02/04/2013

Thầy của tôi



               Võ Thị Kim Vững

Ga buồn tỉnh lẻ - gần nhà thầy Quế ở Wachenheim, Đức.


N
gày tôi vừa vào học lớp 12 Ban A, khi xem danh sách giáo sư dạy lớp thì cả lớp vừa mừng vừa lo, vì môn Sinh vật là môn “chủ lực” lại được thầy Hiệu trưởng Trần Kim Quế phụ trách. Mừng vì có thầy giỏi dạy thì lớp sẽ đậu nhiều, lo vì thầy Hiệu trưởng nghiêm quá, chắc khó bề tính chuyện “nhứt quỷ nhì ma”.
Tiết học các môn khác thì không biết thế nào chứ đến giờ thầy tôi ung dung bước vào là tất cả im phăng phắc đến chiếc lá rơi còn có thể nghe được. Có lẽ do ý thức được năm thi, nhất là thầy Hiệu trưởng dạy môn chính nên “lũ tinh quái 12A5” lúc nào cũng thuộc bài. Cách dạy của thầy chậm rãi, dễ hiểu. Bọn con trai lớp tôi rất sợ học bài và hay phá phách trong các giờ khác, nhưng sao đến giờ của thầy các bạn ấy ngoan như những chú cừu. Khi dạy đến cuối học kì một, thầy tôi có việc chi đó trên Ty Giáo dục nên để cho thầy Phan Thế Chánh dạy tiếp. Tôi còn nhớ như in, khi nghe thầy Quế sắp hết dạy, lớp tôi buồn vô hạn. Bài cuối cùng thầy dạy, chúng tôi rất chú ý nghe giảng và thật may mắn: khi thi Tú tài II , đề thi đúng y chang bài của thầy dạy ngày hôm ấy. Câu ấy là câu cao điểm nhất lại nhân hệ số 3, nên tôi đậu năm đó cũng nhờ một phần “trúng tủ” môn của thầy.
Thắm thoát hơn 30 năm, thầy trò chúng tôi gặp nhau bên trời Âu. Thầy tôi sang định cư bên Đức theo diện đoàn tụ với con. Tôi may mắn có hai cô em gái là Tường Vi và Kim Vàng cũng ở gần thầy cô Trần Kim Quế. Khi tới nước Đức, tôi được cấp visa đi ba tháng nhưng tôi chỉ ở vỏn vẹn có một tháng mười tám ngày rồi bay về Việt Nam. Trong bốn mươi tám ngày bên trời Âu đó, tôi đã hạnh phúc ở chung nhà với thầy cô hết hai mươi mốt ngày.
Cuộc sống của thầy cô tôi thật bình yên. Thầy tuổi đã cao nhưng rất khỏe. Có hôm tôi đi bộ tập thể dục với thầy, do mải mê kể chuyện trên trời dưới đất với thầy nên tôi đã đi một đoạn đường khá xa. Lúc đầu băng ngang một rừng nho bạt ngàn, đã là “rừng” thì nó rộng cơ man nào kể cho xiết, hết rừng nho là đến khu dân cư, thầy dẫn tôi vào làng cho biết. Sau đó, đến một thung lũng có hoa đẹp rực rỡ, tôi thích lắm cứ hăng say nói chuyện. Do đi quá xa, “anh hùng” lúc này nghe thấm mệt, mồ hôi tôi ra như tắm, áo khoác tôi đã cởi ra vắt vai, tôi thành thật “khai báo “với thầy:
- Về đi thầy, em mỏi giò lắm rồi!
- Thanh niên gì yếu vậy? Thầy tính dẫn em lên đồi ở trên kia kìa. Đồi ấy là khu du lịch đẹp ở nơi đây, ai đến nơi này mà chưa lên tham quan đồi ấy thì xem như chưa đến Bad Durkheim đó nhe...
Nghe qua, tôi muốn xỉu và cứ nằng nặc đòi về, có lẽ do không chuẩn bị giày thể thao nên chân tôi bị phồng giộp. Cảm thương cho cái thân “mẹo dậu” của tôi nên thầy đồng ý quay về (lúc này tôi đã xách giày vì không đi nổi nữa). Đang đi được vài bước, tôi bỗng sực nhớ nên thảng thốt la lên, làm thầy tôi cũng hết hồn:
- Trời! Bây giờ, mình phải đi về một đoạn đường mà nãy giờ em với thầy đã đi đó hả thầy (với chân trần không giày)?
- Vậy chớ sao, nãy giờ em thấy có xe cộ gì đâu!
- Trời! Chắc chết !
- Ráng đi, để thầy dẫn đi đường tắt, về nhà gần hơn!
Nghe đường tắt, tôi cũng mừng nên lê bước chân “độc hành” đi theo ông thầy. Bà cố ơi! Tắt đâu mà tắt, đi hoài, đi mãi... Trông cho có một chiếc taxi, giá bao nhiêu tôi cũng đi nhưng vô vọng, không một bóng người, chỉ toàn rừng nho là nho... Khi Tomy qua đây, đi vào ban đêm, nhưng Tomy cũng nhận định được nơi thầy ở là có rừng nho.
Vừa đi, thầy lại bắt tôi kể chuyện về những đồng nghiệp cũ của thầy đang ở Bến Tre hoặc ờ Sài Gòn, từng học sinh của trường, nào Thọ Lương, Kỳ Trân, Tomy, Kim Liêng, nhớ cả Minh Tiên kẹo dừa và thầy cầu mong tất cả được phát tài là thầy vui. Thầy nhớ không sót một người nào, từng hoàn cảnh khốn khó của Lê Văn Hai, của Nguyễn Văn Phia, của dì Sáu Lòng...Tất cả những người thầy nhắc, thầy hỏi, tôi kể cho thầy nghe. Thầy tư lự rồi thở dài làm tôi cứ tưởng như chính cuộc đời của thầy trong từng hoàn cảnh ấy.

