11/12/2014

            Từ ngày chia tay bên hồ
·                                Thông Quan

Trời đã về chiều, Quân vẫn nài tôi nán lại nhậu tiếp, vì mấy khi được bạn bè lạc bước đến chơi ở miệt giồng heo hút này. Nói vậy cũng phải, tuy biết rõ cảnh nhà của nhau, nhưng lâu nay hai đứa chưa lui tới nhà chơi lần nào. Hôm nay, tiện thể trên đường đi ngang nhà Quân, tôi chợt nảy ý ghé thăm xem sao, mà cũng vì đám bạn nhậu hay kháo nhau Quân ít khi đi đâu, muốn gặp thì cứ đến nhà, tha hồ nhậu, luôn sẵn mồi rất bén. Tôi kiểm nhanh bộ nhớ về Quân là đứa bạn học chung lớp từ trung học “nhứt cấp” lên “nhị cấp”, cho đến khi đậu tú tài IBM năm 1974, tôi đi xa quê, còn Quân thì về quê nhà, bây giờ thừa kế thửa vườn hương hỏa này, vợ thì lên Đà Lạt trông nom cháu nội, giỗ tết mới về ...
Nể lời Quân, tôi lừng khừng ngồi nán lại, rồi hỏi nhỏ: “Tao nhớ quê nội của Kim ở gần đây, bây giờ còn ai ở không?”. Quân liền nhấp chung rượu đầy, nhăn mặt thở khè rồi nói gọn: “Tao tưởng mày quên! Hay là sẵn dịp, tao đưa mày đi thăm mộ cô bạn mình luôn. Đi đi ! Gần đây lắm!”. Tôi đứng bật dậy như bị chiếc lò xo vô hình nẩy lên: “Ừ! Thì đi!”. Một cơn gió gợn lên làm rơi chiếc lá sa kê chao lượn rớt xuống mâm nhậu đã tàn, khiến tôi cảm nhận như có một cơn ớn lạnh thoáng qua chạy dọc xương sống xuống tận gót chân Achilles của mình… Rồi những hạt mưa chiều tháng sáu bỗng đỗ rào rào như thể tẩy trần cho cuộc tảo mộ cô bạn học, rất tình cờ…
Đến ngồi cạnh ngôi mộ đất cỏ dại um tùm, Quân che dù cho tôi thắp nén hương không bị tắt vì gió phất phơ, mưa rơi rỉ rả. Trong khi Quân trầm ngâm hút thuốc và nhìn cảnh vườn quê chiều chạng vạng, tôi bồi hồi im lặng nhìn tấm bia ghi tạc tên Kim và mường tượng chân dung cô bạn học thùy mỵ, với khuôn mặt tròn, mắt bồ câu, má lúm đồng tiền, môi trái tim, hay mỉm cười hé lộ chiếc răng khểnh rất duyên… Mà tính tình Kim cũng rất là điềm đạm, từ tốn, nhỏ nhẹ đến độ có vẻ như hay mắc cở, rục rè, nên bạn bè cũng gán cho biệt danh “Em hiền như masoeur”… Có điều dòng họ gia đình tôi là người cố cựu, ở giáp vùng ngoại ô, ba tôi là thầy giáo nên giữ gìn lễ giáo gia phong rất gắt, khiến quan hệ chòm xóm láng giềng hay kiêng dè, giữ kẽ! Cho nên hồi gia đình Kim tản cư về ở cùng xóm cũng rất dè dặt  giao tiếp với gia đình tôi… Và thêm một lý do tế nhị nữa là Kim phải học bán công đêm, ban ngày phụ mẹ buôn bán hàng bông ở chợ tỉnh, trong khi ba Kim hay đi làm ăn xa nhà… Một cơ hội giúp tôi làm quen với Kim và gây được thiện cảm lâu bền là vào sáng sớm hôm ấy, Kim đạp xe chở hàng bông ra chợ bị té ngã, hàng bông rơi vãi tứ tung. Tôi đang trên đường đi học sớm, vội chạy đến giúp Kim thu dọn, xếp lại hàng rồi giành chở thẳng ra chợ cho mẹ Kim kịp bán sớm… Nghĩa cử của tôi khiến mẹ Kim rất cảm mến, còn Kim có lần thố lộ rằng luôn mắc cỡ, thẹn thùng mỗi khi nhớ lại và suy nghĩ… Tôi trộm nghĩ hay là Kim đã thoáng liên tưởng đến tuồng tích Lục Vân Tiên với Kiều Nguyệt Nga chăng?
