25/04/2013

Mắm còng thời thượng


 Phan Lữ Hoàng Hà

Chưa hết tháng 3 âm lịch vậy mà người bạn tôi từ Châu Hòa (Giồng Trôm) đem lên tặng tôi hủ mắm còng. Tôi hỏi bạn: “Sao năm nay còng lột sớm quá vậy, “biến đổi khí hậu” à ?”. Ông bạn cười: “Bây giờ, còng lột quanh năm. Muốn lột, người ta ngâm còng vào dấm Tây hoặc nước vôi, nước tro…”. Tôi ăn thử món mắm còng thời thượng vừa trộn với khóm, tỏi, ớt, củ riềng…, vẫn thoang thoảng mùi mắm còng nhưng chắc chắn không phải còng lột tự nhiên.

Chẳng như ngày xưa, mắm còng bây giờ có quanh năm suốt tháng


Dư vị hồn quê
Ở ba vùng nước ngọt, lợ và mặn tại các tỉnh ven biển ĐBSCL đều có còng, nhưng “thánh địa’’ của chúng thuộc vùng nước lợ. Ở đó, nhiều nhất phải kể đến còng quều, thứ đến là còng lửa; còn nơi sát biển thuộc lãnh địa của còng gió (có nơi gọi là còng nhịp).
       Cũng là con vật bò ngang với 8 chân, 2 càng như cua, ba khía, nha, rạm…nhưng điều ngộ nghĩnh ở họ nhà còng là hàng năm chúng chỉ lột vỏ vào thời điểm Tết Đoan Ngọ, tức mùng 5 tháng 5 âm lịch. Lại nhớ đến món đặc sản mắm còng: Ở vùng sông nước ĐBSCL, hàng năm, khi mùa mưa trở lại và đúng dịp mùng 5 tháng 5, còng sẽ kéo nhau về bên các mương, rạch để lột vỏ, đông như ngày hội. Những bà mẹ quê chỉ làm động tác nhẹ nhàng: xắn ống quần, rồi xách thùng thiếc ra đó mà hốt chúng về. Còng lột vỏ, nhất là còng lửa đem rửa sạch, sau đó xếp chúng thành từng lớp trong keo, hủ, rồi rưới rượu trắng vào cho thấm tất cả, kế đến giằng thêm chút muối rồi để yên không động đậy chừng tuần lễ. Đến ngày thứ 7, chắt nước rượu ấy ra, thay vào đó là phần nước đường đã nấu chín, cùng với thính (đậu nành rang vàng hoặc gạo rang rồi đâm nhuyễn) rắc đều làm cho mắm còng thơm lừng, trở nên món mắm độc nhất vô nhị. Khi ăn, mắm còng được trộn thêm với khóm, tỏi, ớt, ăn cặp thêm với rau sống, chuối chát, bún, ngon đáo để…Ở quê tôi Bến Tre, trước đây, vùng Châu Hòa, Châu Bình (Giồng Trôm), miệt đồng Mỹ Hưng, An Thạnh, An Qui…(huyện biển Thạnh Phú)…còng nhiều vô số kể. Hồi đó, vào dịp mùng 5 tháng 5, vẫn thấy mắm còng bày bán nhan nhản ở các chợ. Mắm còng được đựng trong các hũ sành (hũ cải bách thảo) hoặc keo thủy tinh, mở nắp ra, thơm lừng…
        Anh Tư Lý, một nông dân ở ấp 5, xã An Thạnh (Thạnh Phú) bật cười khi nghe tôi nhắc đến chuyện mắm còng. Tư Lý vỗ vai tôi : “ Hết rồi ông anh ơi ! Bây giờ, còng đâu có thời gian mà lột nữa. Còng mới hơi lớn chút đã không thể thoát khỏi tay bầy trẻ bắt cho tôm, cua, vịt…xơi tái’’.
            Được cái này, mất cái kia
         
      Nghề nuôi thuỷ sản phát triển mạnh tại các tỉnh ven biển ĐBSCL. Với nuôi tôm quảng canh và nuôi cua, nông dân tự chế biến thức ăn để bổ sung thêm cho nguồn thức ăn có trong thiên nhiên. Vì thế, còng được tận dụng làm thức ăn cho tôm, cua (bầm nhuyễn ra, trộn với tấm, cám) và thực tế cho thấy, thức ăn từ còng tỏ ra rất hữu hiệu vì nó giàu dinh dưỡng. Mồi còng đối với nuôi vịt ? Anh Hùng Giờ, một nông dân nuôi vịt ở cạnh Rạch Cừ (An Thạnh, Thạnh Phú, Bến Tre), phân tích: “ Tròng đỏ của trứng vịt nuôi ở những vùng cao như Bình Phước, Long Khánh, Đồng Nai chẳng hạn, bao giờ nó cũng chỉ một màu vàng, không có được màu đỏ gạch như vịt đẻ nuôi được nuôi ở vùng sông nước ĐBSCL. Đơn giản là người nuôi trên vùng đó không có còng để cho vịt ăn. Còng, nhất là còng quều, con to, thịt rất giàu dinh dưỡng. Lúc vịt sắp đẻ, ngoài lúa thóc ra, cứ bắt còng quều cho chúng ăn, chắc chắn tròng đỏ của trứng sẽ có màu đỏ quạch-màu của loại trứng vịt chứa đầy đạm tố”.
            Tôi mãi luyến tiếc món mắm còng lột dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch. Mắm còng lột tự nhiên ăn mềm nhũn, thịt còng liền lạc, nước mắm quánh lại. Còn mắm còng thời thượng, ăn cũng mềm nhưng thịt còng bời rời, sường sượng…”. Anh Hùng Giờ thì thào: “Thôi thì mất cái này mà được cái kia…”. Thì ra, trong sức mạnh hái ra ngoại tệ từ tôm, cua xuất khẩu…, giúp những vùng quê biển nghèo khó đổi đời đi lên, cũng có sự góp phần không nhỏ của các chú… còng quều. Bây giờ, ăn mắm còng thời thượng rồi nhâm nhi ly rượu nếp là để đở nhớ quê…

Đi bắt còng ( ảnh: PLHH).


