19/04/2013



Hồi còn làm học trò, tôi… đã phá sát số, khi làm thầy giáo, tôi… còn phá hết chỗ chê

            Bùi Thanh Kiên



      Có nhiều người sống lâu năm, tự làm ra vẻ đạo mạo, khi giao tiếp thì giữ kẽ nhiều quá, nói theo truyện võ hiệp Kim Dung thì “kiếm quang che kín, giọt mưa cũng khó lọt”. Tôi lại nghĩ khác, luôn luôn tự nhủ mình bây giờ đã già thiệt rồi, già chánh hẩu, không phải già giú khí đá đâu! Nhưng tôi sống rất tự nhiên, miễn mình đừng làm gì bậy bạ thì thôi. Lúc nhỏ, đi học, tôi cũng phá chút chút, đi dạy rồi mà cũng vẫn chọc phá chút chút, già rồi đôi khi cũng “động lòng nhớ cảnh giang hồ” mà đùa dai chút chút cho cuộc sống đỡ nhàm chán.
Trời sinh ra, tôi đã phá tán bậy bạ. Lúc đi học bậc tiểu học, tôi đã bắt đầu phá, dầu bản thân còn rất lù khù. Mới học lớp 3, vì gọi một thằng bạn tên Liêm là “ta liêm”, tôi bị ông thầy nắm lỗ tai xách nhóng lên, dện một phát điếc con ráy, làm lỗ tai lùng bùng cả buổi. Học Trung học Kiến Hoà, lần đầu tiên nghe mấy thầy nói tiếng Bắc, tôi thấy lạ lắm. Nghĩ lại, thấy mình cũng bậy thiệt! Thầy Đặng Vũ Hoãn dạy môn Việt văn, có tật đọc bài có ca có kệ, với cách phát âm rặt địa phương miệt làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định: “Rọc đường đất quanh co, hai bên đầm zộng ngòi rài, cuối thu sen đã tàn chỉ còn sót nại trên mặt nước những chiếc ná nhăn nheo như buồn một nỗi buồn ni biệt”. Tôi vô lớp sớm, nhái lại cách đọc đó, bạn bè cười bò. Có lần thầy đọc chữ danh từ trừu tượng ra chữ “ranh từ chiều tượng”, tôi đã hiểu nhưng quay sang hỏi người bạn ngồi gần: “Chiều tượng là gì?” Nghe hai đứa nói chuyện, thầy cầm cây thước lăm lăm trong tay, xuống tới bàn kêu tôi đứng dậy. Tôi đứng dậy thưa: “Thầy nói chiều tượng, em không hiểu nên mới hỏi bạn em”. Thầy bảo: “Thằng nầy rại rột quá! Đã bảo chiều tượng là phản nghĩa với cụ thể. Thế mà chả hiểu tí gì, vớ vẩn”.
Tới năm chúng tôi lên đệ tứ, có nhiều thầy mới ra trường rất trẻ tới dạy như thầy Đào Nhường, thầy Trịnh Huế. Thấy thầy Huế nhỏ người, có vài người bạn của tôi nói: “Thầy gì nhỏ con như trái cà nướng”. Báo hại, thầy bực mình, lên méc với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trinh. “Ông già râu kẽm” cho thầy giám thị lớp đệ tứ 3 (lúc đó là thầy Mùi) quần chúng tôi một bữa nhưng cũng chẳng tìm ra thằng nói bậy. Thấy thầy giám thị Mùi to mập, không có eo nên chẳng biết thằng nào trong lớp đặt cho thầy cái hỗn danh là “chai xì dầu”.
Vô học lớp đệ tam C, Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho, lúc đầu lạ nước lạ cái, tôi còn hiền lành. Lớp nầy chỉ có 39 trự: 14 lão thầy đồ ban D (học Hán văn và sinh ngữ Pháp) cùng với 25 tên ban C (học sinh ngữ Anh và Pháp), trai có, gái có, trong đó có tôi. Nam nữ được xếp ngồi lộn xộn với nhau. Chúng tôi- ba thằng “lục lạc lửa” ngồi sau lưng ba vị tiên cô “chằn ăn trăn quấn”, trong đó có nàng hỗn hào số một, tên là Võ Thị Hoàng Lan. Tụi tôi tính rồi, vô lớp thật sớm, đãi cô nàng bằng món cây nhà lá vườn: thả kiến vàng dưới đất, trét trái mắt mèo trên bàn viết (tụi tôi còn nhơn từ không trét lên băng ngồi). Kiến bò lên vạt áo dài, tay để trên bàn bị ngứa cũng phải trân mình chịu suốt buổi. Từ đó, tình hình mới được “bốn bên phẳng lặng, hai kinh vững vàng”.
