22/11/2013

Phèn và biển

            Lê Hoàng Minh

          Phèn ngồi trên các nấc thang dẫn lên sân thượng, im như một pho tượng, ít đi đâu lắm. Nó ngồi nhìn chăm chăm ra biển, tưởng chừng như không động đậy nếu không nhìn kỹ là đầu của Phèn thỉnh thoảng cử động nhẹ, đôi mắt ươn ướt và nhấp nháy, như có nước mắt lưng tròng. Cứ thế, Phèn ngồi rất lâu giữa những nấc thang bước lên sân thượng.
        Sân thượng được xây dựng và nối kết hài hoà với một ngôi nhà lớn, kiến trúc tạo hình theo kiểu xưa, với mái ngói phẳng và rộng giống như lăng tẩm, cung đình hoặc như những mái ngói rộng và dài của những ngôi đình làng. Ở đây, màu đỏ của mái ngói hiển hiện sự khác biệt màu sắc khi mái ngói nhô lên giữa rừng dừa xanh còn non lá, chung quanh một không gian cát vàng rộng thoáng, đối mặt với màu xanh dương của biển. Một công trình được nghiên cứu tinh xảo, ngôi nhà này khi hoàn chỉnh sẽ là một khách sạn nghỉ mát có thể tiếp đón hàng trăm khách bốn phương.
         Đứng nhìn từ sân thượng, phía sau nhìn ra biển cũng biết là chủ nhân ngôi nhà đã cố tình xây dựng theo sách phong thuỷ, gọi là lối nghinh phong, có nghĩa là đối nghịch đùa với gió, vì sân thượng là phía sau trực diện và đón gió mạnh của biển thổi thẳng vào tạo ra sự mát mẻ, đối lại cái nắng gay gắt ban ngày. Và cũng từ đây, ta có thể nhìn từ trên cao quang cảnh bao quát hình cánh quạt của biển phía nam Ninh Thuận , giữa eo của các cồn cát san sát nhau mà hai bên nối lại thành 2 vòng cung, tạo nên một vịnh là nơi trốn giông bão cho ngư dân, cho các loài thuỷ tộc,  nên thủy sản rất dồi dào.

Bãi biển Mũi Né.

          Nơi Phèn ngồi, vẫn ngồi như bất động từ bao giờ, đi lần theo các nấc thang đưa tới đường lên sân, bước qua sân rộng nhìn thẳng ra biển và cuối cùng phía bên kia sân thượng lại có những nấc thang đi xuống đến đường dẫn thẳng ra biển.
Phía bờ biển là những cồn cát cao tiếp nối nhau lô nhô lên, sắp lại bờ biển cát thành một vòng cung, từ lâu đời rồi, bây giờ thì đã được cây phi lao bao bọc lại. Nhờ thế che chở của rặng phi lao mà những loại thảo mộc khác có thể được bảo tồn mọc lên trên lớp cát hoang dã, đóng góp vào đời sống thiên nhiên bằng những bông hoa nhiều màu sắc. Cũng nương nhờ vào sự điều hoà này mà hàng nghìn gốc dừa từ Bến Tre đã được những nghệ nhân tạo cảnh đem về đây trồng. Sau khi bỏ gốc chừng chín tháng thì cây dừa non bám rễ, chịu được nước lơ lớ mặn, làm quen với gió và cát, nối nhịp cuộc sống mới, bắt đầu đưa ra những tàu lá xanh còn non xinh đẹp. Sự thay đổi mà những thợ tạo hình đóng góp càng làm cho quang cảnh thêm nhiều sắc thái hữu tình hơn đến vùng gió cát biển xanh, giữa sự hoà hợp cát vàng hoe lẫn với màu xanh dương của vùng biển mặn này.
Trong cái thanh vắng của một vùng đất rộng, biển bao la và vắng vẻ, tôi có dịp thân thiện mỗi ngày một hơn với Phèn. Mấy hôm liền, cứ ban ngày, tôi vẫn gặp Phèn ngồi ở các nấc thang dẫn lên sân thượng. Nó không đi đâu xa hết, ngồi nhìn chăm chú ra biển như dõi mắt canh chừng điều gì đó. Mỗi lần tôi đi ngang qua, ban đầu Phèn tránh qua bên một chút , vẻ khép nép, đầu cúi nhẹ xuống khi tôi bước qua. Mặc dù chiều ngang của các nấc thang rộng cỡ 2 thước, đủ để 2 người bước qua cùng một lúc mà vẫn không chạm đến nhau, nhưng Phèn cứ khép nép im lặng và cúi đầu khi tôi bước ngang chỗ ngồi thường nhật của Phèn, cứ như là một tu sĩ đang mùa tịnh tâm.  
