23/11/2013

 Ngụ ngôn một mẫu vườn Dừa
   Trúc Thông
     
Là tân cổ tích Nhường Trà
Để dành tặng bạn như là ngụ ngôn...

·      

Tôi hiểu chuyện ngụ ngôn là những khuyến nghị của các bậc hiền triết, cao minh, mượn ngôn lời của một loài, một vật nào đó để răn dạy con người những bài học kinh nghiệm để đời, để mà khôn lớn, để học và hành… Nhưng với tôi là lớp hậu sinh, hay nghe những chuyện ngụ ngôn giữa đời thường… Có khi, nó diễn ra quanh tôi, trong chốn làm, trước ngỏ nhà, hay như hôm nay, là tại mẫu vườn dừa, bên dòng sông quê mà tôi mới tậu được đây…

Trưa nay nắng gắt, ngồi dưới gốc dừa xiêm hóng gió bờ sông và hứng chịu mùi bùn sình hôi hám... Tôi suy đi nghĩ lại nên cải biến thế nào với mẫu vườn dừa, lẫn mớ cây ăn trái èo uột, vây quanh ngôi nhà chữ đinh cổ xưa, thọ qua bao đời ông, cha và con... Bây giờ, mái ngói đã cong quằn, tường vôi loang lỗ, nền nhà sụp lún rong rêu, tuy đồ dùng gia bảo trong nhà vẫn còn nguyên, dù có tỳ vết tích chiến tranh… Một làn gió sông nổi lên, lay động bóng tàu dừa chờn vờn trên mặt cát cỏ úa vàng như gạ gẫm tôi: “Thì cứ làm như thầy thuốc trước một con bệnh vậy, phải truy chứng, định căn, rồi ra toa bốc thuốc trị liệu thôi mà!”... Tôi gật gù, sắp xếp lại trật tự suy nghĩ... và để thử lắng nghe xem lòng sông và bóng dừa có còn ngụ ngôn nào nữa không...



Tôi bức xúc, nhăn nhó nhìn dòng sông chảy lững lờ qua mặt tiền nhà, đậm mùi bùn, lẫn mùi nước thải, rác rưỡi... Hôm đến xem mua mẫu vườn dừa này, chính mùi hôi hám đó khiến tôi ngao ngán, muốn bỏ về… Nhưng vì cám cảnh ngặt nghèo, cần bán gấp của gia chủ, và thực lòng tôi cũng rất muốn tậu một cơ ngơi để nghỉ hưu nhàn nơi cố hương, nên cuối cùng quyết định đặt cọc, sau khi đã thỏa thuận mọi đàng... Khi đôi bên ký tên vào tờ hợp đồng mua bán, tôi nghe như có tiếng tàu lá dừa và cây lá trong vườn khua động xào xạc, theo làn gió sông thổi vào nồng nặc mùi là mùi... Tôi thì nửa hài lòng, nửa băn khoăn; còn gia chủ, nguyên là người Thầy khả kính, từng dạy tôi môn Sử Địa, hồi thời Trung học đệ nhứt cấp... cũng không giấu được nỗi ngậm ngùi tiếc nuối...

Thật ra, hoàn cảnh bán gấp cơ ngơi thừa tự bao đời nay của Thầy là vì do neo đơn, vợ mất đã hơn 3 năm nay... Đứa con gái duy nhất đi du học từ lâu, lấy được bằng tiến sĩ Thiên văn ở Mỹ và có chồng là người Đan Mạch, cũng là giáo sư Thiên văn nổi tiếng... Hai vợ chồng đã có cháu nội ngoại, khó bề hồi hương hay đưa Thầy sang đoàn tụ ở xứ Bắc Âu lạnh lẽo giá băng... Do đó, Thầy chỉ còn mỗi cách tính là mua một căn hộ ở Phú Mỹ Hưng, dùng phần tiền còn lại gửi tiết kiệm, để làm từ thiện và trang trải cho cảnh sống già neo đơn...

