Hồi tưởng
MINH
(1966-1973)
Ấn tượng sân trường |
T
|
ôi trở lại Bến Tre
để dự buổi họp mặt cựu học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hoà vào một ngày
nắng đẹp. Do nắng đẹp nên tôi phải ghé nghỉ ở quán ven đường bên Tiền Giang và
ngủ quên đến gần 1 giờ trưa. Đến nơi, tôi bị trễ giờ dự khai mạc.
Vừa gặp tôi, Bênh nói:
- Tưởng mầy năm nay
không về được chứ!
- Cố gắng lắm!
- Thần tượng của mầy
kìa!
Nhìn theo hướng tay của
Bênh, tôi thấy Hồng Yên trẻ đẹp rạng rỡ trong nhóm bạn nữ.
- Cô nàng quên tao rồi.
Cả bàn cùng cười, tôi
chẳng hiểu cười theo nghĩa gì. Thuở ấy, tôi và đám bạn trai rất ghét cái bài
báo mà Hồng Yên viết khi đang là trưởng ban báo chí của lớp. Bài báo ấy bị cả
lớp xì xào và thầy cô nhắc nhở. Thầy Phan Quang Đình dạy Pháp văn (thay thầy
Trần Tử Nhuệ) nói:
- Trưởng ban báo chí
đâu sao không kiểm, lại cho đăng bài báo ấy, khi trong lớp có học sinh nam và
học sinh nữ.
Thầy Thái Thành Củi
không rõ có biết câu chuyện giữa tôi và Hồng Yên hay không, lại nói:
- Việc học và chuyện
ngoài đời có khi không khớp nhau. Toán học khẳng định 5x2=10. Ngoài đời, một
cái bánh 2 đồng nhưng 5 cái bánh lại 9 đồng. Nói văn chương hơn, không nên đánh
con gái dù chỉ bằng một cành hoa. Vậy mà ngoài đời có khi phải bằng tát tai
(câu chuyện này chẳng có đánh đấm gì cả, xin đừng hiểu lầm).
Dự buổi họp mặt năm
2010, tôi chủ động đến “làm quen” khi Hồng Yên đứng nói chuyện cùng Xuân Hoà và
Nguyệt Hồng:
- Chào Hồng Yên, nhớ
mình không?
- À, nhớ chứ! Hồi đó,
bạn học lớp nào?
Tôi cười:
- Có Xuân Hoà và Nguyệt
Hồng ở đây thì biết là học lớp nào rồi.
Hồng Yên lật xem bảng
tên tôi đang đeo:
- À, bạn Minh. Bây giờ,
bạn ở đâu?
- Xa lắm, tận Long
Khánh!
- Vậy sao? Chúc bạn may
mắn nhá!
- Cảm ơn!
Chỉ có vậy, Hồng Yên
quên thật rồi sao? Tôi thì cố quên lại càng nhớ. Điều gì buồn thì nên quên,
điều gì vui thì nên nhớ, để thấy đời đáng yêu hơn. Hoá ra mình lại dở hơn Hồng
Yên nữa sao?
… Dự buổi họp khối
01-01-013, tôi ngồi chung bàn với Dũng. Dũng hỏi:
- Sao mầy lơ là, không
tự nhiên với bạn cùng lớp vậy? Xuân Hoà và Hiền kìa.
- Thôi, để yên đi. “Tụi
nó” không nhìn thì mình nhìn làm gì.
- Mầy như vậy là không
được, đi với tao.
Dũng kéo tay tôi đứng
dậy. Sự nhiệt tình của Dũng cũng không làm tôi xiêu lòng. Một hồi, Dũng dẫn
Hiền đến:
- Đây là Minh và đây là
Hiền, bạn cùng lớp.
Hiền nói:
- Chào bạn, đã gặp rồi.
Tụi mình đã đến tuổi gần xuống lỗ cả rồi. Mỗi năm họp mặt gặp nhau cho vui vẻ.
Tôi ngỡ ngàng chìa tay
bắt tay Hiền, quên cả đứng dậy để tỏ lòng kính trọng. Cảm giác hạnh phúc đến
khi bạn bè còn vui vẻ nhớ đến nhau.
