi ngang nhà Quân, tôi chợt nảy ý ghé thăm xem sao, mà cũng vì đám bạn nhậu hay kháo nhau Quân ít khi đi đâu, muốn gặp thì cứ đến nhà, tha hồ nhậu, luôn sẵn mồi rất bén. Tôi kiểm nhanh bộ nhớ về Quân là đứa bạn học chung lớp từ trung học “nhứt cấp” lên “nhị cấp”, cho đến khi đậu tú tài IBM năm 1974, tôi đi xa quê, còn Quân thì về quê nhà, bây giờ thừa kế thửa vườn hương hỏa này, vợ thì lên Đà Lạt trông nom cháu nội, giỗ tết mới về ...
Nể lời Quân, tôi lừng khừng ngồi nán lại, rồi hỏi nhỏ: “Tao nhớ quê nội của Kim ở gần đây, bây giờ còn ai ở không?”. Quân liền nhấp chung rượu đầy, nhăn mặt thở khè rồi nói gọn: “Tao tưởng mày quên! Hay là sẵn dịp, tao đưa mày đi thăm mộ cô bạn mình luôn. Đi đi ! Gần đây lắm!”. Tôi đứng bật dậy như bị chiếc lò xo vô hình nẩy lên: “Ừ! Thì đi!”. Một cơn gió gợn lên làm rơi chiếc lá sa kê chao lượn rớt xuống mâm nhậu đã tàn, khiến tôi cảm nhận như có một cơn ớn lạnh thoáng qua chạy dọc xương sống xuống tận gót chân Achilles của mình… Rồi những hạt mưa chiều tháng sáu bỗng đỗ rào rào như thể tẩy trần cho cuộc tảo mộ cô bạn học, rất tình cờ…
Đến ngồi cạnh ngôi mộ đất cỏ dại um tùm, Quân che dù cho tôi thắp nén hương không bị tắt vì gió phất phơ, mưa rơi rỉ rả. Trong khi Quân trầm ngâm hút thuốc và nhìn cảnh vườn quê chiều chạng vạng, tôi bồi hồi im lặng nhìn tấm bia ghi tạc tên Kim và mường tượng chân dung cô bạn học thùy mỵ, với khuôn mặt tròn, mắt bồ câu, má lúm đồng tiền, môi trái tim, hay mỉm cười hé lộ chiếc răng khểnh rất duyên… Mà tính tình Kim cũng rất là điềm đạm, từ tốn, nhỏ nhẹ đến độ có vẻ như hay mắc cở, rục rè, nên bạn bè cũng gán cho biệt danh “Em hiền như masoeur”… Có điều dòng họ gia đình tôi là người cố cựu, ở giáp vùng ngoại ô, ba tôi là thầy giáo nên giữ gìn lễ giáo gia phong rất gắt, khiến quan hệ chòm xóm láng giềng hay kiêng dè, giữ kẽ! Cho nên hồi gia đình Kim tản cư về ở cùng xóm cũng rất dè dặt  giao tiếp với gia đình tôi… Và thêm một lý do tế nhị nữa là Kim phải học bán công đêm, ban ngày phụ mẹ buôn bán hàng bông ở chợ tỉnh, trong khi ba Kim hay đi làm ăn xa nhà… Một cơ hội giúp tôi làm quen với Kim và gây được thiện cảm lâu bền là vào sáng sớm hôm ấy, Kim đạp xe chở hàng bông ra chợ bị té ngã, hàng bông rơi vãi tứ tung. Tôi đang trên đường đi học sớm, vội chạy đến giúp Kim thu dọn, xếp lại hàng rồi giành chở thẳng ra chợ cho mẹ Kim kịp bán sớm… Nghĩa cử của tôi khiến mẹ Kim rất cảm mến, còn Kim có lần thố lộ rằng luôn mắc cỡ, thẹn thùng mỗi khi nhớ lại và suy nghĩ… Tôi trộm nghĩ hay là Kim đã thoáng liên tưởng đến tuồng tích Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga chăng?
Quân chợt cắt ngang dòng suy tưởng của tôi, chỉ con số hưởng dương của Kim dừng lại năm 1977, tính đến nay chỉ bằng một phần ba tuổi đời của tôi, Quân và các bạn học cùng lớp tú tài IBM năm 1974… Rồi Quân kể gọn ngày an táng Kim ở  đây, cũng vào lúc chạng vạng như hôm nay, bà con chòm xóm đến rất đông vì ai cũng quí mến nết na, đức hạnh của cô tú Kim, còn bà con thân thuộc vì đường xá xa xôi cách trở dạo đó không về được nhiều… Rồi từ ngày đó, vì tình nghĩa bạn bè và cũng vì chỗ tình hàng xóm láng giềng, Quân vẫn hay lui tới thăm nhà nội của Kim vốn rất đơn chiếc, ít con cháu, và năm nào Quân cũng giúp dọn dẹp cây cỏ hoang dại quanh khu mộ Kim vào dịp tảo mộ cuối năm hay vào tiết thanh minh …
Tôi ngắt lời Quân, tranh thủ giãi bày tiếp tâm sự thầm kín rằng… Hết năm lớp 11, Kim đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt nên được chuyển từ lớp bán công đêm vào học chung với tôi lớp ban ngày 12 A. Mặc cảm cách biệt lớp ngày và đêm của Kim và tôi từ đó được khỏa lấp, vì hàng ngày hai đứa cùng chung đường đi đến trường. Đám bạn học tinh nghịch từ dạo đó hay trêu chọc tôi bằng câu hát “Em tan trường về… Anh theo Ngọ về…” khiến Kim phải trách cứ tôi đừng để phải bị mang biệt danh tên Ngọ! Tôi nghĩ cũng phải, đành đi học muộn về muộn với đám bạn “xóm nhà lá”, để ra vẻ vô tình vô cảm với Kim, dù sự thật trong tôi đã trổi dậy mộng tình đầu ! 