Quân chợt cắt ngang dòng suy tưởng của tôi, chỉ con số hưởng dương của Kim dừng lại năm 1977, tính đến nay chỉ bằng một phần ba tuổi đời của tôi, Quân và các bạn học cùng lớp tú tài IBM năm 1974… Rồi Quân kể gọn ngày an táng Kim ở  đây, cũng vào lúc chạng vạng như hôm nay, bà con chòm xóm đến rất đông vì ai cũng quí mến nết na, đức hạnh của cô tú Kim, còn bà con thân thuộc vì đường xá xa xôi cách trở dạo đó không về được nhiều… Rồi từ ngày đó, vì tình nghĩa bạn bè và cũng vì chỗ tình hàng xóm láng giềng, Quân vẫn hay lui tới thăm nhà nội của Kim vốn rất đơn chiếc, ít con cháu, và năm nào Quân cũng giúp dọn dẹp cây cỏ hoang dại quanh khu mộ Kim vào dịp tảo mộ cuối năm hay vào tiết thanh minh …
Tôi ngắt lời Quân, tranh thủ giãi bày tiếp tâm sự thầm kín rằng… Hết năm lớp 11, Kim đạt học lực giỏi, hạnh kiểm tốt nên được chuyển từ lớp bán công đêm vào học chung với tôi lớp ban ngày 12 A. Mặc cảm cách biệt lớp ngày và đêm của Kim và tôi từ đó được khỏa lấp, vì hàng ngày hai đứa cùng chung đường đi đến trường. Đám bạn học tinh nghịch từ dạo đó hay trêu chọc tôi bằng câu hát “Em tan trường về… Anh theo Ngọ về…” khiến Kim phải trách cứ tôi đừng để phải bị mang biệt danh tên Ngọ! Tôi nghĩ cũng phải, đành đi học muộn về muộn với đám bạn “xóm nhà lá”, để ra vẻ vô tình vô cảm với Kim, dù sự thật trong tôi đã trổi dậy mộng tình đầu ! 
Một hôm tôi tần ngần nơi tiệm sách, thấy bày bán bản nhạc đang thịnh hành “Em hiền như masoeur”, bèn nảy ý mua tặng Kim, vì dạo đó tôi cũng thường thấy cô bạn mình hay đi lễ nhà thờ, trong khi tôi biết rõ gia đình Kim chỉ thờ ông bà trên bàn gia tiên, bày xếp rất trang trọng! Qua buổi học hôm sau, tôi giả bộ hỏi Kim cho mượn tập vạn vật vì chép bài bị thiếu… Không ngờ khi tan học, Kim kín đáo trao vội cho tôi quyển tập, bao bìa bằng bản nhạc của tôi tặng, thoang thoảng mùi hoàng lan ! Tôi bối rối chưa kịp nói gì thì Kim đã bước nhanh theo cô bạn thân hay đi chung đường về. Tôi vội nói với theo, hứa sớm mai vào lớp sẽ trả lại tập, ẩn ý như một lời hẹn hò !