23/04/2013


Hái lộc
Cảm xúc “Lá diêu bông” 2

Sao Linh Nguyễn Bích Thuận




Đầu xuân
       ngắt ngọn diêu hờ
Thương ai năm đợi tháng chờ thênh thang
Lưa thưa tóc rối ngổn ngang
Sợi dài sợi vắn
       lang thang cuối cầu

Cuối xuân
       ngắt ngọn diêu sầu
Giòng trôi vạt lụa
       phai màu đá non

Diêu bông hỡi
       bé con con
       chiu chiu chắt chắt - hao mòn tình thơ

Diêu bông hỡi
       nụ tim hờ
Ầu ơ nhịp võng
            bao giờ nguôi ngoai…       

Xuân tràn hy vọng

       Hoa Chanh

C
ái lạnh se se ngoài trời nhắc nhở tôi rằng đã gần hết năm cũ. Bên nhà, đây là khoảng thời gian vào chạp . Lòng mình xao xuyến, nôn nao khôn tả, nhớ thương quê hương vô cùng!



Ngày xưa ấy, mình lớn lên nơi làng quê nhỏ bé cho nên hương đồng cỏ nội đã thấm vào da thịt và tâm hồn mình.  Bởi vậy, dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu, mình cũng vẫn không thay đổi cái nếp sống chân tình của những người dân quê “ăn chắc mặc dầy” . Nói chung, hầu như mỗi người dân Việt Nam mình đều có thừa tính nhẩn nại, chịu đựng, kiên nhẩn vượt khó trong gian nan, luôn luôn phấn đấu vươn lên.  Họ đi tìm hạnh phúc bằng chính đôi tay và khối óc chân chất, thật thà. Hương vị đậm đà của làng quê vào những ngày Tết có lẽ vẫn còn phảng phất và luôn bàng bạc trong tâm tư của mọi người, mặc dù lớp bụi thời gian đã phủ một lớp thật dầy bởi những hư hao, mất mát đã chất chồng theo năm tháng.  Dù bị nếm trải những nghiệt ngã quá nhiều nhưng sợi dây vô hình ràng buộc với quê hương sẽ mãi mãi bền chặt trong chúng ta.
Mỗi năm Đông tàn Xuân trở giấc
Nghĩ về cố xứ dạ bâng khuâng
Quê hương xa thẳm ngùi thương nhớ
Kỷ niệm đua về theo bóng Xuân.
Năm Rồng đã qua đi thì năm Rắn tự nhiên đến.  Tỵ là chi thứ sáu trong mười hai con giáp. Tỵ thuộc Hoả ở Đông Nam.  Tỵ còn đồng nghiã với dĩ,  có nghiã là chấm dứt.  Ngoài ra, người xưa còn nói từ 10 đến 12 giờ thì gọi là giờ Tỵ và năm nay được gọi là năm Quý Tỵ .
Nói đến chuyện rắn, chúng ta nhớ đến bài thơ “Rắn đầu biếng học” hết sức súc tích, tràn đầy ý nghiã của ông Lê Quý Đôn (1726-1784): 
Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học chẳng ai tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối
Lằn lưng cam chịu vết roi da
Từ rày Trâu Lỗ chăm nghề học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
Sau những ngày làm việc vất vả trong năm, dù bất cứ ở nơi đâu và trong hoàn cảnh nào, mình thiển nghĩ khi Tết đến Xuân về, mọi người không nhiều thì ít cũng sắm sửa, trang hoàng nhà cửa, vì chúng ta là con Hồng cháu Lạc, đều cùng chung một ý nghĩ là giữ gìn văn hoá và truyền thống tốt đẹp của ông bà mình để lại. Bởi vậy, ngày hai mươi ba tháng chạp, nhà nhà đều không quên làm lễ tiễn ông Táo về Trời và cầu xin Thần Táo phù hộ cho quốc thái dân an và gia đình mình đuợc bình yên, hạnh phúc trong năm mới .
Tết còn là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn đối với các đấng tiền nhân và ông bà, cha mẹ . Cho nên việc cúng kiếng trong ba ngày Tết rất là quan trọng.  Trong thời buổi nhiễu nhương, những gia đình eo hẹp về tài chánh cũng đừng mặc cảm nếu cỗ bàn chưa thịnh soạn lắm.  Không ái náy vì hương của hoa thơm trái ngọt tuy đơn sơ nhưng sẽ rất đậm đà, ông bà sẽ thông cảm mà chứng giám bởi trong tâm chúng ta luôn gởi hết tâm tư để tỏ lòng thành kính.
Gần bốn mươi năm nay, số đông đồng bào sống nơi hải ngoại đã phải trải qua nhiều cái Tết tha hương mà vẫn luôn hướng về đất Tổ xa cách nghìn trùng. Ôi nhớ quá từng lũy tre làng, khói lửa bập bùng quanh nồi bánh tét, ngọn gió heo may nhè nhẹ lướt làm ta nao nao chờ đợi từng giờ để mừng đón giao thừa. Chúng ta đón Tết xa nhà, chắc hẳn không thể tránh được niềm xúc cảm nghẹn ngào giữa phố đông người qua mà sao gần như ta cảm thấy quá cô đơn vì sự thờ ơ của người khác xứ, hơi tủi thân vì những cử chỉ và lối suy nghĩ của họ thiếu đồng điệu với mình.
Cũng bởi nơi đây trời xa đất lạ
Mồng một mà hương Tết lạnh lùng Xuân
Dù trên phố đông người qua xuôi ngược
Chỉ riêng mình nhớ xứ, lệ trào dâng.
Trăng lưỡi liềm treo lững thững trên không hình như lung linh hơn theo làn gió Xuân nhè nhẹ len vào trong tôi những cảm giác lâng lâng khi nhớ về những kỷ niệm ngày Xuân nơi làng quê xa thẳm. 
Chúa Xuân ơi, trăng Xuân như sắp tỏ
Cành mai vàng rạng rỡ khắp trời Nam
Chúa Xuân ơi, xin đến một ven trời
Cho màu mỡ luống cày xanh tươi thắm
Xuân năm nay mây hồng bay khắp lối
Hạnh phúc tràn Âu Lạc sáng niềm tin
Những khó khăn lùi dần trong bóng tối
Đào Mai cười phơi phới ánh bình minh.