          Từ 3 tuần nay, Phèn vẫn ngồi như vậy, từ sáng sớm, với tư thế nhìn ra biển. Khi tôi đi ngang qua các nấc thang lên sân thượng, Phèn chỉ nhìn tôi lơ đãng, không buồn cử động, nhưng trong ánh mắt có chút sợ sệt, nghi ngờ.
Tôi được biết là vừa qua, Phèn đã gánh chịu nhiều oan trái. Chị Hai - người nấu bếp và là người nuôi Phèn, kể lại:
          - Con Phèn, chị tặc lưỡi rồi chậm rãi kể tiếp. Tháng trước có 4 con tất cả: Phèn, con cái và 2 con chó nhỏ, đó là cả gia đình của Phèn. Gọi tên nó là Phèn vì lông của nó nâu hung hung đỏ như màu phèn của nước sông ở Miền Tây của mình. Con cái cũng giống nó, tên là Nâu. Hai con chó con là Chàm và Vện. Cả 4 con đều màu nâu hung hung như nhau, có mũi đỏ và mắt đo đỏ. Chúng là  chó  giống của đảo Phú Quốc nên có lớp lông ngắn và mịn, trên lưng có xoáy dài từ lưng trên đến giữa 2 chân sau của chúng. Nơi có xoáy thì lông dựng đứng lên, ra dáng dũng cảm, làm cho chúng có vẻ nhanh nhẹn khi chạy phóng lên với dáng điệu của con ngựa. Vóc dáng của chúng thon nhỏ, 2 tai sửng cao; với cái trán nhô ra, trông giống với loài cáo. Là một giống chó nhanh nhẹn và rất hiếu động, chúng ít khi sủa, sống rất tập đoàn và gia đình. Là một giống chó hiếm và quý, 4 con chó đến vùng biển nầy cũng phù hợp với gốc gác quê hương biển đảo của cả gia đình con Phèn.
          Chúng thích biển, lúc nào cũng lao đầu ra biển để săn tìm mồi. Nếu ở Phú Quốc, chúng chạy quanh bờ biển săn cá mực, lột vỏ gai gốc của con nhum để ăn ngon lành, hoặc hăm hở lao mình xuống biển đùa giỡn với sóng nước để được tắm rửa tự nhiên nên rất sạch sẽ. Chúng về đây sống cũng là nơi có gió biển nên chúng thật sung sướng, nhưng…
Chị Hai đầu bếp lo mọi việc ẩm thực cho khách sạn còn đang xây dựng. Chị đến ở đây phụ trách nấu nướng cho đội thợ đang thi công cho  đến lúc hoàn chỉnh khu khách sạn này. Chị nuôi nấng con Phèn và thương yêu gia đình của nó. Chị kể tiếp câu chuyện xảy ra cho loài vật nhưng đã làm cho chị ray rứt. Giọng của chị có khi lớn, có khi như thấp xuống hoà với gió  dâng biển lên theo con nước, cuốn theo cát rồi đổ đều xuống mái tôn sau nhà bếp, tạo nên một màng trắng đục. Người nuôi con Phèn với giọng nói trầm bổng, mắt nhìn ra biển, tiếp tục kể:
          Một biến cố thương đau đã xảy cho gia đình của Phèn, có ai ngờ được đâu? Khi gia đình chó được đưa đến đây, chúng rất sung sướng, ngày nào cũng như ngày nấy. Lúc còn nhỏ, Vện và Chàm không đi xa lắm, chỉ quanh quẩn trong nhà . 2 con lớn thích biển lắm. Cứ mỗi sáng khi mặt trời vừa hừng đông, hai con lớn Phèn và Nâu đùa nhau chạy thẳng xuống biển, nhanh nhẹn chay vòng quanh các ngõ cát đất, nhảy trên sóng, đùa giỡn và bắt cá. Rất nhiều cá mú, cá bạc má theo sóng đánh tấp lên cạn. Cặp chó đến chực chờ và bắt rất nhanh nhẹn. Chúng luôn thích ăn cá tươi trên bờ biển. Khi ăn no, chúng tìm cua biển để đánh bắt như đùa giỡn, tắm biển sạch sẽ, giũ nước xong, cứ như thế mãi đến xế chúng mới về  nhà, mồm vẫn nhai lại những mảnh xương còn sót lại.
