04/10/2015


              TRƯỜNG XƯA … THƯƠNG NHỚ                                                                                                      HUỲNH  TẤN KIM KHÁNH

         (Tiếp theo)
          6. Nghĩa nặng tình sâu
            Không ít bạn bè nhận xét hầu như không có trường nào mà đồng nghiệp thương yêu nhau bằng anh chị em của Trung học Kiến Hòa. Tình cảm gắn bó này có thể lý giải bằng nhiều cách. Thứ nhất, chúng tôi thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1954, tiếp thu một nền học vấn nhân bản, dân tộc. Đạo đức thấm nhuần từ nền nếp gia đình, từ cách sống của ông bà cha mẹ, học hành thì chuyên cần để sau này “ nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, ra đời luôn luôn hướng đến sự hoàn thiện nhân cách. Chúng tôi dường như có nếp suy tư giống nhau và có cùng cách giải quyết những vấn đề trong cuộc sống đương thời.
            Thứ hai, chúng tôi có chung hoài bão giáo dục: quyết tâm đào tạo con em thành người hữu dụng – từ những thiếu niên vườn ruộng nghèo trở thành người có tri thức, có năng lực để xây dựng đất nước, quê hương từ lâu vốn hứng chịu đói nghèo, lạc hậu.
            Thứ ba là hoàn cảnh chiến tranh. Hôm nay vào trường đông đủ, nói cười vui vẻ, ngày mai có thể một đồng nghiệp vắng bóng bởi thương tật, thậm chí vĩnh viễn đi xa vì bom đạn. Cho nên mọi tị hiềm, đố kỵ, mọi so đo, thậm chí ganh đua đều trở nên vô nghĩa . Người ta chỉ muốn ôm nhau để an ủi, cảm thông mọi thứ trong cuộc sống, rộng mở tâm hồn, nhìn người bao dung, nhìn đời phóng khoáng. Giữa chúng tôi là như thế, chỉ còn một tình cảm mến yêu… Vài người bạn sau đây tiêu biểu cho cách sống cao đẹp đó. Và mỗi người cũng có nét độc đáo đáng yêu riêng.
             Anh Bùi Văn Trọng là người anh cả được chúng tôi đặc biệt yêu mến. Mỗi tuần anh về Bến Tre dạy học, ở nhà bà nhạc, cũng gần nhà tôi thuê. Tại Sài Gòn, anh chị ở hẻm Ngô Quyền, tôi thường ghé chơi. Mùa hè 1973, tôi đổi về Sài Gòn, năm sau mua được căn nhà trả góp của Tổng cục gia cư. Nhà thô, phải lót gạch, lắp cửa, trang bị nội thất nên hụt tiền. Có dịp cà phê tâm sự, anh bảo: “Anh giúp chú em khoản tiền cửa nẻo đó”. Tôi nhớ số tiền tương đương ba tháng lương lúc ấy. “ – Trả anh bằng cách nào?” “ – Anh còn một chân hụi chết,  chú cứ đóng đến hết là vừa đủ.” Đến tháng tư năm 1975, anh chị sang Mỹ, tôi không thể tiếp tục trả. Hai mươi năm sau, anh từ Mỹ về, tôi nhắc lại món tiền cũ, anh bảo: “Anh chị cho chú luôn. Trả cái gì!” Cũng lần đó, trong bữa tiệc chiêu đãi anh em tại một nhà hàng ở  Ngã sáu Chợ Lớn, anh thăm hỏi từng người. Đến tôi, anh vân vê áo chemise của tôi: “ – Vải nilfrance còn tốt, có phải áo dài tay cũ, chú cắt thành tay ngắn?” Anh thấu hiểu cảnh nghèo túng của anh em lúc ấy như vậy. Làm sao mua được quần áo mới, trong khi đồ cũ vẫn còn lành lặn? Trong lễ cầu siêu cho anh tại một ngôi chùa ở Tân Thạch năm 2013,  tôi nghẹn ngào thuật lại câu chuyện trên mà rơi nước mắt.
