21/11/2014

Về thăm thầy cũ…

            Huỳnh Thanh Quang

            Hơn mười năm sống đơn độc, thầy Phan Thế Chánh tự nấu nướng, sinh hoạt một mình trong ngôi nhà khá rộng bên đường Đoàn Hoàng Minh, phường 6, TP Bến Tre. Tuổi đời của thầy càng già, đời sống sinh hoạt của thầy càng lặng lẽ nhưng nền nếp, vén khéo. Đây là hình ảnh của một người thầy trong nhiều thầy, cô mà chúng tôi đã đến thăm.

            Vẫn trên chiếc xe đạp lúc hừng đông…
Thầy Phan Thế Chánh năm nay 81 tuổi nhưng ngày nào cũng như ngày nào, ngoại từ những hôm mưa lớn, thầy dậy lúc 4 giờ sáng rồi đạp xe đi tập thể dục và uống ly cà phê sữa ở một góc đường. Uống xong, thầy đạp xe thong dong nhà lúc 6 giờ sáng…Thầy Chánh nhớ lại: “Cuối năm 1973, tôi được bổ nhiệm là Hiệu trưởng Trường Trung học công lập Kiến Hòa thay thầy Trần Kim Quế. Đến năm 1974, Trường Trung học công lập Kiến Hòa đổi tên thành Trường Trung học Tổng hợp Lạc Long Quân, tôi vẫn làm hiệu trưởng ở đó…Thầy cựu hiệu trưởng Trần Kim Quế điềm đạm, kỷ cương, thầy- trò rất yêu quý thầy Quế”.
            Đã quá nhiều năm rồi nhưng khi tôi vô tình ném viên đá nhọn vào thầy Chánh, tức nhắc lại tôi là học trò cũ của cô Quyên(vợ thầy), thì bỗng dưng tôi thấy đôi mắt thầy rướm buồn, thầy nói: “Hồi đám tang cô, có đông đủ thầy cô và học sinh đến tiễn cô đi. Với thầy, thầy còn có rất nhiều kỷ niệm mang đầy ấn tượng khác nữa đó là tình đồng nghiệp, những tấm lòng của các em học sinh dành cho thầy, cô. Thầy nghe nói, các em bây giờ đã lớn lắm rồi, có em đầu bạc trắng nhưng không phân biệt địa vị xã hội, giàu nghèo vẫn thường gặp gỡ nhau chia sẻ buồn vui cuộc sống, quấn quýt nhau như thuở còn chung dưới mái trường. Điều này quý lắm…”. Dáng thầy nhỏ nhắn, nói năng từ từ.

Thầy Trần Kim Quế, cựu Hiệu trưởng Trường Trung học công lập Kiến Hòa

            Miệt mài từng con chữ
Thầy Bùi Thanh Kiên học khóa đầu tiênTrường Trung học Kiến Hòa hồi năm 1954 - 1955, lúc thầy còn đi guốc giông. Thầy Kiên nay đã 75 tuổi, ngụ trong một com hẻm của đường Lê Văn Phan, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh.
Thấy tôi đến thăm, thầy nhận ra liền, kêu rõ tên. Thầy Kiên bây giờ hơi mập hơn xưa. Trong bất chợt, tôi nhận ra ngay trong tâm trí mình hình ảnh về thầy Kiên cách đây trên 40 năm. Lúc đó, thầy dạy môn Việt văn tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa, thầy chạy chiếc mobylette màu xanh dương, dáng người không mập không ốm nhưng bước đi năng động, rụp rụp, thỉnh thoảng đôi mắt thầy rất nghiêm khi giảng bài…
Từ nhiều năm qua và hiện nay thầy miệt mài cho quyển Từ điển Tiếng Việt Nam bộ do thầy biên soạn, sắp in ấn. Thầy nói bản thảo quyển từ điển này gồm 4 tập, dày 1.900 trang với khá đầy đủ thuật ngữ Nam bộ. Nay biên soạn, gút lại chắc cũng còn 1.500 trang. Tôi hình dung ra được và hiểu: Đây là một công trình đồ sộ, thầy đã tâm huyết, dồn hết sức lực, có thể nói là cả cuộc đời của thầy cho quyển từ điển này. Lại càng vui hơn khi tôi được biết để vun bồi cho “công trình” này còn có sự hỗ trợ nhiệt thành của bạn Lương Văn Tô My và các bạn của Hội quán Nhường Trà, cơ quan Phát hành sách…Tất cả đều mong mỏi quyển từ điển “một đời người” của thầy Bùi Thanh Kiên sớm ra mắt bạn đọc.
Tôi hỏi thầy Kiên: “Về đêm, thầy có ngủ được nhiều không?”. Thầy nói: “Rị mọ với quyển từ điển suốt ngày, có hôm đến 12 giờ khuya chưa ngủ. Chừng vô ngủ, cứ nằm thao thức, trằn trọc cho tới sáng…”. Nhưng tôi thấy ánh mắt thầy sáng trưng khi thầy tiếp lời: “Cố gắng sống sao cho có ích. Gần cuối cuộc đời nhưng thầy vẫn làm việc, tìm việc mà làm với mong mỏi để lại đời sau những điều bổ ích. Và hiện tại, đó cũng là niềm vui của tuổi già”.