Sinh hoạt văn nghệ của Trường THCL Kiến Hòa.


Hồ Trung Thành

Tơ vương
An bần lạc đạo khổ rèn tâm
Rút ruột ươm tơ một kiếp tằm
Đã dệt cho đời bao gấm lụa
Tơ còn vương vấn nghiệp trăm năm.

Giật mình
Đưa đò nay gác mái về hưu
Ra bến sông xưa ngóng nước chiều
Man mác lục bình nhồi bọt sóng
Triều lên bìm bịp giật mình kêu.


22/04/2013

Nhớ ngôi trường cũ



          Lý Xương

Trường ca Con đường cái quan (1972).
B
ạn hỏi mình nhớ gì về ngôi trường cũ? Mình nhớ nhiều lắm chứ, dù cho 40 năm đã trôi qua, mình vẫn chưa trở lại thăm trường. Cô học trò lớp 12A1 ngày xưa, rời sân trường Kiến Hòa   đầy hoa phượng đỏ, xách va ly lên bến xe Ngã Ba Tháp, ngồi xe lam qua bến bắc Rạch Miễu, đi thi Tú tài II ở Mỹ Tho... và đã đi một chuyến rất dài, gần hết một đời người! Rất vô tình, không một lời từ biệt, không một lần trở lại lớp cũ trường xưa, tuy rằng ngôi trường của 7 năm trung học ấy nằm trên đường về nhà mình.
Ký ức về ngôi trường cũ của mình được cất sâu trong nỗi nhớ, như từng tấm hình trong quyển album cũ. Mình vẫn thường lật lại ngắm nghía, bồi hồi. Kể ra thì dài lắm, không khéo thì trở thành lẩm cẩm, vì chắc nhiều bạn bè mình ngày ấy cũng nhớ tương tự thế thôi.
Vào trung học đệ nhất cấp, mình học lớp đệ thất 2 ở bên trường tiểu học, lớp đệ lục 2 trên lầu dãy A, rồi ngũ và tứ học bên dãy D. Bạn có nhớ đầu dãy A, chỗ cầu thang, có một cây lá nhỏ và  dày không? Tụi mình hồi ấy thích cái cây ấy lắm. Chỉ sau một, hai đêm, cây rụng lá trơ trụi, rồi cũng sau một, hai đêm cây lại ra lá non xanh mướt. Cái cây ấy giờ còn không nhỉ ?
 Cháu mình hai, ba đứa sau nầy lần lượt là học sinh của Trường THPT Chuyên Bến Tre. Thế mà mình cũng chưa từng hỏi tụi nhỏ xem cây phượng thật lớn trước dãy A có còn hay không. Những cô học trò học dãy A tụi mình lúc ra chơi thường đứng ngắm những tàn phượng ấy. Thuở ấy, máy chụp hình còn hiếm lắm, nên mình không có những tấm hình kỷ niệm về trường lớp.
Mình của ngày xưa vốn nhiều mơ mộng. Mỗi lần nhìn mưa bay lất phất trên mái ngói dãy C (nơi các anh chị lớn học đệ tam, đệ nhị), mình lại nhớ thật nhiều bài Diễm xưa của Trịnh Công Sơn: “ Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...”.
Bạn cười mình “mộng ngoài cửa lớp” ư ? Đúng vậy, ngày ấy, mình đã bị thầy Phạm Ngọc Trác rầy như thế khi viết bài cho bích báo, tả cảnh ngồi học mà ngắm mưa trên hồ Chung Thủy. Lúc đó, mình đã qua học dãy D rồi. Từ trong sân trường, mình có thể nhìn ra hồ và cả sân trường tiểu học, vì hàng rào trường khi ấy còn là kẽm gai.
Kỷ niệm ở dãy D thì nhiều hơn các nơi khác. Mình đã học 4 năm ở đó, ngoài lớp đệ ngũ, tứ thì còn là tam B1 và nhị B1. Năm đệ tứ, dưới sự “lãnh đạo” của lớp trưởng Lâm Mỹ Anh, tụi mình đã hùng hổ nổi loạn, đi lên văn phòng xin đổi thầy dạy môn Văn (khi ấy thầy mới đổi về). May mà thầy Thoại dạy Pháp văn đã kịp thời ngăn chặn, mắng cho một trận tơi bời.
Năm lớp đệ tam, phòng học nằm gần cuối dãy D, gần lối qua phòng thí nghiệm, bên cạnh là sân vũ cầu. Cửa sổ thấp, nên mỗi khi đi trễ, cô bạn hát hay của mình là Trần Thị Đẹp (lấy tên là Hương Duyên khi thi hát ở nhà thủy tạ giữa hồ Chung Thủy vào dịp cuối tuần) thường lén thầy leo vào lớp.
Bạn hỏi còn mình, có chăm ngoan không à ? Có đấy, học bài, làm bài tốt, đầy đủ, nhưng trong đó có môn thì rất tệ. Chẳng hiểu ngày ấy sao mình lại nghĩ để tránh học bài không nổi thì nên đi ban B. Năm lớp đệ tam, lúc thi toán, mình ngồi cắn bút, lại vẽ đại gương mặt thầy Hồ Văn Nguyên vào bài thi. Vậy mà thầy chỉ cười, cho được 1 điểm. Ôi cái thuở học trò dại dột, ngu ngơ!
Đến năm đệ nhị, đã học không khá, mà mình còn hay vẽ vời. Lớp nhị B1 học chung phòng với nhị B5. Suốt buổi học, mình hay vẽ các gương mặt thiếu nữ có đôi mắt thật to, đẹp rồi để lại trong hộc tủ bàn cho người ngồi cùng chỗ. Chẳng biết bạn đó còn giữ một tấm hình nào của mình vẽ hay không.
Năm ấy, may mà khi thi Tú tài I, mình trúng tủ bài văn về văn chương trào phúng của Trần Tế Xương. Nếu không thì làm gì có chuyện học lớp 12 A1 ở dãy B. Lớp 12A1 nầy do cô Anh Hoa hướng dẫn. Lớp trưởng không nhớ là ai. Có các bạn Kim Huệ, Hồng Ngân, Túy Long, Cẩm Hồng (ở Bình Đại lên), Hạnh Phúc, Ánh Bảy, Khương Liên, Đoàn Thị Mai (bút hiệu là Nhật Mai), Lâm Ngọc Sương, Bùi Thị Tua, Kim Diệu...
Bạn hỏi hình chụp tất niên năm học cuối cùng, rất quan trọng của quãng đời học sinh trung học? Mình không có, vì mình không học hết những ngày cuối cùng của niên học. Có lẽ vì thế, nên mình lạc mất những manh mối về bạn cũ, trường xưa...
Bạn hỏi sao mình không đến dự những buổi họp mặt tất niên hằng năm của cựu học sinh Trung học Kiến Hòa, để tìm lại những hình bóng cũ, tình cảm xưa? Có đấy, mình cũng có dự được ba lần. Nhưng lứa bạn bè của mình giờ cũng tản mát nhiều, khó gặp lại đầy đủ. Thậm chí, trong những người mình còn nhớ kể trên, có người không nhớ được mình... Trách sao được! 24 năm sau, nếu tình cờ gặp nhau thì đôi tình nhân của thi sĩ Phan Khôi có khi đã khó nhận ra nhau rồi, huống hồ là bè bạn sau 40 năm!
Mình vẫn thường vào bentrehome.net, để tình cờ biết được những thông tin về bạn bè cũ và chỉ để biết thế thôi!
Trong nỗi nhớ của mình, Trường Trung học Kiến Hòa, như hình vẽ trên những tấm thiệp Xuân, tờ báo Xuân của thầy Tam Nhiều ngày nào, mãi gắn liền với một thị xã Bến Tre lặng lẽ, hiền hòa, có hơi mộc mạc, quê mùa.
Và bây giờ, tuy tuổi đã nhiều, đã là bà nội, bà ngoại, mình vẫn xao xuyến mỗi khi hè về, vẫn nhớ sân trường Kiến Hòa cũ đầy hoa phượng rụng. “Hoa như mưa rơi rơi, như nuối tiếc một thời trai trẻ...”.



