25/07/2014

Cô giáo cũ

Nguyễn An Cư

Đã hơn mười phút trôi qua, Liên vẫn chưa dám gõ cửa nhà cô giáo cũ! Thật ra không phải chỉ mười phút mà đã mười năm rồi. Cái ý định nầy thôi thúc Liên từ thời học lớp sáu; đến nay thì Liên đã tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, sắp sửa nối nghiệp cô Trâm, cô chủ nhiệm của Liên thời đó.
Mười năm rồi - khi cô Trâm còn ở chung thị xã với Liên- cứ mỗi lần thập thò đến nhà cô Trâm, Liên lại quày quã trở về, viện lý do nầy lý do khác để tự khất dần!
Cuối cùng Liên cũng thu hết can đảm gõ nhè nhẹ cửa nhà cô giáo cũ. Liên nghĩ, nếu lần nầy không gặp cô Trâm để nói hết sự thật thì sắp tới không làm sao Liên an lòng đứng trên bục giảng.
Nghe tiếng gõ cửa, cô Trâm vội vã ra mở. Cô ngỡ ngàng khựng lại khi thấy Liên rồi vụt hỏi tới tấp:
- Ý! Liên hả? Trời ơi! Lâu quá mới gặp! Vào nhà đi em. Sắp đi dạy rồi phải hôn?
Liên thở phào nhẹ nhõm. Thế là trình tự và nội dung trong “giáo án” cho cuộc hội ngộ với cô Trâm mà Liên đã “soạn” trong mười năm qua đảo lộn hoàn toàn!
Liên nghĩ là khi gặp cô Trâm, chắc chắn cô không nhớ Liên đâu. Làm sao nhớ được hàng ngàn học sinh qua mười mấy năm giảng dạy? Chắc chắn là cô Trâm sẽ hỏi em tên gì, ở đâu, học với cô năm nào? Rồi cô sẽ khẽ nhíu mày cố moi ra trong trí nhớ. Khi ấy, Liên sẽ nhắc rằng năm ấy có một học sinh làm lớp trưởng lớp sáu do cô chủ nhiệm, tính tình rất trầm lặng, tóc thường buộc thành hai bím bằng hai sợi vải tím, ngồi ở đầu bàn chót dãy bên trái. Có thể là cô cũng chưa nhớ ra Liên. Cô sẽ tiếp tục nhíu mày hoặc may lắm là khẽ gật đầu, ờ ờ lên mấy tiếng…


