26/11/2013

Nén nhang dâng Thầy
                                                                                    
Nguyễn An Cư



Thế là thầy Bùi Văn Trọng đã vĩnh viễn ra đi!Dẫu biết rằng ở tuổi tám mươi ba như thầy thì việc ra đi cũng không có gì là quá sớm. Qui luật tự nhiên muôn đời vẫn thế! Nhưng sao chúng tôi cứ mãi ngậm ngùi thương tiếc!Thầy Trọng ra đi trong những ngày đầy ắp tình thầy trò của Lễ Nhà giáo Việt Nam càng làm chúng ta xót xa hơn.Chúng tôi học môn Pháp văn với thầy suốt một năm dài. Nếu tôi không lầm, đó là năm lớp đệ tứ niên khóa 1967-1968. Hơn bốn mươi lăm năm rồi, nhất là trải qua cuộc chiến khốc liệt, mọi sự việc đã quên nhớ nhớ quên; có điều hình ảnh và kỷ niệm về thầy Trọng thì tôi nhớ mãi.          Có lúc, thầy Trọng ở sau nhà đèn, gần nhà thầy Đỗ Quang Hạnh, đâu khoảng “quán cây mận” bây giờ. Vóc dáng cao cao, thầy Trọng thường mặc chiếc áo cụt tay trắng, đeo kiếng trắng, xách chiếc cặp táp hai quai trông thật đạo mạo, cao sang. Thầy lên lớp rất nhàn nhã, nói chầm chậm, dạy “tà tà”, không vội vàng lo sợ hết giờ như nhiều thầy cô khác. Thầy dạy Pháp văn nhưng tiết học có năm mươi lăm phút thì hết mười lăm phút… nói chuyện đời! Thầy bảo, học ba cái tiếng Pháp này rồi cũng… vô dụng thôi, cứ về mà tự học lấy cũng đủ để đi thi, từ điển họ giải nghĩa còn chính xác hơn thầy; chỉ lo các em ít hiểu biết chuyện đời thì sẽ thua thiệt.          Bên ngoài thì thầy Trọng đạo mạo, đĩnh đạc, có vẻ cách biệt với học trò lắm. Khi thầy giảng bài, học sinh mới thấy thầy thật gần gũi, bình dị và nhất là… hơi châm biếm.Có thể nhiều bạn học cùng lớp với tôi vẫn còn nhớ, có lần đang giảng bài, thầy Trọng ngưng lại, nói: Đố mấy em có ai ăn bánh bèo chan nước cốt dừa mà không liếm lá chuối hôn? Một chi tiết hết sức nhỏ nhặt và bình dị mà chúng tôi không ngờ lại thốt ra từ cửa miệng của vị giáo sư Pháp văn đạo mạo và sang trọng ấy! Bây giờ đọc cáo phó của Ban Liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học Công lập Kiến Hòa về tang lễ của thầy Trọng mới biết thì ra thầy cũng xuất thân từ một gia đình rất nghèo khó nên mới có được chi tiết hết sức chính xác ấy.Một lần đang dạy bài về sự giao thông, thầy xen vào nói, ở nước ta thời gian lãng phí cho nạn “kẹt cầu” rất lớn. (Đúng vậy. Hồi trước giải phóng cầu nào cũng rất hẹp, chỉ đi một chiều, muốn qua cầu phải chờ cho đoàn xe ngược chiều qua hết và anh lính gác quay bảng trắng mới được đi. Ở Bến Tre mình, cầu Kinh Chẹt Sậy, cầu Bình Chánh, cầu Ba Lai, cầu Mỏ Cày… đều như vậy. Quốc lộ 4 lên Sài Gòn thì vô số cầu hẹp (nhiều gấp mấy lần bây giờ). Tôi đi từ Giồng Trôm lên Sài Gòn phải mất ít nhất là năm, sáu tiếng đồng hồ, trong đó nạn “kẹt cầu”, “kẹt bắc” phải hơn hai tiếng! Nếu gặp những đoàn xe nhà binh (công-voa) ưu tiên nữa thì còn lâu hơn! Bây giờ nói chuyện