Bùi
Thanh Kiên
Quỹ thời gian không còn nhiều. Già
rồi, khi nhớ khi quên. Tôi vẫn còn nhớ và tâm đắc nhất câu thơ của Hồ Văn Hảo,
tác giả tập THƠ Ý:
“Sắp xa đời, tôi lại thấy yêu đời”
Đối với tôi hiện nay, cái gì cũng
thấy thân quen, cũng đáng lưu giữ trong tâm hồn. Và có nhiều việc phải kể ra
cho nhau nghe để tìm chút cảm hoài. Ngồi đây mà tâm hồn mong vọng mãi tận đâu
đâu, bất giác ngùi nhớ lại “những ngày
xưa thân ái” nên “mài nghiên mực cũ, giở tờ sách xưa” để khơi dậy chút dư hương trong nghề gõ đầu trẻ khi chân ướt chân ráo bước vào đời cách nay những hơn
nửa thế kỷ.
Đời muôn vạn nẻo nên mỗi lối vào đời
đều “có trăm lần vui, có vạn lần buồn”.
Ở Trường Trung học Kiến Hòa, có một
số anh chị em chúng tôi bước vào ngành giáo dục với một chức danh ngồ ngộ:
“giáo sư tư nhân dạy giờ”. Mà gần như toàn quốc, trường nào cũng có thầy cô
dạng đó vì vào thời điểm này, việc đào tạo giáo sư chánh ngạch của Bộ Giáo dục
chưa đáp ứng nổi nhu cầu nhân sự cho các trường trung học đang phát triển rầm
rộ. Chúng tôi là những thầy cô đến dạy lớp không qua đào tạo của ngành sư phạm.
Đó là cách tạm “dừng bước giang hồ” để rồi lặng lẽ, lầm lũi đi nốt lối mòn
trước mặt hay bước vào ngã rẽ của nẻo đời vô định còn lại. Đó là những người
chờ đợi để chọn một hướng đi khác cho thích hợp nguyện vọng mình hơn. Còn lại
một số anh em, trong đó có tôi, chấp nhận nghề dạy học như “cái nghiệp dĩ” và
đeo miết cái nghiệp đó dầu có tiếp tục học thêm nữa hay không. Đó là cái nghề
ông bà cô bác đi trước đã nói:
“Dưa leo chấm với cá kèo,
Bởi
con nhà nghèo, đi học noọc-man.”
École
normale là trường sư phạm, École normale supérieure là trường đại học sư phạm.
Sau này, Sài-Gòn mới mở ĐHSP vào cuối thập niên 1950. Trước đó, Tây chỉ mở
trường Cao đẳng Đông Dương tại Hà Nội. Thôi, được hân hạnh gia nhập hàng ngũ
“làm thầy” dầu là thuộc đẳng trật nào thì cũng là niềm vui lớn lao rồi.
Tụi tui cũng đông, lực lượng cũng
hùng hậu, mấy chục mạng lận, nam có nữ có, trong tỉnh có, ngoài tỉnh cũng có,
có khi có người ở mãi tận “Xì-Gòn” cũng xuống gia nhập hàng ngũ chúng tôi.
Chúng tôi gọi nhóm này là gờ-rúp ô-re (groupe horaire: nhóm dạy giờ), lâu lâu
nói tiếng Tây tiếng U một chút cho oai!
Bên nam thì huynh trưởng là anh Mai
Văn Liêm; bên nữ thì chị Tô Thị Lễ được tôn làm “đại ca”. Nhỏ hơn một chút thì
có các anh Huỳnh Ngọc Diêu, Liêu Văn Được, Nguyễn Văn Các, Đỗ Quang Triêm,
Nguyễn Văn Bình (tục gọi là Bình râu, người Long An), Cao Văn Phước, Lưu Văn
Của, Trần Công Danh, Nguyễn Chơn Nhơn, cá nhân tôi và một ít anh em khác nữa.
Bên nữ thì có chị Nguyễn Thị Đang, chị Hồ Thị Uyển, chị Lữ Thị Đoàn, chị Phạm
Thị Hạnh, chị Nguyễn Thị Phương Lan... Đó là giai đoạn đầu, bắt đầu từ năm học
1961-1962. Sau này, mỗi năm nhà trường lại tuyển dụng thêm một số anh chị khác.
Lương
bổng hằng tháng của chúng tôi không đến nỗi tệ nhưng không đều đặn. Có tháng
vầy tháng khác, đúng là “khi trồi khi sụt”. Tôi còn nhớ rất rõ giá biểu giờ dạy
lúc đó. Dạy ở bậc trung học đệ nhất cấp, trong mười giờ đồng hồ đầu tiên, chúng
tôi được hưởng giá 104 đồng/giờ. Số giờ còn lại, chúng tôi được tính 80
đồng/giờ. Ví dụ anh A dạy 18 giờ mỗi tuần thì trong một tuần, anh được hưởng:
-(104đ
x 10) + (80đ x 8) = 1.040đ + 640đ= 1.680đ
Tháng nào có 4 tuần thì anh A lãnh:
1.680đ x 4 = 6.720đ
Tháng có 5 tuần thì tiền lương anh A
sẽ là: 1.680đ x 5 = 8.400đ.