Liên đâu có ngờ, không những cô Trâm nhớ tên mà lại còn nhớ rõ từng đặc điểm của Liên ngày xưa và hoàn cảnh bây giờ! Liên rơi vào tình huống trái ngược trong “giáo án” đã chuẩn bị trước nên đành im lặng ngồi nghe!
Cô Trâm líu lo kể:
- Hồi đó em chỉ mặc có một cái áo dài trắng phải hôn? Em mang cái cặp da sứt mất một khóa phải hôn? Ờ cái nốt ruồi nhỏ dưới càm, em phá hồi nào?...
Vừa hỏi, cô Trâm vừa nâng mặt Liên ngắm nghía như Liên chỉ là một cô học trò nhỏ!
Rồi giọng cô Trâm chùng xuống:
- Hồi đó, nghe tin em đậu vào Trường Đại học Y khoa Thành phố Hồ Chí Minh cô mừng lắm. Đến chừng nghe em không có tiền học đành phải về Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh nhà, cô buồn vô hạn! Thật lòng mà nói, hồi đó cô định gởi tiền bảo trợ cho em học đại học, bởi cô biết em có chí và học giỏi. Bất ngờ ba cô bệnh nặng rồi qua đời, gia đình túng quẩn, lương giáo viên ít ỏi, cô đành bỏ ý định của mình!...
Liên nghe cô Trâm kể mà đôi mắt đỏ hoe tự lúc nào!
Cô Trâm hỏi Liên từ chuyện gia đình đến chuyện học hành vừa qua và sự chuẩn bị cho công tác sắp tới. Giống hệt cái năm lớp sáu, lần đầu tiên Liên đến nhà thăm cô Trâm một mình. Liên cũng chỉ ngồi rụt rè khép nép trả lời từng câu hỏi của cô giáo và nhỏ nhẻ nhai từng viên kẹo cô lần lượt đưa cho!
Thấy Liên mấy lần xò xè mở cặp ra như định lấy một vật gì rồi lại ngập ngừng đóng cặp lại và ấp úng mãi, cô Trâm nhìn thật sâu vào mắt Liên hỏi:
- Em định tặng cô món gì hay định nhờ cô chuyện gì vậy Liên? Hay là soạn giáo án gặp khó khăn phải hôn?
Đúng là “giáo án” của Liên đang có vấn đề! Liên đang đứng trước tình huống đã chuẩn bị rất kỹ trong giáo án nhưng vẫn không trình bày được!
Liên nhìn cô giáo thật lâu. Hơn bốn mươi tuổi mà cô vẫn nhanh nhẹn hoạt bát như ngày Liên học cô năm lớp sáu. Cô nói cười giòn giã, lôi đủ thứ bánh kẹo, trái cây trong tủ lạnh ra ép Liên ăn như Liên còn là đứa học trò nhỏ rụt rè. Có điều da mặt của cô đã có nhiều nếp nhăn.
Liên trệu trạo nhai mấy viên kẹo cô Trâm đưa mà miệng đắng nghét, mặt đăm đăm, bụng rối bời. Liên hết nhìn cô giáo lại im lặng cúi mặt xuống bàn không biết bắt đầu câu chuyện muốn kể ra sao! Đến chừng nghe cô Trâm nhắc lại “Em định nhờ cô chuyện gì phải hôn” Liên mới ấp úng thưa:
- Thưa cô, không! Em không định nhờ cô chuyện gì cả. Em muốn… thú thật với cô… chuyện xấu hổ ngày xưa.
Cô Trâm đứng dậy vỗ vai Liên cười giòn:
- Ồ! Chuyện gì mà quan trọng vậy Liên? Thôi. Đừng kể gì cả. Cô còn biết trước sau gì cũng có ngày hôm nay, phải không Liên? Người trung thực không thể nào chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm.
Liên giật thót người! Vậy là cô Trâm đã biết? Thảo nào…
*
                                         *             *
Năm ấy Liên học lớp sáu Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu. Nhà Liên đông anh em và nghèo lắm. Nghèo đến nỗi ba má Liên không sắm cho Liên được cây viết máy đàng hoàng như các bạn! Thời đó, một cây viết máy hiệu Pilot như các bạn Liên xài trị giá gần năm bảy ngày công bốc vác của ba Liên. Lòng ham muốn đã thôi thúc Liên thành kẻ tham lam! Xấu xa nhất lại là tham lam của cô giáo mình!
Tiết giảng văn hôm ấy cô Trâm mải mê giảng đã lấn sang giờ chơi mấy phút. Cô vội vã xếp sách vở rời khỏi lớp, bỏ quên lại cây viết thật đẹp. Liên là lớp trưởng lên thu dọn bàn giáo viên và nhặt được. Về phòng giáo viên, cô Trâm mới phát hiện mình bỏ quên cây viết ở lớp sáu vừa dạy. Vào học, cô trở vào lớp hỏi thăm. Không có em nào nhặt được…
Cô Trâm buồn lắm. Cây viết đối với cô không đáng giá gì. Chỉ buồn vì biết chắc học trò mình nhặt được nhưng chúng không cho lại. Lý do nữa, cây viết nầy của Quân –người yêu cô- đã mua và tự khắc tên hai người để tặng lúc cô ra trường. Tính Quân, Trâm biết quá rõ, yêu thì cuồng nhiệt đến độ mù quáng! Ai đời gần tới ngày thi tốt nghiệp mà lại cặm cụi hai ba ngày để khắc viết tặng người yêu? Ngược lại tự ái của Quân cũng cao bằng núi! Lại khắt khe và độc đoán nữa. Trâm mà sơ ý không quan tâm đến Quân một chút là chàng giận hờn! Để mất quà kỷ niệm là xem thường tình yêu của Quân; lôi thôi lắm chớ không đơn giản!
Trong lúc cả lớp nhao nhao lên tiếng “Xét cô! Xét cô” thì Liên đang chết điếng trong lòng. Mặt Liên tái dần, đến nỗi nếu cắt chắc không còn một giọt máu. Trâm đảo mắt nhìn đám học trò, chợt chú ý đến sắc mặt bất bình thường của Liên –cô trưởng lớp mà Trâm tin cậy- Thôi, đúng là Liên rồi! Liên làm trưởng lớp mới dọn dẹp bàn giáo viên…
Trâm tưởng tượng đến sự giận dỗi của Quân sắp tới, toan bước xuống hỏi Liên cho ra lẽ. Nhìn nét mặt xanh như tàu lá của Liên, cô đã ngăn được bước chân mình. Mặc. Nếu Quân có giận dỗi thì đành chịu! Mình không thể tàn nhẫn hạ thủ đánh gục đứa học trò nhỏ dại đang thoi thóp chờ chết này. Trâm nghĩ thầm như vậy.
Tiếng học sinh vẫn nhao nhao “Xét cô! Xét cô!”. Cô Trâm gượng cười bảo: “Không cần đâu các em. Chắc là cô đánh rơi dọc đường”. Trâm bước thẳng về phòng giáo viên, gục đầu xuống bàn buồn da diết.