Còn tôi, là nguời khách thứ ba tìm đến mua cơ ngơi này, sau khi hai người trước đến rồi đi không trở lại... Nguời đầu tiên là đồng nghiệp cũ với Thầy, bây giờ là Việt kiều Úc, muốn mua cho đám em cháu nghề nghiệp long bong, nhưng bọn nó lại không ưng... Người thứ hai là một cô bạn học cũ của tôi, ngày xưa rất cởi mở, bây giờ là Việt kiều Canada, lại rất thắt ngặt... Chính cô mách địa chỉ nhà Thầy, với ngụ ý đố tôi mua nổi... Cho nên tâm trạng của tôi khi gọi điện thoại hẹn gặp Thầy, cũng có phần nào e ngại... Nhưng tôi không ngờ được Thầy nồng nhiệt đón tiếp, đầy thiện cảm và nói thẳng: “Tiền bạc với Thầy bây giờ không thành vấn đề, vấn đề là Thầy cần tình người tử tế và tình thầy trò ta thôi!”. Và tôi càng ấn tượng hơn, khi nghe Thầy nói ra điều rất bất ngờ: “Thầy có biết về hoàn cảnh của gia đình con năm ấy... Ít ra là Thầy có dịp tiếp xúc với Ba con một lần ở quán cơm Phiếu mẫu nổi tiếng một thời ở tỉnh mình... Ba con có gửi lời nhờ Thầy quan tâm chuyện học hành của con... Thầy nói thật, sau khi nhận cuộc gọi điện thoại của con hẹn hôm nay đến đây, con có tự giới thiệu tên họ, gia cảnh và nghề nghiệp hiện nay... là Thầy hình dung ngay mọi diễn biến cuộc chuyển nhượng này rồi sẽ êm đẹp mọi bề...”...  

Tôi tự vấn, so với cả đời Thầy sinh trưởng và ngụ cư ở chốn này đã già non thế kỷ, thì sang cảnh đời hưu nhàn của tôi nơi đây rồi cũng qua đi, không khéo lập lại kịch bản cuối đời cũng như Thầy... Thôi thì sá gì những lụy phiền, tức cảnh nhứt thời trước những bề bộn của vùng đất quê nghèo còn đang chuyển mình đổi mới... Vả lại, sau khi ngã ngũ việc mua bán xong xuôi, tôi sẽ gầy dựng thành cơ ngơi tiện nghi hiện đại mấy hồi... Bằng không, thì tôi sẽ liệu bề ứng biến, để không phải “ném tiền qua cửa sổ”...  

Cũng phải thôi, khi kể lể lai lịch thửa vườn nhà cổ xưa này, Thầy Mạc Cảnh Đường, cái tên rất đáng tự hào là nguời cố cựu, vì từ đời họ Mạc ở Đàng Ngoài đi theo dòng người Nam tiến vào khai hoang và lập nghiệp ở đây, thì gia thế của Thầy là một chi hệ hậu duệ… Thầy cũng nhắc rằng gia sản đất đai ngày trước có đến hàng chục mẫu, nhưng qua hàng thế kỷ truyền đời cho con cháu, đến nay còn giữ được ngần này là may phước lắm rồi...

Rồi Thầy Đường tiếp tục kể dông dài như giảng bài rằng... Tất nhiên, theo lập thuyết địa lý thì con sông này phát tích từ thuở “khai thiên lập địa”, nó có trước cả thảy giống loài động thực vật và con nguời sinh sôi nảy nở, rồi sinh tụ quần cư nơi đây... Nhưng trong thực cảnh đương thời, nó chỉ là một nhánh sông con chạy dài từ miệt đất Giồng chia dòng nước ngọt từ vàm sông Cái… Đến thời hoàn tất mở cõi phương Nam, nó đã thành danh là một giang đạo, tấp nập ghe thuyền đổ về buôn bán, từ các vùng cù lao màu mở, trù phú... Nói khác hơn, là nhờ có nó mà dân bản địa và dân thương hồ đã hình thành ven bờ một trung tâm chợ tỉnh nhộn nhịp từ đời thuở đó... Còn bây giờ, con sông này bé nhỏ hơn xưa rất nhiều, do biến đổi địa lý “bên lở bên bồi”, do dòng chảy biến thiên cùng chế độ giang triều, triều cường, và kể cả lý do biến động môi trường, khí hậu, địa hình châu thổ, vân vân... Nhưng mà cái gì thuộc về tạo hóa, tự nhiên thì nó vẫn cứ là tự tồn...

