Nhớ cá rô đồng…
Phan Lữ Hoàng
Hà
Sau trời sa mưa
chừng hai tháng, chúng tôi bắt đầu vào mùa đi câu cá rô đồng. Khi con cá rô còn
nhỏ, người ta gọi cá rô mén, lớn chừng ba ngón tay gập lại gọi là cá rô mề. Cá
rô đồng ăn rất ngon ngọt, đậm chất hương quê.
Tuổi thơ |
Trước năm 1975, nhà tôi ở trên một giồng cát bao bọc là
đồng ruộng, thuộc ngoại ô tỉnh lỵ Kiến Hòa (Bến Tre). Cách trung tâm tỉnh lỵ
chừng vài ba cây số nhưng nơi đây, lúc đó, rặt màu nông thôn. Vì còn là học
sinh nên chúng tôi chỉ có thể đi câu vào ngày chủ nhật và chiều thứ bảy trước
đó, lo chuẩn bị mồi câu là trứng kiến vàng. Trứng kiến vàng xào lên, mùi thơm
của trứng rất hấp dẫn với cá rô đồng. Đi thọc ổ kiến vàng cũng là điều thú vị.
Chúng tôi phải luồn sâu vào những vườn trâm bầu mọc hoang, cây lá um tùm mới
thấy được những ổ kiến vàng kết trên ngọn cây. Dụng cụ thọc kiến vàng là cây
sào, trên đầu sào, buộc một túi vải lủng lẳng để hứng trứng kiến rơi xuống khi
mũi sào chọc vào ổ. Lắm khi thọc một ổ kiến vàng ở trên cao, không liên quan gì
đến đám kiến vàng ở dưới nhưng có lẽ để “binh bồ”, đám kiến này lại tấn công
chúng tôi. Kiến vàng như bay xuống, bám đầy trên đầu, bên cổ, sau lưng, chúng
cắn và “đái” (tiết ra một chất acid) vào da thịt người đi phá hoại tổ ấm của
đồng loại chúng. Nhưng kiến vàng cắn, có nhằm nhò gì, chà xát hay phủi cái là
xong. Lúc đó, trong ánh mắt hạo hực của chúng tôi, khoái nhất là “thu hoạch”
được nhiều trứng kiến vàng màu trắng và cưng nhất là những trứng kiến chúa còn
gọi là nhộng. Một anh bạn đi thọc trứng kiến vàng chung với tôi, xuýt xoa: “ Một
con nhộng là một con cá rô”. Chẳng là, các trứng kiến kia đều nhỏ như nhau
nhưng trứng kiến chúa lớn hơn, có thể móc trọn một trứng vào lưỡi câu.
Người ta ví con cá rô lớn theo lúa. Khi mạ vừa cấy xuống,
không thấy có con cá rô nào. Khi lúa vừa nở bẹ, vô số cá rô non, cá rô mén bắt
đầu xuất hiện, từng đàn, từng đàn bơi trong làng nước trong veo trên ruộng lúa.
Khi lúa sắp ngậm đòng đòng, cá rô mén đã thành cá rô mề. Cá rô cỡ nào cũng vậy,
chúng thích ăn mồi khi có nắng lên. Do vậy, người đi câu chọn thời điểm câu là
lúc sau 9 giờ sáng trong ngày và câu cho đến buổi chiều tà. Trời tối sầm, câu
rất khó dính cá rô. Khi mùa gặt đến, những con cá rô già như vẫn quyến luyến mảnh
đất mình đã sống, chúng cố tìm cách trườn xuống các mương đìa nương thân. Rồi
vào tháng hai, tháng ba, nông dân tát đìa hội cũng bắt hết ráo trọi các loài
tôm cá. Những con cá rô già bây giờ là bà nội của cá rô mề, màu vẩy đen lườm,
thịt cá ăn rất dai, béo ngậy.
Chúng tôi đi câu cá rô chủ yếu là để cải hoạt bữa ăn gia
đình. Số cá câu được (đôi khi cũng dính thêm vài con cá lóc) đem về, rọng vào
khạp, ăn từ từ. Thường các món ăn từ cá rô đồng, bà tôi nấu rất đơn giản nhưng
giờ thấy ngon đáo để. Chẳng hạn, bà tôi nấu theo gu của miền Tây Nam bộ: cá rô
nấu canh với khoai môn rồi để rau om vào, cá rô chiên ăn với nước mắm chanh,
tỏi, ớt và rau sống, cá rô kho tiêu…Và thú vị nhất là chúng tôi ăn cơm chiều trong
tiếng kêu hớt hải của mấy con chim trau trảu ngoài giồng, báo hiệu một ngày sắp
hết. Đêm đến, sau khi thổi ngọn đèn dầu, tôi ngủ ngon lành.
Bây giờ nơi tôi ở, nhà cửa mọc lên san sát, không còn một
miếng ruộng. Ra chợ thì gặp những con cá rô “biết nói”, có con bằng bốn ngón
tay gập lại, đó là cá rô nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Nhưng rồi với đà dân số
gia tăng và túi tiền của dân lao động, không riêng gì với cá rô nuôi công nghiệp,
loại thực phẩm nào rồi cũng bán sạch ở các quầy. Có điều, tôi tiếc nuối mãi
tiếng chim. Sáng sáng, những chú chim trao trảo vẫn bay lượn về trên cây miễng
cầu ta trước sân nhà tôi như để tìm lại chốn cũ. Nhưng tiếng chim trao trảo bây
giờ nghe thật dáo dác trước sức sống hừng hực của con người.
Đá dế (ảnh : PLHH). |
No comments:
Post a Comment