Một hôm tôi tần ngần nơi tiệm sách, thấy bày bán bản nhạc đang thịnh hành “Em hiền như masoeur”, bèn nảy ý mua tặng Kim, vì dạo đó tôi cũng thường thấy cô bạn mình hay đi lễ nhà thờ, trong khi tôi biết rõ gia đình Kim chỉ thờ ông bà trên bàn gia tiên, bày xếp rất trang trọng! Qua buổi học hôm sau, tôi giả bộ hỏi Kim cho mượn tập vạn vật vì chép bài bị thiếu… Không ngờ khi tan học, Kim kín đáo trao vội cho tôi quyển tập, bao bìa bằng bản nhạc của tôi tặng, thoang thoảng mùi hoàng lan ! Tôi bối rối chưa kịp nói gì thì Kim đã bước nhanh theo cô bạn thân hay đi chung đường về. Tôi vội nói với theo, hứa sớm mai vào lớp sẽ trả lại tập, ẩn ý như một lời hẹn hò !
Quả nhiên, hôm sau tôi và Kim cùng vào lớp sớm nhất. Tôi lúng túng đến ngồi bên cạnh Kim, trao quyển tập mà mắt nhìn đâu đâu trên suối tóc đen dài mượt mà, rất quyến rủ, khiến tôi bất chợt đưa tay khẻ chạm vào… Kim vội khoát mái tóc, đứng bật dậy, đôi má ửng đỏ hồng, và mắt ươn ướt nhìn tôi đầy trách cứ… Đúng lúc đó, một cô bạn tóc ngắn, dậm mạnh tiếng guốc, bước vào mỉm cười rất lém lỉnh và nhí nhảnh, cố tình nói chữa thẹn cho cả hai cái tôi khác giới tính vừa chạm vào nhau: “Hai người hôm nay trực lớp hả ? Lau bảng, quét lớp chưa vậy ta?”. Tôi lật đật bước lên lau bảng mà lòng không muốn bôi xóa chút nào vì đã có một vệt phấn trắng vừa lướt qua hồn trí tôi...
Kể từ buổi học đó, mùa thi tú tài cũng cận kề, bạn bè đều lao vào việc học, và tôi cũng vậy, tạm gác những suy tính cơ hội tiếp cận Kim như đã từng, nhưng hàng đêm vẫn thao thức viết những bức thư tình tứ, lãng mạn để sáng hôm sau chuyển thư cho Kim qua những quyển tập khống, bao bìa bằng nhạc Trịnh, Phạm Duy như là ám hiệu mà không hề bị thầy cô, bạn bè nghi ngờ hay phát hiện! Hơn chục năm gần đây, tôi làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo, nhận được vài giải thưởng báo chí, mà không ai ngờ rằng nhờ những đêm trường thao thức viết tình thư đã giúp tôi âm thầm trao chuốt được kỷ năng văn chương ướt át, mượt mà, giàu vần điệu xúc cảm và tu từ thâm thúy… Chính thầy dạy văn chương và triết học của tôi năm lớp 12 đã thắc mắc so sánh không hiểu tại sao một anh tú tài IBM ban A, hạng thứ như tôi lại trở thành nhà văn, nhà báo; còn mấy cô cậu tú tài ban C năm ấy, sau này lại trở thành nhà buôn, chủ hụi, và đại gia ? Tôi bật cười nói tếu với thầy cho vui : “Tại con tạo nó chạy vòng vòng thầy ơi!”   
Quân búng mẩu tàn thuốc lên cao, vạch một đường cầu vồng rơi xuống như một ánh ma trơi, rồi nhìn tôi cười hỏi tới: “Sau đó thì sao, kể tiếp đi để cô bạn mình không phải trách thầm nữa!”. Tôi kể tiếp như chiếu chậm lại đoạn phim buồn của hai nhân vật chính!
Sau cả buổi chiều ngồi ở nhà nghe radio xướng danh thí sinh đậu tú tài IBM, lòng đầy thắc thỏm, tôi chỉ mong có tên Kim, và ngộ lỡ không có tên tôi thì thôi cũng đành! Bởi sau kỳ thi, tôi đến nhà hỏi thăm, thấy Kim rất vui và tự tin, trong khi tôi rất lo âu vì có rất nhiều câu trắc nghiệm tôi chỉ đánh cầu may! Khi ra về tôi thầm hẹn Kim đi quán cà phê và nhận được một nụ cười hiền như masoeur! Rồi đến khi nghe đọc đúng tên hội đồng thi, bắt đầu từ vần A… và thực sự có tên Kim! Tôi đứng bật dậy như để trút đi nỗi băn khoăn câu thúc, vì trộm nghĩ biết đâu tôi cũng là một phần lý do khiến  Kim bị rớt thì sao! Rồi tôi lại ngồi xuống, hồi hộp nghe ngóng, chờ đến tên mình, thầm cầu mong không phải nhận lấy nỗi buồn “sĩ tử”, không phải chỉ vì sĩ diện mà còn vì biết nói sao với kỳ vọng của gia đình và niềm cầu mong chân thành của bạn bè và của cả Kim, bởi Kim nào muốn mình cũng là nguyên nhân khiến tôi thi rớt tú tài! Cuối cùng tên tôi cũng được đọc lên với số điểm “hạng thứ” thấp nhất nhưng coi như tôi đã bắt được cơ may “cá vượt vũ môn”, dù chỉ vừa đủ điểm làm cậu tú ! Tôi lấy vội xe đạp, chạy thẳng đến quán cà phê nơi góc bờ hồ Chung thủy như đã hẹn với Kim, mà lòng vui rạo rực, vì đã tránh được vận rủi bởi mấy câu hát bỡn cợt vào dạo mùa thi năm đó: “Ta hỏng tú tài!... Ta vuột tình yêu!...”. Tôi cao hứng nhại lời hát, trổi giọng ngang phè : “Ta đậu tú tài ! … Ta được tình yêu!...”
 Khi đạp xe đến nơi, góc hồ Chung thủy quen thuộc đang chìm dần trong bóng chiều tà, những tia nắng vàng muộn vẫn còn cố xuyên qua tàng lá me tây xanh rì, hắt những hạt sao lăn tăn, lấp lánh trên mặt hồ nước xanh rêu, như vẫy chào niềm vui đang rạo rực trong tôi… Nhưng không ngờ, đã có rất đông đủ bạn bè trong chiều hôm nay đã thành cô cậu tú, đang tưng tửng, túm tụm chia vui, cười đùa sảng khoái thật rôm rả! Song, tôi không thấy Kim đâu, bèn đùa cợt qua qua, chia vui với đám bạn “xóm nhà lá” đều đã thành “tú ông”, rồi đánh lãng đạp xe đi, vì một hoài nghi nhỏ giục tôi tìm đến nhà thờ… Quả nhiên, tôi tìm thấy cô bạn “hiền như masoeur” đang đứng đọc kinh Tạ ơn trước tượng đài Đức mẹ Maria, bên cạnh hang đá Chúa Hài Đồng…  