        Buổi chiều, chúng đùa giỡn với nhau dưới sân thượng. Có những đêm trăng, cả 4 con cùng nằm bên nhau trên bãi cát nhìn theo sóng biển. Cảnh đầm ấm của gia đình Phèn kéo dài vài tuần lễ thì đau thương giáng xuống. Ngày hôm đó - chị hai ngừng nói đưa tay chỉ ra bờ biển - ở đây đây!
       Chị Hai dừng lại giây phút.
      Bọn bắt chó bằng Honda, chúng ác lắm, đi bắt chó của người ta! Chúng đánh đập, tra tấn để con chó không kêu lên, chúng thắt cổ cho con chó bị nghẹt thở. Bọn chúng đi trên 3 chiếc xe Honda, mặt đằng đằng sát khí, có đứa kéo gậy và dây thòng lọng, bắt chó bỏ vào cần xé rồi chở đi…
-                    Ác nhân, đi ăn thịt chó của người ta, quân ăn cướp - chị nói nhỏ một mình như nguyền rủa...
      Hôm đó, con Nâu bị bắt kéo đi. Thật tội nghiệp, tôi còn nghe tiếng nó tru lên thảm thiết. Nghe tiếng nó tru lên đau đớn, tôi chạy ra thì thấy con Phèn lúc đó cũng đang bị dây thòng lọng tròng vào cổ. Chúng kéo lê con Phèn trên mặt cát.  Khi tôi trông thấy và la lên, bọn ăn cắp hối hả bỏ Phèn vào cần xé cột đằng sau xe,  rồi 3 chiếc Honda phóng đi rất nhanh. Con Phèn vùng vẫy mạnh đã xé vỏ, rớt xuống đất rùng chân đứng kéo lại rất dũng cảm. Chân nó lướt trên bãi cát, xe bị vướng chiếc Honda thứ hai quấn dây cần lái nên xe ngã và 2 người trên xe ngã chúi xuống đất. Chúng xăm xăm lại dùng roi đánh con Phèn rất tàn nhẫn. Con Phèn cố gắng kéo dây chạy trối chết, kéo  giựt ngược.  Chiếc Honda bị lún cát không thể lăn bánh. Vì có tôi đang kêu cứu nên chúng đã bỏ dây thả con Phèn để  kịp  thời chạy trốn, mang theo con Nâu đã bị siết cổ.
       Tội nghiệp Phèn, mình vấy máu, nó đứng trên bờ biển tru tréo theo tiếng sủa kêu cứu của con Nâu nhỏ dần. Nó nhìn theo 3 chiếc Honda, đôi mắt ướt, nước dải lòng thòng và rên rỉ rất lâu rồi mới theo chủ. Về đến nhà, nó liếm các con của nó, tru lên từng hồi dài và sủa sảng lên suốt đêm một cách tức tưởi…
        Thật là một sự việc thương tâm. Dù là thú vật đi nữa thì phản ứng của con Phèn dễ gây xúc động. Không hiểu lương tâm con người của bọn bắt chó ở đâu mà nhẫn tâm đi ăn cắp và lòng dạ nào mà có thể ăn thịt chó? Loài người có đủ mọi thứ để ăn ngon và để sống, đâu cần thiết phải ăn thịt chó. Ai cũng hiểu là con người có thể ăn mọi động vật, nhưng chó là loài vật chung thủy với con người nhất kia mà. Nó là loại động vật gần gũi, sống bên con người như chủ và tớ sống chung một nhà với nhau, đến đỗi được con người giao cho nhiệm vụ giữ nhà. Khi giữ nhà thì nó đã làm nhiệm vụ lớn và được sự tin tưởng của con người rồi. Nó lại là  con vật biết vui khi chủ về, biết chào đón mừng rỡ, biết buồn khi chủ buồn, như một người bạn trung tín. Nó có thể dễ dàng tha thứ dù có khi bị bạc đãi, tại sao con người lại lãnh cảm đến có thể ăn thịt chó? Khi con chó là bạn trung tín từng ở chung một nhà với mình nhỉ?
