Phan Lữ Hoàng Hà
Chưa hết tháng 3 âm lịch vậy mà người
bạn tôi từ Châu Hòa (Giồng Trôm) đem lên tặng tôi hủ mắm còng. Tôi hỏi bạn:
“Sao năm nay còng lột sớm quá vậy, “biến đổi khí hậu” à ?”. Ông bạn cười: “Bây
giờ, còng lột quanh năm. Muốn lột, người ta ngâm còng vào dấm Tây hoặc nước
vôi, nước tro…”. Tôi ăn thử món mắm còng thời thượng vừa trộn với khóm, tỏi,
ớt, củ riềng…, vẫn thoang thoảng mùi mắm còng nhưng chắc chắn không phải còng
lột tự nhiên.
Chẳng như ngày xưa, mắm còng bây giờ có quanh năm suốt tháng |
Dư vị hồn quê
Ở ba vùng nước ngọt, lợ và mặn tại
các tỉnh ven biển ĐBSCL đều có còng, nhưng “thánh địa’’ của chúng thuộc vùng
nước lợ. Ở đó, nhiều nhất phải kể đến còng quều, thứ đến là còng lửa; còn nơi
sát biển thuộc lãnh địa của còng gió (có nơi gọi là còng nhịp).
Cũng là con vật
bò ngang với 8 chân, 2 càng như cua, ba khía, nha, rạm…nhưng điều ngộ nghĩnh ở
họ nhà còng là hàng năm chúng chỉ lột vỏ vào thời điểm Tết Đoan Ngọ, tức mùng 5
tháng 5 âm lịch. Lại nhớ đến món đặc sản mắm còng: Ở vùng sông nước ĐBSCL, hàng
năm, khi mùa mưa trở lại và đúng dịp mùng 5 tháng 5, còng sẽ kéo nhau về bên
các mương, rạch để lột vỏ, đông như ngày hội. Những bà mẹ quê chỉ làm động tác
nhẹ nhàng: xắn ống quần, rồi xách thùng thiếc ra đó mà hốt chúng về. Còng lột
vỏ, nhất là còng lửa đem rửa sạch, sau đó xếp chúng thành từng lớp trong keo,
hủ, rồi rưới rượu trắng vào cho thấm tất cả, kế đến giằng thêm chút muối rồi để
yên không động đậy chừng tuần lễ. Đến ngày thứ 7, chắt nước rượu ấy ra, thay
vào đó là phần nước đường đã nấu chín, cùng với thính (đậu nành rang vàng hoặc
gạo rang rồi đâm nhuyễn) rắc đều làm cho mắm còng thơm lừng, trở nên món mắm
độc nhất vô nhị. Khi ăn, mắm còng được trộn thêm với khóm, tỏi, ớt, ăn cặp thêm
với rau sống, chuối chát, bún, ngon đáo để…Ở quê tôi Bến Tre, trước đây, vùng Châu
Hòa, Châu Bình (Giồng Trôm), miệt đồng Mỹ Hưng, An Thạnh, An Qui…(huyện biển
Thạnh Phú)…còng nhiều vô số kể. Hồi đó, vào dịp mùng 5 tháng 5, vẫn thấy mắm
còng bày bán nhan nhản ở các chợ. Mắm còng được đựng trong các hũ sành (hũ cải
bách thảo) hoặc keo thủy tinh, mở nắp ra, thơm lừng…
Anh Tư Lý, một
nông dân ở ấp 5, xã An Thạnh (Thạnh Phú) bật cười khi nghe tôi nhắc đến chuyện
mắm còng. Tư Lý vỗ vai tôi : “ Hết rồi ông anh ơi ! Bây giờ, còng đâu có thời
gian mà lột nữa. Còng mới hơi lớn chút đã không thể thoát khỏi tay bầy trẻ bắt
cho tôm, cua, vịt…xơi tái’’.
Được cái
này, mất cái kia
Nghề nuôi thuỷ sản phát triển mạnh tại các
tỉnh ven biển ĐBSCL. Với nuôi tôm quảng canh và nuôi cua, nông dân tự chế biến
thức ăn để bổ sung thêm cho nguồn thức ăn có trong thiên nhiên. Vì thế, còng
được tận dụng làm thức ăn cho tôm, cua (bầm nhuyễn ra, trộn với tấm, cám) và
thực tế cho thấy, thức ăn từ còng tỏ ra rất hữu hiệu vì nó giàu dinh dưỡng. Mồi
còng đối với nuôi vịt ? Anh Hùng Giờ, một nông dân nuôi vịt ở cạnh Rạch Cừ (An
Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre), phân tích: “ Tròng đỏ của trứng vịt nuôi ở những
vùng cao như Bình Phước, Long Khánh, Đồng Nai chẳng hạn, bao giờ nó cũng chỉ
một màu vàng, không có được màu đỏ gạch như vịt đẻ nuôi được nuôi ở vùng sông nước
ĐBSCL. Đơn giản là người nuôi trên vùng đó không có còng để cho vịt ăn. Còng,
nhất là còng quều, con to, thịt rất giàu dinh dưỡng. Lúc vịt sắp đẻ, ngoài lúa
thóc ra, cứ bắt còng quều cho chúng ăn, chắc chắn tròng đỏ của trứng sẽ có màu
đỏ quạch-màu của loại trứng vịt chứa đầy đạm tố”.
Tôi mãi luyến tiếc món mắm còng lột dịp
mùng 5 tháng 5 âm lịch. Mắm còng lột tự nhiên ăn mềm nhũn, thịt còng liền lạc,
nước mắm quánh lại. Còn mắm còng thời thượng, ăn cũng mềm nhưng thịt còng bời
rời, sường sượng…”. Anh Hùng Giờ thì thào: “Thôi thì mất cái này mà được cái
kia…”. Thì ra, trong sức mạnh hái ra ngoại tệ từ tôm, cua xuất khẩu…, giúp
những vùng quê biển nghèo khó đổi đời đi lên, cũng có sự góp phần không nhỏ của
các chú… còng quều. Bây giờ, ăn mắm còng thời thượng rồi nhâm nhi ly rượu nếp
là để đở nhớ quê…
Đi bắt còng ( ảnh: PLHH). |
" mắm còng thời thượng vừa trộn với khóm, tỏi, ớt, củ riềng…," đã khiến mình nghe thèm chảy nước miếng ! Có phải vì nhớ quê ...hay vì nhớ dư vị ngày xưa ?
ReplyDelete