Nhớ mãi Gia đình An Lạc

Nhóm cựu sinh viên

Trong một lần trở về TP. Bến Tre, chúng con đi ngang miếu Ngọc Hoàng trên đại lộ Đồng Khởi, phường Phú Tân. Một phút lưu luyến, hình ảnh thân thương về gia đình An Lạc trải dài trong tâm trí chúng con.
Chúng con đại diện nhóm sinh viên, học sinh nghèo TP. Bến Tre xin gởi lời thăm sức khoẻ quí thầy cô, quí cựu học sinh, quí thiện nguyện viên trong gia đình An Lạc. Tuy đã rời xa nhà ăn An Lạc nhưng chúng con vẫn nhớ như in hình ảnh thầy trò, cô chú cùng quây quần bên nhau với những bữa ăn chay tuy đạm bạc nhưng thắm tình nhân ái. Làm sao chúng con quên được thầy Trọng Bùi, cô Lan, thầy Tam Nhiều, cô Mai, cô Kim Vững, cô Kim Liêng, cô Phương Nghĩa, chú Tô My, chú Huỳnh Thống… từ TP. Hồ Chí Minh mỗi lần về ghé với những số tiền ủng hộ để góp sức nuôi chúng con tiếp tục đến trường. Cô Chúc với tiền, với gạo đã quyên góp của những ân nhân. Cô Kim Ngân, chú Thinh ở nước ngoài. Cảm động thay, nhớ hoài chú Bảy Vị, má Dung, cô Hạnh, cô Kim Cương. Cô Cẩm Tuyết, mỗi sáng lúc 10 giờ, đến nhà ăn An Lạc tất bật quét sân, lau bàn. Chúng con rất sợ nhưng làm sao tìm lại được hình ảnh thân thương ấy!
Thầy Đỗ Quang Hạnh - Trưởng ban điều hành nhà ăn An Lạc với  chữ “tâm” và “lan toả trong cộng đồng” sẽ nhắc chúng con nhớ hoài, nhớ mãi. Chú Dũng, chú Ơn, cô Thanh, cô Tâm, cô Hoa, cô Lợi phân phối thức ăn. Cô Kim Loan cứ sáng thứ hai pha sẵn cà phê cho mọi người, ông từ giữ miếu cũng được “hưởng sái” luôn. Nhắc chú Ơn, chú Dũng… thương quá đi thôi, dù hai chú bị bệnh “gần chết” vẫn ráng lo, không bỏ lỡ một buổi nào. Hai chú còn gọi chúng con là lính triều đình nữa chớ, để mọi người phân bì là bị phân biệt đối xử. Chúng con nhớ đêm Trung Thu năm 2010, chú Bảy Vị cho tiền nấu chè thưng, thím đem lên cho chúng con bánh Trung Thu. Má Dung, cô Hạnh dạy chúng con làm bánh bò. Một đêm Trung Thu đầy ấn tượng để rồi chia tay nhớ hoài.
Ngày nay, nếu trong phút giây nào đó nhớ tới thời sinh viên, không bao giờ chúng con quên được gia đình An Lạc. Chúng con hứa sẽ nhớ mãi, sẽ sống theo gương tốt mà quí thầy cô, quí cựu học sinh đầy nhiệt huyết đã cống hiến hết sức mình vì đàn con thân yêu.
Chúng con thành kính dâng lên tất cả lòng biết ơn sâu xa và kính chúc quí thầy cô, quí cựu học sinh Trung học Kiến Hoà luôn dồi dào sức khoẻ và luôn được mọi học sinh kính mến!

Chuẩn bị bữa ăn từ thiện.

21/04/2013


Nhóm BT: Những bài thơ dưới đây được sáng tác cách nay trên 40 năm, lúc tác giả 16, 17 tuổi.