Tôi lặng lẽ ngồi chờ nơi băng đá, ngắm nhìn từ xa dáng dấp dịu dàng, bình dị của Kim, thường gặp với nếp áo sơ mi rộng, tay dài và quần dài sẫm màu, rất hợp với phong thái từ tốn, thanh thản, đoan trang của Kim. Đọc kinh xong, Kim đếm bước nhẹ nhàng đến chỗ tôi ngồi rồi ngập ngừng nói : “Kim cảm ơn những bức thư ấy nhiều lắm! Nhưng thú thật chưa bao giờ Kim dám mở ra đọc! Nếu có ngày phải gửi trả lại thì hãy xem như Kim đã đọc thuộc lòng rồi!”. Tôi thảng thốt đứng dậy định choàng vai Kim để gạn hỏi “vì sao và vì sao ?”. Nhưng Kim nhẹ nhàng đưa hai tay bắt chéo vai tỏ ý ngăn tôi dừng lại, rồi nhìn tôi với ánh mắt bồ câu ươn ướt, khẽ nói: “Rồi sẽ hiểu cho Kim thôi !”. Giọng Kim nhẹ nhàng nhưng rất nghẹn ngào, khiến tôi càng hoang mang, ấm ức và chỉ muốn được nghe Kim nói ngay có  điều gì đó đang khuất tất, thầm kín trong Kim. Nhưng Kim lại khẽ hỏi tôi một câu rất thường tình, cố ý đưa tôi về thực tại rằng với mảnh bằng tú tài trong tay tôi sẽ chọn hướng tương lai nào đây? Tôi đang lúng túng suy nghĩ tìm câu đáp thì Kim đột ngột nói ngắn gọn: “Thôi! Đừng trả lời vội! Kim cũng đang tìm lời đáp đó thôi!” Rồi Kim mỉm cười hiền lành, thánh thiện như masoeur,  vẫy tay chào hẹn gặp lại rồi bước nhanh đi về nhà, cách nhà thờ không xa lắm… Tôi ngơ ngác nhìn theo dáng Kim đi qua cổng nhà thờ, đổ bóng dài ngược lại, bởi ánh đèn đường vàng vọt ở tỉnh lẻ đã thắp sáng cho đêm nay khá lâu rồi…
Quân xếp dù đứng lên, cơn mưa cũng vừa dứt hạt, trời đã tối hẳn, ánh trăng non đang nhô lên nhưng không đủ sáng cho một vùng trời quê hiu quạnh và bãi tha ma này… Rồi Quân bật lời nói thay cho tôi : “Cô bạn mình yên nghỉ nghen! Bọn tôi về đây! Có dịp khác bạn bè sẽ đến viếng!” Tôi nghe tiếng gió lay cành tre và tiếng tàu dừa khua như tiếng nhạc buồn thê lương… và mường tượng như có ai hát văng vẳng bài “Em hiền như masoeur”…
Bước theo ánh đèn pin soi đường của Quân, tôi hỏi: “ Mày có biết rõ mấy năm cuối đời của Kim không? Tao muốn biết và bạn bè cũng rất muốn biết!”. Quân nói giọng trầm buồn, vắn tắt: “Kim muốn được vào dòng tu, làm masoeur thật sự. Nhưng gia đình cho đó là cách Kim muốn lẫn tránh cuộc đính ước hôn nhân với người anh họ của tao, lúc đó là một kỹ sư trong ngành công binh. Rồi lễ đính hôn cũng diễn ra lúc mày đang ở quân trường, chắc mày cũng biết, dù quá muộn phải không ? Kim nhờ tao đi bưu điện gửi trả những bức thư của mày, và dặn nếu sau này mày có hỏi thì nói rằng Kim đã đọc và đã khóc hàng đêm vì không giữ được lời nguyền thánh thiện, trinh bạch trước Thiên Chúa! Rồi lần mày về phép ghé thăm Kim nằm bệnh viện, sau khi mày ra về thì tao cũng vào thăm. Kim mời tao ăn giúp gói khoai lang chiên để trên đầu giường, nói là vừa nhờ mày mua ngoài cổng bệnh viện, với ẩn ý đó là món Kim hay mang vào cho cả lớp ăn vụng, mà đó cũng là một cách đùa vui cuối cùng của Kim với bạn bè thôi. Tao về lại nhà được một tuần thì gia đình đưa Kim về đây an táng!".
Về đến nhà, trời lại đổ mưa, Quân nói dứt khoát phải nhậu tiếp để ngủ trong cơn say cho qua đêm nay. Rồi cả hai đứa thi nhau cụng ly nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, để cố tránh nhắc lại câu chuyện đời buồn của Kim và của tôi.
Bất chợt tôi muốn nói thêm một giãi bày cho Quân biết, rằng khi ở quân trường có nhận được những lá thư gửi đến, tưởng là thư của Kim nào ngờ mở ra toàn những bức đã viết cho Kim, nhưng thấy có rất nhiều chữ nhiều dòng bị nhòe đi… Tôi quá thất vọng về Kim, bèn dùng mũi lê đào chôn những lá thư đó dưới cội thông già trong khuôn viên quân trường… Ít hôm sau, em gái tôi gửi thư báo tin nhà Kim làm đám hỏi, có mời một bà dì của tôi đến dự, gián tiếp chấm dứt mối tình của tôi và của Kim… Một cơ hội bắc nhịp cầu thông gia giữa gia đình tôi và Kim từ đó vĩnh viễn trôi xa không bao giờ trở lại!
Bây giờ, nghiệm lời Quân kể, tôi đoan chắc những vết mực nhòe trên những bức thư tình của tôi gửi Kim chính là những giọt nước mắt hồi âm cho một mối tình đầu trắc trở, kể từ ngày chia tay Kim trong sân nhà thờ, không phải bên bờ hồ Chung thủy trước cổng trường… 


