16/11/2013

            Học sinh ở thành, thời chiến

            Hồi ức củaTuấn Ngọc

            Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời buổi chiến tranh nên đã nếm trải biết bao kỷ niệm vui buồn. So với trước đây, thế hệ học sinh bây giờ khỏe hơn rất nhiều. Thôi, ráng học…

            Tết Mậu Thân 1968, tôi  đang học lớp đệ Tứ 8 (lớp 9 bây giờ), Trường Trung học Kiến Hòa. Đón tết này, trong lớp chúng tôi có làm tờ báo xuân lấy tên: Tiếng nói Tứ 8. Tờ báo xuân khá dày, độ chừng 50 trang, khổ 25x35 cm với nhiều bài viết ngắn, nhiều nhất là thơ nói về quê hương, kỷ niệm tuổi học trò. Các bài ấy được viết trên giấy pelure trắng bằng viết máy hay viết nguyên tử (bút bi), tựa bài bằng viết lông nhiều màu. Trong lớp, chọn ra những bạn viết chữ đẹp, thực hiện các mục trên. Khi báo ra, lớp đem tặng cho thầy cô, các bạn trong lớp mỗi người một cuốn. Kinh phí để làm báo lớp do các bạn tự nguyện từ từ góp vô. Lúc này, trong lớp tôi, không đủ khả năng quay Ronéo bằng giấy stencil.
            Sau tết Mậu Thân, không gian chiến tranh lan đến thị thành, những lúc vào lớp học, thấy không khí ngột ngạt hơn trước đó. Trong lớp, điểm danh suốt một tháng vẫn vắng mặt 3 bạn. Một bạn học nói: “ Chắc tụi nó bận việc gia đình ở dưới quê hay bị bom đạn lạc, chết rồi!”
            Đêm ở tỉnh lỵ Kiến Hòa lúc bây giờ như mau tối, xe chạy ngoài đường phố, chừng 21 giờ đã vắng hoe.
            Đến năm lên lớp đệ Nhị (đã chuyển thành lớp 11), 3 bạn vắng mặt hồi sau tết Mậu Thân vẫn không thấy trở lại mái trường. Trong khi đó, việc học tập tại trường đã thấy khẩn trương hơn, bắt buộc học sinh có nhiều lo âu vì bắt đầu từ năm lớp đệ Tam (lớp 10), tất cả học sinh phải làm lược giải cá nhân – một hình thức quản lý con người, trình độ học vấn để được hoãn dịch vì lý do học vấn do chế độ cũ qui định.