         Thật là không làm sao hiểu nổi lòng dạ con người!
         Như vậy là 2 con chó con bụ bẫm Chàm và Vện bị mồ côi. Chị Hai thấy tội nghiệp nên gửi  chúng về Sài gòn để được nuôi dưỡng chu đáo hơn. Nhưng than ôi, không chịu được khí hậu nóng bức của thành phố, phải ở trong nhà phố không có bờ biển và gió, 2 con chó con đều bệnh và chết đi…Giống chó Phú Quốc quen sống ở hải đảo, chúng không chịu được sự đóng kín và thiếu gió biển!
        Mấy ngày qua, khi tôi đi qua lại, con Phèn cũng đã quen với tôi, nhận những cái vỗ đầu môt cách thông cảm, rồi nó bắt đầu đi theo tôi, đùa với trái banh tôi liệng cho nó. Con chó nào mà không thích đùa với banh? Tôi gọi Phèn ra biển với tôi, năm lần bảy lượt nó theo chân tôi, nhưng khi ra đến bờ ranh, nơi hàng cây phi lao chắn gió giữa bãi biển và ranh nhà thì nó dừng lại nhìn ra biển chứ không đi tiếp. Rồi nó đi ngược trở lại, mặc tôi kêu nó. Lần này nữa, tôi gọi Phèn và đi chậm bên nó, vừa khum lưng ra dáng chồm tới trước, 2 tay vỗ đánh nhịp như đang chạy, làm cho con Phèn hứng khởi đi với tôi qua bên kia  bờ phi lao là trên bãi biển. Lúc đó, chợt có tiếng xe Honda, con Phèn cắm đầu, co đuôi chạy trở vào nhà…
        Ngày hôm sau, con Phèn lại ngồi ở giữa các nấc thang nhìn ra biển. Tôi định không để ý đến nó, nhưng khi thấy tôi đến bờ biển, nó đứng dậy ve vẩy cái đuôi chờ đợi nhưng vẫn không bước tới. Tôi  đi ngược trở lại và vuốt đầu nó, rồi từng bước đưa nó ra bên bên bờ phi lao, dừng lại ở đây để nó có thể nhìn chung quanh. Sau giây phút , một cách tự tin, nó chồm lên đi bằng 2 chân nhiều bước, quay vòng quay vòng. Hàng phi lao thả cành và lá la đà xuôi theo chiều gió, kiên nhẫn đứng chắn gió biển để lọc cát, chặn đứng các đồi cát cứ theo gió xoay dần. Gió từ biển xa thổi lên mang theo những làn bụi nước man mát; con chó chạy vòng, những vòng lớn hơn và sóng biển vỗ xuống người nó.
       Con Phèn như say sóng, xoay bên phải chạy một vòng, luồn bên trái chạy vòng qua lượn lại, những lượn sóng đang nối nhip trên mặt biển, những lượn đi hàng đầu vào bờ, xếp lên nhau cuốn thành những cuộn nước tràn lan và vào bờ rào rạt, từng đợt sóng dập xuống làm tung tóe lên, làn nước trắng tạo nên muôn ngàn những bong bóng nước trắng xóa vỡ ra rì rào, những làn sóng bạc đầu lại đưa lên cao rồi cuốn lại như ôm vào cuộn nước những gì nó chạm đến. Con Phèn chạy nhảy theo từng làn sóng đang bủa lên cao, cất tiếng sủa theo tiếng dập của sóng mỗi lúc sóng đánh chạm bờ cát, tiếng lao xao của những bong bóng nước vỡ tan theo khi nước tràn lên bãi và trở thành những vùng bông trắng lan rộng trên mặt biển. Khi nước rút ngược lại sau con sóng, làm cho từng vùng hoa trắng chen nhau theo sóng nước hợp tan từ bờ biển ra tận ngoài xa.