            Xin mượn lời chị Nguyễn Thị Lan trong điếu văn “Tiễn biệt anh Bùi Văn Trọng”:
            “… Biết rằng đời người sanh lão bệnh tử là không ai tránh khỏi, nhưng chúng em vẫn tiếc thương Anh quá đỗi, bởi vì anh là con người đặc biệt không phải riêng của chúng em mà là của mọi người. Anh vừa là cây đại thụ, vừa là ông Phước, Lộc, Thọ, vừa là vua tếu.
            “ Cây đại thụ che bóng mát cho đời, chở che an ủi giúp đỡ mảnh đời khốn khổ cơ cực…Cuộc sống bên anh là cuộc sống rộn rã tiếng cười, rộn rã niềm vui. Anh tự xưng mình là ông Phước, Lộc, Thọ; người Tàu thì thờ 3 ông, còn anh là 3 trong 1. Anh là ông Phúc, Lộc, Thọ cao trọng và quý giá… Anh còn là chiếc du thuyền êm ả trên những dòng sông quê hương đưa chúng em đi thăm mọi miền đất nước từ Bắc, Trung, Nam, khi Phú Quốc, khi Hàm Tân, khi Mũi Né, lúc Cần Giờ, Kiên Giang. Lúc nào Anh cũng vui nhìn chúng em cười đùa và lúc nào anh cũng có thể trêu đùa, chọc phá – điều bất ngờ mà mọi người không nghĩ tới – nên Anh còn được phong là vua tếu. Bên anh tràn những niềm vui hồn nhiên bất tận nhưng Anh lại là con người có chân tình sâu đậm khiến bạn bè nể phục, kính yêu. Anh về họp mặt, anh đi thì chia tay, tiệc nào cũng vui và tiệc nào anh cũng giành trả tiền. Anh bảo: được về với bạn bè họp mặt vui đùa còn quý hơn mấy thang thuốc bổ; ở nước ngoài làm sao có được và anh đã trở thành người Anh lớn trong lòng chúng em. “Anh Hai” là tiếng chúng em đã gọi anh đầy chân tình và cũng từ chân tình đó, có khi anh dạy dỗ nhắc nhở chúng em điều thiếu sót trong quan hệ xã hội. Anh sống đầy tình người, anh tôn trọng mỗi con người bằng tấm lòng từ ái, bao dung nên với Anh, ai anh đến chơi cũng được, kẻ cô đơn anh càng gần gũi mến thương.
            “Do vậy Anh là tấm gương sống cao đẹp của chúng em, chúng em thật sự sống vững vàng và hạnh phúc bên anh…”
                                                            (Hồ Chung Thủy ,Tập 2.(Kỷ yếu 20 năm                                                                             họp mặt (1994- 2014). NXB Hội nhà văn, t.51,52)

            Anh Bùi Thanh Kiên mà quý danh của anh vừa được nhắc tới là anh em giáo viên, cả học sinh đều tung hô “vua nói lái”. Ôi thôi, thao thao bất tuyệt, lái dượm hay lái dòn cũng được, lái dú hay lái dở cũng xong.  Xin kể, trong chuyến xe đêm từ Sài Gòn đến Vĩnh Long lúc 2 giờ khuya để kịp viếng tang anh Nguyễn Văn Tòng, vừa chạy ngang một bảng hiệu buôn, anh đọc to “Minh Phú” và nói phải chi lấy tên “Minh Phú Phú” thì gợi cảm hơn! Anh nói lái như tia chớp là như thế, và có viết một tài liệu nghiên cứu có giá trị khoa học ngôn ngữ về nói lái. Công phu hơn, anh đã biên soạn gần xong một từ điển Tiếng Việt.
             Anh  còn là học sinh đầu tiên của trường Trung học Kiến Hòa. Hãy nghe anh kể:
            “… Nghỉ Tết đến ngày mùng chín tháng giêng năm 1955, chúng tôi vào học lớp Đệ thất. Chúng tôi học hai buổi sáng chiều và năm học chấm dứt vào lúc nghỉ hè như các lớp khác. Mang phù hiệu bằng miếng nỉ đen có thêu ba chữ THB (tức là Trung học Bến Tre) là niềm tự hào của chúng tôi. Nhưng đám học sinh trường tư cứ chế nhạo chúng tôi là trâu heo bò.”