*
*                       *
Không khí nặng nề chậm chạp trôi qua. Cô Trâm cố khuấy động và giục Liên:
- Nào nảy giờ ngồi im ru, ăn hoài hết kẹo bánh của cô còn gì! Bây giờ em kể cho cô nghe chuyện vui buồn mấy năm qua đi chứ? Có người yêu chưa nè?
Liên nhỏ nhẹ:
- Dạ thưa cô, những chuyện đó hôm nào em sẽ kể. Thưa cô,… có phải hôm đó cô đã biết… em là… thủ phạm lấy viết của cô?
Cô Trâm khẽ cười:
- Biết chứ! Người ta bảo “Có tịt thì nhúc nhít” mà. Chỉ có em mới thay đổi sắc diện, các em khác vẫn hồn nhiên.
Liên cúi đầu nói như sắp khóc:
- Cám ơn cô! Nếu hôm đó cô xét cặp, chắc em chết mất vì xấu hổ! Em cũng nghĩ rằng cô đã nghi em. Nghi thôi, chứ không ngờ cô đã biết! Em còn nhớ sáng hôm sau cô gọi em trả bài, chắc là để dò la em. Em run quá, đọc vấp váp mãi. Em ngạc nhiên sao cô không cho em điểm kém mà cho khất lại hôm khác trả? Sao cô không… trả thù em?
Cô Trâm cười ha hả:
- Trời ơi! Bây giờ sắp làm cô giáo rồi mà còn hỏi ngớ ngẩn vậy sao Liên? Ai mà không có một lần lầm lỡ, nhất là trẻ thơ. Miễn sao lầm lỡ mà biết hối cải thì ai cũng tha thứ. Cô đã thấy em rất hối hận khi sự việc đó xảy ra. Có thầy cô giáo nào nhẫn tâm trù dập, trả thù học trò mình đâu? Cô nghĩ ai có tâm địa ác độc như thế thì đừng nên đứng trong hàng ngũ nhà giáo.
Liên an lòng và dạn dĩ hơn:
- Thưa cô, cho em tò mò một chút. Em thấy trên cây viết có khắc hai chữ “Quân – Trâm”. Vậy chú Quân nào đó có trách cô không?
Cô Trâm yên lặng, mím chặt môi, hai dòng nước mắt khẽ rơi trên má. Liên nhìn quanh quất trong phòng mới thấy dường như cô giáo mình còn độc thân. Liên nghĩ mình thật tệ. Dù là cô Trâm đã chuyển về quê nhưng quê nhà cô và thị xã nơi Liên ở có xa gì đâu mà mấy năm nay Liên không biết gì về cô giáo cũ! Thật lâu cô Trâm mới nghẹn ngào mấp máy được mấy tiếng:
- Em đừng nhắc! Cũng từ việc mất cây viết mà sinh chuyện ly tán đau lòng. Thôi. Người khắt khe như thế cũng không tiếc làm gì!
Liên lảo đảo đứng dậy ôm chầm cô giáo nức nở:
- Cô ơi. Ngày ấy em dại quá, làm liên lụy đến cô! Mong cô tha lỗi…
Liên vội mở chiếc cặp, lấy ra cây viết đã được cất giữ kỹ gần mười năm qua đưa trả lại cô giáo:
- Em xin gởi lại cô kỷ vật đã xui em tội lỗi. Mười năm rồi em có sử dụng nó lần nào đâu. Mỗi lần lấy ra xem là một lần xót xa hối hận!
Trâm ngắm nhìn kỷ vật cũ buồn buồn. Khung trời yêu đương của cô và Quân như hiển hiện ra trước mắt. Nào giảng đường hai đứa chụm đầu ghi ghi chép chép. Nào thư viện ngày ngày hai đứa cùng thủ thỉ hằng mấy giờ liền. Nào công viên tay trong tay xôn xao chiều thứ bảy, cùng dệt biết bao là mộng đẹp. Kỷ vật còn đây mà người xưa nay đâu!
Bất chợt Trâm đưa cây viết lại cho Liên, giọng chùng xuống hẳn:
- Em cất đi! Giữ nó cô thêm buồn…
Liên chăm chăm nhìn cô giáo, đắn đo đáp:

