31/12/2013

“Lữ khách”

Ngọc Anh

Bạn Trần Thanh Tuyên trong trường ca Con đường cái quan.


Chúng tôi vừa đi thăm Trần Thanh Tuyên, lòng cảm thấy bùi ngùi xúc động. Bất chợt hình ảnh lữ khách trong trường ca Con đường cái quan của nhạc sĩ Phạm Duy hiện về. Hình ảnh lữ khách khoác áo trên vai đi từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau trên sân khấu thật lãng tử, phiêu bạt, có chút gì đó lãng mạn… Ngày ấy, Thanh Tuyên đã hát thật xuất thần cùng nhóm Hương Sống. Tên Thanh Tuyên đã được bạn bè thân thiết nhất là nhóm Hương Sống thay thế bằng “lữ khách” thân thương. Tên lữ khách được nhắc đến thật gần gũi, trân trọng, mang đầy kỷ niệm tuổi học trò. Dù mấy mươi năm mới gặp lại nhưng chị Nguyệt Hạnh vẫn trìu mến hỏi thăm lữ khách dạo nầy thế nào.

Có lẽ lữ khách Thanh Tuyên đã hãnh diện và đã sống trọn vai trò lữ khách của mình trong suốt cuộc đời có chút gì đó kiêu ngạo, ngông ngông, bất cần đời của một người bất đắc chí. Lại một điển hình “hông sướng” của nhóm Hương Sống chăng?

Tôi nghĩ có phải lữ khách đã sống hoàn toàn theo cảm tính của mình khi đã tìm niềm vui, cố tìm sự quên lãng qua rượu chăng. Nếu thế thì thật là buồn. Bạn bè thường khuyên lữ khách nên tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại để chăm sóc gia đình tốt hơn. Bởi lữ khách vô cùng hạnh phúc khi có ba đứa con thật thông minh, học thật giỏi, biết hiếu thảo và nhất là thành đạt. Hơn thế nữa, tất cả mọi người đều công nhận lữ khách đã có phước lớn khi gặp được người bạn đời thật đảm đang, tần tảo lo toan cho gia đình với nỗi vất vả, chật vật, lặn lội thân cò…

Những lúc được bạn bè góp ý, khuyên lơn, lữ khách chỉ nói “lữ khách mà”. Ai cũng biết đó là cái cớ để chống chế và làm theo ý mình. Thế nhưng không ai nỡ giận lâu, giận đó rồi thương đó. Bất cứ cuộc họp mặt bạn bè, đi du lịch hay họp mặt cựu giáo viên và cựu học sinh, ai ai cũng nhớ, nhắc nhở và gọi mời. Bình thường, lữ khách rất ít nói chuyện nhưng khi đã ngà ngà say thì tranh luận ghê lắm và đặc biệt là hát rất say sưa. Nửa hồn thương đau. Nha Trang ngày về. Biệt ly. Phôi pha. Nghìn trùng xa cách. Nếu có ai đó đóng góp ý kiến, lữ khách đáp lại: Mấy người biết gì! Mọi người lại cười.

Bây giờ, nhìn lữ khách với khuôn mặt hốc hác, tay chân khẳng khiu, tôi thật xót xa và bất giác nghĩ nhiều đến lẽ vô thường hay luật nhân quả. Tôi lại nhớ đến tập sách “Lắng nghe tiếng hát sông Hằng” của nữ bác sĩ Quách Huệ Trân. Bác sĩ đã nhắc đến điều giác ngộ lần thứ nhất trong kinh “Bát đại nhân giác” là: Thế gian vô thường, quốc độ mong manh, tứ đại khổ không, năm ấm vô ngã, sanh diệt đổi đời, hư ngụy không chủ. Bác sĩ đã chăm sóc cho các bệnh nhân bị bệnh nan y và đã an ủi bệnh nhân khi bị bệnh tật giày vò, đau khổ. Bác sĩ nói: Sống được một ngày trong cuộc đời nầy thật là rất quý, tương ngộ một ngày thật là hiếm có. Bác sĩ đã quan tâm chăm sóc bệnh nhân  tận tình bằng cái tâm thương yêu chân thật. Bác sĩ đã đem tinh thần của Phật pháp để an ủi, vỗ về giúp cho các bệnh nhân lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống và tôi đã rất tâm đắc với vị nữ bác sĩ nầy.


Xin được cầu nguyện cho lữ khách gặp được thuốc quí, thầy hay để sớm phục hồi sức khỏe, để bạn bè lại họp mặt hàn huyên… 

No comments:

Post a Comment