14/04/2013

Nhớ và ghi trong một chuyến xuyên Việt



            Cao Thành Văn

Mẹ Trùng Dương ôm ấp bên bờ biển Đông


M
ùa hè năm 1995, tôi có mặt trong phái đoàn 25 người của Hội Nhà báo Bến Tre thực hiện chuyến đi xuyên Việt; trong đoàn có một số hội viên là bạn đồng môn ở Trường Trung học Kiến Hoà như: Huỳnh Thanh Quang, Huỳnh Văn Thanh, Lê Thị Minh Gương, Hà Thị Thu Thanh,… Xe chạy dọc theo chiều dài đất nước, từ Nam ra Bắc. Tôi hình dung tổng quát: mình đi như vầy thì bên phải là biển Đông mênh mông còn bên trái là dãy núi Trường Sơn hùng vĩ. Đất nước quê hương, sơn hà gấm vóc do tổ tiên từ ngàn xưa để lại là đây!
Tôi cố nhớ lại những điều đã học ở trường, đã đọc trong sách về lịch sử, về văn chương có liên quan đến những vùng đất, những di tích mà mình sắp đến để cảm nhận, đối chiếu.
Đến huyện Tây Sơn (Bình Định), đoàn đi qua cầu bắc ngang sông Côn để vào viếng khu bảo tàng vua Quang Trung (1753-1792). Tôi nhớ hồi học lớp nhứt đã học bài lịch sử Quang Trung đại phá quân Thanh. Năm 1771, anh em nhà Tây Sơn chọn vùng đất này để chiêu mộ quân sĩ và rèn binh. Năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh và giải phóng phủ Qui Nhơn rồi phủ Quảng Ngãi, sau đó cùng nhân dân đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược vào năm 1789. Tôi được xem biểu diễn võ Bình Định, sờ vào thành giếng cổ, đứng chụp ảnh lưu niệm dưới tàn cây me xưa, nay lá vẫn xanh mượt mà, ở sân khu bảo tàng, thấy lịch sử và hiện tại thật gần gũi, không thể tách rời.
Đến Thừa Thiên-Huế, tôi nhớ hồi trước nhà trường có tổ chức các chuyến du khảo miền Trung dành cho học sinh và giáo viên của trường (rất tiếc là tôi không có điều kiện tham dự). Thầy Đỗ Quang Hạnh giữ vai trò nòng cốt, vẫn thường nhắc lại kỷ niệm trong các chuyến đi này. Bây giờ, xem trên mạng, tôi có thấy một tấm ảnh cũ của chuyến du khảo, trong đó các bạn Đoàn Thanh Liêm, Đặng Thị Kim Liêng còn rất trẻ, gương mặt tinh khôi, rạng rỡ; lúc đó là mùa hè năm 1971, các bạn cũng như tôi, vừa học xong lớp 9, chuẩn bị lên lớp 10.
Lúc đến đèo Ngang ở ranh giới tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, xe dừng lại để mọi người ngắm cảnh, tưởng tượng xem ngày xưa Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) đã đứng chỗ nào để quan sát, cảm nhận rồi sau đó viết nên bài thơ “Qua đèo Ngang”. Nhìn xa xa từ trên cao, có lác đác một số nhà của người dân địa phương, y như lời thơ ngày xưa tác giả đã diễn tả. Chỗ tôi đứng ngắm cảnh hiện nay đã có bao nhiêu lượt người xưa từng đứng và tương lai sẽ có những ai đứng đây, họ sẽ nghĩ gì về tình tự quê hương, về bản lĩnh dân tộc Việt Nam.
Ở vùng nông thôn ven Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá, tôi còn nhìn thấy những bờ tre xanh men theo đồng ruộng, có lẽ đây là dấu vết còn lại của luỹ tre làng ngày xưa. Tôi nhớ đến những tấm hình trắng đen in trong bộ sách “Nếp cũ” của Toan Ánh, có luỹ tre, mái tranh nghèo, khói lam chiều, và tôi tưởng tượng ra hình ảnh chú mục đồng trên lưng trâu thong thả trở về nhà khi trời dần dần tắt nắng… Tôi nghĩ rằng quí thầy cô, quí bạn đồng môn đã có dịp sinh sống, học tập ở ngoài nước khi về lại Việt Nam sẽ thấy “chốn quê hương đẹp hơn cả”, giống như câu chuyện “một người đi du lịch đã nhiều nơi” trong Quốc văn giáo khoa thư - lớp dự bị (nay là lớp hai) mà nhà văn Sơn Nam có lần nhắc lại.
Phong cảnh Đà Lạt