Tôi bèn mạo muội góp lời đồn đoán với Thầy cho vui: “Phải chi hồi đó Vua Gia Long bôn tẩu qua con sông này, ăn trái bần cầm dạ mà khen ngon, và ngự ban tên là trái Thủy Liễu... thì chắc dòng sông này đã có một mỹ danh từ thuở ấy!”... Thầy gật gù: “Phải rồi, cái giai thoại về trái Thủy Liễu đó đố mấy ai biết nó hư hư thiệt thiệt ra sao... Chỉ biết rằng xa xưa ông bà ông vãi Nam bộ hay gọi tên sông rạch chằn chịt theo đặc điểm sinh cảnh như là sông Cạc Bần, rạch Ô Rô, vàm Cóc Kèn, mương máng Mù U, vân vân... Không ai đặt cho nó cái tên lãng mạn như là sông Hương ở Huế, sông Thương ở Bắc bộ vậy!”...

Một chiếc ghe bầu chở khẳm dừa, máy nổ bành bạch chạy qua, đẩy dạt vào bờ những đám lục bình, lẫn cỏ rác linh tinh, kèm mùi bùn rác hôi hám nặc nồng... Tôi khó thở, còn Thầy Đường thì quá quen mùi, vẫn tiếp tục chuyện trò... Thầy nói như để khép lại câu chuyện về cái tên con sông này: “Thật ra, ông bà mình đâu dám lưu tâm chuyện sang định địa danh này nọ, vì vốn là chuyện của vua quan, thậm chí là chuyện cổ tích, mộng mỵ của Thành Hoàng, Thổ Địa mà thôi!”... Nghe lời Thầy, tôi bèn thưa thốt rằng xưa kia, ông bà ta chỉ hay truyền đời cái tên bến bãi cho ghe thuyền ghé lại trước cửa nẻo nhà mình, như ca dao có câu rằng... Bến này là bến ông Cai... Bãi kia là cái bãi của chị Hai Răng Vàng… vân vân… Thầy Đường nhìn tôi ngạc nhiên, cười khoe chiếc răng cửa bịt vàng thiệt còn sót lại: “Con nói đúng phóc! Ông cố nội của Thầy nguyên là Cai Tổng, bến ghe này đúng là Bến ông Cai...” 

Tôi chợt thoát khỏi hồi ức qua câu chuyện với Thầy Đường, nhìn quanh chẳng có ai, mà nghe như có ngôn lời văng vẳng, theo nhịp khua động xào xạc của những tàu lá dừa: “Thủy Liễu giang à?”... Nghe ra như một nửa ngụ ý bài bác, nửa muốn nói... Rằng cái giống bần đó là loài cây thủy sinh, sinh sôi nẩy nở khắp triền sông nước châu thổ Cửu Long giang... Ông Vua đó có ngự ban tên Thủy Liễu giang thì cũng là một dụ ngôn khuất tất cho cái tên sông Bần mà thôi, hay ho gì cho cam!… Một trái dừa con khô cuống, rơi xuống gốc, lăn nhẹ, rồi nằm im lặng trong đám cỏ hôi… Cứ như là nó vừa bị Vua ngự trảm và đặt một dấu chấm than cho suy nghĩ rắc rối của tôi... Tôi nhìn nó, trách móc: “Mày không ưng thì thôi!”…