                                                                                                          9. 12.2014

Bông Bạch mai tại đình Phú Tự.

10/12/2014

            
60 năm đong đầy tình Thầy - Trò

            Trần Tấn Minh
Q.Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bến Tre.

         Kính thưa ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre; ông Cao Thành Hiếu, Chủ tịch UBND TP Bến Tre.
 Kính thưa quý thầy, cô giáo là cựu giáo viên của Trường Trung học Bến Tre, Trung học Kiến Hoà, Phổ thông Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Trung học Phổ thông chuyên Bến Tre cùng tất cả các cựu học sinh của các trường trên có mặt hôm nay.
Hôm nay, trong không khí náo nức đón chào ngày nhà giáo Việt Nam, Ban liên lạc cựu học sinh tổ chức trọng thể buổi họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập trường với nhiều niềm tin và hy vọng thầy – trò qua các thế hệ gặp gỡ nhau, cho phép tôi thay mặt cán bộ, giáo viên, nhân viên và cựu học sinh Trường Trung học Phổ thông chuyên Bến Tre gửi đến quý vị đại biểu lời chào trân trọng và kính chúc tất cả quý vị đại biểu dự họp mặt hôm nay luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.

Thầy Trần Tấn Minh(bìa trái).

Kính thưa tất cả quý vị đại biểu!
          Bến Tre là miền đất giàu truyền thống hiếu học. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được các thế hệ người Bến Tre giữ gìn, phát huy ngày càng rạng rỡ hơn và Trường Trung học Kiến Hoà, Phổ thông Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Trung học Phổ thông chuyên Bến Tre luôn luôn là niềm tự hào của người dân vùng đất học này.
Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngôi trường này đã đào tạo rất nhiều thế hệ học sinh thành đạt, trưởng thành tỏa đi khắp mọi miền của tổ quốc, tham gia xây dựng quê hương , đất nước. Nhà trường càng tự hào hơn khi có nhiều lãnh đạo của thành phố, của tỉnh, của trung ương từng là học sinh của trường. Trong thời gian qua trường Trung học Phổ thông chuyên Bến Tre nối tiếp truyền thống dạy tốt, học tốt của các thế hệ đi trước, tiếp tục gặt hái được những thành công đáng tự hào đó là: nhiều năm liền là đơn vị đứng đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long về số giải học sinh giỏi cấp quốc gia; thi tuyển sinh đại học hàng năm trường có trên 95% đỗ đại học ở nguyện vọng 1 thuộc top 50 trường có điểm bình quân cao nhất trong cả nước, trong kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua trường có học sinh đạt thủ khoa, á khoa của các trường đại học lớn, trường được xếp thứ 21 trong tổng số 2.700 trường trung học phổ thông cả nước, với điểm bình quân 3 môn thi là 20,76 điểm.
Họp mặt kỷ niệm 60 năm thành lập trường là hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, nó không đơn thuần chỉ là cuộc tụ họp của tình bằng hữu mà còn là dịp để mỗi người cùng quay trở về với ký ức tốt đẹp của thời học sinh, cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tri ân mái trường, tri ân thầy cô và cùng quyết tâm phấn đấu đạt thêm những thành công mới trong cuộc sống, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp và cùng tô thắm thêm truyền thống hiếu học tốt đẹp của một mái trường – miền đất Bến Tre.
Kính thưa quý vị đại biểu!
         Trong thời gian qua các thế hệ cựu học sinh của trường đã luôn dành những tình cảm sâu sắc cho nhà trường, cho thầy cô và các thế hệ đàn em đi sau bằng những hành động thiết thực đó là trao học bổng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi.
Xin cảm ơn các cấp lãnh đạo đã cho phép tổ chức buổi họp mặt hôm nay. Cảm ơn Ban tổ chức của Ban liên lạc cựu học sinh đã tổ chức buổi họp mặt, xin cảm ơn quý thầy cô đã dành thời gian quí báu của mình về thăm trường xưa, gặp lại những học sinh thân thương thuở nào. Xin cảm ơn sự hỗ trợ của các cựu học sinh cho nhà trường trong thời gian qua. Sự hội ngộ hôm nay sẽ là động lực tiếp bước cho thầy và trò nhà trường phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong năm học đã đề ra. Lãnh đạo nhà trường rất mong muốn  tiếp tục nhận được hỗ trợ, giúp đỡ về mọi mặt  của các thế hệ thầy cô và cựu học sinh để trường tiếp tục phát triển xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng mà các cấp lãnh đạo, nhân dân và phụ huynh học sinh đã dành cho nhà trường.

Một lần nữa xin kính chúc quý vị lãnh đạo, quý vị đại biểu dự họp mặt hôm  nay dồi dào sức khoẻ, thành đạt trong công tác và hạnh phúc trong cuộc sống. Chúc cho buổi họp mặt hôm nay thành công tốt đẹp.  