Quả nhiên, hôm sau tôi và Kim cùng vào lớp sớm nhất. Tôi lúng túng đến ngồi bên cạnh Kim, trao quyển tập mà mắt nhìn đâu đâu trên suối tóc đen dài mượt mà, rất quyến rủ, khiến tôi bất chợt đưa tay khẻ chạm vào… Kim vội khoát mái tóc, đứng bật dậy, đôi má ửng đỏ hồng, và mắt ươn ướt nhìn tôi đầy trách cứ… Đúng lúc đó, một cô bạn tóc ngắn, dậm mạnh tiếng guốc, bước vào mỉm cười rất lém lỉnh và nhí nhảnh, cố tình nói chữa thẹn cho cả hai cái tôi khác giới tính vừa chạm vào nhau: “Hai người hôm nay trực lớp hả ? Lau bảng, quét lớp chưa vậy ta?”. Tôi lật đật bước lên lau bảng mà lòng không muốn bôi xóa chút nào vì đã có một vệt phấn trắng vừa lướt qua hồn trí tôi...
Kể từ buổi học đó, mùa thi tú tài cũng cận kề, bạn bè đều lao vào việc học, và tôi cũng vậy, tạm gác những suy tính cơ hội tiếp cận Kim như đã từng, nhưng hàng đêm vẫn thao thức viết những bức thư tình tứ, lãng mạn để sáng hôm sau chuyển thư cho Kim qua những quyển tập khống, bao bìa bằng nhạc Trịnh, Phạm Duy như là ám hiệu mà không hề bị thầy cô, bạn bè nghi ngờ hay phát hiện! Hơn chục năm gần đây, tôi làm cộng tác viên cho nhiều tờ báo, nhận được vài giải thưởng báo chí, mà không ai ngờ rằng nhờ những đêm trường thao thức viết tình thư đã giúp tôi âm thầm trao chuốt được kỷ năng văn chương ướt át, mượt mà, giàu vần điệu xúc cảm và tu từ thâm thúy… Chính thầy dạy văn chương và triết học của tôi năm lớp 12 đã thắc mắc so sánh không hiểu tại sao một anh tú tài IBM ban A, hạng thứ như tôi lại trở thành nhà văn, nhà báo; còn mấy cô cậu tú tài ban C năm ấy, sau này lại trở thành nhà buôn, chủ hụi, và đại gia ? Tôi bật cười nói tếu với thầy cho vui : “Tại con tạo nó chạy vòng vòng thầy ơi!”   
Quân búng mẩu tàn thuốc lên cao, vạch một đường cầu vồng rơi xuống như một ánh ma trơi, rồi nhìn tôi cười hỏi tới: “Sau đó thì sao, kể tiếp đi để cô bạn mình không phải trách thầm nữa!”. Tôi kể tiếp như chiếu chậm lại đoạn phim buồn của hai nhân vật chính!
Sau cả buổi chiều ngồi ở nhà nghe radio xướng danh thí sinh đậu tú tài IBM, lòng đầy thắc thỏm, tôi chỉ mong có tên Kim, và ngộ lỡ không có tên tôi thì thôi cũng đành! Bởi sau kỳ thi, tôi đến nhà hỏi thăm, thấy Kim rất vui và tự tin, trong khi tôi rất lo âu vì có rất nhiều câu trắc nghiệm tôi chỉ đánh cầu may! Khi ra về tôi thầm hẹn Kim đi quán cà phê và nhận được một nụ cười hiền như masoeur! Rồi đến khi nghe đọc đúng tên hội đồng thi, bắt đầu từ vần A… và thực sự có tên Kim! Tôi đứng bật dậy như để trút đi nỗi băn khoăn câu thúc, vì trộm nghĩ biết đâu tôi cũng là một phần lý do khiến  Kim bị rớt thì sao! Rồi tôi lại ngồi xuống, hồi hộp nghe ngóng, chờ đến tên mình, thầm cầu mong không phải nhận lấy nỗi buồn “sĩ tử”, không phải chỉ vì sĩ diện mà còn vì biết nói sao với kỳ vọng của gia đình và niềm cầu mong chân thành của bạn bè và của cả Kim, bởi Kim nào muốn mình cũng là nguyên nhân khiến tôi thi rớt tú tài! Cuối cùng tên tôi cũng được đọc lên với số điểm “hạng thứ” thấp nhất nhưng coi như tôi đã bắt được cơ may “cá vượt vũ môn”, dù chỉ vừa đủ điểm làm cậu tú ! Tôi lấy vội xe đạp, chạy thẳng đến quán cà phê nơi góc bờ hồ Chung thủy như đã hẹn với Kim, mà lòng vui rạo rực, vì đã tránh được vận rủi bởi mấy câu hát bỡn cợt vào dạo mùa thi năm đó: “Ta hỏng tú tài!... Ta vuột tình yêu!...”. Tôi cao hứng nhại lời hát, trổi giọng ngang phè : “Ta đậu tú tài ! … Ta được tình yêu!...”