Nhưng tôi lại nghe văng vẳng có tiếng chim cu đất gáy, lẫn tiếng chim sâu hí hửng trên mấy nang dừa đang nức nở bông!… Tôi bèn thử hỏi lại trái dừa con kia: “Hay là tao gọi là tên sông Dừa vậy?”... Không nghe động tĩnh gì nữa, chắc là nó đồng tình rồi?... Tôi bèn đổi thế ngồi bắt chân chữ ngũ, mách bảo thêm với nó rằng... Nay mai công trình thi công bờ kè chống sạt lở bờ sông sẽ triển khai, mày có biết chăng hay chớ? Làm gì còn nữa cái sinh cảnh bần Thủy Liễu rủ bóng khi nước rong, và phơi cạc lia chia trên bãi bùn khi nước ròng? Mấy gốc dừa nghiêng thân, sà sát mặt sông kia rồi cũng bị đốn sạch... Làm gì còn chỗ cho bọn trẻ chiều chiều tắm sông, leo lên phóng xuống ùm ùm thỏa thích nữa?... Mai này, ai đi qua sông này, vào ban ngày chỉ thấy bờ kè bê tông với hàng chục cây số lan can sắt inox sáng ngời ngời; còn về đêm tất sẽ thấy hàng dãy cột đèn cao áp rủ đám rầy nâu, thiêu thân, thiên địch về chơi thôi... Dừa con ơi, mày đừng có mà lo mà buồn... Số phận mày rồi sẽ có nhiều giải pháp đặt ra...

Chợt tôi nghe vẳng vọng lời tự sự từ quả dừa non, tợ như lời Thầy Đường rằng... Từ thuở hồng hoang, giống dừa chỉ tiến hóa ở miền nhiệt đới ở Bán cầu Bắc và Bán cầu Nam, tương sinh tương khắc cùng loài khỉ và muôn loài khác... Rồi qua diễn biến lịch sử địa lý và theo chu kỳ sinh sản, khi giống dừa khô quá lứa, nó cứ mặc tình rơi rụng, trôi dạt theo chế độ giang triều và thủy triều, và mặc tình sinh sôi nảy nở khắp miền châu thổ, duyên hải và ở tận bờ bến hải đảo xa xôi… Đến thời trung đại, cứ men theo con đường phát kiến địa lý miền biển Đông Ấn, đi qua eo biển Malacca, là đặt chân đến vùng Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo... Kể từ thuở đó, thực dân phương Tây bắt đầu những cuộc hải trình với chiến hạm, để chinh phục thuộc địa, khai thác tài nguyên và hương liệu phong phú của miền nhiệt đới gió mùa… Do vậy, giống dừa bản địa được lên ngôi, là một trong những nguồn nguyên liệu thực vật, với chất nước cốt dừa béo bổ không kém sữa bò tươi, mà nguời dân bản xứ hay dùng trong phương dược và trong ẩm thực chè và món cà ri khoái khẩu… Trong khi đó, nền công nghiệp chính quốc cũng bắt đầu cho lên ngôi những chế biến phó sản từ nước cốt dừa làm kẹo, hóa lọc dầu dừa thành sản phẩm xà bông hay còn gọi là xà phòng… Thậm chí, nguời ta còn tận dụng các phó sản khác của dừa, để chế biến thành nhiều mặt hàng tiểu thủ công nghiệp rất phong phú, đa dạng... Như bện xơ dừa thành dây thừng, tạo nguồn than hoạt tính từ gáo dừa; hay chế biến vỏ dừa, xơ dừa thành nguồn phân bón và giá thể cho trồng trọt rau màu, hoa cảnh; kể cả sử dụng gỗ dừa trong xây cất dân dụng, bắc cầu khỉ, trang trí nội thất, vân vân và vân vân...

Tôi thử tóm lại câu chuyện ngụ ngôn của quả dừa con... Nói chung, kể từ năm triều đình Huế bó tay trước đại họa thực dân, cắt đất “lục tỉnh Nam kỳ” cho thực dân Pháp… thì kỹ thuật khai lập vườn dừa cổ truyền từ đó được biến thái qui mô, như là đồn điền giàu có của địa chủ và thực dân phong kiến… Rồi trải qua 2 thời kỳ chiến tranh và kháng chiến kéo dài ngót 3 thập kỷ, để lại di họa với bao thảm cảnh rừng dừa tan hoang, điêu tàn... Đến khi hòa bình lập lại, thì sức sống lưu niên của rừng dừa nơi nơi dần dà được hồi phục, cùng tăng trưởng, thăng trầm với các hệ cây trồng công nghiệp như cao su, cà phê, trà... mang lại nguồn sinh lợi phú túc cho nhà vườn, bỏ qua nhiều mô hình thực nghiệm khoa học kỹ thuật trồng trọt bất thành như “3 tầng sinh thái”, lai giống dừa đặc chủng, cao sản, vân vân...