            (“Bộ đồng phục bà ba trắng, bước lộp cộp với đôi guốc vông”. Hồ Chung Thủy,                                           Tập 3 ( Kỷ yếu 60 năm trường Trung học Bến Tre). NXB Hội nhà văn, t.17)
           Anh lúc nào cũng nói lái, cười đùa, luôn mang lại niềm vui cho bạn bè,  chưa khi nào thấy anh giận hờn hoặc làm mất lòng ai cả. Anh nằm bệnh viện mấy lần, tôi vào thăm, anh tỏ ra lạc quan, còn an ủi ngược lại tôi nữa! Nhưng cũng thật nhạy cảm. Có lúc giãi bày tâm tình về cuộc sống, về tình người, về lẽ đời:
             “…Quyển sổ ghi đời của tôi cũng sắp sửa khép lại rồi, không biết chừng nào đây! Nhưng cái gì cái, tôi cũng vẫn lạc quan yêu đời tới phút cuối cùng của cuộc sống. Nhớ thuở nào, thầy hay cô giáo trẻ ngại ngần, ngượng ngùng nữa là khác, bước qua ngưỡng cửa vào lớp dạy ở độ tuổi đôi mươi mà giờ đây đã là người lưng còng gối mỏi. Có những anh chị đã vĩnh viễn xa đời trong lòng tiếc thương vô hạn của bạn lứa và học trò. Người còn ở lại, sống lâu chỉ làm khổ cho cái thân già vì những mối dây liên hệ tình cảm của mình với bạn bè bị mòn, đứt lần lần và người sống dai nhất sẽ mang tâm thức của tên tử tù bị lưu đày vào vùng đất xa lạ - nơi mà không ai biết mình là ai!
            “Thôi, đời là như vậy, rồi đây mọi thứ chỉ còn lại trong ký ức. Nhưng, đã sống thì sống cho đàng hoàng, nghĩa là sức khỏe phải tốt, theo đúng nghĩa chữ “thọ nhi khang” (tạm dịch: sống dai như đỉa nhưng còn đủ xí quách). Đừng sống kiểu chợt buồn chợt vui, “thương thương nhớ nhớ, mơ mơ hồ hồ”. Cũng rất có thể lúc ngồi một mình lại bỗng dưng nhớ lại một hình bóng thân thương nào đó trong quá khứ nên bất giác nhoẻn miệng cười, nhưng khổ nỗi, nụ cười nở chưa trọn vẹn thì hình bóng đó lại vụt phai mờ ngay trong tâm tưởng vì lẽ thần trí của mình đã khi nhớ khi quên.”
                                 ( “Vui buồn ngày cũ ở nhóm dạy giờ”. Hồ Chung Thủy, Tập 2, t. 106)
                       
            Chị Nguyễn Thị Lan là người mà tôi một lòng kính phục, một dạ mến thương. Đó là một phụ nữ dễ xúc động, hay rơi lệ. Cứ mỗi lần chị phát biểu tôi đều lo. Trong lễ tang của anh Phan Hữu Nghĩa, của chị Lê Thị Lư, cô Phạm Thị Hạnh…, tôi đều đứng bên canh chừng, sợ chị xúc động quá rồi ngã. Lần nhắn nhủ với học trò trong kỳ họp mặt Cựu Giáo viên – Học sinh tại Nhường Trà năm 2013, tôi phải bố trí hai “cận vệ”: bà xã của Tô My đứng bên trái, con gái của Tô My bên mặt chị, cho chắc ăn.
            Có lẽ khi từ Cần Giuộc theo chồng – anh Lê Văn Trọng – về Bến Tre thì nhà trường, đồng nghiệp và học trò trở thành lẽ sống, niềm vui của đời chị.
