19/07/2014

Trường Thịnh ngày ấy, bây giờ
Phan Lữ Hoàng Hà

Bạn Lý Ngẩu(học cùng cấp với tôi tại Trường THCL Kiến Hòa) đi với tôi qua cầu Chợ Trường Thịnh khá khang trang, bạn nói: “Trước năm 1963, dù lúc đó “tao” còn nhỏ nhưng vẫn nhớ đây là cây cầu khỉ. Khi ông già đưa “tao” qua xã Sơn Hòa(Cái Nứa) đi học, tao phải qua cây cầu đau khổ này rồi mới đón đò ngang sang bển…”

Bên kia sông Cái Cấm là chợ Trường Thịnh


            Xứ sở của đò giang
Chợ Trường Thịnh thuộc xã Thạnh Ngãi(huyện Mỏ Cày Bắc) cách trung tâm thành phố Bến Tre không xa, chừng 5 km đường chim bay. Tuy nhiên, nơi đây là địa bàn heo hút, trắc trở vì muốn đến đây phải vượt qua sông lớn Hàm Luông rồi sông Cái Cấm, Trường Thịnh ở tuốt mỏm trên của cù lao Thanh Tân.
            Trước năm 1975 và cho đến năm 1985, người dân tại Thạnh Ngãi nói chung muốn đến thị xã Bến Tre và ngược lại, phương tiện di chuyển thuận lợi nhất vẫn là đò dù cho đò chạy rề rà, lâu lắc. Tại đây có hai chiếc đò khách(tất nhiên chở thêm hàng hóa) thay nhau chạy là đò Việt Nam và Phước Thành. Hàng đêm, lúc 3 giờ khuya, đò chạy, hành khách đứng ngồi dọc bên sông Hàm Luông, huơ đuốc lá dừa cháy bập bùng gọi đò. Đò tắp vào rước khách, máy đò nổ rong róc, khói máy đò bốc mùi khét lẹt rồi đâm ngang đâm dọc mãi đến lúc khoảng 7 giờ sáng đò mới đến Bến Lở(thị xã Bến Tre). Ở Bến Lở, đò chờ người đi mua bán bổ hàng hóa và khách, lúc khoảng 10 giờ thì đò khởi hành trở về chợ Trường Thịnh. Lại đâm ngang đâm dọc trả khách, có ngày gần 3 giờ chiều đò mới đến Trường Thịnh.
            Còn trên đất liền Thạnh Ngãi, hàng chục con rạch lớn nhỏ cắt chẻ trên địa bàn, người dân muốn đi từ ấp này sang ấp khác, từ Thạnh Ngãi đến các xã lân cận, tất cả đều phải vượt cầu khỉ và đò ngang rồi đò dọc. Lưu danh đến ngày nay trong số đưa đò ngang là ông Hai Tám(thứ Hai, tên Tám), bến tập kết đi đò dọc(từ đồng ruộng ra) là bến bà Mười Chim. Từ Trường Thịnh đi đò ngang qua xã Sơn Hòa(Cái Nứa), Tiên Thủy và ngược lại rất tiện.
            Trước năm 1985, muốn đến chợ Trường Thịnh bằng đường bộ rất khó khăn, vất vả. Ví như hồi còn phà Hàm Luông, vừa qua phà gặp ngay ngôi nhà thờ, rẽ phải, theo con đường vườn và đi thêm khoảng 9 km nữa mới tới sông Cái Cấm. Trường Thịnh ở ngay sát bên kia sông Cái Cấm, muốn qua đây phải lụy đò ngang. Hồi này, người ta đi bộ hoặc đi xe đạp trên con đường vườn khá xa này(từ ấp Thanh Sơn 1 đến ấp Tân Thông 5, xã Thanh Tân) để đến Trường Thịnh. Song chỉ vào mùa khô thôi, vào mùa mưa, bánh xe đạp…quấn sình, chịu chết. Na ná như vậy, ở tuyến trên, từ Ba Vát đến đây cũng men theo đường vườn chông chênh dài xa hơn 7 km.
            Trường Thịnh đổi thay
            Ông Nguyễn Văn Trường, 65 tuổi, ngụ ấp Chợ Mới(xã Thạnh Ngãi) tỏ ra rành rọt về lai lịch chợ Trường Thịnh. Ông Trường cho biết hồi năm 1930, ông hội đồng Dương Công Nông lập ra ngôi chợ ở gần chợ Trường Thịnh bây giờ(còn gọi chợ cũ), sau đó ông hội đồng Nguyễn Minh Luân ra sức lập ra ngôi chợ mới gần sát sông Cái Cấm, khai thị năm 1937; ngôi chợ này lần lượt thu hút nhiều người đến mua bán, phát triển mạnh nên ngôi chợ cũ thưa thớt dần rồi…xập tiệm luôn. Đến năm 1971, trên nền ngôi chợ mới gần sông Cái Cấm, chế độ cũ cất lên ngôi nhà lồng bằng cây cho dân họp chợ, nhưng chợ ẩm thấp lắm, vào những đợt nước rong, nước sông dâng lên, nền ngập lấp xấp…Thời bao cấp(trước năm 1980), vẫn ngôi nhà lồng khiêm tốn đó và hai bên là hai dãy nhà thấp với Hợp tác xã, cửa hàng quốc doanh, người bán kẻ mua, hàng hóa lèo tèo. Ông Trường dẫn tôi ra xem ngôi chợ mới Trường Thịnh gồm 2 nhà lồng tương đối cao ráo, khang trang, sạch sẽ, ông tiếp lời:”Chợ này vừa “khai thị” vào cuối năm 2013…”.