Phan Văn Nghĩa



Em là người tôi cầu cứu
Em vừa lén nhớ anh
Trong cái mỉm cười bí mật
Trong mơ màng ánh mắt
Em vừa lén yêu anh
Trong cái gác tay trên trán nhỏ
Khi mình ngồi chung đó
Cho mụt ruồi ở trọ
Trên làn da hồng hào

Em đừng nhìn đâu đâu
Hãy nhìn ngay hiện có
Ta đang gần bên nhau
Đừng lén nhìn anh viết
Trên giấy là bóng em
Hiền khô và nũng nịu
Chờ tiếng hát chào mời
Cho tiếng đàn mở lối
Em hãy vào đây chơi

Em là người tôi cầu cứu
Là giấc mộng diệu kỳ
Là bóng mẹ lưu ly
Từ lâu em mang lấy

Em là người tôi cầu cứu
Ngày buớc lẹ mệt đừ
Tìm kiếm một nơi thôi
Để tôi xin tạm trú

Em là người tôi cầu cứu
Là giấc mộng tuyệt vời
Cho tôi còn nằm nôi
Và không thèm lớn nữa.



Em vẫn đời đời tiểu thư
Em xiêm y sang cả
Em ở phố lầu cao
Ta mỗi lần qua, tay vẫy
Mỏi cổ tay dài xanh xao
Em đeo vàng đỏ tay
Nên chiều ta uống rượu
Rượu tình hơi hơi đắng cay
Sáng sớm ta vào lớp học
Bảng xanh nào thấy chữ gì
Chỉ bóng hình em nhàn nhạt
Em cười yểu điệu quá đi
Ta về dập tàn lửa mộng
Ta múc nước đổ lửa mơ
Em vẫn đời đời cao vọng
Em vẫn đời đời tiểu thư.



Em về nở nụ thiết tha
Tự dưng con đường bỗng đông nguời qua
Tự nhiên hàng cây trước ngõ mặn mà
Tự nhiên chim về hót ngày thơ thới
Tự nhiên em về nở nụ thiết tha.

Mẹo vặt diện chẩn của thầy Bùi Quốc Châu



            Nguyễn Thị Thẩm (ghi lại)



C
ơ thể người là một bộ máy sinh học vô cùng huyền diệu, có khả năng tự điều chỉnh rất cao. Nắm được cơ chế của nó qua các đồ hình và sinh huyệt sẽ giúp cơ thể tự điều chỉnh mỗi khi bị trục trặc. Diện chẩn điều khiển liệu pháp Bùi Quốc Châu sẽ tặng bạn “chiếc đũa thần” nhằm giúp bạn tự hóa giải mỗi khi “ngọc thể” bất an.
- Bụi hoặc muỗi bay vào mắt, mắt bị cay xè: Chớ có dụi mắt mà tổn thương đến giác mạc. Chỉ cần thè lưỡi liếm mép vài cái, nước mắt sẽ ứa ra “lùa vật lạ” ra khỏi mắt! Nên nhớ một điều: nếu bị mắt phải thì liếm mép bên trái và ngược lại.
- Mắt nhắm không khít: Một mắt nhắm không khít (do bị liệt dây thần kinh số 7 chẳng hạn), hơ ngải cứu bên mắt đối xứng. Ngày hơ nhiều lần, mỗi lần hơ độ vài phút, mắt sẽ dần dần nhắm khít.
- Mũi nghẹt cứng: Dù mũi bị nghẹt (tắc hoặc tịt) đến mức nào và đã bao lâu rồi, chỉ cần hơ ngải cứu vào đồ hình mũi trên trán - từ giữa trán (huyệt 103) đến đầu đôi lông mày (huyệt 26), độ một phút thôi, mũi sẽ thông thoáng ngay. Thật là một phép lạ đến khó tin.
- Bả vai đau nhức, không giơ lên cao được: Dùng đầu ngón tay trỏ gõ vài chục cái vào đầu mày (huyện 65) cùng bên đau. Vai hết đau và tay lại giơ lên cao được ngay.
- Bong gân, trật khớp cổ tay: Hãy bình tĩnh dùng ngón tay trỏ gõ mạnh độ vài chục cái vào sát đuôi mày cùng bên đau, cổ tay sẽ trở lại bình thường (muốn tìm điểm chính xác cần gõ, hãy lấy ngón tay miết nhẹ vào đuôi mày, thấy chỗ nào hơi lõm xuống, đấy là điểm chính xác - huyệt 100 - phản chiếu đúng cổ tay).
- Bong gân, trật khớp mắt cá chân: Mắt cá chân bên nào bị trật khớp, hơ vùng mắt cá tay cùng bên. Mắt cá chân bị đau dù đã lâu ngày cũng lành trong vài phút. Các vận động viên quốc gia, các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp hãy nhớ lấy mẹo này để tự cứu mình và giúp người.
- Bắp chân bị vọp bẻ (chuột rút): Dùng cườm tay day mạnh vào bắp tay độ vài chục cái, vọp bẻ hết liền. Nhớ vọp bẻ chân bên nào thì day mạnh bắp tay bên đó.
- Gai gót chân: Nhớ hơ đúng điểm tương ứng bên gót chân đối xứng, chỉ vài phút thôi, gót chân hết đau liền. Hết sức cẩn thận kẻo bị phỏng.
- Đầu gối đau nhức: Hơ vùng khuỷu tay (cùi chỏ) cùng bên, chỉ độ vài phút đầu gối (khuỷu chân) hết đau liền.
- Bị táo bón lâu ngày: Dùng hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) lăn quanh miệng độ vài ba phút - khoảng độ 200 vòng, táo bón sẽ được giải quyết. Cách lăn như sau: lăn từ mép phải vòng lên môi trên sang mép trái. Lăn tiếp vào phía dưới và giữa môi dưới rồi kéo thẳng xuống ụ cằm (hình thành một dấu hỏi lớn chiếm 3/4 quanh miệng). Nhớ lăn từ phải qua trái mới nhuận tràng, hết táo bón. Ngược lại lăn từ trái qua phải, sẽ càng táo bón hơn đấy!