Gặp những tháng nghỉ nhiều như tháng
cận Tết, tháng cuối của năm học chỉ có vài ba tuần thì chúng tôi cũng phải
chịu. Còn trong lúc học sinh nghỉ hè thì bọn tôi nhóc mỏ cá kèo vì “khô máu”.
Sự vụ lệnh tuyển dụng giáo viên dạy giờ có từ đầu năm học và Văn phòng Hiệu
trưởng phân bố số tiết dạy/tuần. Lương bổng đợt I của chúng tôi được phát lúc
gần Tết. Lãnh hai ba tháng dồn lại một
lần, chúng tôi được một thuở phong lưu. Nhưng, nói theo kiểu nông dân, mưa rào
một trận dữ dội không làm nước nổi ỉnh oi mà chỉ làm mát mình và vì nắng lâu
nên đất nứt nẻ, bao nhiêu nước mưa đó theo lỗ nẻ mà chảy tọt đi mất! Tiền lính
thì tính liền, còn lương tiền của chúng tôi cũng vậy, chẳng mấy chốc rồi cũng “
hồ bao lép xẹp”. Đi coi thi, chấm thi, chúng tôi cũng được hưởng quyền lợi như
mấy anh chị chánh ngạch: giấy lộ trình (feuille de route), ngày công coi hoặc
chấm thi, mười một đồng hai cắc mỗi bài chấm; coi thi xa thì có cả vé tàu xe,
có khi có cả vé máy bay.
Lúc
đó, lương bổng như vậy cũng không đến nỗi tệ. Giá sinh hoạt lúc đó còn rẻ. Buổi
sáng, ăn một tô hủ tíu chỉ tốn 5 đồng, uống ly cà phê đen, chú Sáu Đáo tính 1
đồng rưỡi, ly cà-phê sữa là 2 đồng; đổ xăng cho xe Honda tốn 7đ/lít, còn xăng
pha nhớt cho chiếc xe Mobylette chỉ tốn 8 đồng. Tiền mướn một phòng nhỏ ở để đi
dạy chỉ tốn 120đ/tháng; ăn cơm tháng chỉ tốn 240đ/ tháng.
Cuộc sống bình yên của những kẻ
“cùng một kiếp bên trời lận đận” lặng lẽ và chậm chạp trôi đi như vậy. Con
người ta khi “xu hào rủng rỉnh” thì chú Mán cũng có phong thái của một ông vua
nho nhỏ:
“Khi cà-phê, khi thuốc lá, khi nước đá, khi
đủng đỉnh ngồi xe.”
Mới bước vào nghề thì còn bợ ngợ,
nhưng rồi “thuốc dạy thầy, cây dạy thợ”. Hơn nữa, có những bậc đàn anh, đàn chị
trong nghề lúc nào cũng ở bên cạnh, sẵn sàng ra tay hướng dẫn và giúp đỡ. Anh
chị em dạy cùng trường sống với nhau rất thân ái. Nhờ đó, chúng tôi thấy quen
dần nề nếp và thích nghi với khuôn mẫu của nghề nghiệp.
Tình nghĩa thầy trò vẫn đong đầy và bền chặt hơn theo
năm tháng và tay nghề cũng càng ngày càng vững vàng hơn theo từng bước thời
gian. Thời xưa sao giáo dục nghiêm quá! Lớp nào cũng vậy, từ khi thầy cô bước
vào, lớp học im phăng phắc, con ruồi bay ngang cũng nghe. Ra khỏi khuôn viên
nhà trường, các học sinh lớn, cỡ lớp đệ tam, đệ nhị (lớp 10, 11 bây giờ) khi
gặp bất kỳ thầy hay cô giáo nào cũng đều phải dụi điếu thuốc khi lỡ cầm trên
tay. Nếp sống tình cảm, sự tôn trọng đó vẫn còn lưu giữ lại đến ngày nay dầu cả
thầy trò đều già cả hết rồi. Cuộc sống đầy ắp tình nghĩa của học trò, sự giúp
đỡ đùm bọc của các bậc anh chị trong nghề đối với chúng tôi sao sâu đậm nồng
nàn quá. Tôi nhớ rất kỹ năm 1972, có lần chiếc xe Mobylette xanh đèn vuông của
tôi bị “cầm nhầm”. Vì thương tôi phải “lặn lội thân bò” làm cua-rơ đường
trường, vừa ra khỏi Tân Dân, lại bươn bả về Công lập, lên Phan Tôn dạy 13g rồi
trở lại lại lớp đêm của anh “Năm Công” lúc mặt trời chen lặn, các anh Dương Văn
Hai , Nguyễn Văn Tòng và Văn Ngọc Khôi kêu gọi anh em đồng nghiệp quyên góp
tặng tôi món tiền tôi không nhớ bao nhiêu nhưng đủ sức mua chiếc Honda dame
mới. Ba ngày sau, tìm lại được xe và tôi theo danh sách để tới nhà hoàn lại
tiền và cảm ơn từng người giúp đỡ. Chuyện này, bên phía mấy chị không biết, vì
chỉ quyên góp trong “thế giới nìn ông”. Những hình ảnh đẹp đẽ và quá khứ vàng
son của thời xa xưa ấy luôn lẩn quất bên tôi. Sau 1-5-1975, đa số chúng tôi
phải rời trường. Thôi, xa thật rồi, lòng man mác rười rượi nỗi bâng khuâng, tôi
lẩm nhẩm mấy câu thơ của anh Huỳnh Ngọc Diêu:
“Thôi bỏ đó, ngôi trường hoa phượng đỏ,
Hành
lang dài, ôi thương nhớ mông mênh,
Thôi
bỏ đó, học trò dăm đứa nhớ,
Vài
đứa thương và vạn đứa vô tình.”