04/12/2014

          Trường Trung học Công lập Bến Tre qua các thời kỳ (1954 – 2014)
           Huỳnh Tấn Kim Khánh
           Hôm nay, kỷ niệm 60  năm thành lập trường (1954-2014), chúng ta xúc động vô vàn. Ngôi trường của chúng ta như một sinh thể, một linh hồn, có đời sống tròn đầy như của một kiếp người 60 năm. Hàng vạn mái đầu xanh đã học tập, trưởng thành từ mái trường yêu dấu này, đặc biệt có người trở lại giảng dạy ở đây để tiếp tục dìu dắt đàn em trên con đường học vấn.
So với ba trường trung học đầu tiên do Pháp thành lập tại Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (Collège de Mytho, Collège de Cantho, Lycée Pétrus Ký) thì Trường Trung học Công lập Bến Tre ra đời muộn, sau hơn nửa thế kỷ dài. Và cũng so với hầu hết các trường trung học trên mọi miền đất nước, kể cả ba ngôi trường nói trên, chúng ta có thể tự hào rằng Trường Trung học Công lập Bến Tre của chúng ta là ngôi trường đẹp nhất. Đẹp ở kiến trúc giản đơn mà hài hòa từng dãy lớp với cảnh vật sân trường, cổng trường uy nghi; nét đẹp độc đáo là ở cảnh quang thơ mộng với hồ Chung Thủy xanh trong, quyến rũ vào những lúc tan trường.
Trải qua 60 năm ( từ 1954 đến 2014), trường chúng ta mang nhiều tên gọi:
- Từ ngày thành lập 15-12-1954, trường có danh xưng Trung học Công lập Bến Tre, bắt đầu mở các lớp đệ nhất cấp (đệ thất đến đệ tứ) và từ năm 1959, mở thêm các lớp đệ nhị cấp (đệ tam đến đệ nhất).
- Từ 1956 đến 1972, trường đổi tên là Trung học Kiến Hòa.
- Từ 1972  đến 1974, mang tên Trung học Tổng hợp Kiến Hòa.
- Từ 1974 đến 1975, đổi thành Trung học Lạc Long Quân.
Sau ngày thống nhất đất nước, trường mang tên Phổ thông Trung học Nguyễn Đình Chiểu và hiện nay là Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre.
Năm 1965, vừa tốt nghiệp, chúng tôi may mắn được giảng dạy tại trường Trung học Kiến Hòa trong 8 năm (1965 đến 1973). Có thể nói, đây là giai đoạn phát triển đỉnh cao của trường. Chẳng hạn năm học 1971 - 1972, trường mở được 85 lớp ngày và 15 lớp bán công đêm, tổng cộng 100 lớp với gần 5.000 học sinh, chưa kể 14 nhóm học đánh máy chữ gồm 300 em và 7 nhóm học doanh thương với 280 em.
Hôm nay, hân hạnh thay mặt một số anh chị em giáo viên nhà trường trong giai đoạn trên, chúng tôi xin nêu vài cảm nhận về tinh thần giảng dạy của giáo viên, ý thức học tập của học sinh, sinh hoạt nhà trường và một số thành quả trong giai đoạn đó.
- Thứ nhất là về giáo viên: Phần nhiều anh chị em chúng tôi là những thanh niên vừa ra trường, luôn đem hết nhiệt tình và năng lực giảng dạy con em tỉnh nhà. Trên lớp và qua những sinh hoạt nhà trường, chúng tôi giáo dục đạo đức, nhân cách,  truyền đạt tri thức khoa học và rèn luyện kỹ năng các môn học phổ thông theo từng cấp lớp, với tất cả lương tâm và trách nhiệm.
- Thứ hai là về học sinh: Còn nhớ lúc bấy giờ, các em chỉ kém chúng tôi từ 5 đến 10 tuổi đời. Các em say sưa đón nhận những lời dạy bảo về “tâm” để hình thành những hạt ngọc tình thần và tình cảm đầu đời, đồng thời hấp thụ bao tri thức, về “trí” để chuẩn bị hành trang vào đời một cách tự tin, bằng năng lực của chính mình.
- Thứ ba, bên cạnh công tác giảng dạy của thầy và học tập của trò, những sinh hoạt hỗ trợ đã góp phần phát triển toàn diện cho các em. Đó là sinh hoạt hiệu đoàn, hoạt động của hội phụ huynh học sinh và thư viện nhà trường. Nổi bật nhất là hoạt động hiệu đoàn với 5 khối Học tập - Kỷ luật, Xã hội - Vệ sinh, Thể thao - Du lịch, Văn nghệ và Báo chí:
+ Chẳng hạn, khối Học tập - Kỷ luật tổ chức các buổi thuyết trình về triết học, về văn học, in ấn tập san học tập giúp các em ôn thi Tú tài.
+ Khối Xã hội - Vệ sinh tổ chức những đợt thi trang hoàng lớp, đặc biệt là mở cửa hàng Hợp tác xã để giúp học sinh mua dụng cụ học tập, sách vở giá rẻ.
+ Khối Văn nghệ, ngoài việc chuẩn bị những đợt văn nghệ Tết và bãi trường, còn hình thành các nhóm văn nghệ học sinh như nhóm du ca Phù sa, Cỏ may và nhóm Hương sống.
+ Khối Báo chí hằng năm phát hành Giai phẩm mùa Xuân, Giai phẩm mùa Hè và nội san Bừng sống vào mỗi đầu tháng.
+ Đặc biệt, khối Thể thao - Du lịch, ngoài các cuộc tranh giải thể thao, còn tổ chức các trại hè, trại công tác tại sân trường, trại du ngoạn, trại du khảo ở các tỉnh bạn, giúp các em sớm hòa nhập vào cuộc sống.
Chúng tôi vừa thoáng thấy một số cựu học sinh từng tham gia sinh hoạt Hiệu đoàn  44 năm trước, giờ các em đã ở lứa tuổi U 60. Xin nêu tên:
- Em Trương Thọ Lương, lớp 10B5, Đệ nhị Phó tổng thư ký khối thường vụ.
- Em Huỳnh Phương Nghĩa, lớp 10B1, Trưởng khối Xã hội - Vệ sinh.
- Em Lưu Huỳnh Thống, lớp 10B2, Đệ nhất Phó trưởng khối Văn nghệ.
- Em Nguyễn Văn Vị, lớp 11B5, Đệ nhất Phó trưởng khối Thể thao - Du lịch.
Qua 60 năm hoạt động, ngôi trường yêu dấu này đã đào tạo hàng vạn học sinh đạt trình độ phổ thông, phần lớn nối tiếp con đường học vấn để tỏa ra khắp mọi miền của đất nước, phục vụ xã hội đủ ngành nghề, ở nhiều lĩnh vực khoa học. Đặc biệt, có nhiều em đã trải qua thời ấu hết sức gian khổ nhưng giờ đây đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ như: Tiến sĩ Nha khoa Lương Văn Tô My, Tiến sĩ Hóa Huỳnh Kỳ Trân, Kiến trúc sư Phan Nhựt Linh và một số em nữa, không kể hết…
            Đây là thành quả giáo dục đào tạo của trường ta, ví như bề mặt muôn màu, nhiều vẻ của một dòng sông. Và suy ngẫm thêm, ta cảm nhận như có một mạch ngầm của hồn văn hóa dân tộc từ ngàn xưa vẫn âm ỉ chảy dưới lòng sông ấy. Đó là tinh thần học để thành nhân, thành con người đạo đức, thấm đẫm tình yêu tổ quốc, nhân dân, quê hương, tình yêu gia đình, thầy cô, bè bạn. Mạch ngầm của hồn văn hóa dân tộc trường cửu đó - chúng ta khẳng định - đã trở thành nét truyền thống hiện hữu ở ngôi trường của chúng ta, đúng như ý nghĩa của câu đối ở cổng trường:
“Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức,
  Hoằng khai khoa học tác tân dân.”
            “Hàm dưỡng nhân luân” - nhân luân là nền gốc để “minh tuấn đức”, làm sáng cái đức đẹp đẽ và mạnh mẽ của bản thân.
            “ Hoằng khai khoa học” - phát triển tri thức khoa học - làm sở dụng để “tác tân dân”, giúp đổi mới con người và xã hội.

            Mong rằng giá trị truyền thống đó là những bậc thang quý báu, giúp các thế hệ học sinh tiếp theo kế thừa và phát huy ngày càng tốt đẹp hơn.
Thầy Huỳnh Tấn Kim Khánh(phải).

