23/02/2014

“Robinson” ở cồn Ông Lễ

            Sáu Quang

Tác động biến đổi khí hậu không loại trừ quốc gia nào. Rồi đây, hậu quả của nó sẽ còn lớn hơn và nặng nề hơn mà con người khó có thể lường trước được. Vì vây, khôi phục, phát triển và bảo vệ nghiêm ngặt hệ thống rừng ngập mặn ven biển vùng ĐBSCL đang là trách nhiệm của cả cộng đồng. 

Khu rừng chết ven biển Thạnh Hải (Thạnh Phú)

1. Sau bão Linda tháng 12 năm 1997, một hiện tượng biến động môi trường bất thường bắt đầu xảy ra ở đai rừng ven biển xã Thạnh Hải. Tại đây, nhất là vào mùa gió chướng gần Tết, cát theo dòng triều cứ tràn lấn vào những vạt đước xanh tươi chắn dọc bờ biển. Cát tiến đến đâu thì rừng đước lùi dần đến đó. Theo ông Phạm Văn Trường, Trưởng phòng tổ chức và quản lý bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ tỉnh Bến Tre, sau khoảng 10 năm hiện tượng này xảy ra, đã có 128 hecta rừng đước tại đây bị xóa sổ! Để ngăn chặn tình trạng cát lấn – cát tràn, đây là việc vượt khỏi tầm tay của một ban quản lý rừng cấp tỉnh.
Rừng ngập mặn tại ven biển Bến Tre và đồng bằng sông Cửu Long nói chung suy giảm nghiêm trọng chủ yếu là do tác nhân từ con người. Như tại cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, Bến Tre chẳng hạn. Cách đây khoảng 15 năm, quần thể động thực vật ở khu vực cồn Bửng vô cùng phong phú với hàng trăm loài, chiếm ưu thế là cây bần. Khi phong trào nuôi tôm bắt đầu xuất hiện cũng là lúc quần thể sinh vật ở đây dần bị tiêu diệt. Không biết bao nhiêu cây bần đã bị đốn đi nhường chỗ cho các ao tôm, kéo theo đó là sự biến mất của rất nhiều loài động, thực vật khác. Mất đi cây bần, có nghĩa là mất đi nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, mất đi những vi sinh vật trong tự nhiên giúp tôm kháng bệnh. Từ đó, nghề nuôi tôm lâm vào cảnh khốn đốn. Sau một vài vụ nuôi tôm có thu nhập khá cao, những ao, hồ nuôi tôm sau đó bắt đầu bỏ hoang, môi trường sinh thái bị hủy hoại.
Bến Tre được dự báo là khu vực chịu tác động nặng nề nhất trong cả nước do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, rừng ngập mặn đóng vai trò to lớn, giúp con người chống chọi với vấn nạn này.

