03/07/2014

Lan man mùa thi


 Tùy bút Nguyễn An Cư



Gã ở nông thôn. Tuốt trong một xóm vắng. Cách xa thị xã Bến Tre vừa mới chuyển lên thành phố mười mấy cây số.
Mặc dù cũng có những con đường “đan” dẫn vào tận ngõ nhưng xóm gã quanh năm chìm lắng trong tiếng chim ríu rít buổi sáng, xao xác với tiếng gà trưa và bồng bềnh  theo tiếng chuông chiều. Thật yên bình, lặng lẽ!
Lâu lâu gã mới đạp xe nghêu ngao về thành phố Bến Tre - nơi mấy chục năm trời gã đã bon chen. Vì thế gã lạc hậu với nhiều biến cố bên ngoài!
Chuyện đầu tiên và không thể thiếu được trong những lần lang thang ấy là gã tìm về ngôi trường thân yêu một thời gã đã học cạnh Bờ Hồ: Trường Trung học Công lập Kiến Hòa.
Sáng hôm ấy, gã trở về vào mùa phượng nở. Gã lẩm bẩm: mùa phượng, mùa chia tay! Mùa nhung nhớ vu vơ của những cô cậu học sinh mới lớn!
Hồi đó, từ ngày phượng nhu nhú những chùm hoa đo đỏ chen trong tán lá non xanh mướt, đám học trò như gã có học hành được gì nữa đâu! Ngong ngóng. Đợi chờ. Mộng mộng. Mơ mơ! Có cô, từ trên lầu cao, liếc nhìn qua cửa sổ lớp, ngắm phượng rơi lả tả dưới sân trường. Có cậu thả hồn trên mái tóc thề đen mướt của cô bạn gái ngồi phía trước sắp phải chia xa. Tất cả lời thầy cô giảng đều mơ hồ như gió thoảng qua bên cửa sổ!
 Bây giờ gọi là nghỉ hè nhưng đám học trò đâu có xa trường xa thầy xa bạn để mà bâng khuâng nhung nhớ như thời của gã. Chính vì thế dường như chúng đâu cảm nhận được nỗi buồn man mác khi hè về, dường như chúng cũng không có gì xao xuyến khi ngắm nhìn hoa phượng và quay quắt nhớ mỗi lần nghe ca sĩ Thanh Tuyền cất lên những bài hát của tuổi học trò như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Ba tháng tạ từ”… như gã?
Có mấy chiếc xe khách bóng lộn đang đậu trước cổng trường và vô số người đưa tiễn. Phải rồi! Mùa phượng - mùa thi! Đám học trò thành phố Bến Tre chuẩn bị lên đường đi thi đại học. Chúng háo hức, nói cười rộn rã.
Những người lớn tuổi, hầu hết ai cũng có qua một thời học trò nên mỗi lần phượng nở, có lẽ ít nhiều cũng xao xuyến bâng khuâng.
Cái thuở thần tiên, thơ mộng và đầy lãng mạn ấy bỗng trở về với gã. Gã lặng lẽ ngồi trên băng đá trước cổng trường, hết nhìn vào trường xưa lại quay ra ngắm hồ Chung Thủy. Gã rưng rức nhớ một thời áo trắng, nhớ thầy xưa bạn cũ. Những kỷ niệm ngọt ngào xa lắc xa lơ bỗng ùa về chập chờn trong đầu óc gã, chập chờn trên những tán lá phượng non xanh mướt, trên những chùm hoa phượng đỏ như máu.
Rồi lại có tiếng ve. Ra rả. Vang vang, chen trong cái âm thanh hỗn độn của buổi sớm. Gã đứng lên, lang thang bước. Chầm chậm. Một mình.
 Gã vòng quanh hồ Chung Thủy, như khi xưa gã đã hàng ngàn lần dạo qua suốt bảy năm trung học. Gã lắng nghe, tìm lại tiếng guốc thân thương như ngày xưa đã từng tìm trong hàng trăm tiếng guốc của các nữ sinh đi phía trước. Gã đưa mắt, kiếm tìm một tà áo trắng thân quen như ngày xưa đã từng tìm trong hàng ngàn tà áo trắng tung bay quanh hồ.
Không! Nào có tiếng guốc. Nào có áo dài trắng tung bay! Nhưng gã vẫn nghe, gã vẫn thấy! Thấy cả tuổi thơ gã và những người cùng trang lứa.
