03/04/2013



Phóng sự

Những người đạp xe lôi cuối cùng
Phan Lữ Hoàng Hà

Nó đã từng là phương tiện chở khách trên bộ quen thuộc nhất ở miền Tây nhưng giờ ngày càng vắng bóng. Cũng không ai muốn kế thừa cái nghề cực nhọc này. Xe lôi đạp rồi sẽ thành ký ức.

Xe kéo tại chợ Bến Tre xưa


“HẬU DUỆ” CỦA XE KÉO, TIỀN THÂN XE ÔM
Nhà văn Trang Thế Hy, người quê Bến Tre, nay gần 90 tuổi, nhớ lại: “Trước năm 1945, tuy không nhiều nhưng nội ô tỉnh lỵ Bến Tre cũng có xe kéo. Những chiếc xe kéo có hai càng, kéo đi bằng sức người, chạy sòng sọc trên đường phố. Người phu xe có chiếc khăn quấn ở cổ để thỉnh thoảng lau mồ hôi, trông thật gian lao, tội nghiệp!”. “Xe kéo dành để chở người nhà giàu, người có chức có quyền” - tôi hỏi nhà văn, ông nói: “Ai đi cũng được, nhất là các sản phụ rất cần. Hồi nhỏ, tôi cũng có lần đi xe kéo với má tôi…”.
Năm 1945 là thời điểm bắt đầu xuất hiện những chiếc xe lôi đạp. Đồng hành với xe lôi đạp còn có xe xích lô, xe lôi máy (Follis) rồi xe lam. Thường xe lôi đạp, xe xích lô hoạt động nơi nội ô các đô thị ở miền Nam, còn xe lôi máy, xe lam, chạy xa hơn, như đi liên huyện chẳng hạn. Tiếng nổ của xe lôi máy rền rền, chạy đến đâu thì từ đầu xóm đến cuối xóm đều nghe, nó tựa như “sư phụ” của xe lôi đạp.
Xe lôi đạp ngày càng phát triển, thịnh hành. Tuy nhiên, sau năm Mậu Thân 1968, xe lôi đạp đã bắt đầu nhường khách cho Honda ôm. Honda ôm nói chung xuất hiện đầu tiên ở các đô thị miền Nam là xe Honda 50, Honda 67, Suzuki (đời cũ), Kawasaki (đời cũ)… và lác đác cũng có những chiếc Goebel (máy Sachs của Đức). Đặc biệt  từ sau năm 1968 đến gần giải phóng, cảnh sát công lộ chế độ cũ qui định tại đô thành Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh), người ngồi sau xe Honda đang di chuyển buộc phải ngồi một bên, bất luận nam hay nữ (để chống cướp giựt trên đường phố). Với qui định này, các anh xe ôm là những người trước tiên phải chấp hành… Cũng giống như xe lôi đạp, sau năm 1975, Honda ôm càng phát triển mạnh và trở nên tiện ích cho mọi người. Duy chỉ có… xe đạp ôm (một thời ở Bến bắc Cần Thơ) là chết yểu.
Xe lôi đạp đắc dụng
Anh Huỳnh Thiệt Giỏi, người bạn cùng thời dưới mái Trường Trung học Kiến Hòa với tôi, đã có trên 30 năm sống nghề xe lôi đạp trước cổng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu - Bến Tre. Thuở học sinh, anh thường mặc áo ủi phẳng phiu, chân mang giày Ba ta, đầu tóc chải tém, rất đẹp trai. Nhưng rồi đời mỗi người mỗi phận, anh gắn bó đời mình với chiếc xe lôi đạp, trông anh thật phong trần so với bạn trang lứa. Anh kể: “Đời sống của gia đình tôi nào giờ chỉ biết trông cậy vào chiếc xe lôi. Nhưng bây giờ xe lôi rất vắng khách. Cuộc sống cứ như là chờ… sung rụng từng ngày!”.