            Đếm bước thời gian rơi
Thầy Văn Ngọc Khôi, cựu giáo viên dạy môn Triết tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa nay 74 tuổi. Ngôi nhà và mảnh vườn cây ăn trái của thầy Khôi nằm sâu trong xã Tân Thạch (Châu Thành), thuộc ấp Tân Quới Nội. Biết các cựu học sinh đến thăm, thầy ra đứng bên con đường vườn đón chúng tôi. Thầy đội chiếc nón lá, đứng bên đường vẫy tay, trông thầy già hơn trước đây khá nhiều. Tuy nhiên, thầy vẫn lanh lẹ khi nhận ra các cựu học sinh, thầy nhớ tên từng em, rất cảm động.
Từ nhiều năm qua, nơi ngôi nhà và mảnh vườn này, thầy sống đơn độc, còn cô và con của thầy thì sống trên Sài Gòn, lâu lâu về thăm thầy.    Ở nhà, thầy tự lo nấu nướng và quấn quýt bên một con chó (con chó ấy vừa mất cắp rồi). Thích món gì, thầy đạp xe đi mua, thầy nói: “Cái đó coi vậy cũng hay lắm nghen bởi vì mỗi sáng tôi đi xe đạp đến ngả tư huyện mua tờ báo, bó rau, mớ thịt cá…, đi về tám cây số, coi như đã đi thể dục đều đều, khỏe trân...”.
            Tôi hỏi thầy trong cuộc sống đơn độc ở tuổi già của thầy ngoài lo nhất là vấn đề sức khỏe, cái gì thầy còn lo nữa. Thầy nói sợ cô đơn, nhưng rồi thầy xua tay: “Mà thầy đâu thấy có cô đơn khi thỉnh thoảng các học trò cũ, bạn đồng nghiệp cũ vẫn đến với thầy”.
            … Trong các thầy, cô dạy học dưới mái trường xưa, nay nhiều thầy, cô đã khuất bóng. Ngày 22-10 vừa qua, các cựu học sinh đi đám cúng giáp năm ngày cô Phạm Thị Hạnh mất . Càng cảm động là hôm đó có sự hiện diện của thầy Nguyễn Đăng Phu. Thầy Phu nay tuổi ngoài 75, bị bệnh và lưu lại trên đất Hoa Kỳ hơn năm, mới trở lại quê nhà Bến Tre. Trong phòng khách nhà cô Hạnh, thầy Phu ngồi trên một chiếc ghế gỗ của bộ salong cũ, im lặng, hướng nhìn ảnh cô Hạnh trên bàn thờ. Bên cạnh là các thầy cô và các học trò cũ nay tuổi ngoài 50, có người đã qua đáo tuế. Gương mặt nào cũng già dặn theo thời gian…
            Nơi chính diện ngôi nhà, dưới bàn thờ cô Hạnh, các thân nhân trong gia đình cô trong đó có anh Lương Văn Tô My, em nuôi trước đây của cô, hiện là Trưởng Ban liên lạc cựu giáo viên và học sinh Trường Trung học công lập Kiến Hòa, chít khăn tang, quỳ lạy trong tiếng cầu kinh trầm buồn.
            Cô Phạm Thị Hạnh là người chị thứ hai trong gia đình ngụ tại phường 1, thành phố Bến Tre. Lúc thiếu thời, cô là nữ sinh Trường Trung học Gia Long(Sài Gòn). Sau đó, cô về dạy học môn Văn ở Trường Trung học công lập Kiến Hòa. Cô là người có tấm lòng độ lượng, thương người.
            Anh Phạm Duy Bình, người em thứ ba của cô Hạnh nói: “Khi chị hai(cô) mất, gốc bạch mai trước sân nhà do chị chăm sóc đúng 30 tuổi. Giờ đây, cây bạch mai lúc nào cũng phảng phất hình bóng của chị hai. Trong tiếng ong vo ve bay về hút mật bông bạch mai, nghe như có tiếng, có bước chân nhè nhẹ của chi hai Hạnh đâu đó…”.

            Ngày chủ nhật 23-11-2014, có cuộc hội ngộ đông đủ thầy cô và học sinh đã từng dạy và học tại ngôi trường bên bờ hồ Trúc Giang, ngôi trường đã cho ra đời nhiều thế hệ học sinh ưu tú phục vụ quê hương, đất nước, xứng danh là nơi vun đắp cho “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.

Các cựu học sinh tại vườn nhà thầy Văn Ngọc Khôi( thầy Khôi đứng thứ 6 và thầy Trương Thành Nghĩa đứng thứ 7).

No comments:

Post a Comment