Chợt có một bầu mây dọa mưa bay qua, làm dịu cơn nắng gắt... Nó khiến tôi nhớ ra thời vận kinh tế toàn cầu và khu vực luôn biến động thăng giáng khôn lường, có đầu vào không có đầu ra và ngược lại, vân vân... Và hiện nay, do phụ thuộc thời vận thị trường khủng hoảng “xập xí xập ngầu”, nguồn lợi phát sinh từ dừa rất bấp bênh, khiến nhiều vùng rừng dừa bạt ngàn trước đây, được qui hoạch thành vùng đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Thậm chí, vì sinh kế, nhiều chủ vườn chạy theo thị hiếu thị trường, đốn bỏ vườn dừa, để đánh đổi nhiều nguồn lợi cây, con, hoa màu khác!… Bằng chứng là, quả dừa con kia phải xuất thần, kể lể cho tôi nghe chuyện ngụ ngôn của đời dừa thật là đáng buồn!

Tôi e ngại nhìn kỹ quả dừa con đáng thương, bởi như nó đoán biết số phận cảnh vườn nhà này rồi sẽ phải đổi thay, một khi sang tay chủ mới… Tôi bèn xoa dịu nó với lý lẽ rằng hãy yên lòng đi... Bởi các giống dừa hiện nay có thêm một hệ phái sinh mới là dừa cảnh, được vun trồng và chăm sóc tử tế trong khuôn viên biệt thự, ở khu resort nghỉ dưỡng, để làm điểm nhấn và khêu gợi phong cách kiến trúc, thiết kế cảnh vườn văn minh hiện đại, trữ tình… Nhưng có một điều kiện tiên quyết mà giống dừa cảnh kia phải chấp nhận là… Phải triệt sản, chỉ được nở bông mà không được đậu trái!... Chỉ vì lý do bảo vệ an toàn tính mạng và sức khỏe cho thực khách, du khách thập phương bá tánh là trên hết !...

Bất ngờ, một tàu dừa khô sứt bẹ, rơi xuống trước mặt tôi, giống như một động thái phản ứng những suy nghĩ và biểu cảm tiêu cực của tôi… Vô tình, nó khiến tôi liên tưởng một thảm họa khác, khả dĩ sẽ khu triệt hoặc diệt chủng loài dừa… Tôi hiểu ra nỗi sợ hãi đó, khi biết rằng trên bàn tiệc thù tạc, bàn nhậu bạn bè và ngay trong bữa cơm gia đình… món gỏi hay món xào củ hủ dừa với thịt ba rọi được lên ngôi đặc sản là rất chân quê mà cũng rất thịnh soạn... Vậy mà mấy ai thiết nghĩ rằng mình đang xơi ngon lành một kiếp dừa rất dễ thương...   

Nắng xế càng thêm gay gắt, oi bức... Tôi bèn cởi áo sơ mi, ở trần cho nó mát, nhìn khắp khu vườn dừa không còn che mát những bờ mương đất khô ran, cỏ dại le hoe, chạy dọc chạy ngang theo những mương nước cạn queo, sạt lở... Bóng dừa trưa say nắng, như đang đu đưa giao hợp với bóng cam, quít, bưởi, xoài, mít, mận đã qua mùa trái, trở nên còi cọc, già cỗi… Rồi cơn buồn ngủ thiu thiu chợt đến, tôi mơ màng hình dung như mình đang có mặt tại một diễn đàn chuyên đề về thực trạng và giải pháp cho đầu vào và đầu ra của sự nghiệp trồng dừa, ở khu vực đồng bằng châu thổ Cửu Long giang...