Hồi đó gã cũng từng đi thi đại học như đám học sinh cuối cấp phổ thông bây giờ. Tuy nhiên lặng lẽ, một mình! Có ai chăm sóc, đưa tiễn như bây giờ đâu! Xách cái va li cũ mèm đựng quần áo, mượn của người hàng xóm, gã ngơ ngơ ngáo ngáo bước xuống “Xa cảng Miền Tây” chẳng biết đi về đâu!
Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, thủ đô của một nửa nước Việt Nam mà gã sinh ra và lớn lên nhưng đối với gã và hầu hết bạn bè gã cũng như một chân trời xa lạ!
Nhìn đám học trò bây giờ được xã hội, gia đình, thầy cô, bè bạn chu đáo lo lắng, tiễn đưa đi thi đại học và những nhóm sinh viên “Tiếp sức mùa thi” tiếp đón ở các bến xe gã bỗng tủi thân cho thế hệ của gã - một thế hệ đủ thứ thua thiệt bởi chiến tranh!
Rồi gã và một ít bạn bè của gã cũng lên được Sài Gòn để học. Gã không hiểu lên Sài Gòn để học hay là lên để nếm cho đủ mùi đời?! Đám sinh viên thành phần nông dân nghèo ở tỉnh lẻ như gã làm gì có người thân giữa nơi hoa lệ để mà nương tựa cậy nhờ! Đứa ở ký túc xá, đứa ở chùa chiền, đứa ở thánh thất. Đứa đi dạy kèm, đứa đi giữ xe, đứa đi rửa chén các quán ăn, tự xoay sở tiền nong sinh sống. Sáng, đứa nào bụng cũng trống rổng bước vào giảng đường, cuối buổi mặt mày xanh lè xanh lét! Có đêm gã nằm mơ thấy được… ăn cơm!
Gã và bè bạn thèm rỏ nước dải cái học bổng học sinh nghèo nhưng làm gì có, đừng nói chi đến được vay ưu đãi để đi học như bây giờ! Vì thế mười người gãy gánh giữa đường hết bảy tám, trong đó có gã!...
Đoàn xe đưa học sinh đi thi lăn bánh. Gã cũng hối hả chạy theo, như nuối tiếc cố đuổi theo một thời dĩ vãng! Thành phố Bến Tre mùa nầy thật rực rỡ đến độ gã không ngờ! Phố xá phần phật cờ hoa. Cờ mừng phường văn hóa, cờ chào mừng ngày hội văn hóa của tỉnh đỏ rực cùng màu phượng vĩ.
Con đường Ngã Ba Tháp – Ngã Ba Tân Thành hồi gã đi học còn sợ cướp sợ ma, bây giờ nhà cửa sầm uất, chen chúc dày đặc; không dễ tìm lại một con hẻm thân quen! Gã còn nhớ, gã có một người bạn thân ở xóm Ngã Ba Rùa – Mỹ Hóa, bây giờ gã cũng không biết xóm ấy ở đâu! Cả xóm Mỹ Hóa, cả tỉnh lỵ Bến Tre cũ như bừng thức dậy sau giấc ngủ ngàn năm.
Bây giờ, kể cái cảnh đi thi và học đại học của thế hệ gã, chắc các học sinh sẽ cho gã là… bác Ba Phi! Hồi đó làm gì có ai tiếp sức! Làm gì có ai chỉ đường, làm gì có những chỗ trọ, những bữa cơm miễn phí như bây giờ. Hồi đó cũng không có nhà trọ rẻ tiền để đám học sinh nghèo từ các tỉnh lẻ như gã tá túc!...
Rồi đây, nói cảnh chờ phà Rạch Miễu, kẹt bắc Hàm Luông trong mỗi lần đi học hay đi đâu đó, đám trẻ sẽ tưởng rằng đó là chuyện cổ tích! Chúng đâu ngờ chiếc cầu Rạch Miễu, chiếc cầu Hàm Luông và nhiều công trình khác có được như ngày hôm nay là khát khao, mơ ước của người dân Bến Tre trong suốt mấy trăm năm dài.
Hôm ấy, gã dành trọn buổi sáng dạo quanh thành phố mới rợp màu phượng đỏ. Gã thật sự lạc giữa quê hương! Chính gã, cũng không ngờ quê hương gã được thay da đổi thịt một trời một vực như thế!..
                 
                                                                                                                       Mùa thi 2013

                                                                                                                             N.A.C


No comments:

Post a Comment