       Bộ lông màu nâu của nó ướt sũng, nó chạy nhảy với sóng như thế cho đến lúc thấm mệt mới dừng lại, bước chậm với hơi thở hổn hển, lưỡi thè dài ra. Bây giờ, nó mới chậm bước theo bìa của con sóng, nhanh chân nhảy vồ lên những con cá vừa mắc cạn còn nhảy lưng tưng chưa tìm ra mực nước. Nhanh chóng khi thấy được con mồi, nó đứng chặn lại phía nước sâu, nhảy lên đặt 2 chân trước đè lên 1 con cá bạc má. Đầu của con cá đã bị nó cắn và kềm giữ chặt lại. Một chút máu tươi chảy ra bên mép, nó ngừng chân lại giây lát, rồi chậm rãi bước lên trên khô, thưởng thức bữa ăn đồ biển tươi mà nó đã nhịn từ mấy tuần nay.
        Nó lại chạy ra biển, sủa lên những tiếng rất ngắn và vội vàng, tiếp tục đuổi bắt cá, trông nó thật là hăng hái, như một ngư dân nhanh nhẹn và thành thạo. Buổi chiều, nước biển đang lên, trăng 16 lên cao lơ lửng trên hàng phi lao thả mình theo gió. Trăng chưa tỏa ánh sáng trên triền đồi cát xa lúc bóng chiều chưa vương. Trăng thượng tuần tròn lơ đảng chờ bóng đêm để tỏa ánh vàng; mặt biển đã dần sạm màu sớm hơn khi mặt trời tắt nắng chìm xuống sau lưng đồi. Sóng vỗ theo con nước đang lên càng mang theo những cuộn nước bạc màu nối nhau từ xa lắc, gửi lên bãi những vùng hoa trắng và vỡ tung ra theo vòng cung của bờ biển, tạo nên những vùng bong bóng trắng quay thành vòng, lan rộng ra, biến thành những vòng hoa tròn đều đều nối nhau sau mỗi làn sóng vỗ vào bờ, rào rạt trên mặt biển thì thào theo gió đưa.
      Gió như đưa trăng lên cao hơn mỗi lúc khi màu vàng của ánh trăng càng rõ rệt thì màu sóng vỗ trên bãi cát càng lan rộng ra hơn với ánh trăng bàng bạc phản chiếu.
Con Phèn không đi đánh bắt cá nữa, nó chạy lên phía trên bãi cát để đùa với những con cua biển. Bắt cua không phải dễ, phải có thế, khi con cua đang ở tư thế chiến đấu, chỉ cần sơ hở là bị nó kẹp trong 2 cái càng sắc bén.


        Con Phèn có vẻ ý thức điều ấy và chậm rãi theo đuổi con cua biển đang chạy ngang và đưa đôi càng mở toang hoác ra trong tư thế quyết chiến. Con Phèn chạy vòng ra phía lưng con cua, vòng lại phía trước để buộc con cua rời bỏ tư thế, và chờ lúc sơ kỳ bất ý, cắn 1 cái càng lớn nhất của con cua, xách lên cao, hất và lắc nhanh thật mạnh cái đầu để làm  cho gãy 1 càng, con cua rớt xuống. Nó vòng lại và cắn đến càng thứ 2. Khi còn cua bị  gãy hết cả 2 cái càng, hết vũ khí tự vệ, nó mới cắn và ăn con cua.
       Ánh trăng đã toả sáng giữa vòm trời trong xanh bao la. Đêm cận ngày Rằm chỉ có vài ánh sao lấp lánh, trên tầng xanh thăm thẳm của trời cao, dưới biển xanh lồng lộng chỉ còn các đốm trắng của sóng xa vỗ về, mặc tiếng rào rạt cũng trở thành thanh vắng giữa mênh mông.
       Con Phèn cũng đã no, nên bắt được con mồi nào mới thì mang lên phiá lau lách, bươi 1 lỗ khá sâu rồi lấp đất lại kỹ lưỡng. Mỗi lần như thế, mũi con Phèn nhô ra, nhìn trước nhìn sau trước khi chôn sản phẩm, phải kín đáo và không có mặt 1 động vật  nào khác nó mới lấp đất, nếu lỡ có một con khác trông thấy, nó sẽ thay đổi chỗ chôn để giấu đi ở một nơi khác .  
