26/03/2013

Một chuyến du lịch vườn

 Phóng sự: Huỳnh Thanh Quang

Chủ nhật hạ tuần tháng 3, năm 2013 là một ngày vui. Chúng tôi đi tour du lịch sinh thái cồn Phụng trong ngày. Buổi “hành quân” dã ngoại này càng vui hơn, cảm động hơn khi có mặt thầy Văn Ngọc Khôi, bạn Lê Nguyệt Hạnh từ Hoa Kỳ về.

            Trước khi đến chân cầu Rạch Miễu, phía Bến Tre – điểm đón khách đi tour cồn Phụng của Công ty Du lịch Bến Tre, chúng tôi gồm 25 bạn, là cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, xúm xít nhau, chụp tấm ảnh lưu niệm trước cổng trường cũ, sát bên bờ hồ (Hồ Chung thủy). Tuổi đời của những người bạn này hầu hết gần 60. Đã gần 60 nhưng các bạn chuyện trò râm ran, đùa giỡn như hồi còn nhỏ. Bạn Nguyễn Văn Ba (Ba On), trên tay với điếu thuốc lá con mèo, nhịp nhịp, ra vẻ sành điệu lắm, nhớ lại:” Hồi đó, vừa thoát ra được cái cổng trường nghiêm nghị này, là tao…lặn mất tiêu liền”.
Các bạn chụp hình lưu niệm trước khi đi du lịch

            9 giờ, chúng tôi xuống thuyền máy tại bến An Khánh. Cô Trân, hướng dẫn viên du lịch, mở đầu: “Bây giờ gia đình chúng ta đến cồn Thới Sơn, đi bộ trong vườn rồi thưởng thức mật ong – cô Trân nhấn mạnh – Mật ong lấy trên cồn nhá. Ở Thới Sơn bà con nuôi ong lấy mật rất nhiều. Bảo đảm mật tinh khiết…”.
            Chiếc xuồng máy lướt ra dòng sông Tiền đậm màu phù sa, gió trên sông mát ruợi rồi quay mũi về hướng cầu Rạch Miễu trước khi tấp vào cồn Thới Sơn. Khi lên xuồng máy, tôi cứ đứng xớ rớ bên cạnh thầy Văn Ngọc Khôi, tư thế sẵn sàng…đỡ thầy. Tôi hỏi thầy: “Thầy nay bảy mươi mấy rồi?” Đáp: “Bảy lăm”.
Thầy Văn Ngọc Khôi

