22/04/2013

Nhớ ngôi trường cũ



          Lý Xương

Trường ca Con đường cái quan (1972).
B
ạn hỏi mình nhớ gì về ngôi trường cũ? Mình nhớ nhiều lắm chứ, dù cho 40 năm đã trôi qua, mình vẫn chưa trở lại thăm trường. Cô học trò lớp 12A1 ngày xưa, rời sân trường Kiến Hòa   đầy hoa phượng đỏ, xách va ly lên bến xe Ngã Ba Tháp, ngồi xe lam qua bến bắc Rạch Miễu, đi thi Tú tài II ở Mỹ Tho... và đã đi một chuyến rất dài, gần hết một đời người! Rất vô tình, không một lời từ biệt, không một lần trở lại lớp cũ trường xưa, tuy rằng ngôi trường của 7 năm trung học ấy nằm trên đường về nhà mình.
Ký ức về ngôi trường cũ của mình được cất sâu trong nỗi nhớ, như từng tấm hình trong quyển album cũ. Mình vẫn thường lật lại ngắm nghía, bồi hồi. Kể ra thì dài lắm, không khéo thì trở thành lẩm cẩm, vì chắc nhiều bạn bè mình ngày ấy cũng nhớ tương tự thế thôi.
Vào trung học đệ nhất cấp, mình học lớp đệ thất 2 ở bên trường tiểu học, lớp đệ lục 2 trên lầu dãy A, rồi ngũ và tứ học bên dãy D. Bạn có nhớ đầu dãy A, chỗ cầu thang, có một cây lá nhỏ và  dày không? Tụi mình hồi ấy thích cái cây ấy lắm. Chỉ sau một, hai đêm, cây rụng lá trơ trụi, rồi cũng sau một, hai đêm cây lại ra lá non xanh mướt. Cái cây ấy giờ còn không nhỉ ?
 Cháu mình hai, ba đứa sau nầy lần lượt là học sinh của Trường THPT Chuyên Bến Tre. Thế mà mình cũng chưa từng hỏi tụi nhỏ xem cây phượng thật lớn trước dãy A có còn hay không. Những cô học trò học dãy A tụi mình lúc ra chơi thường đứng ngắm những tàn phượng ấy. Thuở ấy, máy chụp hình còn hiếm lắm, nên mình không có những tấm hình kỷ niệm về trường lớp.
Mình của ngày xưa vốn nhiều mơ mộng. Mỗi lần nhìn mưa bay lất phất trên mái ngói dãy C (nơi các anh chị lớn học đệ tam, đệ nhị), mình lại nhớ thật nhiều bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn: “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...”.
Bạn cười mình “mộng ngoài cửa lớp” ư ? Đúng vậy, ngày ấy, mình đã bị thầy Phạm Ngọc Trác rầy như thế khi viết bài cho bích báo, tả cảnh ngồi học mà ngắm mưa trên hồ Chung Thủy. Lúc đó, mình đã qua học dãy D rồi. Từ trong sân trường, mình có thể nhìn ra hồ và cả sân trường tiểu học, vì hàng rào trường khi ấy còn là kẽm gai.
Kỷ niệm ở dãy D thì nhiều hơn các nơi khác. Mình đã học 4 năm ở đó, ngoài lớp đệ ngũ, tứ thì còn là tam B1 và nhị B1. Năm đệ tứ, dưới sự “lãnh đạo” của lớp trưởng Lâm Mỹ Anh, tụi mình đã hùng hổ nổi loạn, đi lên văn phòng xin đổi thầy dạy môn Văn (khi ấy thầy mới đổi về). May mà thầy Thoại dạy Pháp văn đã kịp thời ngăn chặn, mắng cho một trận tơi bời.
Năm lớp đệ tam, phòng học nằm gần cuối dãy D, gần lối qua phòng thí nghiệm, bên cạnh là sân vũ cầu. Cửa sổ thấp, nên mỗi khi đi trễ, cô bạn hát hay của mình là Trần Thị Đẹp (lấy tên là Hương Duyên khi thi hát ở nhà thủy tạ giữa hồ Chung Thủy vào dịp cuối tuần) thường lén thầy leo vào lớp.
Bạn hỏi còn mình, có chăm ngoan không à ? Có đấy, học bài, làm bài tốt, đầy đủ, nhưng trong đó có môn thì rất tệ. Chẳng hiểu ngày ấy sao mình lại nghĩ để tránh học bài không nổi thì nên đi ban B. Năm lớp đệ tam, lúc thi toán, mình ngồi cắn bút, lại vẽ đại gương mặt thầy Hồ Văn Nguyên vào bài thi. Vậy mà thầy chỉ cười, cho được 1 điểm. Ôi cái thuở học trò dại dột, ngu ngơ!
Đến năm đệ nhị, đã học không khá, mà mình còn hay vẽ vời. Lớp nhị B1 học chung phòng với nhị B5. Suốt buổi học, mình hay vẽ các gương mặt thiếu nữ có đôi mắt thật to, đẹp rồi để lại trong hộc tủ bàn cho người ngồi cùng chỗ. Chẳng biết bạn đó còn giữ một tấm hình nào của mình vẽ hay không.
Năm ấy, may mà khi thi Tú tài I, mình trúng tủ bài văn về văn chương trào phúng của Trần Tế Xương. Nếu không thì làm gì có chuyện học lớp 12 A1 ở dãy B. Lớp 12A1 nầy do cô Anh Hoa hướng dẫn. Lớp trưởng không nhớ là ai. Có các bạn Kim Huệ, Hồng Ngân, Túy Long, Cẩm Hồng (ở Bình Đại lên), Hạnh Phúc, Ánh Bảy, Khương Liên, Đoàn Thị Mai (bút hiệu là Nhật Mai), Lâm Ngọc Sương, Bùi Thị Tua, Kim Diệu...
Bạn hỏi hình chụp tất niên năm học cuối cùng, rất quan trọng của quãng đời học sinh trung học? Mình không có, vì mình không học hết những ngày cuối cùng của niên học. Có lẽ vì thế, nên mình lạc mất những manh mối về bạn cũ, trường xưa...
Bạn hỏi sao mình không đến dự những buổi họp mặt tất niên hằng năm của cựu học sinh Trung học Kiến Hòa, để tìm lại những hình bóng cũ, tình cảm xưa? Có đấy, mình cũng có dự được ba lần. Nhưng lứa bạn bè của mình giờ cũng tản mát nhiều, khó gặp lại đầy đủ. Thậm chí, trong những người mình còn nhớ kể trên, có người không nhớ được mình... Trách sao được! 24 năm sau, nếu tình cờ gặp nhau thì đôi tình nhân của thi sĩ Phan Khôi có khi đã khó nhận ra nhau rồi, huống hồ là bè bạn sau 40 năm!
Mình vẫn thường vào bentrehome.net, để tình cờ biết được những thông tin về bạn bè cũ và chỉ để biết thế thôi!
Trong nỗi nhớ của mình, Trường Trung học Kiến Hòa, như hình vẽ trên những tấm thiệp Xuân, tờ báo Xuân của thầy Tam Nhiều ngày nào, mãi gắn liền với một thị xã Bến Tre lặng lẽ, hiền hòa, có hơi mộc mạc, quê mùa.
Và bây giờ, tuy tuổi đã nhiều, đã là bà nội, bà ngoại, mình vẫn xao xuyến mỗi khi hè về, vẫn nhớ sân trường Kiến Hòa cũ đầy hoa phượng rụng. “Hoa như mưa rơi rơi, như nuối tiếc một thời trai trẻ...”.

No comments:

Post a Comment