03/12/2014


Chúng tôi đi qua thời gian…

Nguyễn Thị Phương Thảo, Cựu học sinh Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu,
            Cựu giáo viên Trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu,
            Giáo viên Trường THPT chuyên Bến Tre.

Nữ sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa ngày đó, bây giờ...


Tôi thuộc lứa học sinh đệ thất cuối cùng trước ngày 30/4/1975 của Trường Trung học Công lập Kiến Hòa. Như một cái duyên gắn bó với ngôi trường này, thế hệ chúng tôi sinh ra ở buổi giao thời, vắt mình qua biến động chung của thời cuộc, chứng kiến ngày lịch sử thống nhất đất nước trong cảm xúc của một lứa học sinh còn ở tuổi thiếu niên. Những tưởng sau giải phóng, chúng tôi trở thành học sinh Lạc Long Quân, rồi sau đó rã ra hoặc chuyển về khung trường Tân Dân trước đây, hoặc về các địa phương, thì ngôi trường nằm cạnh bờ hồ Trúc Giang chỉ còn trong hoài niệm. Nhưng, hết cấp II, chúng tôi tiếp tục là học sinh cấp III Nguyễn Đình Chiểu, được quay về chốn cũ. Khi tốt nghiệp phổ thông, chọn nghề sư phạm, tôi ra trường và được điều về công tác ở huyện Châu Thành, Bến Tre (từ1986 – 1989). Sau 3 năm, nhân duyên lại đưa tôi trở về với ngôi trường Nguyễn Đình Chiểu. Khi trường Nguyễn Đình Chiểu dời về địa điểm mới 1 năm, tôi được Sở Giáo dục – Đào tạo ký quyết định chuyển về trường chuyên từ 1995 đến nay. Lại có dịp gắn bó với chốn xưa!
Mỗi người chúng ta đi qua trong cuộc đời, ai cũng ít nhiều chứng kiến những biến động thăng trầm của lịch sử. Trong cái chung của dân tộc, có những cái riêng, rất riêng của một nơi chốn, một không gian, thời gian nào đó, để mỗi người trong từng lớp người, từng thế hệ đã qua lưu giữ lại trong tâm khảm dấu ấn của những khoảnh khắc mình đã có mặt, kỷ niệm mình đã từ đó mà ra đi, mang theo vào hành trình cuộc sống. Để rồi vài mươi năm sau, khi tóc đã phai màu, ở một vị trí nào đó trong xã hội, tột đỉnh thành công hay tận cùng thất bại, thong thả hưởng thụ cuộc sống sung túc hay phải trăn trở nỗi lo cơm áo gạo tiền, hạnh phúc viên mãn hay khổ đau bất hạnh, có lúc chúng ta giật mình nhận ra tâm trạng hồi cố vẫn thấp thoáng hiện hữu. ….
Với tuổi trẻ sôi nổi, căng tràn nhiệt huyết, hồi ức là một quyển vở cũ, mà có khi mình lật vội (đôi khi nôn nóng xé đi) để được mau sang trang vở mới.
Với lớp trung niên, lão niên, qua bao biến cố cuộc đời, đồng nghiệp cũ, bạn bè xưa người còn người mất, dù ở tận chân trời góc biển xa xôi nào, có lúc chợt thấy trân trọng làm sao, chợt muốn nâng niu làm sao từng ký ức nhỏ tưởng đã quên từ lâu, tưởng như chưa từng hiện diện !
Thậm chí, chỉ là những ký ức mà lúc ấy, mình cố tình quên vì cho rằng nó … kỳ cục, vô duyên, dại dột, không đáng nhớ…
Lứa đệ thất chúng tôi hồi đó có nhiều bạn hay được các anh chị đệ nhị, đệ nhất tin tưởng phó thác đi gửi thư tình, trong đó có cả những bức thư mượn thơ tình Xuân Diệu để gửi gắm nỗi niềm. Còn nhớ, thời ấy, đứa nào được các anh chị nhờ đưa thư là thấy mình vinh dự lắm, quan trọng lắm, làm được việc … phước đức lắm (!) , nên thường tranh nhau nhận “trọng trách” rồi chạy thục mạng làm giao liên để … tích phước . Có đứa chưa hoàn thành nhiệm vụ thì bị phát hiện, bị bắt lên phòng giám thị, mặt mày tái mét ; có đứa băng từ lầu dãy C qua lầu dãy B, hoặc dãy A, chạy qua khỏi cầu thang thì cũng kịp thuộc lòng cả bức thư của người trong cuộc; có đứa nhận nhiệm vụ xong lo mua bánh ăn, đến khi đi giao thư thì vô học nên chạy về lớp rồi đem luôn thư về nhà để bữa sau đưa, hậu quả là bị mẹ kiểm tập, phát hiện, tưởng con mình lộn xộn, đánh cho một trận nhớ đời…
Tôi cũng có mặt trong số học trò út của trường thích cái trò “làm phước” ấy, và dĩ nhiên, bị phạt hay bị đòn, đều có mặt tôi trong số đó.
Mọi thứ của ngày hôm qua lững thững đi qua như một giấc mơ dài!
Trường có từ năm 1954. Hai mươi năm sau, tôi mới chập chững bước chân vào .
Chúng tôi đi qua thời gian, qua những thay đổi của cuộc sống và số phận, giờ đây ở tuổi 50, chợt thấy thèm được ngu ngơ như những ngày xưa cũ.
Chúng tôi đi qua thời gian, giật mình nhận ra: sao nhanh quá ! 50 tuổi rồi ! Bạn bè xưa người đã là ông bà nội ngoại, người vẫn còn chiếc bóng đơn thân, người vừa chít vành khăn tang tiễn đưa bạn đời hay thấm thía nỗi đau tre già khóc măng non,…
Chúng tôi đi qua thời gian, chợt thấy thấm thía cái vô thường của cuộc đời, khi bùi ngùi thắp nén hương tiễn đưa một người thầy cũ, một người bạn xưa trở về với đất; hay đi thăm một thầy cô đang chống chọi từng ngày với bệnh tật mà vẫn quên đớn đau hành hạ, luôn ấm áp động viên học trò cũ gặp khó khăn.
Chúng tôi đi qua thời gian, hơn nửa đời người mới thấy có nhiều điều chưa kịp làm, nhiều câu chưa kịp nói. Thầy cô ơi, bạn bè ơi, những được mất của cuộc sống đọng lại thành đắng ngọt chua cay đời người, mình còn thiếu thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp những câu cảm ơn, những lời xin lỗi chân thành vì biết bao điều vụng dại, ngu ngơ của cái thuở chưa kịp lớn...
