25/11/2013

Vui buồn một đời làm Tổng Giám Thị

Vui bu

            L.Q.H

            Trước hết, tôi mến chúc các thầy cô đồng nghiệp cũ, các em học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa được nhiều sức khỏe, công thành danh toại, thành đạt mọi mặt và gia đình yên vui, hạnh phúc.
            Tôi ở ghế Tổng Giám thị, đến giờ nầy, tôi chẳng biết là cái duyên hay cái nghiệp.
            Số là, tôi được biệt phái về trường vào năm 1969, vì lúc đó vào nửa niên học nên đương kim hiệu trưởng là thầy Trần Kim Quế cho tôi làm tạm giám thị và có hứa khi có thời biểu trống sẽ cho tôi dạy lớp. Tôi đợi mãi, hết năm cũ rồi tới năm mới nhưng giám thị vẫn là giám thị, một nghề mà lúc nhỏ đi học, tôi rất ghét. Chẳng thế mà người đời hay nói: ghét của nào trời trao của đó.
            Mỗi lần tôi làm đơn xin ra dạy thì ông hiệu trưởng nói vui: “Một tiệc nhậu, đạm bạc nhưng được tình”.
            Mãi đến thầy Phan Thế Chánh lên hiệu trưởng, tôi vô cùng hy vọng được ra dạy, nào ngờ một chiều nọ, sau khi tan học, tôi lại thấy anh chị hiệu trưởng mới Phan Thế Chánh ghé nhà tìm tôi, thế là tôi đành chấp nhận “duyên nợ” vậy.
            Theo tôi, đây là cái nghiệp mà tôi phải mang trong cuộc đời và nhờ vậy, tôi mới có nhiều chuyện vui buồn để thuật lại cho các em nghe.
            Sẵn đây, cho tôi mượn diễn đàn nầy để cám ơn hai anh hiệu trưởng đã tâm phục, lý phục hết lòng vì mái trường, vì sự nghiệp giáo dục đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ vô cùng phức tạp và khó khăn. Tôi cũng không quên hết sức cám ơn cô Nguyễn Thị Lan, một phụ tá Tổng Giám thị của tôi hết sức xứng đáng, thay tôi điều hành trong buổi chiều, hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp.


            Tôi có vài cảm nhận đặc biệt sau:
-          Tình thầy trò của trường ta lúc nào cũng sâu đậm và thắm thiết, bất kể không gian và thời gian. Ở trong nước, chẳng nói chi. Có nhiều em ở tận Âu Mỹ khi có được số điện thoại của thầy cô cũ, liền gọi về nước để thăm hỏi.
-          Cái ấn tượng sâu sắc nhứt là việc lễ phép, chào kính. Nhứt là các em nữ. Giờ nầy, các em cũng hàng U 60 rồi mà lúc chào, một số em vẫn còn vòng tay như thuở nào, thật cảm động vô cùng.
-          Thầy trò trường ta rất may mắn. Qua báo cáo cuộc họp mặt cuối năm vừa qua, chúng ta có một ban liên lạc mới và một ban cố vấn mới đầy nhiệt huyết vì trường, đã hoạt động ráo riết và tạo nên tiếng tốt cho trường cũ như giúp đỡ thầy cô, bạn bè gặp khó khăn cũng như làm nhiều việc từ thiện ngoài đời.
                                 -   Cảm nghĩ sau cùng, tôi nhắc nhở các em trong ban liên  lạc, các  em nhớ mời thầy cô giám thị của trường về họp mặt hàng năm.
                                                      Còn dưới đây là một số vui buồn của một đời làm Tổng Giám thị:
-          Có một lần thầy Nguyễn Văn Cò, dạy Pháp văn, cầm sổ đầu bài tìm tôi với vẻ mặt “ngầu”. Thầy Cò nói: “Ông Tổng Giám thị tìm và phạt nặng học sinh nào quá vô lễ”.
Chẳng là, Nguyễn Văn Cò thêm chữ “con” đằng sau thành: Nguyễn Văn Cò “con”. Tôi nói với thầy Cò, tôi sẽ điều tra cho thầy vui nhưng tôi tự nói làm gì tìm ra được “tác giả” đó, vì ai chịu cha ăn cướp.
-          Sau khi chuông vô lớp, theo thường lệ, tôi đi dọc hành lang đến dãy D, khi lên cầu thang, nhìn lên tường, thấy hai hàng chữ rất to: - Thầy “K” lấy cô “C” (đã đổi tên). Thầy B  “dê” cô C…Trời đất, tôi nổi da gà và một lần nữa bất lực trong việc tìm tác giả. Học sinh quậy, hiếu động…là như thế.
Hồi hộp:
           Có một lần nọ, một thầy tìm tôi, trao cho tôi một tấm giấy, lấy được trên cổ áo của một học sinh ngồi trước, nội dung tục tĩu và nhờ tôi giải quyết. Tôi liền gọi 4 học sinh ngồi bàn sau, trong đó có một em là  PH.V.S (đã đổi tên) là con của một quan chức “số 1” tỉnh. Tôi thầm nói chắc kỳ này mình đụng với “cớm” rồi. Tôi hỏi ai là tác giả giấy này, 4 em im lặng. Tôi nói nếu không ai nhận thì tất cả quì gối. Tôi theo dõi, đứa này nhìn đứa kia, không chịu quì. Mặc dù tôi hơi hồi hộp nếu chúng không quì thì sao, mình đâu còn uy tín để làm việc mà chúng chịu quì phạt nầy phạm nội qui (nhục hình), hơn nữa có con của số 1 tỉnh, thì lại càng rắc rối thêm?
            May quá, phần hồi hộp cũng qua đi, các em cùng quì gối chịu phạt và sau đó 4 đại diện của gia đình cũng đều đến trường làm cam kết, kể cả đại diện của quan số 1.
            Căng thẳng:
-          Căng thẳng nhứt là năm 1972, mùa hè đỏ lửa. Học sinh của trường độ tuổi sinh năm 1954-1955 bị tổng động viên. Từ từ các em phải đi sĩ quan Thủ Đức hoặc hạ sĩ quan. Các em buồn nản, đi học cho có, ngày nghỉ, ngày đi bất thường.. Kỷ luật nhà trường bị đe dọa trầm trọng. Để tự cứu mình, các em tình nguyện đi hạ sĩ quan Không quân Kỹ thuật để khỏi đi tác chiến. Không quân Kỹ thuật lấy rất nhiều nhưng xét học bạ rất khó. Nhà trường cảm thông rất nhiều với các em nên khi cấp chứng chỉ học trình cho các em, gần như em nào cũng được ghi trình độ học vấn khá, giỏi, còn hạnh kiểm thì …rất tốt.
-          Sau năm 1973, học sinh của trường bỏ lớp, vắng mặt rất nhiều, lý do sợ bố ráp bắt lính. Việc này nhà trường đã nêu lên với tỉnh Kiến Hòa. Sau đó, nhà trường được đặc ân là nếu bị bố ráp, học sinh xuất trình thẻ học sinh Trường Trung học Kiến Hòa thì được thả ra ngay. Nhờ vậy mà nhà trường mới ổn định được. Còn nhiều chuyện lắm, nhiều lắm không ghi hết được…

Cuối cùng, trong cuộc sống, trong cư xử, trong giao tiếp, con người chúng ta lúc nào cũng phải có chữ “Tâm”.

No comments:

Post a Comment