Quả vậy, tôi ngồi nói chuyện trên trời dưới đất với anh Giỏi gần cả tiếng đồng hồ, vậy mà không thấy có người khách nào đến kêu anh chạy xe. Hai chiếc xe lôi đạp đậu kế bên anh cũng vậy, không có khách. Cả hai bác tài xe lôi ngã người trên xe của mình, thiu thiu ngủ.
Anh Giỏi tiếp tục câu chuyện, giọng lạc quan: “Có nhiều trường hợp xe Honda ôm, xe tắc xi không thể nào chở được bệnh nhân đâu. Ví như bệnh nhân băng bột khắp chân, bệnh nhân bị gãy xương sống, hoặc  là chở xác bệnh nhân trong đêm. Việc này thì xe lôi đạp luôn tỏ ra đắc dụng. Và đắc dụng hơn cả là xe lôi có thể đạp luồn sâu vào được các con hẻm nhỏ, kể cả đường vườn trong khi  taxi bó tay”. Anh Giỏi kể tiếp: “Có lần một bệnh nhân nghèo qua đời lúc nửa đêm, gia đình đã nhờ xe lôi chở về xã Hữu Định. Đường từ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu đến xã Hữu Định khá xa nên trong  trường hợp này, anh xe lôi phải kêu thêm anh Honda ôm để trợ lực, xong việc sẽ chia tiền 3/7 cho anh Honda ôm ”. “Trợ lực là sao?”- tôi hỏi. Anh Giỏi nói rằng đạp xe lôi quá xa sẽ đuối sức, thêm nữa đi trong đêm đường sá tối tăm, cần anh Honda ôm sẽ tiếp sức, pha đèn cho xe chạy. Xong việc, trở về trong đêm với chiếc xe lôi vừa chở xác người, có hai người cũng ấm áp, yên lòng hơn. Còn với cánh xe taxi, họ sợ xui xẻo…”.
Trước năm 1995 là thời “hoàng kim” của nghề chạy xe lội đạp tại thị xã Bến Tre (nay là TP. Bến Tre) với trên 600 chiếc nhưng hiện giờ thì còn lại chỉ khoảng 60 chiếc. Tại cổng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, nơi xe lôi chuyên chở khách, ít chở hàng hóa, trước đây có trên 30 chiếc sắp tài với nhau, giờ chỉ còn lại bảy, tám chiếc, khách của ai người đó chờ. Những chỗ khác lèo tèo hơn nhiều. Tại Bến Lở còn hai, ba chiếc, ngã tư Tân Thành hai chiếc, chợ An Hòa, phường 8 vài ba chiếc, Chợ Giữa (Phú Hưng) hai chiếc… và một số đậu xe tại nhà chờ mối quen đến gọi chạy. Hầu hết những chiếc xe lôi trên đều chở hàng hóa, bàn ghế, vật liệu xây dựng…
Vào dịp Tết, đi chợ hoa xuân, muốn mua vài chậu hoa, kiểng đem về nhà mới thấy chiếc xe lôi cần thiết dường nào. Mặt khác, số tiền phải trả cho người đạp xe lôi xem ra cũng phải chăng. Anh Giỏi thì thầm: “Những người chạy xe lôi như tụi tôi bây giờ đã bước vào hàng…U 60 hết rồi. Cái tuổi tri thiên mệnh, khó mà thay đổi được gì nên phải ráng!”.
Xe lôi đạp chờ khách
Xe lôi đạp chờ chở hoa xuân.