            Năm lớp 11 là thời điểm quan trọng của học sinh trung học đệ nhị cấp vì trước tiên phải vượt qua kỳ thi Tú Tài phần Nhất (Tú Tài Một). Đậu Tú Tài phần Nhất mới lên lớp 12 (trước đó vài năm là lớp đệ Nhất). Lớp 12 phải thi Tú Tài phần Nhì (Tú Tai Hai) mới hoàn tất bậc trung học. Hỏng Tú Tài là đi lính liền!
            Vào năm lớp 11, trước tình hình trên, chúng tôi thu xếp học cours ban đêm (thật ra là tối). Hai môn học thêm chính là Toán và Vật Lý (chúng tôi Ban B). Học Toán thì học thầy Lê Văn Trinh, học Vật Lý, học thầy Đoàn Ngọc Diệp. Buổi tối, khi thầy Lê Văn Trinh vào dạy lớp học thêm, thầy mặc quần áo phẳng phiu, nói năng nhỏ nhẹ và đặc biệt thầy luôn có gói thuốc lá Pall Mall màu đỏ bỏ theo trong túi áo, dạy một hồi lâu, thầy lùi vào góc phòng học, thở khói thuốc Pall Mall. Với viên phấn trắng, thầy vẽ vòng tròn rất nhanh, vòng tròn tròn vo trên bảng. Còn thầy Đoàn Ngọc Diệp giảng bày chậm rãi như nghe từng tiếng, thầy luôn bỏ theo trong túi áo gói thuốc lá Capstan trắng và mỗi khi xả hơi, hút thuốc, thầy nhịp nhịp tàn thuốc rất nhẹ nhàng, nói đúng hơn là mũ mỹ…Khi về nhà học, học sinh nào muốn “nhái” thầy Lê Văn Trinh thì phải xung phong lên bảng vẽ vòng tròn, vẽ một lần nhưng vòng tròn phải tròn vo. Thật vậy, một bạn học của tôi, rất giỏi Toán, vẽ vòng tròn một cái, vòng tròn tròn vo rồi đi đi lại lại, rất nghiêm nhưng lại cười khà khà: “Tụi bây coi tao…giống thầy Trinh hôn?”. Riêng muốn làm giống thầy Diệp thì phải nói chu kỳ “con lắc đơn hay lắc kép” chầm chậm từng tiếng và nhịp điếu thuốc lá thật nhẹ nhàng. Chúng tôi biết hút thuốc từ năm mới học đệ Tam…
            Đêm học ở nhà (ba đứa gom lại học), chúng tôi tính thời gian học như sau: Phương án thứ nhứt là học từ 21 giờ đến 3 giờ sáng, ngủ luôn tới sáng rồi vào trường học chính. Hoặc là học từ 21 giờ đến 12 giờ khuya rồi đi ngủ để 3 giờ sáng thức dậy học tiếp, sáng lại vào trường học chính. Học như vậy sau chừng tuần lễ, chúng tôi chọn phương án học đêm ở nhà là từ 21 giờ đến 3 giờ sáng vì nếu học giữa chừng rồi ngủ 3 tiếng đồng hồ, dậy học tiếp, cứ ngầy ngật, không sao học nổi… Những khi xả hơi lúc nửa đêm, tôi đứng bên hàng rào trước sân nhà, nhìn xa xa là ánh hỏa châu treo trong đêm vắng. Ánh hỏa châu càng thôi thúc tôi lo học vì bên tai vẫn luôn nhớ lời của một người thầy: “…Đi lính là chết nghe em!”. Hai năm học luyện thi Tú Tài Một, Tú Tài Hai, có hơn 700 ngày, mắt tôi luôn cay cay vào mỗi sáng…Điều đã nửa thế kỷ qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi là việc đóng tiền học thêm (học phí) cho thầy Trinh, thầy Diệp. Còn nhớ, khi hai thầy phát cours (tài liệu học tập) cho học trò là nhắc khéo các em đóng tiền học thêm. Đứa nào đi học thêm cũng được phát cours. Nhưng sau đó, có đứa đóng tiền, đứa không có tiền để đóng. Hai thầy không màng đến chuyện đó. Chỉ thấy đứa nào có đóng tiền thì sau đó, không hiểu bài, hỏi thầy rất hăng. Còn tôi, “học chui”, không có tiền đóng nên rất lặng lẽ, không dám trực diện với thầy. Bù lại, không hiểu bài, tôi xách cours đi hỏi các bạn, các bạn chỉ cho, điều này đã giúp tôi nhớ rất dai những công thức, làm bài thành thuộc.
            Xong Tú Tài Hai, tôi thi đậu vào Trường Đại Học Sư phạm Cần Thơ. Theo chương trình, tôi học tại đây 2 năm sẽ ra dạy trung học đệ nhất cấp. Nhưng dòng đời không êm trôi như tôi mơ tưởng. Tôi phải nhập ngũ vì thiếu điểm ở năm sau cùng. Khi vào quân ngũ, ngày ngày mồ hôi đổ, bước theo nhịp quân hành mà lòng cứ mơ về một ngày bình yên. Đêm đêm, hồn tôi chơi vơi trong làn sóng radio với bản nhạc “Một mai giã từ vũ khí” của nhạc sĩ Ngân Khánh: “Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn…Tôi trở về quê, tìm tuổi thơ mất năm nào. Tôi…được học hành như xưa…”.

Một góc chợ Bến Tre trước năm 1975 - ảnh - Internet.

            Tôi gặp lại một trong ba người bạn học trò cũ đã biệt tăm sau tết Mậu Thân sau ngày giải phóng 1975. Bạn mặc áo màu xanh lá cây, quần ny long dầu đen, mang dép râu. Trong nói chuyện với tôi, tôi biết bạn cố tránh nói những điều khiến tôi mặc cảm, chốc chốc bạn thì thào: “Mày ở trong thành là phải đi lính, còn tao, tao ở vùng giải phóng là đi Việt Cộng. Trước đây chừng tháng, tao mày gặp nhau, không biết tính sao à?”.

            Nhưng có vẻ bạn ấy rất chú ý về những con hẻm ở nội ô Bến Tre, nơi tôi và bạn từng đi qua hay cùng ngồi uống nước nhưng mạnh ai nấy trả tiền. Khi bạn hỏi tôi về một con hẻm gần lò tương, tôi nói rằng con đường xưa em đi vẫn còn đó nhưng người ấy đã về quê, dân tản cư mà... Hồi đó cô ấy đi học mặc áo dài trắng, lấy cặp múm mím che cằm, trông rất khoan thai. Tà áo trắng ấy đã bước nhẹ vào tim của nhiều nam sinh thời đó.

No comments:

Post a Comment