Tôi nghe như có một vấn đề được đặt ra từ tâm thế của giống dừa lão hiện nay... Vốn là có sự thiếu công bằng đối với loài thảo mộc, thực vật nếu so với giá trị kinh tế của động vật và khoáng vật... Bởi nếu đầu tư công sức và vốn liếng trọn gói, đến khi “được mùa, rớt giá” thì huê lợi ròng hàng tháng của 1 thiên dừa khô vẫn khó bề sánh bằng việc xuất chuồng 10 con heo thịt đủ tạ, có trị giá thu mua của thương lái khoản hơn nửa tấn heo hơi... Nhưng chắc gì đến khi gom đủ được tiền lãi ròng bán dừa, bán heo... liệu có mua nổi 1 lượng vàng 4 số 9 để mà để dành? Với cái cảnh thu nhập phập phù đó, chủ vườn dừa, chủ trại heo không khỏi cụt vốn, đổ nợ!... Và với họ, vàng bạc hay đá quí có khi chỉ là mơ thôi!... Nên chăng, có nhập cuộc với những chủ vườn dừa phải giải nghệ, phải ra tay phá vườn để đào ao nuôi tôm cá, mở quán cà phê sân vườn... thì mới thông nổi những lý do kinh tế thực tế khó tranh cãi! Tôi chợt nhớ câu đồng dao hồi còn bé tắm truồng, ca thán tình cảnh éo le này: “A lô! A lô ! Dừa khô lên giá... Ai có má đi đổi dừa khô !”... Tôi bèn định thần, hỏi lại trái dừa con mày nghĩ sao?

Tôi lại nghe trái dừa con lên tiếng... Suy cho cùng, nguời làm ruộng trồng lúa, làm vườn trồng dừa, hay rau, củ, quả... cung ứng cho cả thị trường chay mặn đều dùng được, mà cuối cùng họ vẫn luôn chịu thiệt thòi, vậy là sao?... Cái ẩn số này là của một phương trình kinh tế, đang được các nhà định hướng kế hoạch và đầu tư tìm cách giải, chưa có đáp số chính thức, há chi là trình độ tính toán dốt nát của dừa con!...   

Rồi tôi nghe như có câu trả lời chung chung từ giống dừa tơ ngoại nhập... Rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu giờ đây, vai trò bảo vệ, bảo dưỡng, bảo tồn tối ưu thảm thực vật xanh, có kể đến thảm họa tàn lụi của rừng dừa, cùng các loài rừng cây thủy sinh, đang được nghị trình, nhằm đối phó thực trạng và hậu quả gia tăng hiệu ứng khí hậu nhà kính... Nhưng đó cũng là vấn đề kép về khoa học và kinh tế toàn cầu, rất nan giải!... Bởi muốn tái lập ưu thế thảm xanh thực vật, không chỉ nói riêng cảnh rừng dừa, càng không thể đơn giản hóa vấn đề như quan niệm tiêu cực xa xưa là “trời sinh voi, sinh cỏ”!... Mà vấn đề cốt tử là phải tái tạo tất cả các chủng loại rừng bị tàn phá, kể cả những rừng dừa đa chủng hệ... Phải thu dọn nền công nghiệp thải khí bẩn... Phải đầu tư chất xám, công nghệ, công sức con người cho toàn cục sự nghiệp chống biến đổi khí hậu toàn cầu... Nhưng vấn đề là lấy tiền từ đâu mà đầu tư?...

Chợt một cơn gió nổi lên từ hướng sông, khiến tôi tỉnh giấc mơ màng!... Tôi nhớ lại mình có giải thích với Thầy Đường về mục đích tậu dựng cơ ngơi này, với ý định mạo muội là thử gầy dựng một khu nhà nghỉ dưỡng sinh, kết hợp trị liệu bệnh cho người già neo đơn, đặc biệt là Thầy cũ và bạn cũ của trường xưa... Và cơ may cuối cùng đưa đến, nhưng vẫn còn băn khoăn là phải tính toán thiết kế như thế nào, khi nào sẽ khởi công và hoàn thành, để không phí phạm một cơ ngơi đắc địa, thuận bề phong thủy và hợp cách cả lá số tử vi của tôi… 

   

Có tiếng chân bước đến sau lưng... Tôi ngoái nhìn, càng thêm ngạc nhiên khi thấy Thầy Đường và một nữ khách trẻ đẹp... Thầy giới thiệu ngay đây là Mỹ Cảnh, một nữ kiến trúc sư khá nổi tiếng từ năm 30 tuổi, qua tay nhiều công trình hiện đại, cao cấp... Là chỗ bạn học thân thiết của Thanh Thúy, con gái của Thầy... Và cả hai đứa đều là con cái yêu quí trong nhà, nhất là kể từ ngày Thúy đã đi du học rồi...

