02/04/2013




        Đời người – Đời chợ

Huỳnh Thị Kim Anh

Nhà lồng chợ Bến Tre xưa


Đời người rồi sẽ già đi nhưng những ngôi chợ cứ như cô gái xuân thì phơi phới lớn lên cùng thời gian. Trầm mặc và hiện đại. Thăng trầm và đổi thay. Những người đã biết, đã thấy ngôi nhà lồng đầu tiên ở tỉnh lỵ Bến Tre và cho đến nay là hệ thống Siêu thị Co.op Mart, những chứng nhân đó nay tuổi đã ngoài 80.
Chợ ngày xửa ngày xưa
Ông Bùi Văn Quế, nay 83 tuổi, ngụ tại phường 4, TP Bến Tre, hồi tưởng: “ Năm tôi 6-7 tuổi, tức năm 1936 -1937, tôi thấy đã có nhà lồng chợ Bến Tre rồi. Chính xác hơn, những người lớn tuổi hơn tôi nói rằng chợ đã cất lên từ năm 1905”.
Trước khi cất lên ngôi nhà lồng đầu tiên ở Bến Tre (đối diện với Đình An Hội hiện nay), người ta tề tựu, mua bán ở bên bờ sông Bến Tre, hầu hết là nông sản của nhà vườn hay hàng hóa đối lưu từ các vùng đất lân cận mang đến đây bằng tàu ghe. Họp chợ chỉ diễn ra trong buổi sáng là xong…Khi nhà lồng chợ Bến Tre được cất lên vào năm 1905, nhà lồng cất theo kiến trúc của Pháp, vách tường dày 40 cm, mái lợp ngói đỏ, hai bên vách tường được trang trí với các hoa văn bằng gốm nung màu xanh và vàng. Phía trên cao của nhà lồng là một cái đồng hồ to, giờ ghi bằng số La Mã... Hình ảnh gieo đậm vào ký ức của ông Bùi Văn Quế là gần khu nhà lồng chợ Bến Tre có bến Tắm Ngựa. Muốn đến bến Tắm Ngựa, xe thổ mộ, xe ngựa chở cá, nông sản lốc thốc đến ngã ba chùa Viên Minh, rẽ qua đường Chùa ( rue de La Pagode, chế độ cũ là đường Trạng Trình, hiện nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng người ta quen gọi là đường Hoa Mai), xuống mé sông Bến Tre, bến Tắm Ngựa ở đó với bến xuống được tấn bằng đá ong. Ông Quế giải thích: “Sáng sáng, xe ngựa từ các quận tựu về tỉnh lỵ Bến Tre. Đây là chỗ dành cho các chú ngựa tắm mát, ăn cỏ, xả hơi rồi quay về…”. Dọc bờ sông ở đoạn này, có một nghề mà nay không còn nữa, đó là nghề nhuộm đồ. Thời này, hầu hết người dân mặc vải ta, để duy trì cho vải được mặc lâu và mới, người ta đem nhuộm lại với các màu tối như màu nâu, màu đen, màu xanh dương.
Tại ngôi nhà lồng chợ, bên trong, dành cho những kệ, quầy có đóng ba-tăng (môn bài), còn phía ngoài sân là nơi dành cho người bán nông sản, họp tan, để thu thuế hoa chi. Sau đó, nhà việc của làng An Hội cất lên ở khu này. Đến năm 1945, khi Việt Minh giành chính quyền, nhà việc bị xóa bỏ. Năm 1947, một ngôi nhà lồng mới thứ hai của chợ Bến Tre được cất lên ở đây, chủ yếu là các quầy bán lúa, gạo, cám nhuyễn, cám to, cám dừa, quầy bán thịt heo, thịt bò…Đến năm 1968, cả hai nhà lồng đều bị bom Mỹ đánh sập. Sau năm 1968, chế độ cũ chỉ khôi phục lại một ngôi nhà lồng – nhà lồng đầu tiên đã xây dựng hồi thời Pháp.
Ký ức chợ “vệ tinh”
Tỉnh lỵ Kiến Hòa (Bến Tre) trước năm 1975 thuộc xã An Hội, quận Trúc Giang (quận Châu Thành trước kia). Xã An Hội gồm ấp Chánh (trung tâm TP Bến Tre hiện nay) và các ấp ngoại ô gồm ấp Phú Khương 1, 2, ấp Mỹ Hóa 1,2, . ấp Bình Nguyên, ấp An Hòa và bên kia sông Bến Tre là ấp Mỹ An…Sau giải phóng, khi thành lập thị xã Bến Tre, các ấp của xã An Hội cũ đều được nâng lên thành các phường, xã. Thị xã Bến Tre lúc này gần 50.000 dân.
Thời trước năm 1975, dân số tỉnh lỵ Kiến Hòa (Bến Tre) khoảng 50.000 dân. Các ngôi chợ “vệ tinh” tại tỉnh lỵ như chợ Giữa (xã Phú Hưng), chợ Ngã Năm (phường 5), chợ Ngã Ba Rùa (phường 7), chợ Cầu Bà Mụ (phường Phú Khương), chợ Ngã Ba Tân Thành (phường Phú Tân), chợ Bình Nguyên (phường 6)…, trong đó chỉ có chợ Giữa và chợ Ngã Năm là có ngôi nhà lồng nho nhỏ với mái lợp tôn, nền tráng xi măng, tứ phía trống trơn. Dù nhà lồng nhỏ, nhưng đây cũng là điểm thuận lợi để đón các đoàn hát bội, mô tô bay đến hát, biễu diễn. Còn các chợ khác hầu hết là chợ chồm hổm, chủ yếu bán đồ hàng bông, cá tép trong vườn mang ra, với lèo tèo vài ba ghế bán thịt heo; chợ họp khi nắng vừa lên đã tan. Nhưng vào thời này, chắc chắn rau cải là nông sản sạch, không nhiễm thuốc trừ sâu. Tiếng rao trong đêm cũng thật ấn tượng. Đêm khuya khoắt, vậy mà vẫn còn tiếng của xe mì gõ, tiếng rao của chị bán chè thưng cứ vang đều, thả dài trong lòng hẻm. Nhưng với chợ Giữa, đặc sản là thịt ngựa - những con ngựa nay không còn đến bến Tắm Ngựa nữa, già cỗi và rồi mất dần theo thời gian…
Đường từ  Mỏ Cày đến Bến Tre
Một góc chợ Bến Tre trước năm 1975
Siêu thị CO.OPMART Bến Tre.