20/04/2013

Ký sự một chuyến đi



Phạm Cẩm Xuân

V
ới phương châm “Lá lành đùm lá rách”, Câu lạc bộ Cựu Thanh niên Hồng Thập Tự Bến Tre đã đến xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) vào sáng 25-11-2012.
Đoàn chúng tôi có 45 thành viên, trong đó hội viên của Câu lạc bộ Cựu Thanh niên Hồng Thập Tự Bến Tre gồm có 5 bác sĩ, 6 y sĩ, 2 dược sĩ và các hội viên là giáo viên, doanh nhân, nông dân, người hưu trí. Tất cả đều có chung chí hướng “đến với người nghèo”. Cô giáo Nguyễn Thị Lan tuy tuổi đã cao, ở tận TP.Hồ Chí Minh nhưng vẫn về tham gia cùng chúng tôi. Bên cạnh đó, có chị Chung Thị Kim Ngân, chị Văn Em Tư - giáo viên nghỉ hưu và một số bạn khác .
Chúng tôi xuất phát từ  Sở Y tế  Bến Tre. Tất cả đều tự lực bằng xe cá nhân. Từng chiếc, từng chiếc nối đuôi nhau để đến nơi đã định. Có thể nói, mọi người trong đoàn đều có chung tâm trạng vui vẻ và thấy lòng phơi phới trải rộng cùng bầu trời bao la. Khi đến cầu Hàm Luông, đoàn đi lên cầu với nón trắng, áo trắng hình thành một dải dọc bên cầu như những đàn chim trắng bay cao mang mùa xuân đến mọi nhà.
Đoàn chúng tôi đến nơi lúc 7 giờ 30 phút. Từng bộ phận vào vị trí và ổn định công việc rất nhanh. Lần nầy, đoàn chia làm 2 điểm: Một ở Nhà Văn hoá xã và một ở chùa Long Phú, cách nhau khoảng 1 cây số. Ở Nhà Văn hoá xã, đoàn khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho 270 người, phát 200 phần quà gồm gạo, mì gói, nước tương, đường và quần áo cũ còn sử dụng được. Bên chùa Long Phú, đoàn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 90 người, phát 70 phần quà do chùa Long Phú hỗ trợ. Quà tặng đến bà con nghèo gồm 2.000 kg gạo, 250 chai nước tương, 200 kg đường, 1.000 gói mì, 1.000 kg quần áo, kinh phí chung khoảng 34 triệu đồng. Cả 2 điểm đều làm việc nhịp nhàng, nhanh chóng và trật tự. Chúng tôi kết thúc lúc 11g 30 phút. Tuy căng thẳng vì tập trung trong công việc từ khâu nhận bệnh, đo huyết áp, bác sĩ khám bệnh, phát thuốc, phát quà,… nhưng ai nấy đều thấy rất vui, vì mình đã làm được việc có ích cho xã hội. Công việc tuy nhỏ nhưng phần nào cũng đã chung tay cùng cộng đồng quan tâm đến những mảnh đời còn khốn khó.
Bác sĩ của đoàn khám bệnh cho người nghèo

Cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân.

Để có được sự thành công trong chuyến đi này, chúng tôi rất cảm ơn Công ty TNHH Tân Toàn Phát TP.Hồ Chí Minh, chị Chung Thị Kim Ngân đã vận động kiều bào ở Mỹ, gia đình anh Lạc Minh Châu ở Mỹ, anh Nguyễn Văn Tốt vận động bà con buôn bán quanh chợ Bến Tre, anh Nguyễn Hữu Ngọc Bảo Lộc, anh An Hùng Vương, anh Trần Văn Hải, các bạn Đỗ Thị Diễm Hồng, Nguyễn Thị Thu Loan, Huỳnh Thị Thảo, Mỹ Dung ở Bến Tre. Cám ơn Sư cô và tập thể chùa Long Phú tiếp sức cho đoàn một bữa cơm chay rất ngon.
Chuyến đi nầy đến với người nghèo rồi đến những chuyến đi khác nữa sẽ đem lại một tình cảm ấm áp cho nhiều người bất hạnh hơn chúng ta, mang lại sự yên vui cho mọi nhà. Chúng tôi rất mong có những bàn tay chung sức, có những hợp tác của các nhà hảo tâm để góp phần giúp đỡ người nghèo trong tỉnh Bến Tre nói riêng và đồng bào Việt Nam nói chung.
Để cùng hoà mình vào chuyến đi vừa qua và các chuyến đi sắp tới, Câu lạc bộ Cựu Thanh niên Hồng Thập Tự Bến Tre xin chúc sức khoẻ các nhà hảo tâm gần xa, các hội viên và cùng Câu lạc bộ bước tiếp chặng đường phía trước.

Gọi người xa xăm

PHAN VĂN LÁ

(Bài thơ còn trên giấy sáp của tờ ĐỒNG VỌNG số 7 chưa kịp quay ronéo)

       Rồi mai rụng cánh hoa đồng
       Gọi sông chia hạt vàng bông nắng trời
       Rồi mai về thốt nên lời
       Nhớ nhung ơi nụ vàng ngời đêm sương
       Đập ra vỡ hạt mưa cuồng
       Đem hương chăn chiếu bến đường giấc  say
       Rồi mai về lạnh chỗ ngồi
       Vuông sân cỏ rối cút côi bóng mình
       Làm rêu lạnh ngủ sân đình
       Làm con dế nhỏ khóc tình bơ vơ
       Ơn người tặng một giấc mơ
       Để buông theo khói mây mờ hoàng hôn
                                                                          1974

19/04/2013


Nhớ cá rô đồng…

            Phan Lữ Hoàng Hà

            Sau trời sa mưa chừng hai tháng, chúng tôi bắt đầu vào mùa đi câu cá rô đồng. Khi con cá rô còn nhỏ, người ta gọi cá rô mén, lớn chừng ba ngón tay gập lại gọi là cá rô mề. Cá rô đồng ăn rất ngon ngọt, đậm chất hương quê.

