02/12/2014


“Bộ đồng phục bà ba trắng, bước lộp cộp với đôi guốc vông”
           
            Bùi Thanh Kiên
Cựu học sinh Trường Trung học Bến Tre,
Cựu giáo viên Trường Trung học Công lập Kiến Ḥòa.

Chúng tôi vô cùng hân hoan và xúc động khi được dự Ngày lễ kỷ niệm trọng đại sáu mươi năm thành lập trường. Hân hoan vì có đầy đủ đại diện học sinh sáu mươi niên khóa. Càng xúc động hơn nữa khi chính tôi là học sinh của năm học đầu tiên 1954-1955, xúng xính trong bộ đồng phục bà ba trắng, lộp cộp với đôi guốc vông.
Hồi tưởng lại năm xưa, ở đồng bằng sông Cửu Long đầu tiên chỉ có hai trường Trung học: trường Le Myre de Vilers, sau này là trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho và Collège de Cần Thơ. Hằng năm, trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho chỉ mở mười lớp Đệ thất với số thí sinh trúng tuyển khoảng 500, và số học sinh dự thi là học sinh của cả bốn tỉnh Tân An, Gò Công, Mỹ Tho và Bến Tre. Nếu con em mình được  đậu, cha mẹ học sinh còn lo tiền nong để chúng sống xa nhà, trong cảnh “cơm hàng cháo chợ” hay bẩn chật trong cảnh “gạo chợ nước sông” bảy năm trời ròng rã. Khoản chi này, một gia đình nông dân nghèo không tài nào kham nổi. Thấy được nỗi khổ tâm đó, Thầy Nguyễn Văn Trinh mạnh dạn xin Bộ Giáo dục thành lập trường Trung học để đem chữ nghĩa về gần học sinh nghèo, giảm bớt gánh nặng chi phí cho gia đình khi nuôi con đi học. Biết giấy phép thành lập trường sớm muộn gì cũng phải có, Thầy cho mở kỳ thi tuyển và kết quả học sinh trúng tuyển được niêm yết đúng ngày đưa ông Táo, tức hăm ba tháng chạp âm lịch năm 1954.
            Nghỉ Tết đến ngày mùng chín tháng giêng năm 1955, chúng tôi vào học lớp Đệ thất. Chúng tôi học hai buổi sáng chiều và năm học chấm dứt vào lúc nghỉ hè như các lớp khác. Mang phù hiệu bằng miếng nỉ đen có thêu ba chữ THB (tức là Trung học Bến Tre) là niềm tự hào của chúng tôi. Nhưng đám học sinh trường tư cứ chế nhạo chúng tôi là trâu heo bò.
            Thầy Hiệu trưởng đầu tiên là Thầy Trinh, một nhà giáo rất mực giản dị và tôn trọng kỷ luật tối đa. Học sinh giỡn hớt trong lúc cần phải nghiêm trang thì Thầy gọi ra xử phạt tại chỗ. Học tới năm Đệ lục , Đệ ngũ (tức lớp bảy, lớp tám ngày nay), em nào vì gia cảnh cần đi làm, Thầy giúp cho học khóa Sư phạm ngắn hạn để đi dạy, mưu cầu miếng cơm manh áo.
            Thầy chú trọng việc giáo dục nhắm vào hai điểm: rèn luyện nhân cách theo luân lý truyền thống và trau giồi tri thức khoa học. Cổng ra vào nhà Thầy có hai câu liễn đối:
                                    “Ra cửa dạy trò văn hóa mới,
                                    Vào nhà khuyên trẻ lễ nghi xưa”
            Gia đình và học đường là môi trường giáo dục và hình thành nhân cách con người. Sau này, cùng hướng về mục tiêu giáo dục trên, nhà trường cho khắc hai câu liễn đối của Thầy Nguyễn Đăng Phu qua nét bút tài hoa của Bác Năm Kim Anh Đồng Xuân Các:
                                    “Hàm dưỡng nhơn luân, minh tuấn đức,
                                    Hoằng khai khoa học, tác tân dân”
            (Xin tạm dịch: Chứa đựng và nuôi dưỡng đạo làm người, lám sáng tỏ đức lớn của vua Thuấn vua Nghiêu. Mở mang, phát triển khoa học, làm cho đời sống nhân dân được luôn mới mẻ).
            Đức của vua Thuấn, vua Nghiêu là Vương đạo hòa bình, lấy đức độ mình để cảm hóa người khác.
            Hai cặp liễn đối trên có cùng một mục đích là: dạy đạo lý làm người và trang bị cho học sinh tri thức khoa học. Đạo đức bản thân và tri thức khoa học và hai yếu tố, hai điều kiện cần và đủ để tạo thế cân bằng cho một con người toàn diện. Thế cân bằng đó tạo nên một mẫu người có một khối óc siêu việt chứa đựng những kiến thức mới mẻ nhất, hiện đại nhất của nền văn minh nhân loại. Ngoài ra, mẫu người này là mẫu người tuyệt hảo về phẩm chất đạo đức. Mọi thời mọi lúc, cái dạy và cái học, cái truyền thụ của thầy cô và sự tiếp thu của học sinh vẫn là thế. Thầy cô dạy cho học sinh bằng hai cách:
            -1 Dùng lời nói để trao truyền kiến thức từ trong sách vở. Đó là hình thức ngôn giáo.
            -2 Phương thức thứ hai quan trọng hơn và không phải thầy cô nào cũng làm được. Đó là tự rèn luyện mình thành người tốt cái đã, sau đó lấy gương tốt của mình để cho học trò noi theo. Đó là thân giáo.
            Tình cảm thầy trò là mối tương quan kỳ diệu. Thầy cô giáo, học sinh và ngôi trường quả có mối liên hệ đầm ấm, sâu xa. Vắng lâu thì nhớ. Mong cho mùa hè qua mau để gặp lại những hình bóng thân quen của bạn bè, thầy trò, trường lớp. Chỉ có lòng thương mến, gắn bó nhau  nhau như người thân thì mới có thể dạy và học đạt kết quả tốt.
Thầy cô trao truyền kiến thức khoa học và cả tấm gương nhân cách đời mình cho các thế hệ học sinh. Và những người bạn trẻ hôm nay chân thành đón nhận để mai đây, khi từ giã mái trường, mạnh dạn bước vào đời, với bầu nhiệt huyết sẵn có, họ sẽ tích cực xây dựng quê hương, đất nước ngày một tươi đẹp, hùng cường hơn và đời sống dân tộc họ, ngày một hạnh phúc hơn.

                                                                                                                  (Bến Tre, 23-11-2014).

Thầy Bùi Thanh Kiên.

No comments:

Post a Comment