Thầy Quế, cô Yến và Kim Vững (phải).

Lắm lúc tôi sợ thầy bận tâm lo lắng sẽ ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, nhưng những câu hỏi thầy đặt tôi cứ kể. Kể riết mà đôi chân trần trên cát của tôi đã về đến nhà khi nào tôi không hay, khi thấy thấp thoáng mái ngói nhà thầy là tôi mừng khôn xiết, tôi bỏ thầy chậm rãi đi về một mình. Tôi nhanh chân chạy vào nhà “méc” cô Yến và kể chuyện thầy dẫn đi “đường tắt” làm cả nhà Phương Linh cười một trận ra trò.
Nhà thầy có một khu vườn trồng rau xanh nho nhỏ dễ thương, nào cà, tía tô, khổ qua, dưa leo, mướp... Tôi qua vào mùa Hè nên hoa lá xanh um. Thầy khoe từng khóm cây của thầy Diệp Đồng Thìn tặng, từng bụi ớt hiểm trái nặng trĩu cành, khổ qua treo lủng lẳng ngoài balcon thật sai trái. Đang xem, tôi thấy có những cái lon sữa bò thầy đặt dưới mỗi gốc cây, hỏi ra mới biết lũ sên bên ấy cắn phá quá nên nghe người ta nói để lon sữa bò rồi bỏ dưa leo vào lon, sên nghe mùi nó sẽ bỏ đi không phá hoại cây nữa. Tôi hỏi có đúng vậy không, thầy cười thật hiền rồi bảo:
- Mỗi sáng, thầy ra thấy sên bò vô lon ăn hết dưa leo rồi vẫn tiếp tục phá...
Thầy tôi là vậy đó. Tôi đã muốn kể về thầy khi còn ở bên nhà Tường Vi, nhưng cứ bận rộn mãi. Đến nay, mùa Đông tới đầy giá rét, thầy cô tôi chắc nhớ hơi ấm quê nhà, nhớ tình thân bạn hữu, nuối tiếc vì một số đã “ra đi”, nhớ học trò nay cũng đứa còn, đứa mất.
Cô Yến vẫn thường liên lạc với tôi qua mail, lâu lâu vắng thư, thầy nhắc cô Yến mail hỏi. Tôi vẫn cảm thấy có lỗi mỗi khi nhận thư cô hỏi thăm trước. Những điều chi buồn phiền, tôi đều bặt tin. Khi có chuyện vui vui trong nhóm, tôi mới hăng say kể chuyện và liên tục gởi hình.
Thầy vẫn nói:
- Nhờ có Vững kể chuyện và gởi hình, thầy như được sống với bạn bè và học trò.
Trước mỗi lần họp mặt hay Trung thu hoặc về Bến Tre gói bánh tét, thầy đều dõi trông theo và gởi lời thăm từng người, còn dặn dò:
- Em nhớ nói cho thầy thăm tất cả, nhớ uống dùm thầy một ly nước. Ngày họp mặt dịp Trung thu, nhớ ăn dùm thầy một miếng bánh!
Thầy của tôi là như vậy đó! Mấy lần tôi muốn rời xa nhóm là tôi lại nhớ lời thầy dặn: Đừng bỏ nhóm mà đi, chừng nào không còn thầy nữa, hẵng tính nhen Vững.
Những ngày cuối sắp rời xa nước Đức, tôi lại có hạnh phúc được ở nhà của thầy cô Trần Kim Quế. Biết tôi không ăn được món Tây, nên có buổi sáng thức dậy thầy tìm đâu ra được cá kèo kho tộ và có hôm thầy còn làm cả món mắm chưng hột vịt ăn với dưa leo mới hái ngoài vườn vào giòn rụm. Tôi cứ hỏi liên tục là ở đâu thầy có mấy món này, vì món Việt bên trời Âu là mắc vô cùng. Có những buổi trưa, tôi với cô Yến trở về nhà thầy bằng xe lửa, khi bước vào nhà đã nghe mùi khoai lang luộc. Thầy đã mua và luộc sẵn để đãi tôi. Tôi đã chụp một tấm ảnh khi thầy đứng bên nhà ga xe lửa và thầy còn nói:
- Nơi thầy ở là “ga buồn tỉnh lẻ”!
Ngày tôi soạn hành lý về Việt Nam, thầy gói ghém đủ thứ cho tôi mang về, từng đôi giày thể thao, từng món tôi ăn khen ngon và cả cái áo ấm thật đẹp. Tôi chỉ xin nhận cái áo vì vali không còn chỗ. Thầy cô và các em tôi đưa tôi ra phi trường trở về Việt Nam. Tôi về mà lòng nặng trĩu, thương thầy cô mình sống xa cố hương, thương các em tôi đường về xa diệu vợi. Tôi luôn ước mong mọi điều thật bình yên, thật vui và hạnh phúc đến với NGƯỜI THẦY của tôi!
                                                                                                                     15-01-2013.                                                                                                                                         

No comments:

Post a Comment