Huỳnh Thanh Quang
Mười năm sống đơn độc, thầy Phan Thế
Chánh tự nấu nướng, sinh hoạt một mình trong ngôi nhà khá rộng bên đường Đoàn
Hoàng Minh, phường 6, thành phố Bến Tre. Tuổi đời của thầy càng già, đời sống
sinh hoạt của thầy càng lặng lẽ nhưng nền nếp, vén khéo.
Cổng Trường Trung học Tổng hợp Lạc Long Quân. |
Thầy
Phan Thế Chánh năm nay 79 tuổi. Ngày nào cũng như ngày nào, ngoại trừ những hôm
mưa lớn, thầy đều dậy lúc 4 giờ sáng rồi đạp xe đi thể dục. Lộ trình của thầy
đi tập thể dục là thầy đạp xe khá nhanh ra ngoại ô thành phố Bến Tre. Đạp vài
vòng cho thanh thản, đến lúc khoảng 5 giờ sáng, thầy dừng lại ở một quán cà phê
bên đường cạnh chùa Pháp Tam (phường Phú Khương). Thầy ngồi vào đúng chiếc ghế,
cái bàn mà hàng ngày thầy ngồi, ngó ra ngoài đường, kêu ly cà phê, thường là cà
phê sữa. Thi thoảng có những người thầy cũ đến cùng bàn, ngồi uống cà phê và
trò chuyện với thầy. Câu chuyện có dài gì cho mấy nhưng đến lúc gần 6 giờ thì thầy sẽ từ giã ra về. Từ
quán, thầy đạp xe đạp cũng khá nhanh trở về nhà ở phường 6. Sau đó, thầy lo
công việc ở nhà và chuẩn bị hai bữa cơm cho thầy. Thầy nói: “ Thầy có 3,5 công
đất vườn, kể cả nền nhà. Vườn dừa ở thị thành không có trái trăn gì nhiều, giá
dừa lại lên xuống thất thường nên đời sống của thầy cũng chắt chiu lắm…”. Tôi
hỏi thầy: “Ngoài ra thầy có thêm nguồn hỗ trợ nào?”. Thầy Chánh cho biết thầy
có hai người con, mỗi người con hỗ trợ thêm cho thầy. Đó là người con gái lớn
của thầy, chị Phan Thị Phương Khanh, hiện dạy môn Vật Lý, Trường Trung học
Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre, đã có gia đình và ở riêng. Kế đến là người con
trai, anh Phan Thế Cường, làm việc ở ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thầy nói, thầy sống
chỉ một mình, đâu có mua sắm gì nhiều.
Thầy
Phan Thế Chánh nhớ lại:” Từ năm 1961 đến năm 1963, thầy dạy học tại Trường
Trung học Tống Phước Hiệp, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1963 thầy bắt đầu về Trường
Trung học Công lập Kiến Hòa dạy môn Vạn Vật. Cuối năm 1973, thầy được bổ nhiệm
làm Hiệu trưởng Trường Trung học Công lập thay thầy Trần Kim Quế. Đến năm 1974,
Trường Trung học Công lập Kiến Hòa đổi tên là Trường Trung học Tổng hợp Lạc
Long Quân, thầy vẫn làm hiệu trưởng ở đó”.
Một
trong những sự cố buồn nhất của cuộc đời thầy Phan Thế Chánh là cô Nguyễn Thị
Kiêm Quyên, vợ thầy từ trần năm cô 69 tuổi. Cũng giống với thầy Chánh, cô Kiêm
Quyên dạy môn Vạn Vật, ban A, Trường Trung học Công lập Kiến Hòa. Nhiều bác sĩ
sau nầy, khi lên Sài Gòn học lấy chứng chỉ dự bị SPCN (để thi vào Đại học Y
Khoa Sài Gòn), được kết quả khả quan là cũng nhờ vào kiến thức học môn Vạn Vật
từ thầy Chánh và cô Quyên. Tôi học môn Vạn Vật do cô Quyên dạy năm lớp 11, lớp
12 nhưng không dám mạo muội thi vào y khoa vì xét thấy mình không đủ khả năng.
Phải thi đậu Tú Tài 2 hạng ưu, hạng bình trở lên mới hy vọng.
Đã
quá nhiều năm rồi nhưng khi tôi vô tình ném viên đá nhọn vào thầy Chánh, tức
nhắc lại tôi là học trò của cô Quyên, thì bỗng dưng tôi thấy đôi mắt thầy rướm
buồn, thầy nói: “Hồi đám tang cô, có đông đủ thầy cô và các học sinh đến tiễn
cô đi. Với thầy, thầy còn có rất nhiều kỷ niệm mang đầy ấn tượng khác nữa đó là
tình đồng nghiệp, những tấm lòng của các em học sinh dành cho thầy, cô. Thầy
nghe nói, các em bây giờ đã lớn lắm rồi, có em đầu bạc trắng nhưng không phân
biệt địa vị xã hội, giàu nghèo vẫn thường gặp gỡ nhau để chia sẻ buồn vui của cuộc
sống, quấn quýt nhau như thuở còn chung dưới mái trường. Điều này quý lắm. Thầy
gởi lời thăm tất cả các em”.
Buổi
chiều hôm tôi đến thăm thầy Chánh cũng gặp lúc thầy Nguyễn Văn Thọ đang hàn
huyên với thầy Chánh. Thầy Thọ nói:” Năm 1974 tôi về dạy học ở Trường Trung học
Tổng hợp Lạc Long Quân nhưng tôi vẫn gọi thầy Phan Thế Chánh là thầy vì trước
đó tôi là học trò của thầy Chánh”.
Buổi
chiều ấm cúng này rồi sẽ tan dần như ánh nắng hoàng hôn ngoài sân vườn nhà thầy
Chánh. Tôi biết, sau khi thầy Thọ từ giã thầy Chánh ra về, lại một đêm nữa như
mười năm đã qua, thầy tôi – thầy hiệu trưởng Phan Thế Chánh – sống trong lặng
lẽ và với một nghị lực phi thường.
No comments:
Post a Comment