- Nếu cô thấy không cần thì cho em xin. Đây là kỷ vật sâu sắc nhất để em nhớ mãi tấm lòng nhân hậu của cô và cũng là bài học để em cư xử với học trò. Xin cám ơn cô. Thưa cô, bây giờ chú Quân ở đâu? Ngày mai em sẽ tìm chú Quân để nói cho chú ấy rõ việc nầy…

19/07/2014

Trường Thịnh ngày ấy, bây giờ
Phan Lữ Hoàng Hà

Bạn Lý Ngẩu(học cùng cấp với tôi tại Trường THCL Kiến Hòa) đi với tôi qua cầu Chợ Trường Thịnh khá khang trang, bạn nói: “Trước năm 1963, dù lúc đó “tao” còn nhỏ nhưng vẫn nhớ đây là cây cầu khỉ. Khi ông già đưa “tao” qua xã Sơn Hòa(Cái Nứa) đi học, tao phải qua cây cầu đau khổ này rồi mới đón đò ngang sang bển…”

Bên kia sông Cái Cấm là chợ Trường Thịnh


            Xứ sở của đò giang
Chợ Trường Thịnh thuộc xã Thạnh Ngãi(huyện Mỏ Cày Bắc) cách trung tâm thành phố Bến Tre không xa, chừng 5 km đường chim bay. Tuy nhiên, nơi đây là địa bàn heo hút, trắc trở vì muốn đến đây phải vượt qua sông lớn Hàm Luông rồi sông Cái Cấm, Trường Thịnh ở tuốt mỏm trên của cù lao Thanh Tân.
            Trước năm 1975 và cho đến năm 1985, người dân tại Thạnh Ngãi nói chung muốn đến thị xã Bến Tre và ngược lại, phương tiện di chuyển thuận lợi nhất vẫn là đò dù cho đò chạy rề rà, lâu lắc. Tại đây có hai chiếc đò khách(tất nhiên chở thêm hàng hóa) thay nhau chạy là đò Việt Nam và Phước Thành. Hàng đêm, lúc 3 giờ khuya, đò chạy, hành khách đứng ngồi dọc bên sông Hàm Luông, huơ đuốc lá dừa cháy bập bùng gọi đò. Đò tắp vào rước khách, máy đò nổ rong róc, khói máy đò bốc mùi khét lẹt rồi đâm ngang đâm dọc mãi đến lúc khoảng 7 giờ sáng đò mới đến Bến Lở(thị xã Bến Tre). Ở Bến Lở, đò chờ người đi mua bán bổ hàng hóa và khách, lúc khoảng 10 giờ thì đò khởi hành trở về chợ Trường Thịnh. Lại đâm ngang đâm dọc trả khách, có ngày gần 3 giờ chiều đò mới đến Trường Thịnh.
            Còn trên đất liền Thạnh Ngãi, hàng chục con rạch lớn nhỏ cắt chẻ trên địa bàn, người dân muốn đi từ ấp này sang ấp khác, từ Thạnh Ngãi đến các xã lân cận, tất cả đều phải vượt cầu khỉ và đò ngang rồi đò dọc. Lưu danh đến ngày nay trong số đưa đò ngang là ông Hai Tám(thứ Hai, tên Tám), bến tập kết đi đò dọc(từ đồng ruộng ra) là bến bà Mười Chim. Từ Trường Thịnh đi đò ngang qua xã Sơn Hòa(Cái Nứa), Tiên Thủy và ngược lại rất tiện.
            Trước năm 1985, muốn đến chợ Trường Thịnh bằng đường bộ rất khó khăn, vất vả. Ví như hồi còn phà Hàm Luông, vừa qua phà gặp ngay ngôi nhà thờ, rẽ phải, theo con đường vườn và đi thêm khoảng 9 km nữa mới tới sông Cái Cấm. Trường Thịnh ở ngay sát bên kia sông Cái Cấm, muốn qua đây phải lụy đò ngang. Hồi này, người ta đi bộ hoặc đi xe đạp trên con đường vườn khá xa này(từ ấp Thanh Sơn 1 đến ấp Tân Thông 5, xã Thanh Tân) để đến Trường Thịnh. Song chỉ vào mùa khô thôi, vào mùa mưa, bánh xe đạp…quấn sình, chịu chết. Na ná như vậy, ở tuyến trên, từ Ba Vát đến đây cũng men theo đường vườn chông chênh dài xa hơn 7 km.
            Trường Thịnh đổi thay
            Ông Nguyễn Văn Trường, 65 tuổi, ngụ ấp Chợ Mới(xã Thạnh Ngãi) tỏ ra rành rọt về lai lịch chợ Trường Thịnh. Ông Trường cho biết hồi năm 1930, ông hội đồng Dương Công Nông lập ra ngôi chợ ở gần chợ Trường Thịnh bây giờ(còn gọi chợ cũ), sau đó ông hội đồng Nguyễn Minh Luân ra sức lập ra ngôi chợ mới gần sát sông Cái Cấm, khai thị năm 1937; ngôi chợ này lần lượt thu hút nhiều người đến mua bán, phát triển mạnh nên ngôi chợ cũ thưa thớt dần rồi…xập tiệm luôn. Đến năm 1971, trên nền ngôi chợ mới gần sông Cái Cấm, chế độ cũ cất lên ngôi nhà lồng bằng cây cho dân họp chợ, nhưng chợ ẩm thấp lắm, vào những đợt nước rong, nước sông dâng lên, nền ngập lấp xấp…Thời bao cấp(trước năm 1980), vẫn ngôi nhà lồng khiêm tốn đó và hai bên là hai dãy nhà thấp với Hợp tác xã, cửa hàng quốc doanh, người bán kẻ mua, hàng hóa lèo tèo. Ông Trường dẫn tôi ra xem ngôi chợ mới Trường Thịnh gồm 2 nhà lồng tương đối cao ráo, khang trang, sạch sẽ, ông tiếp lời:”Chợ này vừa “khai thị” vào cuối năm 2013…”.