Thơ đơn sơ vậy mà thấy hay, thật là mênh mông nỗi nhớ
khi biết mình không còn giữ mãi được hình bóng thân yêu của một thời.
Năm
1982, tôi lại “tái xuất giang hồ” với danh nghĩa “Pháp sư” (thầy giáo dạy tiếng
Pháp), có dịp trở về Trường Trung học Kiến Hòa ngày xưa để chấm thi. Cảnh cũ
còn đây, hàng cây si giữa sân, cây sộp trước phòng đánh máy dãy lầu A, cây nhàu
còi cọc ở ngay trước hố nhảy tập thể dục trước Phòng Giám thị. Kẻ mất người
còn, lòng tôi thấy tràn ngập nỗi niềm hoang vu khó tả:
“Chân bước ngậm ngùi đường lối cũ,
Lòng
nghe hoang vắng bướm hoa xưa.”
Thời gian qua mau quá ! Bao năm rồi như giấc mộng.
Chỉ còn lờ mờ trong tâm tư vài hình ảnh rất vui tươi. Trước hết, tôi xin lỗi
các bạn có liên quan là chỉ nhắc qua mà không giải thích. Ai có thắc mắc thì cứ
tìm tới chủ nhân để hỏi. Đó là món xúp si-noi (soupe chinoise: hủ tíu) ở một
nhà hàng sang trọng trên đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn; chữ Mã y; cụp lạc nhất là
“cuộc chiến vùng vịnh” xảy ra chớp nhoáng không đầy một phút ba mươi giây giữa
hai người bạn thân là Trần Công Bình và Bùi Thanh Kiên năm 1972 chỉ vì nói lái.
Quyển sổ ghi đời của tôi cũng sắp sửa khép lại rồi,
không biết chừng nào đây! Nhưng cái gì cái, tôi cũng vẫn lạc quan yêu đời tới
phút cuối cùng của cuộc sống. Nhớ thuở nào, thầy hay cô giáo trẻ ngại ngần,
ngượng ngùng nữa là khác, bước qua ngưỡng cửa vào lớp dạy ở độ tuổi đôi mươi mà
giờ đây đã là người lưng còng gối mỏi. Có những anh chị đã vĩnh viễn xa đời
trong lòng tiếc thương vô hạn của bạn lứa và học trò. Người còn ở lại, sống lâu
chỉ làm khổ cho cái thân già vì những mối dây liên hệ tình cảm của chính mình
với bạn bè bị mòn, đứt lần lần và người sống dai nhất sẽ mang tâm thức của tên
tử tù bị lưu đày vào vùng đất xa lạ - nơi mà không ai biết mình là ai!
Thôi, đời là như vậy, rồi đây mọi thứ chỉ còn lại
trong ký ức. Nhưng, đã sống thì sống cho đàng hoàng, nghĩa là sức khỏe phải
tốt, theo dúng nghĩa chữ “thọ nhi khang”
(tạm dịch: sống dai như đỉa nhưng còn đủ xí quách). Đừng sống kiểu chợt buồn
chợt vui, “thương thương nhớ nhớ, mơ mơ hồ hồ”.
Cũng rất có thể lúc ngồi một mình lại bỗng dưng nhớ lại một hình bóng
thân thương nào đó trong quá khứ nên bất giác nhoẻn miệng cười nhưng khổ nỗi,
nụ cười nở chưa trọn vẹn thì hình bóng đó lại vụt phai mờ ngay trong tâm tưởng
vì lẽ thần trí của mình đã khi nhớ khi quên. Báo hại lúc đó, mình lại ngẩn tò te,
chẳng hiểu mình đã vì lý do gì mà ngồi cười lỏn lẻn một mình! Thật là vô duyên
tới độ thấy ghét quá chừng chừng.
No comments:
Post a Comment