Tôi vừa dạy học ở Trung học Công lập Kiến Hoà, vừa học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trong trường, có một thầy lớn tuổi, vì thành ý mà nói với chúng tôi: “Mấy chú mới học Hán văn, có gì thắc mắc thì hỏi, tôi chỉ cho”. Đáng lẽ với bậc trưởng thượng có lòng tốt như vậy, tôi phải kính trọng mới phải. Đàng này, tôi lại có cái nhìn khác nên làm một chuyện bây giờ nghĩ lại thấy bậy quá. Hồi đó, từ ngữ “cái quần” được tụi tôi dùng nói với nhau để biểu lộ ý phản đối. Tôi mới chế ra một chữ Hán để hỏi, nhờ thầy tìm dùm. Cả một tuần lễ, thầy lật hết sách nọ, giở hết sách kia mà vẫn không tìm ra được. Tôi lại đem chữ đó tới vấn anh Huỳnh Minh Đức. Anh nầy thì khỏi chê, người Hoa, theo nền giáo dục Trung Quốc nhiều năm, có gì mà chẳng biết! Coi xong chữ, anh Đức nói: “Không có chữ nầy, mà mầy nói nó nghĩa gì?” Tôi nói: “Đây là chữ quần. Anh coi: bên trái là bộ y, bên phải là chữ mã. Mã y là Mỹ A, không phải là quần sao?”
Đi dạy, tôi vẫn thuộc loại dân quê cù lần chạy chỉ. Nhưng thói nào tật ấy, phá thì vẫn phá. Ra dạy ngoài Trường Tân Dân, tôi gặp thầy N.Đ.L dạy Lý Hoá, thầy dạy cũ của bà xã tôi. Thầy hiền lành, thường đi tay không tới lớp, cái tép đựng sách vở gác lên đầu tủ. Năm đó, có một đám thợ quét vôi, sửa chữa vài lớp học. Giẻ lau, lon sơn quăng vung vãi trong văn phòng. Một buổi sáng thứ bảy, tôi mở phéc-mơ-tuya, lấy hết sách vở trong tép ra, nhét đầy ba thứ hổ lốn vào. Thầy dạy xong, chỉ vói tay lên lấy cái tép, ràng sau xe Ischia là chạy dông về nhà. Mở ra, thầy mới thấy hỡi ôi: lon sơn, giẻ lau đầy một tép! Thầy phải chạy vào trường để kiếm đám sách vở để soạn bài, chắc cũng đã chửi lầm thầm. Thầy qua đời cách nay đã lâu, nhưng có lẽ đến giờ nầy thầy cũng chưa biết thằng nào “mất nết” dám phá đến như vậy!
Bây giờ, mình đã là thanh niên lâu năm rồi, nhớ lại ngày xưa, lòng nảy ra những vui buồn lẫn lộn. Bằng trang ngang lứa, có đùa dai một chút, bạn bè cũng không nỡ chấp. Còn bậy với người già cả thì đáng đánh đòn lắm. Khi đi ra dạy, học trò nó lại phá mình để trả quả. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Nhưng học trò phá có nhằm nhò gì đâu. Ông thầy của tụi nó vẫn “nợ lút đầu lút cổ” vì đã “cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”.
Từ lâu, mình đã “mất dạy” mà lại còn “bất lương” nữa, liệu có đứa học trò già nào dám tới đây… cả gan đòi món nợ ngày xưa?

Các nhóm văn nghệ Trường THCL Kiến Hòa đạt huy chương.

1 comment:

  1. Thưa thầy , có một nữ học trò già -cũng đã " mất dạy ' và "bất lương"nữa- cũng rất muốn cả gan ...gặp thầy đấy ạ !

    ReplyDelete