Không mong truyền nghề
Anh Lê Văn Hai ngụ phường 5, TP Bến Tre đến với chiếc xe lôi đạp cũng cùng thời với anh Giỏi. Vợ anh Hai vốn là giáo viên (cô Võ Thị Vân, nay đã nghỉ hưu) dạy học ở Trường Tiểu học xã Phú Hưng và sau đó là Trường Tiểu học phường 6, thị xã Bến Tre. Cuộc sống khó khăn, vất vả, vợ chồng anh quyết định chỉ có một đứa con. Con trai của anh chị là  Lê Quốc Tuấn, sinh năm 1987. Hoàn cảnh khó khăn nhưng Tuấn rất hiếu học, lại học giỏi. Tuấn học ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre (chuyên môn sinh). Với ngôi trường chuyên này, việc thi đậu vào đây là rất khó và là niềm mơ ước nhiều phụ huynh học sinh tại tỉnh. Nhưng với Tuấn, khi thi vào trường này, Tuấn đã đậu với hạng giỏi làm cho cả khu phố đều bất ngờ. Bất ngờ vì Tuấn là con của người chạy xe lôi đạp và rồi càng bất ngờ hơn nữa là lúc Tuấn học lớp 12 ở Trường Trung học phổ thông Chuyên Bến Tre, Tuấn là học sinh giỏi vòng toàn quốc môn sinh nên vào năm 2005 Tuấn được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Anh Hai tâm sự: “Đời mình đã quá nhọc nhằn nên vợ chồng tôi cố gắng nuôi con ăn học để sau này nó có một cái nghề không vất vả như cha. Biết cháu học giỏi, gia đình chúng tôi khó khăn, ngay khi cháu học năm thứ nhất, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre đã cấp học bổng 200 euro cho cháu. Tôi rất cám ơn Hội và lòng tốt của một số bạn hữu khác của tôi đã hỗ trợ, giúp đỡ cháu. Còn bằng như không có gì mà nó ham học như vậy, nếu phải bán nhà để lo cho nó ăn học thì tôi cũng làm”. 
Lê Quốc Tuấn năm nay là sinh viên năm thứ 5 Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Về Bến Tre thăm cha mẹ hồi gần đây, Tuấn nói là sau năm thứ 6, Tuấn vẫn có khả năng ở lại trường để tiếp tục học 3 năm chuyên khoa nội trú để sau đó ra trường là thạc sĩ, bác sĩ. Mà muốn được học chuyên khoa nội trú thì phải là một sinh viên khá, giỏi.
Từ đầu năm 2003, vì bị bệnh, anh Hai không còn đạp xe lôi ở bến trước cổng Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Mấy năm rồi, sức khỏe của anh sa sút, nước da ở anh ngày càng nhợt nhạt hơn. “Nghe nói anh Hai bị bệnh đau đường ruột nên giã từ nghề xe lôi?”- tôi hỏi. Ngồi trên giường bệnh tại nhà, bỗng anh đứng lên, vén áo cho tôi xem ống nước tiểu đeo bên hông, anh nói: “ Tôi bị u xơ tuyến tiền liệt… Ông hỏi thì tôi nói thật, để ông viết báo. Nhưng viết báo là viết về đứa con của tôi, nó đã cố gắng trong học tập và đó là an ủi lớn nhất đối với vợ chồng tôi, chớ không phải tôi “kể khổ” để mong có được sự giúp đỡ nào đó nghen. Cháu Tuấn đọc báo nó sẽ buồn. Nó muốn tự thân phải vượt qua mọi nghịch cảnh…”.
Ngồi lại xuống giường bệnh, anh Hai bình thản: “Nhờ vào chiếc xe lôi mà hơn 20 năm tôi đã nuôi sống bản thân và lo cho con ăn học. Nhưng trên đời này có những nghề ta cũng đừng cần đến sự kế thừa, như nghề đạp xe lôi của chúng tôi”.
Không như những nghề khác con nối nghiệp cha, nghề xe lôi đạp hiện nay hầu như không có truyền nhân, không có trai trẻ mà chỉ còn lại những người ở hàng U-50, U-60, kể cả U-80 cũng có. Và rồi ngày ngày họ vẫn… gò lưng, lẩn khuất đâu đó giữa phố phường.
P.L.H.H. 

No comments:

Post a Comment