Cầu Chợ Trường Thịnh.

Nhìn hướng Cầu Chợ Trường Thịnh, ông Trường nói giọng vui vui:”Con đường xi măng, bê tông đó rộng 1,8 mét, dài 7-8 km, xe du lịch bảy chỗ ngồi có thể chạy từ chợ Ba Vát vô đến chợ Trường Thịnh khỏe re”.
Nắng đã lên nhiều, anh Ba Muộn, người nắm tay lái chiếc trẹc tại bến chợ Trường Thịnh, khoát lên mặt miếng nước sông Cái Cấm, dụi mắt rồi ngước nhìn ra sông Hàm Luông, nhớ lại:”Duyên phận đò ngang ở đây đã chấm dứt khoảng 20 năm rồi. Đò ngang hồi đó có gan lắm cũng đưa qua sông chừng một, hai chiếc xe đạp. Còn bây giờ với chiếc trẹt này cùng lúc có thể chở 10 chiếc Honda, qua lại liên tục”.
Sau năm 1985, từ xã Thanh Tân đến chợ Trường Thịnh rồi qua UBND xã Thạnh Ngãi, dòng xe cộ đi theo con lộ Thanh Tân rộng 4 mét, dài 9 km, thật thông thoáng. Những con đường vườn ngoằn ngoèo, lầy lội ngày xưa đã thật sự đi vào dĩ vãng. Ở ngôi chợ Trường Thịnh hôm nay, đối diện với hai nhà lồng chợ là hai dãy phố khá khang trang, các hộ ở đó tận dụng mặt bằng của nhà mình bày bán hàng hóa, sinh hoạt êm đềm.Tuy nhiên, nhìn ngôi chợ mới Trường Thịnh và đường nông thôn dẫn vào đây, tôi nhận ra là không gian ở đây thiếu ánh đèn khi về đêm. Một công dân tại ấp Chợ Mới nói với tôi:”Về đêm, trên những con đường nông thôn tối thui như vậy đã xảy ra chuyện giựt giọt, xin đểu người qua đường”. Vấn đề này, thiết nghĩ, Nhà nước và nhân dân cùng ngồi lại để tìm ra biện pháp hữu hiện mà trước hết là cần có những ánh đèn treo trên đường.

Ngang dọc xã Thạnh Ngãi-một địa bàn sông rạch cắt chẻ như bàn cờ tướng- tôi được biết nơi đây có trên 40 cầu nông thôn, đó là chưa kể còn nhiều cây cầu ở trong sâu. Với những chiếc cầu trên cùng hệ thống đường giao thông nông thôn liên ấp, liên xã thông suốt, giờ đây, tất cả xe gắn máy hai bánh đều có thể về đến sân nhà. 