            “Anh thật là kì lạ!” - tôi muốn mượn lời của Lev Tolstoy nhận xét Maxime Gorki. Chuyện kể, từ nhỏ Gorki phải giúp việc một gia đình tư sản. Công tử nhà đó làm vỡ chiếc ấm quý, đổ lỗi và Gorki phải một trận đòn dữ, vào nhà thương bác sĩ gắp ra 40 mảnh roi ghim vào da thịt. Sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, ông công tử ngày trước biết Gorki hiện nay là Chủ tịch Hội Nhà văn Xô Viết, được Lénine quý trọng, nên tìm đến xin được trả quyền công dân, nhờ Gorki khi đi Mỹ mua giùm một thước logarith, một radio bảy đèn,  loại  tốt nhất vào thời đó… . Gorki đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu của ông ta!
            Chị thật kì lạ, vì không thấy chị giận ai, trả đũa ai bao giờ. Với học trò, chị nhớ rành rõ cá tính mỗi em, từng chuyện vui buồn giữa cô trò. Học trò lỡ lời, chị chỉ tủi thân muốn khóc. Ơn với học trò thì không kể, bất cầu báo. Với đồng nghiệp, tình như bát nước đầy. Bạn nào làm phật ý, chị hờn mát chút thôi. Có lần chị điện thoại hỏi thăm chân đau của người bạn, chị nói tôi chỉ hỏi cái chân chứ không thèm hỏi bạn nha! Chị luôn nhắc nhớ sức khỏe từng người và nhiều phen tận tụy chăm sóc bạn (chị Lư vợ anh Lạc, chị Tam Nhiều…) cho đến phút họ lâm chung, rồi viết và đọc những bài tưởng niệm trong nước mắt. Có lẽ chị đã đọc điếu văn tiễn đưa hơn mưòi bạn rồi, từ anh Nguyễn Hữu Khiêm, chị Nguyễn Thị Kiêm Quyên… đến anh Nguyễn Trung Hiếu.
            Nhìn dáng vóc nhỏ nhắn của người chị đã 80 tuổi bước cao thấp từng cung đường phố thị Sài Gòn đầy bụi để viếng thăm bao người bạn ốm đau, tôi thật xót xa. Chị đi bằng xe ôm, xe lam, xe buýt hằng bao cây số, bất chấp nắng mưa gió bụi… Tôi nhiều lần chở chị đi thăm bạn bè, khi đưa về, vừa đến Ngã tư Bảy Hiền, chị xuống xe tự đón đi tiếp chuyến xe lam, cương quyết không cho tôi đưa chị về tận nhà ở Lũy Bán Bích, vì sợ tôi vất vả! Lúc nào cũng lo cho mọi người, không lúc nào lo cho bản thân. Bệnh thì không cho ai hay, sợ phiền bạn bè đến thăm. Những mỹ từ “cao quý”, “ tuyệt vời” cũng chưa đủ ý nghĩa khi nói về chị. Thật không thể giải thích được (inexplicable). Có thể đây là một dạng tình cảm đặc biệt, tình hòa vào nghĩa. Tình này biết lấy gì đo? Nghĩa này biết lấy gì cân? Tôi chợt nghĩ đời sống của ta vốn hữu hạn, nghĩa tình mới vô biên…
           
            Anh Huỳnh Minh Đức vừa là bạn, vừa là đồng nghiệp, lớn hơn tôi đến tám tuổi. Sinh năm 1934, năm nay 81 tuổi. Thông minh, chuyên cần, học thật giỏi, kiến văn sâu rộng về Hán học và triết Đông. Anh vốn có chút “kiêu ngạo” chính đáng. Tôi từng nghe anh chê một giáo sư tiến sĩ nọ chép lại một tác phẩm bằng chữ Hán trong văn học trung đại Việt Nam mà sai đến 80 lỗi ám tả! Sách đã xuất bản của anh có giá trị học thuật cao từ văn học, triết học đến y học. Anh xứng đáng là một học giả văn triết uyên thâm, hiếm có người có thể kế thừa.
