11/11/2014

                                Bụi phấn rơi rơi…

          Huỳnh Thị Kim Cúc


 Em xa trường còn nhớ?
                                                                                       Bụi phấn trắng ngày xưa…

                        Một năm sau ngày giải phóng, tôi thi vào trường sư phạm vì yêu quí thầy cô giáo của mình và yêu thích nghề dạy học. Hơn nữa học sư phạm còn nhận được học bổng (22 đồng/ tháng), có thể trang trải tiền ăn học và sách vở. Ngày đó sinh viên không phải đóng tiền trường, tiền ở nội trú như bây giờ. Ba tôi cho rằng nghề giáo là nghề thanh tao. Còn mẹ lại nói: đi chi nghề đó, vừa hít bụi phấn vừa làm thêm nghề nữa mới đủ sống, vất vả lắm con ơi.
                         Sau nầy khi vào lớp dạy, ngoài học trò ra tôi còn gắn bó với bảng đen và phấn trắng, âu cũng là cái duyên với nghề dạy học. Bây giờ thì có loại phấn viết bảng không bụi hợp vệ sinh hơn, phòng học thì khang trang hơn nhưng sao tôi vẫn nhớ hoài bầu không khí thân thuộc và nồng ấm của lớp học nơi Trường Trung học công lập Kiến Hòa ngày xưa.

                          Nhờ có viên phấn trắng, thầy cô viết lên bảng những kiến thức mới, những điều hay lẽ phải, sửa bài cho học trò thấy điều sai mà tránh…nhằm trang bị tri thức cho học trò hầu có đủ bản lĩnh khi bước vào đời.Vào giờ học, học trò nào được thầy cô gọi lên bảng thì ít nhiều cũng hồi hộp, lo âu. Nhưng khi cầm viên phấn viết lên bảng những suy tính của mình thì viên phấn lại thể hiện sự hiểu biết của trò cho mọi người cùng biết.
                                              Mỗi khi trong tay trò
                                                  Được vo vê từng chút
                                                     Phấn trải lòng giúp bạn
                                                        Đạt điểm tốt bài hay.
                        Nhưng kỷ niệm nầy đây đã phụ tấm lòng của viên phấn mất rồi. Nhớ giờ học anh văn lớp 12, cô Nguyễn Thị Nga cho viết dictation, tôi lên bảng cùng viết bài với bạn. Càng hồi hộp thì mồ hôi tay càng rịn ra, quện với bụi phấn  rít tay, làm tôi run tay khi viết. Bù lại, bài của tôi được cô sửa khá chính xác. Còn lần nọ, vào giờ toán của thầy Trần Tấn Trung, tôi lên bảng giải bài bị bí, lại quên lấy bông lau bảng chậm mồ hôi trên trán, bạn bè cùng cười. Thấy vậy, thầy cho tôi về chỗ ngồi. Hú hồn, tôi sợ nhất là cảnh bị đứng cạnh bảng để xem bạn giải bài, quê lắm.
                       ….Và còn nhiều nữa những kỷ niệm vui buồn về phấn trắng- bảng đen ngày đó. Nhưng các bạn ơi, hãy lắng nghe lời tự tình của phấn trắng ngày xưa nhé:
                         << Tôi là viên phấn trắng, còn gọi là đá phấn được tạo nên bởi bột đá. Khi được viết lên bảng, thân thể tôi bị mòn dần và in hiện rõ từng câu chữ cho thầy cô giảng dạy và học trò ghi bài. Sau cùng tôi bị xóa đi và trở thành hạt bụi li ti bay bay, một số rơi xuống bục giảng. Tôi vui mừng vì từng câu chữ ấy dần thấm sâu vào tâm trí của học trò. Và tuy là vật vô tri vô giác nhưng tôi cũng có ước mơ cháy bỏng là được gắn bó với thầy cô yêu quí và các bạn học trò mãi mãi. Tôi và anh bảng đen to đùng có mối tình thâm sâu  không thể nào tách rời.
                                                  Phấn xa bảng phấn không tròn nghĩa
                                                      Vắng phấn rồi bảng bị lãng quên.
                              Có hôm đang giảng bài, thầy hỏi trò C. về bài của hôm qua, trò trả lời không được làm thầy giận quá nên ném viên phấn (tôi) đang cầm trên tay ra cửa lớp. Tôi lăn nhoài nhiều vòng, thân thể bị xứt mẻ vài chỗ và đau ê ẩm. Thầy la rầy các học trò rồi ra nhặt tôi lên và tiếp tục giảng bài. Tôi mừng rơn vì được tiếp tục viết lên bảng những điều hay lẽ phải để giúp cho học trò dần dần mở toang kho tàng tri thức .
                               Còn các bạn phấn khác mặc áo đỏ, xanh, vàng thì luôn làm nổi bật tựa đề hay những vấn đề quan trọng mà thầy cô cần cho học trò biết. Tôi hãnh diện  về màu trắng tinh khôi của mình nổi bật trên nền bảng đen bên các bạn phấn màu tươi đẹp, đem lại bài học bổ ích cho học trò.
                               Hằng ngày tôi đi học cùng học trò, vui đùa cùng các bạn phấn màu, được điểm danh sỉ số lớp học ghi trên góc bảng. Ngoài ra, tôi và bảng đen cùng góp phần là linh hồn của lớp học nữa. Hôm nào mà lớp trưởng quên mang tôi vào lớp thì y như rằng bạn ấy phải qua lớp khác xin phấn thôi. Không có tôi thì lớp học kém sinh động và học trò vẽ hình, ghi bài khó lắm đó.Tan trường, tôi về nhà ở phòng giám thị, được đặt lên kệ theo tên của lớp học. Ở đây tôi còn trò chuyện với các bạn phấn ở lớp khác nữa.
                               Tuy chứa đầy hạt bụi li ti, ai hít vào cũng có hại cho sức khỏe nhưng tôi rất tự hào vì đã góp phần mình làm cho tình nghĩa thầy-trò ngày thêm khắn khít. Khi bụi phấn tôi rơi rơi, tôi chỉ biết bám trên mái tóc, trên vai áo của thầy cô và âm thầm khắc ghi công ơn của thầy cô giáo vào lòng học trò một cách chân tình và sâu lắng. Khác với các loại hạt bụi khác, bụi phấn luôn mang ý nghĩa đậm đà và sâu sắc về lòng tôn sư trọng đạo. Hễ nhắc đến bụi phấn thì ai cũng nhớ ngay đến thầy cô giáo của mình- những người đã không tiếc công sức để nuôi dưỡng tâm hồn cho học trò mà chẳng mong được đền đáp.
                                                   Bụi phấn tôi rơi rơi
                                                      Vương lên tóc cô thầy
                                                         Điểm thêm màu muối trắng
                                                           Trò ơn bao nghĩa dầy.
                            Hè về, ngôi trường vắng vẻ, tôi nằm im trên kệ suốt ba tháng ròng. Thỉnh thoảng nghe có bước chân của cô giám thị, lòng tôi vui hớn hở nhưng cô cũng vội vàng đóng cửa ra về. Rồi vì vắng tôi, anh bảng to bị bụi bám nhện giăng buồn tẻ trong chiếc áo đen xấu xí của mình và mong cho mau tới ngày gặp nhau ở lớp học thân quen.
                            Vào những ngày sau cùng của năm học cuối, tôi buồn vì sắp chia xa các bạn học trò thân yêu. Bọn phấn chúng tôi tiễn biệt các bạn bằng những dòng chữ to đẹp chứa đựng bao tình cảm thiết tha, nào là: Liên hoan cuối năm, kỷ niệm ngày ra trường của năm học cuối…
                                                  Mai xa trường, còn nhớ?
                                                  Đời  phấn trắng ngày xưa
                                                 Cùng các trò chăm học
                                                Nay xa rồi, còn đâu.

