01/05/2014


            Trở về mái trường xưa
Sáu Quang

Ngày 1/5/2014, các cựu học sinh Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu khóa 1986 – 1989 tổ chức buổi họp mặt sau 25 năm rời mái trường.




Nơi ngôi trường xưa bên hồ Chung thủy mà nay là Trường THPT Chuyên Bến Tre, các cựu học sinh vui mừng được đón tiếp các thầy cô từng giảng dạy mình, các bạn bè cùng khóa 1986 - 1989 và thầy Trương Thọ Lương, giáo viên môn Vật lý khóa này, hiện là Hiệu phó Trường THPT Chuyên Bến Tre….
Nơi sân trường, một cựu học sinh bồi hồi nhớ lại:“Đã 25 năm trôi qua, kể từ ngày các học sinh khóa 1986 – 1989 Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu rời xa trường xưa, với biết bao kỷ niệm ngọt ngào của tuổi học trò,  chúng tôi luôn nhớ về trường – nơi có đội ngũ thầy cô giảng dạy nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, hết lòng vì học sinh thân yêu và các bạn bè thương mến. Hôm nay đây, chúng ta gặp nhau, nhìn lại để nhớ, nhìn lại để yêu với những nụ cười rạng ngời xen lẫn những giọt nước mắt yêu thương.
            Kỷ niệm ngày nào vẫn nguyên vẹn và ngọt ngào cho dù thời gian đã làm bạc đi màu áo trắng. Bờ Hồ vẫn còn đây, vẫn chung thủy đợi chờ người xưa trở lại…Bao năm xa cách, tưởng rằng đã quên, nhưng ngày hội ngộ hôm nay, những kỷ niệm hiện về như mới ngày hôm qua. Ngắm lại ngôi trường yêu dấu, cảm giác vừa lạ, vừa quen. Trường giờ đã thay đổi nhiều hơn trước, khang trang hơn, tiện nghi và chất lượng hơn…Chúng ta hãy sum vầy với thầy cô, với bạn bè, để chúc phúc cho các thầy cô thân yêu, cho từng bạn bè trong ngày hội ngộ. Tất cả chúng ta đều chung một tấm lòng tri ân các thầy cô đã tận tình dìu dắt chúng ta qua từng nấc thang, nuôi dưỡng ước mơ, xây đắp niềm tin và nghị lực vượt qua khó khăn để vững bước vào đời”.
            Nhiều hình ảnh gây xúc động trong phần giao lưu của các cựu học sinh, ví như trường hợp của em Thùy Linh. Em Thùy Linh do hoàn cảnh khó khăn nên lúc học lớp 12 đã nghỉ giữa chừng. Thầy Trương Thọ Lương đã đến tận nhà em tại xã Bình Phú (TP Bến Tre) kiên trì vận động em và gia đình cố gắng cho em tiếp tục đến trường. Sau đó, em Thùy Linh đã trở lại trường, cố gắng vượt qua mọi khó khăn, cố gắng học tập, tốt nghiệp THPT. Khi lên đại học, em Thùy Linh vừa làm kiếm sống, vừa lo học và giờ đây em là bác sĩ của bệnh viện y hoc cổ truyền Trần Văn An (Bến Tre). Em Nguyễn Thị Pha Giang, nhà ở xã Mỹ Thạnh An, khuyết tật mất một chân nên em đến trường rất vất vả vì phải qua đò ngang trên sông Bến Tre. Cuộc sống và những ngày đến trường của em có nhiều mặc cảm. Nhưng tới khi trưởng thành, em Pha Giang gặp em Võ Trung Tính, học hơn em hai lớp cũng tại trường và hai người đi đến hôn nhân, đến nay đã có hai con. Em Tính tâm sự: “Vợ em chỉ có một chân nên sinh ra một đứa con là em phải “trực chiến” xuyên suốt hơn ba năm liền. Nhưng ở đời mình mất cái này thì được cái kia. Từ sự thủy chung ấy, em luôn gặp may mắn trong cuộc sống, làm ăn gặp nhiều thuận lợi để lo cho mẹ con… Thầy Nguyễn Văn Trai, người thầy của Pha Giang trước đây, bùi ngùi nghe Pha Giang và Trung Tính kể lại câu chuyện của hai đứa vượt khó sau 20 năm…

Thầy Trương Thọ Lương và em Thùy Linh

Thầy Nguyễn Văn Trai và vợ chồng Trung Tính, Pha Giang


            Trong dịp hội ngộ này, các cựu học sinh đã đóng góp tặng 7,5 triệu đồng cho quỹ khuyến học và thắp sáng ước mơ của Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu và 15 suất học bổng, mỗi suất 500.000 đồng cho các học sinh có nhiều khó khăn của Trường THPT Chuyên Bến Tre, tặng quà lưu niệm cho các thầy cô và cựu học sinh; phát hành quyển Kỷ yếu họp mặt 25 năm Trường phổ thông trung học Nguyễn Đình Chiểu khóa 1986-1989 đến các thầy cô và cựu học sinh. Kỷ yếu là món quà thấm thía tình cảm, chất chứa quãng thời gian vấn vương mà thầy – trò xa cách. Kỷ yếu hồn nhiên và trong sáng.


Các cựu giáo viên
Các cựu học sinh.




1 comment:

  1. Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả. Chỉ có một góp ý là tên bạn bị khuyết tật là Pha Giang

    ReplyDelete