            Nhân đây tôi xin kể vài kỷ niệm thân thiết về anh. Tôi trọng anh về học vấn, anh cũng quý tôi vì chân tình. Đọc sách chữ Hán, chỗ nào chưa thông, tôi hỏi là anh tận tình giảng giải. Sau này, khi biên soạn sách, tôi mãi mãi nhớ từng lời chỉ bảo của anh, không những về ý nghĩa ngôn ngữ mà còn về giá trị tinh thần của ngôn từ nữa. Từng chữ của cổ nhân giúp ta nghiền ngẫm, tu dưỡng đạo đức và vận dụng vào cuộc sống, sao cho xứng với lời dạy của người xưa. Chẳng hạn có khi anh và tôi trao đổi về nội hàm một hào của quẻ Càn. Quẻ Càn gồm sáu hào: sơ cửu, cửu nhị, cửu tam, cửu tứ, cửu ngũ và thượng cửu. Hào cữu ngũ: Phi long tại thiên, lợi hiện đại nhân. Rồng bay và đang bay ở trên trời, ví với bậc đại nhân…
            Kỷ niệm thứ hai là chuyến phóng Honda từ Bến Tre về Sài Gòn trong Tết Mậu Thân.                                                                                                                                                                 …Thị xã Bến Tre, mùng 10 tháng Giêng vẫn âm ỉ tro than. Cả khu chợ đều tàn rụi. Nhà lồng chợ chỉ còn mấy bức vách trơ vơ, loang lỗ vết đạn. Cảnh hoang tàn trước mắt làm tim tôi quặn thắt. Đến 18 tháng Giêng, Huỳnh Minh Đức và tôi quyết về Sài Gòn vì nóng lòng tin tức gia đình. Hai anh em chất lên chiếc Honda 67 và… một chai whisky uống dở. Từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều, chúng tôi cứ đứng khựng tại Ngã ba Tháp đón người từ phía Tân Thạch chạy về. Tình hình thay đổi từng giờ: tắc đường chỗ này, phải đi vòng  vườn dừa chỗ nọ, lựu đạn nổ ở đoạn kia... Thỉnh thoảng có chiếc xe lôi đưa người bị thương về bệnh viện Bến Tre. Rồi chúng tôi cũng đến được Tân Thạch. Nỗi lo lắng đã thành sự thật: không chuyến phà nào dám đi qua phía Định Tường (Tiền  Giang), chỉ có một chiếc đò máy vòng lên Chợ Lách rồi đổ dọc xuống thị xã Mỹ Tho. Gần 4 giờ chiều, chúng tôi khiêng Honda lên mui đò máy. Trải một chặng đường sông nguy hiểm giữa hai làn đạn, chúng tôi nốc mấy ly whisky để trấn áp nỗi lo sợ. Chạng vạng tối, đến được Bình Chánh. Đêm hôm đó, hỏa châu sáng rực, súng nổ vang rền: cầu An Lạc sập…Cuối cùng, chúng tôi cũng về được với gia đình…
            Đã mười năm nay, anh bị đột quỵ. Ngày ngày anh ngồi xe lăn trên thềm ngôi nhà của tổ phụ ở ngoại ô thành phố Biên Hòa, dõi mắt nhìn dòng sông Đồng Nai lặng lờ trôi… Hai lần anh em ghé thăm, dìu anh lên xe đi Bình Châu và Hồ Đắng, anh quá vui.                                                                                           
         Bây giờ chỉ còn lại riêng anh một nỗi cô đơn, một khối u sầu nguyên vẹn mười năm dài đã trôi qua và sẽ đằng đẵng bao nhiêu năm nữa!
         “Ôi phù du                                                                                                                                        Từng tuổi xuân đã già                                                                                                                                                               
Một ngày kia đến bờ                                                                                                                                            Đời người như gió qua         
                                       ……
               “ Chén rượu cay                                                                                                                                Một đời tôi uống hoài                                                                                             
                        Trả lại từng tin vui                                                               
              Cho nhân gian chờ đợi                                                                                                              Về ngồi trong những ngày
                                      Nhìn từng hôm nắng ngời
                                      Nhìn từng khi mưa bay
                                      Có những ai xa đời quay về lại
                                     Về lại nơi cuối trời
                                      Làm mây trôi…”
(Trịnh Công Sơn – Phôi pha)
                                                                                                                            (Còn tiếp).

No comments:

Post a Comment