Nhìn thấy những ngôi chùa cổ xưa ở làng quê miền Bắc, tôi nhớ đến cảnh chùa thanh bình, tĩnh lặng được mô tả tài tình trong tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng (thuộc Tự Lực văn đoàn) mà mình đã học trong giờ giảng văn ở trung học đệ nhứt cấp.
Tôi nhớ đến nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Thầy Nguyễn Đăng Phu dạy môn Văn hồi chúng tôi học lớp đệ ngũ, giảng bài “Tống biệt” của Tản Đà thật là hay. Ở bài “Vịnh bức dư đồ rách”, sau phần giảng nội dung chính, thầy đã mở rộng, say sưa nói về cảnh non xanh, nước biếc vô cùng tươi đẹp của đất nước ta. Lúc ngắm cảnh đẹp trên quê hương, tôi nghĩ khi thầy về lại Việt Nam chắc sẽ sắp xếp để đi du ngoạn dọc dài theo đất nước. Đúng vậy, sau khi về định cư tại xã Phú An Hoà, Châu Thành, Bến Tre, thầy đã thực hiện một chuyến đi tới Huế. Thầy mô tả cảnh đèo Lò Xo-thuộc địa phận xã Đăk Man, huyện Đăk Glei, tỉnh Kontum- hết sức ngoạn mục. Tôi ước mong sắp tới, nếu có dịp, thầy sẽ đi tận Quảng Ninh, Lạng Sơn.
Anh Lương Văn Tô My thường nhắc chuyện cũ hồi học phổ thông, bảo tôi thường nói câu này: Cái này là thầy Phu nói, là chân lý, không bao giờ sai! Thật tình, tôi không nhớ mình có nói vậy hay không, chỉ tức cười khi liên tưởng đến chi tiết trong truyện “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố rằng: Đồng hồ Tây chạy có bao giờ sai! Khoảng năm 1978, anh Nguyễn Văn Bé (nhà ở xã Tam Phước, gần cầu Ba Lai, bạn chung lớp với anh Châu Quang Hiền, học trước tôi ba, bốn lớp) là giáo viên dạy môn Văn, đã hỏi mượn của tôi cuốn tập giảng văn có ghi đầy đủ các bài giảng của thầy Phu, để làm tài liệu tham khảo. Thật không may, vào năm 1990, anh Bé bị điện giựt khi đang sửa điện ở nhà và đã qua đời.
Tại thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, tôi với Huỳnh Thanh Quang, Huỳnh Văn Thanh và nhà thơ Thanh Vũ chứng kiến cảnh “chim bay về núi tối rồi” thật thú vị. Dãy phố sang trọng thắp sáng đèn, trưng bày nhiều hàng hoá đắt tiền, lại dựa lưng vào trái núi khá âm u mà trên lưng chừng núi, nhiều loại chim chóc đang bay về, kêu chí choé, giành nhau tìm chỗ ngủ. Ở bến phà Bãi Cháy (nay đã có cầu dây văng dài 903 mét, rộng 25 mét), nước xanh biêng biếc. Vịnh Hạ Long gắn liền với những trang sử của người Việt Nam trong suốt các thời kỳ dựng nước và giữ nước, với địa danh Vân Đồn- nơi có hải cảng cổ của miền Bắc vào thế kỷ 12. Cách vịnh không xa là cửa sông Bạch Đằng, chứng tích của hai trận thuỷ chiến thắng lợi vào năm 938 và 1288 trong lịch sử chống ngoại xâm.


Chuyến đi xuyên Việt năm ấy kéo dài 20 ngày, qua nhiều tỉnh thành, tôi chỉ nhớ được bấy nhiêu thôi. Trong phái đoàn, đến nay, một số vị đã qua đời, một số vị nghỉ hưu, một số vị còn đi làm việc. Tôi nghĩ là sau khi đi nhiều nơi, tận mắt nhìn ngắm non sông gấm vóc, chắc ai cũng chất chứa trong lòng tình yêu quê hương, yêu đồng bào cùng chung nguồn gốc con Hồng cháu Lạc…

No comments:

Post a Comment