Tuổi thơ


            Trước năm 1975, nhà tôi ở trên một giồng cát bao bọc là đồng ruộng, thuộc ngoại ô tỉnh lỵ Kiến Hòa (Bến Tre). Cách trung tâm tỉnh lỵ chừng vài ba cây số nhưng nơi đây, lúc đó, rặt màu nông thôn. Vì còn là học sinh nên chúng tôi chỉ có thể đi câu vào ngày chủ nhật và chiều thứ bảy trước đó, lo chuẩn bị mồi câu là trứng kiến vàng. Trứng kiến vàng xào lên, mùi thơm của trứng rất hấp dẫn với cá rô đồng. Đi thọc ổ kiến vàng cũng là điều thú vị. Chúng tôi phải luồn sâu vào những vườn trâm bầu mọc hoang, cây lá um tùm mới thấy được những ổ kiến vàng kết trên ngọn cây. Dụng cụ thọc kiến vàng là cây sào, trên đầu sào, buộc một túi vải lủng lẳng để hứng trứng kiến rơi xuống khi mũi sào chọc vào ổ. Lắm khi thọc một ổ kiến vàng ở trên cao, không liên quan gì đến đám kiến vàng ở dưới nhưng có lẽ để “binh bồ”, đám kiến này lại tấn công chúng tôi. Kiến vàng như bay xuống, bám đầy trên đầu, bên cổ, sau lưng, chúng cắn và “đái” (tiết ra một chất acid) vào da thịt người đi phá hoại tổ ấm của đồng loại chúng. Nhưng kiến vàng cắn, có nhằm nhò gì, chà xát hay phủi cái là xong. Lúc đó, trong ánh mắt hạo hực của chúng tôi, khoái nhất là “thu hoạch” được nhiều trứng kiến vàng màu trắng và cưng nhất là những trứng kiến chúa còn gọi là nhộng. Một anh bạn đi thọc trứng kiến vàng chung với tôi, xuýt xoa: “ Một con nhộng là một con cá rô”. Chẳng là, các trứng kiến kia đều nhỏ như nhau nhưng trứng kiến chúa lớn hơn, có thể móc trọn một trứng vào lưỡi câu.
            Người ta ví con cá rô lớn theo lúa. Khi mạ vừa cấy xuống, không thấy có con cá rô nào. Khi lúa vừa nở bẹ, vô số cá rô non, cá rô mén bắt đầu xuất hiện, từng đàn, từng đàn bơi trong làng nước trong veo trên ruộng lúa. Khi lúa sắp ngậm đòng đòng, cá rô mén đã thành cá rô mề. Cá rô cỡ nào cũng vậy, chúng thích ăn mồi khi có nắng lên. Do vậy, người đi câu chọn thời điểm câu là lúc sau 9 giờ sáng trong ngày và câu cho đến buổi chiều tà. Trời tối sầm, câu rất khó dính cá rô. Khi mùa gặt đến, những con cá rô già như vẫn quyến luyến mảnh đất mình đã sống, chúng cố tìm cách trườn xuống các mương đìa nương thân. Rồi vào tháng hai, tháng ba, nông dân tát đìa hội cũng bắt hết ráo trọi các loài tôm cá. Những con cá rô già bây giờ là bà nội của cá rô mề, màu vẩy đen lườm, thịt cá ăn rất dai, béo ngậy.
            Chúng tôi đi câu cá rô chủ yếu là để cải hoạt bữa ăn gia đình. Số cá câu được (đôi khi cũng dính thêm vài con cá lóc) đem về, rọng vào khạp, ăn từ từ. Thường các món ăn từ cá rô đồng, bà tôi nấu rất đơn giản nhưng giờ thấy ngon đáo để. Chẳng hạn, bà tôi nấu theo gu của miền Tây Nam bộ: cá rô nấu canh với khoai môn rồi để rau om vào, cá rô chiên ăn với nước mắm chanh, tỏi, ớt và rau sống, cá rô kho tiêu…Và thú vị nhất là chúng tôi ăn cơm chiều trong tiếng kêu hớt hải của mấy con chim trau trảu ngoài giồng, báo hiệu một ngày sắp hết. Đêm đến, sau khi thổi ngọn đèn dầu, tôi ngủ ngon lành.
            Bây giờ nơi tôi ở, nhà cửa mọc lên san sát, không còn một miếng ruộng. Ra chợ thì gặp những con cá rô “biết nói”, có con bằng bốn ngón tay gập lại, đó là cá rô nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Nhưng rồi với đà dân số gia tăng và túi tiền của dân lao động, không riêng gì với cá rô nuôi công nghiệp, loại thực phẩm nào rồi cũng bán sạch ở các quầy. Có điều, tôi tiếc nuối mãi tiếng chim. Sáng sáng, những chú chim trao trảo vẫn bay lượn về trên cây miễng cầu ta trước sân nhà tôi như để tìm lại chốn cũ. Nhưng tiếng chim trao trảo bây giờ nghe thật dáo dác trước sức sống hừng hực của con người.
Đá dế (ảnh : PLHH).



Hồi còn làm học trò, tôi… đã phá sát số, khi làm thầy giáo, tôi… còn phá hết chỗ chê

