05/04/2013

Nhớ về những dòng sông




Phan Lữ Hoàng Hà

Di chuyển bằng đò trên sông nước quả là rề rà, nhiều khi lâu lắc đến sốt ruột. Nhưng khi đi đò, ẩn hiện phía trước là một miền quê êm đềm với bông bần trắng rụng đầy bên sông…

Sông Băng Cung ( Thạnh Phú)

Chị Lê Thị Ánh quê chợ Bến Dinh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú thi đậu  vào lớp đệ thất (lớp 6) Trường THCL Kiến Hòa năm 1967. Lúc này, gia đình chị có nhà ở ấp 1 Mỹ Hóa (phường 5 hiện nay) tỉnh lỵ Kiến Hòa. Mỗi tháng một lần, chị về quê xin tiền, thực phẩm rồi trở lên Bến Tre. Bảy năm theo học ở Trường THCL Kiến Hòa là chồng chất những chuyến đi xuôi ngược trên dòng sông Hàm Luông của chị Ánh vì lúc đó phương tiện đi lại thuận tiện nhất vẫn là đò…
Đất cù lao Bến Tre với sông rạch chằng chịt là trở ngại lớn cho phát triển giao thông đường bộ. Sau năm 1975, đi đâu ở nông thôn Bến Tre đều gặp phải cầu khỉ; các cháu học sinh, nông dân làm ra sản phẩm, những ca bệnh cấp cứu…đều phải vượt qua những cây cầu “đau khổ” đó rồi còn phải lụy đò! Bối cảnh chung bấy giờ là dựa vào giao thông đường thủy. Từ huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách và các xã vùng sâu khác, người dân muốn đến thị xã Bến Tre đều phải đi bằng đò. Những chiếc đò khách chở chật ních người, đưa khách ban ngày lẫn ban đêm. Trong đêm, hành khách không đón được đò là phải chờ đến đêm sau. Họ đón đò bằng những cây đuốc lá dừa. Đuốc lá dừa huơ sáng khắp bên bờ sông. Tại Bến Lở chợ thị xã Bến Tre, từ lúc nửa đêm đến 2, 3 giờ chiều mỗi ngày, lúc nào cũng tấp nập những con đò chở hành khách lẫn hàng hóa.

Bến Lở

            Anh bạn đồng nghiệp của tôi, quê xã Phước Long (Giồng Trôm), cựu học sinh Trường THCL Kiến Hòa, ban C nói rằng ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long và Bến Tre nói riêng có tất cả ba loại đò: đò ngang, đò dọc và đò tàu. Đò ngang, người chủ đò đón khách rồi chèo ngang qua sông rạch. Đò dọc là đò chạy trong tỉnh và đò tàu là chạy liên tỉnh, như đò Đại Đức từ Bến Tre đi Trà Vinh và ngược lại chẳng hạn. Ký ức về tuổi thơ và những con đò ở anh xem ra sống động lắm: “Đò vìa”- thấy đò từ Bến Tre về đến bến sông quê là đám trẻ học sinh thời đó reo lên, reo lên chỉ hai tiếng như vậy – anh nói – Và rồi buổi trưa đó sẽ có bánh mì từ tay má cho. Những ổ bánh mì má đi chợ Bến Tre mua về được gói bằng lá chuối khô và buộc bằng dây lác – “hết kỵ” luôn. Có đứa còn quen cả mùi khói dầu tỏa ra từ ống khói đò - cái mùi làm cho tuổi thơ sống bên sông nước ngóng chờ, nôn nao mỗi khi đò vìa.
            Ở Phước Long trước đây có 5 chiếc đò khách nhưng hiện chỉ còn một chiếc để chở hàng hóa. Xã Thuận Điền có 3 chiếc, nhưng hiện chỉ còn một chiếc và tới đây, khi đường tỉnh 887 nối từ TP Bến Tre đến ngã ba xã Tân Thanh hoàn thành, chắc gì con đò kia còn tiếp tục hoạt động.
Chị Hứa Thị Chạy cũng quê chợ Bến Dinh tâm sự: “Hơn 30 năm qua tôi đã theo những con đò từ Thạnh Phú đến Bến Tre để lấy hàng hóa cho các tiệm bán tạp hóa tại chợ Bến Dinh. Các tiệm ở đây cần mặt hàng gì thì ghi toa cho tôi, tôi giao hàng chủ yếu là ăn tiền huê hồng ở hai đầu cho”.
30 năm qua, chiếc đò tựa như…nhà của chị Chạy. Tối đến, khi xuống đò để đi lấy hàng, chị cứ mắc chiếc võng rồi ngủ, mặc cho chiếc đò thủng thẳng thả theo cùng con nước. Lúc gần sáng, đò tấp vào Bến Lở, chị lên chợ Bến Tre bổ hàng rồi con đò sẽ nổ máy trở về Thạnh Phú lúc 8 giờ 30. Chị Chạy nói giọng buồn buồn: “Hồi đó đi một ngày, nghỉ một ngày, nhưng bây giờ thì ba, bốn bữa mới đi một chuyến. Vài chiếc đò khách còn lại, cả tuần lễ mới tới chuyến mình chạy một lần. Đò chạy gần như không còn hành khách, chủ yếu là chở hàng hóa. Mà không có khách, đò cần chi chạy nhanh, tốn dầu…”. Và như thế chị Chạy tiếp tục mắc chiếc võng trên đò, lênh đênh cùng sông nước dẫn về vùng đất cuối cù lao Minh, xa lắc xa lơ.

Đò chạy từ Thạnh Phú đi TP. HCM.

Giờ đây, hầu hết các huyện ở Bến Tre, kể cả các huyện ven biển đều có tuyến xe buýt chạy đến. Anh bạn tôi từ xã Giao Thạnh đi đám giỗ ở thành phố Bến Tre, vậy mà anh vẫn dám rề rà cho đến hơn 3 giờ chiều mới chịu rút lui bởi sông Hàm Luông nay đã có cầu, xe buýt về cầu Ván (Giao Thạnh) tới chiều vẫn còn. Giao thông đường bộ phát triển, đường sá đi lại tiện lợi nên những con đò khách đang mất dần là chuyện đương nhiên. Có điều, với chị Ánh, chị Chạy và nhiều chủ đò khác nữa, có lẽ họ vẫn lưu luyến với những con đò dù phải mất rất nhiều thời gian đi cùng với nó.

No comments:

Post a Comment