17/07/2014

Món quà mừng thọ



Nguyễn Thành Nhơn, giáo viên THCS Châu Bình


- Thắm…thắm…ơi! đem cho ngoại một cốc nước pha âm ấm thôi, cháu nhé. Sao ngoại thấy khó thở quá!
- Thôi, chờ đó, để tui đem lên cho! Mấy lần rồi mệt, khó thở, ông có chết đâu mà sai con nhỏ, rủi ro làm phỏng cả mình mẩy của nó thì sao? Con tui chỉ có một! Hứ!
- Ờ..ơ…!
***
- Thắm, cháu chưa đi học à? Ra giặt dùm ngoại cái khăn tay này rồi phơi lên sào, tiện thể lấy mấy cái bịch phân bón hoa lan ngoại mới gởi mua, để trên kệ nhà dưới đó, nhé cháu!
- Trời, trời! Đã đến giờ đi học của nó rồi mà ba còn kêu làm này làm nọ gì nữa? Mà tui nói với ba hoài, không nghe báo đài nói trong ba cái bột giặt, phân phướng, toàn là hóa chất, độc hại không? Ba muốn giết nó à?! Ba lạc hậu quá, khổ cho mẹ con tui! Ba ở nhà ráng mà làm từ từ cũng được. Đi, đi nhanh đi con, kẽo trễ học đó!
- Ờ…ơ!
***
- Ông nói cho cháu nghe. Đọc truyện cổ “Nhị thập tư hiếu”, ông thấy có nhiều câu chuyện rất hay, bổ ích, ông rất thích và rất khâm phục các nhân vật trong truyện. Cháu có muốn nghe mỗi ngày ông kể một chuyện không nè?
- Dạ không cần đâu ngoại. Bây giờ mẹ đã sắm cho cháu máy tính bảng, có laptop nối mạng…Nếu cần gì, cháu chỉ hỏi “ông Google” là biết hết mọi thứ trên đời, từ cổ xưa đến hiện tại và cả tương lai, rất nhanh, không phải đền ơn, không phải nghe kể công! Mấy bạn cháu cũng đều có, ai cũng giỏi vi tính, tiếng Anh!
- Ờ..ơ!?
***
Bàn thờ ông bà.

- Nè Thắm, cháu có biết năm nay là năm gì không? Năm Giáp Ngọ đó. Nếu tính đến tháng 8 tới đây, ngoại cũng được 60 tuổi rồi. Cũng sắp đến ngày mừng thọ rồi đó cháu, ngoại muốn…
- Cháu không biết gọi tên năm âm lịch, và cũng không cần tìm hiểu làm gì, phức tạp lắm! Vả lại thời hiện đại, cần cái gì thực tế thôi! Cháu đang cần thời gian yên tĩnh, tập trung cho kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc đó ông ơi!
- Ờ, nó nói đúng, bây giờ mà ở đó tính tuổi tác, can, chi…từng người làm gì cho tốn sức. Sống lâu thì cũng thành lão làng! Ba nên ủng hộ nó, đừng làm phiền nó nữa. Nếu nó đạt giải trong kỳ thi này, gia đình mình cũng có danh dự, ông cũng được thơm lây, tương lai nó rạng rỡ hơn. Như thế mới bổ ích hơn không?!
- Ờ…ơ..!

***
- Ơ...ơ,...con…đâu?Thắm...đâu rồi?
- Ba ơi ba, ráng uống thêm miếng sữa ngoại này sẽ giúp phục hồi sức khỏe nhanh đó ba! Con nhờ mấy đứa bạn mua từ bên Đức gởi về.
- Ờ, ơ..!
- Ngoại ơi ngoại, ngoại ráng thở mạnh lên để sống thêm một ngày nữa là đúng 60 tuổi rồi. Thầy, cô và  các bạn trong trường chuyên văn của cháu nói nếu ai sống đúng 60 tuổi là được tuổi thọ và sẽ có lễ mừng thọ của con cháu tổ chức để chúc mừng ông, bà, cha, mẹ…mạnh khỏe, sống lâu. Trong ngày ấy, mỗi người sẽ chọn một món quà có ý nghĩa nhất, nhằm bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, để dâng lên cho người thân yêu của mình…Cháu cũng đã viết được một bài văn mừng thọ ông của mình và đã đạt được giải A trong kỳ thi toàn quốc rồi đó. Cháu nhất định sẽ đọc cho ông và mọi người nghe trong ngày mừng thọ của ông đó ông ơi!
- Ờ! ơ…Ông…chúc… mừng cháu đã làm được...điều...mà mình mơ ước!..Vậy là ông...cũng được...thơm lây rồi! Nhìn cháu…vẫn toàn vẹn hình hài, giỏi giang, chắc chắn...tương lai sẽ rạng rỡ…là ông mãn nguyện lắm. Từ đây về sau ông sẽ không còn làm phiền con cháu nữa! Tiếc rằng trong lễ mừng thọ đó, ông không đến dự được đâu!..Ờ...ơ...Ông đi đây!..