Chúng tôi đi qua thời gian, một lúc nào đó, nhìn từ bục giảng, quan sát từng khuôn mặt học sinh, tôi bất chợt nhận ra nét hao hao gợi nhớ về một khuôn mặt bạn bè xưa cũ, bất chợt thấy mình đã chớm già, thấy biết ơn cuộc đời đã cho mình những cái duyên gặp gỡ không phải là tình cờ trên đường đời tấp nập này.
Và, thưa Thầy Cô của các cấp học đã qua mà em có dịp được làm học trò của Người hay chỉ được ngắm nhìn, ngưỡng mộ từ xa! Có những khoảnh khắc, em chợt nhận ra trong lời giảng bài của mình hôm nay có chất Văn mà Người khai sáng ngày xưa đã âm thầm để lại cho em. Ngọn lửa của yêu thương, say mê mà các Thầy Cô ngày ấy dìu dắt lứa học trò chúng em (dù có gián cách bởi những cái tên Kiến Hòa, Lạc Long Quân hay  Nguyễn Đình Chiểu, với em, vẫn chỉ là một)  đi qua những tháng ngày cơ cực nhất của cuộc sống để thành tài, thành nhân. Đến giờ này, em nghiệm ra được rằng, phải thành nhân trước khi thành tài thì mới sống được với nghề, mới không bao giờ thấy nghề là bạc và mới không bao giờ làm xấu nghề. Em xin cảm ơn tất cả các Thầy cô dạy các bộ môn tự nhiên và xã hội đã tạo mọi điều kiện để dìu dắt lứa học trò Lạc Long Quân, Nguyễn Đình Chiểu chúng em những năm sau giải phóng, trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn ngày ấy, được đi trọn con đường học vấn của mình, để nhờ cái chữ mà thay đổi cuộc đời.
Trở thành giáo viên, đứng trên bục giảng của lớp học ngày xưa mình từng ngồi học, dù là ngôi trường mang tên Kiến Hòa hay Lạc Long Quân, Nguyễn Đình Chiểu hay Chuyên Bến Tre, với em, chỉ là thời gian vật đổi sao dời, là những lớp người tiếp nối nhau đi qua vốn tự nhiên như chính quy luật vận động khắc nghiệt của cuộc sống, còn ngôi trường này vẫn như thế. Cây cối có chút ít đổi thay, kiến trúc có chút ít khác lạ so với ngày trước. Nhưng đây vẫn là chốn cũ thủy chung chờ đợi, là chốn đi về của biết bao thế hệ đã từ đây mà thành nhân và thành danh, mang theo cuộc đời mình gánh ân tình với thầy cũ, trường xưa. Vẫn còn cây sộp già chứng nhân trút lá qua từng mùa ở góc dãy AB, tuy không rậm rễ đong đưa bằng cây si giữa sân trường đã bật gốc trong giông bão . Vẫn còn cây me tây xù xì lặng lẽ trước dãy C, đón đưa bao thế hệ thầy trò đến – đi, tò mò nghe con người xù xì bảo nhau: ai lấy vợ lấy chồng, ai sướng ai khổ,  ai mất ai còn, …
Sung sướng và nhẹ lòng làm sao! Khi có một ngày sau mấy độ hụp lặn, bươn chải giữa dòng đời, tạm ngừng tất cả mọi lo toan, để lại sau lưng tất cả danh phận, cảnh ngộ, nỗi niềm, những được mất, những nhớ và quên, lại được bước qua dưới cổng trường xưa (dẫu với em, hàng ngày mình vẫn bước qua như thế) như một đứa học trò ngày cũ, để được thốt thầm với chính mình: Trường ơi, tôi đã về.Thầy Cô ơi, em đã về. Bạn bè ơi, tôi đã về ! ….
Đó là cái chất Vitamin mầu nhiệm vẫn chảy trong mạch sống mà có khi bề nổi của cuộc đời khiến ta vô tình không nhận ra cái tầng ngầm, những vi mạch của nhớ thương vốn âm thầm hiện hữu , vẫn đang lặng lẽ nuôi dưỡng tâm hồn mình. Giống như ta vốn không nhớ tới hơi thở của mình, trừ khi ta bỗng dưng khó thở. Để một lúc nào đó trên dòng thời gian của mỗi người, ta chợt nôn nả tìm về. Về thôi. Về thôi !
Thời gian lặng lẽ trôi. Chúng ta, từng người cũng lặng lẽ trôi cùng thời gian theo cách riêng của mình.
Nhưng nơi đây vẫn là chốn của hội ngộ và ký ức, chốn của chứng tích và kỷ niệm.
Chốn ấy nhắc nhở mỗi người: Hãy kịp lưu giữ vào ký ức, trân trọng ký ức ấy, để không bao giờ nuối tiếc khi thời gian đưa mọi thứ vuột khỏi tầm tay.
Chốn ấy nhắc nhở mỗi lứa học trò: mình đi ra từ ngôi trường ấy, mang theo niềm mong mỏi của thầy xưa, trường cũ, dù ở bất cứ cương vị nào, ngành nghề nào trong xã hội, dù ở bất cứ hoàn cảnh sống nào, cũng sẽ sống tốt, cống hiến tốt, với ý thức thành nhân trước khi thành danh. Đó là cách thể hiện lòng tri ân đầy đủ nhất, trọn vẹn nhất với Những – Người – Gieo – Chữ, không chỉ dạy ta Tri thức, mà còn dạy ta biết Sống, biết Tri Ân,  biết Trao, biết Cho, biết Nhận, biết Bao Dung, biết Yêu Thương …
  Để khi nhắc về Thầy cũ, trường xưa, mình luôn có thể tự hào rằng: tôi đã ra đi,  đã trưởng thành từ một ngôi trường !
Ngôi trường của bao thế hệ…
Ngôi trường của mấy chặng đường….

Học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre ngày nay.



                                                                                                     (Bến Tre, tháng 11 năm 2014).

02/12/2014


“Bộ đồng phục bà ba trắng, bước lộp cộp với đôi guốc vông”
           
            Bùi Thanh Kiên
Cựu học sinh Trường Trung học Bến Tre,
Cựu giáo viên Trường Trung học Công lập Kiến Ḥòa.

