16/04/2013

Bàn về chữ điệu của người Nam bộ xưa



Bùi Thanh Kiên
Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, Thạnh Phú, Bến Tre)

Chiều chiều bắt kéc nhổ lông,
Kéc kêu bớ điệu đem lòng nhớ thương.
Tại sao khi con kéc lâm nguy lại kêu gọi chữ điệu ở con người, nhờ đó con người thức tỉnh mà nhủ lòng thương? Con kéc được nuôi bởi vì nó đẹp và học nói được tiếng người. Nuôi lâu ngày phải mến tay, mến chưn. Giữa người và vật có mối thông cảm sâu xa. Vậy mà chủ nhân nỡ bắt kéc nhổ lông, không chút lòng thương xót!
Kéc mới đánh thức lương tâm con người, kêu gọi ở con người lòng nhân từ, chớ nên đối xử nặng tay với loài vật.
Vậy điệu là gì? Theo nhiều nhà nghiên cứu, điệu là từ biến trại của chữ đạo, là con đường đúng đắn mà con người vạch ra để theo, để sống cho phù hợp luân lý, thực hiện tốt và đầy đủ bổn phận với người đời.
Trong ca dao Nam bộ, chúng ta có nhiều dịp gặp chữ điệu:
Chết tôi, tôi chịu
Đừng bận bịu bớ điệu chung tình
Con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao quỳnh lại khó câu.
Điệu chung tình là đạo lý của khách trót vì yêu mà đeo đẳng bên mình mối tình chung. Hai người yêu nhau phải gắn bó và giữ tình cảm trước sau như một, tốt đẹp từ buổi ban đầu đến giây phút cuối keo rã hồ tan. Đó là đạo làm người, đạo làm khách chung tình.
Chúng ta làm tròn bổn phận với người xung quanh, biết thể hiện lòng nhân ái, mối cảm thông sâu xa với nhân quần xã hội. Đó là lối sống phù hợp với đạo lý. Mẫu người sống như vậy bao giờ cũng được tấm tắc ngợi khen là “chơi điệu”, “sống điệu”. Người sang trọng không phải là người giàu có nứt đố đổ vách nhưng là người biết xài hết đồng tiền mà mình có sao cho đúng nghĩa, đúng lúc để giúp đỡ đúng người. Bạn mình lâm cơn túng ngặt, vợ đau không tiền đi bệnh viện hoặc nhà nghèo không có đủ tiền đóng học phí cho con, mình không ngần ngại dốc cạn túi tiền để giúp bạn, không cần biết bạn chừng nào có tiền trả lại cho mình. Sống như vậy là chơi “phải điệu” với bạn bè.
Nam bộ lại có từ điệu đàng. Đàng là từ đệm, thêm vào để tạo từ láy. Ví dụ: Ông chủ này điệu đàng lắm. Tết nào cũng vậy, công nhân chẳng những được lãnh tháng lương thứ mười ba mà còn được nhận quà cáp và tiền về xe.
Nhưng nổi bật hơn hết là chữ điệu nghệ. Điệu nghệ biến trại từ chữ đạo nghĩa. Ý nghĩa chữ điệu nghệ rộng rãi hơn, thể hiện được hai mặt: tình và lý. Về mặt tình, nó cho biết người điệu nghệ rộng tay giúp đỡ mọi người. Về mặt lý, nó diễn tả được quan niệm cho rằng cảm thông hoàn cảnh và giúp đỡ người khốn cùng là nhiệm vụ của mình. Ngày xưa, ở Nam bộ, người làm công giúp cho chủ thì được gọi là bạn, như: bạn ghe chài, bạn công cấy, bạn công gặt. Trong mùa cấy gặt đông ken, công cấy, công gặt thường ở trong nhà chủ điền lâu dài, để hoàn tất việc cấy gặt trên diện tích hàng mấy trăm mẫu. Khi chiếc ghe chài lênh đênh trên sông nước nhiều ngày, tới bữa dọn cơm ra, chủ và người làm công lột áo ở trần trùi trụi, cùng ngồi vào bàn vui cười hỉ hả, ăn nhậu với nhau, không phân biệt chủ khách. Từ cách đối xử đó, khoảng cách giữa người làm thuê và người thuê không cách biệt quá xa. Có điều gì bất trắc xảy ra, họ sẵn sàng nắm tay nhau để chung lo. Họ dùng tình đối xử với nhau như bà con cật ruột mà không dùng quyền hành, lý lẽ để áp đặt.

Thành vọng nhà cổ Huỳnh Phủ.

Thuở xa xưa, dân các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…ngàn dặm ra đi tránh hoạ đao binh, gan dạ dấn thân vào hang cọp, động rồng để tìm nơi đất lành chim đậu, mang theo các từ địa phương. Tới nay, chúng ta vẫn còn thấy trong kho tàng ngôn ngữ đồng bằng sông Cửu Long nhiều từ cổ mang dấu ấn của Trung bộ, trong đó có chữ điệu. Hơn nữa, khi sống quần cư, người Nam bộ mang cốt cách phóng khoáng, thích hành hiệp trượng nghĩa như các anh hùng Lương Sơn bạc…
Chữ điệu, điệu nghệ là từ cổ, tuy đơn sơ, mộc mạc, có vẻ quê mùa một chút nhưng đã là vốn quí từ lâu, đã tạo thành mạch máu luân lưu trong huyết quản và hình thành nếp suy tư, nền móng luân lý của dân Nam bộ.

No comments:

Post a Comment