Thấy tôi ngượng khi vội mặc lại áo sơ mi và khẽ gật đầu chào làm quen, Mỹ Cảnh lên tiếng thật tự nhiên, rất chuyên nghiệp: “Nhìn trật tự của cảnh quang tổng thể, những gốc dừa, chen lẫn cây tạp lộn xộn quá…! Có quá nhiều mương vườn sạt lở, sẽ phải đắp bù nhiều đất cát để tái tạo và nâng cấp mặt bằng, tốn công tốn của không ít đâu!... Theo ý đồ của một công trình có công năng và chức năng của khu nghỉ dưỡng, thực dưỡng ở ven sông, thì dứt khoát phải phá bỏ toàn bộ khu vườn cây tạp nham này, để xây dựng hài hòa một cảnh vườn Zen thanh tịnh và tương hợp với hệ thống nhà bungalow tiện nghi đắc dụng… Vậy thì không cần phải vun bồi mấy gốc dừa này nữa... Có giúp lấy lại tuổi đời cho nó cũng vô tích sự... Mà nó cũng đâu còn điều kiện làm đẹp cho dòng sông, như lưu ảnh bóng dừa lãng mạn dưới lòng sông sâu như xưa kia!”... Nói xong, Mỹ Cảnh tươi cười, mở ngay tập thiết kế hoàn chỉnh trên khổ giấy Bristol A3 cho tôi xem...

Tôi sững sờ, chôn mắt vào những mẫu phác thảo mô hình hội quán, các kiểu nhà bungalow, cảnh vườn Zen, cảnh hồ bơi, nhà thể dục đa năng, câu lạc bộ thực dưỡng, phòng karaoke... Tất thảy thật là tinh tế, đường nét phối kết hài hòa, màu sắc uyển chuyển, sinh động, mang phong cách hiện đại, với dáng dấp Á Đông được Âu Mỹ hóa...

Thầy Đường bèn giải tỏa nỗi thán phục của tôi: “Con yên tâm... Thầy nhờ Mỹ Cảnh thiết kế toàn bộ khu nhà nghỉ dưỡng và thực dưỡng mà con muốn định danh là khu Hội quán Nhường Trà... Thầy nghĩ đây cũng là một cơ hội cho Thầy và Mỹ Cảnh vẫn còn có lý do để mà về lại đây, góp tay cùng con để gầy dựng nên một cơ ngơi mới, trước kia là quyền thừa kế bất đắc dĩ của Thầy; còn bây giờ thuộc quyền kế thừa của con, sẽ biến cải khu vườn xưa tĩnh mịt của họ Mạc, mà bây giờ nó đã mang danh họ của con rồi... Thú thật, Thầy và Mỹ Cảnh sẽ sẵn sàng góp công của, vì cái tâm y đức của con, và vì một địa chỉ đóng góp an sinh xã hội, xoa dịu phần nào những cảnh đời không may và bệnh tật...”

Chợt một đàn cò trắng từ đâu đâu rủ nhau bay về, đáp xuống bờ sông rửa cánh, đang lúc con nước đang lên... Và bầy chim sâu bay chuyền ríu rít hút mật hoa dừa mới nở, cũng bất chợt rủ nhau bay đi... Tôi nao nao lòng trắc ẩn, nhìn những tàu dừa lay động theo gió sông chiều, thầm nhủ từ ý tưởng đến hiện thực hãy còn xa vời... Nhưng dù gì, tôi cũng sẽ biến đổi mẫu vườn dừa này thành một cảnh quan  mới với những câu chuyện thật không cần ngụ ngôn...   



Tại phòng chờ làm răng... 15.11.2013

No comments:

Post a Comment