            2 . Anh chàng “Robinson” Lê Văn Nhánh (Tám Nhánh) hiện đang trấn giữ rừng ở cồn Ông Lễ (xã An Điền), nơi vùng đất heo hút nhất của huyện Thạnh Phú (Bến Tre), nằm sát bên bờ biển Đông. Công việc nhọc nhằn, đơn độc của người giữ rừng không phải là mối bận tâm của anh chàng “Robinson” này. Vấn đề là làm thế nào để tồn tại trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, vượt lên mọi thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ  trong khi “Robinson” này chỉ còn một chân.
            Anh Nhánh mời chúng tôi vào ngôi nhà lá, ngôi nhà mà anh được phép cất tạm trong đất rừng để làm chốt giữ rừng ngay sát khém Bần. Giọng anh thật hồn hậu :”Tôi: Lê Văn Nhánh, sinh năm 1955, trước năm 1980 là lính của Tiểu đoàn Hậu cần, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Năm 1980, lúc trên chiến trường K, tôi đạp mìn, phải cưa mất chân phải và trở thành thương binh loại 3/4 ...”.
            Khi xuất ngũ, anh Lê Văn Nhánh trở lại quê nhà ở vàm Biện Lễ, xã An Thạnh, Thạnh Phú sống cảnh nghèo rớt mồng tơi với đàn con nheo nhóc bốn đứa. Anh thở dài: “Sống giữa vùng sâu, bốn bề sông nước nhưng tôi chỉ còn lại…một chân, đó là mặt hạn chế lớn ở tôi trong cuộc mưu sinh để nuôi bản thân và vợ con!”. Thời gian này, trên bờ làm ruộng không sống nổi nên anh chuyển qua sống nghề hạ bạc trên sông nước như đi rập cua, hứng cua, chài lưới bắt cá…; đi vá lưới mướn, vào rừng kiếm củi…Giọng anh thương binh se lại: “Cái vất vả của nghề bạc là chuyện đương nhiên. Có điều, đi mò cua bắt ốc giữa sông nước mênh mông mà mình chỉ có… một chân thì làm sao bằng người ta. Thú thật, nhiều lúc một mình chèo xuồng trên con sông vắng nào đó, nhớ đến cuộc sống của gia đình sao quá trời khó khăn và rồi khi tôi nhìn xuống chân mình, những lúc đó ở tôi vẫn mơn man trong ý định thà chết đi cho rồi còn hơn…Song khi nghĩ đến đàn con, tôi lại lấy hết bình sinh, tiếp tục chèo chống con xuồng và cố đưa nó vượt qua mọi sóng gió…”
 Nhờ vào tính chịu thương chịu khó và nhất là cái thần… nặng bóng vía ở Tám Nhánh nên năm 1987, anh được nhận vào làm ở Tổ bảo vệ và gia cố Đập đá hàn tại Vàm Rỗng. Sau đó, anh được chuyển sang Đội giữ rừng tại Nông trường do Tỉnh đội Bến Tre quản lý. Năm 1997, anh là lính giữ rừng của Ban quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh Bến Tre cho đến nay.

Anh thương binh Lê Văn Nhánh


3. Cơn bão Linda tàn phá nặng nề đất và rừng ven biển Thạnh Phú. Sau bão thế kỷ, Tám Nhánh đến nhận công tác ở cồn Ông Lễ với nhiệm vụ trồng rừng, giữ rừng. Những cây dương (phi lao) ngày ấy do anh trồng nay đã cao ngất nghỉu, trở thành khoảng rừng dương phòng hộ rộng 4,8 ha. Tám Nhánh cho biết: “Hiện tôi là Tiểu khu trưởng Tiểu khu 13. Tiểu khu 13 có trên 60 ha rừng bần, 4,8 ha rừng dương. Tổ giữ rừng gồm 3 người trong đó có tôi. Ba anh em chúng tôi chia nhau mỗi người canh giữ một khu vực rừng. Ngoài trồng rừng dương, hàng ngày Tám Nhánh và người con trai của anh đi nhặt trái đước trôi tấp vào bờ mang về trồng nơi bãi bồi. Cây đước gặp đất phù sa, đâm rễ phát triển nhanh và bãi bồi cồn Ông Lễ trước đây bị sóng biển xói mòn, nay lấn dần ra.
            Tám Nhánh chỉ tay qua phía bên kia khém Bần: “Rừng đã hồi sinh”. Những thãm rừng bần phát triển xanh thẳm như vậy, từ đây (An Điền) đã kéo dài đến cửa sông Hàm Luông, bao lấy bờ biển hai xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, dài xa hơn 25 km. Còn bên trong rừng bần là rừng dương, đước, mắm…, tất cả tạo thành một lá chắn xanh vững vàng bên bờ biển Đông.
            Đêm trên cồn Ông Lễ, gió từ ngoài biển phần phật kéo vào rồi như muốn hất tung ngôi nhà lá giữ rừng của Tám Nhánh lên không trung. Trong nhà, bên ánh đèn dầu liên hồi nhảy múa, chúng tôi hỏi Tám Nhánh về tiền thù lao cho người giữ rừng. Tám Nhánh trầm ngâm chút: “50.000 đồng/ha/năm. Tổ gồm 3 anh em chúng tôi giữ 66 ha, chia ra mỗi người được khoảng 1,1 triệu đồng/năm. Mùa nắng ở đây rất hiếm nước ngọt. Để cải thiện cuộc sống, tôi nuôi đàn gà, trồng ít hoa màu ngắn ngày trên đất trống của rừng vào mùa mưa; có nước (thủy triều lớn, ròng), tôi tranh thủ đi hứng cua, rập cua. Đạm bạc lắm thôi. Tuy nhiên, tôi cũng tạm sống được vì hiện các con tôi đã trưởng thành, hàng tháng tôi có thêm tiền thương binh …”.
            Tám Nhánh vội mang vào chiếc chân giả, tay vớ lấy chiếc đèn pin và tấm vải ny long che mưa. Anh đi tuần tra rừng trong đêm theo mật định riêng của tổ giữ rừng. Khuya khuya anh mới về.