qua cầu phải chờ quay bảng trắng bảng đỏ, chắc các em nhỏ đều ngớ ngẩn!). Rồi thầy Trọng hỏi chúng tôi, còn một nạn “kẹt cầu” nữa cũng tốn kém không biết bao thời gian và lại nguy hiểm nữa, các em có biết hôn? Cả lớp suy nghĩ và ngơ ngác. Thầy rút vai, bỉu môi nói: Nạn kẹt cầu… tiêu đó, không tốn thời gian và nguy hiểm sao? Lỡ chờ mà… “bom nổ” thì nguy to! Có bữa cái bụng nó đòi hỏi tuôn xổ ra gấp mà phải đứng nhấp nhỏm chờ hai cô cậu hẹn hò và tâm sự trong cầu tiêu công cộng nữa muốn… chết đi được!Cả lớp cười ồ! Thầy khôi hài, châm biếm thật sâu sắc và duyên dáng! Rồi thầy nói tiếp về chuyện “cầu… kỳ” này: Nhà thầy chỉ có bốn người nhưng phải làm bốn cây cầu tiêu. (Thầy dạy Pháp văn mà nói huỵch toẹt là cầu tiêu chứ không nói toa-let gì hết). Tôi dảo tai nghe và nghĩ ngay rằng, cái ông thầy này nói dóc đây! Hồi đó, xóm Thất Cao Đài tôi ở, hàng ngàn con người ta mà chỉ có hai cây cầu tiêu công cộng là Cầu Mát và cầu Ông Ba Vạn, người ta đi tấp nập, mỗi sáng sớm và chiều tối phải chờ đợi rất lâu làm gì có chuyện một nhà lại xây bốn cầu tiêu?Đúng vậy, bây giờ chuyện mỗi phòng ngủ ở gia đình có toa-let riêng là chuyện rất bình thường nhưng năm mươi năm về trước là rất hiếm. Nhà ở trong nội ô tỉnh lỵ cũng chỉ có một cầu tiêu chung cho cả gia đình; ở ngoại ô và ở thôn quê, kể cả những nhà tường giàu có, người ta cũng không xây cầu tiêu tự hoại mà phải chờ đợi vất vả ở những cầu tiêu công cộng! Tôi không hiểu vì lý do gì người ta lại không xây “cầu tiêu máy” như bây giờ, nhất là hồi trước ban đêm bị giới nghiêm, không ra ngoài đường được? Có phải vì ít có dịch vụ hút hầm cầu và chưa có thuốc tự hoại chăng?Đến chừng thầy Trọng giải thích chúng tôi mới rõ, những gia đình công chức làm việc rất đúng giờ. Gần đến giờ đi làm, cả gia đình mới đồng loạt thức dậy, nếu phải chờ đợi để đi vệ sinh nữa thì sẽ trễ giờ mất, cho nên ai cũng có nhà vệ sinh riêng. Có lẽ một phần vì thầy Trọng hấp thụ văn hóa Tây phương nên cũng sinh hoạt kiểu Tây phương. Thầy Trọng kể xong thì cũng hết giờ, còn bài thì… chưa hết! Vậy đó. Nhiều lần như vậy lắm…Thầy Trọng ưa nói chuyện đời trong lúc giảng dạy nên kỷ niệm về thầy Trọng một thời ở Trường Trung học Công lập Kiến Hòa đối với chúng tôi cũng rất nhiều. Đúng là những chuyện đời  mà thầy Trọng kể cho chúng tôi nghe có lẽ còn quí hơn nhiều so với vốn tiếng Pháp mà thầy đã dạy chúng tôi.Tôi xin nhắc lại một vài kỷ niệm về thầy như một nén tâm nhang…

                                                                                                
                                                                                                                                       
                                                                                                    

No comments:

Post a Comment