            Bùi Thanh Kiên



      Có nhiều người sống lâu năm, tự làm ra vẻ đạo mạo, khi giao tiếp thì giữ kẽ nhiều quá, nói theo truyện võ hiệp Kim Dung thì “kiếm quang che kín, giọt mưa cũng khó lọt”. Tôi lại nghĩ khác, luôn luôn tự nhủ mình bây giờ đã già thiệt rồi, già chánh hẩu, không phải già giú khí đá đâu! Nhưng tôi sống rất tự nhiên, miễn mình đừng làm gì bậy bạ thì thôi. Lúc nhỏ, đi học, tôi cũng phá chút chút, đi dạy rồi mà cũng vẫn chọc phá chút chút, già rồi đôi khi cũng “động lòng nhớ cảnh giang hồ” mà đùa dai chút chút cho cuộc sống đỡ nhàm chán.
Trời sinh ra, tôi đã phá tán bậy bạ. Lúc đi học bậc tiểu học, tôi đã bắt đầu phá, dầu bản thân còn rất lù khù. Mới học lớp 3, vì gọi một thằng bạn tên Liêm là “ta liêm”, tôi bị ông thầy nắm lỗ tai xách nhóng lên, dện một phát điếc con ráy, làm lỗ tai lùng bùng cả buổi. Học Trung học Kiến Hoà, lần đầu tiên nghe mấy thầy nói tiếng Bắc, tôi thấy lạ lắm. Nghĩ lại, thấy mình cũng bậy thiệt! Thầy Đặng Vũ Hoãn dạy môn Việt văn, có tật đọc bài có ca có kệ, với cách phát âm rặt địa phương miệt làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định: “Rọc đường đất quanh co, hai bên đầm zộng ngòi rài, cuối thu sen đã tàn chỉ còn sót nại trên mặt nước những chiếc ná nhăn nheo như buồn một nỗi buồn ni biệt”. Tôi vô lớp sớm, nhái lại cách đọc đó, bạn bè cười bò. Có lần thầy đọc chữ danh từ trừu tượng ra chữ “ranh từ chiều tượng”, tôi đã hiểu nhưng quay sang hỏi người bạn ngồi gần: “Chiều tượng là gì?” Nghe hai đứa nói chuyện, thầy cầm cây thước lăm lăm trong tay, xuống tới bàn kêu tôi đứng dậy. Tôi đứng dậy thưa: “Thầy nói chiều tượng, em không hiểu nên mới hỏi bạn em”. Thầy bảo: “Thằng nầy rại rột quá! Đã bảo chiều tượng là phản nghĩa với cụ thể. Thế mà chả hiểu tí gì, vớ vẩn”.
Tới năm chúng tôi lên đệ tứ, có nhiều thầy mới ra trường rất trẻ tới dạy như thầy Đào Nhường, thầy Trịnh Huế. Thấy thầy Huế nhỏ người, có vài người bạn của tôi nói: “Thầy gì nhỏ con như trái cà nướng”. Báo hại, thầy bực mình, lên méc với thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trinh. “Ông già râu kẽm” cho thầy giám thị lớp đệ tứ 3 (lúc đó là thầy Mùi) quần chúng tôi một bữa nhưng cũng chẳng tìm ra thằng nói bậy. Thấy thầy giám thị Mùi to mập, không có eo nên chẳng biết thằng nào trong lớp đặt cho thầy cái hỗn danh là “chai xì dầu”.
Vô học lớp đệ tam C, Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho, lúc đầu lạ nước lạ cái, tôi còn hiền lành. Lớp nầy chỉ có 39 trự: 14 lão thầy đồ ban D (học Hán văn và sinh ngữ Pháp) cùng với 25 tên ban C (học sinh ngữ Anh và Pháp), trai có, gái có, trong đó có tôi. Nam nữ được xếp ngồi lộn xộn với nhau. Chúng tôi- ba thằng “lục lạc lửa” ngồi sau lưng ba vị tiên cô “chằn ăn trăn quấn”, trong đó có nàng hỗn hào số một, tên là Võ Thị Hoàng Lan. Tụi tôi tính rồi, vô lớp thật sớm, đãi cô nàng bằng món cây nhà lá vườn: thả kiến vàng dưới đất, trét trái mắt mèo trên bàn viết (tụi tôi còn nhơn từ không trét lên băng ngồi). Kiến bò lên vạt áo dài, tay để trên bàn bị ngứa cũng phải trân mình chịu suốt buổi. Từ đó, tình hình mới được “bốn bên phẳng lặng, hai kinh vững vàng”.
Tôi vừa dạy học ở Trung học Công lập Kiến Hoà, vừa học Đại học Văn khoa Sài Gòn. Trong trường, có một thầy lớn tuổi, vì thành ý mà nói với chúng tôi: “Mấy chú mới học Hán văn, có gì thắc mắc thì hỏi, tôi chỉ cho”. Đáng lẽ với bậc trưởng thượng có lòng tốt như vậy, tôi phải kính trọng mới phải. Đàng này, tôi lại có cái nhìn khác nên làm một chuyện bây giờ nghĩ lại thấy bậy quá. Hồi đó, từ ngữ “cái quần” được tụi tôi dùng nói với nhau để biểu lộ ý phản đối. Tôi mới chế ra một chữ Hán để hỏi, nhờ thầy tìm dùm. Cả một tuần lễ, thầy lật hết sách nọ, giở hết sách kia mà vẫn không tìm ra được. Tôi lại đem chữ đó tới vấn anh Huỳnh Minh Đức. Anh nầy thì khỏi chê, người Hoa, theo nền giáo dục Trung Quốc nhiều năm, có gì mà chẳng biết! Coi xong chữ, anh Đức nói: “Không có chữ nầy, mà mầy nói nó nghĩa gì?” Tôi nói: “Đây là chữ quần. Anh coi: bên trái là bộ y, bên phải là chữ mã. Mã y là Mỹ A, không phải là quần sao?”
Đi dạy, tôi vẫn thuộc loại dân quê cù lần chạy chỉ. Nhưng thói nào tật ấy, phá thì vẫn phá. Ra dạy ngoài Trường Tân Dân, tôi gặp thầy N.Đ.L dạy Lý Hoá, thầy dạy cũ của bà xã tôi. Thầy hiền lành, thường đi tay không tới lớp, cái tép đựng sách vở gác lên đầu tủ. Năm đó, có một đám thợ quét vôi, sửa chữa vài lớp học. Giẻ lau, lon sơn quăng vung vãi trong văn phòng. Một buổi sáng thứ bảy, tôi mở phéc-mơ-tuya, lấy hết sách vở trong tép ra, nhét đầy ba thứ hổ lốn vào. Thầy dạy xong, chỉ vói tay lên lấy cái tép, ràng sau xe Ischia là chạy dông về nhà. Mở ra, thầy mới thấy hỡi ôi: lon sơn, giẻ lau đầy một tép! Thầy phải chạy vào trường để kiếm đám sách vở để soạn bài, chắc cũng đã chửi lầm thầm. Thầy qua đời cách nay đã lâu, nhưng có lẽ đến giờ nầy thầy cũng chưa biết thằng nào “mất nết” dám phá đến như vậy!
Bây giờ, mình đã là thanh niên lâu năm rồi, nhớ lại ngày xưa, lòng nảy ra những vui buồn lẫn lộn. Bằng trang ngang lứa, có đùa dai một chút, bạn bè cũng không nỡ chấp. Còn bậy với người già cả thì đáng đánh đòn lắm. Khi đi ra dạy, học trò nó lại phá mình để trả quả. Đúng là gậy ông đập lưng ông. Nhưng học trò phá có nhằm nhò gì đâu. Ông thầy của tụi nó vẫn “nợ lút đầu lút cổ” vì đã “cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu”.
Từ lâu, mình đã “mất dạy” mà lại còn “bất lương” nữa, liệu có đứa học trò già nào dám tới đây… cả gan đòi món nợ ngày xưa?

Các nhóm văn nghệ Trường THCL Kiến Hòa đạt huy chương.