Chuyên gia môi trường đến thăm rừng ngập mặn tại xã An Điền

Mưa bắt đầu nặng hạt trên những vạt bần, hàng dương. Xa xa có tiếng sấm chốp rền trời. Rừng đêm bây giờ mới thật lạnh lẽo. Lạnh lẽo vậy mà với chiếc chân giả, có đêm Tám Nhánh lội bộ hàng mấy cây số để canh giữ rừng…
            Năm 1997, khi chàng “Robinson” này đến khém Bần trồng rừng, cả khu vực rộng ở đây còn rất hoang sơ, gần như không có bóng người. Theo năm tháng, rừng kia lớn lên, rừng ngày càng nở rộng thêm ra. Qua vận động của Tám Nhánh, với ý thức về tầm quan trọng của rừng, những người dân đến sau đó họ cũng lần lượt là những “chiến sĩ giữ rừng” như anh. Tám Nhánh ngoài làm Tiểu khu trưởng Tiểu khu 13, anh còn là Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản 22 của xã An Điền. Điều thật đáng trân trọng đối với anh là thời gian qua anh đã vận động, xốc tay vào việc xây nên một lớp học tình thương cho các em cháu ở cồn Ông Lễ-nơi mà người dân phải sống trên một địa bàn thật heo hút và hết sức trắc trở-lớp học này lúc “sung nhất” lên đến 16 em. Tám Nhánh nhớ lại, thì thầm: “Chưa có điện thì mình xài…đèn dầu, chẳng sao cả. Chớ còn như để các cháu mù chữ…!”
            Lúc tiễn tôi về thành phố Bến Tre, những người giữ rừng chốc chốc lại ca bài:“Cuộc đời vẫn đẹp sao…, tình yêu vẫn đẹp sao…, dù cho thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích…”. Họ cùng ca, rất lạc quan, nhưng hát với cây đàn ghi ta đã bị đứt hai dây vậy mà cũng chưa mua được dây đàn mới để thay. Còn trống nhạc? Tám Nhánh chơi bằng…thau nhựa. Tám Nhánh cười gượng: “Cây nhà lá vườn thôi…Lính giữ rừng chúng tôi còn phải chịu cảnh thiếu thốn đủ thứ các anh à…”

Rừng đước trong khu bảo tồn phát triển tươi tốt.



 Trước những năm 1995, rừng phòng hộ ven biển Thạnh Phú bị tàn phá gần như khánh kiệt. Người ta phá rừng để làm vuông tôm và để sống. Xác định được tầm quan trọng của rừng, Bến Tre đã xây dựng các dự án bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn như: Dự án rừng phòng hộ ven biển với diện tích 5.351 hecta tại huyện Ba Tri, Bình Đại và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú với diện tích 2.584 hecta. Khu Bảo tồn thiên nhiên Thạnh Phú nằm cuối nguồn hệ thống sông Cửu Long, giáp cửa sông Hàm Luông và Cổ Chiên. Theo năm tháng được gìn giữ, phát triển Khu Bảo tồn này hiện được đánh giá rất phong phú và đa dạng sinh học nhất tại ĐBSCL.  

No comments:

Post a Comment