                                             (Châu Bình, tháng 7/2014, mưa sa!)

03/07/2014

Lan man mùa thi


 Tùy bút Nguyễn An Cư



Gã ở nông thôn. Tuốt trong một xóm vắng. Cách xa thị xã Bến Tre vừa mới chuyển lên thành phố mười mấy cây số.
Mặc dù cũng có những con đường “đan” dẫn vào tận ngõ nhưng xóm gã quanh năm chìm lắng trong tiếng chim ríu rít buổi sáng, xao xác với tiếng gà trưa và bồng bềnh  theo tiếng chuông chiều. Thật yên bình, lặng lẽ!
Lâu lâu gã mới đạp xe nghêu ngao về thành phố Bến Tre - nơi mấy chục năm trời gã đã bon chen. Vì thế gã lạc hậu với nhiều biến cố bên ngoài!
Chuyện đầu tiên và không thể thiếu được trong những lần lang thang ấy là gã tìm về ngôi trường thân yêu một thời gã đã học cạnh Bờ Hồ: Trường Trung học Công lập Kiến Hòa.
Sáng hôm ấy, gã trở về vào mùa phượng nở. Gã lẩm bẩm: mùa phượng, mùa chia tay! Mùa nhung nhớ vu vơ của những cô cậu học sinh mới lớn!
Hồi đó, từ ngày phượng nhu nhú những chùm hoa đo đỏ chen trong tán lá non xanh mướt, đám học trò như gã có học hành được gì nữa đâu! Ngong ngóng. Đợi chờ. Mộng mộng. Mơ mơ! Có cô, từ trên lầu cao, liếc nhìn qua cửa sổ lớp, ngắm phượng rơi lả tả dưới sân trường. Có cậu thả hồn trên mái tóc thề đen mướt của cô bạn gái ngồi phía trước sắp phải chia xa. Tất cả lời thầy cô giảng đều mơ hồ như gió thoảng qua bên cửa sổ!
 Bây giờ gọi là nghỉ hè nhưng đám học trò đâu có xa trường xa thầy xa bạn để mà bâng khuâng nhung nhớ như thời của gã. Chính vì thế dường như chúng đâu cảm nhận được nỗi buồn man mác khi hè về, dường như chúng cũng không có gì xao xuyến khi ngắm nhìn hoa phượng và quay quắt nhớ mỗi lần nghe ca sĩ Thanh Tuyền cất lên những bài hát của tuổi học trò như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Ba tháng tạ từ”… như gã?
Có mấy chiếc xe khách bóng lộn đang đậu trước cổng trường và vô số người đưa tiễn. Phải rồi! Mùa phượng - mùa thi! Đám học trò thành phố Bến Tre chuẩn bị lên đường đi thi đại học. Chúng háo hức, nói cười rộn rã.
Những người lớn tuổi, hầu hết ai cũng có qua một thời học trò nên mỗi lần phượng nở, có lẽ ít nhiều cũng xao xuyến bâng khuâng.
Cái thuở thần tiên, thơ mộng và đầy lãng mạn ấy bỗng trở về với gã. Gã lặng lẽ ngồi trên băng đá trước cổng trường, hết nhìn vào trường xưa lại quay ra ngắm hồ Chung Thủy. Gã rưng rức nhớ một thời áo trắng, nhớ thầy xưa bạn cũ. Những kỷ niệm ngọt ngào xa lắc xa lơ bỗng ùa về chập chờn trong đầu óc gã, chập chờn trên những tán lá phượng non xanh mướt, trên những chùm hoa phượng đỏ như máu.
Rồi lại có tiếng ve. Ra rả. Vang vang, chen trong cái âm thanh hỗn độn của buổi sớm. Gã đứng lên, lang thang bước. Chầm chậm. Một mình.
 Gã vòng quanh hồ Chung Thủy, như khi xưa gã đã hàng ngàn lần dạo qua suốt bảy năm trung học. Gã lắng nghe, tìm lại tiếng guốc thân thương như ngày xưa đã từng tìm trong hàng trăm tiếng guốc của các nữ sinh đi phía trước. Gã đưa mắt, kiếm tìm một tà áo trắng thân quen như ngày xưa đã từng tìm trong hàng ngàn tà áo trắng tung bay quanh hồ.
Không! Nào có tiếng guốc. Nào có áo dài trắng tung bay! Nhưng gã vẫn nghe, gã vẫn thấy! Thấy cả tuổi thơ gã và những người cùng trang lứa.
