24/02/2014

"Ăn ong" miệt vườn


 Huỳnh Nguyên Khang

Khi trời bắt đầu mưa và suốt trong mùa mưa, ong ruồi sống trong những vườn dừa cho mật rất ít. Rồi, ong ruồi lại trỗi dậy, xung động khi trời bắt đầu có gió chướng.


            Nghề bất đắc dĩ
            Anh Nguyễn Văn Vui (Sáu Vui) là bộ đội phục viên. Năm 1985, khi trở lại quê nhà tại xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, Sáu Vui sống với 3 công đất vườn dừa, nuôi vợ con. Đời sống lúc này quá khó khăn nên Sáu Vui lao vào một công việc mới là đi bắt ong ruồi, lấy mật mà người trong nghề gọi là đi “ăn ong”.
Trước đây, hàng ngày, với chiếc xe đạp, Sáu Vui đạp xe đi và về hàng chục cây số đến những vườn dừa xa trong tỉnh như ở cồn Ốc (xã Hưng Phong, Giồng Trôm) để ăn ong. Bây giờ, Sáu Vui đã 55 tuổi rồi, anh trụ lại, chỉ đi ăn ong quanh quẩn nơi những vườn dừa Mỹ Thạnh An…Sáu Vui hề hà: “Tất nhiên rồi, người đi ăn ong phải là dân leo dừa chuyên nghiệp. Ăn cơm dưới đất, làm việc…trên trời mà…”. Tôi gợi chuyện: “Thấy mấy anh đi ăn ong cật lực, vất vả và hiểm nguy quá nhưng thu nhập có khá không?” Sáu Vui căng căng chiếc nài leo dừa nói: “ Thông thường, mỗi ngày đi về, vắt ra hết được chừng một lít mật, còn hôm nào trúng mánh, cỡ hai lít mật. Một lít mật giá trị tương ứng với 5-6 ngày đi làm công nếu tính ra thành tiền – Sáu Vui tiếp lời – Chiếc nài leo dừa này quan trọng lắm nghen. Nài phải do tụi tôi thắt bằng tàu chuối xiêm trong vườn nhà, chừng nửa tháng, thay cái mới”. “Tại sao phải tàu chuối xiêm?”- tôi hỏi. Sáu Vui cho biết trong vườn có nhiều loại chuối nhưng tàu chuối xiêm mới là loại có độ dai nhất. Cái nài, leo dừa để ăn ong, đang leo bỗng dây chuối bứt ra, có nước là…phi thân (té xuống đất). Trông dáng vẻ Sáu Vui huỡn so, anh vừa lắc lắc đùi vừa nói:” Ở ngoài nghề thấy vậy chứ trong nghề như tụi tôi thì những cái phải đối mặt khi leo dừa có nhằm nhè gì. Ví như vừa leo đến ngọn dừa thì gặp rắn, bình tĩnh, rung rung tàu dừa là chúng thoát đi nhưng nếu gặp ong vò vẽ trên đó, thua, mau mau tuột xuống liền. Ong vò vẽ đánh là không kịp biến…”. Quả vậy, người đi ăn ong là những nông dân dày dạn, năng động, mạnh bóng vía.

Sáu Vui tìm ổ ong ruồi

            Hướng theo chiều gió…
            Nắng đã lên nhiều, Sáu Vui soạt chiếc nài leo dừa vào vai, một tay xách chiếc sàng, tay cầm chiếc dao bén ngót. Sáu Vui đưa chiếc dao, rạch nhanh một đường trong gió, nói: “Dao đi “hái” tổ ong bằng thép của ba lô Mỹ ( thép hình chữ X, cặp phía sau lưng ba lô để chịu đựng sức mang). Dao do tôi đi trui ở lò rèn. Dao bằng thép của ba lô Mỹ mỏng tanh, nhẹ nhưng bén ngót, khỏi chỗ chê.
Sáu Vui và tôi luồn sâu vào vườn dừa, hướng tới bờ mương um tùm dừa nước. Sáu Vui đi như chạy. Tôi hỏi Sáu Vui: “Vườn tược rậm rạp, mênh mông như thế này, biết ong đóng tổ ở đâu mà tìm?”. Chỉ tay vào một gốc dừa nước đang trổ bông bên mương vườn, Sáu Vui nói: “Cứ ngồi rình và khi thấy ong bay đến hút mật, lấy phấn hoa ở bông dừa nước, mình phải định hướng ngay”. “Định hướng theo hướng nào, để làm gì?”- tôi thắc mắc. Sáu Vui giải thích: “Con ong rất thính nhạy với gió. Khi ong bay đến bông dừa thường bay ngược gió nhưng đặc biệt là khi ong hút mật, lấy phấn hoa rồi thì chúng luôn luôn bay về theo hướng gió xuôi. Theo hướng đó, tổ ong đóng cách chúng hút mật chừng vài chục mét. Như chiếc xuồng, khi chở nhiều đồ, chèo theo nước xuôi, khỏe hơn nhiều. Con ong cũng nhạy như vậy…” – Sáu Vui cười. Sáu Vui đã bỏ hút thuốc lá nhưng khi đi ăn ong buộc anh phải có gói thuốc. Đến gần một tổ ong ruồi, Sáu Vui bật quẹt, đốt thuốc rồi phà vào tổ dăm ba hơi là đám ong nằm êm như người say rượu. Sáu Vui khẳng định:”Ăn nay, dành mai. Bắt ong ruồi không hủy diệt nền tảng sống của loài ong – anh giải thích – Khi nghe động dậy, ong chúa đã vọt khỏi tổ, bay đi trước tiên rồi. Ong chúa bay đến đâu, đậu ở đâu, đàn ong thợ, ong con sẽ tiếp tục bay theo đến đó rồi “gầy sòng” làm tổ mới. Không lâu sau, Sáu Vui tiếp tục hướng đến tổ ong mới và rồi sẽ…phà khói. Tổ ong ruồi cho mật sung nhất là khi ong đóng, có tàn chừng 15 ngày trở lại.