Chợ ngày nay
Năm 1986, Bộ Nội thương đầu tư xây dựng nơi ngôi nhà lồng Bến Tre thành Trung tâm Thương mại Bến Tre, đây là một công trình mang vóc dáng hiện đại, đồ sộ ở đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm đó. Đến năm 2000, dân số toàn thị xã Bến Tre đã gần 100.000 người. Để mở rộng việc mua bán, phục vụ nhu cầu phát triển xã hội, ngôi chợ Phường 3 được xây dựng (hoàn thành năm 2001) gần Trung tâm Thương mại Bến Tre. Ngôi chợ này còn đồ sộ hơn Trung tâm Thương mại Bến Tre, nghiễm nhiên trở thành chợ trung tâm của tỉnh. Để cạnh tranh, năm 2004, Trung tâm Thương mại Bến Tre được đầu tư “cải trang”, tạo nét bề thế hơn như hiện nay. Suýt nữa lại quên, những năm gần đây tại TP Bến Tre còn xuất hiện một chợ đầu mối. Chợ đầu mối này nằm dưới chân cầu Cá Lóc (phường 8), chủ yếu bán hàng nông, thủy sản, giá cả bán ra sát hơn nhiều so với chợ phường 3.
Giờ đây, các ngôi chợ nở ra ở các phường, xã đã lớn dần theo nhịp độ phát triển của thành phố trẻ Bến Tre. Đặc biệt vào năm 2008, khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, Siêu thị Co.op Mart Bến Tre đã đón đầu và đi vào hoạt động với lượng khách đến tham quan, mua sắm hàng ngày khoảng 3.000 người, những ngày lễ tết 7.000 - 8.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên người dân xứ cù lao biệt lập tiếp cận siêu thị với thang cuốn, với cung cách mua bán văn minh, hiện đại…Có thể, một đời người mới thấu đáo hết mọi thăng trầm và đổi thay của đời chợ./

No comments:

Post a Comment