 Khi đạp xe đến nơi, góc hồ Chung thủy quen thuộc đang chìm dần trong bóng chiều tà, những tia nắng vàng muộn vẫn còn cố xuyên qua tàng lá me tây xanh rì, hắt những hạt sao lăn tăn, lấp lánh trên mặt hồ nước xanh rêu, như vẫy chào niềm vui đang rạo rực trong tôi… Nhưng không ngờ, đã có rất đông đủ bạn bè trong chiều hôm nay đã thành cô cậu tú, đang tưng tửng, túm tụm chia vui, cười đùa sảng khoái thật rôm rả! Song, tôi không thấy Kim đâu, bèn đùa cợt qua qua, chia vui với đám bạn “xóm nhà lá” đều đã thành “tú ông”, rồi đánh lãng đạp xe đi, vì một hoài nghi nhỏ giục tôi tìm đến nhà thờ… Quả nhiên, tôi tìm thấy cô bạn “hiền như masoeur” đang đứng đọc kinh Tạ ơn trước tượng đài Đức mẹ Maria, bên cạnh hang đá Chúa Hài Đồng…  
Tôi lặng lẽ ngồi chờ nơi băng đá, ngắm nhìn từ xa dáng dấp dịu dàng, bình dị của Kim, thường gặp với nếp áo sơ mi rộng, tay dài và quần dài sẫm màu, rất hợp với phong thái từ tốn, thanh thản, đoan trang của Kim. Đọc kinh xong, Kim đếm bước nhẹ nhàng đến chỗ tôi ngồi rồi ngập ngừng nói : “Kim cảm ơn những bức thư ấy nhiều lắm! Nhưng thú thật chưa bao giờ Kim dám mở ra đọc! Nếu có ngày phải gửi trả lại thì hãy xem như Kim đã đọc thuộc lòng rồi!”. Tôi thảng thốt đứng dậy định choàng vai Kim để gạn hỏi “vì sao và vì sao ?”. Nhưng Kim nhẹ nhàng đưa hai tay bắt chéo vai tỏ ý ngăn tôi dừng lại, rồi nhìn tôi với ánh mắt bồ câu ươn ướt, khẽ nói: “Rồi sẽ hiểu cho Kim thôi !”. Giọng Kim nhẹ nhàng nhưng rất nghẹn ngào, khiến tôi càng hoang mang, ấm ức và chỉ muốn được nghe Kim nói ngay có  điều gì đó đang khuất tất, thầm kín trong Kim. Nhưng Kim lại khẽ hỏi tôi một câu rất thường tình, cố ý đưa tôi về thực tại rằng với mảnh bằng tú tài trong tay tôi sẽ chọn hướng tương lai nào đây? Tôi đang lúng túng suy nghĩ tìm câu đáp thì Kim đột ngột nói ngắn gọn: “Thôi! Đừng trả lời vội! Kim cũng đang tìm lời đáp đó thôi!” Rồi Kim mỉm cười hiền lành, thánh thiện như masoeur,  vẫy tay chào hẹn gặp lại rồi bước nhanh đi về nhà, cách nhà thờ không xa lắm… Tôi ngơ ngác nhìn theo dáng Kim đi qua cổng nhà thờ, đổ bóng dài ngược lại, bởi ánh đèn đường vàng vọt ở tỉnh lẻ đã thắp sáng cho đêm nay khá lâu rồi…
Quân xếp dù đứng lên, cơn mưa cũng vừa dứt hạt, trời đã tối hẳn, ánh trăng non đang nhô lên nhưng không đủ sáng cho một vùng trời quê hiu quạnh và bãi tha ma này… Rồi Quân bật lời nói thay cho tôi : “Cô bạn mình yên nghỉ nghen! Bọn tôi về đây! Có dịp khác bạn bè sẽ đến viếng!” Tôi nghe tiếng gió lay cành tre và tiếng tàu dừa khua như tiếng nhạc buồn thê lương… và mường tượng như có ai hát văng vẳng bài “Em hiền như masoeur”…