Lấy ong ruồi ở tàu dừa

            “Vậy thì, mình nên tìm bắt con ong chúa đem về gần nhà cho chúng bu lại làm tổ, đi xa chi trong vườn rậm cho cực thân?”- tôi nghĩ. Sáu Vui khoát khoát tay:”Tôi làm rồi nhưng không được đâu. Ong chúa của ong ruồi khác với ong chúa của ong mật ở chỗ nầy. Có lẽ, ong ruồi chỉ thích nghi ngoài thiên nhiên…” Bỗng Sáu Vui ghé vào tai tôi, nói nhỏ: “Ông có biết khi con ong…giao hợp gọi là gì hôn?” Tôi lắc đầu. Sáu Vui nheo mắt:” Dân trong nghề gọi là…xổ nực. Chuyện đó thường xảy ra trong đêm. Khi đó, ong chúa bay lên cao khỏi tổ và làm “chuyện đó” trên không trung”. Lại hỏi : “Anh Sáu có biết ong chúa là ong đực hay ong cái?”. Đáp:” Biết…chết liền. Tôi không phải là nhà khoa học. Chỉ biết có điều, sau khi chúng xổ nực, hiện ra sau đó có con gọi là mũ tướng. Con mũ tướng cũng có khả năng tạo lập ra một tổ ong ruồi mới. Nghĩa là con mũ tướng ở đâu, đám ong thợ, ong con đều bu đến làm tổ, quyền uy y hệt như ong chúa.
Vàng, thau lẫn lộn
         Ong ruồi sống, hút mật, lấy phấn hoa quanh quẩn trong những vườn dừa, nhất là từ bông dừa nước nên mật rất tinh khiết, người ta thường dùng làm thuốc, rất hữu hiệu. Ong mật, con lớn hơn gấp ba ong ruồi, sống tràn lan ngoài đồng, vùng trống, vườn cây tại vùng ven biển. Ong mật, hút mật từ bông tràm, sặc, sậy, tạp nham, kể cả hút nước đường (ong mật nuôi) nên không tinh khiết, đúng chuẩn như ong ruồi. Mật ong mật thường ngọt gắt, có vẻ hăng hăng, không nhẹ nhàng, thanh tao như mật ong ruồi. Ong ruồi thường làm tổ đóng quanh kèo dừa hoặc trên tàu dừa. Ong ruồi đóng tổ ở phần trên sóng tàu dừa ít mật hơn ong đóng tổ phía dưới tàu dừa. Vào mùa khô ráo, gió chướng thổi hanh thông (từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch) là mùa của ong ruồi, thời điểm này ong ruồi cho mật tốt nhất. Qua tháng 3, trời nắng nóng, gió nhiều nên ong rút xuống thấp, sống trên bụi lùm dưới những tán dừa. Rồi mùa mưa đến, ong ruồi càng thu mình.      

Tôi than:” Bây giờ mua mật ong thường bị lầm. Ai cũng nói: ong ruồi, ong ruồi và sẳn sàng trưng ra tàn ong đóng kèo dừa, tàn ong đóng tàu dừa. Cả kèo dừa và một khúc tàu dừa còn xanh tươi…”. Sáu Vui tặc lưỡi: “Lầm chết. Người đi ăn ong ruồi đó là ong ruồi thật nhưng khi về nhà họ pha thêm nước đường với mạch nha rồi bơm vào, cũng ngọt ngay, khó biết lắm! Chỉ điều này là chắc chắn đó là ong ruồi thật: ong ruồi bỏ vào tủ lạnh bao giờ nó cũng sền sệt chứ không đông cứng như các loại mật ong khác”.

Tiếp thị mật ong ruồi.

No comments:

Post a Comment