Cầu Chợ Trường Thịnh.

Nhìn hướng Cầu Chợ Trường Thịnh, ông Trường nói giọng vui vui:”Con đường xi măng, bê tông đó rộng 1,8 mét, dài 7-8 km, xe du lịch bảy chỗ ngồi có thể chạy từ chợ Ba Vát vô đến chợ Trường Thịnh khỏe re”.
Nắng đã lên nhiều, anh Ba Muộn, người nắm tay lái chiếc trẹc tại bến chợ Trường Thịnh, khoát lên mặt miếng nước sông Cái Cấm, dụi mắt rồi ngước nhìn ra sông Hàm Luông, nhớ lại:”Duyên phận đò ngang ở đây đã chấm dứt khoảng 20 năm rồi. Đò ngang hồi đó có gan lắm cũng đưa qua sông chừng một, hai chiếc xe đạp. Còn bây giờ với chiếc trẹt này cùng lúc có thể chở 10 chiếc Honda, qua lại liên tục”.
Sau năm 1985, từ xã Thanh Tân đến chợ Trường Thịnh rồi qua UBND xã Thạnh Ngãi, dòng xe cộ đi theo con lộ Thanh Tân rộng 4 mét, dài 9 km, thật thông thoáng. Những con đường vườn ngoằn ngoèo, lầy lội ngày xưa đã thật sự đi vào dĩ vãng. Ở ngôi chợ Trường Thịnh hôm nay, đối diện với hai nhà lồng chợ là hai dãy phố khá khang trang, các hộ ở đó tận dụng mặt bằng của nhà mình bày bán hàng hóa, sinh hoạt êm đềm.Tuy nhiên, nhìn ngôi chợ mới Trường Thịnh và đường nông thôn dẫn vào đây, tôi nhận ra là không gian ở đây thiếu ánh đèn khi về đêm. Một công dân tại ấp Chợ Mới nói với tôi:”Về đêm, trên những con đường nông thôn tối thui như vậy đã xảy ra chuyện giựt giọt, xin đểu người qua đường”. Vấn đề này, thiết nghĩ, Nhà nước và nhân dân cùng ngồi lại để tìm ra biện pháp hữu hiện mà trước hết là cần có những ánh đèn treo trên đường.

Ngang dọc xã Thạnh Ngãi-một địa bàn sông rạch cắt chẻ như bàn cờ tướng- tôi được biết nơi đây có trên 40 cầu nông thôn, đó là chưa kể còn nhiều cây cầu ở trong sâu. Với những chiếc cầu trên cùng hệ thống đường giao thông nông thôn liên ấp, liên xã thông suốt, giờ đây, tất cả xe gắn máy hai bánh đều có thể về đến sân nhà. 

No comments:

Post a Comment