Chúng tôi vô cùng hân hoan và xúc động khi được dự Ngày lễ kỷ niệm trọng đại sáu mươi năm thành lập trường. Hân hoan vì có đầy đủ đại diện học sinh sáu mươi niên khóa. Càng xúc động hơn nữa khi chính tôi là học sinh của năm học đầu tiên 1954-1955, xúng xính trong bộ đồng phục bà ba trắng, lộp cộp với đôi guốc vông.
Hồi tưởng lại năm xưa, ở đồng bằng sông Cửu Long đầu tiên chỉ có hai trường Trung học: trường Le Myre de Vilers, sau này là trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và Collège de Cần Thơ. Hằng năm, trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho chỉ mở mười lớp Đệ thất với số thí sinh trúng tuyển khoảng 500, và số học sinh dự thi là học sinh của cả bốn tỉnh Tân An, Gò Công, Mỹ Tho và Bến Tre. Nếu con em mình được  đậu, cha mẹ học sinh còn lo tiền nong để chúng sống xa nhà, trong cảnh “cơm hàng cháo chợ” hay bẩn chật trong cảnh “gạo chợ nước sông” bảy năm trời ròng rã. Khoản chi này, một gia đình nông dân nghèo không tài nào kham nổi. Thấy được nỗi khổ tâm đó, Thầy Nguyễn Văn Trinh mạnh dạn xin Bộ Giáo dục thành lập trường Trung học để đem chữ nghĩa về gần học sinh nghèo, giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình khi nuôi con đi học. Biết giấy phép thành lập trường sớm muộn gì cũng phải có, Thầy cho mở kỳ thi tuyển và kết quả học sinh trúng tuyển được niêm yết đúng ngày đưa ông Táo, tức hăm ba tháng chạp âm lịch năm 1954.
            Nghỉ Tết đến ngày mùng chín tháng giêng năm 1955, chúng tôi vào học lớp Đệ thất. Chúng tôi học hai buổi sáng chiều và năm học chấm dứt vào lúc nghỉ hè như các lớp khác. Mang phù hiệu bằng miếng nỉ đen có thêu ba chữ THB (tức là Trung học Bến Tre) là niềm tự hào của chúng tôi. Nhưng đám học sinh trường tư cứ chế nhạo chúng tôi là trâu heo bò.
            Thầy Hiệu trưởng đầu tiên là Thầy Trinh, một nhà giáo rất mực giản dị và tôn trọng kỷ luật tối đa. Học sinh giỡn hớt trong lúc cần phải nghiêm trang thì Thầy gọi ra xử phạt tại chỗ. Học tới năm Đệ lục , Đệ ngũ (tức lớp bảy, lớp tám ngày nay), em nào vì gia cảnh cần đi làm, Thầy giúp cho học khóa Sư phạm ngắn hạn để đi dạy, mưu cầu miếng cơm manh áo.
            Thầy chú trọng việc giáo dục nhắm vào hai điểm: rèn luyện nhân cách theo luân lý truyền thống và trau giồi tri thức khoa học. Cổng ra vào nhà Thầy có hai câu liễn đối:
                                    “Ra cửa dạy trò văn hóa mới,
                                    Vào nhà khuyên trẻ lễ nghi xưa”
            Gia đình và học đường là môi trường giáo dục và hình thành nhân cách con người. Sau này, cùng hướng về mục tiêu giáo dục trên, nhà trường cho khắc hai câu liễn đối của Thầy Nguyễn Đăng Phu qua nét bút tài hoa của Bác Năm Kim Anh Đồng Xuân Các:
                                    “Hàm dưỡng nhơn luân, minh tuấn đức,
                                    Hoằng khai khoa học, tác tân dân”
            (Xin tạm dịch: Chứa đựng và nuôi dưỡng đạo làm người, lám sáng tỏ đức lớn của vua Thuấn vua Nghiêu. Mở mang, phát triển khoa học, làm cho đời sống nhân dân được luôn mới mẻ).
            Đức của vua Thuấn, vua Nghiêu là Vương đạo hòa bình, lấy đức độ mình để cảm hóa người khác.
            Hai cặp liễn đối trên có cùng một mục đích là: dạy đạo lý làm người và trang bị cho học sinh tri thức khoa học. Đạo đức bản thân và tri thức khoa học và hai yếu tố, hai điều kiện cần và đủ để tạo thế cân bằng cho một con người toàn diện. Thế cân bằng đó tạo nên một mẫu người có một khối óc siêu việt chứa đựng những kiến thức mới mẻ nhất, hiện đại nhất của nền văn minh nhân loại. Ngoài ra, mẫu người này là mẫu người tuyệt hảo về phẩm chất đạo đức. Mọi thời mọi lúc, cái dạy và cái học, cái truyền thụ của thầy cô và sự tiếp thu của học sinh vẫn là thế. Thầy cô dạy cho học sinh bằng hai cách:
            -1 Dùng lời nói để trao truyền kiến thức từ trong sách vở. Đó là hình thức ngôn giáo.
            -2 Phương thức thứ hai quan trọng hơn và không phải thầy cô nào cũng làm được. Đó là tự rèn luyện mình thành người tốt cái đã, sau đó lấy gương tốt của mình để cho học trò noi theo. Đó là thân giáo.
            Tình cảm thầy trò là mối tương quan kỳ diệu. Thầy cô giáo, học sinh và ngôi trường quả có mối liên hệ đầm ấm, sâu xa. Vắng lâu thì nhớ. Mong cho mùa hè qua mau để gặp lại những hình bóng thân quen của bạn bè, thầy trò, trường lớp. Chỉ có lòng thương mến, gắn bó nhau  nhau như người thân thì mới có thể dạy và học đạt kết quả tốt.
Thầy cô trao truyền kiến thức khoa học và cả tấm gương nhân cách đời mình cho các thế hệ học sinh. Và những người bạn trẻ hôm nay chân thành đón nhận để mai đây, khi từ giã mái trường, mạnh dạn bước vào đời, với bầu nhiệt huyết sẵn có, họ sẽ tích cực xây dựng quê hương, đất nước ngày một tươi đẹp, hùng cường hơn và đời sống dân tộc họ, ngày một hạnh phúc hơn.

                                                                                                                  (Bến Tre, 23-11-2014).

Thầy Bùi Thanh Kiên.