                             Sau nầy đời con cháu của tôi là phấn không bụi, viết lông để viết lên bảng trắng (ngày trước chỉ có khái niệm về bảng đen thôi), bảng tương tác… nên ít ai còn nhớ đến viên phấn ngày xưa. Phấn già, trầm tư nhớ lại thời vàng son tươi đẹp của mình luôn quấn quít bên thầy cô và các bạn học trò. Thoáng buồn, phấn làm thơ:
                                                  Tôi -viên phấn ngày xưa
                                                  Bên thầy cô trò, bảng
                                                  Vui hạnh phúc từng ngày
                                                  Nay xa rồi xa mãi…         
                               Xin cảm ơn vì trong hoài niệm, vẫn còn nhiều người yêu quí và luôn nhắc đến tên tôi với nhiều thiện cảm: phấn trắng ngày xưa. >>
                               
                               Dù thời gian có thêm bao năm đi nữa, trong ký ức của học trò những hạt bụi phấn ngày xưa luôn ở mãi trên mái tóc, trên vai áo của thầy cô như là biểu hiện sâu sắc và trân trọng về nghề dạy học, về tình nghĩa khắn khít của thầy-trò nơi mái trường xưa.
                              Nhớ lắm từng thầy cô của mình, tôi hát lại bài hát ngày nào như để tỏ lòng biết ơn các thầy cô giáo đã dầy công dạy dỗ cho bao thế hệ học sinh nên người:
                                        Khi thầy viết bảng
                                          Bụi phấn rơi rơi
                                            Có hạt bụi nào
                                              Rơi trên bục giảng
                                                Có hạt bụi nào
                                                  Vương trên tóc thầy....
                                           ....Mai sau lớn, nên người
                                             Làm sao, có thể nào quên ?
                                          Ngày xưa thầy dạy dỗ
                                        Khi em tuổi còn thơ…
                                                                                    

                                                                                                                  (Tháng 11năm 2014).


No comments:

Post a Comment