Hồi đó gã cũng từng đi thi đại học như đám học sinh cuối cấp phổ thông bây giờ. Tuy nhiên lặng lẽ, một mình! Có ai chăm sóc, đưa tiễn như bây giờ đâu! Xách cái va li cũ mèm đựng quần áo, mượn của người hàng xóm, gã ngơ ngơ ngáo ngáo bước xuống “Xa cảng Miền Tây” chẳng biết đi về đâu!
Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, thủ đô của một nửa nước Việt Nam mà gã sinh ra và lớn lên nhưng đối với gã và hầu hết bạn bè gã cũng như một chân trời xa lạ!
Nhìn đám học trò bây giờ được xã hội, gia đình, thầy cô, bè bạn chu đáo lo lắng, tiễn đưa đi thi đại học và những nhóm sinh viên “Tiếp sức mùa thi” tiếp đón ở các bến xe gã bỗng tủi thân cho thế hệ của gã - một thế hệ đủ thứ thua thiệt bởi chiến tranh!
Rồi gã và một ít bạn bè của gã cũng lên được Sài Gòn để học. Gã không hiểu lên Sài Gòn để học hay là lên để nếm cho đủ mùi đời?! Đám sinh viên thành phần nông dân nghèo ở tỉnh lẻ như gã làm gì có người thân giữa nơi hoa lệ để mà nương tựa cậy nhờ! Đứa ở ký túc xá, đứa ở chùa chiền, đứa ở thánh thất. Đứa đi dạy kèm, đứa đi giữ xe, đứa đi rửa chén các quán ăn, tự xoay sở tiền nong sinh sống. Sáng, đứa nào bụng cũng trống rổng bước vào giảng đường, cuối buổi mặt mày xanh lè xanh lét! Có đêm gã nằm mơ thấy được… ăn cơm!
Gã và bè bạn thèm rỏ nước dải cái học bổng học sinh nghèo nhưng làm gì có, đừng nói chi đến được vay ưu đãi để đi học như bây giờ! Vì thế mười người gãy gánh giữa đường hết bảy tám, trong đó có gã!...
Đoàn xe đưa học sinh đi thi lăn bánh. Gã cũng hối hả chạy theo, như nuối tiếc cố đuổi theo một thời dĩ vãng! Thành phố Bến Tre mùa nầy thật rực rỡ đến độ gã không ngờ! Phố xá phần phật cờ hoa. Cờ mừng phường văn hóa, cờ chào mừng ngày hội văn hóa của tỉnh đỏ rực cùng màu phượng vĩ.
Con đường Ngã Ba Tháp – Ngã Ba Tân Thành hồi gã đi học còn sợ cướp sợ ma, bây giờ nhà cửa sầm uất, chen chúc dày đặc; không dễ tìm lại một con hẻm thân quen! Gã còn nhớ, gã có một người bạn thân ở xóm Ngã Ba Rùa – Mỹ Hóa, bây giờ gã cũng không biết xóm ấy ở đâu! Cả xóm Mỹ Hóa, cả tỉnh lỵ Bến Tre cũ như bừng thức dậy sau giấc ngủ ngàn năm.
Bây giờ, kể cái cảnh đi thi và học đại học của thế hệ gã, chắc các học sinh sẽ cho gã là… bác Ba Phi! Hồi đó làm gì có ai tiếp sức! Làm gì có ai chỉ đường, làm gì có những chỗ trọ, những bữa cơm miễn phí như bây giờ. Hồi đó cũng không có nhà trọ rẻ tiền để đám học sinh nghèo từ các tỉnh lẻ như gã tá túc!...
Rồi đây, nói cảnh chờ phà Rạch Miễu, kẹt bắc Hàm Luông trong mỗi lần đi học hay đi đâu đó, đám trẻ sẽ tưởng rằng đó là chuyện cổ tích! Chúng đâu ngờ chiếc cầu Rạch Miễu, chiếc cầu Hàm Luông và nhiều công trình khác có được như ngày hôm nay là khát khao, mơ ước của người dân Bến Tre trong suốt mấy trăm năm dài.
Hôm ấy, gã dành trọn buổi sáng dạo quanh thành phố mới rợp màu phượng đỏ. Gã thật sự lạc giữa quê hương! Chính gã, cũng không ngờ quê hương gã được thay da đổi thịt một trời một vực như thế!..
                 
                                                                                                                       Mùa thi 2013

                                                                                                                             N.A.C