      Trong tất cả số cá mà chiều nay mà con Phèn bắt được, chắc chắn nó sẽ không làm sao nhớ hết những điểm chôn giấu mà nó đã đào xới và lấp đi lấp lại. Bản năng sinh tồn qua cách xử lý để dành thực phẩm của giống cho Phú Quốc này cũng tương tự với cách các loài gặm nhấm sống bằng hạt trái cây hay ngũ cốc như sóc. Chúng cũng có ý thức chôn giấu dự trữ ngũ cốc sau khi đã ăn no, và với bản năng của chúng đã biến chúng thành những nhà bảo vệ môi sinh và môi trường một cách trung thành và tự nhiên.
       Giống ăn thịt cá, qua sự chôn giấu để dự trữ, cho dù có quên đi thì cũng góp phần làm sạch môi sinh là một hành động rất cụ thể góp phần quét dọn thiên nhiên. Trường hợp của con Phèn cũng giúp dọn dẹp bờ biển, xới đất, chôn những con cá chết trước khi bị phân hủy; những giống gặm nhắm thì lại là nhà trồng trọt của thiên nhiên, đi cấy cây giống, chỉ cần chúng không nhớ đã chôn hạt giống ở vài nơi, thì nơi đấy sẽ nảy mầm nên cây . Giữa 2 nền xanh thẳm thì ánh sao xa lạc lõng, vài vì sao của đêm trăng như ánh mắt lung linh từ đâu đấy dõi nhìn khi bóng  đêm chùng xuống, mặt biển đưa lên những con sóng bạc lấp lánh dưới ánh trăng lu, hơi nước dao động càng mạnh hơn, hoà với gió hơi nước như màn bụi trắng đưa vào không gian thành hơi sương lành lạnh.
       Chợt có một bóng đen nhanh như chớp loáng thoáng phóng chập chùng trên mặt sóng. Sột soạt, dưới ánh trăng bạc, lấp lánh trên mặt sóng phản chiếu ánh trăng, giữa làn sóng một cuộc chiến đấu sống còn của 2 còn vật đang xảy ra. Con Phèn đang đứng thẳng lên, mồm cắn vào một bóng đen dài hơn nó, đầu nó vắt qua vắt lại, bị phản ứng nó té xuống biển, vùng đứng lên dùng 2 chân trước đè xuống con thủy quái, sóng rút xuống để lộ 1 con rắn biển to lớn, dài chừng 2 thước đang vùng vẫy vì bị thương và há miệng thịnh nộ lại con Phèn. Bị con Phèn đè 2 chân, nó lách mình phóng tới, và lại bị con Phèn cắn phía trên đầu. Lần này, con Phèn dùng sức kéo con rắn biển lên trên bờ cát.
       Con rắn cắn vào chân con Phèn. Nó sủa lên, cắn vào cổ con rắn. 2 cái răng nanh của nó siết chặt 2 bên đầu của con rắn, con rắn nước giãy giụa, con Phèn kéo nó ra khỏi nước.
Trên mặt cát, nó vùng vẫy điên cuồng. Ra tới bờ cát, con rắn biển không còn dũng mãnh như trước, chỉ vùng vằng dưới chân con Phèn và bị mồm nó cắn nhiều lần vào phía sau đầu làm con rắn chỉ còn cách từ từ giãy chết.
      Trăng đã lên cao. Ánh trăng chênh chếch. Con rắn nằm ngay trên bãi biển. Con Phèn sủa lên vài tiếng như thách đố biển xanh, không buồn ngó ngàng đến chiến lợi phẩm hay thành tích mà nó vừa chiến đấu. Nó đến ngồi bên cạnh chân tôi, hơi thở mạnh mẽ, ngồi chồm hỗm xuống nhìn ra biển xa. Trăng sáng tạo nên một màu sắc phản chiếu trầm lắng từ đôi mắt của con Phèn cũng giống như những vì sao xa lắc nhìn ra biển.
      Ánh trăng rơi chập chờn theo dao động của những tàu dừa đong đưa theo gió, những tàu dừa non vươn lên vừa phủ lên mái ngói của ngôi nhà xây như lăng tẩm xưa. Đêm chùng xuống, chỉ còn tiếng sóng rì rào, loang loáng bóng trăng soi trên từng con sóng nước vỗ về, vẽ nên những vùng hoa biển sống động lớn dần ra, mang ánh trăng lu lấp lánh tỏa ra trên mặt sóng nước trắng xóa giữa lòng biển đen.
      Người nhìn trăng, Phèn nhìn biển…




   (Đêm Mũi Né, tháng 11/2012)

No comments:

Post a Comment