Bước theo ánh đèn pin soi đường của Quân, tôi hỏi: “ Mày có biết rõ mấy năm cuối đời của Kim không? Tao muốn biết và bạn bè cũng rất muốn biết!”. Quân nói giọng trầm buồn, vắn tắt: “Kim muốn được vào dòng tu, làm masoeur thật sự. Nhưng gia đình cho đó là cách Kim muốn lẫn tránh cuộc đính ước hôn nhân với người anh họ của tao, lúc đó là một kỹ sư trong ngành công binh. Rồi lễ đính hôn cũng diễn ra lúc mày đang ở quân trường, chắc mày cũng biết, dù quá muộn phải không ? Kim nhờ tao đi bưu điện gửi trả những bức thư của mày, và dặn nếu sau này mày có hỏi thì nói rằng Kim đã đọc và đã khóc hàng đêm vì không giữ được lời nguyền thánh thiện, trinh bạch trước Thiên Chúa! Rồi lần mày về phép ghé thăm Kim nằm bệnh viện, sau khi mày ra về thì tao cũng vào thăm. Kim mời tao ăn giúp gói khoai lang chiên để trên đầu giường, nói là vừa nhờ mày mua ngoài cổng bệnh viện, với ẩn ý đó là món Kim hay mang vào cho cả lớp ăn vụng, mà đó cũng là một cách đùa vui cuối cùng của Kim với bạn bè thôi. Tao về lại nhà được một tuần thì gia đình đưa Kim về đây an táng!".
Về đến nhà, trời lại đổ mưa, Quân nói dứt khoát phải nhậu tiếp để ngủ trong cơn say cho qua đêm nay. Rồi cả hai đứa thi nhau cụng ly nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, để cố tránh nhắc lại câu chuyện đời buồn của Kim và của tôi.
Bất chợt tôi muốn nói thêm một giãi bày cho Quân biết, rằng khi ở quân trường có nhận được những lá thư gửi đến, tưởng là thư của Kim nào ngờ mở ra toàn những bức đã viết cho Kim, nhưng thấy có rất nhiều chữ nhiều dòng bị nhòe đi… Tôi quá thất vọng về Kim, bèn dùng mũi lê đào chôn những lá thư đó dưới cội thông già trong khuôn viên quân trường… Ít hôm sau, em gái tôi gửi thư báo tin nhà Kim làm đám hỏi, có mời một bà dì của tôi đến dự, gián tiếp chấm dứt mối tình của tôi và của Kim… Một cơ hội bắc nhịp cầu thông gia giữa gia đình tôi và Kim từ đó vĩnh viễn trôi xa không bao giờ trở lại!
Bây giờ, nghiệm lời Quân kể, tôi đoan chắc những vết mực nhòe trên những bức thư tình của tôi gửi Kim chính là những giọt nước mắt hồi âm cho một mối tình đầu trắc trở, kể từ ngày chia tay Kim trong sân nhà thờ, không phải bên bờ hồ Chung thủy trước cổng trường… 


                                                                                                          9. 12.2014

Bông Bạch mai tại đình Phú Tự.

No comments:

Post a Comment