02/04/2013



VÀI NÉT VỀ TRƯỜNG TRUNG HỌC KIẾN HOÀ

Bùi Thanh Kiên


Ngày xưa, các tỉnh miền Tây chỉ có hai trường trung học: Trường Collège Le Myre de Vilers tức là Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho bây giờ và Trường Trung học Cần Thơ. Ở Sài Gòn có Trường Pétrus Ký và Trường Gia Long. Cả bốn tỉnh: Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Tân An đều phải thi vào lớp đệ thất của Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Trường chỉ tuyển khoảng 500 học sinh cho 10 lớp. Thi vào đã khó, cha mẹ học sinh phải khó nhọc hơn nữa để chạy tiền lo gạo cho con đi học suốt mấy năm trời. Các gia đình nghèo không kham nổi việc học hành quá tốn kém của con. Thông cảm hoàn cảnh đó, thầy thanh tra tiểu học Nguyễn Văn Trinh xin phép mở trường trung học cho tỉnh nhà và tổ chức kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất đầu tiên. Kết quả được công bố sáng ngày 23 tháng chạp âm lịch năm 1954. Sĩ số thu vào khoảng 150, dành cho 3 lớp đánh theo thứ tự A, B, C. Lớp A dành cho nữ sinh, lớp B và C là nam sinh. Vì lớp A sĩ số ít nên các nam sinh tuổi nhỏ và nhỏ con như anh Đỗ Quang Trường, Nguyễn Khắc Hải, Tạ Trung Quan được đưa qua bổ sung. Ba phòng học của Trường Tiểu học Phan Thanh Giản ở mặt tiền đường Đồng Khởi (ngày nay) được trưng dụng để làm 3 lớp đệ thất. Đồng phục là áo bà ba trắng, nam sinh mặc quần trắng, nữ sinh mặc quần đen. Phù hiệu là miếng nỉ đen hình bầu dục thêu 3 chữ THB (tức là Trung học Bến Tre) bằng kim tuyến. Dưới hàng chữ là một chấm kim tuyến dành cho lớp đệ thất, hai chấm dành cho lớp đệ lục. Tới năm tôi học đệ ngũ, trường thay phù hiệu trên bằng phù hiệu kim loại có mang hình quyển sách và bó đuốc với hàng chữ Trung học Kiến Hoà. Thầy Nguyễn Văn Trinh là hiệu trưởng đầu tiên. Quí thầy cô dạy lớp đầu tiên phần đông ở tại tỉnh. Thầy Nguyễn Duy Oanh (Văn), thầy Nguyễn Văn Vân (Toán), thầy Nguyễn Văn Nho (Pháp văn), thầy Thượng Công Kế, thầy Nguyễn Siên, thầy Nguyễn Tri Tôn, thầy Nguyễn Văn Thắng, cô Liên (Thể dục).
Năm sau, trường mở 4 lớp đệ thất, giáo sư có thêm thầy Võ Văn Dung, cô Lê Thị Sâm (Pháp văn), thầy Đặng Vũ Hoãn (Văn), thầy Trần Đình Đạt (Toán), thầy Huỳnh Gia Đức, thầy Trịnh Huế, thầy Ngô Thanh Sơn, thầy Trần Minh Trung. Tới năm chúng tôi học đệ tứ, lực lượng giáo sư mới thật sự đông đảo với thầy Phạm Đình Phi, thầy Phạm Đình Đằng, thầy Phạm Đình Tiếu, thầy Đào Văn Sơn, thầy Đào Nhường, thầy Khải, thầy Tạ Ngọc Minh, thầy Văn,…
Người gây ấn tượng lớn lao, sâu đậm trong đời học sinh chúng tôi chính là thầy Hiệu trưởng đầu tiên. Tôn chỉ giáo dục của thầy là dạy cho học sinh lễ và trí. Ngay cổng trước của nhà thầy có câu đối:
Ra cửa dạy trò văn hoá mới,
Vào nhà khuyên trẻ lễ nghi xưa.
           Ý hướng mục tiêu giáo dục nầy, năm 1972, anh Nguyễn Đăng Phu lặp lại trong câu đối:
           Hàm dưỡng nhân luân minh tuấn đức,
           Hoằng khai khoa học tác tân dân.

Cặp câu đối được chạm khắc theo nét bút của bác Nguyễn Kim Anh, tiệm Đông dược Đồng Xuân Các.
Để thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo, thầy Hiệu trưởng dẫn chúng tôi đến thắp nhang phòng thờ Giáo sư Tiền vãng, một phòng ở gian giữa trên lầu 1 của trường tiểu học. Phòng bày biện đơn sơ, chỉ có một bảng gỗ khắc tên các bậc thầy cô quá cố, hai bên có câu đối tôn vinh bổn phận của thầy và trò:
Dạy trẻ khô buồng phổi,
Thờ thầy lụn nén hương.
Sau nầy, thầy vận động lập Miếu Thờ Thầy (còn gọi là Ân Sư Từ) vào năm 1972. Đối với các môn sinh, thầy bao giờ cũng coi họ như con, sẵn sàng giúp đỡ và lo lắng cho đời sống. Tôi nhớ rất rõ, trong năm học 1956-1957, lúc còn làm Trưởng ty Tiểu học kiêm Hiệu trưởng trung học, thầy đến 3 lớp đệ ngũ hỏi xem có người nào muốn ra dạy học với ngạch trật của một giáo viên tiểu học phụ khuyết thì thầy bổ nhiệm ngay. Lớp tôi, lớp đệ ngũ C lúc đó, có các anh Mai Văn Giàu, Dương Văn Phối, Bùi Văn Sửu đi theo hướng đó và theo nghề đến tuổi hưu.
Lúc đó, Trường Trung học Kiến Hoà chỉ được phép mở cấp 2. Mùa hè năm 1958, sau khi tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp, chúng tôi phải rời trường để sang Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho học lớp đệ tam; năm kế tiếp cũng vậy.
Năm 1972, trường đổi tên là Trường Trung học tổng hợp Lạc Long Quân, có thêm các lớp dạy nghề như thêu may, nấu ăn, đánh máy…
Năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, trường chính thức mang tên Trường Phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu, rồi đổi thành Trường Trung học phổ thông chuyên Bến Tre.

1 comment:

  1. Muốn biết thêm thông tin về ông cố, nên cháu ngồi google 2 câu đối trước cửa nhà ngày xưa thì ra bài này. Cám ơn bác đã có lòng hoài niệm ông cố cháu

    ReplyDelete