Lúc gần ra về, tôi gặp
cô bạn già mà còn rất trẻ. Tôi để ý mấy năm liền, vì cô có giọng ca vàng nên
nhận được nhiều ái mộ những khi họp mặt thế này. Thuỷ hỏi:
- Bạn học lớp nào mà
vẫn thường gặp?
- B 6. Thuỷ đệ tứ 1 chớ
gì. Bạn cả Yến. Bạn học với Huỳnh Kim Liễu Nhứt-bạn cùng xóm với mình.
- Liễu Nhứt hả? Có dự
hôm nay và vừa mới ra về.
Tôi nhìn theo hướng cầu
thang và hành lang để tìm kiếm nhưng không thấy. Sao mình lơ đểnh đến vậy!
Liễu Nhứt học cùng cấp
và ở cùng xóm với tôi ở chợ Ngã Năm. Hồi đó, tôi không thích cái lối quét rác
của Liễu Nhứt, thường khi hất rác từ nhà sau của Liễu Nhứt vào sân nhà trước
của tôi. Chúng tôi không phải là người Mỹ để gọi nhau I, you mà là người Việt Nam
nên vẫn xưng hô tao, mầy. Liễu Nhứt hay ăn hiếp tôi vì cả nhà Liễu Nhứt quá
đông anh chị em. Mấy chục năm xa cách, gặp nhau trong lần họp mặt năm 2012 ở
Nhường Trà, Liễu Nhứt vồn vã hỏi thăm và gọi nhau bằng tên, không còn mầy, tao
nữa. Cô bé ngày xưa nay đã chững chạc hơn rồi.
Bênh điện gọi tôi xuống
Đông Giang tửu quán để nhâm nhi thêm, có cả Yên, Tấn, Thanh, Minh (mã tấu)…
Những gương mặt cách đây trên 40 năm. |
Tối đến, Nhẫn (nhà may
Châu) và Bênh dẫn tôi lại góc xéo đối diện cổng trường uống café. Có cả Võ
Thành Công và Hoà ở thất Cao Đài. Ngắm nhìn hồ Chung Thuỷ với nhiều thay đổi,
tôi nhớ lại khi mới bước chân vào Trường Kiến Hoà hồi năm 1966. Cuối năm đó,
trời rét lạ thường. Tôi thức dậy muộn và đi học trễ vì trời rét. Lớp đệ thất 9
nằm cạnh cầu thang dãy B. Muốn vào lớp phải đi ngang qua Văn phòng, Phòng Hiệu
trưởng, Phòng Giám thị. Do vậy, tôi phải nghỉ học, ngồi dưới cây da cạnh cây me
tây trước cổng trường, ngay bờ hồ. Sương xuống dày đặc, cách 2 mét đã không
nhìn thấy nhau. Khi sương tan bớt, tôi phát hiện ra những con cá trắng và tôm
càng xanh chịu lạnh không nổi, lội lờ đờ quanh mé bờ. Theo dòng người bắt cá,
tôi cũng nhảy xuống bắt. Cá tôm nhiều quá, không có đồ đựng. Quên đi cái lạnh,
tôi cởi cái áo thun mặc bên trong, cột thắt thành cái túi rồi bỏ tôm cá vô.
Bụng thì lận tập vở, tay khệ nệ xách cái áo đựng cá đem về nhà. Hay được, cha
tôi đem quăng hết tôm cá vì cho là điềm xui “chim sa, cá luỵ” rồi nện cho tôi
một trận đòn nên thân vì tội bỏ học. Tôi nghĩ lại, ngày xưa sao ngu đến thế, có
thể do lúc đó chưa biết uống rượu. Phải chi đem tất cả cá tôm nhậu cùng bạn bè
một trận cho đã đời thì đâu có bị đòn “oan” đến như vậy!
Ngày mai, tôi lại đi.
Trời có còn đẹp nắng để có thêm một ngày lưu luyến Bến Tre này…
No comments:
Post a Comment