08/12/2013

Tình nghĩa thầy trò


                                    
            Bùi Thanh Kiên

Mùa hè qua mau...


Tình nghĩa thầy trò là một quan hệ song phương. Nó đòi hỏi đôi bên đều phải có bổn phận với đối tác:
                        “Dạy trẻ khô buồng phổi,
                        Thờ thầy lụn nén hương
Ai muốn nghĩ vai trò và địa vị của thầy cô đối với đời mình như thế nào thì cũng tùy. Xem thầy cô như người thân thay quyền cha mẹ, anh chị để nhắc nhở bảo ban việc học tập rèn luyện bản thân thì tốt. Cũng có kẻ xem thầy cô như người lái đò :
                        “Trả công ông, để lại một vài xu,
                        Họ với ông hai cảnh đời xa lạ,
                        Sang sông rồi, không một tiếng phân ưu”
                                                (Ông lái đò – Hiếu Nghĩa)
            Vậy cũng tốt, không sao đâu! Khỏi cần vương vấn, luyến lưu làm gì, dầu đôi lúc thầy cô cảm thấy:
                        “Trọn đời làm kẻ đưa thuyền khách,
                        Thuyền chạy bơ vơ đứng với sông.”  (Thế Lữ)
Tôn sư trọng đạo là thứ tình cảm tự giác, không thuộc phạm vi kiểm soát và điều khiển của lý trí. Tôi nghĩ đây là tình cảm vì nó xuất phát tự trái tim chớ không phải là bổn phận vốn dĩ áp đặt, câu thúc từ xã hội. Lòng tôn sư trọng đạo không chỉ là sự kính trọng với các thầy cô trực tiếp dạy mình mà còn là sự tôn trọng thầy của bạn và bạn của thầy.
            Lòng mến mộ chân thật đó đã thể hiện rõ nét trong việc Phan Thanh Giản di dời mộ phần của cụ Võ Trường Toản về chôn ở đất nhà của họ Phan (thuộc làng Bảo Thạnh, huyện  Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Hai ông không liên hệ huyết thống mà cũng chẳng phải nghĩa thầy trò. Cụ Gia Định Sùng đức Võ tiên sinh mất năm 1792 thì mãi bốn năm sau (1796), cụ Phan mới sinh ra đời. Vốn mang lòng cảm cựu và kính yêu từ trái tim của một nho sinh đối với bậc thầy có tư chất thanh cao liêm khiết, Phan Thanh Giản không nỡ để mồ mả cụ Võ nằm trong vùng đất giặc tạm chiếm. Đốc học Vĩnh Long Nguyễn Thông được giao nhiệm vụ làm chủ tang cử hành việc cải táng. Ngày 2-5-1867, Phan Thanh Giản có soạn bài văn bia định khắc ở mộ Võ Trường Toản thì binh biến lại nổi lên. Thành Vĩnh Long mất ngày 28-6-1867 và cụ Phan mất ngày 4-8-1867. Việc khắc bia kéo dài tới năm 1872.
            Năm 1888, phong trào Cần vương thất bại, tên phản phúc Trương Quang Ngọc dẫn Pháp đánh thẳng vào căn cứ Tân Sở (Quảng Trị). Có tất cả sáu người bị Pháp bắt trong đó có Hàm Nghi. Nhà vua nhất định không chịu mình là Hàm Nghi. Có một tên Việt gian bày kế: “Hàm Nhi rất mực kính trọng thầy dạy. Khi còn là thái tử ở trong cung, khi thầy đến dạy, Hàm Nghi bao giờ cũng khăn áo chỉnh tề, lạy thầy rồi mới học”. Biết được như vậy, Pháp cho mời thầy cũ của vua Hàm Nghi là ông Nguyễn Thận quê ở Thanh Hóa đến. Vừa thấy bóng dáng thầy, Hàm Nghi quì xuống lạy ba lạy. Kết quả là Hàm Nghi bị đày sang Algérie và tới năm 1947 thì mất.
            Tinh thần tôn sư trọng đạo là phẩm chất cao quí nhất trong đạo làm người. Nhưng nó là lòng thương yêu và kính nể phát xuất từ cái tâm. Không dạy học trò ơn đức của thầy cô mà lại ép buộc chúng phải tôn trọng thầy cô là việc làm sai lầm. Những câu thúc, gò bó của xã hội đòi hỏi bổn phận một chiều như vậy, thiết nghĩ chẳng có giá trị và chẳng có tác dụng thiết thực nào cả.

Thầy Trần Kim Quế và bạn Kim Vững (phải ) tại Đức.
                                                                                                                            Sài Gòn, 20-11-2013.

No comments:

Post a Comment