Thầy trò uống mật ong
            Ở đây chỉ 20 phút. Sau màn thưởng thức mật ong, uống rượu thuốc, ăn bánh kẹo, thuyền chúng tôi chạy một hồi lâu trên sông Tiền, ngang qua cồn Phụng, đến tham quan lò sản xuất kẹo dừa Quê Dừa – một đặc sản truyền thống của Bến Tre.Tại lò sản xuất kẹo dừa, tôi thấy rất đông du khách nước ngoài tìm hiểu về cách sản xuất kẹo dừa từ lột dừa, đập dừa, cạy dừa đến xay cơm dừa, lấy nước cốt dừa, hòa với đường cát và mạch nha rồi quấy thành kẹo. Các công đoạn từ A đến Z lần lượt hiện ra trước mắt du khách. Họ dùng một viên kẹo ngọt lịm, béo ngậy rồi gật đầu, trầm trồ.
            Bãi xe ngựa chở du khách gần đó. Cứ bốn bạn lên một chiếc xe ngựa, ngựa lốc thốc hướng về xã Quới Sơn chừng 2 km, chúng tôi có mặt tại điểm du lịch Mười Hải để nghe đờn ca tài tử. Trước khi rời xe ngựa, tôi hỏi anh giữ dây cương: “Chạy một chuyến như vậy, anh được hưởng bao nhiêu tiền?” Gạt dòng mô hôi trên trán: “25.000 đồng. Ngày chạy ba, bốn chuyến”.
Đi xe ngựa
            Không gian, sân vườn nơi đón khách của Mười Hải càng xôm tụ khi ban nhạc đờn ca tài tử tại đây sắp phục vụ khách. Các cô ca những giai điệu cổ nhạc về đất nước – con người Bến Tre rất nhịp nhàng, trong trẻo, sâu lắng. Song, chỉ vài bài mở đầu thôi, bạn Lý Ngẩu xung phong lên ca bản: Trên mảnh đất Hùng Vương hôm nay rồi bạn Ngọc Anh xung phong tiếp với một đoạn ca cổ trích từ tuồng Nửa đời hương phấn, rất tự nhiên, cảm động. Có người “bo” tiền bằng những nụ hoa. Bạn Lý Ngẩu và Ngọc Anh tặng lại hết cho ban nhạc.
            Tôi nói với cô Trân: “Chuẩn bị…xô ghe”. Thầy Văn Ngọc Khôi khoát khoát tay: “ Không phải. Chuẩn bị…nhổ sào”, rồi chúng tôi cùng hướng ra con rạch trong vui vẻ, sảng khoái.
            Xuồng chèo đã chờ sẵn. Mỗi xuồng chở bốn khách ngược rạch Cầu Chùa, hướng ra sông Tiền, xa gần 2 km. Thấy du khách nhiều quá, tôi hỏi cô Nga, người đang chèo xuồng chở chúng tôi: “ Cô à, ở  Quới Sơn này, có bao nhiêu chiếc xuồng chở du khách?”. Đáp: “ Trên 60… - rồi cô Nga tiếp lời – Chúng tôi là những người dân sống ở đây, khi du lịch sông nước nở rộ, chị em tham gia đưa du khách đi xuồng. Thấy háo hức, xôn xao như vậy nhưng thu nhập của chị em hẻo lắm, anh ơi! “. Tôi hỏi: “Xôm tụ như vầy, hẻo là sao?” Cô Nga cho biết vì số người chèo xuồng quá đông, phải xoay vòng, mỗi ngày chỉ đưa khách được một chuyến, thứ Bảy, Chủ Nhật mới hy vọng 2 chuyến/ngày. Trong khi đó mỗi chuyến chỉ được hưởng 13.000 đồng!
Đi xuồng chèo
            Trên thuyền máy quay lại cồn Phụng, tôi hỏi cô Trân: “ Chèo xuất mồ hôi hột như vậy mà mỗi ngày chỉ được 13.000 đồng sao sống nổi?!” Giọng cô Trân nhẹ nhàng: “Họ vẫn vui sống và chèo vì nhờ có tiền “bo”. Du khách thường thì hào hiệp, đâu nỡ…”. Ra thế, nhưng dẫu sao giữ dây cương xe ngựa vẫn đỡ hơn chèo xuồng. “Lúa thóc đến đâu, bồ cầu đến đó. Coi vậy chứ cũng nhờ công việc này mà người địa phương có thêm thu nhập”, cô Trân nói.
            Khu du lịch cồn Phụng rộng hơn 30.000 m2 được thiết theo lối kiến trúc mở, hòa mình với thiên nhiên sông nước, gồm có nhiều nhà hàng biệt lập, thoáng mát như nhà hàng Dừa dành riêng cho du khách nước ngoài, Nguyệt Quới cho khách trong nước, hai nhà hàng Hoa Súng, cặp sát bờ sông, rất êm đềm mát mẻ dành cho khách nước ngoài và trong nước…
            Nhưng chúng tôi dùng buổi trưa và kết thúc tour tại nhà hàng An Khánh, gần bên chân cầu Rạch Miễu. Hay có chuyến du lịch “bỏ túi” của các cựu học sinh, thầy Hạnh liền xách xe chạy qua để cùng tiếp khách. Trên bàn ăn, hơi buồn ngủ, giờ có thêm thầy Đỗ Quang Hạnh ngồi kế bên thầy Văn Ngọc Khôi nên thấy sung hơn, bớt buồn ngủ. Bạn Lê Nguyệt Hạnh xúc động: “ Hồi nhỏ em học lớp 10 A 2. Em ra đi hồi năm 1975. Năm 2001 mới về quê lần đầu. Nghe nói, Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, hàng năm họp một lần. Trường cũ đã họp 19 lần rồi nhưng đâu có lần nào có mặt em. Hôm nay, em rất cảm động khi được gặp lại và đi chơi với các bạn cùng dưới mái trường xưa”.
Bạn Lê Nguyệt Hạnh trò chuyện với các cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa.

            Có tiếng xì xầm: “ Ờ… nhớ ra rồi. Hồi còn  ở nhóm Hương Sống của Trường Trung học Công lập Kiến Hòa, Nguyệt Hạnh thường ca bài Ngậm ngùi của cố nhạc sĩ Phạm Duy…”.

No comments:

Post a Comment